Thầy Lang (Znachor) Chương 19

Chương 19
Căn phòng không rộng lắm của tòa phúc thẩm nhanh chóng bị tràn ngập cử tọa có thành phần thật lạ lùng.

Những chiếc áo khoác màu gạch của nông dân quanh vùng Ra-đô-li-xki chen lẫn những chiếc áo choàng lông thú lịch sự của các ông lớn từ thành phố. Vụ án gây một sự chú ý rất lớn không chỉ trong giới luật gia, nơi từ lâu đã lan truyền những lời đồn đại đầy kích thích về tính phi thường của lời bào chữa đang được Ko-rơ-trưn-xki chuẩn bị, mà cả trong giới y học cũng gây nên một cú giật gân, cả về cái nền của vụ án lẫn sự hiện diện của giáo sư tiến sĩ Đô-bra-nhe-xki, nhà giải phẫu xuất sắc nhất Ba Lan, được mọi người thừa nhận, kính trọng và rất nổi tiếng, với tư cách là một nhân chứng.



Trong số những bác sĩ có mặt trong phiên tòa không thiếu những sinh viên trước đây của vị giáo sư lừng danh, song không một ai không tò mò háo hức chờ nghe ý kiến của ông về nghề thầy lang. Nếu người ta kinh ngạc thì chỉ kinh ngạc bởi lẽ giáo sư được chính bên bào chữa chứ không phải bên buộc tội làm nhân chứng, và chính vì thế người ta hy vọng sẽ được nghe những điều phi thường.

Qua nét mặt của trạng sư Ko-rơ-trưn-xki cũng có thể suy ra rằng chắc hẳn sẽ có chuyện khác thường. Vui vẻ và lắm lời, anh nhấp nhỏm nửa đứng nửa ngồi trên chiếc ghế của mình, chiếc áo thụng phanh ra, tay thọc vào túi quần trò chuyện với mấy người bạn trong giới luật gia. Bên cạnh anh, trên bàn chất đống những chồng hồ sơ và ghi chép, mà thậm chí anh không thèm liếc mắt tới. Hẳn là anh đã nắm chắc tài liệu một cách tuyệt diệu và đã chuẩn bị sẵn một cách chi tiết tuyến bào chữa của mình.

Và quả thực, anh hoàn toàn tự tin, nhất là từ hôm qua. Hôm qua, ngay từ sáng sớm, anh đã đón giáo sư Đô-bra-nhe-xki ở ga rồi đưa ông tới một phòng khám chữa tư, nơi các bệnh nhân cũ của ông Kô-ba-si đã tề tựu đông đủ. Gần như suốt cả ngày, trừ những đợt giải lao ngắn, giáo sư đã khám cho họ, đã nghiên cứu các ảnh chụp bằng tia Rơn-ghen và đọc cho cô thư ký ghi nhận xét.

Trạng sư Ko-rơ-trưn-xki không bỏ qua một chút gì có thể giúp anh thắng trong vụ án này. Anh lập hồ sơ khai của tất cả các nhân chứng cần thiết cho anh, đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án và giờ đây có thể hoàn toàn bình tĩnh chờ khai mạc phiên tòa.

Bị cáo được dẫn vào, lạnh lùng ngồi vào chỗ của mình dưới sự canh giữ của cảnh sát. Vẻ ngoài của ông An-tô-ni Kô-si-ba là sự đối lập sắc nét nhất với vẻ hài lòng bình thản của người bào chữa cho ông. Ông ngồi đó, lưng còng xuống, đầu cúi gục, nhìn bất động xuống nền nhà. Bộ râu cằm của ông bạc nhiều hơn trước, da mặt vàng khè, dưới mắt hiện rõ những túi da xám xịt. Thậm chí ông không hề đưa mắt nhìn phòng xử án, dường như không nghe thấy những giọng nói thân tình quen thuộc đang gọi tên ông, mà cũng có thể ông không nghe thấy tiếng họ thực, bởi ông hoàn toàn không hề có phản ứng gì trước những câu hỏi mà người bào chữa hỏi ông. Mãi đến khi tiếng chuông gắt gỏng rung lên cùng mệnh lệnh của người cảnh sát bắt ông đứng dậy, ông Kô-si-ba mới như sực tỉnh. Ông nặng nề đứng dậy để rồi lại ngồi xuống chìm đắm trong những suy nghĩ của riêng mình

Ông là người duy nhất trong căn phòng này hoàn toàn không quan tâm đến quá trình xử án cũng như kết quả xử.

Như một cái máy, ông trả lời những câu hỏi hướng về ông nhằm xác định lý lịch của bị cáo, rồi lại chìm đắm vào một sự bất động dửng dưng.

- Giá như mình có được ban hội thẩm, - Ko-rơ-trưn-xki mỉm cười nghĩ bụng, - thì chỉ riêng bề ngoài của con người đáng thương kia cũng đủ để mình làm cho trắng án.

Trong khi đó nhiều nhân chứng được gọi lên. Cảnh sát trưởng Zi-ô-mếch đứng trước bục khai. Ông buộc phải trả lời những câu hỏi được viên chưởng lý đặt ra với kết cấu chính xác, bằng những lời giải thích buộc tội nặng cho bị cáo Kô-si-ba thừa nhận đã ăn trộm chiếc va-li đựng dụng cụ phẫu thuật, ông không trả lại chiếc va-li ấy mà giấu đi và giữ lại đến mấy tuần liền, ông chỉ trả lại khi bị dọa sẽ khám nhà, cuộc khám nhà trước sau cũng tìm ra vật ăn trộm.

Đến người bào chữa đặt câu hỏi:

- Là chỉ huy trưởng đồn cảnh sát ở Ra-đô-li-xki, nhân chứng có được nghe dân chúng phàn nàn gì về Kô-si-ba không?

- Không, không có một ai phàn nàn.

- Trước khi xảy ra hành vi chiếm hữu dụng cụ kia, ông có thể xem việc cấp cho bị cáo chứng chỉ đạo đức là một việc có thể hay không?

- Tất nhiên rồi. Đó là một người rất lương thiện.

- Tại sao sau khi phát hiện ra vụ trộm, ông không bắt giữ Kô-si-ba?

- Bởi vì theo ý tôi, không hề phải lo ông ta chạy trốn. Chỉ cần buộc Kô-si-ba không được đi đâu xa là đủ.

- Vậy nhân chứng có biết rằng Kô-si-ba mới đến địa phương của ông chưa lâu và đã nhiều năm nay bị cáo thường thay đổi nơi cư trú của mình hay không?

- Tôi có biết.

- Mặc dù vậy ông vẫn tin bị cáo sẽ không vi phạm quy định?

- Vâng. Vả lại t i cũng không nhầm vì ông ta không hề đi trốn.

- Cảm ơn, tôi không hỏi gì thêm.

Nhân chứng tiếp theo là bác sĩ Pa-vơ-li-xki. Thoạt tiên anh ta tuyên bố với vẻ miễn cưỡng rằng không có điều gì bổ sung cho những lời khai lần trước của mình, nhưng trước sức ép của viên chưởng lý, anh ta buộc phải trả lời.

- Tôi đã ba lần vào phòng bị cáo ở.

- Nhằm mục đích gì?

- Lần đầu, để cảnh cáo ông ta trước việc hành nghề chữa bệnh bất hợp pháp, lần sau tôi được mời đến sau khi xảy ra tai nạn và lần cuối cùng để tìm các dụng cụ phẫu thuật bị mất cắp.

- Ông thấy trong phòng ấy điều kiện vệ sinh thế nào?

- Rất đáng ca thán. Quần áo bị cáo dính đầy nhựa, tay rất bẩn. Trần nhà nhiều chỗ phủ đầy mạng nhện. Tôi để ý thấy rằng những cái nồi dùng để sắc thuốc dính đầy mỡ. Hình như chúng cũng được dùng để nấu ăn, tôi có ấn tượng là chúng chẳng bao giờ được rửa. Sàn nhà đầy rác và đủ thứ đồ cũ hỏng. Không khí trong phòng hôi hám đến nỗi khó mà thở nổi.

- Kô-si-ba thường tiến hành phẫu thuật ở đâu?

- Chính trong căn phòng này.

- Liệu trong những điều kiện như thế, việc tiến hành những ca phẫu thuật tương đối lớn có thể gây nhiễm trùng cho người bệnh hay không?

- Tất nhiên, và không chỉ riêng các ca tương đối lớn. Ngay cả những vết thương vặt vãnh nhất, nếu như có chất bẩn, có bụi bặm hay một thứ gì tương tự rơi vào, hoàn toàn có thể gây nhiễm trùng hoặc uốn ván.

- Bị cáo đã trả lời như thế nào trước lời nhắc nhở của bác sĩ?

- Ông ta hoàn toàn coi thường.

- Ông đã thấy những dụng cụ mà thầy lang dùng để mổ chưa?

- Tôi có thấy, nhưng đó không phải là dụng cụ phẫu thuật. Tôi trông thấy những chiếc búa thợ nguội thông thường, những cái đục, những cái kim, vân vân... cùng một con dao làm bếp thông thường và một chiếc cưa tay nữa.

- Những thứ dụng cụ đó nằm trong tình trạng ra sao?

- Một số cái bị gỉ. Trên một chiếc đục, tôi thấy có vết máu cũ đã khô. Tất cả đều có mùi dầu hỏa hoặc xăng, mà chắc bị cáo đã dùng làm chất sát trùng.

- Thế dầu hỏa hoặc xăng có giá trị không nếu làm phương tiện sát trùng?

- Có, nhưng mức độ không đáng kể.

- Trong vùng Ra-đô-li-xki có nhiều thầy lang hành nghề không?

- Chừng mươi người. Trong cả huyện có lẽ khoảng vài chục. Đó thật là một tai họa.

- Bác sĩ lý giải điều ấy bằng gì?

- Sự ngu muội của dân chúng.

- Tỷ lệ tử vong của họ có lớn không?

- Rất lớn.

- Bác sĩ có thường được mời đến khám nghiệm cho những trường hợp tử vong do cách chữa bệnh của các thầy lang không?

- Rất thường xuyên. Trong hồ sơ của vụ án có bản trích đoạn kiến nghị của tôi gửi chính quyền, trong đó có ghi rõ con số. Bản thân tôi đã ghi lại được tới bẩy mươi hai trường hợp, chỉ trong vòng hai năm. Trong cả huyện, theo số liệu của các bác sĩ, các phép chữa theo kiểu lang băm đã làm cho trên hai trăm mấy mươi người bị chết.

Đến lúc này, người bào chữa mới hướng về nhân chứng:

- Ngài bác sĩ vừa nói rằng thường được mời đến khám nghiệm các nạn nhân của phép chữa trị lang băm?

- Đúng thế.
- Vậy đã bao nhiêu lần bác sĩ phải khám nghiệm cho các nạn nhân của An-tô-ni Kô-si-ba?

- Tôi không nhớ.

- Thế đấy. Vậy bác sĩ có nhớ một trường hợp nào cụ thể thuộc loại này chăng?

- Không.

- Thật là lạ. Kô-si-ba chữa bệnh ngay ở gần Ra-đô-li-xki, chữa bệnh trong những điều kiện vệ sinh tồi tệ nhất, sử dụng những dụng cụ thô sơ nhất để mổ, ấy thế mà bác sĩ lại chưa hề nghe thấy một trường hợp nào chết vì lỗi của ông ta?... hay bác sĩ có nghe?

- Không, - sau một lát suy nghĩ, bác sĩ trả lời.

- Phải giải thích chuyện ấy thế nào đây? Phải chăng Kô-si-ba ít khi chữa bệnh?

- Tôi không đếm số bệnh nhân của ông ta.

- Ngài nhầm đấy, thưa bác sĩ. Lời khai của ngài ở tòa sơ thẩm khẳng định ngài đã tính. Xin phép quý tòa cho đọc đoạn có liên quan trong lời khai của nhân chứng. Tập hai, trang bốn mươi ba, đoạn đầu.

Chánh án nhăn mặt.

- Đoạn đó đối với vụ án không quan trọng.

- Tôi muốn chỉ ra rằng Kô-si-ba thường có tới hai mươi bệnh nhân mỗi ngày, theo tính toán của nhân chứng bác sĩ Pa-vơ-li-xki.

Người ta đọc đoạn đã chỉ, sau đó người bào chữa lại quay về phía nhân chứng.

- Khi trả lời câu hỏi của người chưởng lý, ông có nói rằng ông đã ba lần có mặt trong phòng của Kô-si-ba, trong đó có một lần được mời đến?

- Đúng thế.

- Người ta gọi ông đến để làm gì?

- Đến thăm hai người bị trọng thương sau tai nạn mô-tô.

- Ai gọi ông?

- Một gã Vôi-đư-uô nào đó, mà sau này tôi được biết rằng đó chính là kẻ gây ra vụ tai nạn.

- Nhưng theo đề nghị của ai mà y mời ông?

- Hình như theo đề nghị của Kô-si-ba.

- Bác sĩ có nhớ rằng Kô-si-ba đã giải thích cho ông ra sao hay không khi mời ông đến?

- Có. Hai người bị trọng thương. Ông ta khẳng định rằng một mình không giải quyết nổi.

- Kô-si-ba có van nài bác sĩ cứu lấy cô gái kia không?

- Có, nhưng tôi xem tình trạng của cô ta là tuyệt vọng. Tôi chỉ tiêm một mũi trợ tim.

- Kô-si-ba có xin bác sĩ cho phép sử dụng dụng cụ của bác sĩ để mổ cho cô gái bị thương không?

- Có, nhưng không một bác sĩ nào ở địa vị của tôi có thể thực hiện yêu cầu ấy.

- Phải chăng cũng không một bác sĩ nào muốn mổ cho một cô gái sắp chết chỉ vì khi xem qua tưởng rằng phẫu thuật không cứu nổi người ốm?

Bác sĩ Pa-vơ-li-xki đỏ bừng mặt.

- Ông không có quyền nhục mạ tôi!

- Tòa bác câu hỏi ấy, - chánh án nói.

Trạng sư gật đầu.

- Điều gì đã khiến bác sĩ nghĩ rằng tình trạng của người bị thương là vô vọng?

- Đó là một ca dập đáy hộp sọ, mạch gần như mất hẳn.

- Thế bác sĩ có biết rằng thầy lang Kô-si-ba đã tiến hành phẫu thuật và đã cứu được bệnh nhân không?

- Tôi có biết.

- Làm thế nào để giải thích nổi việc ấy?

Bác sĩ nhún vai.

- Một trường hợp đáng kinh ngạc nhất trong đời chữa bệnh của tôi. Tôi nghĩ rằng dù sao đó cũng chỉ là một trường hợp ngẫu nhiên hết sức lạ lùng mà thôi.

- Khi bác sĩ đến chỗ cối xay, thầy lang có thông báo cho bác sĩ chẩn đoán của ông ta không?

- Có.

- Phải chăng bác sĩ không thấy rằng: An-tô-ni Kô-si-ba, biết chẩn đoán chính xác và tiến hành thành công một ca mổ cực kỳ nguy hiểm, đã chứng tỏ là một tài năng phẫu thuật lớn?

Bác sĩ ngần ngừ.

- Đúng thế. Tôi phải trung thực thừa nhận rằng trong nhiều trường hợp, điều đó khiến tôi ngạc nhiên.

- Cảm ơn. Tôi không hỏi thêm nữa. - Trạng sư gật đầu và mỉm cười nhìn viên chưởng lý.

Tiếp đó người ta đọc lời khai của một số nhân chứng do người bào chữa mời lần lượt theo nhau xuất hiện. Ra trước tòa để làm chứng có ông lão chủ cối xay bột, con trai ông ta, ông bà Trưn-xki, cuối cùng là cả một loạt các cựu bệnh nhân của An-tô-ni Kô-si-ba.

Lời khai của họ có nội dung gần như giống nhau, tôi bị ốm, tôi bị tật nguyền đe dọa, ông ấy đã cứu chữa cho tôi, ông ấy không hề đòi tiền công. Một số người còn khai rằng được thầy lang cho thêm thứ này thứ khác, rằng cả vùng đều biết ông ta không hề vụ lợi. Cả ông Trưn-xki cũng khai điều đó: thầy lang đã không chịu nhận của ông một trăm zuốt-ty, mặc dù đối với ông ta đó là cả một số tiền lớn và ông ta hoàn toàn xứng đáng được hưởng.

Lời khai của ông lão Prô-cốp Mi-en-nhich thật xúc động, ông kết thúc bằng những lời như sau:

- Chính Đức Chúa đã đưa ông ấy đến nhà tôi, bằng cách ấy đã ban cho một kẻ có tội là tôi, ban cho gia đình tôi và mọi người xung quanh một ân huệ lớn. Tôi biết rằng ông ấy được Chúa phái đến chứ không phải được loài quỷ dữ thông qua. Việc ông ấy không bao giờ trốn tránh lao động, thứ mà Chúa hằng yêu. Ông ấy có thể đòi hỏi tôi mọi thứ, ông ấy có thể cứ ngồi sau lò sưởi, không làm gì hết, chỉ ăn và ngủ. Nhưng ông ấy không phải loại người như thế. Ông ấy là người đầu tiên làm bất cứ việc gì, dù đó là việc tinh vi hay vất vả. Làm cho đến xong, cho được việc mới thôi. Mà người thì đâu có trẻ trung gì nữa. Vì thế chúng tôi kính xin tòa cao minh tha cho ông ấy ra vì lòng ca ngợi Chúa, vì ích lợi của mọi người.

Mái đầu bạc của ông lão cúi xuống trong một cái cúi chào thật thấp, viên chưởng lý nhíu mày, còn tất cả những người có mặt đều nhìn bị cáo.

Nhưng An-tô-ni Kô-si-ba vẫn ngồi dửng dưng, đầu cúi xuống. Ông không hề nghe thấy những câu hỏi khéo léo của chưởng lý, những đợt phản kích của người bào chữa, những lời khai của các nhân chứng. Ông chỉ bừng tỉnh trong một thoáng ngắn ngủi bởi cái giọng khẽ khàng, run run của Ma-rư-sia. Khi ấy ông ngước mắt lên, mấp máy cặp môi không thành tiếng, để rồi lại chìm vào nỗi thờ ơ.

- Ta chẳng còn gì hết, - ông nghĩ thầm, - không còn gì chờ ta nữa hết...

Trong khi đó, trong bục khai đang đứng nhân chứng quan trọng nhất, người mà lời khai được trạng sư Ko-rơ-trưn-xki lưu tâm nhất. Vả lại cũng chẳng riêng gì trạng sư, cả các vị quan tòa cũng như toàn thể cử tọa đều chờ sự xuất hiện của ông trong một nỗi căng thẳng. Một nhà khoa học trứ danh sẽ lên tiếng, một nhà giải phẫu tuyệt vời, đồng thời cũng là người số một trong y giới, persona gratissma, gần như là n gười đại diện cho cả giới, một đại diện chính thức, là chủ tịch đồng thời là người bảo trợ.

Những ai chưa quen ông hoặc chưa được thấy ông bao giờ, cũng phải hình dung giáo sư Đô-bra-nhe-xki đúng như thế mà thôi. Một người đàn ông cao lớn, ở tuổi tráng niên, thân hình hơi phì, có khuôn mặt trông nghiêng tuyệt diệu của một con đại bàng, cùng vầng trán cao. Từ mỗi cử chỉ của ông, từ mỗi lời ông nói, từ cái nhìn đầy trang trọng đều toát ra vẻ tự tin mà chỉ duy cảm giác về giá trị của bản thân, cái giá trị được mọi người thừa nhận và chính thức hóa bằng địa vị trong cuộc đời, mới cho người ta có được.

- Có chừng mươi người nhờ tôi, với cương vị là một nhà giải phẫu, - ông mở đầu, - khám nghiệm tình trạng sức khỏe của họ. Họ đã từng có hồi chịu những chấn thương hay những căn bệnh nghiêm trọng, rồi sau đó, được chữa bằng liệu pháp giải phẫu do một thầy lang vườn tên là Kô-si-ba tiến hành. Việc khám nghiệm và chiếu bằng thiết bị Rơn-ghen đã chứng tỏ những điều sau đây...

Đến đây giáo sư bắt đầu kể tên các nhân chứng vừa khai lúc nãy, mô tả thương tích, đánh giá mức độ nguy hiểm của chúng cùng việc đánh giá những liệu pháp giải phẫu đã được tiến hành và kết quả điều trị. Ông đưa ra nhiều tên La-tinh, nhiều thuật ngữ ngành y và nhiều danh từ chuyên môn.

- Tóm lại, tôi phải khẳng định rằng, - giáo sư kết luận, - trong tất cả những trường hợp vừa trình bày, việc giải phẫu đã được tiến hành hoàn toàn chuẩn xác, với một sự hiểu biết căn bản về giải phẫu học không thể nghi ngờ, và đã tránh cho nạn nhân khỏi cái chết hoặc những tàn tật vĩnh viễn.

Viên chánh án gật đầu.

- Theo ngài giáo sư, làm thế nào để giải thích được sự việc một người hoàn toàn không hề có học thức, lại có thể thực hiện những ca mổ táo bạo như vậy mà vẫn đạt kết quả mỹ mãn?

- Chính tôi cũng tự đặt cho mình câu hỏi ấy, - giáo sư Đô-bra-nhe-xki trả lời. - Giải phẫu học về bản chất là khoa học thực nghiệm, dựa trên kinh nghiệm và quan sát của hàng nghìn thế hệ. Thoạt kỳ thủy của những phép giải phẫu bắt nguồn từ thời tiền sử xa xôi. Các nhà khảo cổ đã biết đến những công trình khai quật từ thời đồ đồng, thậm chí từ thời đồ đá cũ, những công trình cho phép khẳng định ngay từ thời bấy giờ người ta đã biết ghép các xương gẫy, đã tiến hành cắt các chi, vân vân. Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong số nông dân đã từng quen thuộc với cấu tạo cơ thể của các gia súc, cũng có thể xuất hiện những nhà quan sát tinh anh khác thường, và dần dần họ giúp đỡ được mọi người thông qua tích lũy kinh nghiệm trong các trường hợp thực tiễn nhỏ nhặt và ít phức tạp.

- Nhưng ở đây, - viên chánh án lên tiếng, - ngài giáo sư đã xác định rằng phần lớn các trường hợp là tổn thương phức tạp và nguy hiểm nữa mà.

- Đúng thế. Vì vậy, tôi phải thừa nhận rằng tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Vị thầy lang này không những chỉ có kinh nghiệm thôi, mà, phải có một tài năng xuất chúng...

Ông ngẫm nghĩ rồi nói thêm:

-... có trực cảm... Phải, trực cảm giải phẫu, một thứ rất hiếm khi gặp. Bản thân tôi, trước đây chỉ biết mỗi một nhà giải phẫu cũng chắc tay và có trực cảm giống như thế mà thôi.

- Chắc tay có nghĩa là gì?

- Chắc tay?... Trước hết là những vết mổ chính xác.

- Xin cảm ơn, - chánh án nói. - Các phía có muốn hỏi gì nữa không?

Viên chưởng lý lắc đầu, còn trạng sư Ko-rơ-trưn-xki kêu lên:

- Tôi có. Ngài giáo sư có tìm thấy ở một ai trong số những bệnh nhân của Kô-si-ba được ngài khám có vết tích của sự nhiễm trùng hay không?

- Không.

- Cảm ơn. Tôi không hỏi thêm nữa.

Giáo sư cúi chào rồi ngồi xuống hàng ghế đâu bên cạnh ông bà Trưn-xki. Đến lúc này, ông mới đưa mắt nhìn lên ghế bị cáo lần đầu tiên. Ông thấy một người râu ria, cao to nhưng gầy, nom chưa đến sáu mươi tuổi.

- Thì ra cái ông thầy lang ấy đấy, - ông nghĩ thầm.

Ông đã định quay đi thì tự nhiên ông thấy xử sự của bị cáo thật đáng suy nghĩ. An-tô-ni nhìn ông bằng ánh mắt chăm chú và hầu như mê man.

Trên môi thầy lang xuất hiện một nụ cười khó hiểu, phân vân và dò hỏi.

- Cái người gì mà lạ thế không biết! - Giáo sư nghĩ thầm trong bụng và quay mặt đi. Nhưng một lát sau ông lại buộc phải nhìn thầy lang. Nét mặt gầy gò của ông ta vẫn không hề thay đổi, còn đôi mắt thì hình như dán chặt vào giáo sư.

Đô-bra-nhe-xki nóng nảy sửa lại dáng ngồi trên ghế và bắt đầu nhìn lên viên chưởng lý, người đang mở đầu bài phát biểu của mình. Ông ta nói với giọng đơn điệu và có thể chính điều đó đã tước đi ấn tượng mạnh mẽ của các lý lẽ của ông, tước mất sự uyển chuyển của những câu ngắn, cụ thể, thản nhiên nhưng rõ ràng là rất lô-gic của ông.

Viên chưởng lý thừa nhận bản án của phiên tòa sơ thẩm đối với những người sống bằng tình cảm có thể được coi là quá hà khắc. Ông ta thừa nhận rằng bị cáo Kô-si-ba không thuộc loại tồi tệ nhất trong bọn bịp bợm. Thậm chí ông ta còn thừa nhận rằng có thể bị cáo hành nghề này do thúc đẩy của những động cơ cao thượng nữa.

- Nhưng, ở đây chúng ta không đại diện cho lòng từ thiện, - ông nói tiếp. - Chúng ta là những đại diện của pháp luật. Chúng ta không được phép quên rằng bị cáo đã vi phạm pháp luật...

Giáo sư Đô-bra-nhe-xki cố tập trung chú ý vào những lời dẫn giải của chưởng lý, nhưng một cảm giác không thể chịu nổi đã không để cho ông yên: ông cảm thấy trên gáy mình có ánh mắt của cái ông Kô-si-ba kia.

- Hắn muốn gì ở ta nhỉ? - Ông thầm nổi cáu trong óc. - Nếu như bằng một cách ấy hắn muốn bày tỏ lòng biết ơn mình về những lời khai thì...

- Chắc hẳn ở đây có những hoàn cảnh giảm án, - người buộc tội tiếp tục. - Nhưng chúng ta không thể coi nhẹ sự kiện. Ăn cắp bao giờ cũng vẫn là ăn cắp. Việc giấu giếm đồ vật ăn cắp được...

Không. Không tài nào tập trung chú ý nổi trong những điều kiện thế này. Đôi mắt của người kia có một tác động từ tính nào đấy. Đô-bra-nhe-xki gần như giận dữ quay lại nhìn ông ta và thật sự ngạc nhiên. Thầy lang ngồi cúi đầu. Trước mặt ông ta, trên hàng lan can chắn, hai bàn tay to tướng của ông ta đang buông thõng.

Đột nhiên trong óc giáo sư nảy sinh một giả thuyết hoàn toàn vớ vẩn:

- Đã có một lúc nào đó ta gặp con người này.

Trí nhớ bắt đầu hoạt động. Giáo sư tin vào trí nhớ của mình. Chưa bao giờ nó phản bội ông. Và giờ đây, sau một hồi lâu, ông đi đến chỗ tin rằng đã có một lúc ông bị ảo tưởng về một sự giống nhau không cốt yếu nào đó. Chắc ông ta giống một bệnh nhân thoáng qua nào đó, từ nhiều năm trước... Vả chăng, ông cũng không có thì giờ suy nghĩ lâu hơn về điều ấy, vì trạng sư Ko-rơ-trưn-xki đã đứng dậy và chất giọng nam trung lanh lảnh như tiếng kim loại của anh đã vang lên, tác dụng như dòng điện.

- Thưa quý tòa! Một vị thần số mệnh mù lòa cùng một sự hiểu lầm nào đó đã khiến cho con người kia phải có mặt trong phòng này, trước cái diễn đàn này. Đây không phải là chỗ của ông ta và phiên tòa này không phải là thứ xứng đáng để đánh giá những hành vi của ông (47). Vào lúc này, nhẽ ra An-tô-ni Kô-si-ba phải ở trong giảng đường lớn của trường đại học tổng hợp của chúng ta, nhẽ ra ông phải được đứng trước hội đồng khoa học, nhẽ ra ông ta không phải chờ bản án mà chờ được người ta trao tặng bằng tiến sĩ danh dự Khoa Y.

Ồ không, thưa tòa, không phải trí tưởng tượng đã nâng tôi bay bổng đâu! Tôi không hề đi tìm những hiệu quả của thuật hùng biện. Tôi hoàn toàn không muốn đề cập đến những chuyện khó tin. Còn nếu như hôm nay việc trao tặng học vị tiến sĩ là một chuyện khó tin, thì chỉ vì rằng ở đây luật pháp của chúng ta đã có một điều khiếm khuyết. Đó là việc nó đã dùng những chuẩn mực khác nhau cho các nghề nghiệp có trách nhiệm như nhau. Thưa quý tòa, chúng ta không thể đồng ý với việc giao phó mạng người cho một thầy thuốc khi kiến thức và kỹ năng của người đó không được đảm bảo bởi việc tốt nghiệp y khoa. Nhưng chúng ta lại không ngần ngại giao phó cho một kỹ sư chế tạo một cái máy hay xây một cái cầu. Trong khi đó, học vị kỹ sư và tất cả những quyền có liên quan với nó thì ai cũng có thể được nhận, dù người đó không hề học ở các trường bách khoa, nếu qua công việc của mình chứng tỏ rằng mính có đầy đủ kiến thức và kỹ năng hành nghề ấy. Liệu ở đây tôi có phải nêu ra tên của những nhà khoa học được mọi người công nhận, những người đang chia sẻ kiến thức của mình cho hàng nghìn sinh viên các trường đại học bách khoa, còn chính họ thì thậm chí không hề có bằng phổ thông?

Tiếc thay, người lập pháp không vận dụng những khả năng ấy cho nghề thầy thuốc. Vì nếu thế, bản ghi tốc ký của vụ án hôm nay đủ để cho An-tô-ni Kô-si-ba đạt được học vị tiến sĩ. Còn bằng chứng được tập hợp trong hồ sơ của vụ án, hơn lời khai của những nhân chứng, những người xuất hiện không chỉ với tư cách nhân chứng mà còn như những vật chứng cụ thể, những tư liệu sống về kỹ năng bác sĩ của bị cáo.

Họ xuất hiện nơi đây giống như các La-za-rơ (48) được ông bảo rằng: Hãy dậy đi... và hãy đến để làm chứng cho sự thật, hay đến để trỏ tay vào người ơn của mình mà kêu lên: - chính là kẻ này đây! Chúng tôi vốn tàn tật, Người cho chúng tôi được đi lại, chúng tôi vốn đau yếu, Người chữa lành cho chúng tôi, chúng tôi nhẽ ra đã chết rồi, Người bảo chúng tôi sống lại!

Song ngài chưởng lý lại nhìn thấy tội lỗi ở chỗ An-tô-ni Kô-si-ba không có bằng cấp mà lại dám cứu người đồng loại. Vậy phải chăng, nếu một khi ông ta lao xuống nước cứu người đang chết đuối, ông ta cũng nhất thiết phải có bằng chứng chỉ tốt nghiệp trường bơi lội?...

Tôi không phải là một kẻ mị dân và tôi đứng đây hoàn toàn không phải để bảo vệ cho nghề thầy lang. Nhưng cũng chính vì thế, tôi càng kịch liệt chống lại cái thủ pháp được người buộc tội sử dụng. Mà cái chính là người ta đã đưa ra đây hai sự thật có vẻ hoàn toàn tình cờ: thứ nhất, An-tô-ni Kô-si-ba là một thầy lang, và thứ hai - thầy lang là những kẻ lừa đảo chuyên sử dụng bao xảo thuật và ảo thuật, phù phép, phù chú, trừ tà, cùng những lời trống rỗng khác. Xin lỗi! Trong sự ghép chung ấy chứa một điều man trá, vì qua hồ sơ vụ án chúng ta đã biết rằng bị cáo không bao giờ, không một trường hợp nào, sử dụng đến sự mê hoặc.

Dưới ánh sáng của hồ sơ ấy, cũng sụp đổ hoàn toàn lời buộc tội Kô-si-ba hành động vì mục đích kiếm lợi. Còn nếu như lời đề nghị tội nhìn thấy trong hoạt động của ông có yếu tố tội phạm, mà mô-típ duy nhất của tội phạm ấy lại bị tan biến đi chẳng khác chi một làn sương mù, thì mô tip duy nhất mà chúng ta có thể công nhận được chỉ có thể là sự si mê. Phải, thưa quý tòa, con người kia là một kẻ si mê. Ông ta mắc phải chứng si mê giúp đỡ những người đang đau đớn, giúp đỡ không công, mà hơn nữa, còn đánh đổi bằng chính tự do của mình, bằng cái giá chịu mang tiếng một kẻ tội phạm, bằng cái giá chịu lãnh nhận chiếc phản cứng của nhà tù và cái chỗ đứng nhục nhã trước vành móng ngựa này.

Ở đây tôi sẽ không dừng lại lâu để bàn đến vấn đề An-tô-ni Kô-si-ba có phải là thầy thuốc tốt hay không. Những nhân chứng đã nói thay tôi, đã nói thay tôi trước hết là con người danh tiếng nhất của ngành giải phẫu nước ta, người mà một ý kiến của ông cũng đã đủ là chứng chỉ có giá trị nhất. Tôi cũng sẽ không lợi dụng hoàn cảnh thuận tiện để nhấn mạnh rằng bác sĩ y khoa Pa-vơ-li-xki, như lời khai của chính ông ta, chưa hề có một trường hợp nào được bệnh nhân của ông thầy lang kia đến xin cấp cứu, ngược lại chính ông thầy lang ấy đã cứu cho hai người mà bác sĩ Pa-vơ-li-xki đã đành bỏ vì bó tay. Trường hợp thứ nhất ông chữa cho khỏi tật nguyền, còn trường hợp thứ hai, ông đã chữa cho khỏi chết.

Thưa các ngài quan lớn, tôi muốn nói về lỗi lầm lớn nhất của An-tô-ni Kô-si-ba, tôi muốn nói đến cái điều mà lời buộc tội đã đẩy lên bình diện thứ nhất, tôi muốn nói đến những điều kiện vệ sinh trong cái buồng mà thấy lang đã dùng để tiến hành các ca phẫu thuật. Chính tôi đã từng đến căn phòng ấy và tôi phải thừa nhận với ngài chưởng lý rằng: những nhân chứng mà ngài mời đến đã khái quát hóa một cách quá chừng mực về những điều kiện phản vệ sinh tại căn phòng đó. Họ đã quên nói thêm rằng cửa sổ có những khe hở, qua đó gió có thể lùa vào, rằng trên mặt sàn nhà cong vênh kia có những vết nứt và hơi ẩm bốc lên, rằng trần nhà bị dột, rằng lò sưởi phả khói ra phòng, rằng trong phòng không những không thiếu gì rác rưởi, mạng nhện và bụi mà còn có lũ giá n sinh sống nữa!... Tôi cũng đã nhìn thấy những dụng cụ mà Kô-si-ba dùng để mổ. Đó là những đồ sắt cũ kỹ, mòn vẹt vì gỉ hoen, đã sứt sẹo và cong vênh, được buộc chằng bằng dây thép với dây thừng. Trong một căn phòng nhứ thế, với những dụng cụ như thế, Kô-si-ba đã mổ cho mọi người.

Nhưng, nói có Chúa lòng lành... đã có một ai trong số những người được mổ bị chết đâu? Đã có một ai bị nhiễm trùng đâu kia chứ!

Trong phòng xử lúc này tôi thấy mặt của mươi vị bác sĩ xuất sắc và dày dạn kinh nghiệm, và tôi xin hỏi họ: Đó là công của Kô-si-ba hay là tội? Tôi xin hỏi họ: Chính sự kiện mà có một người nào đó đã thực hiện ngần ấy ca mổ nguy hiểm trong những điều kiện khủng khiếp nhường kia nên chống lại hay bênh vực cho người ấy?!... Phải chăng, chính vì thế người ấy đáng bị nhận bốn bức tường của nhà giam hay một phòng mổ bằng sứ và pha lê?

Tiếng xì xào khá to lan khắp phòng, khi nó đã lặng đi, trạng sư Ko-rơ-trưn-xki nói tiếp.

- Còn có một lời buộc tội nữa đè nặng lên con người tuổi tác kia, kẻ mà cho tới nay trong đời chưa hề có một vết hoen ố nào, kẻ mà cảnh sát vốn hay nghi ngờ cũng sẵn sàng tin không ngần ngại: ông đã ăn cắp. Vâng. Ông bị lôi kéo bởi ánh lấp lánh của các dụng cụ giải phẫu chính xác sáng choang, và đã ăn cắp chúng. Quả thực, thoạt tiên ông cũng đã cố nài mượn những dụng cụ ấy, nhưng khi gặp phải sự cự tuyệt thẳng thừng - ông đánh cắp. Nhưng ông làm chuyện ấy để làm gì?... Cái gì đã đẩy con người trung thực kia đến chỗ phạm tội?... Trong tình thế nào và với những động cơ như thế nào ông động vào tài sản của người khác?...

Bởi vì chính trong gian phòng kia lúc ấy có một cô gái đang hấp hối trên bàn, một cuộc đời hé nở đang chìm dần vào vực thẳm của cái chết, còn ông, Antô-ni Kô-si-ba cảm thấy, biết được, và hiểu rõ rằng, ông không thể nào giúp cô một cách có kết quả. Tôi tự hỏi: An-tô-ni Kô-si-ba phải hành động sao đây?

Trạng sư lướt ánh mắt sáng rực khắp phòng.

- Ông phải hành động sao đây?!... Anh kêu lên. - Mỗi người chúng ta sẽ hành động sao đây khi ở vào vị trí của ông?!... Chỉ có thể tìm được một câu trả lời thôi. Mỗi người chúng ta đều sẽ làm cái điều mà An-tô-ni Kô-si-ba đã làm, mỗi chúng ta đều sẽ đánh cắp những dụng cụ kia! Lương tâm sẽ bảo mỗi chúng ta rằng đó là nghĩa vụ của mình, là nghĩa vụ đạo đức!

Trạng sư đấm tay xuống bàn phẫn nộ và im lặng hồi lâu.

- Ở nước Áo ngày xưa, - anh nói tiếp, - có một loại huân chương đặc biệt giành cho giới quân đội. Nó dùng để tặng thưởng cho những hành vi kỳ lạ, cho việc bất tuân thượng lệnh, cho việc vi phạm kỷ luật, cho việc phản kháng chống lại quân kỷ. Đó là một trong những loại huân chương cao quý nhất và ít được tặng thưởng nhất, nhưng lại là phần thưởng đáng tự hào hơn cả. Giá như tòa án Ba Lan có quyền định đoạt không chỉ hình phạt mà cả phần thưởng, thì một chiếc huân chương vì đã vi phạm luật pháp như thế hẳn phải sáng bừng lên trên ngực An-tô-ni Kô-si-ba khi ông từ phòng xử án này bước ra.

Nhưng bởi phần thưởng như thế, tiếc thay, không tồn tại, nên xin hãy để phần thưởng dành cho ông là điều này: sao cho mỗi người trung thực đều xem là vinh hạnh được xiết chặt bàn tay lam lũ và nhem nhuốc, nhưng lại chính là bàn tay sạch sẽ nhất trên thế giới này!

Ko-rơ-trưn-xki cúi chào rồi ngồi xuống.

Giáo sư Đô-bra-nhe-xki không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy biểu hiện của nỗi xúc động hiện trên nét mặt anh cùng hàng mi hạ xuống. Chính ông cũng xúc động như cử tọa. Một trong các vị quan tòa thỉnh thoảng lại đưa ra một ngón tay uốn cong khẽ lau khóe môi. Người thứ hai ngồi nhìn cắm mặt vào giấy tờ

Cái kết luận trắng án hẳn như đã có thể đoán trước, hơn nữa viên chưởng lý không có lời phản bác lại.

- Bị cáo được quyền phát biểu. - chánh án nói.

Ông An-tô-ni Kô-si-ba không nhúc nhích.

- Ông được phép nói lời cuối cùng, - trạng sư Ko-rơ-trưn-xki khẽ lắc khuỷu tay ông.

- Tôi không... không có gì để nói. Tôi thì sao cũng được.

Rồi ông ngồi xuống.

Giá có ai lúc ấy đưa mắt nhìn giáo sư Đô-bra-nhe-xki chắc đều phải kinh ngạc. Giáo sư đột nhiên tái mặt, ông làm một động tác như định vùng đứng lên khỏi ghế ngồi, miệng ông há ra...

Song không một ai để ý đến điều ấy. Tất cả mọi người đều đứng dậy, vì các vị quan tòa đi nghị án. Sau khi họ bước ra, những tiếng trò chuyện ồn áo râm ran khắp phòng, nhiều người vây quanh Ko-rơ-trưn-xki, chúc mừng anh đã tiến hành một cuộc bào chữa tuyệt vời. Một số người ra hành lang hút thuốc.

Giáo sư Đô-bra-nhe-xki cũng theo chân họ. Tay ông run bắn lên khi rút hộp thuốc lá ra. Ông tìm đến một chiếc ghế nhỏ đặt trong góc xa xa và nặng nề ngồi phịch xuống.

Phải. Ông đã nhận ra người ấy, bây giờ ông đã biết chắc chắn: thầy lang An-tô-ni Kô-si-ba chính là giáo sư Vin-tru-rơ.

- Chính cái giọng nói ấy!

Ôi, không bao giờ ông quên được giọng nói ấy. Thì đã bao nhiêu năm ông từng nghe nó vang lên kia mà. Thoạt đầu, với tư cách một sinh viên y khoa trẻ măng, sau đó với tư cách là một người tập sự, rồi là bác sĩ mới hành nghề được một nhà khoa học lớn cưu mang... Sao ông không nhận ra ngay những đường nét ấy nhỉ! Sao ông không nhìn thấy chúng dưới bộ râu nhọn kia!

Mà thôi! Ngay cả trước đó, trước khi trông thấy An-tô-ni Kô-si-ba, ông cũng thật ngu ngốc biết bao khi chỉ biết ngạc nhiên ngắm nhìn những dấu vết trên các bệnh nhân của ông ta! Ông không tài nào hiểu nổi làm sao một ông lang vườn lại có thể thực hiện một cách thiên tài đến thế những ca mổ mà chính ông, giáo sư Đô-bra-nhe-xki cũng phải ngần ngại!

- Nhẽ ra ngay lập tức ta phải nhận ra có bàn tay ông ta ở đây! Ta thật ngu ngốc!

Thật ra, ông cũng còn những dấu vết khác theo hướng này kia mà. Trong số những người được khám có cô gái được mổ vì dập đáy hộp sọ. Giáo sư Đô-bra-nhe-xki cũng hơi suy nghĩ về cái họ của cô: Vin-tru-rúp-na, nhưng vì vội vã ông không nghĩ đến việc hỏi kỹ cô gái. Vả chăng cái họ ấy cũng hay gặp, chính ông cũng có đến vài bệnh nhân họ là Vin-tru-rơ. Song cần phải cân nhắc chứ. Tuổi của cô Vin-tru-rúp-na hình như cũng phù hợp với tuổi con gái giáo sư Vin-tru-rơ... Khi cùng mẹ biến mất khỏi chân trời Vac-sa-va cô mới... bẩy tuổi.

Phải, thế là rõ...
- Không thể là chuyện tình cờ! Thầy lang Kô-si-ba... và cô gái ấy...

Giáo sư vứt điếu thuốc chưa châm rồi lau trán. Trán ông ướt.

- Thế là ông ấy không chết, không bị giết chết!

Ông ấy đã ẩn náu ở vùng biên thùy này dưới lốt một nông dân với một cái tên xa lạ, ông ấy ẩn náu cùng đứa con gái, thế nhưng tại sao cô ấy không đổi họ nhỉ?... Tại sao chính nơi đây cha con lại phải đóng vai hai người xa lạ?...

Lúc này ông sực nhớ lại lời cô gái nói với ông trong khi khám:

- Bác An-tô-ni dành cho tôi nhiều hi sinh hơn cả những gì có thể chờ đợi ở một người bác ruột.

Vở hài kịch ấy để làm gì nhỉ?... Nào, cả bố cô ta nữa chứ! Chỉ cần đứng dậy và nói:

- Tôi có quyền mổ xẻ và chữa bệnh. Tôi không phải là thầy lang Kô-si-ba. Tôi là giáo sư Ra-phao Vin-tru-rơ.

Ông ấy sẽ được tự do ngay.

Vậy tại sao ông ấy cứ cố sống cố chết bám lấy cái lốt giả của mình? Ông ấy có thể xưng họ tên thực của mình ngay từ phiên tòa sơ thẩm, ấy thế mà lại chịu nhận bản án ba năm tù.

Nếu giáo sư Đô-bra-nhe-xki không hiểu kỹ người sếp cũ và người thầy học của mình như ông đã hiểu chắc ông có thể nghĩ rằng giáo sư Vin-tru-rơ bị một tội phạm hay một tội ác nào đó bắt ông phải mai danh ẩn tích. Nhưng giờ thì ông chỉ nhún vai nếu có ai đưa ra cho ông một ý nghĩ tương tự như thế.

Không, ở đây chắc phải ẩn náu một điều bí ẩn nào đó, sâu xa hơn.

Sống lại trong trí nhớ ông thật sinh động những ngày ấy, những ngày đầu tiên, sau khi giáo sư mất tích. Phải chăng cuộc chạy trốn kia của phu nhân Bê-a-ta cùng cô con gái, rồi sự biến mất tiếp sau đó của giáo sư Ra-phao Vin-tru-rơ, chỉ là một vở kịch được xếp đặt?... Vậy thì những mô-típ của nó là cái gì mới được chứ?... Họ để lại tài sản, địa vị, vinh quanh của ông - tất cả. Rồi đi trốn, nhưng nhằm mục đích gì kia chứ?

Lý trí vốn lạc quan của Đô-bra-nhe-xki không chấp nhận nổi một sự lý giải nào không thể được xây dựng trên cơ sở những tiền đề lô-gíc nào đó, không thể được giải thích bằng những động cơ hành động bình thường của con người ta.

Song lúc này ông không có thời gian để giải những câu đó. Chỉ một lát nữa thôi bản án sẽ được tuyên bố. Dĩ nhiên, đó là bản án không kết tội, nhưng biết đâu cũng có thể sẽ là bản án có kết tội.

- Nghĩa vụ của ta là phải báo ngay cho luật sư và đòi lập lại phiên tòa để ta khai đã nhận ra thầy lang Kô-si-ba là ai.

Đô-bra-nhe-xki cắn môi lắp đi lắp lại:

- Đúng, đó là nghĩa vụ của ta.

Nhưng ông vẫn không nhúc nhích. Những ý nghĩ muốn đi mau quá, nhưng hậu quả dựng lên đột ngột trong tưởng tượng của ông.

Trước khi quyết định, cần phải phân loại, lựa chọn và sắp xếp tất cả một cách tỉnh táo và có cơ sở... à, và phải thấy trước hậu quả nữa. Ông không thích, ông không biết hành động một cách mù quáng dưới tác dụng của các xung động.

- Trước hết, cần phải bình tĩnh, - ông tự nhủ mình với cái giọng vẫn thường dùng để trấn an những con bệnh tâm thần.

Ông rút một điếu thuốc, chăm chú châm lửa. Ông thấy rằng thuốc đã quá khô, rằng hôm nay ông ít hút thuốc hơn hẳn ngày thường và nên tự hạn chế đến hai mươi điếu mỗi ngày. Những động tác đơn giản kia và những suy nghĩ rất phụ ấy khiến ông lấy lại thăng bằng, và đã có kết quả ngay tức khắc: ông sực nhớ lại một chi tiết vô cùng quan trọng, chi tiết mà cho đến nay ông chưa hề tính đến, chi tiết làm thay đổi tình tiết về căn bản.

Trong khi xử án, thầy lang Kô-si-ba đã mỉm cười với ông, rõ ràng đã mỉm cười với ông!

- Ông ấy ngắm nhìn mình như ngắm một người rất quen nào đó, không sao nhớ lại được. Và ông ấy hoàn toàn không hề che giấu là đang cố gắng nhận ra mình!... Cái đó có thể có nghĩa gì nhỉ?

Nó chỉ có thể có một nghĩa duy nhất: giáo sư Vin-tru-rơ không sợ bị phát hiện ra dưới cái vỏ thầy lang. Giáo sư Vin-tru-rơ không sợ! Vậy thì tại sao ông ấy không dừng phiên tòa lại bằng một lời tuyến bố đơn giản rằng ông ấy chính Vin-tru-rơ?

- Để giải đáp điều này cũng chỉ có thể có một câu trả lời:

- Ông ấy không biết mình là ai...

Dưới tác dụng của điều phát hiện này, Đô-bra-nhe-xki đứng bật dậy.

- Chứng quên. Mất trí nhớ. Lạy Chúa! Suốt ngần ấy năm ông ấy lang thang. Mất trí nhớ...

Giáo sư Đô-bra-nhe-xki biết rõ cần phải làm gì để chữa khỏi cho con người bất hạnh kia. Chỉ cần nói cho ông biết ông ấy là ai, nhắc lại vài chi tiết, đưa cho ông ấy một đồ vật quen thuộc nào đó là đủ.

Dĩ nhiên, khi làm thế có thể xuất hiện những cơn sốc thần kinh đáng kể. Nhưng dù cơn chấn động có mạnh đến đâu chăng nữa cũng không thể gây nguy hiểm.

Sau vài giờ hoặc sau vài ngày, ông Vin-tru-rơ sẽ có lại hoàn toàn tri thức...

- Nhưng khi ấy sẽ ra sao?...

Và đây, trước mắt ông Đô-bra-nhe-xki vẽ lên rõ ràng trình tự của những hậu quả không thể tránh được. Trước hết, tin tức về toàn bộ vở bi kịch này và cái kết thúc có hậu của nó sẽ vang động khắp cả nước. Giáo sư Vin-tru-rơ trở về thủ đô. Trở về với tòa biệt thự của mình, với cương vị của mình, với vị trí hàng đầu trong y giới. Ông trở về còn vinh quanh lẫy lừng hơn, còn được yêu chuộng hơn, càng lừng danh hơn, vì được bọc trong vầng hào quanh của những điều xúc phạm và những nỗi khổ đau bất công, vầng hào quang của một vị thần y, người đã biết làm vai trò của một nhà giải phẫu thiên tài không cần đền phòng mổ, không cần đám phụ mổ, không cần đồ mổ...

- Ông ấy trở về... và khi ấy cái gì sẽ đến với mình?...

Và giáo sư Đô-bra-nhe-xki chợt cảm thấy trong miệng có vị đắng cay. Điều gì sẽ diễn ra với ông?... Với ông, người mà bằng công việc cực nhọc của hơn chục năm đã leo được lên tận đỉnh, đã chiếm được địa vị đứng đầu, đã đạt được đến bậc thang cao nhất?...

Chắc hẳn mọi người sẽ chào đón điều phát hiện của ông bằng những tràng vỗ tay. Ông sẽ được trải qua thêm một ngày chiến thắng nữa. Còn sau đó?... Sau đó sẽ bị đẩy lùi về bình diện thứ hai, sẽ nằm khuất sau bóng dáng kỳ vĩ của Vin-tru-rơ... người ta sẽ không tước mất cái chức chủ nhiệm khoa của ông, nhưng dưới sức ép của dư luận, ông sẽ phải tự nguyện rời bỏ nó. Việc điều hành bệnh viện... văn phòng giám đốc... tất cả những đổi mới đã tồn tại từ nhiều năm nay... Cương vị chủ tịch trong các hội và các liên đoàn khác nhau...

Phải, bước vào phòng xử án và nói rằng ông thầy lang kia chính là giáo sư Ra-phao Vin-tru-rơ cũng đồng nghĩ với việc từ bỏ thành quả của chính mình, những thành tựu của chính mình. Đồng nghĩ với việc sổ toẹt thời kỳ huy hoàng nhất trong đời doanh nghiệp của mình và tự nguyện từ bỏ tất cả những gì mà mình hằng yêu thích đến thế...

Và còn điều này nữa: trong tiểu sử của giáo sư Vin-tru-rơ có một đoạn không lớn lắm, mà suốt ngần ấy năm Đô-bra-nhe-xki không thể nào quên được, không tài nào tha thứ nổi cho mình vì hành vi chuộng vinh quang đáng trừng phạt ấy. Ông đã dối trá trong đoạn ấy khi viết về một ca diễn ra ở bệnh viện thực hành của trường đại học, về một chẩn đoán tán bạo nhưng đúng đắn và ghi công cho bản thân mình. Ngay cả lúc này ông cũng đỏ bừng mặt khi nhớ lại sự dối trá ngu muội và không cần thiết ấy.

Song sự dối trá kia, tuy nhỏ nhặt thôi, tuy chẳng đáng gì theo nghĩa chung, nhưng vẫn có thể bị phát hiện ra bởi một người duy nhất: đó là giáo sư Vin-tru-rơ.

Nó có thể bị phát hiện... chỉ trong trường hợp nếu như ông Vin-tru-rơ lấy lại được trí nhớ.

Tay giáo sư Đô-bra-nhe-xki tưởng như làm bằng băng giá nhưng trên thái dương ông mạch máu vẫn đập mạnh.

- Xử sự thế nào đây?...

Ông có phạm phải một điều khốn nạn không nếu như không nói ra?... Đối với ông Vin-tru-rơ có phải là một điều gì bi thảm lắm không nếu vẫn sống nguyên trong điều kiện mà đến nay ông vẫn sống, những điều kiện mà ông đã quen rồi?...

- Việc Ko-rơ-trưn-xki mời ta làm chứng chỉ là một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên thôi, thật là quỷ quái, ta lại đồng ý: giá như không có chuyện này... An-tô-ni Kô-si-ba cho đến chết vẫn là An-tô-ni Kô-si-ba, vẫn hoàn toàn không cảm thấy thiệt thòi gì hết.

Chính thế phải lấy điều này làm chuẩn, làm thước kiểm tra. Nếu ai đó biết rằng mình không bị thiệt thòi, thì không hề có sự thiệt thòi nào cả. Vin-tru-rơ không hề biết rằng mình là một người khác. Ông vẫn coi số phận của mình là một chuyện bình thường. Không có hạnh phúc nếu không tự nhận thức được nó và cũng không có cả nỗi bất hạnh nếu...

Tiếng chuông lảnh lói vang lên trong hành lang.

- Xin mời đứng dậy, tòa tiếp tục làm việc, - tiếng người mõ tòa từ trong phòng xử vang đến tai Đô-bra-nhe-xki.

Ông vẫn không rời chỗ ngồi. Trong ấy người ta đang tuyên đọc bản án.

- Nhưng sẽ ra sao nếu ông ấy bị kết án? - vụt ngang qua bộ óc nóng bỏng của ông một ý nghĩ kinh hoàng.

Ông xiết chặt nắm tay.

- Ông ấy sẽ không bị, sẽ không thể bị kết án, - ông tự thuyết phục mình.

Lát sau trong phòng xử án dậy lên tiếng ồn ào, tiếng xô đẩy ghế và cả tiếng kêu gì đó. Cửa mở tung ra. Cử tọa tràn cả ra hành lang.

Qua nét mặt của những người này không khó khăn gì cũng đoán được tòa đã tuyên bố trắng án. Đô-bra-nhe-xki thở phào nhẹ nhõm. Ông cảm thấy toàn bộ trách nhiệm trút khỏi tim mình.

Người ta bước qua cạnh ông, hoa chân múa tay và nói chuyện ồn ào . Những người nông dân trong những chiếc áo màu gạch, những thầy thuốc, các luật sư, ông chủ cối xay bột cùng lũ con trai, ông bà Trưn-xki, cuối cùng, trong một nhóm đông nhất, ông An-tô-ni Kô-si-ba bước đi cùng với người bào chữa cho mình, cùng cậu chủ Trưn-xki và vợ chưa cưới của chàng.

Trạng sư Ko-rơ-trưn-xki giữ tất cả cạnh giáo sư Đô-bra-nhe-xki. Anh vui vẻ nói gì đó, cảm ơn gì đó.

Giáo sư cố mỉm cười, bắt tay họ nhưng mắt ông vẫn nhìn xuống. Trong một thoáng ngước lên, ông bắt gặp ánh mắt của An-tô-ni Kô-si-ba. Bằng sự nỗ lực cao nhất của ý chí ông cố kìm để khỏi bật kêu lên. Ánh mắt của Kô-si-ba nửa tỉnh nửa mê, xoi mói, không yên.

Cuối cùng họ cũng đi cả, và rã rời hết sức Đô-bra-nhe-xki ngồi bệt xuống ghế.

Đêm ấy với ông thật nặng nề. Ông không nhắm mắt lấy một giây, cứ trăn trở hết bên này sang bên khác. Chàng Ko-rơ-trưn-xki hàm ơn đã thuê trước cho ông căn hộ tốt nhất trong khách sạn tốt nhất. Nơi đây yên lặng và đầy đủ tiện nghi. Nhưng ông không sao ngủ nổi. Gần sáng, vì mệt mỏi và mất ngủ, ông ấn chuông bảo mang cho mình nước chè đặc và rượu cô nhắc.

Mãi đến khi uống gần cạn cả chai ông mới đạt đến kết quả mong muốn và ông thiếp đi.

Ông tỉnh dậy muộn và rất nhức đầu. Người ta mang đến cho ông những bức điện tín từ Vac-sa-va. Trong một bức thư, trợ lý ở bệnh viện nhắc ông nhớ thời hạn hội nghị Za-kô-pa-ne, nơi ngày mai giáo sư phải làm chủ tọa, còn bức điện thứ hai là của vợ ông. Bà giục ông về.

- Còn có mấy ông nữa, - người hầu của khách sạn báo. - các ông ấy hỏi bao giờ ngài giáo sư tiếp họ được?

- Tôi không tiếp ai cả. Tôi không khỏe lắm. Yêu cầu nói lại như thế.

- Xin vâng, thưa giáo sư. Thế còn trạng sư Ko-rơ-trưn-xki?

- Tất cả mọi người.

Mãi đến chiều muộn ông mới dậy. Còn phải sắp xếp va-li để trở về Vac-sa-va. Nhưng ông không làm nổi việc gì cả. Mấy tiếng đồng hồ ông lang thang vô mục đích trong thành phố, ông mua tất cả các báo và trở về khách sạn.

Trong các báo ông tìm thấy những bản tường trình tỉm mỉ về vụ án và những mô-típ trắng án.

- Thôi, thế là mọi thứ đều ổn cả. - Ông tự thuyết phục. - Chỉ do là mình mẫn cảm đấy thôi. Phải cứng rắn hơn!

Nhưng cái quyết tâm ấy cũng chẳng giúp được gì mấy. Khi ông bắt tay vào việc gói ghém đồ đạc, ông lại cảm thấy rã rời và cáu bẳn, đến nỗi ông lại bảo mang rượu cô-nhắc đến phòng mình. Mặc dù vậy, đêm ấy ông lại mất ngủ.

Sáng sớm tinh mơ ông đã thức dậy với một quyết định sẵn sàng. Không ăn sáng, ông bước ra, ngồi vào chiếc taxi đầu tiên gặp được và đưa địa chỉ của Ko-rơ-trưn-xki.

Ông gặp anh vẫn đang mặc áo choàng nội tẩm.

- Vâng, vâng...

- Thưa trạng sư, chúng có thể nói chuyện riêng với nhau được chứ?

- Vâng, xin mời! - Anh đứng dậy đóng cửa phòng làm việc. - Có việc gì vậy thưa giáo sư?

- Cô gái ấy họ là gì nhỉ?... Cô vợ chưa cưới của cậu Trưn-xki, ấy.

- Vin-tru-rúp-na.

- Có phải tên là Ma-ria Jô-lan-ta không?

- Ma-ria thì tôi biết chắc, còn có tên thứ hai thì ta sẽ xem lại ngay bây giờ.

Anh rút cặp giấy tờ ra khỏi ngăn kéo. Anh tìm một lát. Cuối cùng cũng đã tìm ra.

- Vâng. Ma-ria Jô-lan-ta Vin-tru-rúp-na, con gái của ông Ra-phao và bà Bê-a-ta nhà Gôn-tưn-xki.

Anh ngước mắt nhìn lên. Giáo sư Đô-bra-nhe-xki ngồi đó tái mặt, mắt nhắm nghiền.

- Thưa trạng sư, - ông nói dường như cố gắng lắm. - Tôi phải thông báo cho ông biết rằng đó là.... rằng cô ấy là... con gái của ông ta.

- Con gái của ai kia? - Luật sư ngạc nhiên.

- Con gái của An-tô-ni Kô-si-ba.

- Thưa giáo sư, tôi chưa hiểu.

- Kô-si-ba có biết điều ấy không?... Cô ấy biết không?...

Ko-rơ-trưn-xki nhìn ông không tin.

- Thưa giáo sư, - anh mở đầu, - có lẽ có chuyện hiểu lầm gì đấy thôi, quả thực Kô-si-ba có đỡ đầu cô gái, cô ấy cũng rất quí mến ông ta, nhưng tôi cam đoan với ngài rằng ở đây không hề có chuyện quan hệ ruột thịt nào cả...

Đô-bra-nhe-xki lắc đầu.

- Còn tôi lại cam đoan với ông rằng đó là cha và con An-tô-ni Kô-si-ba tên thật là... Ra-phao Vin-tru-rơ.

Ông gắng sức thốt ra điều đó và thở nặng nề.

- Sao lại thế ạ?

Giáo sư im lặng hồi lâu.

- Đúng thế, - ông bắt đầu nói, dường như nói với chính mình. - Tôi đã nhận ra ông ấy. Tôi không thể lầm được và đã không lầm. Ông thầy lang kia chính là giáo sư Vin-tru-rơ, người đã bị mất tích từ mười ba năm trước...

Đột nhiên ông đứng bật dậy.

- Ông ấy đâu rồi, ông hãy đưa tôi đến gặp ông ấy.

Luật sư cho rằng Đô-bra-nhe-xki bị một cơn bệnh thần kinh nào đó.

- Xin ngài hãy ngồi xuống, giáo sư kính mến, - anh nói nhẹ nhàng, - tôi cảm thấy ở đây có chuyện nhầm lẫn gì đó thì phải.

- Không có nhầm lẫn đâu. Đó chính là Vin-tru-rơ. Đã bao giờ ông nghe nói đến một nhà phẫu thuật người Vac-sa-va có cái họ như thế chưa?

- Tất nhiên là có ạ. Thì chính ngài giáo sư chả đang lãnh đạo cái bệnh viện mang tên giáo sư Vin-tru-rơ đó là gì.

- Phải. Mười ba năm trước, Vin-tru-rơ biến mất. Mọi người đều nghĩ rằng ông ấy tự sát... ông ấy bị một bi kịch gia đình. Người ta không tìm thấy xác... Hồi ấy tôi là trợ lý, là cánh tay phải của ông ấy. Tôi đã nhận khoa, nhận bệnh viện thay ông ấy... Đúng... Đó chính là ông ấy.

- Thật phi thường! - Ko-rơ-trưn-xki nói với vẻ đã tin hơn. - Nhưng có lẽ ngài nhầm thì phải, thưa giáo sư. Thế từ đó có thể suy ra rằng suốt mười ba năm ròng ông ấy ẩn náu dưới một cái họ khác?... Tại sao?

- Chứng quên. Mất trí nhớ.

- Có lẽ.... không có lẽ. Suốt mười ba năm sao?...

- Hẳn rồi.

- Xin giáo sư thứ lỗi. Nhẽ ra, được chính miệng ngài nói tôi không có quyền nghi ngờ mới phải, nhưng từ quan điểm khoa học nói chung điều đó có thể xảy ra được không ạ?

- Hoàn toàn có thể. Chứng quên về trước. Y học đã từng biết đến nhiều trường hợp như thế. Chứng quên thụt lùi... Nó xóa sạch khỏi trí nhớ con người toàn bộ quãng đời trước đấy. Sau chiến tranh thế giới người ta ghi nhận hàng trăm trường hợp loại này.

- Đó có phải là kết quả của một chấn động tinh thần không?

- Nguyên nhân không có vai trò gì hết. Chứng quên thường xuất hiện sau m t cơn bất tỉnh ngắn hoặc dài.

- Thế chứng ấy có thể chữa khỏi được ạ?

- Cũng có những trường hợp như thế. Nhưng nói chung... Nhưng thôi, ta đừng để mất thì giờ nữa. Ông ta ở đâu?

- Ông Kô-si-ba ấy ạ? Ông ấy đã đi cùng với gia đình Trưn-xki rồi. Họ đưa ông ấy đi. Nhưng quả thực là một chuyện phi thường! Ngài giáo sư hoàn toàn chắc thế ạ?

- Hoàn toàn!

- Qủy thật! Giá tôi biết điều đó ngay khi xử nhỉ? Tôi sẽ hạ bằng hết, cả chưởng lý lẫn quan tòa! Ngài có hình dung được hiệu quả thế nào không?!...

Nhưng Đô-bra-nhe-xki không thích đề cập đến phương diện này của vấn đề.

- Mãi về sau tôi mới chợt nhớ ra. - ông đáp tránh đi. - Còn bây giờ... Trạng sư có thể cho tôi địa chỉ của gia đình Trưn-xki ấy hay không?

- Rất vui lòng. Ngài định đến đó ạ?

- Dĩ nhiên rồi.

- Và hi vọng sẽ chữa khỏi bệnh cho ông Kô-si-ba hay đúng hơn là Vin-tru-rơ?

- Không cần phải chữa chạy gì cả. Chỉ cần, nhắc lại cho ông ấy biết ông ấy là ai. Nếu như cách đó mà không giúp được... thì chẳng có cách nào khác.

- Thật đáng kinh ngạc! Chắc chắn ông ấy phải nhớ chút ít gì chứ, một khi ông ấy không quên kiến thức thầy thuốc của mình?

- Phải. Cũng chính vì thế tôi có những hi vọng tốt lành nhất, - giáo sư Đô-bra-nhe-xki vừa nói vừa đứng dậy.

-----------------------------------------
(47) Nguyên văn: Arcopag - tên gọi của tòa án cổ Hy Lạp, đồng thời cũng có nghĩa chỉ một nhóm người, một hội đồng có quyền phán xét (N.D)

(48) Theo tân ước, La-za-rơ là người đã được chính Chúa Giê-xu cứu sống lại sau khi chết đã bốn ngày (N.D)

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t112300-thay-lang-znachor-chuong-19.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận