Nhan Tử La ngồi trước bàn, cầm bút lông lên nhưng lại không biết viết gì, thế là bèn nhìn chằm chằm vào tờ giấy trắng đó.
“Nhìn gì mà nhìn, còn nhìn nữa thì ta sẽ bôi mực đầy mặt ngươi”, Nhan Tử La nói với tờ giấy trắng.
“Mẹ, mẹ lại có chữ không biết viết ạ?” Một đứa bé trai tầm năm, sáu tuổi ngồi bên cạnh nói, dừng bút trong tay.
“Kim Lục Phúc, sao con viết nhiều thế? Có nhiều điều muốn nói vậy sao?” Nhan Tử La nhìn nhìn xem con trai viết gì, kết quả, bị Kim Lục Phúc che lại.
“Mẹ, nếu mẹ vẫn viết một trăm từ giống hệt nhau thì cha sẽ giận đấy”, Kim Lục Phúc cười, nói.
“Trời ơi, chán chết mất, quy tắc vớ vẩn gì thế này, ai có thời gian rảnh viết thư cho hắn kể chuyện ở nhà chứ!” Nhan Tử La chống má. Cha bọn trẻ quy định, bốn mẹ con nàng cách năm ngày phải viết cho chàng một lá thư. Ba đứa con đều ngoan ngoãn nghe lời, còn mẹ bọn trẻ sau khi viết được chừng nửa năm thì chán rồi, mỗi lần viết đều viết những câu đại loại như “Bình an” hoặc “Đều rất khỏe”. Sau đó cha bọn trẻ lại ra một quy định, mỗi lần phải viết ít nhất trăm chữ. Mẹ bọn trẻ có lần viết ba mươi lần “Thật nóng quá!”. Sau đó cha chúng lại thay đổi quy định, trong thư phải báo cáo tình hình cuộc sống của từng người, số từ bị lặp lại không được phép vượt quá mười từ. Cuối cùng, mẹ bọn trẻ mỗi lần viết thư đều có bộ dạng đó.
“Đa Đa, con viết được bao nhiêu từ rồi?” Nhan Tử La nghiêng đầu nhìn cô con gái nhỏ.
“Năm trăm bảy mươi mốt từ rồi, mẹ!”, tiểu nha đầu thật thà trả lời.
“Cho mẹ vay một trăm từ được không?”, Nhan Tử La cười hỏi. Con gái quay sang nhìn nàng cười: “Mẹ, mẹ đã vay một lần rồi, bị cha mắng đấy”.
Thế là, trong lúc hai đứa trẻ đánh vật với những con chữ thì mẹ chúng lại nghĩ nát óc xem nên viết cái gì, thường nghĩ mãi nghĩ mãi rồi lủi mất, lúc thì chuồn ra Tây Hồ, lúc thì chạy đến sông Tần Hoài.
Thời gian chầm chậm trôi qua, cuối cùng cũng đến lúc trời nhá nhem tối, mẹ bọn trẻ đã thu thập được đủ số chữ.
Vươn vai đầy thoải mái như vừa làm xong việc cực kì vất vả, nàng nhìn tờ giấy viết thư trong tay con trai, con gái mình lắc lắc đầu. Hai đứa trẻ này không biết lấy đâu ra nhiều chuyện muốn nói như thế.
“Tiểu Lục, Đa Đa, lần sau hai đứa viết ít thôi, viết nhiều thế này chim bồ câu đưa thư mệt lắm, biết không hả?” Nhan Tử La vẻ mặt rất nghiêm túc.
“Thật ạ? Mẹ”, Tiểu Đa Đa hỏi.
“Tiểu muội, chỉ có lá thư của mẹ là chim bồ câu đưa, lại chỉ có một tờ, sẽ không mệt biết chưa hả?” Kim Lục Phúc giải thích cho cô em gái ngốc nghếch của mình.
“Kim Lục Phúc, con nhất định phải bóc mẽ ta thế sao?” Nhan Tử La nhìn con trai.
“Mẹ, lừa trẻ con là không đúng đâu”, Kim Lục Phúc nói.
Mẹ nó trừng mắt lườm nó một cái, không nói nữa.
Càn Thanh cung.
Một thái giám khom lưng đi tới bên bàn, hai tay dâng mấy lá thư lên: “Vạn tuế gia, thư đến rồi”.
Người đang vùi đầu xem công văn ngẩng lên nhận thư, bóc lá thư mỏng nhất ra đọc, chỉ liếc mắt vài cái đã đọc xong, nội dung như sau: “Dận Chân: Thời tiết Hàng Châu gần đây rất đẹp, không nóng không lạnh, có thể mặc áo ngắn tay rồi, cỏ bên ngoài cũng xanh hơn. Mấy hôm trước thiếp đưa Tiểu Lục và Đa Đa đến Trần gia ăn tết mùng hai tháng Hai[1], ăn đầu lợn, còn có cả đậu xảo (nhã xưng Chân bò cạp). Hôm kia mưa. Hôm kia Trần Mục Phong và Khuynh Thành bế Trần Túy đến, giờ không còn giống con khỉ con nữa. Hôm qua và hôm nay đều viết thư”.
[1] Ngày mùng hai tháng Hai hằng năm được gọi là tết Long đầu, còn gọi là Xuân long tiết hay Long đài đầu (Rồng ngẩng đầu), là ngày tết truyền thống của Trung Quốc.
Dận Chân lắc đầu, thở dài. Người phụ nữ này còn tổng kết phía dưới là lá thư có bao nhiêu chữ.
Lại bóc ba lá thư còn lại ra xem, vừa xem vừa cười. Tiểu thái giám bên cạnh cũng khe khẽ nhếch miệng lên cười. Vẻ mặt của Vạn tuế gia khi xem thư sẽ biến hóa như sau: Lắc đầu, thở dài... mỉm cười. Nhờ những lá thư này, bọn họ cũng có thể thường xuyên nhìn thấy những biểu hiện khác nhau trên mặt Vạn tuế gia ngoài bộ dạng lãnh đạm thường ngày.
Dận Chân đọc thư của Kim Lục Phúc, thoáng chau mày. Trong thư nó nói hôm trời mưa ngạch nương đưa Đa Đa ra ngoài, lúc quay về đều ướt hết cả. Còn kể ngạch nương nói viết thư cho cha rất phiền, chẳng ai có thời gian rảnh mà kể lể chuyện nhà với cha.
Thư của Đa Đa thì kể lại rất kĩ càng chi tiết việc mẹ nó đưa nó ra ngoài chơi, còn nói nó không muốn uống thuốc nữa, bởi vì đắng lắm! Hỏi chàng như thế có được không?
Đặt thư xuống giao cho thái giám cất giữ, Dận Chân tiếp tục phê tấu chương.
Một ngày tại phủ đệ nha môn Tuần phủ.
Một vị phu nhân trung tuổi đang ngồi, có a hoàn đến nói, “Lão gia quay về rồi”. Phu nhân vội vàng chạy ra đón, nhưng thấy vẻ mặt nghiêm nghị của người chồng còn chưa cởi bỏ quan phục của mình, nên chưa dám lên tiếng.
Cho đến tận lúc ăn cơm, phu nhân mới thận trọng hỏi: “Lão gia, gặp phải việc gì khó khăn sao?”.
Chồng bà lắc đầu, chuyển thành vẻ mặt thắc mắc.
“Phu nhân, bà còn nhớ tấu chương mà tôi đã nói với bà lần trước không?”, Tuần phủ hỏi.
Phu nhân gật gật đầu: “Ý ông muốn nói đến việc mà Vạn tuế gia viết lời phê lần trước?”.
“Ừm, lời phê của Vạn tuế gia lần trước có trách tôi không nói qua về việc nhà của người, lần này tôi dâng tấu đã đặc biệt nhắc tới”, Tuần phủ nói.
Phu nhân băn khoăn, “Có gì không thỏa đáng ư?”
“Bà đoán xem lần này Vạn tuế gia phê thế nào?” Tuần phủ đứng dậy, đi đi lại lại.
“Viết gì? Ông đã phụng chỉ kể rồi, theo lý Vạn tuế gia không thể có gì để nói nữa chứ”, phu nhân nói.
“Vạn tuế gia viết: Tưởng trẫm có thời gian rảnh mà nói chuyện nhà với ngươi sao. Haizz, Vạn tuế gia của chúng ta thật khó nắm bắt!” Tuần phủ ngồi xuống uống trà.
“Vạn tuế gia có ý gì?” Phu nhân khẽ chau mày.
“Ai biết là ý gì? Làm quan thật khó mà! Làm quan của Vạn tuế gia chúng ta càng khó”, Tuần phủ lắc đầu nói. Hoàng thượng còn thế nữa thì ông ta bạc tóc sớm mất thôi, thánh ý cũng thật khó dò.
“Tôi nghĩ chắc là Vạn tuế gia nhất thời quên rồi. Lão gia, ông cũng đừng nghĩ ngợi nhiều, có lẽ không sao đâu!”, phu nhân khuyên giải.
“Mong là như vậy”, Tuần phủ đáp.