Bên ngoài thơ phòng, có hai đoạn hành lang, đoạn bên tả dẫn về đại sảnh, bên hữu đưa đến cơ sở nội quyến họ Giản.
Giản lão phu nhân ở tại ngôi nhà cuối dãy, tựa mình vào vách núi.
Bốn liễu hoàn đưa hắn đi, theo hành lang quanh co, cứ mỗi đoạn hành lang mươi trượng là có một tòa kiến trúc, qua khỏi tòa kiến trúc thứ hai, đến một khoảng rộng, tại đó có một tấm bia, cao ba trượng bia đặt trên nền cao, gồm mấy mươi bậc thềm, bia và thềm đều làm bằng đại lý thạch của vùng Vân Nam. Bia có bốn chữ: “Thiên Trì Nội Phủ”.
Bia dựng giữa khoảng rộng, hai bên bia có một tòa kiến trúc mỗi bên. Từ trong tòa kiến trúc bên hữu, vọng ra tiếng tiêu sầu.
Thời khắc lúc đó, vào hoàng hôn, bốn bề tịch mịch, tiếng tiêu sầu vang lên, nghe não nùng cực độ.
Nhuế Vĩ từ thơ ấu, đã sống cái cảnh cơ khô rồi, tự nhiên lòng dễ xúc động khi nghe tiếng tiêu rên rỉ oán thương, bỗng như gào hờn, trầm như nức nở, lâm ly, bi thảm.
Bất giác, hắn dừng chân, một nàng có cái tên là Xuân Cầm bước tới, hỏi :
- Công tử muốn gặp Lưu tiểu thơ?
Nhuế Vĩ đang nghe đến độ xuất thần, giật mình quên mất dè dặt, kêu lên :
- Lưu tiểu thơ?
Một liễu hoàn, tên Hạ Thi đáp :
- Từ sau khi công tử ra đi, trong nửa năm nay không ngày nào Lưu tiểu thơ không ra đây đơn độc, thổi tiêu. Tốt hơn, công tử nên vào gặp người trước, rồi đến chủ mẫu sau.
Nhuế Vĩ nhẩm lại những điều ghi chú trên quyển sách.
Giản Thiện Vũ có một vị hôn thê, tên Lưu Dục Chi, ở tại Thiên Trì phủ này.
Đã là một vị hôn thê của Giản Thiện Vũ, thì nàng phải là người rất thân cận của y, nếu ngay bây giờ vào gặp nàng, chỉ sơ thất một chút là nàng phát hiện ra sự giả tạo ngay, nghĩ thế hắn cho rằng không nên gặp nàng vội là tốt hơn. Hắn lắc đầu, lại khoát tay luôn :
- Không cần!
Bốn nàng liễu hoàn không hẹn mà đồng buông khẽ tiếng thở dài, chúng chẳng nói gì thêm, nhẹ chân ly khai nơi đó.
Nhuế Vĩ không hiểu tại sao chúng thở dài, tự hỏi :
- “Chẳng lẽ bốn nàng hy vọng hắn vào thăm Lưu tiểu thơ? Nếu đúng thế, thì tại sao hắn hy vọng chứ.”
Hắn đi theo chúng, xác đi song tâm tư còn ở lại tại chỗ, nghe dư âm tiếng tiêu sầu.
Đoàn người đi hơn mười trượng nữa, đến một tấm bia, nhỏ hơn bia trước, có khắc mấy chữ: “Vạn Thọ Cư”.
Nhuế Vĩ nghĩ thầm :
- “Hẳn là nơi trú cư của Giản lão phu nhân!”
Tòa kiến trúc bằng đá Đại Lý màu trắng, theo hình thức cung vi, dĩ nhiên nguy nga, tráng lệ.
Bốn liễu hoàn đưa Nhuế Vĩ lên các bậc thềm xong, rồi đứng lại. Nhuế Vĩ toan hỏi, tại sao chúng không đưa hắn vào luôn, bỗng sáu liễu hoàn khác, mặc y phục bất đồng với bốn nàng này cũng như khác luôn với hai nàng trước. Mỗi nàng cầm nơi tay một chiếc đèn lồng bằng lụa màu xanh biếc.
Xuân Cầm thốt :
- Bọn nô tỳ ở đây chờ công tử.
Nhuế Vĩ hỏi :
- Tại sao ở đây chờ? Chứ cùng đi với nhau vào chung không được sao?
Hạ Thi kêu lên kinh hãi :
- Công tử...
Xuân Cầm nghi hoặc, hỏi :
- Công tử không biết lão phu nhân chẳng khi nào cho bọn tôi vào Vạn Thọ Cư sao?
Nhuế Vĩ há miệng, toan hỏi :
- Tại sao lại chẳng cho các ngươi vào?
Nhưng, nếu hắn hỏi một câu như vậy, thì ngớ ngẩn quá, bởi là con mà không biết tâm tính của mẹ thì còn ai biết nữa? Hỏi như vậy có khác nào tự tố cáo chân tướng của hắn? Hắn vội sửa cái ý lại :
- Ta hồ đồ hết sức! Vậy các ngươi không cần ở đây chờ ta, chốc lát nữa ta trở lại thơ phòng một mình cũng được. Các ngươi cứ đi!
Bốn nàng này đi, sáu nàng kia đến. Chúng làm lễ trước chàng, đoạn thốt :
- Chủ mẫu đang đợi đại công tử.
Nhuế Vĩ gật đầu, theo sáu nàng vào Vạn Thọ Cư.
Bốn tiểu hoàn kia đi được một đỗi, cách xa xa rồi, một nàng tên Đông Hoạch cất tiếng :
- Không xong! Không xong! Chừng như con người đó chẳng phải là đại công tử.
Một nàng khác, tên Bí Thơ, lẩm nhẩm :
- Cách biệt nửa năm rồi, công tư trở về đây, mường tượng biến thành một người khác!
Hạ Thi gắt :
- Các ngươi ăn nói bậy bạ quá! Bất quá tánh tình công tử thay đổi phần nào đó thôi, có gì lạ đâu mà phải thắc mắc?
Xuân Cầm tiếp nối :
- Một con người có thể thay đổi tánh tình nhanh như thế được sao? Trước kia, công tử đâu có vui vẻ, hiền hòa như vậy?
Hạ Thi vẫn giữ ý kiến :
- Ta xem công tử vẫn như ngày trước, chẳng thay đổi chút nào, các ngươi không thấy người chẳng chịu vào thăm Lưu tiểu thơ ngay đó hay sao chứ?
Động Hoạch thở ra :
- Công tử của chúng ta vô tình thái quá!
Xuân Cầm bảo :
- Thôi, đừng ai nói gì nữa, cứ đi về cho yên.
Nhuế Vĩ vào Vạn Thọ Cư.
Lối kiến trúc nơi đây cực kỳ xa xỉ, ai vào tận chốn này, mới thức ngộ ra chẳng phải riêng có hoàng cung mới có những vẻ hoa lệ huy hoàng. Người ta nói, hầu môn sâu hơn biển, câu đó được chứng thực tại đây rõ rệt, họ Giản ba đời ở ngôi Tể tướng trong trào, thì phải có cái sang quý trên bậc công hầu.
Trên lầu, là nơi Giản lão phu nhân cư trú, muốn lên lầu phải đi theo một cái thang dài, trước đầu dưới thang, có hai dãy nhà, dọc theo hai bên hành lang, dành cho bọn gia nô phục dịch lão phu nhân, bất cứ phút giây nào, dù ngày, dù đêm, họ sẵn sàng ứng tiếng nếu bà cần đến họ.
Qua khỏi tòa nội sảnh, là đến hành lang, đi suốt hành lang, là đến đầu dưới thang.
Hắn tiến lên từng bậc, từng bậc, được hai phần ba chiếc thang, bỗng có tiếng dịu dàng gọi hắn :
- Đại ca! Đại ca!
Tiếng gọi như hoàng oanh hót, nghe êm ái vô cùng. Rồi người xuất hiện, người đến đâu, hương tỏa đến đấy. Dĩ nhiên, con người đó là một thiếu nữ, nàng sanh ra với tất cả sự ưu đãi mà tạo hóa dành cho một nữ nhân. Không có một bộ phận, một giác quan nào nơi nàng lệch vị, hoặc khuyết điểm. Nàng giống Giản Thiện Vũ ít nhất cũng ba phần, như vậy thì nàng cũng giống Nhuế Vĩ chừng ấy phần.
Nhuế Vĩ nhất định nàng là em gái của Giản Thiện Vũ, tên Giản Hoài Huyên.
Hắn nghe lòng rộn lên niềm vui lớn mạnh, buột miệng kêu :
- Muội muội!
Giản Hoài Huyên có mớ tóc đen huyền, vóc lại hình một chiếc bính duy nhất, buông thõng sau lưng, nàng vận y phục thường, không lòe loẹt như bao thiếu nữ đài các trâm anh, nhưng y phục càng thông thường, nàng càng có vẻ đẹp, vẻ quý hơn. Trông nàng, ai cũng phải nhận là nàng linh động, hoạt bát, hơn nhiều.
Nhuế Vĩ bước lên nốt mấy bậc thang cuối cùng, bây giờ thì hắn bắt đầu quen với vai trò của tấn kịch do Giản Thiện Vũ soạn thành, hắn bớt đi phần nào sự hoang mang, lo lắng.
Song phương gần nhau, thấy rõ nhau rồi, Giản Hoài Huyên chợt kêu lên kinh hãi :
- Đại ca... sao.... ốm thế? Mà.... âm thinh cũng biến đổi luôn.
Nhuế Vĩ lấy thái độ tự nhiên, đáp :
- Ạ? Thật vậy sao? Trong nửa năm qua đại ca ngã bịnh nặng, cổ họng trở nên khàn khàn...
Giản Hoài Huyên càng kinh hãi :
- Bịnh gì thế, đại ca?
Nhuế Vĩ cười rất thân thốt :
- Nói là nặng, vì bịnh chứng kéo dài, chứ thực ra, chẳng có chi đáng ngại.
Đại ca chỉ cảm chứng phong hàn thôi! Mẹ mạnh giỏi chứ, hiền muội.
Giản Hoài Huyên gật đầu :
- Mẹ vẫn an khang như thường.
Trong thâm tâm, nàng nghi hoặc, tự hỏi :
- “Đại ca đau ốm làm sao mà tánh tình biến đổi thế? Trước kia, có khi nào đại ca cười đâu? Mà cũng chẳng bao giờ hỏi thăm đến sức khỏe của mẹ nữa!”
Trong khi Nhuế Vĩ vào phòng Giản lão phu nhân, ở bên ngoài Giản Hoài Huyên vẫn còn nghĩ vớ nghĩ vẩn về sự thay đổi của người huynh trưởng. Nàng cố moi óc, nhớ lại xem, trong những năm qua, có lúc nào vị huynh trưởng của nàng nở một nụ cười chăng...
Không cần tả về cái vẻ huy hoàng trong gian phòng của Giản lão phu nhân, bởi tả cái vẻ đó là một việc thừa, bất quá chỉ nên chú ý đến một chiếc ghế thái sư, cao bằng một vóc người, nền phòng thì lát bằng da hổ, có chiếc lư cao trong đốt gỗ đàn hương, mùi tỏa ra nhẹ nhàng.
Trên ghế, một lão phu tác độ năm mươi, gương mặt dài, đang ngôi nghiêm trang, bên cạnh bà có một thiếu niên cũng mặt dài, đang cung hầu. Thiếu niên giống lão phu nhân, nhưng không giống Giản Thiện Vũ và Giản Hoài Huyên.
Nhuế Vĩ không hiểu thiếu niên là ai, song đoán định vị lão phu hân là Giản lão phu nhân. Hắn liền quỳ xuống lạy chào, thốt :
- Con xin hầu mẹ.
Giản lão phu nhân không tỏ vẻ gì là có phát hiện điểm chi lạ nơi Nhuế Vĩ, lạnh lùng bảo :
- Đứng dậy đi!
Nhuế Vĩ cung kính đứng lên, thiếu niên bên cạnh lão phu nhân run giọng lắp bắp thốt :
- Đại... đại... ca mạnh...
Nhuế Vĩ bây giờ mới biết thiếu niên là em trai của Giản Thiện Vũ, tên Giản Thiệu Kê. Hắn cười, hỏi lại :
- Gần đây, hiền đệ cũng được mạnh giỏi như thường chứ?
Chừng như Giản Thiệu Kê có phần nào sợ đại ca của gã, gã ấp úng đáp :
- Mạnh... mạnh...
Giản lão phu nhân giận, gắt :
- Nói chuyện với người ta, sao lại run rẩy như thế?
Giản Thiệu Kê cúi đầu, nhỏ giọng :
- Mẹ! Con...
Giản lão phu nhân khoát tay :
- Được rồi, ngươi đi ra đi! Để cho mẹ nói chuyện với đại ca ngươi.
Giản Thiệu Kê như tử tù được ân xá, chạy nhanh ra khỏi phòng, ngang qua Nhuế Vĩ gã chẳng dám nhìn.
Nhuế Vĩ mười phần kinh dị, thầm nghĩ :
- “Làm sao mà hắn sợ đại ca hắn quá chừng như vậy?”
Giản lão phu nhân vẫn dùng giọng lạnh, hỏi :
- Mấy tháng nay, ở bên ngoài, đã làm được những gì?
Nhuế Vĩ tuân theo sự chỉ giáo của Giản Thiện Vũ, đáp :
- Nửa năm qua, con phiêu lãng trên giang hồ, bất chợt ngã bệnh, nên chẳng làm được việc chi cả.
Giản lão phu nhân lại hỏi :
- Ngã bệnh sao chẳng trở về nhà dưỡng bệnh?
Nhuế Vĩ giật mình. Nửa năm xa cách, mẹ con mới lại gặp nhau, gặp nhau rồi, mẹ lại dùng giọng lạnh nói năng với con, chẳng có một điểm nhỏ thân tình!
Tại sao thế?
Nhuế Vĩ vốn tính hiếu thảo, đã xem lão phụ là mẹ rồi, thì hắn tưởng mình là con ruột, cho nên hắn đáp với lòng hiếu thảo chứ không vờ vĩnh theo vai trò giả mạo :
- Trong mình có bệnh, con làm sao đi đứng nổi mà trở về!
Giản lão phu nhân tiếp :
- Từ ngày phụ thân ngươi tử lộ, gia đình chúng ta lần hồi mất đi uy thế của ngay xưa, những nhân vật trên giang hồ, cho rằng chúng ta suy bại lắm rồi, nên có kẻ bắt đầu sanh tâm dòm ngó đến phủ đệ Thiên Trì của chúng ta. Họ mơ vọng bảo vật của chúng ta đó.
Nhuế Vĩ đã hiểu, rằng tổ phụ và phụ thân của Giản Thiện Vũ, từng nối tiếp nhau ở ngôi vị Tể tướng trong triều. Nhưng, hắn không hiểu tại Thiên Trì phủ có những bửu vật gì. Hắn hỏi :
- Kẻ nào có ý đồ đó, hở mẹ?
Giản lão phu nhân giữ nguyên giọng lạnh :
- Nửa tháng trước đây, vị Tổng tiêu đầu của đệ nhất tiêu cục tại Kim Lăng có mang đến cho chúng ta một phong thơ, nói rằng từ Sơn Tây gởi đến. Ngươi hãy xem đi.
Nhuế Vĩ cung kính tiếp nhận phong thơ, mở ra, nhẹ giọng đọc :
- Viết cho Giản lão phu nhân tại Thiên Trì phủ được biết, khi còn tại thế, Giản công thu đoạt tài vật của dân gian khắp bốn phương trời, chính bổn bảo cũng là một trong số ngàn muôn nạn nhân của Giản công. Ngày này, lão ta đã quy tiên, thì những tỉ vật đó phải được quy hoàn về bổn bảo. Vậy xin hẹn một tháng sau, bổn bảo sẽ đến tiếp nhận, mong lão phu nhân không ngăn trở, để tránh được xô xát với nhau. Cuối thơ, có ghi: Hắc bảo tại Sơn Tây.
Nhuế Vĩ hơi run giọng khi đọc bốn chữ cuối, mặt hắn thoáng biến trắng.
Nhưng, Giản lão phu nhân không chú ý nên chẳng phát hiện những cái đó.
Bà hỏi :
- Ngươi sẽ xử lý việc này như thế nào?
Nhuế Vĩ trấn định tâm thần, đáp :
- Thiên Trì phủ không thể an nhiên với cái nhục này. Con sẽ có thái độ đối với chúng.
Giản lão phu nhân cười lạnh :
- Hẳn phải như vậy rồi. Việc này, chúng ta không thể báo trình quan, chúng ta chỉ bằng vào tự lực mà thôi. Trong gia đình họ Giản, chỉ có ngươi là có võ công cao, ngươi đã trở về, thì nhất thiết việc chi, ngươi có bổn phận liệu biện.
Nhuế Vĩ vâng dạ :
- Phải đó, mẹ!
Giản lão phu nhân khoát tay :
- Không còn việc gì nữa, ngươi hãy ra đi.
Nhuế Vĩ làm lễ cáo từ, lui ra khỏi phòng, lòng thầm lo lắng, nghĩ :
- “Võ công của ta làm sao ngăn trở nổi sự xâm phạm của Hắc bảo?”
Xuống thang lầu, vừa đặt chân nơi đường hành lang, hắn thấy Giản Thiệu Kê thấp thoáng phía trước, song gã chợt phát hiện ra hắn, liền lui nhanh vào một gian nhà.
Nhuế Vĩ lắc Đầu, cho rằng lúc ở tại nhà, Giản Thiện Vũ khắc nghiệt, hiếp đáp gã cùng cực, cho nên gã quá sợ như vậy.
Bên phía tả Vạn Thọ Cư, có một khu rừng. Nhuế Vĩ muốn đến đó song nhớ lại lời dặn của Giản Thiện Vũ, hắn đành bỏ qua ý muốn, theo con đường cũ trở về thơ phòng.
Giản Thiện Vũ cảnh cáo hắn, tuyệt đối không nên bước loạn trong khu rừng ấy, mà cũng chẳng bao giờ nên lởn vởn quanh vùng phụ cận Vạn Thọ Cư, bởi địa phương đó có vô số cạm bẫy mai phục. Nếu khinh thường loạn động thì phải mang kỳ họa.
Hắn tự hỏi :
- “Kỳ họa như thế nào? Chết là cùng chứ gì?”
Hắn đang đi, bỗng nghe Giản Hoài Huyên gọi :
- Đại ca!
Nàng từ nơi đỉnh một ngọn núi gần đó, theo triền dốc chạy xuống, đến trước mặt hắn.
Nhuế Vĩ điểm một nụ cười :
- Việc gì thế, hiền muội?
Giản Hoài Huyên buông giọng nũng, hỏi :
- Ngày mai, chúng ta đi săn sư tử, nghe đại ca?
Nhuế Vĩ thừa biết người trong gia đình họ Giản đều biết võ công nhưng không tưởng được một vị cô nương có thể nhảy mỗi cái nhảy vượt qua bảy tám trượng đường.
Thế thì vị đại ca giả của nàng làm sao mà bì được với nàng về thuật khinh công?
Hắn còn sững người trước thân pháp của Giản Hoài Huyên, không nghe nàng nói gì thế làm sao đáp được? Hắn hỏi lại :
- Hiền muội nói gì?
Giản Hoài Huyên vòi vĩnh :
- Đi bắt sư tử.
Nhuế Vĩ cả kinh, kêu lên :
- Đi bắt sư tử?
Giản Hoài Huyên nghi hoặc, gằn từng tiếng :
- Chứ trước kia, đại ca đã chẳng thích cái trò đùa bắt sư tử đấy sao?
- Ơ... à... phải!
Trong tâm, hắn thầm kêu khổ, nghĩ :
- “Chưa chắc gì ta đánh ngã nổi một con sư tử, chứ làm gì đủ sức mà bắt, để đùa giỡn với nó, như đùa giỡn một con chó, một con mèo?”
Hắn đáp ứng rồi. Giản Hoài Huyên vui ra mặt, reo lên :
- Đại ca tốt quá! Vậy là sáng sớm ngày mai, chúng ta ra phía sau núi, lâu lắm rồi, tiểu muội không có dịp đùa giỡn với sư tử.
Nàng thốt một cách thản nhiên quá, trong con mắt của nàng, sư tử là vật để cho nàng đùa lúc nào cao hứng, chứ chẳng đáng sợ chút nào. Thế thì, trên đời này, nàng còn sợ cái gì nữa?
Nàng không sợ gì cả, nhưng Nhuế Vĩ lại sợ nàng! Sợ những việc nàng vòi vĩnh hắn làm những việc trên sức! Tuy nhiên, hắn hiện tại là Giản Thiện Vũ kia mà, hắn đâu còn là Nhuế Vĩ mà hòng sợ hãi thoái thoát? Hắn cười, thốt :
- Đêm xuống lâu rồi, hiền muội về đi.
Nàng vừa chạy đi, vừa dặn :
- Ngày mai, nghe đại ca! Nhất định mình phải giỡn với sư tử một phen mới được!
Nhuế Vĩ đáp với :
- Được rồi!
Giản Hoài Huyên còn buông câu cuối :
- Sáng mai, tiểu muội chuẩn bị dụng cụ rồi, sẽ đến tìm đại ca.
Nàng tin chắc, thế nào vị đại ca giả hiệu của nàng cũng phải đi bắt sư tử với nàng, mà đùa mà giỡn!
Đi? Là nguy, là nạp tánh mạng cho loài thú dữ bậc nhất, không đi, là tự mình cáo tố sự giả mạo. Bí mật bị tiết lộ, là hắn phụ lòng ân công của hắn. Nhưng, hắn hy vọng ở cơ may, biết đâu trời lại không giúp hắn, hắn lại chẳng bắt được một vài con. Hắn thong thả đi về thơ phòng.
Tiếng tiêu sầu còn văng vẳng trong đêm. Hắn muốn vào gặp Lưu tiểu thơ, song nghĩ lại, thêm một việc không bằng bớt một việc, đã trải qua mấy sự trắc nghiệm rồi, hắn còn mạo hiểm luôn làm chi ngay trong đêm nay? Muốn gặp mặt nàng, thiếu chi dịp khác? Ngày mai, ngày kia cũng được, thơi gian đóng kịch còn dài mà!
Hắn đi thẳng về thơ phòng.