Những Giấc Mơ Từ Cha Tôi - Hồi Ký Barack Obama Chương 1


Chương 1
Nguồn cội

Vài tháng sau ngày sinh nhật thứ 21 của tôi, một người không quen gọi báo tin về ông cụ. Lúc ấy tôi đang sống tại New York, tại vùng ranh giữa Đông Harlem và phần còn lại của Manhattan. Chung cư tôi ở là một khối không chút mời gọi, không cây và trơ trụi. Căn hộ tôi ở nhỏ xíu, nóng vào mùa hè và lạnh vào mùa đông.

Nhưng tôi chẳng hề để ý đến chuyện ấy bởi vì tôi không có mấy khách đến chơi. Vào những tháng ngày ấy, tôi bận rộn với công việc và những dự định chưa thực hiện được của mình, và có khuynh hướng coi người khác là những nguyên nhân gây chia trí một cách không cần thiết. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi không thích giao du. Tôi thường ưa trao đổi vài câu pha trò với các láng giềng người Puerto Rico hoặc nói chuyện với mấy nhóc trai thường tụ tập trong những ngày nắng nóng mùa hè để bàn tán về những tiếng súng nổ chúng nghe đêm trước. Khi nào đẹp trời, tôi và người bạn cùng phòng có thể ra ngồi bên ngoài để tránh khói thuốc lá và nhìn đám người da trắng ở những khu phố sang kế bên dẫn chó đến ị ngay bên chung cư chúng tôi. Anh bạn tôi tức điên lên và hét: “Quân khốn nạn! Hốt cứt chó đi chứ!” và chúng tôi cười nhạo đám người ấy cúi xuống làm việc chúng tôi yêu cầu.

Nhưng thú vui giao tiếp này chỉ một thời gian ngắn thôi. Nếu đề tài bắt đầu miên man hoặc muốn trở thành suồng sã thì tôi kiếm cớ rút lui. Tôi đã trở nên thoải mái với sự cô lẻ của mình và cảm thấy an toàn khi rút vào cái vỏ lẻ loi ấy.

Ông cụ sống ở phòng kế bên dường như cùng chia sẻ lối sống này của tôi. Ông sống một mình, vóc dáng gầy guộc với cái áo khoác màu đen và cái nón móp méo trong những lần hiếm hoi ông phải ra khỏi phòng để mua thức ăn. Thỉnh thoảng gặp ông trên đường từ cửa hàng về, tôi nói để tôi xách túi giùm ông. Ông lặng lẽ nhìn tôi và nhún vai, sau đó chúng tôi cùng leo lầu, dừng tại các chiếu nghỉ để ông lấy lại hơi. Đến cửa phòng của ông, tôi đặt các túi xuống trước cửa, ông nhẹ gật đầu với tôi như lời cảm ơn, sau đó móc túi lấy chìa khoá ra mở cửa phòng. Chưa một lần chúng tôi nói một lời nào với nhau.

Sự im lặng của ông cụ khiến tôi ấn tượng; tôi nghĩ ông là một tâm hồn tử tế. Sau này, anh bạn cùng phòng tôi chợt thấy ông nằm cứng đờ, mắt mở trừng trừng vô hồn, người cong lại như bào thai trong bụng mẹ. Đám đông bu xung quanh, trẻ con xầm xì, các bà làm dấu thánh giá. Cuối cùng, nhân viên cứu thương đến mang xác cụ đi và cảnh sát mở cửa phòng cụ. Trong phòng rất gọn gàng, hầu như chẳng có gì ngoài một cái ghế, một bàn viết, một bức chân dung đã phai của một phụ nữ để trên đầu lò sưởi. Ai đó mở tủ lạnh ra và thấy gần một ngàn đô giấy lẻ cuộn tròn gói trong giấy báo cũ và cất cẩn thận sau các hũ xốt mayonnaise và dưa chua.

Cảnh cô lẻ của căn phòng làm tôi chạnh lòng, và trong một khoảnh khắc, tôi ước gì mình hỏi tên ông cụ. Rồi, gần như ngay lập tức, tôi hối tiếc mình đã ước muốn như vậy và cùng lúc tiếc người cùng cảnh. Tôi có cảm giác như, trong căn phòng trống trải ấy, ông cụ đang thầm thì một câu chuyện chưa kể, đang nói với tôi những điều mà tôi không muốn nghe.

Khoảng một tháng hoặc hơn một tháng sau đó, vào một sáng tháng 11 lạnh lẽo, mặt trời nấp đằng sau mây, thì tin thứ hai đến. Tôi đang chuẩn bị bữa ăn sáng cho mình thì anh bạn cùng phòng đưa tôi điện thoại. Đường dây lẹt xẹt.

- Barry phải không cháu?


- Dạ, cháu đây, ai ở đầu dây đấy?
- Cô Jane của cháu đây. Cô gọi từ Nairobi. Cháu có nghe cô rõ không?
- Cháu xin lỗi – cô bảo cô là ai?

- Cô Jane. Nghe này, Barry, cha cháu mất rồi. Ông bị xe cán chết. Hê-lô? Cháu có nghe thấy cô nói gì không? Cô nói là ba cháu chết rồi. Barry, cháu gọi điện báo giùm cho chú cháu ở Boston nhé! Lúc này cô không thể nói lâu hơn, ô-kê, Barry. Cô sẽ gọi lại cháu sau nhé!


Cuộc gọi chỉ ngắn gọn như vậy. Tôi ngồi xuống giường, mũi ngửi thấy mùi trứng bị cháy khét trong bếp, mắt nhìn sững vào những vết nứt trên tường nhà, cố đo lường sự mất mát của mình.

Vào lúc mất, đối với tôi, cha tôi vẫn tiếp tục là một huyền thoại hơn là một con người. Ông đã rời khỏi Hawaii vào năm 1963, khi tôi chỉ mới lên hai, vì vậy thuở nhỏ tôi chỉ biết cha mình qua các chuyện kể của ông bà ngoại và mẹ tôi. Mỗi người có cách kể của mình. Ông ngoại vừa nhấm nháp rượu whisky vừa kể chuyện cha tôi đứng ngắm biển, hút thuốc với cái tẩu ông ngoại tôi tặng làm quà sinh nhật, bạn cha tôi thấy hay hay bèn mượn cái tẩu hút thử. Cha tôi suy nghĩ một lát rồi đồng ý, anh bạn vừa hít được một hơi thì ho sặc sụa và làm rớt cái tẩu dọc theo triền đá dốc xuống dưới khoảng 30 mét. Cha tôi lịch sự chờ anh bạn ho xong mới bảo anh ta leo xuống nhặt cái tẩu lên. Anh bạn nhìn triền dốc gần thẳng đứng và đề nghị cho phép anh mua đền cái khác. Cha tôi không chịu vì đây là quà tặng. Anh bạn cũng không chịu xuống. Thế là cha tôi xách cổ anh bạn lên, nhấc ra khỏi bờ đá và cho anh ta đong đưa trên vực. Mọi người xúm lại coi, mẹ tôi can cha tôi, và anh bạn thì nhắm tịt mắt cầu nguyện. Một lát sau, cha tôi đặt anh bạn trở lại mặt đất, vỗ vai anh ta rủ đi uống bia. Sau đó cha tôi làm như chưa hề xảy ra chuyện gì. Về đến nhà, mẹ tôi cằn nhằn cha tôi, nhưng ông chỉ cười và ồm ồm bảo với giọng Anh: “Thư giãn đi nào, Anna”.

Mẹ tôi mỉm cười bảo: “Cha con có vẻ hơi chỉ huy một chút, nhưng thật ra đó là vì cơ bản ông là người rất lương thiện, vì vậy có đôi lúc ông không khoan nhượng”. Ông ngoại tôi chêm vào: “Và tự tin nữa. Đó là bí mật dẫn đến thành công”.

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/74473


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận