Sreykeo và tôi đã tìm ra cách phân chia công việc. Chúng tôi mua một xe máy cũ ở phố buôn xe đã qua sử dụng. Thường là cô lái xe vì tôi không thạo luật giao thông Campuchia, đơn giản là ở đây quá ít luật. Cô quản lý ngân quỹ vì thông thạo giá cả (và nếu chẳng may bị trấn lột thì bọn cướp sẽ lục túi tôi trước tiên). Cô đi chợ và nấu ăn, thậm chí không bao giờ để tôi lại gần bếp. Buổi tối chúng tôi kiểm điểm đã chi món gì và ghi vào sổ tay.
Tất nhiên bây giờ chúng tôi cũng hay cãi nhau hơn, tựa như phải truy lĩnh hai năm không cãi cọ. Chúng tôi thường không biết nên xử sự như một đôi vợ chồng châu Á hay châu Âu. Ví dụ cô ngả đầu vào lòng tôi hay hôn má tôi trước mặt mọi người. Ở Campuchia đó là một chuyện gai mắt, vì vậy tôi thấy ngượng. Nhưng cô không thèm để ý những người Campuchia khác nghĩ gì, đằng nào cô cũng biết tương lai mình ở Đức. Tôi thì không thế. Lúc còn là bạn trai cô, tôi không áy náy gì khi cô làm ngược với đạo đức Campuchia - là chồng cô thì tôi không chấp nhận. Tôi không muốn cô đối xử với tôi như với “người tình”.
Đôi khi chính cô lúng túng không rõ nên theo tục lệ nào. Nhiều lúc cô xoa đầu tôi như đã thấy ở các đôi phương Tây khác, rồi giật mình xin lỗi - ở châu Á người ta coi đầu là chỗ thiêng liêng, không thể vô cớ chạm vào được.
Ngày xưa chúng tôi cãi cọ thế này: tôi trách cô vì lý do nào đó, cô bực mình một lát rồi lì lợm không nói gì nữa, làm ra vẻ không nghe và không thấy gì, biến vào một thế giới mà tôi không với tới được. Có thể cô sợ tôi đi mất nếu cô cãi lại. Vả lại chúng tôi cũng chỉ gặp nhau vài tuần, không ai muốn cãi cọ trong thời gian ấy.
Sau đám cưới mọi chuyện đổi khác. Bây giờ cô tự tin hơn, và thế là tốt khi chúng tôi cãi nhau. Trong mắt tôi tình yêu không phải là một vòng tay êm ấm vĩnh viễn, mà trái lại. Tôi coi tình yêu là cuộc đấu tay đôi thì đúng hơn, và không ai được thắng - nếu có người thua thì quan hệ đó sẽ chóng chấm dứt. Cãi cọ, mâu thuẫn và xung đột là thử thách đối với hai người, là áp lực bắt họ thay đổi, phát triển và cùng nhau thành những người tốt hơn.
Tôi thích tính khí nảy lửa của Sreykeo. Trong những quan hệ của tôi ở Đức, các xung đột được đem ra tranh luận. Do khả năng chia tay nhau luôn tồn tại, không bao giờ người ta sợ mất mát nhiều. Cứ nói chuyện một cách lý trí và một lúc nào đó có thể quyết định chỉ là “là bạn tốt” với nhau nữa thôi. Sreykeo thì trái lại, cô muốn được chú ý và kiên quyết đòi được chú ý. Cô ghen tuông và không giấu tính đó. Cô dập cửa, khóc, nắm tay thành quả đấm, ngồi run cầm cập ngoài mưa và không chịu vào nhà. Mỗi khi to tiếng là cô muốn đấu tranh giành một điều gì.
Ví dụ như chuyện nhện. Mỗi lần về quê chúng tôi đi qua Skuon, một thị trấn nhỏ có đường xuyên qua, hay đúng hơn là một vòng xuyến với vài ba ngôi nhà và cây xăng. Nét đặc biệt của Skuon là các cô gái đội mẹt lớn ở lề đường, đựng món nhện đen rán. Sreykeo khoái món nhện rán. Ta có thể hình dung ra một người châu Âu có cảm giác gì khi thấy vợ mình tay nhẫy mỡ đút con nhện lông lá vào mồm nhai chèm chẹp, hoặc cắn đánh rộp tách con nhện làm hai miếng.
Nói tóm lại, khi chúng tôi đi qua Skuon lần đầu, tôi đề nghị cô vứt túi nhện đi và chọn đồ ăn khác. Nhưng Sreykeo có thể tỏ ra bướng bỉnh khó ngờ, nhất là khi nói về thói quen ăn uống khác đời. Câu nọ nối câu kia, sau nửa tiếng thì mục đích cãi cọ đã không phải là chuyện nhện nữa. Khi mẹ cô tham gia vào thì tình hình tệ hẳn.
Thực ra bà ta luôn đứng về phe tôi, lý do đơn giản chỉ vì tôi có tiền. Lần này bà khẩn khoản xin thứ lỗi cho hành vi của con gái với giọng nhẹ nhàng, hèn hạ. Tôi thấy ngượng mặt khi chứng kiến một âm mưu thô sơ định chia rẽ tôi và Sreykeo, và luôn nhìn về phía cô. Rồi bà mẹ ra chỗ cô. Tất nhiên bà tưởng là tôi không hiểu gì. Nhưng tôi hiểu rất rõ lời bà khuyên Sreykeo: “Đừng cãi nhau với nó, nó đã xây nhà đâu.” Sreykeo khóc òa lên vì giận. Đó không chỉ là sự thiếu tôn trọng sâu sắc đối với tôi, mà dĩ nhiên cũng có nghĩa rằng cô chẳng hơn gì một con đĩ trong mắt mẹ cô.
Buổi tối chúng tôi nằm trong mùng. Đột nhiên sự việc xảy ra như phóng viên ảnh Nick từng nói: một lúc nào đó cô sẽ kể hết, kể một lần, xong là hết. Tôi đã biết nhiều về quá khứ của cô, nhưng dù sao thì cũng chỉ là những mảnh vụn - như một trò xếp hình mà ta không biết có bao nhiêu mảnh.
Ngày trước tôi luôn sợ nói đến quá khứ, vì nó sẽ làm toác những vết thương cũ. Sreykeo liên tục hỏi gặng: “Tại sao anh muốn biết?” Nhưng tối nay tôi cứ thế hỏi, và cô kể hết về gia đình cô, về Walkabout, thậm chí cả về những lần cô nói dối tôi. Khi đó cô dùng một khái niệm khác. Ngày xưa cô tránh chữ “mại dâm” và nói “em đi làm.” Hôm nay cô nói “Khi em đi ngủ với đàn ông.”
Cô kể thâu đêm. Chúng tôi thiếp đi khi mặt trời đã lên. Đối với tôi, biết mọi chi tiết không quan trọng, mà quan trọng là cô kể cho tôi biết.
Aoy
Tôi buộc phải nhớ đến lời Nick: “Cậu phải nắm quyền chỉ huy.” Tôi nhìn mình trong gương nhà tắm. Tôi không khoái vai trò chỉ huy lắm, vì đó là công việc quá vất vả. Khi ta đòi hỏi tính kỷ luật ở người khác thì chính ta phải kỷ luật hơn nhiều. Liệu tôi có phải luôn làm ra vẻ có kế hoạch và biết sắp phải làm gì, ngay cả khi tôi đang lúng túng? Liệu tôi có phải liên tục ra quyết định - chỉ để ra một quyết định - vì thường là một quyết định sai còn hơn không có quyết định nào? Nhức đầu quá.
Cả đời tôi chỉ ăn theo bầy đàn, theo quan điểm: “Chúng mày phía trước cứ làm việc chúng mày và vỗ ngực kiêu căng đi, tao nghĩ chuyện tao đằng sau này và làm cái gì tao muốn.” Theo mô thức ấy, cho đến nay tôi tránh mọi xung khắc với gia đình Sreykeo và hy vọng sẽ thay đổi mọi việc bằng thiện chí. Mỗi khi có xung đột là tôi lẩn trách nhiệm.
Khi người ta ở một nước lạ và không thạo tiếng thì cũng có mặt dễ chịu, khi ấy ta mỉm cười nói: “Xin lỗi, tôi không hiểu.” Nói thế là ta lui vào trong một vỏ bọc bất khả xâm phạm, biến thành người ngoài cuộc, người quan sát từ bên lề. Nhưng giờ đây tôi không còn chỗ lùi nữa, tôi cảm nhận rõ rệt là sẽ không thay đổi được gì nếu chính tôi không thay đổi.
Trước tiên tôi phải học tiếng. Từ hồi ở Đức, mỗi tối tôi ngồi một tiếng trong bếp và chép các từ mới, khi đi tàu điện ngầm tôi còn nghe băng thu âm. Hôm nay tôi buộc phải nhận ra rằng thứ tiếng Khmer dạy trong sách giáo khoa khá khác ngôn ngữ mà người ta nói ngoài phố. Giả sử tôi học tiếng Ả rập hay tiếng Mán thì có lẽ cũng không ngớ ngẩn hơn khi nghe gia đình Sreykeo nói chuyện.
Ví dụ trong sách dạy 27 là moophey-pram-bii: 20-5-2, nhưng Sreykeo nói tắt moophey thành “phey”, pram là “em” và bị sửa thành “bell”. Giờ thì phey-em-bell nghe chẳng giống moophey-pram-bii chút nào. “Không” ở trong sách là “men”, ngoài đường nói là “att”. Tôi phải bắt đầu lại từ đầu.
Tôi luôn ngạc nhiên nhận thấy ngôn ngữ của Sreykeo và của tôi không có cùng cơ sở. Có những từ không thể dịch được, khiến tôi vô cùng bối rối. Ví dụ như từ “aoy” có thể nghĩa là “cho”, nhưng cũng là “cho phép” hoặc “cho phép ai đó làm việc gì”, hoặc cũng có nghĩa là “gây ra” hay “gây tính chất mới” hay “làm việc hộ ai đó.“
“Aoy” là một từ mà tôi không hiểu được, vì không có từ tương ứng trong tiếng mẹ đẻ của tôi. Tôi có thể học trên phương diện tri thức, hiểu và sử dụng nó, nhưng vẫn không thực sự hiểu hết ý nghĩa của nó. Và trong thế giới của Sreykeo còn nhiều thứ khác nữa giống “aoy”. Tôi có thể nghiên cứu tín ngưỡng của cô, có thể quan sát thế giới của cô như một nhà khoa học, có thể phân tích và ghi nhận các mối quan hệ. Nhưng chắc không bao giờ tôi thực sự hiểu thế nào là lớn lên trong chiến tranh và làm nghề mại dâm.
Hết chương 45. Mời các bạn đón đọc chương 46!