Những Giấc Mơ Từ Cha Tôi - Hồi Ký Barack Obama Chương 3


Chương 3
Mẹ tôi

Đường đến đại sứ quán Mỹ đông nghẹt. Tài xế xe taxi vất vả tránh một gia đình – cha mẹ con trai và con gái – chở nhau trên chiếc xe gắn máy. Lưu thông trở nên thoải mái hơn khi ra tới xa lộ. Xe taxi đỗ chúng tôi trước cổng đại sứ quán. Hai người lính thuỷ quân lục chiến đứng gác nơi cổng gật đầu chào chúng tôi. Trong sân đại sứ quán, tiếng ồn ào ngoài phố được thay thế bởi tiếng kéo tỉa cây cảnh. Sếp của mẹ tôi là một người da đen tóc xoăn tít có điểm bạc nơi thái dương. Bên cạnh bàn làm việc của ông là một cây cọc có cắm lá quốc kỳ nước Mỹ. Ông chìa tay ra bắt tay tôi thật chặt và hỏi: “Sao rồi, chàng trai?”. Ông thơm mùi thuốc giữ ẩm sau khi cạo râu và cổ sơ mi trắng của ông được hồ cứng như thể cứa vào cổ ông. Tôi đứng nghiêm trong khi báo với ông các kết quả học tập của tôi. Máy lạnh khiến phòng làm việc mát lạnh và khô ráo như đang ở trên đỉnh núi: làn gió mát và trong lành của sự ưu đãi.

Trao đổi xong, mẹ tôi cho tôi ra phòng dùng làm thư viện trong khi bà đi làm việc. Tôi đọc xong quyển truyện tranh tôi mang từ nhà đến rồi leo lên ghế đọc tựa các quyển sách xếp trên giá sách. Phần lớn các sách không mấy hấp dẫn một đứa bé trai lên 9 tuổi như tôi – báo cáo của ngân hàng Thế giới World Bank, khảo sát địa chất, kế hoạch phát triển trong 5 năm, v.v. Tuy nhiên, ở một góc phòng tôi thấy các số tạp chí Life xếp gọn gàng trong các hộp nhựa trong. Tôi lật qua các trang quảng cáo. Bỗng tôi thấy một bài phóng sự có kèm hình và tôi nhìn vào hình thử đoán xem chủ đề là gì trước khi đọc tựa đề bài báo. Có hình những đứa trẻ người Pháp đang chạy chơi trên các đường phố trải sỏi: đây là một cảnh vui vẻ về trò chơi trốn tìm trên đường về nhà sau giờ học, gương mặt tươi cười nói lên sự tự do. Có hình một phụ nữ người Nhật đang bế một đứa con gái nhỏ trần truồng: tấm hình thật buồn vì bé gái như bị bệnh, đôi chân còng queo, đầu yếu ớt rũ ra sau, xa rời bầu vú mẹ, nét mặt bà mẹ như nhăn nhúm lại vì đau khổ, như thể bà đang tự trách mình…

Cuối cùng tôi thấy hình một người đàn ông già hơn mang kiếng đen và mặc chiếc áo khoác đang đi trên một con đường trống vắng. Tôi không thể đoán ra chủ đề của bức ảnh là gì; dường như không có gì bất thường về bức hình này. Sang trang kế tiếp có một tấm hình khác, tấm này chụp cận cảnh đôi bàn tay của người đàn ông trong tấm hình trước. Chúng có màu xanh tái kỳ lạ, không tự nhiên, như thể máu đã bị hút hết. Nhìn trở lại tấm hình trước, tôi nhận ra người đàn ông tóc xoăn, môi dày, mũi tẹt và tất cả đều mang màu xanh tái như đôi bàn tay.

Tôi nghĩ chắc người đàn ông này đang bị bệnh rất nặng. Có thể đây là một nạn nhân bị nhiễm phóng xạ hoặc một người bị bạch tạng – trước đấy mấy ngày tôi có gặp một người như vậy trên phố và mẹ tôi đã giải thích cho tôi hiểu bạch tạng là da bị mất sắc tố. Nhưng khi tôi đọc chú thích hình thì không phải vậy. Bài báo giải thích là người đàn ông đã được điều trị với chất hoá học để làm sáng màu da của ông ta. Ông ta đã phải trả một khoản tiền lớn cho việc trị liệu này vì mong muốn mình có được nước da giống người da trắng. Nhưng kết quả chỉ có nước da xanh tái vĩnh viễn này. Có hàng ngàn người giống như ông ta – tiền mất tật mang – họ đều là những người đàn ông và những phụ nữ da đen tại nước Mỹ nghe theo những lời quảng cáo cố tìm cách đổi màu da cho giống người da trắng.

Tôi cảm thấy mặt và cổ tôi phừng nóng. Ruột gan tôi quặn thắt, mắt tôi nhoà đi. Mẹ tôi có biết chuyện này không nhỉ? Còn ông sếp của mẹ nữa – tại sao ông ta lại bình thản như vậy, ngồi đọc các bản báo cáo trong phòng làm việc cách phòng thư viện này không bao xa? Tôi như muốn nhảy dựng lên đưa cho mẹ tôi và sếp của mẹ đọc điều tôi vừa đọc được, và hỏi câu giải thích. Nhưng có gì đó níu kéo cản tôi. Như đang trong mơ, tôi không có lời nào trấn an nỗi lo sợ mới được tôi nhận thức. Kịp đến khi mẹ tôi đến đón tôi về nhà, tôi đã có thể mỉm cười với bà và những tờ báo đã được tôi xếp trở lại đúng chỗ. Căn phòng, không khí trong phòng vẫn tĩnh lặng như cũ.

Vào lúc ấy, chúng tôi – mẹ tôi và tôi – đã sống ở Indonesia được ba năm. Trước đó mẹ tôi quen với một nam sinh viên – Lolo – người Indonesia và theo học đại học Hawaii. Tôi cũng quý mến ông này và khi được lệnh về nước ông đã hỏi cưới mẹ tôi, ông bà ngoại, mẹ tôi và tôi đều đồng ý và thế là mẹ tôi và tôi theo Lolo về Indonesia.

Lolo thương tôi như con ruột và quan hệ giữa mẹ tôi và Lolo rất tốt cho đến khi em gái Maya của tôi được sinh ra, cho đến khi mẹ tôi chia tay Lolo, cho đến 10 năm sau khi mẹ tôi giúp Lolo sang Mỹ chữa bệnh ung thư gan, căn bệnh đã giết ông ở tuổi 51. Mẹ tôi không hề coi những người Mỹ huênh hoang mình đã mua chuộc được giới chức này giới chức nọ để đạt được những hợp đồng béo bở là người mình, bà cũng không cùng phe với những bà vợ của những người này, kênh kiệu than vãn về những người dân bản xứ giúp việc nhà cho họ. Trái lại, mẹ tôi luôn khuyến khích tôi nhanh chóng tiếp thu văn hoá Indonesia: việc tiếp biến văn hoá này khiến tôi tương đối chấp nhận hoàn cảnh gia đình kinh tế eo hẹp, không đòi hỏi nhiều, và cực kỳ lịch sự so với những đứa trẻ Mỹ khác. Mẹ tôi đã dạy tôi coi thường thái độ ngu dốt và hợm hĩnh đã quá thường xuyên là đặc tính của người Mỹ sống ở hải ngoại. Nhưng dần dần bà đã học được, cũng như Lolo đã học được, vực sâu hỗn độn tách biệt những cơ hội trong cuộc sống một công dân Mỹ có thể có được so với một công dân Indonesia. Và bà biết rõ bà muốn con trai bà đứng về phía nào. Tôi là một công dân Mỹ và bà quyết định là cuộc sống thật sự của tôi với những cơ hội cuộc sống mang đến cho tôi không phải ở Indonesia mà ở Mỹ…

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/74475


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận