Thầy Lang (Znachor) Chương 18

Chương 18
Cái ống nước ở sau lò nướng bánh của nhà tù bị vỡ. Tù nhân chưa thành án không có nghĩa vụ phải lao dịch, nhưng ông An-tô-ni Kô-si-ba vẫn tình nguyện đi làm.

Ông thích những công việc chân tay nặng nề hơn là phải ngồi trong xà lim ngột ngạt, nơi phải nghe chuyện kể lể của bạn tù về đủ mọi chuyện trộm cắp, về những vụ đánh nhau cùng những việc tương tự mà họ dự định sẽ tiến hành trong tương lai. Sau những ngày trống rỗng như thế là những đêm không ngủ, đầy mệt mỏi. Vì vậy ông hăng hái nhận bất cứ công việc gì. Những khi nào cần đổ than, quét sân hay quét tuyết trên mái nhà, khuân khoai tây vào bếp - ông đều là người đầu tiên tình nguyện. Rồi sau đó, mệt nhừ, ông ngủ say như chết, không còn thời gian nghĩ ngợi đến Ma-rư-sia, hoặc nghĩ một chuyện gì khác.



Ông nhận bản án một cách buông xuôi. Mặc dù ông coi mức án là hết sức bất công, nhưng ông không muốn chống án. Đã từ lâu ông quen với sự bất công rồi. Nó không còn khiến ông phẫn nộ, không ngạc nhiên, thậm chí cũng chẳng buồn phiền nữa. Ông hiểu rằng người nghèo buộc phải quen với mưa gió và giá băng ấy cũng chính là người đã tạo ra những kẻ khác cay nghiệt, hà khắc và vô tình.

Ông An-tô-ni Kô-si-ba cũng chẳng hi vọng gì nhiều ở tòa phúc thẩm. Chỉ mỗi một điều dày vò ông, một điều không cho ông chợp mắt đêm đêm, một nỗi lo phiền duy nhất: Ma-rư-sia ở đó ra sao?

Vốn hiểu ông lão Prô-cốp, ông không nghĩ rằng tại nhà ông lão cô gái có thể gặp phải điều gì không may, nhưng đối với một thiếu nữ như cô, phải chăng chính nỗi cô đơn giữa chốn xa lạ không phải là một chuyện phiền lòng?... Thế mà ông đã thầm hứa hẹn biết bao điều! Ông đã hình dung ra cuộc chung sống giữa hai bác dưới cùng một mái nhà. Dĩ nhiên, ông sẽ bắt đầu thu tiền của những bệnh nhân của ông, nhất là những kẻ giàu, để cô gái có tiền mua sách đọc- thứ mà cô hết sức đam mê, - để cô sắm những bộ váy đẹp, hợp với vẻ đẹp tinh tế của cô hơn là những chiếc váy thông thường bằng vải Péc-đan xoàng xĩnh. Buổi sáng, ông sẽ làm việc ở cối xay, buổi chiều cô sẽ giúp ông tiếp người ốm, còn buổi tối Ma-rư-sia sẽ đọc to cho ông nghe những vần thơ, những tiểu thuyết bằng cái giọng thanh thanh của cô.

Ấy thế mà tất cả những thứ đó đều trở thành con số không. Ba năm là cả một khoảng thời gian dài. Trong ba năm có nhiều điều có thể, phải đổi thay. Sau khi mãn hạn tù trở về cối xay, rất có thể ông không còn gặp lại cô ở đó.

- Khi ấy sẽ thế nào?...

Khi ấy sẽ lại bắt đầu một cuộc sống trống rỗng, vô mục đích, một cuộc sống không phải cho bản thân mình, cũng chẳng phải cho người đời, chẳng phải cho Chúa, bởi chính ông chẳng khát khao gì nó.

- Khi ấy sẽ thế nào?...

Ngần ấy năm ông lang thang trên thế giới, chẳng khác gì một con vật, ngửi hít, đánh hơi, con vật không có mục đích gì khác ngoài việc kiếm miếng ăn qua ngày cùng một cái xó để ngủ qua đêm. Cho đến lúc trong sự trống trải mênh mông ấy chợt lóe lên ánh sáng đầu tiên, ánh sáng duy nhất, khi ông bắt đầu thấy tim đập mạnh hơn trong lồng ngực, và trong tim có cảm giác ấm áp của con người, khi ông hiểu ra rằng ông cũng là một con người, khi ông tìm được mục đích và sự cần thiết của sự tồn tại, thì một đòn từ đâu giáng xuống ông và nghiền vụn nát tất cả.

Giờ đây, sao ông hình dung lại rõ ràng đến thế, những phút giây kinh hoàng trong cơn hấp hối của Ma-rư-sia, khi ông nửa tỉnh nửa mê vì nỗi tuyệt vọng bất lực, chỉ còn biết ngồi bên cô, không còn khả năng để cố gắng làm một việc gì nữa, để hi vọng vào một điều gì nữa, thậm chí để cầu nguyện. Và nơi đây, trong những đêm tù, ông vẫn thường trải qua cơn kinh hoàng ấy. Nơi đây, cũng hệt như hồi ấy, ý nghĩ ông cứ quay cuồng hoài trong cái xoáy nước hút xuống vực thẳm tất cả những gì ông yêu thương, những gì mà vì chúng ông muốn sống, những gì mà vì chúng ông có thể sống.

Và sự lặp lại đánh thức trong ông những ký ức, mờ mịt và không rõ ràng, rằng ngày trước, đã lâu lắm rồi, ông cũng đã từng trải qua một nỗi bất hạnh giống thế, rằng hồi ấy ông cũng đã từng bị mất tất cả. Ông hoài công cố căng óc lên để nhớ. Chỉ có một thứ trong trí nhớ nổi lên rõ nét mà thôi: chính cái tên lạ lùng mà ông chưa từng nghe bao giờ lại rất quen thuộc: Bê-a-ta.

Tại sao nó cứ trở đi trở lại không ngừng mãi thế, tại sao chỉ riêng thanh âm cái tên ấy đã đủ khiến lòng ông lo lắng? Nó có nghĩa gì đây?...

Nằm trên chiếc đệm cứng ngắc của nhà tù, mắt mở thao láo nhìn mãi vào bóng đêm, dường như ông muốn xuyên thấu vào trong đó. Song trí nhớ bao giờ cũng chỉ dừng lại tại một chỗ, dừng lại trước một bức tường cao vút tận trời, không thể với sang tới bên kia.

... Lúc ấy là vào mùa thu, một con đường lầy lội, một chiếc xe thường tình của nông dân với một con ngựa nhỏ, bụng ỏng... Ông nằm ngủ trong xe, đầu ông va phải những tấm ván, rất mạnh, đau điếng. Chính nỗi đau đớn ấy đã đánh thức ông.

Nhưng đó là cái gì nhỉ?...

Phải, chính ở đó bắt đầu sừng sững bức tường cao đến tận trời kia, phía bên kia ẩn giấu một điều bí ẩn không tài nào đoán nổi. Một cuộc đời nào đó, không rõ đã bị lãng quên, đã bị xóa sổ, đã bị gạch đi khỏi thực tại. Ông chỉ biết một điều: cuộc đời ấy khác hẳn cuộc đời hôm nay. Nó có quan hệ gì đó với cuộc sống của những người giàu, cùng cái tên gọi đầy bí ẩn kia: Bê-a-ta.

Trong những ngày đầu của cuộc sống lang thang, ông đã cố xuyên qua cái hàng rào chắn đường trí nhớ ông quay trở về quá khứ. Thì chính ông càng hiểu rõ rằng ông nhất định phải có những năm ấu thơ và thủa thanh niên của mình. Trong những cuộc trò chuyện thận trọng với những người tình cờ gặp gỡ, ông thấy rằng tất cả mọi người đều nhớ tuổi thơ bé của họ. Về sau, ông không hở cho một ai biết cái tên kỳ lạ của mình, bởi cũng chẳng ai muốn tin ông. Họ chỉ mới biết ông và bày tỏ những dự đoán rằng chắc ông phải có lý do gì để không phải nhớ lại quá khứ của mình, còn ông vẫn cố gắng căng hết óc, vẫn cứ tiếp tục công kích bức tường nọ, để rồi sau mỗi lần như thế, kiệt sức đến tận cùng, nửa phần điên loạn, quay trở lại với thực tại, ông lại thề với bản thân rằng sẽ không bao giờ làm thử điều ấy nữa.

Nhiều năm trôi qua, ông đã quen dần, đã chấp nhận chuyện đó, và thậm chí không cần thề thốt nữa. Chỉ thỉnh thoảng một sự kiện nào đó từ bên ngoài, bất chấp ý chí của ông, đánh thức dậy trong ông nỗi lo lắng đột ngột cũng nỗi hoảng sợ mà mỗi con người đều cảm thấy trước những thế lực không thể nào nhận thức nổi đối với họ, nhưng lại tác động ngay trong người họ.

Phương pháp tốt nhất để tách biệt ý nghĩ khỏi những chuyện đó bao giờ cũng là công việc, và vì thế ông An-tô-ni Kô-si-ba càng hăng hái tham gia vào những việc nặng nhọc nhất.

Hôm ấy, từ sáng sớm, cùng với vài người tù nữa, ông bận đào cái ống nước bị vỡ. Vì đã mấy ngày tan băng nên mặt đất biến thành một thứ nhầy nhụa đầy bùn, trong khi đó lớp dưới sâu vẫn còn nhớ đến cơn giá lạnh kinh người cách đây chưa lâu, nên phải dùng mai và cuốc chim bổ rất vất vả.

Gần mười giờ, từ văn phòng, một người cai ngục, ông Ju-rơ-rắc bước tới.

- Ô hô, người ta gọi ai đó đi gặp người nhà rồi, - một tù nhân có kinh nghiệm nhất nhận xét.

Và quả y không lầm. Người ta gọi ông An-tô-ni Kô-si-ba.

- Có hai ông bà nào đến gặp mày. - người cai ngục giải thích.

- Gặp tôi à?... Có lẽ nhầm rồi!...

- Đừng cãi, đi đến buồng nói chuyện, nhanh lên.

Ông An-tô-ni chưa bao giờ đến buồng nói chuyện. Chẳng có ai lui tới thăm ông, và giờ đây ông nặn óc cố nghĩ xem đó là ai. Nếu như là Va-sin với Zô-nhi-a thì chắc gã cai ngục đã không gọi là "ông bà".

Thoạt tiên, bóng tối mờ mờ bao trùm trong căn phòng nhỏ ngăn bằng song sắt không cho phép ông nhận ra Ma-rư-sia, nhất là khi cô không còn mặc chiếc áo khoác mỏng tồi tàn, không đội chiếc bê-rê cô thường đội nữa, mà mặc một tấm áo choàng lông thú và đội chiếc mũ rộng vành lịch sự. Bên cạnh cô, ông thấy cậu chủ Trưn-xki.

Bằng một động tác đột ngột, ông Kô-si-ba muốn lùi bước. Linh cảm đã thầm mách bảo rằng ông sẽ gặp một điều gì khó chịu, một điều mới mẻ nhưng xấu xa nào đó, một đòn bất ngờ nào đó. Tại sao họ lại đi cùng nhau và tại sao Ma-rư-sia lại thay đổi phục trang như thế?...

- Bác An-tô-ni! - cô gái kêu lên. - Bác không nhận ra cháu sao?...

- Xin chào ông Kô-si-ba, - Lê-sếch gọi.

- Chào ông. - ông khẽ nói.

- Ông thấy không, không việc gì phải lo lắng quá, - Trưn-xki nói vui vẻ. - Bây giờ mọi chuyện sẽ diễn ra rất tốt, giá như tôi biết sớm hơn về những chuyện không lành mà ông gặp phải do cứu chữa chúng tôi, tôi đã lo giải quyết việc của ông. Nhưng giờ thì ông chẳng còn phải ngồi đây lâu nữa đâu. Chúng tôi sẽ làm mọi việc để thúc nhanh việc mở phiên tòa phúc thẩm, tôi tin chắc rằng người ta sẽ thả ông. Ông thấy thế nào ạ?

- Cảm ơn, ồ, ở tù ấy mà...

- Bác thân yêu, nom bác nhợt nhạt lắm. - Ma-rư-sia nói.

- Còn cháu thì khá lên, con bồ câu nhỏ ạ. - ông mỉm cười với cô.

Cô gật đầu.

- Đó là hạnh phúc đấy ạ.

- Vì hạnh phúc à?...

- Vâng, vì một niềm hạnh phúc lớn lao mà cháu vừa được gặp.

- Hạnh phúc nào kia? - ông Kô-si-ba hỏi.

Ma-rư-sia khoác tay Lê-sếch và nói:

- Anh ấy đã trở về với cháu để không bao giờ chúng cháu xa nhau nữa.

- Ma-rư-sia đã đồng ý làm vợ tôi. - Trưn-xki nói thêm.

Thầy lang túm chặt hai tay vào chấn song ngăn cách ông với họ, dường như sợ rằng ông sẽ lảo đảo và ngã xuống.

- Sao kia? - Ông hỏi bằng giọng nghẹn ngào.

- Đúng thế, bác ạ. - Ma-rư-sia tươi cười trả lời. - Anh Lê-sếch đã chữa lành và trở về. Bác thấy không, bác đã lên án anh một cách thiếu công bình nhé. Anh ấy rất yêu cháu, cũng gần bằng cháu yêu anh ấy đấy...

- Ngược lại kia, - Lê-sếch vui vẻ ngắt lời. - anh yêu tha thiết chứ!...

-... Và chẳng bao lâu nữa chúng cháu sẽ làm lễ cưới. Chúng cháu đến đây cùng với mẹ anh Lê-sếch. Chính mẹ đã sắm cho cháu tất cả những thứ tuyệt diệu này. Bác có thích không hả bác?

Mãi đến lúc này cô mới nhận ra sự u ẩn đến kì lạ của người bạn già.

- Bác ơi, thế bác không mừng cho hạnh phúc của cháu à? - Cô hỏi và đột nhiên cô chợt hiểu ra. - Nhưng thật là thiếu tế nhị về phía chúng cháu, trong lúc bác đang phải ngồi đây. Xin bác đừng giận chuyện đó bác ạ!

Ông thầy lang nhún vai.

- Ai giận đâu... ồ... Tôi không ngờ... cầu Chúa ban cho anh chị mọi điều tốt lành nhất.

- Cảm ơn, chân thành cảm ơn bác, - Lê-sếch đón lời, - nhưng xin bác chớ buồn phận mình. Chúng tôi đã giao phó việc của bác cho vị luật sư giỏi nhất vùng này, trạng sư Ko-rơ-trưn-xki. Chính Ko-rơ-trưn-xki khẳng định rằng anh ấy sẽ làm cho bác được tha bổng. Có thể tin vào anh ấy.

Ông Kô-si-ba phẩy tay.

- Ôi chao, chỉ phí công chạy chọt!...

- Bác nói gì thế! - Ma-rư-sia phật ý.

- Không có gì phí cả, - Lê-sếch đoán chắc. - ông là người mà chúng tôi biết ơn nhiều nhất, suốt cuộc đời chúng tôi không thể trả hết ơn ấy. Xin ông hãy tin rằng tôi sẽ giành lại được tự do cho ông bằng bất kỳ giá nào, ông Kô-si-ba ạ.

Trên mặ t thầy lang hiện lên một nụ cười buồn bã.

- Tự do?... Nhưng... tôi được tự do mà làm gì?...

Hai người trẻ tuổi nhìn nhau kinh ngạc và Lê-sếch lắc đầu.

- Đó chỉ là sự buồn phiền thoáng qua thôi. Xin ông chớ nghĩ thế...

- Tại sao bác lại nói thế?

- Con bồ câu nhỏ ạ, - ông An-tô-ni thở dài. - đúng là cũng chẳng cần phải nói đâu. Chẳng có gì mà nói. Cầu Chúa ban cho cháu niềm vui sướng và sự yên ổn, con bồ câu nhỏ bé... Nào, đã đến lúc rồi, xin từ biệt... Còn về tôi, một lão già, thì xin đừng bận tâm đến làm gì nữa...

Ông nặng nề cúi chào và quay về phía cửa.

- Ông Kô-si-ba! - Lê-sếch gọi theo.

Nhưng ông bước vội và đã vào đến hành lang.

Ông bước mỗi lúc một gấp hơn khiến người cai ngục không theo kịp, phát cáu:

- Sao lão cứ đi như bay thế hả? Chậm lại! Tao phải cuồng chân vì mày à?

Thầy lang bước chậm lại và cúi đầu.

- Cô tiểu thư ấy là gì với mày? - Cai ngục hỏi. - Họ hàng hay người thân quen?

- Cô ấy à? - Thầy lang nhìn y đờ đẫn. - Cô ấy?... Làm sao tôi biết được ạ...

- Thế tại sao mày lại không biết được kia chứ?

- À, thì con người đối với con người, một ngày kia có thể là tất cả, nhưng sang ngày khác... đã chẳng là gì.

- Cô ấy gọi mày là bác.

- Gọi thì thiếu gì cách. Tên gọi chỉ là một thứ trống rỗng.

Cai ngục hổn hển vì giận.

- Đối với tao, mày là nhà triết học quá vĩ đại đấy... Phù!

Làm sao y có thể đoán nổi những gì đang diễn ra trong tâm hồn con người này. Liệu y có thể nào ngờ được rằng tù nhân An-tô-ni Kô-si-ba vừa trải qua giờ phút nặng nề nhất trong cuộc đời nghèo khổ của mình?... Cả y lẫn những người bạn tù cùng xà lim chỉ nhận thấy rằng hình như có một thứ gì vừa lộn nhào lên ông và nghiền nát ông. Ông hoàn toàn trở nên câm lặng, suốt đêm ông trăn trở trên chiếc ghế đệm của mình, đến sáng ông không xung phong đi làm việc gì nữa, và nằm một mình trong xà lim.

Khi bảo với Trưn-xki rằng ông không khao khát được tự do, ông hoàn toàn không nói dối. Bây giờ ông không muốn một thứ gì nữa cả.

Sau bao năm cô độc giữa những người xa lạ, ông chỉ tìm được mỗi một trái tim để rồi lại bị mất nó. Khi quen Ma-rư-sia, khi cảm thấy mối cảm tình mà ông làm thức dậy trong cô, khi ông hiểu rằng cô gái kia đối với ông còn quí giá hơn tất cả mọi thứ khác - thì ông bắt đầu tin rằng rốt cuộc ông đã tìm được mục đích cho cuộc đời mình.

Không, chưa bao giờ ông vạch ra một kế hoạch nào cả. Thậm chí, những nghi vấn của Zô-nhi-a về ý định thành lập gia đình, ông cho là kỳ quặc. Ông chỉ muốn có Ma-rư-sia ở bên mình mà thôi. Dĩ nhiên, nếu cô đồng ý làm vợ ông, nếu bằng cách ấy, ông mới có thể đảm bảo cho cô một đời sống yên ổn, một sự đầy đủ tiềm tiệm và một sự chở che trước những miệng lưỡi độc địa, thì ông sẽ có thể cưới cô. Nhưng thực ra ông chỉ thích có cô ở bên mình là đủ. Thậm chí, cô có thể cứ lấy một người chồng như Va-sin chẳng hạn...

Khi ấy họ sẽ được sống cùng nhau, sẽ không bao giờ phải xa nhau, hàng ngày ông sẽ được thấy đôi mắt xanh của cô, được nghe giọng nói thanh thanh của cô, trái tim già của ông sẽ được nụ cười thanh xuân của cô sưởi ấm. Khi ấy, mỗi một ngày sẽ có ý nghĩa, buổi chiều tối, ông sẽ hiểu được vì sao mình lao động, mình kiếm tiền để làm gì...

Thế mà đột nhiên tất cả mọi hi vọng đều tan tành. Ông An-tô-ni Kô-si-ba hoàn toàn không thấy hạnh phúc của Ma-rư-sia nằm ở chỗ cô trở thành một bà lớn, cô có được một người chồng giàu có. Ông không thích giàu, thậm chí, không hiểu tại sao, nhưng ông không tin vào cái giàu. Ông cũng không tin cậu chủ Trưn-xki. Ngay cả cái chuyện cậu chủ kia yêu Ma-rư-sia cũng không có gì là lạ. Khi đã quen biết cô gái này rồi, liệu có kẻ nào có thể dửng dưng bước ngang qua không? Tất cả thanh niên trai tráng ở Ra-đô-li-xki đều lân la đến với cô... Thế còn chuyện cậu Trưn-xki muốn cưới cô ư... Thì cũng là ham muốn kiểu ông chủ thôi. Anh ta không còn cách nào khác để chinh phục được cô, nhưng anh ta có biết cách và có muốn đảm bảo hạnh phúc cho cô không?... Liệu anh ta có thể hiểu được là mình đã có được một kho báu quí giá đến thế nào: anh ta có đánh giá đúng kho báu ấy hay lại phung phí nó đi?...

Trong thời gian Ma-rư-sia sống ở cối xay, ông An-tô-ni Kô-si-ba không hề nói một lời nào nhắc đến Trưn-xki cả. Ông cố tình im lặng, mặc dù ông nhận thấy nỗi phiền muộn của cô gái, mặc dù việc cô mong chờ thư không lọt khỏi sự chú ý của ông. Khi mà nhiều tuần lễ dài dằng dặc trôi qua mà thư không đến, ông đã những mừng thầm trong thâm tâm.

- Cứ đau khổ đi, con bồ câu nhỏ, - ông nghĩ bụng, rồi hãy quên đi. Thế tốt hơn cho nó.

Nhưng ông không tha thứ cho Trưn-xki vì đã im hơi lặng tiếng. Ông lên án chàng một cách nghiêm khắc nhất. Ngay cả lúc này, ông cũng không thể tha thứ cho anh ta chuyện ấy. Ông hình dung ra rằng, sau khi chữa lành trở về, Lê-sếch tình cờ được gặp lại Ma-rư-sia, người mà chàng không hề nhớ suốt một thời gian dài, cái ý thích nhất thời đỏng đảnh ngày trước chợt hồi lại. Nhưng liệu những ý thích sớm nắng chiều mưa ấy ở các vị công tử lông bông này kéo dài được bao lâu?...

Vả lại, không chỉ những nỗi lo ngại kia hành hạ ông An-tô-ni Kô-si-ba. Ông còn bị hành hạ bởi sự thất bại của chính mình. Làm sao ông có thể sống tiếp đây và sống để làm gì?... Khi đã trở thành bà lớn, Ma-rư-sia không hề cần đến sự chăm lo, giúp đỡ của ông nữa, cô sẽ bước vào một cuộc sống khác, trăm lần xa cách cuộc sống ngày xưa hơn là lâu đài Lu-đơ-vi-kốp xa cách cái cối xay của ông Prô-cốp Mi-en-nhích.

- Thậm chí ta sẽ không còn được thường xuyên thấy mặt con bé nữa kia, - ông nghĩ bụng.

Càng nghĩ ngợi lâu, những ý nghĩ càng trở nên cay đắng hơn, ông càng ít muốn sống hơn. Ít muốn thay đổi bản án hơn, ít muốn quay về với căn phòng kia trong ngôi nhà ngang, nơi mà tương lai đã từng hứa hẹn một cách tươi đẹp đến thế, nơi mà mỗi đồ vật, mỗi dụng cụ đều gợi nhớ đến Ma-rư-sia kể từ khi ông đã giằng cô ra khỏi tay thần chết.

- Nó là của ta, nó chỉ là của ta thôi, thế mà bây giờ người ta cướp nó đi...

Suốt ngày dài đằng đẵng ông ngồi gù gù câm lặng trong một góc xà lim. Thậm chí ông không hề quan tâm đến những gói quà đựng thực ph m và thuốc lá mà giờ đây ông được nhận thường xuyên. Không một lời phản đối, ông đưa cả cho các bạn tù chia nhau.

Những ngày lễ trôi qua như thế.

Sau kỳ lễ, ông An-tô-ni được gọi lên phòng. Hóa ra người bào chữa mới cho ông, luật sư Ko-rơ-trưn-xki, tới gặp. Đó là một người đàn ông cao dong dỏng và đã khá mập mạp dù tuổi còn trẻ, tóc đen, vẻ mặt nghiêm trang với ánh mắt sinh động và sắc sảo.

- Nào, ông Kô-si-ba, - anh chìa tay chào hỏi, tôi đã tìm hiểu vụ của ông. Tôi đã gặp đồng nghiệp Ma-quai, đã xem xét kỹ hồ sơ. Quá trình xét xử ở tòa sơ thẩm không có gì đáng để tán thưởng, và tôi nghĩ rằng ta còn nhiều việc phải làm. Nếu chúng ta không thắng được hoàn toàn - điều mà tôi rất tin - thì cũng có thể giảm bản án xuống còn vài tháng. Thậm chí tôi đã tiến hành những nỗ lực để người ta tạm tha ông ra...

- Tôi cũng chẳng thiết đến điều đó, - ông Kô-si-ba lẩm bẩm.

- Tôi nghĩ rằng ông nói có lý, hơn nữa phiên xử của tòa phúc thẩm đã được ấn định vào ngày một tháng hai. Như vậy, ông cũng chỉ còn chưa đầy tháng nữa thôi. Với khoảng thời gian ngắn ngủi như thế, không đáng phải giải quyết các thủ tục và nộp tiền bảo đảm...

- Tôi không có gì hết, làm sao có tiền đảm bảo được?

- Ông Trưn-xki muốn nộp thay cho ông.

- Tử tế quá. Tôi không cần sự giúp đỡ của ông Trưn-xki.

- Nhưng tại sao?... ông ấy đã đối xử rất tốt với ông đấy. Vả chăng cũng là điều dễ hiểu thôi. Ông đã cứu vợ chưa cưới của ông ấy và có thể chính bản thân ông ấy nữa. Ồ, cả hai thật đáng được cứu. Nhưng ta hãy trở lại vấn đề này. Tôi đã thu thập được một số tư liệu sẽ giúp ích cho tôi trong quá trình bào chữa. Tôi không nhiều thì giờ nên xin tóm tắt: trước hết, tôi đã đề nghị chụp ảnh Rơn-ghen cho Lê-sếch và vợ chưa cưới của ông ta. Tôi đã cho nhiều bác sĩ xem phim chụp, ý kiến của tất cả đều nhất trí rằng các phẫu thuật do ông tiến hành không những chỉ chuẩn xác, mà còn chứng tỏ tài nghệ khác thường của ông nữa, đặc biệt là cái gốc hộp sọ ấy. Hình như đó là một chuyện phi thường. Vì vậy, tôi cần biết ông đã học được cái đó ở đâu và ở ai...

Thầy lang nhún vai.

- Tôi chưa học.

- Ông Kô-si-ba, xin ông đừng dấu tôi điều đó, - trạng sư ôn tồn nói, nếu như ông muốn, tôi sẽ giữ kín cho riêng mình biết, nhưng tôi phải biết. Có thể ông đã có hồi làm y tá trong một bệnh viện nào chăng? Hoặc ông là cứu thương hồi chiến tranh?

- Không.

- Ông chữa cho mọi người từ lâu chưa?... Ông đã ở những nơi nào trước khi tạm cư ở cối xay gần Ra-đô-li-xki?

- Trước kia tôi chưa hề chữa. Đến đó tôi mới chữa bệnh.

- Hừm... Có lẽ ông không thể làm tôi tin rằng không cần phải thực tập gì cả ông cũng ghép được xương gẫy, cũng cưa cắt chân tay bằng những dụng cụ thô sơ, cùng những việc tương tự như thế chứ?

- Tôi không muốn làm ông tin vào chuyện gì cả.

- Việc thiếu cởi mở như thế khiến tôi khó bào chữa cho ông.

- Nhưng tôi có yêu cầu ông trạng sư phải bào chữa đâu cơ chứ. Tôi không cần ai bào chữa hết.

Trạng sư tò mò nhìn ông.

- Thế ông thích ngồi tù hơn sao?

- Tôi thì thế nào cũng được, - thầy lang buồn bã trả lời.

Trạng sư nổi cáu.

- Nhưng tôi thì không phải thế nào cũng được. Tôi đã quyết, tôi đã hứa với bạn tôi là sẽ kéo ông ra khỏi nơi này. Ông cần phải biết là tôi không bỏ qua một điều gì cả. Nếu tự ông không muốn nói, tôi sẽ tìm hiểu qua những người khác.

- Không cần phải vất vả thế làm gì, - thầy lang xua tay. Tôi không cần đến tự do, và liệu có ai khác cần đến tự do của tôi chăng? - Tôi ở trong tù hay ở ngoài tù, chuyện ấy cũng chẳng mang lại điều gì cho ai kia mà.

- Ông nói chuyện vớ vẩn, nhưng dù ông nói có đúng đi chăng nữa, thì vì chính bản thân lẽ công bằng...

- Không có công bằng, - ông Kô-si-ba ngắt lời. - Tại sao ông lại nghĩ là có lẽ công bằng?...

Trạng sư gật đầu.

- Dĩ nhiên tôi không nói đến lẽ công bằng tuyệt đối. Cái đó có thể tồn tại, song trong trí thức của chúng ta không có một tiêu chuẩn nào khả dĩ có thể kiểm chứng sự tồn tại của nó cả. Tôi muốn nói đến lẽ công bằng tương đối, lẽ công bằng của loài người.

Thầy lang mỉm cười nhạo báng.

- Không có lẽ công bằng nào hết. Của loài người ư?... Ồ, thì ông đang thấy tôi ngồi đây với ba năm án tù đó thôi. Còn lẽ công bằng tuyệt đối?... Chắc chắn ông trạng sư không thể tìm thấy tiêu chuẩn kiểm chứng sự tồn tại của nó trong đầu óc được đâu. Không phải tìm trong ý thức, mà phải tìm trong tình cảm, trong lương tâm. Nếu như có ai đó trong lương tâm kia chỉ tìm thấy có nỗi xúc phạm, nếu như anh ta nhận ra rằng cả cuộc đời anh chỉ toàn nỗi xúc phạm, thì cái lẽ công bằng ấy ở đâu? Bởi không phải sự trừng phạt!... Sự trừng phạt đến sau lầm lỗi. Mà là sự xúc phạm! Sự xúc phạm không vì một lẽ gì hết!

Mắt ông sáng rực, những ngón tay thô tháp xiết chặt lại, nóng nảy. Trạng sư im lặng hồi lâu rồi đột ngột hỏi:

- Trình độ học vấn của ông thế nào?

- Tôi không có học.

- Trong giấy tờ của ông người ta ghi rằng ông tốt nghiệp hai lớp trường tư thục ở huyện Ka-li-xki. Nhưng ông ăn nói như một người trí thức.

Thầy lang đứng dậy.

- Cuộc đời đã mang đến cho người ta những ý nghĩ khác nhau... Tôi có thể đi được rồi chứ?

- Khoan đã, một chút nữa thôi. Thế có nghĩa là ông không muốn nói chuyện cởi mở với tôi?

- Tôi không có chuyện gì để nói.

- Tùy ông. Tôi có thể bắt buộc ông. Còn bây giờ... Có thể ở đây ông cần thứ gì chăng?... Quần áo ấm, hay sách vở?...

- Tôi không cần gì hết, - thầy lang nhấn mạnh. - nếu tôi cần gì thì chỉ cần người ta để cho tôi được yên thân.

Trạng sư mỉm cười thân thiện lấy lòng và chìa tay ra.

- Thôi được rồi. Tạm biệt, ông Kô-si-ba.

Ko-rơ-trưn-xki là một trạng sư trẻ, song những năng khiếu bẩm sinh, sự chăm chỉ, một kiến thức có căn bản về luật và cả những mối quan hệ nữa, đã nhanh chóng đẩy anh tiến lên, và chính lòng tự ái thúc đẩy anh leo lên cao, để không những chỉ đạt đến đỉnh cao của giới trạng sư nơi đây mà còn vang danh trong cả nước.

Anh nhận vụ ông An-tô-ni Kô-si-ba không chỉ vì tình bạn gắn bó với Lê-sếch Trưn-xki, không chỉ vì số tiền thù lao hậu hĩnh mà anh không thể không nhận, mà chủ yếu và trước hết là vì bản thân vụ này khiến anh rất quan tâm, anh cảm thấy trong đó có những giá trị thật sự, những giá trị mà vụ xử án chắc chắn sẽ rất nổi tiếng và sẽ mang lại vinh quang cho người bào chữa trong trường hợp thắng lợi.

Và vì rằng một khi đã nhận bào chữa, anh không bao giờ coi nhẹ một việc gì, nên ngay hôm sau anh đã lên đường đi Ra-đô-li-xki. Anh mất hai ngày ngang dọc trong vùng, nói chuyện với mọi người, thu thập tài liệu. Cũng vì thế anh phải rút ngắn bớt cuộc ghé thăm gia đình Trưn-xki.

Họ mở rộng vòng tay đón anh. Khách khứa dịp lễ tết đã đi cả, trong nhà chỉ còn có ông bà Trưn-xki, Lê-sếch và Ma-rư-sia mà thôi.

Ko-rơ-trưn-xki trình bày tỉ mỉ những gì anh đã thu thập được và xoa tay.

- Càng ngày tôi càng mạnh hơn. Rồi các vị sẽ thấy, một khi tôi đã kéo hết những khẩu đại bác của tôi lên mặt thành và phát hoả một cách kịch liệt, thì những lời buộc tội sẽ chỉ còn là một đóng gạch vụn và tro tàn mà thôi. Cái ông Kô-si-ba kia quả là một thầy thuốc tuyệt vời! Không hề có một trường hợp tử vong nào, còn những người khỏi bệnh thì tôi có thể trình tới vài mươi người. Trong số đó gần một nửa không những không phải trả tiền thuốc thang mà lại còn được ông ấy giúp đỡ trợ cấp thêm cho nữa chứ. Mô-típ trục lợi hoàn toàn sụp đổ. Rồi các vị sẽ thấy! Nhưng tôi sẽ nhấn mạnh nhất đến kỹ năng của ông ta. Vì vậy, tôi chợt nảy ra một ý.

- Ý gì nào? - Lê-sếch hỏi.

- Tôi muốn có mặt tất cả nhân chứng, trong đó có cả cậu và vợ chưa cưới của cậu nữa, ở thành phố ngay trước phiên tòa xử. Không hiểu tòa có đồng ý với đề nghị của tôi và mời các vị chuyên gia không. Vì vậy tôi muốn có được một thứ dự phòng mạnh ngang thế, nếu không phải là mạnh hơn. Nghĩa là thế này: tôi muốn mời một nhà phẫu thuật danh tiếng nào đó khám cho tất cả các bệnh nhân kia trước ngày mở phiên tòa. Dĩ nhiên, đó phải là một người có danh tiếng tuyệt đối, đến nỗi, khi đứng ra trước tòa làm nhân chứng do phía bào chữa mời, tòa phải xem ý kiến của ông ta là chuẩn mực. Đó phải là một ngôi sao sáng của ngành giải phẫu.

Phu nhân Trưn-xka gật đầu.

- Người như vậy ở Ba Lan chỉ có một. Giáo sư Đô-bra-nhe-xki ở Vac-sa-va.

- Bà đoán đúng đấy! - Trạng sư vỗ tay.

- À, chuyện ấy không khó gì lắm, - ông Trưn-xki mỉm cười, - tôi nghĩ, cái khó hơn là làm cho ngài Đô-bra-nhe-xki đồng ý đến đây.

- Nếu như đó chỉ là vấn đề thù lao, - Lê-sếch xen vào. - thì xin cậu, Va-xếch, đừng ngại gì cả.

- Vâng, thù lao chắc cũng sẽ không nhỏ, - Ko-rơ-trưn-xki cười, - nhưng tôi còn có cả những cách khác. Vợ ông Đô-bra-nhe-xki là chị họ của vợ tôi. Sẽ thực hiện được thôi. Phải làm bằng được, vì tôi phải thắng trong vụ này.

Ma-rư-sia nở một nụ cười chân thành với luật sư.

- Tôi hết sức biết ơn ông vì nhiệt tình và nguồn cổ vũ ấy, chắc ông không thể biết tôi gắn bó với con người tốt nhất đời kia đến độ nào, tôi yêu bác ấy đến đâu. Thậm chí, hẳn ông cũng không thể hình dung nổi trái tim bác ấy tốt lành biết chừng nào.

- Điều ấy tôi không rõ, song tôi tin lời cô. Ngược lại, tôi rất ngạc nhiên về sự thông thái của ông Kô-si-ba. Ông ấy ăn nói hoàn toàn như một người có học thức, điều mà không một chút nào hợp với hình thức bề ngoài, với việc ông ta chưa tốt nghiệp tiểu học, lẫn nghề làm công ở cối xay bột và nghề thầy lang.

- Anh thấy chưa! - Ma-rư-sia quay sang Lê-sếch thốt lên.

- Đúng, đúng, - Lê-sếch thừa nhận. - Cậu hãy hình dung nhé, Va-xếch, đã từ lâu Ma-rư-sia nhận ra điều đó. Thậm chí mình cũng đã tiến hành một phép thử hoàn toàn khẳng định những điều ức đoán của chúng mình.

- Phép thử ấy thế nào? - Ko-rơ-trưn-xki tò mò.

- Về căn bản là khá ngây thơ. Mình bắt đầu trò chuyện với ông ta và sử dụng nhiều từ mà một người nông dân bình thường, thậm chí một kẻ trí thức giả cầy cũng không thể hiểu được nghĩa.

- Thế rồi...?

- Ông ấy hiểu tất. Thế vẫn còn là ít. Một hôm ông ấy bắt gặp Ma-rư-sia đang đọc thơ Muýt-xê, trong nguyên bản. Ông ấy đọc lại cả một khổ thơ hoàn toàn chính xác.

- Tôi xin cam đoan là không những bác ấy chỉ đọc thông mà còn hiểu cả nghĩa nữa kia.

Luật sư ngẫm nghĩ.

- Phải, đó thật là một chuyện lạ... Nhưng cũng có những trường hợp người ta tự học mà nên thế. Giả thuyết này cũng có thể rất có ích cho tôi, nếu ông Kô-si-ba chịu hé môi.

- Sao thế?

- Thì bởi ông ấy cứ im lạng một cách bướng bỉnh. Ông ấy không hề muốn cung cấp cho tôi một thông tin nào hết. Ông ấy bị rơi vào một thứ bi quan, một thứ chán đời yếm thế nào đó, có quỷ mới hiểu nổi.

- Thật đáng thương - Ma-rư-sia thở dài. - Tôi với anh Lê-sếch cũng bị bất ngờ về chuyện ấy. Vì thế chúng tôi không muốn nài bác ấy lần nữa. Bác ấy tiếp chúng tôi gần như ác cảm ấy. Vả chăng, tôi cũng không ngạc nhiên. Bác ấy phải trải qua bao chuyện...

- Rồi cái ấy sẽ qua đi thôi, khi ông ấy được tự do, - Lê-sếch tin tưởng nói.

- Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được, - luật sư cam đoan.

- Ông thật tốt quá! - Ma-rư-sia thốt lên.

- Tôi?... Tôi ư?... Nhưng thưa cô! Đây không hề có chỗ cho lòng tốt đâu. Tôi kiếm được khối tiền trong vụ này...

- Thôi, thôi nào, - Lê-sếch cười, - ta đừng phóng đại nữa đi...

-... hai nữa, nếu tôi thắng trong vụ này, tôi sẽ càng nổi tiếng hơn, sẽ có thanh danh hơn và... càng nhiều tiền hơn.

- Phì, - phu nhân Trưn-xki nhăn mặt, - ông không xấu hổ khi đóng vai một kẻ hám danh lợi à!

- Ồ, tôi không giả vờ đâu. Tôi là một kẻ đua đòi danh vọng. Tôi hoàn toàn không chối cãi chuyện đó. Hoàn toàn ngược lại nữa kia. Tôi sẽ trổ tài mỗi khi có dịp. Khi còn là sinh viên, tôi đã tự nhủ rằng mình sẽ phải làm nên sự nghiệp, và tôi đã theo đuổi một cách trước sau như nhất. Ở vùng ta có cái quan niệm tỉnh nhỏ thật buồn cười, phê phán những người hám danh vị. Người ta biến từ này thành một lời phỉ báng. Trong khi đó, làm nên danh vị là thế nào mới được chứ? Có nghĩa là xu hướng sử dụng triệt để mọi con chủ bài mà tự nhiên, môi trường sống, sự giáo dục, đào tạo, đã phú cho chúng ta, khai thác triệt để trong cuộc đời những năng lực của mình, trí thông minh, nhiệt tình, khả năng giao tiếp với mọi người. Ai không biết tận dụng những điều kiện có được, người ấy sẽ làm chúng bị phí hoài đi. Sẽ là một kẻ phí phạm, một kẻ khờ khạo. Dĩ nhiên, cũng có những kẻ hám danh thiếu trung thực, dùng những đòn không được phép dùng trong khi đấu. Nhưng đó lại là chuyện khác. Tôi chẳng hạn, tôi rất tin những người thích danh vọng, tôi hiểu rằng không bao giờ mình phải thất vọng vì họ, bởi lẽ họ có lòng tự ái, có động lực, có ý chí đạt tới những khả năng tốt nhất cho mình, và do vậy cho tất cả những gì mà họ phụng sự.

Anh cười rồi nói thêm:

- Nếu tôi là một kẻ độc tài, tôi sẽ đưa toàn những người chuộng danh vọng vào các cương vị chủ chốt nhất.

Ông Trưn-xki lắc đầu.

- Thưa trạng sư, suy nghĩ của ông tôi thấy có vẻ hơi đơn giản quá đấy.

- Tại sao kia ạ?

- Bởi ở người chuộng danh vọng, cái ý chí đẩy địa vị của mình lên ấy đôi khi mạnh đến nỗi nếu mâu thuẫn với cảm giác về nghĩa vụ, nó giành phần thắng.

- Đôi khi thôi ạ? - Trạng sư cướp lời, - tôi hoàn toàn đồng ý với ông ông. Nhưng phải chăng chúng ta không bị thiệt hại nhiều nhất bởi sự thiếu năng lực sự biếng nhác của đủ mọi hạng người ngớ ngẩn và những kẻ tự nguyện sống nghèo hèn?... Tôi nghĩ rằng chúng ta là một dân tộc của những người nghèo khổ chính vì ở nước ta đang ngự trị cái chứng loạn thần kinh coi khinh tất cả những ai đạt đến hoặc một sản nghiệp, hoặc một địa vị nào đó. Chúng ta chỉ kính trọng những kẻ nhận được mọi thứ mà không hề có một công trạng cá nhân nào, không phải cố gắng một chút nào, nghĩa là theo con đường thừa kế.

- Tôi thấy rằng ông là người ủng hộ sự sùng bái của nước Mỹ đối với các triệu phú.

- Ở Mỹ không phải mọi cái đều dở cả đâu, - Ko-rơ-trưn-xki mỉm cười.

Song phu nhân E-lê-ô-no-ra làm cuộc tranh luận bị gián đoạn bằng cách quay trở lại vấn đề thầy lang. Sau đó người nhà mời họ ngồi vào bàn, và đến tối, Ko-rơ-trưn-xki đi ra ga.

- Anh ấy gây ấn tượng một con người không bao giờ biết nhường đường, - phu nhân Trưn-xka bình luận sau khi anh đã ra đi.

- Ồ, vâng. -Lê-sếch khẳng định. - Cũng chính vì vậy, nếu nói về vụ này, con rất hy vọng. Và con nghĩ rằng cần phải mau mau khôi phục ngôi nhà nhỏ trong vườn, nơi chúng con định dành cho ông Kô-si-ba ở.

Quả thực, đã một tuần nay, ngôi nhà ấy được tu sửa lại dưới sự giám sát đầy ưu ái của đôi vợ chồng sắp cưới, những người thậm chí không thể ngờ được rằng công sức của họ chỉ là bỏ đi, và tương lai sẽ khác hẳn những gì họ đã sắp đặt cho mình.

Nguồn: truyen8.mobi/t112299-thay-lang-znachor-chuong-18.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận