Tôi mua cho Djiat một điện thoại di động cũ để mỗi tối kiểm tra cô đi đâu. Nhưng cô cũng không đi làm tiền nữa. Thay vào đó là suốt ngày chơi bài, như mẹ cô. Tất nhiên cô chơi bài ăn tiền. Đôi khi cô gặp vận đỏ và tối không về nhà. Tôi gọi điện và bảo cô phải về nhà ngay. Cô trả lời, ừ, ừ, xong ngay đây, nhưng vẫn mất tăm. Nửa tiếng sau tôi nổi điên lên xe máy đi tìm cô.
Cô chơi bài ở nhà một người quen, bà này già rồi, chuyên kiếm tiền bằng cách cho vay và lột của dân nghiện chơi bài suốt ngày lê la tại nhà bà. Tôi đấm cửa, tới trước mặt Djiat và hít một hơi sâu. Mọi người quanh chiếu bài ngừng tay. Djiat nhảy dựng dậy, cô sợ tôi quát ầm lên. Cô luôn nghe lời tôi. Tuy hôm sau tôi phải giải thích cho cô hiểu một lần nữa, nhưng ít nhất thì tôi nói gì cô cũng làm theo. Tôi tin là cô vui mừng khi tôi đến đón. Ở Đức sẽ coi đây là xâm phạm vào cuộc sống riêng tư, nhưng đối với cô, đó là một người nghĩ đến cô và chăm sóc cô. Cô luôn tươi cười khi bị tôi lôi khỏi sòng bạc. Tôi tin là cô thích vậy.
Sau ba tháng xây dựng thì ngôi nhà hoàn thiện. Nó đứng trên hàng cột cao hai mét rưỡi, cửa sổ xanh lam và mái ngói đỏ. Công nhân lắp vào đầu hồi hai mũi nhọn sơn vàng, chĩa lên trời như hai ngọn lửa nhỏ. Tôi thích ngôi nhà. Thật yên tâm khi biết ở nơi nào đó trong cõi u minh có một ngôi nhà để ta chui ra chui vào bất cứ lúc nào, xa cách tất cả. Tôi không bao giờ coi đó là nhà của gia đình, nó là nhà của Sreykeo và tôi. Chúng tôi sẽ sống ở đó mỗi khi về Campuchia hoặc để lánh một mùa đông Đức.
Dĩ nhiên không phải cứ thế vào ở được. Ba nhà sư đến cầu phước, sau đó phải mở tiệc khoản đãi thợ xây dựng - vật hy sinh là con chó ở làng mà tôi rất thích.
Mùa mưa thay đổi diện mạo làng quê như tôi chưa từng thấy, mặc dù tôi đã nhiều lần đến đất này. Nơi mùa khô là đồng lúa thì bây giờ là một biển nước đến tận chân trời. Các nhà xung quanh ngập chân trong nước phủ bèo tấm, mọi người thản nhiên lội nước hoặc đi thăng bằng trên cầu ván nối giữa các nhà - trong khi tôi thấy một trận lụt thảm họa thì đối với họ chỉ là chuyện lặp đi lặp lại hằng năm. Miếng đất của chúng tôi đã thành hải đảo, ra vào phải dùng một chiếc thuyền nông choèn hình thoi.
Một buổi sáng tôi chui khỏi mùng và thấy bố Sreykeo ngồi ở cửa, mỉm cười với tôi. Ông đã bán túp lều và máy nghe CD của Sreykeo, đưa tiền cho vợ hai, chỗ còn lại mua vé xe buýt. Thì ra ông vẫn luôn muốn sống với các con ở nhà này, duy chỉ không thấy cần thiết phải nói ý định đó ra.
Chúng tôi sắm cho ông một ghế cắt tóc cũ. Ông đặt nó ở vệ đường và nhờ lợp một mái lá bên trên. Mỗi sáng ông đội mũ, tìm gậy và khập khiễng đi ra hiệu cắt tóc tí hon của mình.
Một hôm có người đàn ông áo trắng đứng trước cửa. Ông ta đến đây trên một chiếc xe máy đen bóng, nách cặp một tập hồ sơ, tự giới thiệu là nhân viên một tổ chức và nghe nói trong nhà có một người tàn tật. Mấy hôm sau bố Sreykeo có một chiếc xe lăn. Đột nhiên khắp làng thấy xe lăn, nhưng chủ yếu trẻ con lấy nghịch chơi, chúng đẩy xe chạy lộc cộc qua những ổ gà. Người ta không thích xe lăn - vì trông chúng như xe lăn! Bố Sreykeo nhờ thợ hàn một cổ phuốc xe đạp cũ vào xe và một tay quay để khởi động bánh trước.
Mấy tuần tiếp theo ông bận bịu trang hoàng chiếc xe lăn. Ông mua sơn xịt màu đỏ và xanh lá cây, kiếm đệm mút cho chỗ ngồi. Thật lạ khi thấy cái xe làm thay đổi con người ra sao. Cả đời ông ngồi trong nhà, giờ đây ông có thể đi khắp nơi: đến hàng chè có mười nồi đựng chè chuối, bí đỏ và đậu nóng, đến nhà họ hàng hay đơn giản đi đi lại lại trên đường. Ông đội chiếc mũ trắng lên, đút bao thuốc có chữ “The taste of Europe” (“Hương vị châu Âu”) vào túi ngực, hãnh diện nhưng thản nhiên nói, ông chỉ “đi dạo” một chút.
Quan hệ giữa ông và vợ ông tuy nhiên vẫn không ổn, họ hậm hực với nhau cả ngày. Đến giờ nghỉ, mỗi người trải một chiếu riêng ở hai góc nhà. Người này than phiền với tôi về người kia. Ông bố kêu bà mẹ chỉ chơi bài và uống rượu, còn bà than phiền ông không kiếm ra tiền. Tôi chưa bao giờ hiểu nổi vì sao họ căm ghét nhau đến thế, cả các con họ cũng không biết.
Mấy tuần sau Djiat cũng về quê. Trước khi tôi sang Campuchia cô làm quen với một người Mỹ ở một quán bar. Ông ta muốn giúp cô một cách bất vụ lợi. Trước khi về hưu ông là nhân viên kỹ thuật của không lực Hoa Kỳ. Chắc ông tìm một việc nào đó mang ý nghĩa cho đời.
Với dáng khổng lồ, trông ông rất kỳ cục. Chiếc nhẫn đeo ngón út của ông còn quá lỏng khi xỏ vào ngón cái của tôi. Cả ngày ông nằm dài trên chiếu như một hoàng đế La Mã với cặp kính râm phi công trên mũi. Bà mẹ thu thập từ mọi nhà một núi gối để ông hạ núi thịt của mình xuống. Djiat quạt mát và đút hoa quả cho ông. Cạnh chiếu là một thùng bảo ôn đầy bia và đá. Một đàn trẻ con quây quanh hai người, thỉnh thoảng ông rút tiền cho chúng.
Tất nhiên Djiat hy vọng ông ta cưới cô, nhưng tôi biết đó là chuyện không tưởng - ông đã nói toạc với tôi như vậy. Trong mắt ông, cô như một nạn nhân cần được “hỗ trợ”, cần tiền và sự chỉ huy của ông. Đó không phải là tiền đề tốt. Không ai thấy hàm ơn khi được đối xử như một nạn nhân. Và ai chỉ phân phát tiền sẽ không nhận được sự tôn trọng và lời cảm ơn. Mà chỉ gây lòng tham.
Tôi nhận ra điều đó ở chính mình. Ông hay mời chúng tôi đi ăn ở nhà hàng châu Âu đắt tiền, trả tiền taxi, đi khiêu vũ cùng chúng tôi và thanh toán mọi đồ uống. Ông càng trả nhiều tiền thì tôi càng kém tôn trọng ông. Nhưng tôi không để ông nhận thấy, vì tôi đã bắt đầu ít quan tâm đến ông như một con người, mà chỉ chú ý đến những điều hay ho do ông đem lại cho tôi.
Chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi bà mẹ nổi lòng tham. Bà nhờ tôi hỏi xin ông 100 đô la cho lễ Pchum Benh sắp đến. Bà định nấu một nồi cháo lớn cho người già trong làng và quyên cho chùa ít tiền.
100 đô la thì quá nhiều. Tôi bảo bà: “Mẹ ạ, nếu nhà ta năm nay chi 100 đô la cho Pchum Benh thì năm sau cũng phải làm tiếp, không thì rất xấu mặt. Nhưng làm sao biết được năm nào cũng có đủ tiền?”
Bà đáp: “Mẹ nói thật nhé. Mẹ chỉ cần 20 đô la cho Pchum Benh, chỗ còn lại để dành phòng khi có ai ốm đau.”
Ông người Mỹ không hiểu chúng tôi nói gì, thậm chí không nhận ra chúng tôi nói về ông và tiền của ông. Ông vuốt ve tay Djiat, gọi cô là “em bé” và không tưởng tượng ra ai trong nhà này lại không kính nể và hàm ơn ông. Bà mẹ nhìn tôi, và tôi nhận ra bà coi tôi là đồng lõa: tôi đã đổi chiến tuyến, hôm nay tôi được cử vắt sữa con bò vàng. Tôi từ chối.
Bây giờ tôi cũng biết bà mẹ cần nhiều tiền làm gì. Không chỉ để đánh bài, mà bà tìm cách mua sự kính trọng của đại gia đình và bạn bè là thứ bà không nhận được từ chồng con mình. Ai hỏi là bà cho tiền. Bà mời mọi người về nhà ăn và uống bia, mua áo mới cho đứa cháu, trả học phí cho một cháu khác. Nhưng tất nhiên bà còn chi nhiều tiền để uống rượu và vui vầy với các bạn khác.
Chắc chắn bà không bao giờ bỏ được tật chơi bài. Nếu chúng tôi rời làng đi Phnom Penh vài hôm, bà lại tụ tập chơi bời và uống rượu tự nấu. Ở nông thôn không có việc gì khác cho người già. Ai buổi tối ngồi ở nhà, không có trẻ con kể cho nghe chuyện học hành, không có vợ chồng cùng xem ti vi, không có họ hàng ghé qua ăn cùng - người đó chỉ có một nơi thân thuộc là nhà Omm Chan; ở đó họ ngồi xếp bằng tròn uống rượu thốt nốt. Rượu và trò may rủi làm quên đi nỗi cô đơn.
Một hôm bà tha về con chó con giống Saint Bernard. Bà bảo được người ta tặng, nhưng tôi đoán được một người chơi bài say rượu nào đó cho, và bà cứ thế đem về nhà. Tôi ghét con chó. Ở nông thôn nó chẳng được tích sự gì, nhưng rồi sẽ lớn bằng con bê và ăn cả nồi cơm thịt. Bà sẽ đòi các con đưa thêm tiền, vì bây giờ có thêm một miệng ăn.
Hằng ngày bà âu yếm tắm cho nó bằng dầu gội đầu trẻ em để không bị xót mõm. Nó được vào nhà - một chuyện rất kiêng với người Campuchia. Vì sao người ta có thể yêu một con vật dễ dàng hơn yêu các con mình?
Dự tính tôi ở đây nửa năm, và tôi đã từ bỏ hy vọng trong thời gian ấy sẽ giải quyết được mọi vấn đề của gia đình này. Bà mẹ sẽ không bao giờ học được cách chi tiêu và quản lý tiền. Vì thế tôi quyết định hỗ trợ hai người có khả năng và ý chí đổi đời: Cheamney và Nak. Chúng tôi giúp cậu em trai tốt nghiệp phổ thông, học tiếng Anh và “computer” ở Phnom Penh. Tôi không tin cậu ta sẽ kiếm được tiền với computer ở Phnom Penh, nhưng không quan trọng. Giáo dục làm người ta tự tin, và đó là cái người ta cần để đi kiếm tiền.
Hy vọng của gia đình đặt lên Cheamney. Cô nhận được hợp đồng qua Mỹ biểu diễn mấy tháng với đội múa của cô. Cô sẽ kiếm được vài nghìn đô la, với số tiền khởi nghiệp này cô sẽ mở một quán karaoke ở làng. Tôi lập cho cô một tài khoản để cô gửi tiền, tránh bị bà mẹ đụng chạm vào. Cô trả vào bao nhiêu thì tôi sẽ trả thêm bấy nhiêu.
Phát hiện được
HIV - hầu như chúng tôi quên nghĩ đến nó. Nhưng rồi cũng phải đi Bangkok, một phần vì Sreykeo đau răng, và cũng đã đến lúc đếm lượng virus. Trong hơn một năm rưỡi qua lượng virus ở dưới mức đo được, do đó chúng tôi chuyển sang chế độ xét nghiệm nửa năm một. Một bác sĩ Đức nói với tôi rằng thế là đủ. Xét nghiệm rất đắt; bản thân việc xét nghiệm không tốn mấy, nhưng gộp cả tiền xe buýt, lệ phí thị thực, ngủ trọ, taxi và ăn uống trong mười ngày thì phải đến vài trăm đô la.
Tôi ngồi trong nhà nghỉ ở Bangkok khi Sreykeo quay về với kết quả xét nghiệm của Chữ thập Đỏ Thái Lan. Cô ném phong bì lên bàn, nằm vật xuống xô pha và úp mặt lên cánh tay. Tôi suýt quên tại sao chúng tôi đến đây. Tôi mở phong bì. Tình cảnh giống hôm đầu tiên tôi biết chứng bệnh HIV của cô: tôi nghĩ, không, không thể thế được, tôi đọc lại lần nữa, lần nữa.
Số virus trong một mililít máu từ “dưới ngưỡng phát hiện” tăng lên 814. Chưa đủ cao để phải ra biện pháp mới, nhưng cũng không đủ thấp để lờ nó đi. Chính xác đó là con số khiến ta lưỡng lự nhất. Lượng tăng đến 200 có thể được coi là dung sai khi đếm và khá yên tâm lờ đi, trên 100 nên xem là trị liệu pháp không hữu hiệu, phải đổi loại thuốc. Nhưng 814 muốn hiểu thế nào cũng được. Tất nhiên, nó chỉ là một con số, nhưng nó tồn tại không chối cãi được.
Khi mọi hành động duy lý qua đi thì nỗi sợ bắt đầu. Chúng tôi đến bệnh viện, tìm gặp một nữ bác sĩ. Bà khuyên lặp lại xét nghiệm sau một tháng. Giờ thì những gì làm được thì đã làm, sau đó là vực thẳm.
Tất nhiên tôi suy nghĩ vì sao lượng virus gia tăng. Chúng tôi không tìm ra lỗi gì ở mình. Sreykeo uống thuốc rất kỷ luật và không quên một viên nào. Mỗi lần không chắc chắn đã uống chưa, cô uống thêm một liều thứ hai. Cho đến nay việc điều trị rất ổn, không mấy khi có tác dụng phụ, trong vòng ba tháng lượng virus tụt xuống dưới ngưỡng phát hiện được. Và bây giờ là cú sốc: thất bại sau một năm rưỡi là quá nhanh.
Tôi tự đặt hàng nghìn câu hỏi và vô cùng bối rối. Liệu có vì thuốc? Vì muốn giá rẻ, trước đây ba tháng tôi đã đổi nhà sản xuất. Trước đó chúng tôi mua thuốc ở một hãng dược phẩm nhà nước của Thái Lan, mỗi tháng dùng mất 85 đô la. Sau đó chuyển sang thuốc Ấn Độ chỉ mất 40 đô la. Không có lý do nghi ngờ, thuốc này mua của một bác sĩ từng làm việc lâu năm cho các tổ chức phi chính phủ ở Phnom Penh. Nhà sản xuất rất nổi tiếng, hộp thuốc có nhãn và gắn xi, kèm chứng chỉ nhập khẩu.
Sreykeo lưỡng lự không chịu uống vì thuốc không bọc và dính chút bụi, lắc nhẹ là vỡ. Sreykeo cả quyết thường xuyên bị chóng mặt từ khi uống loại thuốc mới. Tôi cho là cô tưởng tượng và nói tất cả bác sĩ ở Phnom Penh đều dùng thuốc này, kể cả các tổ chức phi chính phủ phương Tây. Tuy nhiên về sau tôi nghe nói Tổ chức y tế thế giới đã gạch thuốc này khỏi danh mục khuyến cáo thuốc mô phỏng để điều trị HIV, vì nhà sản xuất không thể chứng minh đạt được lượng hoạt chất cao như thuốc thật. Tôi đã liều với sức khỏe của Sreykeo chỉ vì tiết kiệm 45 đô la mỗi tháng?
Câu hỏi này làm tôi mất hết tự tin. Chẳng phải đây là việc thực sự quan trọng đầu tiên mà tôi đã làm trong đời hay sao? Tôi đã thất bại? Tôi đã sai một lỗi, và lập tức con virus đã lợi dụng thời cơ ấy để xuyên qua hàng phòng ngự. Có phải thế không?
Tất cả cùng ập về một lúc: sợ hãi, trầm cảm, bất lực - những cảm xúc hầu như đã lãng quên, những hậu quả tâm lý kéo theo sau con virus. Đột nhiên cánh cửa dẫn đến thế giới hư ảo tăm tối ấy lại mở toang. Con cọp đã sổng chuồng.
Lập tức những cuộc cãi cọ cũng lại bắt đầu, duy chỉ bây giờ không còn khía cạnh mỉa mai và ganh đua nhẹ nhàng như chúng tôi vốn quen. Bây giờ lo sợ và bối rối bóp nghẹt tất cả. Trên chuyến bay về nhà, Sreykeo phải điền tờ khai hải quan và cô có chữ cần hỏi. Tôi nói, có hàng chữ Khmer bên dưới, cô nên tự đọc lấy. Nhưng cô lại hỏi. Tôi lặp lại, cô nên tự đọc. Tôi muốn động viên cô tin vào khả năng của mình, không nhận ra đây là thời điểm không thích hợp.
Cô òa khóc: cô xấu hổ, sợ ai đó trên máy bay biết là cô không đọc thạo. Tôi phải nói thêm đây là lần đầu tiên cô lên máy bay. Chỉ là một chuyến bay giá rẻ, nhưng với cô có nghĩa là ở cạnh những người giàu và có học. Đa số hành khách là dân du lịch, nhưng cũng có cả người Khmer tầng lớp trên. Buổi sáng Sreykeo đã trang điểm, mang áo dài và đồ trang sức đẹp nhất. Bây giờ cô ngồi đây, và ai cũng biết là cô không biết đọc, có thể biết cả bệnh HIV của cô. Ai cũng biết là ở đây không có chỗ cho cô.
Trong giây phút ấy tôi ước gì trả bất kỳ giá nào để làm cho lỗi ấy không xảy ra. Tôi không thể chịu đựng nổi cảm giác đã làm cô xấu hổ.
Chúng tôi đổi ngay về loại thuốc cũ. Bác sĩ bảo chúng tôi điên khi mua của ông thuốc Thái Lan đắt hơn, nhưng chúng tôi không thay đổi ý định. Ông hơi phật ý khi đưa thuốc và đế thêm: “Nếu có lợi về tâm lý...”
Sreykeo tươi cười cầm hai hộp nhựa nhỏ màu trắng quen thuộc vào tay, ép chúng vào ngực như hai đứa trẻ nhỏ đi xa mới về. Chúng tôi xét nghiệm lần nữa sau đó hai tuần. Buổi sáng hôm đi lấy kết quả tôi không ăn được miếng nào. Khi tôi mở phong bì, tựa như có một nhà ảo thuật nói ra câu “dưới ngưỡng phát hiện”: một dòng chữ đen trên giấy trắng, và nỗi sợ ma quái tạm thời chấm dứt. Con cọp đã vào lại chuồng. Có thể chỉ là lỗi trong xét nghiệm, phương pháp b-DNA vốn mang tiếng đôi khi đưa kết quả dương tính nhầm. Từ giờ trở đi chúng tôi xét nghiệm ba tháng một lần.
Hết chương 49. Mời các bạn đón đọc chương 50!