Một sáng tháng 4 năm 1961, một viên thượng úy không quân dạo bước trên Quảng trường Đỏ. Anh dừng lại cạnh Lenin, giơ tay lên vành mũ chào. Chuông đồng hồ trên tháp Spasskaya điểm nhịp, đội gác danh dự đổi phiên, lưỡi lê trên nòng súng lấp loá... Viên phi công đứng lặng trước Lăng. Thoạt đầu gương mặt anh biểu lộ nét ưu tư sâu sắc đặc trưng của những người đang đau buồn. Sau đó cặp mắt sáng lên: nét buồn thay bằng tia nhìn dũng cảm và phấn chấn. Dòng người lại qua ồn ào bên cạnh. Như mọi khi, bên Lăng có hàng chục người từ khắp nơi trên Trái đất đang đứng vây quanh. Không ai chú ý tới viên phi công trẻ. Tối hôm nay anh sẽ bay đến sân bay vũ trụ.
Vài ngày sau cả thế giới sẽ nhắc đến tên anh. Anh là Yuri Gagarin.
Trước chuyến bay lịch sử anh đã đến Lăng Lenin. Nhìn lên hàng chữ LENIN, người phi công vũ trụ số 1 dường như nghe thấy lời chúc phúc của lãnh tụ: “Chúc lên đường may mắn!”
108 phút trong vũ trụ! Cả thế giới ghi nhận chiến công của Yuri Gagarin. Vào ngày đón tiếp người anh hùng, mọi đài phát thanh trên trái đất và mọi trung tâm truyền hình châu Âu đêu hướng về Moskva, về Lăng Lenin. Ở đó, đứng trên lễ đài là các nhà lãnh đạo của cường quốc Xô viết và người phi công vũ trụ dũng cảm Yuri Gagarin, giờ đã mang hàm thiếu tá. Cuộc diễu hành hân hoan của nhân dân Moskva kéo dài ba tiếng đồng hồ. Tại đây trước Lăng họ ăn mừng Chiến thắng vĩ đại của nhân loại. Khi những hàng người cuối cùng diễu qua, người phi công vũ trụ bước xuống lễ đài, đi tới chỗ Lenin và dừng lại trước quan tài kính của lãnh tụ. Chăm chú nhìn những đường nét thân yêu, anh thầm báo cáo: “Vladimir Ilyich kính mến! Chuyến bay đầu tiên trong lịch sử vào vũ trụ đã kết thúc thắng lợi. Phi công vũ trụ, công dân Liên bang Xô viết, đảng viên cộng sản Gagarin xin báo cáo”.
Ng ày 19 tháng 8 năm 1961 Moskva chào đón nhà du hành vũ trụ số 2. Trước khi lên đường xuất phát German Titov cũng đến Lăng Lenin.
Một năm sau, một ngày tháng 8 năm 1962, các nhà du hành vũ trụ số 3, Andrian Nikolayev và nhà du hành vũ trụ số 4, Pavel Popovich đứng trong dòng người đi vào Gian Tưởng niệm của Lăng Lenin.
Không phải ngẫu nhiên trước mỗi bước quyết định trong cuộc đời, người dân Xô viết lại đến viếng Lăng Lenin. Không phải ngẫu nhiên họ luôn ăn mừng tất cả những thắng lợi vĩ đại ở cạnh Lăng Lenin, dường như để báo cáo lãnh tụ.
Trước cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã có 20 triệu người viếng Lăng Lenin. Trong số họ có những anh hùng của các kế hoạch 5 năm đầu tiên: những người xây dựng nhà máy thủy điện Dneprovsk, tuyến đường sắt Turkestan-Siberia, nhà máy sản xuất máy kéo Stalingrad, Liên hợp Xí nghiệp luyện kim Magnitogorsk, khu mỏ than Kuznetsk, thành phố thanh niên Komsomolsk trên sông Amur và nhiều công trình xây dựng mới khác, biến nước Nga một thời lạc hậu thành cường quốc công nghiệp hùng mạnh. Đến đây có những chiến binh dũng cảm đã chiến đấu bảo vệ biên cương tổ quốc thân yêu trong các trận đánh ở hồ Khasan và sông Khalkhin-Gol(1), những chiến sĩ tình nguyện sang chiến đấu tại các mặt trận Tây Ban Nha và Trung Quốc, những chiến sĩ giải phóng miền Tây Ukraina và Tây Belorussia. Đến đây có những con người đã chinh phục Bắc cực và thám hiểm lòng đất Siberia, Kavkaz, Ural và Viễn Đông. Đến đây có các chiến sĩ phe Cộng hòa Tây Ban Nha, những người đầu tiên ở châu Âu phải hứng chịu đòn đánh của bộ máy quân phiệt phát xít, những người da đen ở Mỹ đấu tranh cho quyền con người. Đến đây có những người thuộc đủ các dân tộc trên thế giới - những chiến sĩ đấu tranh vì tự do, công bằng xã hội và tình anh em.
Vào các ngày lễ như 1 tháng 5 hay 7 tháng 11, diễu hành qua trước Lăng Lenin là những sản phẩm công nghiệp Xô viết mới và tốt nhất: những chiếc xe vận tải và máy kéo, những người diễu hành đầy tự hào khiêng trên vai mô hình những chiếc máy mới. Những câu khẩu hiệu kêu gọi: “Tiến lên, vì sự nghiệp công nghiệp hóa!” Tại đây mọi người chào đón những phi công trẻ tuổi - những Anh hùng Liên Xô đầu tiên và thủy thủ đoàn con tàu Chelyuskin được những phi công ấy cứu thoát khỏi lớp băng, hân hoan chào đón đội bay V. Chkalov, M. Gromov, V. Grizodubova đã thực hiện những chuyến bay xuyên lục địa chưa từng có vào thời đó.
Cho đến năm 1938, các chiến sĩ tân binh của các đơn vị đồn trú Moskva đều làm lễ tuyên thệ trước Lăng Lenin.
Khi vui mừng, và cả trong những ngày đau thương, nhân dân Xô viết luôn hướng ánh mắt và tấm lòng về Lăng Lenin.
Từ Quảng trường Đỏ tiến thẳng _ra mặt trận
Ngày 22 tháng 6 năm 1941, những loạt đạn đại bác gầm vang trên biên giới phía Tây của Liên Xô. Toàn thể nhân dân Xô viết đứng dậy đánh trả kẻ thù. Trong cái ngày đầu của cuộc chiến tranh đẫm máu và thiêng liêng ấy, 18 nghìn người đã viếng Lăng Lenin - đông gấp ba ngày thường. Phần lớn họ là những người đàn ông đang chuẩn bị ra trận. Họ đến với Lenin để một lần nữa được nhìn vị lãnh tụ kính yêu, để hứa với Người sẽ bảo vệ đến cùng những thành quả của Cách mạng Tháng Mười, họ đến để ghi lại trong tâm trí hình ảnh sáng láng của Ilyich và mang theo hình ảnh đó như một lá cờ bước vào trận chiến đấu sống còn với quân xâm lược.
Cuối tháng 7 máy bay phát xít bắt đầu tấn công Moskva. Lăng Lenin được ngụy trang cẩn thận đủ để đánh lạc hướng phi công địch và ngăn trở chúng ném bom mục tiêu. Dù sao bọn Hitler cũng ném được xuống khu vực Kremli 15 quả bom phá, trong số đó chỉ có duy nhất một quả 250 kg là không nổ, và hàng trăm bom cháy. Những quả bom rơi gần Lăng nhất: một quả bom phá rơi cạnh tháp Spasskaya phía sau tường thành Kremli, một quả bom cháy rơi vào khu vực nhà thờ Thánh Vasily.
Khi chiến đấu bảo vệ thánh địa, 92 chiến sĩ của đơn vị bảo vệ Kremli đã anh dũng hy sinh, gần 150 người khác bị thương nặng nhẹ khác nhau. Nhưng bọn phi công phát xít không thể gây hư hại cho Lăng Lenin.
Các binh đoàn xe tăng Hitler đã tiến sát đến thủ đô. Đêm rạng sáng ngày 16 tháng 10 năm 1941, tiểu đoàn bộ binh cơ giới đặc nhiệm độc lập nhận được mệnh lệnh: “Tổ chức phòng thủ khu vực các Quảng trường Đỏ, Sverdlov, Mayakovsky và Pushkin, duy trì trật tự cách mạng ở các khu phố kế cận”.
Khi còi báo động phòng không vang lên, mọi giao thông ngưng lại, phố xá vắng tanh. Trong bầu không khí lặng yên và căng thẳng, chỉ còn nghe thấy tiếng vang rền của các loạt đạn đại bác. Ranh giới trận tuyến đã chạy ngang qua khu vực tuyến đầu ngoại ô. Hitler thả truyền đơn khoác lác rằng hắn sẽ cắm cờ của mình trên nóc Điện Kremli và ngày 7 tháng 11 sẽ duyệt lễ diễu binh của quân đội Đức trên Quảng Trường Đỏ.
“Bác thân yêu! - từ ngoại ô Moskva viên sĩ quan phát xít Neimgen viết thư gửi về Đức. - 10 phút trước đây cháu từ bộ tham mưu sư đoàn tinh nhuệ đặc biệt của chúng ta trở về, người ta vừa chuyển lệnh của quân đoàn trưởng mở cuộc tấn công cuối cùng vào Moskva. Vài giờ nữa cuộc tấn công sẽ bắt đầu... Cháu như đã nhìn thấy các trung đoàn quân tinh nhuệ đặc biệt của chúng ta sẽ là những người đầu tiên diễu qua Quảng trường Đỏ ngay cạnh ngôi mộ Lenin của bọn chúng... Chiến tranh sắp chấm dứt, bác ạ. Moskva sẽ là của chúng ta, nước Nga sẽ là của chúng ta, Châu Âu sẽ là của chúng ta...”
Tại Berlin, theo các tấm ảnh, bọn Đức chia Quảng trường Đỏ ra thành từng khu vực để quân lính của đế chế Đức có thể xếp hàng tạo thành hình một chữ thập ngoặc khổng lồ trên nền sân quảng trường lát đá vuông. Những nhà quay phim của hãng phim Đức UFA tính toán xem đứng trên ngọn tháp nào của Kremli có thể quay được đội hình đoàn quân chiến thắng. Quân thù muốn lăng nhục đất thánh của chúng ta. Hitler ra lệnh thành lập một đơn vị công binh đặc biệt để làm nổ tung Điện Kremli và Lăng Lenin.
Nhưng chúng đã tính nhầm. Đất nước Liên Xô do Lenin xây dựng không giống như Ba Lan và Pháp, những nước đã tan rã ngay t ừ những đòn đánh đầu tiên của quân đội phát xít.
Đêm rạng sáng ngày 7 tháng 11 năm 1941, cấp chỉ huy các đơn vị ở Moskva đang sẵn sàng lên đường ra trận bỗng nhận được mệnh lệnh: sáng sớm phải có mặt ở Quảng trường Đỏ để tham gia cuộc diễu binh truyền thống.
Cũng trong đêm đó, Lăng Lenin được dỡ bỏ vật liệu ngụy trang.
8 giờ sáng... Quảng trường Đỏ phủ đầy tuyết, các khối đơn vị diễu binh xếp thành đội ngũ đứng yên lặng. Ánh mắt của các chiến sĩ và các cấp chỉ huy đều hướng về phía Lăng, nơi cái tên thân yêu LENIN ánh lên rực đỏ. Nó tiếp cho họ thêm sức mạnh và niềm tin vào chiến thắng. Cái tên đó ngày hôm nay sẽ cùng họ lao vào trận đánh, nhiều người trong số họ sẽ hy sinh với cái tên đó trên môi nhưng sẽ không cho quân thù vượt qua.
Đêm trước ngày lễ, hàng trăm máy bay ném bom phát xít lao về Moskva, nhưng các chiến sĩ cao xạ và phi công của chúng ta không cho một chiếc nào lọt qua. 21 máy bay Đức bị bắn hạ.
Dự tính khả năng sẽ có cuộc tập kích đường không nữa, từ sáng sớm 550 máy bay tiêm kích Xô viết đã trực chiến trên các sân bay ngoại ô Moskva ở mức báo động số 1, để ngay khi có tín hiệu đầu tiên sẽ lao vút lên bầu trời chặn đường những tay phi công sừng sỏ của Hitler không cho chúng bay tới thủ đô. Trên lễ đài Lăng có đường dây điện thoại trực tiếp nối với sở chỉ huy phòng không đặt ngầm dưới đất, là nơi đầu tiên nhận tin máy bay phát xít đang tiến đến gần. Trong tòa nhà của Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Quốc gia (GUM) có bố trí các trạm y tế cơ động. Trong số các mệnh lệnh do vị tư lệnh chỉ huy đội máy bay duyệt binh trên không sẽ ban bố, người ta dự kiến cả mệnh lệnh sau: “Chấm dứt duyệt binh. Ngay lập tức vào trận không chiến!”.
Nét mặt các chiến sĩ và sĩ quan nghiêm nghị và khắc khổ.
- Cả thế giới nhìn vào chúng ta - từ lễ đài trên Lăng, những lời của Tổng tư lệnh tối cao I. V. Stalin vọng xuống - như nhìn một lực lượng có khả năng tiêu diệt bè lũ xâm lược Đức. Các dân tộc châu Âu nô lệ đang rên xiết dưới ách xâm lược Đức trông vào chúng ta, những người sẽ giải phóng cho họ. Lịch sử đã giao cho chúng ta sứ mệnh giải phóng vĩ đại. Hãy tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh đó! Cuộc chiến tranh các đồng chí tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, cuộc chiến tranh chính nghĩa. Tấm gương dũng cảm của các bậc tiên liệt vĩ đại của chúng ta như Alexander Nevsky, Dmitri Donskoy, Kuzma Minin, Dmitri Pozharsky, Aleksandr Suvorov, Mikhail Kutuzov sẽ cổ vũ chúng ta trong trận quyết chiến này! Ngọn cờ bách chiến bách thắng của Lenin vĩ đại sẽ soi đường cho chúng ta!...
Những trung đoàn bộ binh, các chiến sĩ hải quân, các đội tự vệ công nhân, hàng ngũ chỉnh tề diễu hành ngang qua Lăng Lenin. Tiếp theo sau họ là kỵ binh, pháo binh, bộ binh cơ giới. Những chiếc xe tăng KV hạng nặng và T-34 hạng trung sơn màu ngụy trang trắng toát lăn bánh xích ầm ầm. Lần đầu tiên các đơn vị đi diễu binh với đầy đủ trang bị, đạn dược - còn những chiếc xe tăng được nạp đầy đủ nhiên liệu, đầy đủ cơ số đạn pháo chiến đấu, nắp cửa đóng chặt để khi cần thiết lập tức xung trận. Trên gương mặt các chiến sĩ duy nhất một ý chí: “Tử thủ đến cùng”.
Đại đội trưởng Vasily Nozdrev tham gia cuộc diễu binh đã viết:
Có nhiều cuộc diễu binh khác nhau,
Nhưng cuộc diễu binh này - chiến công gian khổ,
Chúng ta thề sẵn sàng
Đem thân mình che chở cho Lăng.
Cuối ngày, những đơn vị tham gia duyệt binh tiến thẳng vào trận đánh - các chiến sĩ xe tăng được tung tới các cứ điểm phía Tây Bắc thành phố.
Ngay trong ngày hôm đó, các chiến sĩ của Sư đoàn cộng sản số 2 Moskva được tung ra trận ngay sau khi duyệt binh bằng các xe vận tải và cả tàu điện, đã đánh bật cuộc tấn công đầu tiên của kẻ địch. Ba chiếc xe tăng Đức và nấp sau chúng là các xạ thủ súng máy tiến về phía chiến hào của họ trên điểm cao 221,1. Khi đến gần bọn phát xít ném lựu đạn. Các chiến sĩ Hồng quân bắt lấy lựu đạn khi nó còn đang bay và ném trả về phía quân địch. Lác đác đôi chỗ diễn ra các trận đánh giáp lá cà. Các xạ thủ súng phun lửa kịp đến hỗ trợ cho quân ta. Hai chiếc xe tăng địch bốc cháy. Bỏ lại trên đỉnh cao những chiếc xe tăng đang bốc cháy rừng rực và xác đồng bọn, quân Hitler vội vã rút lui... Ngày 30 tháng Mười một, 28 chiến sĩ của sư đoàn tham gia duyệt binh đã đánh bật cuộc tấn công của xe tăng phát xít cách Moskva 27 km. Tổ chức phòng thủ giữa Lobnyaya và Krasnaya Polyana, dù chỉ có súng máy và súng trường nhưng họ đã bắn bị thương ba xe tăng địch, hai chiếc còn lại phải tháo chạy. Sư đoàn cộng sản số 2 Moskva đã đi suốt quãng đường từ Quảng trường Đỏ đến sông Elbe. Mùa hè năm 1943, Moskva vang rền những đợt pháo hoa đầu tiên để vinh danh họ. Sư đoàn đã được ban tặng tên gọi danh dự là Sư đoàn Orlovskaya (Chim ưng), được tặng thưởng Huân chương Kutuzov và Huân chương Cờ đỏ. Sư đoàn đã giải phóng Warsaw (Vácsava), tấn công Kônigsberg(1) và Berlin. Sư đoàn có bốn người được tặng thưởng Huân chương Vinh quang và 16 Anh hùng Liên Xô.
Đêm rạng sáng ngày 8 tháng 11, một nhóm chiến sĩ đặc nhiệm - những người tham gia lễ duyệt binh - đã vượt qua trận tuyến để đặt mìn làm nổ tung các tuyến đường giao thông và các đoàn tàu của địch.
Ngày 16 tháng 11 năm 1941, chính trị viên Vasily Klochkov - người tham gia duyệt binh - đã chỉ huy 27 chiến sĩ thuộc sư đoàn bộ binh 316 chiến đấu với 50 xe tăng địch. Bọn Hitler dự tính trên đường hành tiến sẽ chọc thủng phòng tuyến quân ta, tiến ra đường quốc lộ Volokolamskoye rồi ngay trong ngày hôm đó xông vào Moskva. Bọn chúng dự tính sẽ chỉ tắt động cơ khi đã đến Quảng trường Đỏ. Các chiến sĩ của chúng ta đã bắn hỏng 17 xe tăng địch. Khi hết đạn,Vasily Klochkov, dù bị thương, nhưng vẫn buộc những quả lựu đạn cuối cùng vào quanh mình và lao vào xe tăng địch. Những chiến sĩ tham gia trận đánh huyền thoại tại nút giao thông Dubosekovo đã giữ chân một đơn vị lớn quân Đức suốt một ngày, tạo điều kiện cho các trung đoàn quân ta chiếm lĩnh các vị trí chiến đấu thuận lợi hơn và không cho bộ phận chủ yếu của xe tăng địch đột phá ra đường quốc lộ. Hầu hết 28 chiến sĩ đã hy sinh nhưng không lùi bước. Họ được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Câu nói của chính trị viên Klochkov: “Nước Nga rộng lớn, nhưng ta không thể lùi đi đâu được nữa vì sau lưng chúng ta là Moskva” đã trở thành một câu nói bất hủ được truyền tụng.
Đã có thời, tại đây, từ Moskva, Vladimir Ilyich tiễn các trung đoàn lên đường ra trận đánh bọn Bạch vệ và bọn can thiệp nước ngoài. Ngày 7 tháng 11 năm 1941 cũng từ đây, các chiến sĩ bảo vệ tổ quốc lại lên đường ra trận. Họ biết rằng đằng sau họ là Moskva, Kremli, Lăng Lenin. Và họ trụ vững đến cùng trên trận tuyến.
Cuối cùng kẻ thù cũng kiệt sức. Hồng quân đẩy lùi bọn chúng về phía Tây... Ngày 11 tháng 12 năm 1941, Tư lệnh lực lượng bảo vệ thủ đô, đại tướng G. K. Zhukov báo cáo Bộ Chỉ huy tối cao: “Tù binh bắt được của tập đoàn quân Guderian khai rằng, hiện nay khi trời tiết lạnh, bọn chúng được phép mặc quân phục duyệt binh mang theo định dành cho lễ duyệt binh ở Moskva”. Những chiếc áo khoác và các bộ quân phục lộng lẫy bọn Hitler hy vọng được trưng diện trên Quảng trường Đỏ nay trở thành tấm khăn liệm cho chúng.
Nhiều chiến sĩ tham gia buổi duyệt binh năm 1941 đã đi suốt chặng đường từ chân tường thành Kremli đến chân tường Nhà Quốc hội Đức. Chiến sĩ binh chủng trượt tuyết Lazar Napernik, các chiến sĩ xe tăng Viktor Grigoryev, Ivan Veremey, Pyotr Tyurnev, Nikolai Kopylov, xạ thủ diệt xe tăng Nikolai Zhuzhoma, các chỉ huy du kích Evgheni Mirkovsky, Fyodor Ozmitel, Mikhail Prudnikov, các chiến sĩ kỵ binh Issa Pliev và Lev Dovator, chiến sĩ bộ binh Daniil Shishkov trở thành các Anh hùng Liên Xô. Vì lập chiến công bảo vệ Moskva và bảo vệ Dnepr, vì tham gia các trận đánh trong hậu phương bọn phát xít nên sĩ quan chỉ huy lữ đoàn tăng độc lập số 31, Andrei Kravchenko, người đi đầu đội hình đoàn xe bọc thép diễu hành qua Lăng Lenin trong buổi lễ duyệt binh, đã hai lần được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Các chiến sĩ xe tăng của ông đã siết chặt vòng vây xung quanh các đội quân tinh nhuệ của Hitler ở Stalingrad, và là một trong những đơn vị đầu tiên tiến tới biên giới quốc gia của Liên Xô vào mùa xuân năm 1944, rồi tiến đến sông Vltava của Tiệp Khắc và kết thúc chiến tranh ở cảng Port Arthur (Lữ Thuận). Thủ đô Moskva đã hơn 20 lần bắn pháo hoa chào mừng các chiến sĩ xe tăng dũng cảm của tướng Andrei Kravchenko. Những chiến sĩ tham gia duyệt binh Ivan Borodulin và Aleksei Slastennikov trở thành những người được tặng thưởng Huân chương Vinh quang, mà ở giữa tấm huân chương đó có hình bức tường thành Kremli cùng ngọn tháp Spasskaya. Ivan Borodulin, cũng như chỉ huy tiểu đoàn xung kích Aram Mirzoyan, là những người đã để lại chữ ký trên tường Nhà Quốc hội Đức. Polina Titkova, cô y tá đã đưa hàng trăm thương binh ra khỏi bãi chiến trường, là một trong số ít người được tặng thưởng huy chương Florence Nightingale mà Hội Chữ thập đỏ quốc tế chỉ tặng cho các y tá giỏi nhất. Hiệu trường trường quân sự - người mở đầu lễ diễu binh- đại tá Yuri Pazhanov năm 1965 được phong quân hà m Nguyên soái Pháo binh.
Sát cánh cùng với chiến sĩ Xô viết đi thẳng từ Quảng trường Đỏ vào trận đánh còn có các chiến sĩ của tiểu đoàn quân quốc tế - những người Đức, Bulgaria, Czech, Tây Ban Nha, Việt Nam... Sau khi đế chế Hitler sụp đổ, cựu chiến sĩ Hồng quân Gottfried Grünberg trở lại Moskva với quân hàm đại tá và là tùy viên quân sự Sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Đức ở Liên Xô. Còn chiến sĩ Hồng quân Petko Katsarov trở thành tướng của Bulgaria. Họ hiểu rằng bãi chiến trường ngoại ô Moskva là nơi quyết định không chỉ số phận của nước Nga và còn cả tương lai toàn nhân loại, và khi chiến đấu bảo vệ Moskva họ đã tiến đến gần thời khắc giải phóng cho dân tộc mình.
Đi cuối cùng trong cuộc diễu binh, các lữ đoàn xe tăng số 31 và 33 đã kết thúc chặng đường hành quân giải phóng vĩ đại của mình: lữ đoàn 31 ở phía bắc Berlin, còn lữ đoàn 33 ở Praha.
Tháng 5 năm 1945 một chiến sĩ vô danh đã viết trên tường Nhà Quốc hội Đức: “Bọn khốn, chúng mày đâu nhìn thấy được Điện Kremli, còn Nhà Quốc hội của chúng mày thì bị tan tành”. Câu nói này thể hiện niềm tin vững chắc của các chiến sĩ tham gia cuộc duyệt binh huyền thoại ngày 7 tháng 11 năm 1941. Tấm biển khắc hàng chữ này ta có thể thấy ở con đường Chiến thắng của Viện bảo tàng trung ương các Lực lượng vũ trang ở Moskva.
Hết chương 15. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.