Tôi Nghe Tôi Hát Chương 6


Chương 6
Hòa bình - Thống nhất - Đoàn tụ

Không khí náo nức, hân hoan bao trùm khắp bệnh viện, đến đâu cũng thấy tiếng cười. Đã bắt đầu thấy rậm rịch chuẩn bị về Sài Gòn. Ngày 2 tháng Năm anh Ba Trần Y dẫn một số y, bác sĩ và y tá đi trước. Nhưng ngày 4 tháng Năm xảy ra một chuyện không vui cho chúng tôi.

Sáng sớm hôm đó, trong lúc mọi người còn đang ngon giấc thì bỗng nghe những giọng nói hốt hoảng, tiếng bưóc chân chạy gấp gáp của bác sĩ và y tá trưc sang phía khoa Lây. Lát sau tôi đưọc biết anh Mười đã bị đột tử. Anh Mười là đồng hương Điện Bàn - Quảng Nam với tôi. Anh đã từng hoạt động ở nội thành Sài Gòn trưóc khi bị bắt.

Sao lại có chuyện lạ đời như thế? Hôm chú Đặng thắt cổ, chính anh Mười là người phát hiện và tri hô. Có lẽ nào hôm nay, khi đất nước đã im tiếng súng, anh sắp được đoàn tụ với gia đình mà anh lại ra đi? Thật không thể tin


nổi. Khoa Lây chỉ còn mỗi mình anh, nhưng tôi không nghĩ anh ra đi dễ dàng như vậy.

Khi tôi sang đến thì anh đã được đưa xuống đắp chiếu nằm trên tấm vạc chõng dưới đất. Anh nằm đó, chỉ còn da bọc xương. Khi còn sống thỉnh thoảng anh lại bị thổ huyết do bệnh phổi quá nặng. Trọng lượng cơ thể anh chắc không quá 30kg.

Đoàn bệnh nhân nặng chúng tôi được thông báo chuẩn bị dời sang bệnh viện Liên cơ bên Tây Ninh, trên đường đi sẽ ghé ngang Sài Gòn. Chúng tôi vui mừng tới mức quên ăn, mất ngủ. Riêng Kiều Thu đi trước chúng tôi mấy ngày. Chú Sáu Nhiều, Bí thư Đảng ủy bệnh viện cũng đi cùng chúng tôi. Quê chú ở Gia Định.

Ngày 9 tháng Năm, tất cả bệnh nhân còn lại dồn hết lên chiếc xe Jeep cùng đồ đạc lỉnh kỉnh. Từ Hoa Lư, xe chở chúng tôi thẳng tiến về Sài Gòn. Trên đường đi ngang Bến Cát chúng tôi còn thấy một “bãi đầu hàng" với giày và quân trang, súng đạn địch còn ngổn ngang. Chú Năm Gốc (lái xe) dừng xe lại rồi vào bãi lượm mấy khẩu súng AR15. Chúng tôi được biết đây là khu đất do ta quy định để địch đến giao vũ khí, đầu hàng quân giải phóng. Dọc đường đi chúng tôi gặp nhiều chiếc xe máy honda chạy ngược chiều về hướng Bìinh Long, Phước Long với rất nhiều đồ đạc cồng kềnh. Người và xe vẫn nguợc xuôi, tấp nập. Tôi đoán đó là những người chạy loạn hồi chiến tranh, nay về lại quê cũ.

Sài Gòn đã ở trước mặt chúng tôi. Rạo rực quá! Nôn nao quá! Trong đoàn chả có ai sành đường Sài Gòn nên cứ phải dừng từng chặng để hỏi đường. Dinh Độc Lập kia rồi! Chúng tôi tấp xe vào lề đường truớc mặt dinh (nay là đường Lê Duẩn). Tại đây ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định mới thành lập và ra mắt nhân dân trước ngày chúng tôi xuống hai ngày. Mấy người thợ ảnh xúm lại mời chúng tòi chụp ảnh. Ai cũng muốn chụp, nhưng chúng tôi không được phép xuống xe. Xe chỉ dừng được khoảng nửa giờ để chúng tỏi ngắm nhìn dinh Dộc Lập rồi đi ngay vì còn phải đưa chú Sáu Nhiều về nhà. Hỏi tìm đường về nhà chú Sáu thật khó. Chú đi tập kết hơn hai mươi năm, giờ về lại phố phường đã thay đổi nhiều. Sau khi xác định được xóm cũ, chú Sáu bảo chú Năm Gốc cho chú xuống xe để chú tự đi tìm. Xuống xe, chú Sáu phải đứng thật lâu nhìn ngắm chung quanh. Tôi thấy chú không giấu được sự xúc động, hai tay chú run run, chú bắt tay từng người để tạm biệt chúng tôi. Có lẽ trong chúng tôi hôm nay, chú Sáu Nhiều là người hạnh phúc nhất.

Chú Năm lại hỏi đường về hướng Tây Ninh. Đi ngang ngã tư Bảy Hiền bỗng thấy nhớ mẹ cồn cào. Tôi từng nghe nói dân Quảng Nam ở khu vực này đông lắm, liệu mẹ tôi có ở đó hay không? Mẹ ơi! Mẹ đang ở đâu giũa Sài Gòn mênh mông, nhộn nhịp này. Nhớ mẹ quá đi thôi!

Xe dừng lại một quán ăn bên đường để chúng tôi ăn trưa ở thị trấn Củ Chi. Thật buồn cười khi có rất nhiều người dân quanh đó đến xem chúng tôi rồi xầm xì, cứ như chúng tôi đến từ hành tinh khác vậy.

Phải đến khoảng bốn, năm giờ chiều chúng tôi mới đến được Lò Gò. Bệnh viện Liên cơ nằm trong rừng nhưng xe vẫn chạy đến được tận nơi. Bệnh nhân ở đây còn lại rất ít, chỉ khoảng dưới mười người. Tôi gặp lại Kim Thu (quê Bến Tre) người bạn tù dễ thương của tôi cũng đang điều trị ở đó. Anh Thành chồng của Thu vẫn theo nuôi vợ.

Kim Thu có lẽ là người được gặp lại chồng đầu tiên trong số chị em tù binh trao trả. Chỉ mấy tháng sau ngày ra tù thì Thu mang thai. Thu chuyển dạ sinh đủ ngày tháng, nhưng không hiểu sao chuyển dạ đến ngày thứ ba mà tử cung không chịu mở hốt. Bác sĩ Tuấn mới ra trường vào Nam đã theo dõi ca sinh của Thu, nhưng Tuấn chưa có kinh nghiệm xử lý một ca sinh khó nên chủ quan, không chịu đưa Thu đi bệnh viện. Thấy vợ đau đớn, quằn quại anh Thành không chịu được phải to tiếng với bác sĩ Tuấn, buộc Tuấn phải đua Thu lên bệnh viện. Nhưng đã muộn. Con của Thu đã chết trên đường đến bệnh viện. Khi bác sĩ mổ để đưa thằng bé ra tôi cũng có mặt ở đó. Nhìn thằng bé bụ bẫm, tóc xoăn tít giống bố mà xót xa không chịu nổi. Sau lần mổ sinh không hiểu do ảnh hường thế nào mà Thu bị phát sinh bệnh đường tiết niệu. Nhìn Thu xanh xao, ốm yếu tôi rất lo, liệu Thu có còn cơ hội làm mẹ nữa không?

Chúng tôi ai cũng sốt ruột muốn về Sài Gòn sớm, nhưng có lẽ chỉ có tôi là nôn nóng nhất, vì tôi có mẹ và em trai tôi dưới đó. Tình hình an ninh Sài Gòn những ngày đầu sau giải phóng vẫn còn khá phức tạp, do vậy mà chưa sắp xếp đưọc nơi điều trị cho chúng tôi. Anh Đảnh đang bị viêm thận ngược dòng khá nặng cần được điều trị gấp. Chúng tôi phải chờ đợi sau lễ mừng đại thắng vào các ngày 15,16, 17 tháng Năm mới được xuống thành phố.

Ngày 18 tháng Năm chúng tôi được đưa xuống Sài Gòn và nằm ở bệnh viện Cơ Đốc, trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình).

Đã bắt đầu vào mùa mưa, nhưng bệnh viện nóng không chịu nổi. Do nơi đây trước kia được thiết kế phòng gắn máy lạnh, nhưng máy biến thế bị cháy nên máy lạnh không chạy được. Bệnh viện có sẵn xe lăn nên tôi được cho mượn một chiếc. Có xe lăn tôi tự lăn đi khắp bệnh viện để tìm xem có ai là người Quảng Nam để hỏi thăm tung tích của mẹ tôi. Chỉ là đi tìm cầu may thôi, chứ Sài Gòn mênh mông với hàng chục vạn dân Quảng Nam sinh sống rải rác thì khác gì mò kim đáy bể. Phải tìm cho được anh Tư Thiện thì may ra qua anh mới lần tìm được mẹ. Nhưng biết tìm anh Thiện ở đâu? Chắc phải chờ gặp chị Bửu Lan thì mới tìm được anh.

Ngày 20 tháng Năm, có một toán nhân viên cũ của bệnh viện đi tìm thăm đồng hương Quảng Nam. Tôi mừng vô cùng khi gặp được các chị. Một chị hỏi tôi:

-  Chị ở huyện nào?

-  Tôi ở Điện Bàn nhưng tản cư lên ở Quế Sơn.

-   Em cũng ở Quế Sơn đây.

Tôi mừng quá hỏi luôn:

-  Chị ở xã nào?

 

-   Em ở Sơn Thuận.

-   Tôi cũng đang muốn tìm một người bạn ở xã Sơn Thuận, Quế Sơn.

-   Bạn chị tên gì?

-   Là anh Tư Thiện, ở Dùi Chiêng.

-  Ảnh là anh Tám của em đó.

Tôi nghe mà như không tin vào tai của mình. Tôi hỏi

lại:

-  Vậy anh Thiện là anh ruột của chị hả?

-  Dạ, ảnh là anh ruột em. Ảnh thứ tám, em thử mười.

Tôi có nằm mơ không đây? Tôi đang muốn tìm anh Thiện thì lại gặp em ruột của anh. Cuộc gặp gỡ kỳ lạ tưởng như có ai sắp đặt, đưa đẩy vậy. Tôi hỏi chị:

-  Tôi đang cần gặp anh Thiện lắm. Chị có cách gì giúp tôi gặp anh gấp được không?

-   Có gì đâu chị, chiều nay em về gặp ảnh ngay thôi mà. Chắc chắn sáng mai anh Tám em sẽ vào thăm chị.

Sáng ngày 21 tháng Năm, có mấy người bà con bên nội mà tôi chưa được gặp mặt lần nào tìm vào thăm tôi. Đó là chị em cô Năm Lưu, bác Nhiếp, bác Nhiên là anh chị họ của ba tôi. Họ vào Sài Gòn lập nghiệp từ thời còn chế độ Ngô Đình Diệm.

Chiều ngày 21 tháng Năm anh Thiện đi cùng một người thanh niên vào thăm tôi. Anh em lâu ngày gặp lại cả tôi và anh đều rất mừng. Câu đầu tiên anh nói vói tôi:

-  Ngày mai em sẽ được gặp mẹ.

-  Thôi, anh đừng nói xạo, em không tin đâu.

Người thanh niên đi cùng anh nói xen vào, như xác nhận lời anh Thiện vừa nói với tôi.

-    Đúng đấy chị, em đi hỏi tin tức mẹ chị cho anh Thiện đó.

-   Mẹ chị đang ở đâu mà em tìm được?

-  Mẹ em là con gái tộc Trần Công mà chị. Mẹ em nhờ bà con trong tộc tìm giúp. Mẹ chị về quê mai mới vào.

Hóa ra là thế. Từ hồi mới quen anh Thiện ở Lộc Ninh tôi có nói với anh ba tôi là con cháu tộc Trần Công ở Tu Phú. Chỉ kể qua loa cho biết thôi, nhưng tôi không ngờ anh lại nhớ kỹ như thế.

Ngưòi thanh niên đi cùng anh Thiện tên là Yêm. Tôi cám ơn Yêm rối rít không biết mấy lần.

Đêm hôm đó tôi gần như thức trắng, chỉ mong trời mau sáng. Tính từ ngày tôi được mẹ thăm nuôi ở Phú Tài hồi năm 1971 đến lúc này đã tròn bốn năm.

Ngày 22 tháng Năm, ngay từ sáng sớm tôi đã lăn xe ra ngồi ở hành lang để chờ đón mẹ. Không biết mẹ có vào hôm nay không nhỉ? Đến giờ gần ăn trưa tôi về phòng để ăn cơm thì mẹ vào cùng với một người nữa. Hai mẹ con ôm nhau mừng rỡ, miệng cười toét mà nước mắt chảy dài. Mẹ ơi, chiến tranh đã kết thúc, con đã về với mẹ đây rồi!

Người đi cùng mẹ tôi là thím Ba Dần vợ chú Ba Hội, người đã cưu mang Chu khi mẹ tôi còn đang trong tù.

Mẹ vừa về quê gặp Tân. Chu không bị đi lính. Ba tin vui đến với tôi cùng lúc. Nỗi lo lắng của tôi bấy lâu nay đã được giải tỏa. Mừng quá đi thôi! Tôi đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận tin xấu nhất về Tân, vậy mà em vẫn còn sống đến ngày chấm dứt chiến tranh. Dù thương tật nặng nhưng tôi vẫn sống để được nhìn thấy đất nước yên bình, hơn bao nhiêu nguời đã vĩnh viễn nằm xuống, trong đó có quá nhiều bạn bè tôi ở cả hai chiến tuyến. Đã dấn thân là chấp nhận hi sinh. Tôi dã góp một phần máu xương của mình cho đất nước có ngày hôm nay, tôi có quyền tự hào về điều đó. Mẹ tôi vẫn còn đủ ba đứa con; cố dượng, cậu tôi không có ai hi sinh. Còn hạnh phúc nào bằng. Vui quá, mừng quá mẹ ơi! Nếu đôi chân lành lặn chắc tôi đã nhảy lên mà hét to: Mẹ ơi, con sung sướng quá! Hạnh phúc quá!

Những ngày sau đó, ngày nào mẹ cũng vào với tôi. Dì tôi và các em con dì cũng vào thăm. Sau hơn mười năm tôi mới được gặp lại dì. Tôi mang nặng ơn dì dượng đã cưu mang mẹ tôi và Chu trong những ngày hoạn nạn.

Sau một thời gian dài sống đời thực vật, anh Trí mất tại bệnh viện Cơ Đốc. Tội nghiệp cho anh, nếu sống thêm một thời gian ngắn nữa chắc thể nào anh cũng gặp được gia đình. Đất nước mới giải phóng, chính quyền mới bận trăm công nghìn việc, anh được đem chôn vội vã ở một nghĩa trang nào đó mà cho đến bây giờ chắc chẳng ai còn nhớ. Cũng giống như anh Mười, anh Nhường, chú Đặng, chú Xuân đã nằm lại trong rừng Hoa Lư.

Ngày 31 tháng Năm chúng tôi được chuyển sang bệnh viện Trưng Vương. Đây là bệnh viện của gia đình binh sĩ ngụy do vợ của tướng ngụy Trần Văn Đôn đứng ra xây dụng. Tiếp quản nơi đây là một số nhân sự của K8, bệnh viện liên cơ và văn phòng đoàn Đón tiếp Lộc Ninh.

Những ngày đầu mới sang bệnh viện Trưng Vương, bên ngoài phòng chỗ tôi nằm luôn có mấy cô gái còn rất trẻ là nhân viên cũ của bệnh viện cứ nhìn tôi chằm chằm. Không chịu được ánh mắt nhìn xoi mói của mấy em, tôi lên tiếng hỏi:

-  Tại sao mấy em nhìn chị dữ vậy?

Một cô bé nhất rụt rè lên tiếng:

-  Tụi em thấy chị để móng tay dài nên tò mò xem thử thôi.

Tôi quá ngạc nhiên khi nghe cô bé nói. Tôi hỏi lại ngay:

-  Để móng tay dài thì có gì lạ mà các em phải xem.

-   Tại tụi em nghe nói con gái để móng tay dài sẽ bị mấy ông cách mạng về rút móng hết. Mà sao chị là người cách mạng mà lại để móng tay? Tụi em đứa nào cũng sợ nên đã cắt móng tay hết rồi.

Tôi cười và trả lời các em:

-    Đó chỉ là sự bịa đặt để nói xấu cách mạng thôi. Không bao giờ có chuyện đó đâu các em à.

Một hôm tôi đang nàm trong phòng bệnh thì Năm Trề (Năm Tới, bạn tù với tôi) hớt hải chạy lên gặp tôi:

-   Mầy ơi, tao mới gặp thằng Hòa (Chỉ huy trưởng nhà tù Phú Tài). Nó vào bệnh viện tìm anh Cò, nhưng gặp tao.

Tôi nghe mà bán tín bán nghi:

-   Thật không mầy? Sao giống như nằm mơ vậy. Hắn đâu rồi?

-   Hắn đi cùng con Bảo. Hai đứa hắn về rồi.

Tới kể lại cho tôi nghe.

Tới đang ngồi làm việc thì có tiếng người hỏi:

-  Chị ơi, cho hỏi thăm anh Cò có ở đây không chị?

Giọng nói nghe quen thuộc quá, Tới ngẩng đầu lên và gần như không tin vào mắt mình. Trước mặt Tới là thằng Hòa, chúa ngục Phú Tài, mặc dù hắn đang mặc áo đi mưa trùm kín người và gần như che gần hết khuôn mặt. Một cảm giác rờn rợn khiến Tới run người, khựng một lát Tới mới lắp bắp vì quá đỗi bất ngờ;

-  Hòa... Thiếu tá Hòa!

Vẻ hốt hoảng hiện rõ lên khuôn mặt Hòa, hắn đáp

lại:

-  Dạ, tôi là Hòa. Nhưng sao chị biết tôi?

-  Ông còn nhớ Phú Tài - Quy Nhơn chứ?

Không giữ bình tĩnh thêm được nữa, Tới nói với Hòa:

-  Ông chờ một lát, tôi sẽ đi kiếm anh Cò cho ông.

Tuy nói thế, nhưng sự thật là Tới chạy đi thông báo cho mấy người bạn tù Phú Tài. Số cựu tù binh Phú Tài ở bệnh viện Trưng Vương hồi ấy có chị Sương, chị cẩm, Sơn, Năm Tới; bệnh nhân có tôi và chị Thẻo.

Tin về sự có mặt của thằng Hòa được lan truyền rất nhanh. Mọi người kéo đến nhìn mặt hắn, chị em cựu tù binh thì chân chạy miệng không ngớt hỏi: "Thằng Hòa đâu, thằng Hòa đâu?” làm hắn thêm hoảng. Hắn vội vã phân trần:

-   Chuyện quá khứ mong chị em bỏ qua. Tôi đã ra trình diện với chính quyền cách mạng và đang chờ lệnh tập trung để đi học tập.

Nói xong hắn vội vã quay lưng ra về. Chị Sương đã gặp con Bảo ở lối vào của bệnh viện.

Con Bảo là tên chiêu hồi tay sai ở trại 1 Phú Tài. Hắn ký đơn chiêu hồi ngay khi mới bước chân vào trại 1 và trở thành tay sai đắc lực cho bọn cai ngục. Hòa đã có quan hệ “bồ bịch” với Bảo ngay khi hắn còn trong tù. Ra tù, Hòa lấy hắn làm vợ thứ ba.

Chị Chín Nghĩa (Bích Thủy) cũng đã gặp lại tên trung úy Ngọc sau giải phóng không lâu. Khi còn ở Phú Tài, Ngọc là Chỉ huy trưởng Đại đội quân cánh. Hắn đà từng nói trong một cuộc đàn áp chị em: "Giết hết tụi bay cũng không rửa được hận trong lòng tao”.

Gặp lại chúng nó, dù căm giận đến tím ruột bầm gan cũng chỉ nói vài câu cho đỡ tức chứ còn biết làm gì hơn, vì chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc của cách mạng.

Đúng là "Trời bất dung gian”.

Anh Đảnh trở bệnh rất nặng, bác sĩ Liễn báo cho tôi biết anh khó qua khỏi. Anh Liễn hỏi tôi có biết gì về anh Đảnh trước ngày anh bị thương hay không. Nhưng tôi làm sao biết được, vì anh ở Quảng Đà, còn tôi ở Quảng Nam. Tôi thắc mắc tại sao anh Liễn lại tìm hiểu về anh Đảnh kỹ thế, thì được anh Liễn cho biết là kết quả xét nghiệm nước tiểu của anh Đảnh cho thấy anh bị lậu cầu rất nặng. Anh Đảnh là nông dân thuần túy, sống ở quê, không hề biết ăn chơi mà mắc phải căn bệnh ấy thì thật là oan ức. Tôi nghĩ ngay đến một nguyên nhân khác: anh bị địch lấy ống thông tiểu của lính mắc căn bệnh này rồi đem thông cho anh khi anh còn nằm ở bệnh viện Duy Tân. Tôi không chủ quan, nhưng tôi tin vào nguyên nhân này. Như tôi đã nói, kẻ địch không có gì là không thể làm với những người tù.

Tôi nói anh Đảnh cho địa chỉ gia đình để tôi viết thư báo tin cho vợ anh. Rất may là thư đi nhanh nên chỉ một tuần lễ sau bố anh và vợ anh có mặt. Anh được chuyển sang bệnh viện Chợ Quán, sau đó gia đình đã kịp đưa anh về quê (sau này tôi nghe nói anh về nằm điều trị ở- bệnh viện đa khoa Đà Nẵng được khoảng vài tháng thì anh mất).

Sang bệnh viện Trung Vương tôi được nằm cùng khoa với bác Ba Lê (Trần Xuân Lê). Bác là nguời Quảng Nam nhưng được điều động vào chiến trường Nam Bộ từ thời kháng chiến chống Pháp. Bác đã từng là Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Bác Ba bị địch giam giữ ở nhà tù Côn Đảo với án chung thân. Bác ra tù trong tình trạng sức khỏe quá yếu. Nếu giải phóng trễ hơn chắc bác đã nằm lại luôn ngoài đó giống ba tôi.

Bộ Y tế đang mở các lớp học chủ trương, đường lối của Đảng cho công nhân viên chức ngành y tế của chế độ cũ. Tôi và bác Ba Lê được mời đến nói chuyện về chế độ lao tù của Mỹ - ngụy. Ngày nào cũng có xe đến đón hai bác cháu đến văn phòng Bộ Y tế, trường Cán sự Y tế, Đại học Y khoa, bệnh viện Nhi đồng, Từ Dũ... Bác Ba không thể nói được nhiều do sức khỏe nên tôi luôn phải “gánh” cho bác. Lần nói chuyện nào tôi cũng thấy có người lên cơn hoặc ngất xỉu phải cấp cứu. Tôi đoán những nguời này đã từng bị tù đày dưới chế độ cũ, nên khi ký ức bị “hâm nóng" họ đã sống lại cảm giác bị tra tấn trước kia.

Qua anh Thiện, chị Bửu Lan biết tôi đang nằm điều trị ở bệnh viện Trưng Vương. Chị Lan và nhiều bạn bè từ ngày còn ở Lộc Ninh lần lượt đến thăm tôi rất đông. Tôi đã gặp lại anh Cao, anh Hào và anh Thảo chỉ mấy ngày sau khi tôi sang bệnh viện Trưng Vương. Anh Cao đến thăm tôi thường xuyên, thỉnh thoảng anh đưa tôi về nơi anh đang ở dưới đường Kỳ Đồng. Tại đây tôi đã gặp và quen thân với Lâm Thành Quý. Quý từng là nhân vật tích cực trong phong trào sinh viên Sài Gòn. Trong những lần trò chuyện tôi và anh Cao luôn nhắc đến Hồng. Anh vẫn là người bạn, người anh rất nhiệt tình và chân thành với tôi. Anh Thảo thì lo cho tôi đến từng món ăn vặt vãnh như một người chị gái. Anh Hai Hào cũng vậy, lo cho tôi từng li từng tí. Anh xem dì tôi như người thân của anh. Cả nhà dì tôi ai cũng quý mến anh, nhất là mấy em con dì.

Thỉnh thoảng tôi xin bác sĩ về nhà dì ở chơi vài hôm cho đỡ nhớ mẹ. Khoảng thời gian này mẹ tôi ở Đà Nẵng nhiều hơn ở Sài Gòn. Tôi đã lần lượt gặp lại Tân, Chu và cô, cậu. Cuộc gặp gỡ nào cũng đầy nước mắt vì xót thương tôi, nhưng người khóc thương tôi nhiều nhất lại là Chu. Tôi chỉ còn biết động viên em và mọi người, tôi khuyên người thân của tôi hãy nghĩ đến những người đã hi sinh để thấy tôi còn may mắn. Những người bạn thân của tôi: chị Hà, Phê, anh Thuận, anh Lê, anh Vân, anh Quốc... đã hi sinh. Họ và gia đình đã chịu biết bao thiệt thòi. Tôi nghĩ đến người chết để sống và sống cho xứng đáng với những người đã nằm xuống. Tôi nhớ mãi lời bác gái Huỳnh Lý thân mẫu của anh Lê: "Chỉ cần Lê của bác còn được như con thì đối với hai bác đó cũng là hạnh phúc”. Bác Nhị mẹ chị Hà cũng nói với tôi một câu tương tự như thế. Nghe mà đau thất lòng.

Lần đầu tiên tôi được gặp cậu ruột. Cậu tôi đi bộ đội từ thời chống Pháp khi tôi mới được hai tuổi. Mẹ và các em tôi đều đã gặp cậu từ năm 1965 khi cậu tìm về thăm gia đình tôi, riêng tôi chỉ liên lạc thư từ chứ chưa một lần gặp cậu. Cậu hơi giống dì nhưng không giống mẹ tôi tí nào. Cậu đang độc thân vì mợ tôi ngoài Bắc đã mất do bệnh nặng.

Ước mơ đoàn tụ của tôi vẫn chưa thực hiện được vì tôi còn ở Sài Gòn. Cách xa cả ngàn cây số, nhưng mẹ tôi vì tôi mà phải đi lại giữa Sài Gòn và Đà Nẵng như con thoi. Phải về Đà Nẵng thôi! Những người thân của tôi đang chờ tôi ngoài đó.

Đầu tháng Giêng năm 1976 tôi tạm biệt bạn bè để lên đường về quê. Anh Cao và Lâm Thành Quý tiễn tôi ra bến xe. Tôi đi cùng đứa em gái con dì (hồi ấy đường bay dân dụng chưa hoạt động lại, đường tàu cũng chưa khôi phục). Tôi buồn khi phải xa những người anh, người chị và bao bạn bè yêu thương đã có cùng tôi bao nhiêu là kỷ niệm vui, buồn chốn lao tù hay những ngày gian khổ ở Lộc Ninh.

Tạm biệt nhé, Sài Gòn ơi! Hẹn ngày gặp lại.

Những ngày đầu sau giải phóng, phần lớn những người đi kháng chiến về chả có tài sản gì ngoài cái ba-lô, gia đình tôi cũng không là ngoại lệ. Cậu tôi là sĩ quan cấp tá nên được quân khu phân cho căn nhà nằm trong cư xá sĩ quan ngụy để lại. Đây cũng là nơi ở tạm thời của bốn mẹ con tôi.

Ngày giỗ đầu tiên của ba tôi sau ngày hòa bình cũng là ngày đại đoàn tụ của gia đình tôi. Có sống qua những ngày máu lửa của chiến tranh mới thấy hai tiếng hòa bình thiêng liêng, ý nghĩa đến thế nào. Có lẽ đây là ngày vui chưa từng có của gia đình tôi, mà người vui nhất là mẹ tôi.

Việt Nam ơi, Người đã về một mối! Bắc - Nam đã liền một dải. Đồng bào ơi!

Cầu cho hòa bình vĩnh viễn đến với đất nước hình chữ s thân yêu này.

Ghi lại những dòng hồi ký này khi tôi đã đi qua cái ngưỡng lục tuần. Những năm tháng sống lặng thầm bên người thân, hồi ức về thời xa xưa như vẫn còn tươi mới trong tôi. Tôi đã đứng bên lề để nhìn mọi người bon chen xuôi ngược với nhiều tâm trạng khác nhau, cùng buồn vui với thời cuộc và với nhân tình thế thái. Đời cho tôi sống và tôi sống với đời. Tôi hiện hữu để sống chứ không phải để tồn tại. Tôi vui vì tất cả những điều đó, vì ý nghĩ không phải là kẻ sống thừa. Mấy mươi năm qua tôi vẫn luôn bên cạnh mẹ tôi, vẫn là chỗ dựa tinh thần cho nhiều người thân của tôi. Tôi cám ơn cuộc đời đã mang đến cho tôi những người bạn. Chính các bạn đã nâng đỡ tôi, giúp tôi hiểu nhiều về ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống.

Tôi khắc ghi tình cảm và sự ưu ái mà những người bạn tù đã dành cho tôi và vì tôi trong gần năm năm tù đày. Tôi thương quá nhiều chị em đã vì tôi mà phải chịu đòn thù.

Xin cám ơn về tất cả!

Sài Gòn, xuân Quý Tỵ 2013

TRẦN DUY PHƯƠNG (Trong tù với tên là Trần Thị Mai)

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/39453


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận