Tổng Hợp Truyện Cười Bác Ba Phi Phần 7

Phần 7
Con khỉ biết... mần ruộng


Hồi mới về Lung Tràm khai hoang mần ruộng, vợ chồng tui bắt được con khỉ con. Đem về nhà nuôi được một thời gian, thì thấy nó lớn nhanh lạ thường lại khôn ngoan. Hễ mình làm cái gì mà nó thấy được là kể như không sớm thì muộn nó cũng sẽ làm theo. Chỉ có điều khỉ ở dơ, làm biếng tắm quá mà tui đâm ra không ưa. Bữa nọ, sẵn có khách đến chơi đông, tui bày tiệc mần thịt khỉ để chiêu đãi anh em một bữa.

Bạn bè cũng xáp vô, mỗi người một việc làm cho mau : đứa thì xắt sả, nạo dừa, đứa chẻ củi, bắc nước sôi... Tới lúc tui đem con khỉ ra chuẩn bị đập đầu, nhúng nước sôi cạo lông thì “sự đời” lại đổi khác: Con khỉ khôn gần như người, chỉ khác là nó không biết nói. Biết mình sắp chết, nó mới gạt nước mắt qua bên, vừa quỳ xuống, chắp hai tay lạy tui ba lạy “tạ từ” và xin được tha mạng sống. Lúc đó, mọi người xung quanh có mặt đầy đủ, ai thấy cũng cảm động. Riêng già Ba Quế thì giật búa trong tay tui lại, nói:


- Thấy tội quá. Thương cho nó quá. Thôi, đừng giết anh Ba à ! Thiếu gì thứ khác để mình ăn !
Ai cũng can ngăn, mỗi người nói một câu gần giống như nhau, xiêu lòng tui đành hạ tay búa xuống, mở dây trói, thả con khỉ ra. Con khỉ mừng quýnh, chùi nước mắt. Từ đó tới sau, tui cứ mần cái gì là con khỉ để ý cái nấy, làm theo được cả. Giống khỉ học nghề mau thiệt. Rồi tui đi đâu nó cũng lót tót theo sau, và làm như người : Phát đất, cấy, cày, nhổ mạ, vác lúa... Nhờ có nó mà từ đó tui đỡ buồn và cũng đỡ cực. Chẳng hạn như phát đất mần ruộng, hai người phát một công là giỏi rồi, vì đất toàn cỏ sắc lẫn cỏ lùn, bò lút đầu. Còn tui với khỉ thì phát được hai công, mà lại rồi sớm hơn người ta. Khỉ còn hay hơn tui ở chỗ nó mài phảng bén thấy sợ, không ai mài bằng, thành ra con khỉ phát “lát chém”... không, ngoèo cỏ một lần ngập cù nèo. Tui thì quan phát “lát tạ”, nên khó theo kịp nó quá. Với lại lúc mệt, tui hay hút thuốc. Bà con ai cũng nghỉ hút thuốc, còn khỉ nhà tui thì đời nào, Cò một bữa trời mưa lạnh, già Ba Quế thấy vậy, vấn thử điếu thuốc gò, rồi bặp bặp đốt đưa cho nó hút. Con khỉ lắc lắc đầu, xòe bàn tay ra trước mặt ngăn lại. Già Ba Quế “tức” trong bụng lắm, nhưng không sao bỏ thuốc, phát theo nó được. Còn khi khỉ cầm tay cày đất thì hết chỗ nói. Đường cày của nó thẳng băng, đường nào ra đường nấy, thành thử mấy con trâu của tui rất mê. Nhưng có điều này, nhổ mạ thì khỉ bằng tui với già Ba Quế. Bởi lẽ, bàn chân của nó nhỏ thó, đứng dưới đất bùn không vững lắm, nên mỗi lần giơ mạ lên đập thì dễ té ngửa, sình bùn dính đầy đầu cổ, mặt mày. Mạ của khỉ nhổ cũng không được sạch, gốc rễ gần như còn dính nguyên bùn đất. Bởi vậy mà mỗi lần vào mùa, vợ chồng tui rất khó kêu công cấy, ít ai vui vẻ chịu cấy cho tui, dù là giá có mướn cao đến cỡ nào. Mà nếu có chịu cấy đi nữa, bà con cũng phải hỏi gạn là mạ bác nhổ hay khỉ nhổ vậy ?

Mà nghĩ cho cùng, khỉ hồi đó đâu có đưa tay gãi đầu hay mằn mò, ngoèo móc đích (mông) thường như khỉ bây giờ. Cũng tại tui thôi. Lần ấy, tui lấy được ổ ong mật đem về đựng gần đầy một mái mật mà quên đậy nắp. Buổi trưa, con khỉ đi cấy về, mừng quá, nó nhảy tót chuyền lại trên mấy cây xiên nhà rồi trật tay té xuống nằm gọn lỏn trong mái mật ong, làm cho mật dính đầy cả đích (mông) khu, đầu cổ. Từ đó, kiến bu vô mình cắn nó hoài không ngớt, làm cho con khỉ phẩi mằn mò từ đầu tóc, đến đích (mông), lâu ngày rồi thành “tật” cho tới bây giờ!

Con trăn rồng


Mùa nước năm đó, có một đêm trời mưa bão làm đổ ổ quạ ngoài cây tràm. Lũ cò, diệc bị gió đánh rơi lướt khướt, rã cánh té đầy đường. Ở những lùm cây rậm, loài dơi, quạ đeo thành đùm bằng cái thùng thiếc, sát vào các nhánh cây. Rừng tràm U Minh đêm đó nổi sóng ì ùm không thua gì sóng biển. Vợ chồng con cái tui ngủ trên túp chòi có sàn gác, bị giông đẩy đưa tựa ngư ngồi xuồng nan trên biển.

Độ nửa đêm, tui nghe bên dưới sàn gác có tiếng động ở gần những bụi chung quanh. Chuyện đó thì cũng chẳng có gì lạ. Thường những đêm mưa giông như vậy, lũ thú rừng bị ướt ổ, đâm ra quạu, cắn lộn với nhau kêu ầm lên.
Đến sáng tỏ mặt, dượng Tư nó từ đàng nhà mang một cái giỏ trên vai đi lượm cò rớt, dài dài lại nhà tui. Tui thì còn ngồi co ro trên sàn gác, chưa chịu dậy. Đang ngồi bập bập điếu thuốc, tui bỗng nghe dượng Tư nó la bài hãi bên dưới :
- Trời đất quỷ thần ơi ! Cái con gì dị hợm kỳ đời, anh Ba ơi !
Tui lật đật vớ cây mác thong, tuột xuống thang gác, chạy tới xem. Là tay thợ rừng đã từng sành sỏi, nhìn con vật đó, tui cũng phải bí lù, không thể hiểu nổi là giống vật gì. Cái mình là mình con trăn, nhưng trăn sao đầu lại có sừng ? Cái đầu là đầu con rồng, nhưng tại sao rồng gì lại không chân mà tiếng kêu nghe “bét bét” ?

Con vật bắt đầu bò đi. Mình nó láng ngời, suôn óng, đầu có sừng chà chôm, cổ nghển lên, miệng cứ kêu “bét bét”. Tui đặt tên đại cho nó là “con trăn rồng”. Nhưng dượng Tư nó không chịu, dượng bảo là con trăn gấm vừa nuốt một con nai, đầu nai còn ló ra ngoài, nên nhìn thấy nó lạ lùng như vậy.
Con trăn rồng ấy cừ bò tới, nghển cổ, quơ sừng kêu “bét bét”.

 Dầu mỡ rắn

Mấy chú coi kỹ lại đi, có phải là dầu hôi đâu ? Dầu mỡ rắn đó đa ! Hồi nẳm tới giờ, tui lấy về chứa để thắp đèn măng xông, đèn tọa đăng, đèn ống khói, đèn con cóc, đèn khí đá… Ủa quên, đèn khí đá thì không phải, tôi thắp toàn bằng dầu mỡ rắn.


Số là, vào mùa nước chum năm đó, tui chống xuồng chở bầy chó đi săn. Con chó cái Nô của tui với tám con, con của nó đã phát thịt nên rất hăng. Lũ chó ngồi trước mũi xuồng, còn tui đứng chống phía sau, cây mác thong để cặp bên chân. Vô rừng sâu một đỗi, chín con chó bắt hơi htịt, ngoắc đuôi, tai đảo tới, mũi khịt khịt. Rồi cả bầy phóng lên bờ, đuổi ào ào vào rừng.

Nhưng chỉ lát sau, bầy chó chạy bò càn trở lại, la oẳng oẳng, vãi c ứ t, vãi đ á i... Tui nghe cây rừng bị quật ào ào, gãy rốp rốp như một cơn bão lùa tới. Trực nhìn lên, tui thấy một con rắn hổ mây lớn thôi là lớn, nó đang rượt đuổi, toan nuốt trọn bầy chó. Tui vội chụp cây mác, định nhảy lên cứu bầy chó, nhưng không kịp nữa. Con rắn đã nuốt sạch hết chín con chó, và nó đang lé mắt nhìn tui, đầu nghểnh lên cao hơn đọt cây, hai hàm răng chơm chởm, trệu qua trệu lại. Con rắn nhìn tui, nháy nháy cặp mắt hình như nó muốn mỉm cười. Hoảng quá, tui vội chụp cái bao bố tời để gần bên đội lên đầu. Con rắn phóng tới, tui trịch ngang. Nó mổ xuống, ngoạm nhằm cái bao, nhai nhai. Lợi dụng lúc con rắn còn lo rẩy cho cái bao văng ra khỏi miệng, tui liền nhanh tay úp chiếc xuồng lại, nằm gọn bên trong. Tui liền dựng đứng cây mác thong lên, thủ thế. Tui nghe chiếc xuồng rung lên bần bật và chuyển mình lún dần xuống. Chiếc xuồng lún mạnh xuống, mũi mác đâm thấu đáy sông trổ lên trên. Bỗng nghe một tiếng “re... rẹt”, chiếc xuồng liền phình lên. Biết là con rắn đã bò qua khỏi, tui chun ra, lật ngửa chiếc xuồng lại. Nghe bầy chó kêu hực hực, ngó lại, tui thấy còn đủ chín con, nhưng mình mẩy chúng dính đầy nhớt nhao, bọt bèo. Và trên mặt nước, thứ gì trắng trắng nổi lều bều như xăng đặc. Nhìn xa đằng kia, tui thấy con rắn bò đi, cái đầu lắc la lắc lư. Như vậy là lúc mũi mác của tui đâm lủng đáy xuồng thì cũng là lúc con rắn bò ngang, nên bụng nó bị mũi mác rạch cho đổ mỡ, và tuôn ra như vậy. Tui vội vã kêu bả mang thùng và lu ra vớt hết số mỡ rắn nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Không kể phần cho hàng xóm, tui thắng mỡ ấy để dành thắp đèn suốt mấy năm mới hết.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t75770-tong-hop-truyen-cuoi-bac-ba-phi-phan-7.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận