“Cuối tuần này em làm gì?” Greg hỏi.
Tối thứ Tư. Cứ tối thứ Tư là hắn lại nhắc đến cuối tuần dù hầu như cuối tuần nào hắn cũng đều ở nhà tôi. Tôi nghĩ hắn thích tự lừa mình rằng hai đứa vẫn đang tiếp cận mọi thứ một cách từ từ, rằng chúng tôi vẫn sống độc lập.
Tuy nhiên cuối tuần này tôi có kế hoạch rồi. Kế hoạch không dính đến Greg. Tôi chưa tìm được cách nào để báo cho hắn. Tôi cứ lần lữa bởi vì tôi không có nhu cầu nghe than vãn. Như kiểu bạn ngước nhìn một bầu trời xám xịt và biết là sắp mưa rồi đấy, tôi cũng nhìn gã bạn trai xám xịt ủ ê của mình và biết hắn sẽ chẳng mấy thích thú cái kế hoạch của tôi.
Quá trình trưởng thành của tôi khá bình thường, và cũng khá kỳ cục, bằng nhau. Tôi biết nó không lý tưởng, nhưng đã nghĩ ai cũng thế cả. Chỉ đến khi đi học đại học thì cái phần kỳ cục nó mới rõ ra. Khi đến đấy tôi mới biết mọi người nghĩ mẹ là bạn tốt nhất của họ còn bố là anh hùng của họ. Tôi thì nghĩ bố mẹ mình là hai con người không thể ở cùng nhau quá ba phút trong một căn phòng mà không cãi nhau. Cứ như sống trong vùng chiến sự vậy, lúc nào cũng căng người chờ đợi một đợt bùng nổ cãi cọ mới bắt đầu. Đấy là lý do vì sao bi kịch gia đình của Jen hút tôi về phía nó. Bọn tôi đúc từ những cái khuôn giống nhau, bọn tôi hiểu mình dám làm gì để giữ một ai đó lại trong đời mình. Cần phải làm gì để khiến người khác yêu mình.
Khi tôi lớn hơn và cả bố mẹ tôi đều đến với người khác, tôi nhận ra cuộc hôn nhân của họ, vùng chiến sự của họ là do đâu. Chuyện người lớn. Đấy là vì họ đã cưới một người mà họ không hiểu rõ. Thế nên, khi họ cùng trưởng thành, già dặn hơn, biết người kia rõ hơn, họ thấy những vết rạn trong quan hệ. Và, rất nhanh chóng, vết rạn biến thành hố bom, hố bom thành thung lũng rồi thung lũng biến thành những dải mênh mông không thể bắc cầu. Đến lúc đó, ta chỉ còn nhìn thấy những điều tiêu cực khi người kia bước vào tầm ngắm. Mọi thứ người kia làm đều khiến bạn nổi cáu: cái cách người ta đưa thức ăn vào mồm làm bạn buồn nôn; nét mặt lúc người ta xem TV chọc bạn tức điên; giọng người ta nói là những tiếng ồn ào vào tai bạn; người ta tồn tại trong cuộc sống của bạn thôi đã là một nhắc nhở nhức nhối cho những giấc mơ chưa thành hiện thực. Mấy chuyện người lớn.
Tôi không biết ai bắt đầu đổ lỗi cho ai trước, nhưng bố mẹ tôi không sao nói chuyện được với nhau mà không có một người hiểu lầm, mà miếng vải đỏ không hua trước con bò. Và rồi, nhảy flamenco vào đời họ, trong một cơn lốc váy vó, trang điểm và tóc tai, là Cô H. Mặc dù bố tôi và bà đã cưới nhau gần 20 năm, tôi vẫn gọi là Cô H. CÔ H. - người tôi đã gặp quá nhiều lần trong đời - gặp bố tôi ở chỗ làm. Bà trở thành tri kỷ của bố tôi, thấu hiểu ông khi vợ ông không hiểu. Điện thoại kêu, tôi sẽ trả lời, ai đó sẽ ngắt máy. Rồi nó sẽ lại kêu, bố tôi trả lời và cứ thế ôm điện thoại hàng thế kỉ, nói bằng giọng thầm thì chẳng gì nhiều hơn ngoại trừ, “Ừ,” “Không”, “Dĩ nhiên, dĩ nhiên.”, “Sớm thôi.”
Đó là vụ ngoại tình đầu tiên tôi biết mà cũng không biết. Tôi chỉ mới bảy tuổi. Mẹ là y tá, làm việc ba đêm một tuần, gồm cả một đêm cuối tuần. Bà thường đi làm về lúc tôi chuẩn bị đến trường. Tôi nói “Chào mẹ,” và bà giơ một cánh tay mỏi mệt lên trước khi ngủ. Bà sẽ cố dậy khi tôi ở trường về nh thường là quá mệt. Vậy là tôi về nhà, đi lên gác, dòm vào phòng ngủ xem bà đã dậy chưa. Nếu chưa, tôi sẽ đi xuống nhà, ăn ít bánh quy và xem TV đến khi bà ngủ dậy. Mọi thứ thay đổi vào kỳ nghỉ hè năm tôi chuẩn bị lên tám.
Tôi về nhà. Căn nhà yên tĩnh, như mọi lần, nhưng có gì khang khác. Tôi cảm nhận được nó, nó ùa vào tôi nhưng tôi không hiểu. Tôi thả túi ở cửa, băng qua khoảng cách ngắn từ hành lang đến cầu thang và lên gác xem Mẹ dậy chưa. Bà đã dậy. Cửa phòng ngủ mở rộng và Mẹ đang gấp đồ cho vào chiếc va-li đang mở rộng trên chiếc giường đôi phủ chăn.
Tôi không hề, dù muốn vô cùng, hỏi xem Mẹ đang làm gì. Mà, chuyện đã quá rõ còn gì - Mẹ đang xếp đồ làm từ thiện. Toàn đồ đẹp nhất của mẹ, nhưng mẹ tôi hào phóng vậy đó mà.
“Đừng cản mẹ, đừng có cản mẹ,” bà nói, không nhìn tôi. “Mẹ phải đi, mẹ phải đi.”
Tôi gật đầu, dù mẹ không nhìn tôi, và nói, “Vâng ạ.” Tôi quay xuống phòng khách ở nhà dưới, bật cái TV đen trắng lên và ngồi xem gì đó. Về tâm lý, tôi lớn hơn tuổi. Bạn buộc phải lớn nhanh khi bạn nghe cha mẹ bạn gào thét lỗi của nhau vào mặt nhau, khi bạn nghe tiếng tay đập vào da thịt. Vậy nên, trong khi một phần của tôi nghĩ: Mẹ sắp đi đâu? Tại sao mình không cản mẹ? một phần lớn hơn biết một cách bản năng đấy là do những cuộc điện thoại và những trận cãi vã. Tôi cũng biết bà sẽ đi và sẽ không về. Mẹ tôi sắp đi và sẽ không trở về.
Chương trình này nối chương trình kia trên TV và tôi xem tất. Chiếu thứ gì, tôi xem thứ đó. Một lúc sau đó mẹ bước vào phòng. Mặt bà u ám, quầng thâm quanh mắt. Mẹ không có va-li, cũng không mặc áo khoác. “Bữa tối mình gọi đồ ăn nhanh được không con?” bà nói, ngồi xuống cạnh tôi. Bà đút tay vào túi và cho tôi một tờ bạc năm bảng. Bà không cần phải bảo, tôi biết phải làm gì - không nói gì cả. Không với Bố, không ai hết. Lúc đó tôi đã giỏi chuyện này. Bí mật được khóa kín trong tôi và không ai có thể moi ra được.
18 tháng sau, Bố bỏ mẹ con tôi và đến sống với Cô H. ở Bắc London. Tôi phải làm phù dâu ở lễ cưới của ông. Tôi vẫn không nghĩ về cái trải nghiệm đó. 11 tuổi và hết sức khó chịu vì mọi chuyện. Tôi không nói một lời nào suốt cả ngày, chỉ cười khi được yêu cầu, đứng không chắn lối nhưng trừng mắt nhìn tất cả mọi người.
Mẹ và Bố2 về ở với nhau hai tháng sau khi Bố chuyển ra. Hai người đã quen nhau vài năm, ông là bác sĩ tâm thần trực tại bệnh viện nơi mẹ làm việc. Bố2 - tên ông là Leonard trước khi được gọi là Bố2 - và Mẹ thường gặp nhau vào giờ nghỉ giải lao. Họ uống trà trong phòng dành cho các y tá và nói bất cứ chuyện gì mà hai người không biết là họ cuối cùng sẽ về sống với nhau hay nói.
Cái ngày tôi thấy mẹ ném quần áo vào va-li chính là mẹ định đến nhà bố dượng, Eric - con trai Leonard - kể cho tôi nghe nhiều năm sau đó. Mẹ đã đoán được chuyện Bố và Cô H. nhưng phải đến cái ngày quyết định bỏ đi, mẹ mới biết chắc chắn mọi chuyện từ một người bạn chung của hai người.
Leonard, người đến lúc này đã yêu mẹ, đã nói, “Hãy đến với anh, cưới anh. Anh sẽ chăm sóc em.” Mẹ, cũng đã yêu ông nhưng chưa nhận ra điều đó, lần dầu tiên trong đời bị cám dỗ muốn đặt bản thân mình lên hàng đầu, không phải nghĩ đến ai cả và đi hưởng hạnh phúc. Tôi đã trở về và phá hỏng mọi thứ. Eric chẳng bao giờ nói tôi phá hỏng, tôi nhưng biết là chính tôi. Mẹ đã thẳng tiến trên đường cao tốc đi đến hạnh phúc và tôi là hòn đá cản hất bà về với hiện thực. Bà đã phải chọn và đã quyết định ở lại.
Leonard, có một người vợ đã bỏ đi một năm sau khi sinh Eric và rồi chết trước khi có ý định quay về, đang sống với chị gái mình (người chăm nom Eric) và chuyển vào sống cùng chúng tôi một vài tháng sau khi họ tiến tới với nhau.
Mẹ đeo cái nhẫn dượng mua cho bên tay trái, nhưng bà từ chối cưới dượng. “Mẹ chỉ cưới chồng một lần trong đời thôi,” bà nói khi Eric hỏi tại sao. “Đấy là ý nghĩa của những lời thề[9]!”. (Eric có được mối quan hệ gần gũi với bố mẹ chúng tôi, anh có thể hỏi những điều như vậy - vì thế anh biết rất nhiều về chuyện của hai người).
Mẹ đã hết sức hãi hùng khi chỉ hai tuần sau khi họ chuyển vào, tôi bắt đầu gọi Leonard là “bố2”.
“Con đừng nghĩ phải gọi ông ấy như thế để khiến mẹ vui lòng,” bà nói, một ngày khi dượng Leonard đã đưa Eric đi chơi bóng. Bà hiểu rằng không phải tôi gọi dượng là Bố2 để làm cho bà hạnh phúc, vì bà đã hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ được nghe mẹ tôi ca hát, vậy mà bây giờ lúc nào bà cũng làm vậy khi nấu nướng hay lau dọn. Bà mở đĩa - Queen, The Evelrly Brothers, Culture Club - thậm chí còn nhảy theo cùng dượng Leonard. Và, tuyệt hơn hết thảy, giờ tôi đã có một người anh trai “toàn thời gian” mà tôi có thể hạch sách sai phái loanh quanh. Người tôi có thể nói chuyện cùng khi mẹ và dượng nói chuyện người lớn. Dượng đã cho tôi một người anh, tại sao tôi không gọi ông là Bố cơ chứ? Eric cuối cùng cũng gọi mẹ tôi là “Mẹ” bởi bà là người mẹ duy nhất mà anh biết.
Và Greg muốn gặp họ. Và Greg đã bước ra khỏi cửa trong một cơn bộc phát giận hờn vì không hiểu rằng chuyện này thật tình không mang tính công kích gì nhằm vào hắn cả. Gặp gỡ gia đình không nằm trong danh sách các hoạt động mà bạn bè và nhân tình được tham gia. Jen đã gặp họ - 18 tháng trước. Sau 12 năm biết nhau, tôi chỉ cho phép nó gặp gỡ gia đình tôi thường xuyên cỡ đó thôi - tôi thậm chí còn cố tình tách họ ra trong lễ tốt nghiệp của mình. Gia đình tôi là gia đình của tôi và không ai được quyền chia sẻ. Tôi che chắn gia đình mình cực kì kĩ lưỡng, không muốn người ta dèm pha, bình luận, đánh giá rằng chúng tôi không thực sự là một gia đình vì một đám cưới chưa diễn ra.
Jen chấp nhận việc tôi muốn giữ cho gia đình mình tách rời khỏi tất cả mọi người khác. Nó hiểu. Nó lôi tôi về nhà bất cứ dịp nào để làm một cái khiên, một lá chắn giữa nó và mẹ nó, nhưng không yêu cầu tôi biến nó thành một phần trong những ngày cuối tuần của gia đình tôi. Chưa ai cố cạy cục để chui vào cuộc sống của tôi nhiều đến thế, chưa một ai tỏ ra quan tâm đến thế.
Greg thì khác. Dù làm tôi thấy ngột ngạt thật, nhưng hắn cũng cho tôi thở. Nếu điều đó có nghĩa. Tôi bị bóp ngạt bởi một người tôi không buồn chống cự. Được rồi, nói thế thì hơi quá. Người tôi không chống cự quá nhiều. Chậc, dù ý nghĩ của tôi có lộn xộn cỡ nào đi nữa, hắn vẫn khác. Tôi phải để hắn gặp gia đình tôi. Nếu không, hắn sẽ bỏ đi. Sẽ cắt dây và bỏ đi. Cả hiện thực của tôi như lỡ một nhịp. Hắn sẽ bỏ đi. Tôi không thể để điều đó xảy ra, không bao giờ, nếu còn cơ hội cứu vãn. Tôi chỉ cần để hắn gặp gia đình mình.
Tôi nghĩ tôi sắp nôn.