Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Phụ lục 1-2

Phụ lục 1-2
Đào ngũ ngoài mặt trận - Giác ngộ hay mù quáng?

Chiếc xe Volga đen đỗ lại cạnh một tòa biệt thự cổ, từ trong bước ra một viên tướng trông hãy còn trẻ với chiếc cặp nhỏ ở tay phải. Ông ta đi về phía cổng vào có treo tấm biển “Tạp chí Tự bồi dưỡng chính trị của UBTƯ ĐCS Liên Xô”. Thiếu tướng Dmitri Volkogonov đến đây đưa bài báo thường kỳ của mình. Trong những năm 1970, trên tờ tạp chí này ông ta thường đăng những bài viết của mình ca ngợi Lenin, Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội và ĐCS Liên Xô đang nắm chính quyền. Ông ta viết: “Ánh sáng chói lọi của tư tưởng Lenin, vẫn như trước đây, soi đường cho chúng ta. Đó là đặc tính không chỉ của những chân lý thông thái và sâu sắc mà còn của các chân lý mang tính tiên tri”.

Tôi không hề giấu diếm rằng, tôi và các đồng nghiệp khác trong tạp chí rất thích những bài báo của Volkogonov, vì chúng không cần phải biên tập lại. Trong mắt chúng tôi ông ta có bước đường công danh thăng tiến đến chóng mặt: từ một trung tá, trợ lý cho Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị của quân đội Xô viết lên đến hàm thượng tướng, cấp phó cho Tổng Cục trưởng. Phải công nhận, tôi rất vui khi biết về những chức vụ mới cao hơn của một tác giả tài năng như thế.

Ông ta thường đi nói chuyện ở các đơn vị quân đội, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học, phát biểu trước các phóng viên và các nhà văn và thường nói mình rất thích tham khảo ý kiến với Lenin. Khi biết tin ở một trung đoàn người ta không tổ chức học tập lý luận Marx-Lenin, ông ta đã yêu cầu cách chức viên trung đoàn trưởng. Trung đoàn đó là đơn vị tiên tiến về sẵn sàng chiến đấu và chỉ có điều đó mới giúp cho Bộ Tư lệnh cấp trên cứu viên sĩ quan chỉ huy thoát khỏi lời buộc tội nghiêm trọng như vậy.

Nhưng năm 1991, ĐCS Liên Xô mất chính quyền, và tướng Volkogonov bắt đầu khoan khoái vùi dập và phỉ nhổ tất cả những gì trước đây đã giúp ông ta leo cao. Tôi hiểu: không nên quá cứng nhắc trong các quan điểm, vì con người có đặc tính là hay thay đổi. Nhưng với một điều kiện: nếu như sự thay đổi đó diễn ra không một chút tư lợi.

Có một điều luôn làm tôi băn khoăn: Tại sao Volkogonov và những người như ông ta lại không thay đổi một cách độc lập mà chỉ thay đổi theo thủ trưởng của mình?

Đối với Volkogonov, Lenin một thần tượng, là người nuôi dưỡng, đã cho ông ta một cuộc sống không nghèo đói, cho công danh và cả vinh quang. Chính quyền thay đổi, Lenin bị người ta tấn công, bôi nhọ và viên tướng vội vã chạy đến với những người chủ mới. Trong quân đội hành vi này được gọi là đào ngũ trong chiến đấu.

Trong những năm 1980, Volkogonov viết về tên phản bội Vlasov: “Con người này chưa bao giờ có một lòng tin chân chính vào chủ nghĩa xã hội. Hắn ta biết cách giả mạo lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm. Hắn từng là một công chức mẫu mực”. Bây giờ những lời nói đó có thể hoàn toàn chuyển sang cho chính Volkogonov.

Phụ lục 2

Giác ngộ hay mù quáng?

Cuốn sách Lenin của Volkogonov tràn ngập lòng căm thù mù quáng, dữ dội đối với người con vĩ đại của nước Nga.

Vì đọc quá nhiều những hồi ký của những tên Bạch vệ lưu vong và các tác phẩm của những chuyên gia chống nước Nga ở phương Tây nghiên cứu về đất nước Xô viết, viên tướng đã cho độc giả ăn “món cá hồi thiu” bằng cách nhấn mạnh vào những tư liệu giả dối và bịa đặt. Ông ta cam đoan Lenin là người có nhãn quan độc ác, không có bạn bè, buộc cho Lenin tính đa nghi, xảo quyệt và tham quyền cố vị. Thực ra ta cũng chẳng cần bác bỏ những điều bịa đặt đó làm gì.

Volkogonov tuyên bố rằng ông ta đã tỉnh ngộ. Nhưng sách của ông ta cho thấy rõ điều ngược lại: tác giả mù quáng bởi các tham vọng chính trị và bởi lòng sốt sắng nô tì trước chính quyền mới, vì thế dĩ nhiên không nhận thấy sự phi lý trong những khẳng định của mình.

Chẳng hạn, ông ta dẫn ra đoạn đối thoại giữa Lenin và Trotsky trong những ngày khó khăn đối với nước cộng hòa Xô viết non trẻ:

Trotsky: Thế nếu như bọn Đức vẫn cứ tấn công? Nếu chúng cứ tiến về Moskva?

Lenin: Chúng ta sẽ lui tiếp về phía đông... Sẽ thành lập nước cộng hòa Ural-Kuznetsk, dựa vào nền công nghiệp của vùng Ural và nguồn than của vùng Kuznetsk... Chúng ta sẽ trụ vững... rồi lại phát triển mở rộng và quay trở lại Moskva và Petrograd.

Ông Volkogonov “đã tỉnh ngộ” và bình luận câu trả lời của Lenin: “Trong thâm tâm [Lenin] không hề có một lời nói đến con người, đến nhân dân và đến số phận của nước Nga”.

Có nghĩa là theo Volkogonov, thì Kutuzov khi nhường Moskva cho quân Pháp cũng không nghĩ gì đến mọi người, đến nhân dân và đến số phận nước Nga? Có nghĩa là, Hồng quân trong những năm 1941-1942 khi cầm cự từng trận rút lui về đến Moskva và Volga, cũng không nghĩ gì đến số phận nước Nga? Theo ý của Volkogonov, lẽ ra cần phải giơ tay đầu hàng quân Đức. Rất may, Lenin và các tướng lĩnh của chúng ta lại nghĩ khác hẳn ông tướng bàn giấy Volkogonov.

Một trong những miếng đánh yêu thích của nhà sử học “tỉnh ngộ” là đầu cơ câu chuyện về tính độc ác của Lenin. Trong cuốn sách và trong nhiều đoạn phỏng vấn Volkogonov cứ thêm mắm thêm muối mãi chỉ một ví dụ - bức điện của Lenin gửi đến Penza yêu cầu phải dập tắt ngay lập tức cuộc nổi loạn chống chính quyền Xô viết và treo cổ bọn cầm đầu. Bức điện kết thúc bằng câu: “Hãy phái đến đó những người cứng rắn hơn”.

Ông Volkogonov “tỉnh ngộ” bình luận: “Lời lẽ mới đáng sợ làm sao”. Lẽ nào nhà sử học trung thực ấy lại làm thinh không nhắc đến chi tiết lúc đó là nội chiến và một cuộc nổi loạn trong hậu phương quân đội của bất kỳ phe nào - Hồng quân hay Bạch vệ - đều sẽ gây ra phản ứng quyết liệt như thế của chính quyền. Khi ở hậu phương quân đội Denikin đang tiến đánh Moskva bùng nổ các cuộc khởi nghĩa, Denikin lập tức phái các đội tảo thanh tới đó và ra lệnh phải đàn áp cuộc nổi dậy một cách không thương tiếc, lập tòa án quân sự dã chiến, xử bắn và treo cổ.

Các chuyên gia điều biết, điều chủ yếu trong các văn kiện lưu trữ được giải mật và công bố là thời điểm và hoàn cảnh ký ban hành một văn bản cụ thể. Ngày tháng ở đây có ý nghĩa quyết định. Thời kỳ cách mạng và nội chiến là một chuyện, còn thời kỳ hòa bình lại là chuyện khác. Làm sao mà một người có hai bằng tiến sĩ khoa học - lịch sử và triết học - đồng thời là Viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm khoa học Nga như Volkogonov lại kém cỏi về mặt khoa học đến thế? Liệu một nhà khoa học trung thực có im lặng như Volkogonov đã làm, trước việc theo sáng kiến của Lenin, án tử hình đã bị bãi bỏ trước cả khi nội chiến kết thúc. Volkogonov chỉ lấy ra từ kho lưu trữ những gì có lợi cho quan điểm của ông ta, và bỏ qua những gì bất lợi. Đó là hành vi đầu cơ lợi dụng. Lịch sử sẽ không cho phép hành xử như thế.

Đặc biệt không thể chấp nhận được là thói gian lận bịp bợm của Volkogonov khi ông ta lấy cái chỉ thị nghiêm khắc của Lenin trong thời nội chiến để giải thích và bằng cách đó biện hộ cho các tội ác chính trị của Stalin, người mà trong điều kiện hòa bình, không có chiến tranh và cách mạng, đã sử dụng biện pháp thanh trừng rộng rãi, hơn nữa không để chống lại kẻ thù mà chống lại đồng chí của mình.

Phải nói rằng, tác giả cuốn sách thích hành xử như vậy. Chưa hề bắn một phát súng nào vào kẻ thù bên ngoài của tổ quốc, ông ta trong thời bình lại tích cực tham gia vào việc giải tán và bắn phá trụ sở Nghị viện nước Nga và giết chóc đẫm máu đồng bào của mình đứng lên bảo vệ Luật pháp và Hiến pháp hồi tháng 10 năm 1993. Hành vi nhục nhã đó được tiến hành với sự tàn nhẫn lớn hơn nhiều so với việc những người Bolshevik giải tán Quốc hội lập hiến chẳng hạn.

Lenin, cũng như bất kỳ một nhà hoạt động chính trị lớn nào khác, có những câu nói sai lầm và những quan điểm không tưởng. Những điều này đã được nhà chính luận L. Onikov nêu ra trong số báo Sự thật ra ngày 20 tháng 8 và 21 tháng 9 năm 1994. Nhưng đó không phải là cái cớ để người ta đầu cơ chính trị, mà là đề tài cho các cuộc thảo luận khoa học và tư duy tỉnh táo.

Lenin là một nhà chính trị thực tế của thế kỷ XX, thế kỷ đã biến súng máy và xe tăng, bom nguyên tử và tên lửa vượt đại châu thành vũ khí quen thuộc; thế kỷ biết đến những vụ đàn áp giết chóc người Armenia và vụ Đại thảm sát người Do Thái, thế kỷ mà những nhà lãnh đạo những thể chế dân chủ lớn nhất đã ra lệnh ném bom và thiêu trụi các thành phố Hiroshima và Drezden cùng với dân chúng ở đó nhưng sau đó họ vẫn không bị mất tiếng tăm là những chính khách tốt, thế kỷ biết đến cả Hitler lẫn Stalin, thế kỷ khi mà những quốc gia chỉ là những đồng xu lẻ trong cuộc mặc cả mua bán của những cường quốc lớn, thế kỷ mà một tổng thống đã ra lệnh - lần đầu tiên trong lịch sử! - nã pháo vào trụ sở Nghị viện ở đó có các dân biểu, phụ nữ và trẻ em, cũng như những người đang bảo vệ nó, mà so với vụ Hitler đốt Nhà Nghị viện Đức không người vào ban đêm thì rõ ràng là một tên tội phạm hình sự xấu xa, thế kỷ mà cũng vẫn ông tổng thống đó, rũ bỏ mọi ràng buộc về mặt đạo đức, đã ra lệnh ném bom các thành phố của chính đất nước mình - không kể việc dân chúng các thành phố đó có gây hại cho chính quyền hay không.

Tuy nhiên, Volkogonov vẫn phải công nhận Lenin là nhà cách mạng xuất sắc nhất của thế kỷ XX và hoạt động của Người có ảnh hưởng cực kỳ to lớn tới các sự kiện của thế kỷ. Hơn nữa những sự kiện đó không chỉ là tiêu cực, mà đa số là tích cực (xoa dịu các mâu thuẫn xã hội ở các nước phương Tây, làm tan rã hệ thống thực dân và v.v...). Nhưng những lời công nhận này được nói ra một cách miễn cưỡng, thoáng qua, không được phân tích đầy đủ và được diễn giải lạ lùng. 

Hết phụ lục 2. Phụ lục tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/t26621-su-that-va-bia-dat-ve-lang-lenin-va-khu-mo-ben-tuong-thanh-kremli-phu-luc-1-2.ht...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận