Nhật Ký Vùng Tâm Chấn Chương 2


Chương 2
Diễn biến phức tạp

Ngày 9/3

Lúc gần trưa, chồng gọi bảo làvừa động đất đấy, có thấy rung rinh không, ôi chuyện thường ngày ở huyện, lên FB bạn bè hỏi thăm nhiều quá. Thấy thông báo cường độ 7,2 Richter trên TV, chắc đây là trận động đất lớn theo chu kỳ 30 năm như người Nhật vẫn dự báo đây.

Ngày 11/3

Sáng nay ngủ dậy thật muộn, sao im ắng thế, chồng đâu rồi nhỉ, sau vài giây buồn ngủđã kịp nhớ ra hắn đã lên trường, uh thôi lên sớm màvề chuẩn bị cỗ bàn ngày mai chứ. Chà chà… Nghĩ đến bữa tiệc ngày mai đã thấy mệt đây, 5 người, toàn đànông và người Nhật, lại toàn khách “quý” của ông chồng nữa chứ. Cũng may mắn làm sao tối qua đi dạy tiếng Việt, chị học trò của mình đã tư vấn cho một loạt các thực đơn phù hợp với khẩu vị người Nhật, thức ăn đã mua chất đầy một tủ lạnh, bây giờ ngâm ít gạo đỗ chuẩn bị cho nấu xôi vò hạt sen thôi. Một buổi sáng thanh bình! Đọc nốt bài báo đã in ra, kiểm tra nốt giấy tờ cho giáo sư ký, đầu tuần sau phải nộp vì hạn cuối rồi. Nhiệm vụ của mình giờ là ngồi nhà và chờ thùng hàng mà dì L đã mang tận sang Nhật và gửi bưu điện cho. Vậy là mai sẽ có bánh đa nem, bánh phở Việt Nam đãi bạn đây. Truyen8.mobi

Ăn trưa xong vẫn không thấy hàng đâu. Đến giờ đi câu lạc bộ tiếng Anh với một người bạn rồi. Tự dưng mấy hôm nay cứ thấy động đất suốt, nên chủ đề câu lạc bộ hôm nay là động đất, có một điều hay là hôm nay mình đã phân biệt được 2 từ chỉ mức độ động đất: magniture and seismic intensity (shindo). Cũng hay, kết thúc lớp, mình đi COOP nào, hỏi thăm về giá vé máy bay cho 1 cô bạn trên Tokyo, COOP của trường tiện thật, có rất nhiều thông tin giá vé rất rẻ cho sinh viên, bạn tốt nghiệp lên Tokyo làm việc rồi mà vẫn phải gọi vềđây hỏi giá vé.

Xong xuôi rồi, thôi lên tầng 5 gặp Giáo sư. Có lẽ đây là lần cuối gặp Giáo sưở văn phòng này. Chắc tuần sau sẽ chuyển sang Katahira campus, một campus mới rộng rãihơn, chứ tòa nhà 5 tầng cũ rích này mỗi lần leo lên leo xuống là thở phì phò. Vào toa lét đã nào, vẫn hơi sớm. Tự dưng thấy rung rinh, càng lúc càng lắc mạnh, tôi ngồi thụp xuống dưới, lấy ngay túi xách bảo vệ đầu, nhưng quan sát hai bên… Thôi chết! Tình đang ở dưới một tấm gương, sàn vẫn cứ lắc nhưng tôi ngồi xuống và lao ra phía gần cửa. Trời ơi sao tòa nhà nhảy disco à, mọi lần một tílà dừng mà! Không xong rồi, ra khỏi đây thôi! Hồi đi học phòng chống động đất đã được dạy là tránh xa gương kính và có thể cánh cửa sẽ bị kẹt không thể ra được. Lao ra ngoài hành lang, tòa nhà rung lắc điên cuồng, nhìn lên trần xem nào, liệu tôi có chết ởđây không nhỉ. Hành lang dài không một bóng người. Trời ơi! Sao mọi người đi đâu hết rồi, không thấy ai chạy ra cửa, mọi cánh cửa đều im ỉm!

Trời ơi, dừng lại đi! Sao mãi không hết lên cơn thế này! Tòa nhà như một ban nhạc rock nhảy điên cuồng. Chưa bao giờ tôi gặp một tình huống thế này. Liệu có khi nào nó không dừng lại không? Tôi có chết một mình nơi đất khách quê người thế này không, trong khi ước mơ cháy bỏng vẫn còn dang dở? Dừng lại một giây, rồi chạy. Đến tầng 2, thấy bộn bề giá sách. Sách vở của một văn phòng đổ ào ra hành lang. Có người rồi, tôi nhìn thấy người rồi!

Hóa ra không phải một mình tôi ở trong tòa nhà này, daizobu (ổn) chứ. Mặt mũi ai nấy tái xanh. Thôi chết 3h rồi! Cứ phải lên tầng 5 xem Giáo sư thế nào đã. Tôi lại lao lên đến tầng 4. Trời ơi, gì thế này! Tòa nhà lại tiếp tục rung lên bần bật. Tôi bị lắc không thương tiếc. Ngồi đây hay là phi xuống, lúc đó cái cảm giác muốn sống lại trỗi dậy mạnh mẽ, tự dưng lại chết thế này sao! Cố lên, phi xuống. Ra đến cầu thang thoát hiểm, gặp các bạn người Nhật cũng đang chạy ầm ầm xuống. Chạy nào, chân tay run bần bật, tim đập loạn xạ. Đây rồi! Đông người quá, hóa ra mọi người cũng chạy được hết xuống rồi. Mặt đất vẫn rung rinh, từng tòa nhà rung lắc. Tòa nhà khoa tôi kia rồi, chạy sang chỗđó xem mọi người ra sao.

Ôi may quá, có vẻ như không ai bị sao cả. Một nhóm nhân viên của trường đã hướng dẫn tất cả mọi người đang ở campus di chuyển ra Hagi hall. Đứng trên một khoảng đất trống và rộng, lại vẫn rung rinh, mọi người bảo dư chấn đấy, không sao đâu. Từng tòa nhà vẫn rung bần bật, ai cũng cầm điện thoại trên tay, tôi cố gắng liên lạc với chồng, liên tục, nhưng không có tín hiệu. Gặp chị L đây rồi, may quá, hai chị em mừng rỡ, dù gì cũng có 2 người Việt. Giáo sư của tôi cũng đứng gần đó. May quá, không ai bị làm sao.

Sau gần một tiếng, có hiệu lệnh quay trở lại phòng nghiên cứu lấy đồ và tự di chuyển về nhà.

Mặc dù thỉnh thoảng có vạch sóng điện thoại nhưng gọi mãi không được. Sao gọi ai ở trên Aobayama Campus cũng không được nhỉ? Gọi về khu nhà mình đang ở xem nào, toàn bà mẹ trẻ em không biết có sao không, mà mãi không được. Chị L bảo không sao đâu, sóng kém một tí rồi lại được ấy mà, quay về nhà em có khi nguy hiểm hơn ấy chứ.

Một số sinh viên về nhà luôn. Hai chị em lên lab. Đổ vỡ ngổn ngang, giấy tờ sách vở trên giá rơi lung tung không thể phân biệt được của ainữa. Máy photocopy trước ở sát tường, giờđã dịch chuyển cách tường khoảng 1m. Tôi đi vào khu bếp giặt khăn lau đồ, toàn bộ đồ đạc trong tủ bếp đã rơi vỡ hết. Các bạn khác chỉ lên lấy túi đồ rồi về. Còn tôi và chị L dọn dẹp bàn làm việc. Ngoài trời tuyết bắt đầu rơi, càng lúc càng nhiều, chỉ trong thời gian ngắn đã trắng xóa khoảng sân, đất trời hôm nay làm sao thế nhỉ! Thôi thì chắc cũng chỉ là một ngày xấu trời đến vậy, động đất và tuyết rơi.

Vẫn chưa thể liên lạc được với chồng. Cảm giác bất an khó tả xâm chiếm lấy tôi. Tôi thấy hối hận quá! Lúc 2h30 chồng gọi điện, tôi lại vội, chỉ kịp nói một câu là: “Anh gọi lại sau nhé, em đang bận chút việc.” Nhưng chị L vẫn thật bình tĩnh, và chị đang sống một mình thế này, dù gì tôi cũng phải đi với chịchứ.

Gần 7htối 11/3, sau một hồi đi bộ tìm trường tiểu học, chị L chắc chắn đây là trường tiểu học, và mình có thể trú ẩn ởđó. Nhưng ngoài cổng có ai đâu, không khí thì rất trật tự. Tôi vẫn đi vào theo chị, khoảng 100m thì đến tòa nhà hội trường khá rộng. Mở cửa bước vào đã thấy rất đông người, có lẽ khoảng mấy trăm người rồi, tất cả đều ngồi trên ghế hoặc trải bạt ngồi ngay ngắn, quàng chăn ngồi rất trật tự và yên lặng. Có những tiếng trò chuyện thì thầm nho nhỏ nhưng đều toát lên một vẻ trật tự. Sau một lúc, hai chị em cũng tìm được một chỗ ngồi nhờ vào một tấm bạt của một đôi bạn trẻ. Vì thiếu kinh nghiệm và cũng không trở về nhà được nên chúng tôi không mang theo tấm chăn hay miếng bạt nào. Chị L vẫn liên tục nghe radio và cập nhật tin tức. Những tin tức vẫn chung chung, chủ yếu nói về vùng nào bịảnh hưởng, chưa cósố liệu cụ thểvề số người thương vong, chết.

Nhận được tin nhắn của chồng rồi, ơn trời, nhưng mãi mà không thể nhắn lại thế này. Tôi muốn nhắn để chồng biết tôi không thể về được vào lúc này, và cũng có chị L làm bạn rồi.

Ngồi một lát lạnh quá và cũng đói bụng, thấy xung quanh mọi người xách các gói đồ ăn từ ngoài vào, hai chị em quyết định đi ra ngoài tìm xem sao. May sao đối diện trường tiểu học là một siêu thị “Lawson” nhỏ. Hai chị em hăm hở chạy sang. Mất điện tối om, nhưng họ vẫn thắp nến bán hàng. Sao đông quá! Một dãy hàng dài xếp hàng. Hai chị em cũng xếp vội, các kệ hàng trống trơn. Đây là lần đầu tiên sang Nhật tôi nhìn thấy những kệ hàng như vậy. Dù sao hai chị em kiếm được một ít hàng rồi, cơm khô và mì gói, một ít socola nữa, rồi lại hòa vào dòng người đang xếp hàng chờ thanh toán. Mọi người mua rất nhiều thứ đồ ăn khô, quầy tính tiền phải tính bằng máy tính thường, không có điện máy tính tiền không hoạt động được. Chúng tôi mua hết 920 yên, tôi trả 1000 yên và nhận lại 100 yên. Ra khỏi cửa hàng, mặc dù vẫn chưa hết bàng hoàng dư âm của trận động đất vừa qua, tôi vẫn thấy lạ kỳ. Sao họ lại xếp hàng trật tự như vậy?! Camera thì không hoạt động, cũng chẳng có nhân viên nào đứng canh cửa, bất cứ ai cũng có thể vào cửa hàng lấy một số đồ và đi ra, vậy mà dòng người cứ thế tiến về phía trước, xếp hàng mua đồ ăn rất lặng lẽ, trật tự… Lại thêm một điều khó hiểu vềnước Nhật.

Quay trở về chỗ ngồi cũ, vẫn còn nguyên vẹn không ai chiếm mất, tôi lặng lẽăn, lặng lẽ nghe radio. Món cơm nguội trộn canh trà sữa thật không thể nào quên. Trời tối mò, nhưng hai chị em vẫn cố chụp vài bức ảnh. Mặc dù không nhìn thấy gì nhưng vẫn ước lượng trúng người, thế cũng tốt quá rồi. Liệu có ai vô tư như vậy không! Có biết đâu ngoài kia, khu biển Sendai, nơi mùa hè tôi vừa đi biển, vui đùa với các bạn, những ngôi nhà xinh xắn đã bị cuốn phăng không thương tiếc, những con người ven biển đó đang bị chôn vùi trong con sóng thần hung dữ, khu cảng cá Sendai nhộn nhịp là thế giờđi đâu vềđâu…

Đêm 11/3 lạnh quá chịơi, trời âm mấy độ thế này mà không có lò sưởi. Hai chị em ra ngoài và nhìn hai bếp lò, xung quanh là một vòng tròn mọi người đang đốt lửa sưởi. Gia nhập thôi! Họ đốt bằng củi. Chà hay quá nhỉ, sao họ lại có cái lò như vậy.

Tôi hỏi thăm và được hướng dẫn là ngoài tòa nhà hội trường, 3 tầng tòa nhà còn lại phòng học đều có thể ở được. Tất cả các phòng đều lặng lẽ và rất trật tự. Dùng đèn điện thoại soi ô cửa kính các phòng học thấy phòng nào cũng đều rất đông người nhưng tất cả đều trật tự, chỉ có những tiếng thì thầm khe khẽ phải để ý kỹ mới thấy.

Không gian lặng lẽ, lên đến tầng 3, phòng cuối cùng của dãy là thư viện. May quá! Có vẻấm hơn bên dưới và vẫn còn chỗ. Hai chị em nằm trên 3 chiếc ghế ghép lại, radio bật suốt đêm, cái lạnh buốt xương.

Một lúc sau, không chịu nổi cái lạnh, hai chị em lại quay lại bếp lửa sưởi dưới sân trường. Đứng trên tầng 3, tôi đã phát hiện ra xung quanh đây cũng có rất nhiều những bếp lửa đốt lập lòe như vậy. Giờ thì tôi đã hiểu. Thật bài bản quá, họ đều làm theo một hướng dẫn nhất định.

Một đêm trắng trong cái lạnh buốt, trong tiếng radio chập chờn, trong cái cảm giác bất an vô cùng. Không biết giờ này chồng đang làm gì, bạn bè thế nào nhỉ? Cứ thỉnh thoảng căn nhà lại rung lên bần bật, mọi người đều bình tĩnh vì đã được học rằng đó là những dư chấn của một trận động đất mạnh mà thôi. Tất cả đều nằm im, căn phòng im phăng phắc.

Đến giờ tôi vẫn không thể tin được là sau mấy phút động đất, chúng tôi lại lâm vào cảnh vô gia cư thế này.Truyen8.mobi

Ngày 12/3

Sáng: điện thoại đã có thể liên lạc được, đã có thể nói chuyện được với chồng. Vậy là dù gì cũng thở phào nhẹ nhõm.

Hóa ra ngay gần nhà tôi có trại tịnạn. Tình hình có vẻổn hơn ởđây. Tôi và chị L quyết định đi bộ vềtrường lấy xecủa chịvề khu nhà chúng tôi ở.

Mọi người đã tập trung ởđây đông quá. Mọi chuyện có vẻổn rồi đây. Người Nhật ởđó chuẩn bị đầy đủ đồ ăn và máy sưởi dầu, máy phát điện. Họ cung cấp cho cả những người nước ngoài tị nạn ở đấy. Hai chị em nằm ngủ một chút. Ởđây gần nhà, mọi người đều mang chăn đệm ra được. Qua một đêm trắng, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, cứ hy vọng rằng sau khi ngủ dậy thì mọi chuyện vừa xảy ra chỉ là một giấc mơ mà thôi.

Sáng hôm đó, chúng tôi tập trung hết mỳ tôm và thực phẩm lại. Mọi người ở xa khu Hachiman về nhà lấy chăn mền, đón thêm một số bạn nữa ở các khu trại tịnạn gần đó đến khu này trú nạn. Nhà tôi ở tầng 1 đã vô tình trở thành trung tâm chứa đồ. May sao cái tủ lạnh mới đã chất đầy thức ăn cho bữa tiệc, vậy là đủ chất đạm rồi.

Chỗ chúng tôi trú nạn là một nhà thi đấu bóng đá trong nhà. Hay quá!Anh em lôi bóng ra đá nào! Chiều hôm đó, mấy anh em cùng chơi bóng. Chả là Hội sinh viên thanh niên vùng Tohoku có một đội bóng rất chuyên nghiệp, chúng tôi có cả áo đồng phục, cứ hết mùa đông là một mùa bóng sôi nổi sẽ bắt đầu. Mọi người vừa đá vừa trêu nhau rằng đây là trận mở màn mùa bóng năm nay đây. Tất cả đều nghĩrằng điều kinh khủng nhất đã qua và chúng ta đã được an bình.

Đến chiều tối chúng tôi đã có thể liên lạc điện thoại được nhiều hơn. Từ hôm qua tới giờ toàn ăn mỳ gói và đồ lung tung. Thế là tối 12, tôi quyết định nấu cháo cho cảnhà ăn.

Đêm: ngủ chập chờn trong những cơn dư chấn động đất. Thỉnh thoảng mặt đất lại rung chuyển. Tôi đã chấp nhận đây là sự thật. Như vậy trận động đất lớn nhất ở Sendai thỉnh thoảng lại được Chính phủ cảnh báo đã xảy ra. Vẫn chưa có internet, chưa có điện, tin tức chủ yếu vẫn là từ những tờ báo hàng ngày, từ radio. Công nhận họ làm bài bản, khi thảm họa xảy ravẫn cung cấp đủ thông tin cho người dân. Cả nhóm người Nhật tị nạn bật cả tivi xách tay và radio để nghe thông tin. Một tin rất mới mà trước đó chúng tôi không hề biết: lò phản ứng số 1 nhà máy điện hạt nhân Fukushima (thành phố bên cạnh) đã xảy ra một vụ nổ lớn.

Ngày 13/3

Sáng: các anh em quyết định xếp hàng đi mua đồ, chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm đến một siêu thị và mua đồ ăn về tích trữ cho mấy ngày sau nữa. Tôi đã được chứng kiến một câu chuyện rất cảm động về nhóm chị L và emK mà chắc rằng tôi sẽ không thể nào quên được. Số là chỗ khu nhà tôi ở có một em bé người Việt cần mua sữa. Chúng tôi xếp hàng mua đồ ăn dự trữ và tranh thủ mua luôn sữa cho cháu. Khi mang hộp sữa ra thanh toán, vì không có điện, nên nhân viên bán hàng không thể sử dụng máy đo mãvạch để biết được giá tiền của nó. Thật bất ngờ, người bán hàng bảo với chị L và em K rằng cứ mang hộp sữa về cho đứa trẻăn trước và lúc nào thuận tiện thì mang vỏ hộp đến thanh toán sau. Điều này hoàn toàn trái ngược với phong cách làm việc theo nguyên tắc nghiêm ngặt hàng ngày thường gặp ở người Nhật. Nhìn hộp sữa mà một cảm giác xúc động dâng trào trong chúng tôi.

Buổi sáng hôm đó còn có một câu chuyện không thể nào quên đối với riêng gia đình chúng tôi. Khoảng 10h sáng, lúc đó chồng tôi đi xếp hàng siêu thị để mua đồ dự trữ. Còn tôi ở nhà lo cơm nước chuẩn bị bữa trưa cho mọi người. Đang chuẩn bị đồ nấu ăn, có tiếng chuông gọi cửa. Tôi nhìn thấy một chàng thanh niên người Nhật gương mặt mệt mỏi. Đang trong trạng thái sốt, mất vài giây định thần tôi mới nhận ra đó chính là Tomi � một người bạn cùng phòng nghiên cứu của chồng tôi. Anh đã tốt nghiệp hồi tháng 10 năm ngoái, và nhân dịp đó chúng tôi đã tổ chức một bữa tiệc nhỏ với món ăn Việt Nam chia vui với anh. Anh nói điện thoại không thể liên lạc được nên đến hỏi thăm về chồng tôi, về tình hình chúng tôi trong trận động đất vừa qua. Sau vài phút biết chúng tôi ổn và tạm trú ở trại tịnạn gần nhà, chỉthỉnh thoảng mới đảo qua nhà, anh trao cho chúng tôi một túi đầy chuối và nói rằng thực phẩm khó khăn, chúng tôi hãy cố gắng nhé. Tôi lặng người, không biết nói gì hơn, sau đó ít phút tôi mới hỏi thăm xem anh thế nào, anh sống ở xa nơi tôi, anh đi xe đạp đến, anh nói mọi chuyện vẫn ổn, anh không ở trại tịnạn mà vẫn ở trong căn hộ của mình. Tôi hỏi anh về thực phẩm và đồ sưởi, anh nói đừng lo, anh có đủ đồ ăn và không bị cảm lạnh đâu. Sau đó anh đạp xe đi, nhìn theo bóng anh và nhìn túi chuối đầy, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp lạ kỳ, tôi muốn khóc…

Tình người trong lúc hoạn nạn sao quý thế.

Chiều: một buổi chiều yên lành và người Nhật đã khuyên các sinh viên Việt Nam có thể về nhà ngủ tối nay. Cả bọn thở phào nhẹ nhõm, có vẻ mọi chuyện sẽdần dần ổn hơn rồi. Chúng tôi vui vẻ thu dọn chăn mền, đồ khô về căn phòng nhà mình. Địa điểm tịnạn mới. Tối nay có internet rồi, tôi vẫn bị sốt do cảm lạnh từđêm trắng hôm trước. Chị L đánh gió cho tôi. Tự dưng trong lúc thế này cả hội lại ngồi tụ tập được với nhau… Cứ nhưđi cắm trại ấy. Mọi người tranh thủ có Internet, mỗi người một máy tính, rồi gọi điện, rồi nhắn tin thật rôm rả. Tivi bật thật to để nghe thông tin cho đã. Vì không thể gọi, tôi tranh thủ nhắn tin, viết thư hỏi thăm tất cả những người bạn chưa liên lạc được và chờ đợi tin tức của mọi người.

Bỗng dưng đến khoảng 8h tối, em P.A lại nghe nói nhà máy điện Fukushima Daiichi đang trong tình trạng nguy hiểm hơn. Thật trùng hợp! Chiều nay đã có hai người bạn chạy trước lên Yamagata rồi. Cả bọn lại tiếp tục lo lắng. Một cuộc họp được tổ chức khẩn cấp ở nhà tôi. Sau một hồi cả nhóm quyết định ở lại và vẫn giữ liên lạc với Đại sứ quán, với Vysa Việt nam, và vẫn chuẩn bịsẵn sàng hành lý trong trường hợp phải di tản. Vì theo thông tin từ những người bạn nước ngoài, một số đại sứ quán đã di tản hết công dân rồi.

Có lẽ tình hình căng thẳng thật.Tôi và chị L đi ngủ. Các bạn nam ở phía ngoài vẫn thức đêm và ôm máy tính, chờ thông tin mới, các thông tin về lò phản ứng hạt nhân vẫn ồạt.

Lại một đêm ngủ chập chờn và căng thẳng.

Ngày 14/3

Ngay buổi sáng đã có thông tin về lò phản ứng số 1 nổ, và các lò phản ứng số 2 và số 3 cũng đang trong tình trạng có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Đồng thời chúng tôi nhận thêm một tin là trường sẽ cho nghỉ ít nhất là đến cuối tháng 4 để sửa chữa hậu quả của đợt động đất. Cảm giác vẫn như một cơn ác mộng. Mọi việc có vẻ nhưđang rời khỏi tầm kiểm soát của tôi. Việc học vậy là sẽ phải gián đoạn một thời gian.

Sáng hôm đó, một số bạn đã quyết định tự di tản khỏi Sendai và tìm hiểu cách đi ra khỏi thành phố. Tình hình lúc đó rất bi quan vì không cảng và hải cảng đã bị tàn phá toàn bộ, xe điện thì không thể chạy vì mất điện, ô tô cá nhân thì không thể mua được xăng, con đường và phương tiện duy nhất có thểđi được là chuyến xe buýt sang thành phố bên cạnh Yamagata. Tuy nhiên, mọi ngả đường đi tiếp từ thành phố Yamagata như tin báo về là hoàn toàn không thể. Vé máy bay đã được đặt hết cho đến cuối tháng 3, tàu điện không thể hoạt động vì thiếu điện, còn xe buýt cũng hết chỗ. Có nghĩa là có thể thoát khỏi Sendai nhưng tiếp đó là một viễn cảnh màn trời chiếu đất ở thành phố bên cạnh.

Những thông tin đó làm hai chúng tôi không biết nên quyết định ra sao. Chiều hôm đó tôi đã ra bến xe buýt xếp hàng vẫn trong tình trạng sốt cảm lạnh từđêm 11/3. Chồng tôi cũng ra đó sau tôi ít phút. Cảm giác bất an tràn ngập và chúng tôi  quyết định sẽ trở về ngôi nhà của mình, nơi duy nhất mà tôi còn có chút cảm giác an toàn trong thời điểm đó.

Lại tiếp tục thu thập thông tin và chuẩn bị cho một chuyến đi có thể dài hơn và khó khăn hơn suy nghĩ ban đầu.

21h: gọi cho T, một người có kinh nghiệm rất lâu năm sống ở Sendai, vẫn được khuyên nên ở lại.

22h30: vẫn là T, một cuộc gọi đến: “Anh chị thu xếp đi ngay sáng mai với bọn em, phải di tản gấp thôi.”

… “Đi đâu em?”….” “vẫn Yamagata”… “sau đó thì sao?”….“cứđi rồi tính tiếp.”

Niềm tin ít ỏi cũng bắt đầu lung lay. Vẫn có những người quyết định ở lại và chờ đợi. Nhưng ngay cả những người bạn đó cũng khuyên tôi nếu có điều kiện thì nên đi. Tôi nghĩ đến những người bạn, những đứa trẻ nếu ở lại sẽ ra sao, nếu họđi với chúng tôi thì liệu có tốt hơn không, chính tôi cũng không biết và họ cũng không chắc chắn. Đi là tốt hay ở lại là tốt??? Giống như một sự may rủi 50/50. Cuối cùng vẫn cần đến một quyết định cho từng cá nhân, không ai có thểquyết định được cho ai.

23h30: Một quyết định quan trọng được đưa ra. Tôi tin vào kinh nghiệm của T. Đi.

Tôi nhìn quanh căn phòng ấm áp yên bình lúc đó, có lẽ nào lại phải rời khỏi nơi đây mà không biết sẽđi vềđâu. Có thể chỉđêm mai thôi chúng tôi sẽ ngủ ngoài đường ở một thành phố xa lạ trong cái đêm đầy tuyết giá lạnh này. Biết đâu chưa tránh được bụi phóng xạ thì đã bịchết rét ngoài đường.

Tôi chuẩn bịđồ trong cảm giác bất an và luyến tiếc tràn ngập. Biết khi nào tôi mới trở lại nơi đây…

1.00 sáng: lại điện thoại của T: lại thay đổi kế hoạch, phải đi sớm hơn thôi, chậm nhất 4.00 có mặt ở bến xe buýt để có thể kịp xếp hàng cho chuyến đầu tiên vào lúc 7.00. Như vậy làcảnh cái rét âm độ ngoài đường đã đến sớm hơn chúng tôi nghĩ.

Lại một đêm trắng trong sự bất an, liệu quyết định này có đúng không?

Ngày 15/3

4.00 sáng: ra bến xe, đã thấy một dòng người trật tự và lặng lẽ xếp hàng phía trước. Một sự im lặng nặng trĩu trong tâm hồn. Rét. Thậm chí một em trong đoàn đã bắt đầu sốt vì cảm lạnh. Mọi người bắt đầu bàn bạc về kế hoạch và cách thức di chuyển.

7.00 sáng chúng tôi bắt được chuyến xe buýt đầu tiên. Ít nhất là một sự may mắn nho nhỏ. Xe bắt đầu lăn bánh, chạy dọc theo một vài con phố chính, thành phố thân quen vẫn yên bình thế, vài người Nhật đi bộ rất bình thản trên phố. Tự dưng tôi lại muốn xedừng lại, biết khi nào tôi sẽ trở lại nơi đây, một thành phố xinh đẹp với những người bạn hiếu khách đã giúp đỡ tôi. Cảm thấy hổ thẹn với những người bạn Nhật. Nhưng biết sao được, những người thân ở quê đang lo lắng cho chúng tôi.

Đến Yamagata chúng tôi nhận được tin lò phản ứng thứ 2 vừa phát nổ. Những cuộc điện thoại hỏi han những người bạn còn ở lại Sendai liên tiếp được thực hiện.

Nhờ thông tin từ nhóm tiền trạm đi từ chiều hôm trước của P.A, chúng tôi quyết định xếp hàng chờ xe buýt đi ngược lên vùng tây bắc của Nhật (nghĩa là đi xahơn hướng di chuyển cần đi lên Tokyo.) Vì đó là con đường duy nhất thoát khỏi Yamagata. Lại 4 tiếng chờ đợi và cuối cùng cũng lên được xe buýt. Ngồi trên xe buýt, biết tin những người bạn còn ở lại Sendai cũng đã được Đại sứ quán thông báo là trong tối nay hoặc sáng mai sẽ có xe buýt đưa di tản lên Tokyo. Một cảm giác nhẹ nhõm tràn ngập. Vậy là mọi người sẽ cùng được thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Đến được Tsuruoka, đoàn chúng tôi tiếp tục chờ nhóm 10 bạn phía sau. Sau đó chúng tôi nhập thành một nhóm, cảm giác đông vui bắt đầu xuất hiện, nhà ga đông nghẹt nhưng mọi người vẫn xếp những hàng dài theo thứ tự đợi mua vé. Một khó khăn mới xuất hiện, không đủ tiền mặt để mua vé tàu trong khi không thể rút tiền từ ngân hàng vì hệ thống mạng liên ngân hàng bịngưng hoạt động.

Mọi người phải tập trung nhau lại và vét những đồng xucuối cùng để đủ tiền đi đến ga tiếp theo với hy vọng ởđó sẽ rút được tiền để đi tiếp. Thế là hy vọng lên Tokyo vẫn còn xa vời vì không ai dám chắc ở ga tiếp theo chúng tôi có thể rút được tiền để mua vé đi tiếp.

Chúng tôi lại đứng chen chúc trên tàu điện. Sau khoảng 3 tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Niigata.

Mọi người đổ xô đi tìm nơi rút tiền. May mắn thay cuối cùng chúng tôi cũng có thể rút được tiền cho mình và cho bạn vay. Nhưng chưa hết, tin xấu từ Tokyo truyền đến, bụi phóng xạđã có mặt ở Tokyo và tình hình giao thông ởđó có thể xảy ra sự hỗn loạn. Vậy thì có lẽ chúng tôi không nên đi Tokyo nữa. Kế hoạch mới lại được bàn bạc, và hướng di chuyển tiếp theo sẽ là Osaka. Các cuộc điện thoại từ Việt Nam liên tiếp gọi đến. Mọi người ở nhà rất lo lắng qua những tin trên phương tiện thông tin đại chúng và đều yêu cầu chúng tôi nên về nước. Chúng tôi phân vân, có lẽ chúng tôi nên về nước để người thân yên tâm hơn thay vì chỉ lánh nạn ở Osaka. Một lý do nữa cũng ủng hộ cho ý định này vì trường đại học đã chính thức thông báo cho sinh viên nghỉ đến cuối tháng 4 do thiệt hại của động đất và sóng thần.

Lại một đêm thức trắng trên tàu xuống Osaka.

Ngày 16/3

Sân ga Osaka, mệt mỏi, buồn ngủ, đói. 6h sáng, người Nhật thì hối hả chuyển các làn tàu còn chúng tôi thẫn thờ tìm một quán ăn mở sớm.

8 người chúng tôi lại lần mò giữa một thành phố xa lạ, với sự trợ giúp từ những người bạn Osaka không biết mặt của P.A, để tìm đến Lãnh sự quán Việt Nam. Tại đây chúng tôi cảm thấy một sựấm áp của quê nhà. Được nói tiếng Việt, được trợ giúp về thông tin đến Cục xuất nhập cảnh làm các thủ tục cần thiết trước khivề Việt Nam.

Bỏ qua bữa trưa, chúng tôi đến luôn Cục xuất nhập cảnh. Bước vào phòng, người, xung quanh toàn người là người, sao mà đông thế. Chúng tôi nghĩ khéo tất cả người nước ngoài ở Nhật đang xếp hàng ởđây.

Đông thế này không biết chúng tôi có kịp làm visa trong hôm nay không trong khi vé bay về VN ngày mai đã được thanh toán. Tuy nhiên người Nhật vẫn nhận hồ sơ và chúng tôi cũng biết nguyên tắc của họ: sẽ hoàn thành kịp hôm nay kể cả phải làm việc muộn. Cuối cùng cũng đã có visa cho cả đoàn, chúng tôi sẽ quay về Việt Nam vào sáng hôm sau. Mọi người tạm thời chia nhau về chỗ người quen đểnghỉqua đêm. Chúng tôi về nhà một người bạn và được ăn một bữa cơm nóng sốt và ngon lành nhất kể từ hôm động đất.Truyen8.mobi

Ngày 17/3: Sân bay Kansai

Bước chân ra sân bay Kansai, chỉ ít phút nữa thôi tôi sẽ có mặt ở Việt Nam. Nhưng Nhật Bản ơi, Sendai ơi, biết ngày nào mới gặp lại đây? Tôi vẫn cầu mong rằng biết đâu đây vẫn chỉ là một cơn ác mộng đáng ghét,, tuy vẫn phải tin rằng đây là sự thật. Chưa một chuyến trở về nhà nào mà lòng tôi nặng trĩu thế này. Tôi gọi điện cho hết những người bạn Nhật, những người bạn thân đã sống cùng tôi những ngày vừa qua tại Sendai. Cảm ơn T đã dẫn chúng tôi chạy đến đây, cảm ơn P.A và rất rất nhiều người bạn nữa đã cung cấp thông tin, để chúng tôi tới được đây. Cảm ơn em K, cảm ơn em DMQ ­những em giỏi tiếng Nhật đã tình nguyện ở lại giúp những người bạn cuối cùng rời khỏi Sendai, để chúng tôi có thể an tâm hơn khi đi trước.

Trong lúc hoạn nạn thế này, tự dưng sinh viên người Việt lại cảm thấy xích lại gần nhau hơn, chúng tôi có thời gian hiểu thêm về nhau.

Tôi nhắn cho Hajime. Từ hôm động đất xảy ra, chúng tôi chỉ có thể liên lạc qua email điện thoại vì gia đình anh vẫn đang phải trú nạn trên núi, sóng rất kém. Anh là người đã liên tục nhắn cho tôi những thông tin hữu ích, động viên hai vợ chồng tôi trong suốt cuộc di tản vừa qua. Tôi thật cảm động với đoạn tin mà anh đã nhắn khi chúng tôi quyết định tự di tản “nếu trong đoạn đường di chuyển tới những thành phố xa lạ mà không tìm được chỗở, hoặc không thể mua vé đi tiếp, hãy nhắn cho anh bất cứ lúc nào …”

Tôi nhắn cho Nandi, cô bạn thân người Ấn Độ. Cô đã di tản cùng tuyến đường với chúng tôi, nhưng vì đi trước nên cô liên tục cung cấp thông tin và hỏi thăm chúng tôi -những người đi sau, trong những ngày vừa qua…

Cách đây chưa đầy một tuần thôi, có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩrằng hôm nay mình sẽ có mặt ở nhà và ăn bữa cơm chiều cùng bố mẹ, anh chịvà các cháu của tôi… Tạm biệt Nhật Bản, hẹn ngày sớm trở lại….

Ngày 21/3: Chuyến đi lỗi hẹn

 

 

Sáng thức dậy, tôi đang ở Việt Nam rồi. Lẽ ra hôm nay tôi đang ở quần đảo Uratononoshima ­cách cảng Sendai khoảng 10km. Hôm nay là ngày hẹn với T-san và nhóm bạn đi trồng cây đầu xuân tại khu vườn xinh xắn của bà trên hòn đảo đó. Tôi nhớ không khí trong lành và yên bình của hòn đảo nhỏ xinh đẹp. Năm trước, chúng tôi đã đi cùng nhau cũng vào dịp đầu xuân này, cùng trồng cây trên hòn đảo. Từ cảng Sendai, chúng tôi sẽđi tàu biển đến đảo. Một nét đẹp rất văn hóa của người Nhật. Họ bận rộn với công việc là thế, vậy màhọ vẫn dành thời gian cho việc bảo vệ môi trường, cho thiên nhiên.

T-san, hiện giờ bà đang ởđâu? Nhà bà ở ngay gần biển, tôi nhớ cái phòng khách có thể nhìn ra biển, tiếng đàn của mẹ T-san, bà năm nay hơn 90 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe và mê đánh đàn. Năm nay chúng tôi đã dựđịnh sẽ trồng thật nhiều hoa trên đảo. Hy vọng vẫn lấp lóe đâu đó vì tôi đã nhận được một tin nhắn ngắn ngủi từ máy của bà: “Arigato, daizobu deshita”. Tôi đã cố gắng liên lạc lại mà không thể. Không biết mẹ bà và các con của bà ra sao? Ngôi nhà có còn không?

Giờ này tôi lại đang ởđây, Hà Nội quê nhà. Thật có mơ 1000 lần cũng không thể tưởng tượng nổi cảnh này.

Ngày 25/3:  Lễ trao bằng tốt nghiệp không thể tới….

Đọc FB của một người bạn cùng khoa đang ở Tokyo, lẽ rahômnay là lễ trao bằng tốt nghiệp của toàn bộ sinh viên khóa này đây, bạn nói rằng lẽ ra ngày này bạn đã được mặc Hakama và nhận tấm bằng tốt nghiệp mà đã bỏ bao công sức để hoàn thành. Còn mình, mình đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho một party chia tay, máy ảnh pro đã chuẩn bị, vậy mà chả còn gì nữa…

Đây là khu bãibiển hè năm ngoái cảhội tụ tập

Bây giờ là đầu tháng 4. Lại sắp một mùa hoa anh đào. Hoa sẽ nở dọc từ Bắc xuống Nam trong vòng khoảng một tháng thôi. Nhớ lại cảnh nhộn nhịp và đông vui là thế của mùa hoa năm trước, năm nay mùa hoa anh đào cũng đến, lễ hội ngắm hoa anh đào (Hanami) vẫn cứ diễn ra, nhưng có những con người sẽ không bao giờ có thể ngắm hoa được nữa, có những người bạn ta sẽ không thể cùng họđi Hanaminữa…

 

Khu Ishinomaki chúng tôi đã đến năm ngoái. Truyen8.mobi

Hàng ngày tôi vẫn theo dõi tin tức từ Nhật Bản. những hình ảnh quen thuộc trên tivi. Dòng người vẫn đi lặng lẽ và bận rộn. Thay vì cái cảm giác trước đây khi nghĩ tại sao cuộc sống bên đó lặng lẽ thế, cứ lặp đi lặp lại, tại sao họ có thể chịu được phong cách làm việc kéo dài nhiều tiếng trong một ngày như vậy, tự dưng tôi hiểu ra và khâm phục họ làm sao. Người Nhật rất quý thời gian, họ luôn có một quyển sổ lịch bỏ túi ghi các kế hoạch công việc cho từng ngày. Họ biết rằng thời gian quý lắm, sáng thế này, chiều biết đâu ta đã chẳng còn trên thế gian này nữa. Họ sinh ra trong một đất nước nghèo tài nguyên và đầy thảm họa thiên nhiên, vậy màhọ vẫn vượt lên trở thành một cường quốc như ngày nay, một nền giáo dục ưu việt chỉ trong lúc hoạn nạn thế này mới thấy sáng rõ, phẩm chất của họ mới bộc lộ, họ không hoảng loạn, hèn nhát như chúng tôi. Họ không hề mất thời gian vào than phiền, vào than thân trách phận và oán than ông trời tại sao lại để họ chịu nhiều thảm họa thế. Họ chịu đựng, họ vui vẻ sống vì họ hiểu rằng chỉ có hành động của con người mới làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sau một thảm họa thiên nhiên, thấy cuộc đời này ngắn ngủi và phù du như những cánh hoa anh đào. Xin hãy yêu thương nhiều hơn và hãy tha thứ nhiều hơn. Và ngay hôm nay hãy làm tất cả những gì mình có thể cho cuộc đời này tươi đẹp hơn.

Nhật Bản ơi, chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại. Để tiếp tục theo đuổi những ước mơ, để cùng chia sẻ khó khăn với các bạn, và để học cách đứng dậy sau nỗi đau tột cùng. 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/16984


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận