Lúc chàng thay đổi áo khiến cho thanh đoản kiếm cổ kính tức Phụng Hoàng thần kiếm dễ ngó thấy, chàng liền mua một thanh cương kiếm thông thường cài ở sau lưng.
Nai nịt xong, Thiết Kỳ Sĩ đi thẳng về phía Văn gia trang.
Văn gia hiển nhiên không phải là một thế gia trú ngụ đã lâu đời, nhưng qui mô rộng lớn.
Phía trước trang là Xích Sơn hồ. Bờ hồ có một tòa đại thông trang viện. Trang viện cách hồ một khu rừng trúc lớn. Trong rừng trúc có một đường lát đá xanh đi vào. Đầu trường thông ra bờ hồ có cổng lớn tường cao bao vây. Trong tường vây là một quảng trường rộng tới mấy mẫu. Phải đi qua quảng trường mới tới cửa chính trang viện.
Một đêm trôi qua, ngày thứ hai lại chia thành từng toán đi săn. Trang chủ cũng kêu gia nhân đem mùng mềm vào rừng.
Hôm nay Lý Thanh và Vương Minh cũng đi với Thiết Kỳ Sĩ. Ba người vào rừng sâu trên núi Mao Sơn.
Khi đến chân một hòn núi, Thiết Kỳ Sĩ dường như đã phát giác ra động tĩnh, nhưng chàng vẫn không phô trương lực lượng, nhìn Lý, Vương hai người nói :
- Lý cùng Vương hãy thong thả một chút. Dường như tiểu đệ ngửi thấy có mùi khác lạ.
Vương Minh cười nói :
- Nơi này không có thú lớn, tuy đá núi ngổn ngang và có cây um tùm chúng có thể ẩn nấp, nhưng bọn ta tới nơi, bọn chúng sợ hãi bỏ chạy hết rồi.
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Có một mùi khác lạ từ phía chính điện thổi đến, chẳng lẽ các hạ không ngửi thấy ư?
Lý Thanh nói :
- Dịch lão đệ! Có thể bọn ta vô ý. Lão đệ ngửi thấy mùi vị làm sao?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Tiểu đệ không có kinh nghiệm săn bắn nên không rõ là mùi con dã thú gì.
Vương Minh cười nói :
- Giống thú có hơi cũ hơi mới mà lão đệ lại không có kinh nghiệm thì kể như câu chuyện bỏ đi.
Lý Thanh nói :
- Bất luận có gì hay không, chúng ta cũng phóng ngựa về phía đó rồi xuống chân núi tìm kiếm.
Thiết Kỳ Sĩ đã tiên liệu hai người ngộ hiểm, chàng thấy họ đi về phía trước, vội bẻ một cành cây cầm tay, nhưng không đi cùng một đường với hai người kia. Chàng lại đi về mé bên.
Đi chưa được hai mươi trượng, đột nhiên cuồng phong nổi lên. Đồng thời phía trước có tiếng gầm vọng lại.
Hai gã Lý, Vương đi trước đột nhiên thấy một con cọp hầm hè nhảy lại.
Hai người đồng thanh la hoảng nhưng trở tay không kịp, còn thì giờ đâu mà rút kiếm, hốt hoảng chạy toán ra hai bên.
Giữa đống loạn thạch không chạy được mau lẹ. Con cọp lớn đã đón đầu hai người dương nanh múa vuốt, hai người lâm vào tình trạng nguy hiểm như ngàn cân treo sợi tóc.
Thiết Kỳ Sĩ quát lên một tiếng, trong tay đã cầm sẵn một cành cây liền vung lên đâm tới.
Chàng phóng cành cây trúng vào tráng cọp xuyên sâu tới óc.
Con cọp lớn làm sao chịu nổi vết thương trầm trọng này nó lăn ra giẫy giụa rồi rớt xuống đống đá lởm chởm.
Vương Minh sợ quá thộn mặt ra. Hắn nhân lúc con cọp lúc chưa nhảy tới, rút trường kiếm đâm tới. Con cọp đã nằm yên, dĩ nhiên hắn đâm trúng bụng nó.
Lý Thanh chậm một chút, y dùng phản chiêu từ mặt khác chém lại.
Một tiếng rắc vang lên, y đập tét đầu con cọp.
Thiết Kỳ Sĩ đứng cách chừng mấy trượng nhưng đã nhìn thấy rõ, chàng suýt bật cười, nhưng rồi chàng nhẫn nại lớn tiếng reo hò :
- Hảo công phu!
Lý, Vương hai gã không tự phân biệt được ai đánh trước ai đánh sau. Lúc này chúng nhảy ra xa thở phào một cái, trong lòng chưa hết kinh hãi.
Thiết Kỳ Sĩ lại gần coi thì thấy hai người toàn thân đã ướt đẫm mồ hôi, bất giác cười thầm chắp tay nói :
- Bữa nay nhất định nhi huynh được công đầu rồi.
Vương, Lý hai gã chưa hết khủng khiếp, trợn mắt há miệng líu lưỡi không biết nói sao. Chúng quay lại nhìn thì quả là con cọp rất lớn nặng đến năm trăm cân, mà là con cọp trán trắng.
Thiết Kỳ Sĩ cười nói :
- Bữa nay thế là đủ rồi. Chúng ta đi kiếm viên ngoại. Đầu công chắc về phần hai vị.
Lý Thanh đáp :
- Phải kể ba người chúng ta mới đúng.
Thiết Kỳ Sĩ cười noí :
- Đáng tiếc trên mình cọp chỉ có hai vết thương. Chẳng lẽ bây giờ hai vị đâm thêm một kiếm nữa?
Vương Minh nói :
- Cái gì mà công đầu với chẳng công đầu. Trăm vạn bạc thưởng nằm đó rồi. Lão đệ còn từ chối gì nữa? Một trăm lạng chia ba mỗi người hơn ba mươi lạng.
Lý Thanh la lên :
- Lão Vương! Con ngựa của lão Vương dùng để tải con hổ chết. Còn con ngực nữa thì bọn tiểu đệ cưỡi. Lẹ lên! Hãy đem cọp về rồi sẽ tính.
Ba người chật vật hồi lâu mới rời khỏi hang núi, theo đường sơn đạo mà tiến.
Chuyển qua mấy cửa núi, đột nhiên nghe tiếng nhạc ngựa từ phía sau vọng tới. Ba người quay đầu nhìn lại.
Vương Minh sợ quá nói :
- Tiểu thư đã trở về.
Thiết Kỳ Sĩ nghĩ thầm :
- Tuy ta trở lại chân tướng nhưng vần còn sợ thị nhận ra.
Phía sau là một con ngựa lớn màu hoa đào. trên lưng ngựa là một thiếu nữ mà Thiết Kỳ Sĩ đã ngó thấy. Thị chạy nhanh tới nơi.
Lý, Vương hai gã nghiêng mình thi lễ nói :
- Tiểu thư đã về tới!
Thiếu nữ cưỡi ngựa khẽ gật đầu, nhưng thị chú ý nhìn Thiết Kỳ Sĩ hỏi :
- Vị này là ai?
Lý Thanh kính cẩn đáp :
- Y là Dịch Sĩ Kỳ mới đến đây tháng trước.
Thiếu nữ dường như đã nhìn ra chỗ sơ hở của Thiết Kỳ Sĩ, nhưng tia mắt sáng ngời của thị tỏ ra có điều khác lạ. Thị gật đầu đáp :
- Ba vị đánh được con hổ lớn quá nhỉ!
Thiết Kỳ Sĩ vội đáp :
- Đây là Lý huynh và Vương huynh đã đánh được.
Thiếu nữ mỉm cười nói :
- Nhưng công tử cũng dự phần công lao.
Thiết Kỳ Sĩ nghe nói không khỏi giật mình hỏi :
- Thị nói thế là có ý gì? Chẳng lẽ thị nhìn thấy chỗ sơ hở của ta.
Chàng còn đang hồi hộp, lại nghe thiếu nữ hỏi :
- Lý tráng sĩ, và Vương tráng sĩ mình còn đang vấy máu. Phải chăng đã lại gần hơn?
Lý Thanh kính cẩn đáp :
- Đúng thế! Tại hạ và Vương huynh mỗi người thưởng cho con vật một kiếm.
Thiếu nữ nhìn Thiết Kỳ Sĩ nói :
- Dịch Sĩ Kỳ nội lực cũng không phải tầm thường.
Thiết Kỳ Sĩ ngấm ngầm kinh hãi nghĩ thầm :
- Mục lực của thị ghê gớm quá, thị đã nhận ra vết thương do cành cây đâm vào.
Chàng vội đáp :
- Cô nương quá khen mà thôi.
Thiếu nữ dặn :
- Tiện thiếp đi trước một bước, ba vị thủng thẳng tới sau. Chắc gia phụ hiện đang ở chân ngọn chủ phong.
Lúc mấy vị về đến chân chủ phong, trời vừa nhá nhem tối, tai nghe tiếng người ngựa vang lên. Lý, Vương giục ngựa tiến lên trước chỉ có Thiết Kỳ Sĩ lọt lại phía sau.
Doanh trại dựng lên ở chỗ đất bằng trong rừng rậm. Màn dũng giăng ra vào những khe cây lớn.
Thiết Kỳ Sĩ sau nửa giờ mới tới nơi. Chàng thấy Lý, Vương hai gã chạy ra đón tiếp.
Lý Thanh vừa thấy chàng lộ vẻ mừng vui cười nói :
- Dịch lão đệ! Chúng ta đi ăn cơm lẹ lên. Vừa rồi lão đệ còn đi đâu?
Thiết Kỳ Sĩ cười đáp :
- Tiểu đệ phát giác ra một con hươu, nhưng đáng tiếc là không đuổi kịp.
Vương Minh cười nói :
- Công đầu đã vào tay thì còn đánh làm gì nữa? Vào trướng ăn cơm đi.
Lần này màn trướng giăng rộng hơn, mỗi chỗ cách nhau bốn năm trượng. Ba người tiến vào trong trướng của mình. Ngựa đã có gia nhân trong coi.
Ăn cơm xong nói chuyện một hồi thì trời tối, những vầng trăng tỏ treo lơ lững trên không.
Thiết Kỳ Sĩ thấy Lý, Vương hai người ăn cơm xong liền nằm đườn ra không cử động nữa. Chàng biết họ mệt rồi, liền một mình ra khỏi trướng đi bách bộ để thưởng nguyệt.
Bất giác chàng đi tới ven rừng, ngẩng đầu lên thấy bầu trời xanh ngắt không một đám mây, trăng tỏ như ban ngày. Chàng ngồi xuống trước một đám đất cỏ. Cô đơn, tịch mịch, chàng tính bước đường hành động.
Không hiểu chàng ngồi đã bao lâu, bỗng có tiếng động rất nhỏ nhẹ lọt vào tai, nhưng chàng vẫn lờ đi như không nghe thấy.
Một âm thanh trong trẻo cất lên :
- Dịch Sĩ Kỳ! Không ngờ tráng sĩ cũng là một tay phong nhã.
Hiển nhiên là thanh âm của Trang chủ tiểu thơ gần đó vang lên.
Thiết Kỳ Sĩ biết rồi nhưng làm bộ kinh ngạc hô lên :
- Ủa! Tiểu thư!
Thanh Tiêu Ngọc Nữ “Ồ” một tiếng nói :
- Tráng sĩ gọi tiện thiếp bằng cô nương hay hơn!
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Buổi sơ kiến có điều thất ngôn, xin tiểu thư miễn thứ cho.
Thanh Tiêu Ngọc Nữ cười mát nói :
- Tiện thiếp là Văn Đế Đế. Nếu tráng sĩ gọi bằng cô nương hay tiểu thư không quen miệng thì cứ gọi thẳng tên cũng được. Vì cái tên này ít người gọi, tiện thiếp nghe có vẻ mới mẻ hơn.
Thiết Kỳ Sĩ liền cười đáp :
- Đế Đế! Hô thế này thì ra không phải người ngoài.
Văn Đế Đế nói :
- Thử xem tráng sĩ có đủ dũng khí hay chăng?
Thiết Kỳ Sĩ cười mát đáp :
- Văn Đế Đế! Bây giờ thì chỉ có hai người ở đây, chắc tại hạ có dũng khí.
Văn Đế Đế cười hích hích nói :
- Họ ngủ như chết, chẳng còn ai biết, phải vậy không?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Không phải thế! Tại hạ không muốn để người ta bảo mình nói chuyện nhảm.
Văn Đế Đế “Ồ” một tiếng hỏi :
- Có người đố kỵ với tráng sĩ hay sao?
Thiết Kỳ Sĩ lắc đầu đáp :
- Không! Tại hạ không có nguyện vọng này, nên không muốn để mình bị lôi cuốn vào vũng nước xoáy.
Văn Đế Đế cười rất tươi hỏi :
- Nếu vậy tráng sĩ chỉ muốn ăn cơm nhà tiện thiếp thôi ư?
Thiết Kỳ Sĩ đáp :
- Những người bôn tẩu giang hồ lâu ngày đều có tâm lý động cực tư tĩnh. Tại hạ cũng thế.
Văn Đế Đế nói :
- Tráng sĩ bao nhiêu tuổi rồi?
Thiết Kỳ Sĩ hiểu ý đáp :
- Cái đó còn tùy tư cách con người, có người bôn tẩu giang hồ mấy chục năm mà không chán.
Văn Đế Đế nói :
- Thôi được! Hãy gác chuyện này lại. Chúng ta bàn chuyện khác.
Thị ngồi xuống, đồng thời trỏ một bên nói :
- Tráng sĩ cũng đừng đứng nữa.