Sống Từng Ngày Chương 50-51


Chương 50-51
Núi thiêng

Chúng tôi quay về làng và không có việc gì làm. Nếu tôi không viết sách, bể nước đã đầy, rác đốt xong, bát đĩa sạch sẽ thì chẳng còn công chuyện gì nữa. Tất cả sách đã đọc đi đọc lại mấy lần. Chúng tôi không có ti vi, và mỗi ngày chỉ có điện vài tiếng. Mỗi lần thấy bức bối, tôi bảo Sreykeo cùng lên xe máy đi lang thang. Vì vậy có lần chúng tôi đến Núi Thiêng, một nơi thu hút nhiều người Khmer. Du lịch Tây ít khi đến đây.

Núi Thiêng đứng đơn độc giữa đồng lúa, âm u cây cối rừng già. Những bậc thang xi măng nối dài lên đến đỉnh, tay vịn là hai con rắn Naga biến mất hút khỏi tầm nhìn. Những tảng đá hình thù kỳ dị đã làm ngọn núi thành một nơi huyền bí, người ta tưởng tượng ra hình đầu người hay khuôn mặt trên đá. Các cây cổ thụ mọc trên đó làm ta có cảm tưởng luôn luôn bị theo dõi.

Một người mù ngồi trên bậc thang, mắt ông ta xám màu khói. Ông mặc quần áo nghèo nàn, mòn vẹt vì ngồi, đeo đồng hồ nhựa nghe được tiếng đọc giờ khi bấm nút. Trên cổ ông đeo túi. Ông áp túi lên tai như máy bộ đàm, nói thì thầm rồi lắng nghe và khe khẽ gật đầu. Ông xin mấy tờ bạc, rút một tờ và nhờ đọc số xê ri, nói số ấy vào túi và lại gật đầu. Tôi đoán nó phải là một đồ vật kỳ bí cực hiếm. Túi treo vắt qua ngực như bế một đứa bé.

Tôi chợt nghĩ, đây nhất định là một lời sấm truyền. Bất giác tôi lùi một bước: chắc đó là một thai người ướp mà người ta vẫn cho là có nhiều sức mạnh thần bí. Tôi hỏi cô nghe ông ta nói gì, nhưng Sreykeo chỉ đáp “ổn cả.”

Có một lỗ dài trong đá, sâu vài mét. Dưới đáy có mấy hòn đá dài dài đẽo thô xếp quanh một lỗ sâu hơn. Người ta ném vào đó ba tờ tiền và nghĩ một điều ước. Nếu gió hút tiền vào lỗ thì điều ước sẽ được toại nguyện. Sreykeo giữ từng tờ trên lỗ, nhằm, cố đoán hướng gió hút để thả tiền đúng lúc. Cô nhìn theo đồng tiền đầy hy vọng, xem nó phất phới quay lộn trong gió. Tôi đoán biết cô ước gì và rất đau lòng thấy cô cố trấn tĩnh khi gió thổi bay tờ tiền khỏi lỗ, dính lên vách đá. Không tờ nào rơi vào lỗ. Cô quay người đi khỏi. Tôi hỏi cô ước gì. Cô nói: “Em hết bệnh.”

Rồi cô thả một tờ nữa, lần này gió hút tờ tiền tụt vào lỗ. Cô nhảy cẫng và phấn khích la lên: “Anh thấy chưa? Em ước chúng mình có con đấy!”

Hừm, tôi nghi ngờ mấy câu sấm truyền kiểu này. Tôi gợi ý đó chỉ là một lỗ dưới đất, và đêm đến sẽ có người trèo thang xuống lấy tiền. Cô nói sẵng: “Không!” rồi thản nhiên ném nốt hai tờ nữa xuống lỗ. Cả hai bay thẳng xuống lỗ như kẻ chỉ. Cô quay đi, tựa như không có gì tự nhiên hơn trên đời.

Quá đơn giản

Tôi đang săn một con gián làm tổ trong máy in thì có chuông điện thoại. Sreykeo nhấc máy, nói tiếng Khmer, mắt cô sáng lên rồi cô đưa máy cho tôi và nhảy lên ôm cổ tôi. Đó là cô nhân viên người Campuchia ở Đại sứ quán Đức. Cô thông báo là Sở ngoại kiều đồng ý cấp thị thực. Chính cô cũng ngạc nhiên không kém gì tôi. Mọi chuyện quá nhanh, thậm chí còn chưa hết hạn nộp giấy tờ gốc. Cô nói, điều kiện duy nhất để nhập cảnh là hai chúng tôi phải đi cùng nhau. Chúng tôi sẽ phải mua hai vé máy bay, trình cho sứ quán, sau đó Sreykeo sẽ nhận được hộ chiếu kèm thị thực. Tôi đặt máy và bối rối đi đi lại lại. Mấy ngày nữa chúng tôi sẽ ở Đức, thậm chí có thể trước lễ Giáng sinh.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: tôi không thể đi ngay được. Vừa cách đây mấy hôm tôi bắt đầu dạy một con khỉ do hàng xóm bắt được. Nó đã biết nghe gọi tên và chạy lại khi tôi gọi. Chúng tôi cũng đã dọn và đốt hết bụi cây sau nhà để trồng rau. Ngoài ra tôi cũng chưa nói trôi chảy tiếng Khmer. Con chó cũng vừa đẻ bốn con, mấy ngày nữa mới mở mắt. Vậy mà lúc này Sở ngoại kiều đột ngột cho nhập cảnh. Chúng tôi không thể đơn giản đứng dậy ra đi.

Tôi không phấn khởi chút nào. Hệt như trong phim, khi người hùng nghĩ: “Chán thật, quá đơn giản.” Tôi đã chuẩn bị tinh thần đón một cuộc chiến giấy tờ dai dẳng và mệt mỏi - thất vọng quá. Dĩ nhiên chúng tôi đi Phnom Penh ngay để mua vé máy bay.

Khi Djiat nghe tin, cô nhảy lên ôm cổ tôi, ghì chặt tôi và khóc như một đứa trẻ. Cô ghì tôi sát vào người, vào cái bụng chửa to tướng của cô, hai tay ôm mặt tôi. Rồi cô mỉm cười với đôi mắt đỏ và má ướt nhèm, vuốt lên tóc Sreykeo. Sự bùng nổ cảm xúc của cô khiến tôi bối rối, chẳng hợp chút nào với cô gái thụ động và bàng quan hằng ngày.

Có thể cô cảm thấy một phần của cô sẽ cùng với em gái sang Đức, có thể cô thấy chút hy vọng. Cũng có thể cô tin rằng, kể cả những ai có cuộc đời tan nát, những ai có virus cũng được hạnh phúc, họ không bị đuổi khỏi thiên đường, mọi chuyện đều có thể thay đổi.

Ba ngày sau chúng tôi cầm vé trong tay, hôm sau nữa chúng tôi lấy hộ chiếu ở Đại sứ quán, và một ngày sau đó thì có mặt tại phi trường. Cả nhà đi trên chiếc tuk-tuk chật như nêm đến chia tay chúng tôi.

Tôi cảm thấy sẽ thiếu vắng tất cả, từng người một. Cheamney vừa về từ một lần biểu diễn trên ti vi, cô hôn lên má tôi và để lại khá nhiều son. Vẫn Djiat là người khóc nhiều nhất. Tôi rất ngạc nhiên, vì thực ra suốt ngày chúng tôi chỉ cãi nhau vì tiền nong và bài bạc. Nhưng chính cô sẽ là người tôi nhớ nhất. Tôi sẽ nhớ nhà sư. Tôi sẽ nhớ con khỉ sáng nào cũng nhảy lên sờ tay lạnh vào mặt tôi. Thậm chí tôi cũng nhớ bà mẹ một chút, một chút xíu thôi. Người mẹ nào cũng được nhớ, có muốn khác đi cũng không xong.

Hành tinh Đức

Nhiệt độ bên ngoài là âm 69 độ C, độ cao 13.000 mét, màn hình cho thấy máy bay của chúng tôi đang qua biển Caspi. Sreykeo ngó qua cửa sổ. Qua lớp mây cô thấy ánh sáng của nhiều ngọn lửa lớn dưới mặt đất, có lẽ là những mỏ dầu Baku. Các vì sao vẫn cách xa như nhìn từ dưới đất. Chúng tôi bay đến hành tinh Đức. Hôm nay là Đêm Thánh trước lễ Giáng sinh. Lúc cất cánh Sreykeo nhìn qua cửa sổ, Phnom Penh lùi xa dần. Cô gọi tôi: “Nhìn kìa, bờ hồ kìa.” Chúng tôi thấy lại hồ nước với các nhà trọ, nhưng lập tức máy bay vào mây và ai đó hỏi chúng tôi muốn ăn khoai tây với thịt bò hay cơm gà. Phnom Penh đã biến mất.

Trước đây mấy tuần trong một nhà trọ ven hồ chúng tôi tình cờ gặp An, cô bạn gái ở Walkabout, và Sreykeo nói dăm ba câu với cô. Thường thì cô tránh xa các cô gái làm tiền, không muốn dây dưa với họ nữa và không muốn gợi nhớ chuyện cũ. Không khó khăn để nhận ra An mang virus trong người. Mặt cô ưu tư và khô héo một cách kỳ lạ. Một thời gian dài tôi ngỡ An đã chết, vì chúng tôi không hề gặp cô ở thành phố. Nhưng cô nói với Sreykeo là mới ốm dậy.

Mọi khởi đầu giống nhau. Họ biến mất tăm vài tuần, quay lại với thân hình mảnh khảnh lạ thường và kể mới ốm dậy. Rồi lại biến mất, quay về, biến mất lần nữa, rồi một lúc nào đó không quay về nữa.

Khách hàng ở Walkabout không bao giờ nghe tin các cô gái đã chết. Liên tục có người đến người đi. Vài người lấy chồng, mấy người khác chuyển quán bar, những người khác qua đời. Không ai ở Walkabout đả động đến HIV. Vở diễn phải tiếp tục, HIV làm hại thương trường.

Hôm nay là Đêm Thánh. Đương nhiên bố mẹ tôi lại dựng ba cây thông. Sau khi tôi gọi điện báo chúng tôi sẽ về Đức dịp Giáng sinh, họ lập tức chạy đi kiếm quà tặng cho Sreykeo. Cô sẽ cùng bố mẹ tôi đi nhà thờ. Rồi chúng tôi sẽ uống trà và ăn bánh quy, cả loại bánh không đường của bà tôi. Hai chú mèo sẽ tru lên oán thán khi cả nhà hát “Đêm Thánh vô cùng”. Sreykeo sẽ ở nơi an toàn.

Tất nhiên tôi nhớ lại đêm Giáng sinh trước đây ba năm, khi tôi ngồi khóc trước cây thông và nghĩ thầm: “Chịu thôi. Mình không thể giúp cô ấy được.” Giờ đây cô ngồi cạnh tôi và không mở được túi bọc dao dĩa nhựa. Màn hình trước mặt cô chiếu phim “A Bug’s Life”. Có lẽ đây là tặng vật lớn nhất cho tôi. Tôi đưa cô về nhà, về với tôi, về với cả gia đình. Chốn ấy không có tọa độ trong hệ thống định vị toàn cầu, không được đánh dấu trên bản đồ nào, không ởHesse,Hamburghay Kompong Thom. Nhưng Sreykeo ở đây, cùng tôi, mọi chuyện khác đều không quan trọng nữa.

Chuyện về con rùa mãi về sau tôi mới được biết qua anh tôi. Cô kể với anh là một ngày trước khi chúng tôi gặp nhau cô đã phóng sinh hai con rùa ở đầm nước trước Cung Vua. Một con đực và một con cái - theo nghi lễ Phật giáo. Cô viết tên mình lên mu con rùa cái, con đực không viết gì. Cô cầu gặp được người sẽ là chồng cô vào hôm ấy. Còn nếu không gặp được thì cô chỉ đi làm để kiếm tiền. Sau đó cô nhuộm mái tóc sáng màu của mình đen trở lại, sơn móng tay và đến Heart of Darkness.

Tôi thích chi tiết này, vì nó làm cho mọi sự kiện có vẻ như tuân theo một ý nghĩa cao hơn. Tất nhiên tôi biết là không có số mệnh, mà chỉ có những tiên đoán tự đáp ứng: vì tối hôm đó hy vọng gặp chồng nên cô không đối xử với tôi như một khách hàng, và do đó tôi không đối xử với cô như một gái mại dâm. Vì thế mà chúng tôi mê nhau. Nhưng tôi thích ý niệm về một Đấng cao siêu sai khiến mọi chuyện đi đến hồi kết và không có gì là vô nghĩa. Cuộc sống sẽ nhờ vậy mà đơn giản hơn.

Còn cái chết? Nó ở xa lắm. Như một thằng bạn cùng lớp mà sau khi tốt nghiệp phổ thông không gặp lại nữa. Ta biết thằng bạn ấy vẫn còn đó, và ta cũng biết là một ngày nào đó sẽ tái ngộ. Hiện tại nó chỉ là một ký ức mờ nhạt. Có thể ta tự hỏi thằng ấy ở đâu và hôm nay trông ra sao?

Cuối năm 2006 ở Mỹ có một công trình nghiên cứu được công bố. Người ta dự đoán người nhiễm HIV ở Bắc Mỹ từ khi được chẩn đoán sẽ sống trung bình thêm 24,2 năm nữa. Nghiên cứu này dựa trên các thông số của 2004. Từ đó đến nay có thêm hai loại thuốc HIV mới ra đời, vậy ta có thể cộng thêm vài năm nữa. Đó là một quãng thời gian rất dài, và dĩ nhiên chúng tôi hy vọng trong thời gian đó y học tiếp tục phát triển.

Không quá mù quáng để hy vọng Sreykeo gần như sẽ đạt tuổi thọ bình thường và sống một cuộc đời gần như bình thường. Một công trình nghiên cứu ở Pháp cho thấy - xét về thống kê học - người nhiễm HIV được điều trị hữu hiệu và có số CD4 trên 500 không chết sớm hơn đáng kể so với người khỏe mạnh. Nhưng công trình nghiên cứu để mà làm gì? Sreykeo có mơ ước của mình, có bộ bài bói và lời sấm truyền. Còn tôi có các công trình nghiên cứu lấy trên mạng xuống.

Con người tư duy theo câu chuyện. Mỗi tiểu sử được so sánh với một cuốn sách hoặc phim, sau đó ta dán một nhãn in sẵn lên và tưởng đã hiểu được nó. Đối với nhiều người, Sreykeo và tôi mang nhãn “mối tình bi thương và tuyệt vọng” - những chuyện có ký tự HIV trong đó chỉ có thể kết thúc bi thương. Chàng làm quen nàng. Nàng bị AIDS. Họ sống hạnh phúc đến ngày cuối cùng. Hết phim. Ai xem phim ấy làm gì. Phim vớ vẩn.

Một số người cho rằng chúng tôi vi phạm một điều luật thép của thời mới, vì chúng tôi quyết không chuẩn bị tinh thần đón cái chết sắp tới của Sreykeo. Họ gần như phát điên khi thấy chúng tôi không chịu sống một cuộc đời dán nhãn hiệu bi thương và không chịu ca thán về nỗi bất hạnh của mình.

Sreykeo vừa phát hiện vật gì màu trắng ở cửa sổ. Thoạt tiên cô tưởng là một loại côn trùng. “Không, nước đá đấy!“ tôi bảo cô. Cô nhìn tôi như nhìn một kẻ tâm thần. Cho đến giờ cô chỉ biết nước đá ở dạng khối vuông trong tủ lạnh. Còn nhiều thứ để ngạc nhiên lắm.

Tôi nghĩ là dưới kia có khối người đợi câu chuyện của chúng tôi kết thúc bi thương. Nhưng chúng tôi sẽ không chiều lòng họ đâu.

Cứ cho họ tha hồ đợi.

---- HẾT ----

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ! 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/38101


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận