Những Thiếu Thời Lơ Lửng Mũi tên

Mũi tên
cho những ai đã từng là học sinh, và đang là

*

1.

Từ sáng thứ Hai, người ta không ngừng nói về cô ấy. Ý tôi là, trên ti-vi, trên báo giấy, trên báo mạng hay chỉ đơn giản là truyền miệng từ người này qua người khác. Họ nói rất nhiều. Họ hầu hết bình phẩm. Đúng là người đàn bà xấu số.

Tôi biết cô ấy hồi cấp một. Cô lúc nào cũng ủ rũ, chẳng bao giờ tham gia vào các hoạt động tập thể như cảnh sắt bắt kẻ trộm hay cá sấu lên bờ. Cô có một nhóm bạn nhỏ, vài đứa con gái, thi thoảng có một thằng con trai. Đứa con trai này cũng chẳng chơi với ai trong lớp. Hồi ấy tôi không có mấy ấn tượng về đứa trẻ này. Tôi muốn nói, cô ấy đáng lẽ cũng chỉ là một bạn học từng ngồi trên tôi vào năm lớp bốn mà thôi.

Hết cấp một chúng tôi vào học tại một trường cấp hai liên thông. Vậy là chúng tôi học với nhau bốn năm nữa. Không rõ vì lí do gì, tôi bắt đầu tìm cách nói chuyện với cô. Lên lớp tám, chúng tôi được xếp ngồi gần nhau. Tôi phát hiện ra rằng cô ấy thích vẽ điên cuồng và có một niềm đam mê khác là đọc. Không phải đọc sách hay đọc truyện tranh hay một cái gì cụ thể, cô ấy chỉ đơn giản là có niềm khoái cảm lạ thường với việc đọc mà thôi. Khi không còn gì để đọc, cô đọc sách Ngữ văn và Lịch sử. Đọc hết sách giáo khoa rồi, cô quay sang hỏi tôi cô có thể mượn quyển từ điển của tôi trong giờ ra chơi được không. Khi tôi nói được thôi, cô ấy mỉm cười và thở dài một tiếng. Bây giờ thi thoảng tôi vẫn thử làm thế, tức là mỉm cười với ai đó rồi thở dài. Chẳng mấy khi tôi làm được. Muốn thực hành thuần thục động tác này có lẽ ta phải có thứ gì đó như một mã code được lập trình sẵn. Giống như một cơ chế, một cỗ máy được vận hành. Có lẽ tôi hỏng hóc cái gì đó, cũng có thể là không.

Suốt những năm cấp hai, tôi có một vài bạn gái. Hầu hết là học sinh trong trường. Họ lớn hơn hoặc nhỏ hơn tôi một vài tuổi, họ cao hơn tôi hoặc thấp hơn tôi. Họ giàu có hơn tôi và họ đi học bằng xe máy. Tôi cặp kè với họ một thời gian, rồi sau đợt nghỉ hè ai đi đường nấy.

Tôi lên cấp ba cũng tuần tự y như vậy. Đi học, tốt nghiệp, thi đại học, ra trường, kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, có bạn gái, ngủ với nhau ba lần một tuần, thi thoảng ra ngoại ô chơi hoặc vào công viên hóng gió. Tôi không gặp lại cô ấy nữa.

Mãi đến hôm thứ Sáu vừa rồi, trong khi công ty liên hoan mừng tất niên, tôi chui vào một góc và lên mạng kiểm tra kết quả trận đấu ngày hôm trước. Việc xem tỉ số chỉ mất độ mười lăm giây cộng trừ năm giây chờ mạng load, nhưng thực lòng tôi thấy mệt và hơi bia rượu khiến tôi buồn nôn. Tôi nán lại trong văn phòng một lát và lướt mạng. Trong lúc xem các tin tức về kinh tế chính trị chuyện hài các kiểu, tôi để ý thấy một mục nhỏ, ghi cáo phó. Chẳng vì lí do gì, tôi ấn vào xem vui vậy thôi. Sáng hôm ấy tôi thấy tên cô ở dòng thân nhân người chết. Con gái cô tự tử ba ngày trước, hình như là treo cổ trong phòng riêng. Tôi ghi lại địa chỉ của cô và lên lịch tới nhà cô vào một ngày gần đó.

Chúng tôi được nghỉ một đợt dài hơi. Ban đầu tôi tính đi du lịch đâu đó, làm một chuyến sang châu Phi hoặc Mexico buôn thuốc phiện, hay hơn thì tới Mĩ và nhân tiện thì đến Las Vegas luôn. Thậm chí tôi còn mua một lô sáu bàn chải đánh răng và dao cạo râu mới để đề phòng trường hợp tôi làm mất những cái cũ trong lúc đi, một cái túi du lịch chuyên dụng và một tá quần áo mùa hè. Hôm đó tôi về nhà, tống tất cả vào tủ rồi khóa lại. Tôi đọc mục cáo phó một lần nữa, khẳng định chắc chắn rằng đó chính là cô ấy rồi đi ngủ.

Có rất nhiều lần, trong những giấc mơ, tôi thấy mình trở về những tháng ngày của tuổi mười lăm trong quá khứ. Thực ra mà nói tôi không nhớ được nhiều lắm những ấn tượng về khoảng thời gian ấy. Tôi biết rằng tôi phải mặc đồng phục, áo sơ mi trắng và quần tây tím than, đeo khăn quàng đỏ. Tuy nhiên có một thứ gì khác luôn gợi tôi nhớ về hình ảnh tôi khi ấy, đứng bên ban công của tầng hai, trước cửa lớp và có lẽ đó là giờ chào cờ vào buổi sáng thứ Hai, sân trường nhung nhúc người nhưng các hành lang và lớp học thì trống rỗng. Mỗi khi nhắm mắt lại tôi thường trở về căn phòng ấy. Tôi đứng đút tay vào túi quần, nhìn ra bên ngoài một lúc thật lâu, tôi nhìn về phía những tòa nhà cao và bầu trời sạch sẽ. Dưới sân trường, thi thoảng lại vọng lên tiếng thầy hiệu trưởng đang chỉ đạo các học sinh khối lớp sáu dàn hàng sao cho đều đặn, nhắc nhở một vài học sinh lớp chín bỏ mũ ra và đừng nói chuyện tào lao nữa. Tôi khá chắc về những chuyện ấy. Ý tôi là, chuyện nó phải xảy ra như thế mà.

Khi tôi trở vào lớp để chuẩn bị chép bài tập về nhà, tôi thấy cô ấy ngay. Bàn của chúng tôi là bàn đầu tiên dãy ngoài cùng bên tay phải, sát cửa sổ. Tôi ngồi trong góc, cô ngồi cạnh bên. Vậy là, cô ấy ngồi ở đó. Cô cúi thấp xuống bàn như cô vẫn làm khi vẽ, mái tóc ngắn rủ xuống che đôi tai xinh xắn của cô. Cô có một cái cổ thanh mảnh và trắng như những đụn tuyết bám lấy cành cây, đôi khi chúng còn tỏa ra mùi hương của hoa mộc. Đó là một ngày dịu dàng không có nắng. Ngày hôm đó chẳng có gì. Tiếng loa vẫn dội đều đều và lan tới khắp mọi nơi trong trường học. Tôi thì ở đó và cô cũng ở đó, rồi chúng tôi như bị đông cứng lại giữa lưng chừng thời gian.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm hơn mọi ngày nửa tiếng, làm vệ sinh cá nhân kĩ tới mức tôi làm đủ mọi thứ cho răng miệng mà tôi chưa từng làm suốt ba mấy năm qua. Bữa sáng tôi có thói quen ăn ngũ cốc với sữa không đường và một bát bột ngô nhỏ. Sau đó tôi đọc báo và ăn táo, uống cà phê. Sáng nay tôi chỉ uống trà, màn ăn táo có thể để sau. Tôi mặc vest nhưng thấy trịnh trọng quá, tôi thay áo sơ mi và quần bò, thế rồi lại thấy đơn giản quá, tôi quyết định chọn một cái áo phông trắng và quần âu, khi kết hợp chúng vào với nhau tôi mới thấy tủ quần áo của tôi là một cuộc khủng hoảng. Tôi suy nghĩ một lát rồi quyết định tôi cần phải hỏi ý kiến của chuyên gia.

“em này, em thích anh mặc thế nào?” – thông thường bạn gái tôi sẽ rất ghét nếu tôi gọi cô ấy trước chín giờ sáng hàng ngày trừ Chủ nhật. Cô ấy sẽ rú lên và bảo với tôi rằng đừng hòng có chuyện sờ vào cô ít nhất một tuần tới. Tuy nhiên lúc này đành phải chịu thôi.

“không mặc gì” – cô ấy nói.

“vest thì sao? Hay là mặc đơn giản? Anh nghĩ là anh nên mặc vest, nhỉ? Như thế nhìn sẽ nghiêm túc hơn” – tôi nói.

“vest nhìn già lắm, buồn nữa. Tùy anh. Với em thì anh mặc gì cũng được. Đằng nào anh cũng đâu có đẹp trai” – cô đáp.

“được rồi, anh sẽ mặc vest vậy” – tôi bảo cô rồi chào tạm biệt.

Đường phố những ngày Tết tôi còn lạ gì. Vắng vẻ và giống như là bối cảnh trong một bộ phim viễn tưởng của Mĩ khi con người ta đã chết sạch và khỉ nắm quyền cai quản trái đất. Trên xe, tôi mở nhạc của Wham rồi nghĩ thế nào đó, tôi tắt đi, chẳng nghe gì cả. Có một sự yên lặng quái đản nào đó trong không khí và bởi vì tôi nghĩ mình có thể nghe thấy nó, nếu tôi chịu khó lắng nghe. Tôi lái xe xuyên qua ánh sáng và bầu không khí như vô hình của thành phố.

Cô sống trong một khu tập thể. Nhà cô ở tầng năm, số phòng 504. Tôi chỉnh lại cà vạt trước khi bấm chuông. Tôi ấn cái nút nhỏ màu đỏ hai lần. Sau đó tôi yên lặng và quan sát nó. Đã có bao nhiêu người nhấn chuông? Trong số đó có bao nhiêu người được vào và bao nhiêu người bị từ chối? Tôi nằm ở đâu? Loại hai hay loại một? Cô ấy sẽ mở cửa chứ?

Cô ấy sẽ mở cửa chứ?

Cô ấy sẽ không bao giờ mở cửa.

2.

Họ hỏi tôi rất nhiều về việc làm thế nào tôi lại có mặt ở nhà cô vào đúng ngày hôm ấy. Họ cứ hỏi đi hỏi lại mãi, tới nỗi đột nhiên tôi cũng đâm tự hỏi chính mình. Vì sao tôi lại đến nhà cô vào ngày hôm ấy nhỉ?

“tôi biết tin con gái cô ấy vừa mất, vậy là tôi quyết định tới thăm” – tôi trả lời, lần thứ một ngàn không trăm lẻ một. Viên cảnh sát ngồi trước mặt tôi ghi gì đó vào tờ báo cáo của anh ta, nhìn tôi rồi đóng nắp bút lại.

“anh là bạn của người chết à?” – viên cảnh sát hỏi. Cậu ta có cái dáng vẻ yếu ớt và trẻ con thế nào đó, nhưng mà không phải loại bọn to hơn bắt nạt được. Có cái gì sâu thẳm trong đôi mắt cậu ta khi hỏi tôi tất cả những câu hỏi mà người khác đã hỏi đến vài chục lần suốt những ngày hôm ấy. Kiểu như là cậu ta đặt ra câu hỏi mà chẳng thèm bận tâm đến việc ai sẽ tiếp nhận câu hỏi này.

“vâng, đúng rồi. Bạn học cùng cấp một và cấp hai” – tôi đáp.

“cấp ba thì sao? Anh không có thông tin gì hay giữ liên lạc với cô ấy à?” – viên cảnh sát hỏi, hai tay anh ta nắm thành nắm đấm và đặt ngay ngắn hai bên. Anh ta sẽ không đánh tôi, tôi biết thế, anh ta không có cái vẻ gì là sẽ làm như thế cả.

“vâng. Tôi không hề gặp lại cô ấy suốt những năm cấp ba cho đến giờ” – tôi trả lời.

“được rồi” – viên cảnh sát nói – “anh là bạn học với cô ấy gần mười năm, sau đó hai người mất liên lạc mười năm tiếp theo, và đột nhiên anh quan tâm cô ấy tới mức ngoài anh ra không một bạn học nào biết địa chỉ nhà của cô ấy. Anh có vẻ là một người bạn tốt, theo tôi thì là vậy” – viên cảnh sát nói. Nếu anh ta đang mỉa mai tôi, tôi cũng sẽ không cách nào nhận ra được. Anh ta nói mọi điều bằng cái giọng bình thản không lên không xuống, không ngữ điệu không trọng âm, không biểu lộ bất cứ một dạng tình cảm gì. Tôi không biết phải trả lời thế nào cả, tôi im lặng.

“anh có thể về. Về đi thôi. Sau này nếu có chuyện gì chúng tôi sẽ gọi anh sau” – viên cảnh sát trẻ nói, anh ta đứng lên, đóng tập báo cáo lại rồi bỏ ra khỏi phòng.

Nhưng tôi đã ngồi ở đó một lúc lâu.

Tôi đợi ai đó ra mở cửa. Rồi tôi nhớ ra con gái cô ấy đã mất. Mục cáo phó không nhắc tới người chồng hoặc bất kì người thân nào khác. Tôi thử nhòm vào bên trong qua cánh cửa sắt mắt cáo rồi thử đẩy một chút. Và thì nó cứ vậy trượt ra thôi. Tôi bước vào. Bóng tối của căn nhà như cảnh giác một người lạ, nó lùi dần ra xa tôi như ánh sáng tạo thành một vòng tròn quanh ngọn nến. Tôi cứ thế, đâm thẳng vào bóng tối. Tôi không rõ nó sâu ra sao nhưng cuối cùng ngón chân tôi cũng chạm đến đáy. Ở dưới đó tôi bắt gặp cô ấy. Đôi tai nhỏ nhắn mà tôi từng rất thích hiện ra lồ lộ trước mắt tôi. Mái tóc ngắn của cô giờ đã dài quá nửa và được buộc gọn gàng lên bằng một sợi dây chun nhỏ. Cô ngả người về phía sau, hai tay đặt trên đùi. Đôi mắt cô nhắm lại. Tôi chậm rãi tiến về phía cô và chạm vào tai cô. Đôi tai mát như một miếng thạch rau câu để lâu ngày trong tủ đá. Căn phòng nhỏ, có cửa sổ nhìn ra bên ngoài và tấm rèm in họa tiết hoa đỗ quyên phấp phới bay. Giường được trải ga và hai cái gối xếp ngay ngắn. Cô ngồi trước bàn trang điểm, như thể cô đang tô lông mày thì buồn ngủ và thế là cô nghĩ, ồ chỉ một chút thôi, rồi điều chỉnh tư thế cho thoải mái, hơi ngả người ra sau và khép mắt lại. Giấc ngủ đến nhanh, bởi vậy nó sâu hơn cô tưởng. Nó sâu đến tận cùng.

Cô yêu giấc ngủ này đến nỗi không một ai có thể lấy nó đi khỏi cô được nữa.

“anh không sao chứ?” – bạn gái tôi hỏi. Cô ngồi ghế lái và tôi nhớ ra ban nãy cô đã đến đón tôi từ sở cảnh sát. Có lẽ tôi đã ngủ ngay khi bước vào xe.

“không sao, chỉ chợp mắt một tí” – tôi dụi mắt rồi nói. Nắng tỏa rực rỡ tới phát chói, tới phát đau. Đồng tử tôi nheo lại và tôi che mắt theo phản xạ. Tôi ghét cái sự rõ ràng đến gay gắt như vậy. Nó nói rằng đây là hiện thực chứ không phải một giấc mơ. Và điều đó thì mang ý nghĩa gì được chứ? Nó nghĩa là cô ấy đã thực sự chết rồi. Cô không còn ở đây nữa. Cô không còn ở đâu nữa. Tôi biết cô đang nằm ở bệnh viện nào và người ta sẽ thiêu cô. Tôi biết rõ nhưng đằng nào thì cô cũng sắp biến mất rồi. Sự nhận thức này giờ chẳng còn nghĩa lí gì cả.

“anh nên ngủ đi. Mọi thứ sẽ khá hơn sau khi anh ngủ dậy” – cô nói. Cô đang cố gắng trấn an tôi. Nhưng tôi không tài nào ngủ được nữa. Ồ thôi nào, chẳng phải đây vẫn là thế giới sau khi tôi thức dậy hay sao?

Tôi vào phòng ngủ và khóa cửa lại. Bạn gái tôi hỏi liệu tôi có đủ ổn để cô có thể về nhà hay không. Cô sẵn sàng ở đây với tôi, suốt đêm, cả ngày mai hay cả ngày hôm sau nữa. Nhưng tôi nói cô có thể yên tâm và về nhà. Lúc này tôi tốt nhất nên được bỏ lại một mình.

Những ngón tay tôi vẫn còn mát. Cảm giác đó thoang thoảng như một mùi hương lúc được lúc mất lướt qua. Tôi chạm những ngón tay lên mặt mình. Chúng lạnh và hầu như mất cảm giác. Tôi muốn nghĩ ngợi về một điều gì đó nhưng nghĩ mãi mà không rõ nên nghĩ tới điều gì. Vậy là cô ấy tới.

Cô mặc bộ đồng phục và có lẽ đó là phiên trực nhật của chúng tôi. Cô nói cô sẽ nhận phần lau bảng và thay vào đó tôi có thể đi kê lại bàn ghế hoặc quét nhà. Lau bảng xong cô sẽ giúp tôi một tay. Thường là vào buổi sáng, khi đó cô nói nhiều hơn những lúc khác trong ngày. Khi có mọi người trong lớp và chúng ồn ào náo nhiệt như đại nhạc hội của loài ong, cô sẽ ngồi yên trên ghế của mình và cặm cụi vẽ. Hoặc đọc. Cô đọc đủ thứ và hôm nào đó tôi có thể sẽ cho cô mượn thẻ thư viện của tôi. Học sinh ai cũng phải làm một cái thẻ thư viện nhưng hình như cô làm mất nó rồi. Vào giờ ra chơi, tôi cùng lũ bạn chạy khắp nơi và làm đủ trò trong lớp. Có những ngày khác, tôi gục mặt xuống bàn và vờ ngủ, nhưng thực chất tôi ngắm nghía cô từ góc độ nhìn lên như người ta nhỏ bé quá phải ngước mắt mà xem một bức tượng á thần. Tôi thử tưởng tượng cảm giác được chạm vào đôi tai cô và miết nhẹ ngón tay lần theo những đường rãnh của nó, trượt xuống chiếc cổ thon thả mong manh và lùa sâu vào mái tóc. Tôi chạm vào cô chậm rãi và bí mật bằng mắt bằng không khí bằng những ánh nhìn như xuyên thấu như đâm ngang. Thi thoảng tôi tin rằng cô biết. Hẳn là cô biết. Một cái sự gì đó nếu được lặp đi lặp lại một thời gian quá dài như vậy thì thật khó không bị nhận ra. Cô ấy đã nhận ra, phải rồi, là tôi luôn muốn cô, mãi mãi.

Vào mùa hè, khi tôi đến trường để chơi bóng cùng bọn bạn, đôi khi tôi nhìn thấy cô đứng trên ban công. Cô khoanh tay đứng đó, lúc nào cũng dõi lên bầu trời như đang tìm kiếm một cánh chim hoặc một vì sao. Cô chẳng bao giờ nhìn thấy tôi ở gần ngay bên dưới. Cô lúc nào cũng như đang tìm một thứ gì đó ở rất xa. Tôi cũng bắt gặp cả bố mẹ của cô. Mẹ cô tóc dài, mặc đồ công sở. Bố cô đậm người, tóc cắt ngắn gọn gàng và mặc áo sơ mi xanh, quần âu, áo vest vắt trên tay. Họ đi cùng nhau nhưng không trò chuyện. Cũng chẳng thấy ai cười. Tôi đã mong cô không bị khiển trách vì chuyện học tập. Ở trên lớp, điểm số của cô chưa cao bao giờ.

Tôi ngủ thiếp. Tôi ngủ chập chờn, một lát sau tôi lại mở mắt ra như chưa bao giờ nhắm. Tôi ra khỏi giường và lôi cái ví từ trong áo vest. Có một thứ mà tôi không nói với viên cảnh sát trẻ kia hay những viên cảnh sát già cỗi khác. Trong ví của tôi có một lá thư viết tay, giấy kẻ li và những hằn gấp của thời gian nổi lên đặc quánh. Những con chữ nhỏ li ti tuy mờ nhưng tròn trịa và dễ đọc. Tôi đã đọc một lần khi tôi ở nhà cô, bây giờ tôi nghĩ mình sẽ đọc lại một lần nữa.

Tôi đã dành cả đêm để đọc nó, đọc đi rồi đọc lại.

3.

“Đây là thời đại của chúng tôi

Cách đây rất nhiều năm, tôi được cho đi học. Bằng một lẽ nào đó, bố mẹ tôi thấy cần phải cho con mình đi học, để tuân theo những quy tắc thông thường trong đời sống xã hội, để làm một gia đình bình thường, có những đứa con bình thường được đến trường theo mong muốn của những bậc làm cha mẹ. Thế là tôi bắt đầu đi học, như rất nhiều đứa trẻ khác cùng trang lứa. Trường cấp một của tôi là ngôi trường danh giá nhất nhì trong thành phố lúc bấy giờ, không may, trường cấp hai và cấp ba của tôi cũng vậy. Kiểu như khi hàng xóm sang chơi nhà tôi vào ngày Tết, sau khi lì xì họ hỏi, nào, thế cháu nhà đang học trường gì nhỉ và khi tôi nói cho họ nghe tên trường, họ sẽ ồ lên và, à, ra là trường đó, thế cháu hẳn phải học giỏi lắm. Suốt những năm đi học tôi đã đối mặt với điều này, chưa một lần tự hỏi vì sao chỉ nghe tên một sự vật sự việc gì đó mà người ta có thể quy chụp tính chất của nó và những người liên quan đến nó là một. Đó là một sự vội vàng đầy thiển cận. Tôi không phải một đứa trẻ học giỏi. Một lần cũng không và sẽ chẳng bao giờ là vậy.

Lên cấp hai, cuộc sống học tập của tôi bắt đầu xuất hiện những dấu vết trắc trở. Tôi phát hiện bản thân không thể nuốt nổi các môn tự nhiên và rằng chúng đang giết chết tôi từng ngày. Nhưng ngoài tôi ra, không ai biết điều đó. Tôi muốn nói là, cả thế giới đều biết tôi đầu hàng các môn tự nhiên nhưng không biết chúng đang giết chết tôi từng ngày. Điều đó rất quan trọng, không phải ai cũng biết. Lẽ thường tình, tôi lao vào học thêm. Tôi cũng lo lắng chứ, nhưng sao bằng bố mẹ tôi cho được. Tôi học, học và học như một cỗ máy có đầy rơm trong đầu và người ta nhồi nhét đủ thứ nào các món chất nổ, các công thức tính toán thời gian, các con số có những kí hiệu khốn khổ trên đầu và vâng, những thứ đó đã trở thành một công cụ tuyệt vời cho cuộc sống của tôi biết mấy. Tức là chúng chẳng làm gì cả.

Không biết có bao nhiêu đứa trẻ được cho đi học thêm từ hồi lớp một ở xung quanh tôi. Lần đầu tiên nghe chuyện này tôi nói, im đi, làm gì có chuyện đó. Ấy là sự thật. Tôi không hiểu người ta có thể đưa thứ gì mang tầm cỡ khó hiểu vào đầu một đứa trẻ sáu tuổi, thôi nào, chúng hãy còn nhỏ đến thế cơ mà. Ở cái tuổi như vậy người ta cần làm những điều ngu ngốc như nghịch giun và lăn lê trên sàn nhà, nhổ hoa và đi tè lên nền đất trống, hay vui hơn một chút chúng có thể đánh những thằng bé cùng tuổi và túm tóc một vài đứa bé gái mà chúng thích. Đó mới là những công việc chính của một đứa sáu tuổi, không phải ngồi yên trên ghế trước mặt là tờ bài tập toán, hay tiếng Anh, hay tiếng Việt và chúng cầm bút trong tay chịu không hiểu thứ gì đang diễn ra trước mắt mình. Những con kiến nhỏ bò trên trang giấy, chúng không biến mất khi bọn trẻ nghiền nát bằng những ngón tay.

Nhưng thực sự thì, mọi thứ chỉ bắt đầu khi tôi lên cấp hai, sau đó là cấp ba. Tôi có thể nói trước điều này, tôi ít nhất trên dưới mười lần muốn đấm vào mặt một thầy cô giáo nào đó, ra khỏi lớp và đi làm ở trạm xăng. Xin mời, tôi là một tấm gương xấu cho bất kì ai muốn trở thành người tốt. Nhưng khoan, các vị có biết tôi không? Đấy, chưa gì đã lại chơi trò chơi theo một cách thiển cận rồi. Các vị cần phải tiếp xúc với gốc rễ của vấn đề, không thì cũng nên nghe cô ta trình bày về cuộc đời của cô ta theo trình tự, cho nó có lớp lang. Có cái này ở người lớn mà tôi thấy thật buồn cười, rằng tại sao các vị chẳng bao giờ nhận ra cần thay đổi. Các vị không bao giờ lắng nghe trọn vẹn con cái của mình. Ý tôi là, các vị nghe chúng nói, nhưng không bao giờ hiểu hết tất cả, các vị nghe đấy, nhưng không hiểu. Chúng đang nói gì đó và thậm chí chúng còn chưa kịp nói cho ngọn ngành thì các vị đã bắt đầu phản bác lại trong đầu mình, những ông bố bà mẹ tâm lí hơn một chút thì đợi con nói xong mới bắt đầu sắp xếp lại các lí luận phản bác. Các vị hầu như đều phản bác.

Quay lại với việc đi học của tôi. Cấp hai là một thiên đường của những điều phức tạp, nhưng nó hãy còn là một thiên đường. Tôi lên cấp ba sau khi kết thúc lớp chín. Từ trước khi thi bố mẹ tôi đã xác định được ngôi trường cần phải vào, làm gì để đạt được nó và tất nhiên là sự hợp tác từ tôi. Nhưng hình như mục đích của hai bên không giống nhau. Bố mẹ muốn tôi vào trường tốt, một phần tốt cho tôi, còn lại tốt cho họ. Đó là chuyện đương nhiên, bố mẹ nào chẳng muốn có gì đó để tự hào về con mình. Ai cũng thế, tất cả mọi người. Trong khi đó mục đích của tôi là vào cùng một trường với bạn bè mình, chưa kể đó là một trường tốt, được đánh giá cao và sau này tôi sẽ được trấn an bằng nhiều lời khen ngợi. Tôi đi học thêm trong tâm trạng phấn khởi, cứ vài bữa tôi cúp học một lần. Sau khi nhận kết quả đỗ, thực tình tôi không vui mừng cho lắm. Nó chỉ đến một cách hiển hiện và rõ ràng khi các cô dì chú bác họ hàng nội ngoại của tôi mừng tôi tiền, ít ra ngôi trường này đã được đóng một cái mác đặc biệt đến thế mà, cái mác của lòng dân. Đến đây tôi muốn nói, những đứa trẻ mười sáu tuổi chưa thể quyết định được cuộc đời của chúng đâu. Bố mẹ chúng đóng một vai trò cực kì quan trọng trong đời chúng, tác động vào chúng, ảnh hưởng lên chúng. Chúng đi đâu, làm gì, tuổi mười sáu không thể nào quyết định được. Chúng chưa đủ khôn ngoan, chưa đủ chín chắn, chúng để mặc mọi thứ và chúng không biết phải làm sao cho đúng. Khi đó, bố mẹ chúng dắt chúng đi. Bố mẹ tôi đã dắt tôi vào cấp ba, một thế giới mới nơi tôi ngày ngày tìm mọi cách trốn chạy.

Tôi ghét đi học. Tôi nhận ra điều này năm tôi học lớp mười một. Khi đó tôi đã sa sút hết mức và không thể tệ hơn được nữa. Mọi chuyện quay cuồng và chúng tôi quay cuồng theo. Tôi, gia đình tôi, mối quan hệ của tôi xuống dốc với mọi người, trường học đè lên tôi, đổ sập dưới chân tôi. Tôi biết được rằng tôi chưa bao giờ thích đi học. Có rất nhiều lựa chọn trong cuộc đời mỗi người. Đến một lúc nào đó các lựa chọn sẽ đến tay tôi. Khi đó tôi được quyền làm chủ cuộc đời mình. Có những lựa chọn sai lầm, có những lựa chọn đúng đắn, nhưng làm thế nào tôi biết được. Phải làm thử thôi, làm tất cả chúng, nghĩ ra là làm. Tôi không muốn uổng phí mọi giây phút trong đời mình kể từ khi tôi nhận ra phải trân trọng nó nhiều hơn. Cuộc đời chúng ta ngắn hơn chúng ta tưởng, đến một lúc nào đó không biết được, nó sẽ vụt khỏi tay và biến mất đi. Phí phạm từng ấy năm trong đời để làm những việc không thích, tôi coi đó là một tội ác, là một mối nguy hàng đầu cho xã hội bởi khi đó chúng ta không bao giờ biết được những kẻ đang chán nản và đầy tội lỗi ấy sẽ làm gì. Chúng sẽ làm gì ư? Đơn giản lắm, chúng sẽ phá bỏ mọi khuôn phép và vận hành thế giới nhỏ bé của chúng theo cách riêng, những đứa trẻ hãy còn quá nhỏ và say mê những trò chơi dại. Có nhiều gia đình để con họ đi học, nhìn chúng học bài, làm bài tập, được điểm tốt, thế là sướng. Tôi không tán thành việc đó. Họ không ở bên con mình ngay từ khi mọi chuyện bắt đầu, khi con họ đột nhiên muốn buông xuôi và chúng mệt mỏi tới nỗi không muốn cố gắng nữa. Những đứa như vậy thường khép mình vào một cái vỏ kiên cố và vững vàng và chúng cố thủ trong đó không bao giờ ló ra. Tận sâu bên trong chúng tính toán những phương thức tàn bạo nhất cho cuộc sống của mình, có những đứa quyết định từ bỏ nó. Chúng chẳng làm gì cả, và từ bỏ nó.

Tôi chưa gặp những đứa trẻ cảm thấy chán nản với cuộc sống của mình. Tôi cần gì phải gặp. Bởi tôi là một minh chứng điển hình, đang hít thở và đang sống, tôi biết rõ cảm giác buồn chán bất lực đó như thế nào, tôi cũng biết những đứa trẻ như tôi đang phải đối mặt với mọi thứ ra sao. Tôi nghĩ mình biết. Có lẽ có rất nhiều những đứa trẻ như vậy, chúng không thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, khuôn khổ hiện tại và chúng muốn chạy thoát nhưng không thể. Khi chúng gây chuyện và bố mẹ chúng hỏi, tại sao con không tâm sự với chúng ta khi con bế tắc, trời ạ chúng phải trả lời thế nào đây? Bố mẹ, các vị đã không ở bên con các vị khi chúng cần, vậy thì đừng bao giờ đòi hỏi chúng phải kể cho các vị nghe hôm nay chúng thấy thế nào, chúng mệt ra sao và chúng muốn được nghỉ một buổi học ở trường. Chúng sẽ không bao giờ nói bởi ngay từ đầu chúng đã không được phép nói ra rồi. Con cái lớn lên bằng nỗi sợ. Nỗi sợ bị đánh, bị mắng, bị chửi rủa, có những đứa học cách sống chung với nó và ổn, có những đứa cũng học cách sống chung với nó và bị tổn thương. Những đứa ổn sẽ sống theo cách riêng của chúng và âm thầm không để ai biết được, những đứa không ổn sẽ kiệt quệ từng ngày và kết quả chúng sẽ bỏ cuộc, rất sớm thôi. Số lượng trẻ vị thành niên tự sát không ít. Ta quy kết cho căn bệnh trầm cảm. Vậy nguyên nhân của căn bệnh trầm cảm là gì? Tôi nói, đó là những áp lực trong cuộc sống.

Thế giới này không tạo ra áp lực. Con người mới là kẻ làm điều đó. Tôi đã từng mơ đến một thế giới nơi chúng ta sống bình đẳng với nhau, được làm những điều chúng ta muốn, làm những thứ chúng ta thấy mình cần phải, nơi con người sống với nhau bằng lòng tốt và hòa bình, và những bậc người lớn hiểu con cái của họ hơn. Trong tôi có một phần luôn tin rằng tội ác của con người tất thảy đều bắt nguồn từ giáo dục. Những đứa trẻ sinh ra đều mang một lòng tốt nguyên thủy. Bố mẹ chúng là người điều chỉnh và định hình cho lòng tốt ấy. Giả sử có một đứa sinh ra với tố chất sát nhân trong đầu, bố mẹ chúng sẽ là người bật công tắc khởi động nó lên, hoặc họ sẽ tắt nó đi vĩnh viễn. Nhân cách một đứa trẻ không phụ thuộc vào những gì người ta dạy chúng ở trường, ở trường người ta không dạy chúng tình yêu. Người ta dạy chúng làm thế nào để nổi trội hơn đứa khác và công khai đứa nào dở hơn đứa nào hay hơn. Ai nói trường học là nơi đào tạo các chủ nhân tương lai của đất nước thì tôi sẽ cười vào mặt họ. Các chủ nhân tương lai của đất nước lúc này đang tán phét với nhau và làm bài tập trong nỗi hân hoan hơn người của chúng. Chúng không được dạy làm thế nào để đưa đất nước lên một tầm cao hơn, khiến người dân tự hào về nòi giống của mình hơn, chúng chỉ được dạy làm thế nào để kiếm được nhiều tiền nhất và xây được nhà to nhất. Chủ nhân tương lai của đất nước, tôi tin, là những đứa trẻ có những suy nghĩ nghiêm túc về việc này từ khi chúng nhận thức được mọi chuyện.

Có người sẽ nói, chạy theo ham muốn là con đường nhanh nhất để xuống dốc. Tôi trả lời, chạy theo những ham muốn của anh và duy trì nó, anh sẽ được lên thiên đường. Cái khó trong việc làm theo mong muốn của bản thân là không bao giờ tin vào những mong muốn ấy. Các vị luôn đắn đo và quá quan tâm đến suy nghĩ của người khác. Chính vì thế, các vị luôn thất bại theo ý họ.

Tôi không thích đi học. Bởi trường học không đem lại cho tôi cái gì, ít ra là những cái người khác tin là họ nhận được. Tôi không có niềm vui, không có đam mê, tất cả là nghĩa vụ, là một áp lực. Và tôi biết tôi không phải người duy nhất. Đã đến lúc những đứa trẻ được nói rồi”.

4.

Bố mẹ của cô là nhân viên công chức nhà nước. Họ làm việc tận tụy gần ba mươi năm ròng rồi sau đó về hưu. Họ không có mặt trong đám tang của cô ấy. Vì thế, theo như lời bạn gái tôi, tôi nên là người đứng ra chủ trì mọi sự. Những người hàng xóm sống cùng tầng với cô ấy nói rằng từ khi cô tới sống ở đây, hiếm có khi nào họ bắt gặp nhà cô có khách hay họ hàng hoặc bạn bè qua lại. Luôn luôn là thế, người mẹ đi làm từ sáng đến tối khuya, còn đứa con gái thì đi học từ sáng tới chiều, rồi nó đi học thêm và thế là hai mẹ con cứ vắng mặt từ sáng sớm đến tối mịt. Tôi nghe nói cô làm ở bưu điện nhưng không rõ cô giữ vị trí nào. Tôi không nghĩ mình cần phải thông báo cho bất kì ai ở công ty của cô. Không rõ vì sao tôi có cảm giác rằng cô muốn tôi làm thế.

Đám tang nhỏ, một vài người sống ở nhà bên, tôi và nhân viên nhà tang lễ. Những bà bác đó, họ bảo với tôi rằng, cô gái này là một người tốt, khi tôi ngã ở cầu thang cô ấy đã đỡ tôi vào nhà và thường sang thăm hỏi giúp đỡ tôi, phải rồi, một người thêm vào, mặc dù cô ấy thường về muộn nhưng những kì họp hàng tuần của khu cô luôn có mặt đầy đủ và đôi khi nếu cô ấy có ý kiến gì, cô sẽ tham gia và đóng góp đầy thiện chí. Còn con gái cô ấy thì sao, tôi hỏi. Họ nói, con bé đó ít nói lắm, nó chẳng chào hỏi ai bao giờ, nó không thích mẹ nó, tôi nghĩ vậy đấy. Đó là lí do vì sao nó tự sát, đúng thế, đó là lí do vì sao mà nó lại chết đấy.

Vì nó đâu có thích mẹ nó, phải không?

Gần đây, tôi hay uống. Ban đầu tôi chỉ uống Cognac hoặc Vodka, sau đó vẫn chưa đủ, tôi chuyển sang uống Rhum không pha nước. Tôi thức tới sáng và cố gắng suy nghĩ, cố tìm ra hay thử hình dung một lí do thích hợp. Tôi hay đọc lại lá thư mà cô đã viết. Tôi nghĩ về cô theo phương diện mới này. Cô quả thực là một cô gái táo bạo và mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng chịu nhiều tổn thương. Ý tôi là, cô rõ ràng có một cái nhìn quyết liệt về việc học hành và tin rằng nền giáo dục hiện tại là một sai lầm lớn. Nhưng cô đã chẳng thể làm gì. Cô ấy không thể làm gì được.

Cô lớn lên, đương đầu với mọi sự một mình, có một đứa con và, có lẽ chỉ là tôi nghĩ quá lên thôi nhưng tôi đã tin chắc rằng cô không muốn con gái cô phải chịu đựng những khủng hoảng mà cô đã từng có. Và bởi cô biết thế nào là tổn thương và thế nào là bế tắc, cô đã luôn cố gắng theo sát con mình như cô từng mong muốn. Cô tìm cách cứu nó nhưng bằng một lẽ nào đó, chính cô lại đẩy con gái đến bước đường cùng. Đứa trẻ đã viết ra lá thư ấy đâu có phải là cô. Đứa trẻ mười sáu tuổi đó đã bị đứa trẻ mười sáu tuổi mười- năm- về- sau giết chết. Cái áp lực của sự trưởng thành đó đã khiến cô nhận ra cái gông cùm cha mẹ cô đặt lên cô, giờ đây tự tay cô đặt lên con gái mình.

Tôi tìm thấy lá thư này trên bàn trang điểm, đang được mở trước mặt cô. Tôi cũng biết không phải cô đã chết, mà tự đáy lòng cô chỉ muốn cứu chuộc lấy chính mình. Cứu cái đứa nhỏ mà cô đã từng là, một đứa trẻ có niềm tin mãnh liệt vào sự công bằng và hòa bình, và rằng tất cả những đứa trẻ đều xứng đáng được sống và học tập như cuộc đời chúng đã định ra. Cô đã tự loại bỏ phần người- lớn trong cô và bằng cái chết, cô ấy mười- sáu- tuổi một lần nữa.

Tôi nghĩ rằng mình nên đi ngủ. Tôi thấy mệt. Sau khi đặt báo thức, tôi ghi vào lịch làm việc một cái hẹn với tòa soạn vào ngày mai. Tôi nghĩ tôi sẽ làm một cái gì đó. Phải, đúng vậy đấy, nếu cô không thể cứu lấy con gái mình, có lẽ cô sẽ cứu được những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ cũng là học sinh, cũng đang bị đè nghiến dưới sức nặng của sự trưởng thành trước mặt, của cha mẹ chúng, của xã hội của nhà trường. Cánh tay của cô ấy dù nhỏ bé như vậy nhưng chúng lại có sức mạnh của ngôn từ. Cô sẽ cùng những đứa nhỏ này nâng cái gánh nặng trên vai chúng lên để chúng có thể ngẩng đầu mà nhìn thấy bầu trời xanh thẳm. Để không phải cúi đầu mà nhìn xuống.

Cô ấy có thể.

Cũng lâu rồi tôi mới lại ngủ ngon.

2014-02-03

12:20 am

 

Nguồn: truyen8.mobi/t119784-nhung-thieu-thoi-lo-lung-mui-ten.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận