Đó chính là câu hỏi con tự đặt ra cho mình trong một ngày nắng ấm. Và để trả lời, con đã phải làm một chuyến du hành vào những miền ký ức xa xôi và tưởng tượng về một miền tương lai mới…
Khi đó, lúc giải trình với chú công an về sự biến mất của ba, con sẽ làm một thủ tục mà ai cũng làm phải, trả lời những câu hỏi.
“Ba con trông thế nào?”
“Ba con có đặc điểm gì khác biệt?”
“Ba con thường mặc áo gì và khi đi đã mặc áo gì?”
“Ba con thích ăn gì?”
“Những chỗ nào ba con thường ghé?”
Con thấy mình ngồi lặng câm. Vì con không trả lời được câu nào trong số những câu đơn giản đó...
Chỉ có gần ba tháng nay, những căn bệnh không rõ nguyên nhân khiến con thường xuyên phải ở nhà, con bỗng nghiện và thích cảm giác được ở cạnh gia đình. Đơn giản là vì không phải cố tỏ ra lịch sự, không cần phải cứng cỏi, không cần phải có nhiều tiền trong túi mới an tâm. Những bữa cơm đúng giờ đã cải thiện tình trạng đau bao tử của con rõ rệt. Vì cứ đúng mười một giờ ba mươi ba sẽ về nhà. Ăn cơm. Rồi một giờ ba mươi ba sẽ đi làm.
Con nhận ra ba là người rất yêu gia đình trong một lần ba mua rất nhiều bánh mì… giảm giá ở siêu thị. Vì đơn giản là buổi tối em con vẫn hay đói bụng, nó có thể ăn bất cứ lúc nào mặc dù những mẩu bánh mì vàng ươm lần nào ăn không hết rồi nó cũng đem bỏ. Nhưng con hiểu phải là người rất yêu gia đình mới thích mua những thứ lặt vặt như thế.
Con thích cái cách ba tắm cho mấy con chó, ba bảo là nuôi chó thì phải thương, và khi con còn bé ba cũng dạy con không bao giờ được đụng đến thịt chó. Nhưng gì có tình có nghĩa, không vô tri vô giác thì cớ sao ta phải đối xử tệ bạc với chúng?
Khi biết con bị đau bao tử, dù đã xỉn quắc cần câu ba vẫn ngồi trên chiếc taxi để lang thang cùng con từ bệnh viện Nhiệt đới đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sém chút đã ngủ luôn tại bệnh viện nếu con không nói là có thể ở lại một mình. Một tháng sau, có lần ba bảo con chạy ra nhà thuốc mua bảy gói chữ P về. Rồi trong bữa cơm ba kể một câu chuyện…
“Người lính ngày xưa trị đau bao tử bằng cách nuốt nhựa của ốc bươu lúc năm giờ sáng, làm thế bảy ngày thì cả đời không đau nữa. Nay đã có thuốc chữ P, hãy sử dụng nó đúng cách!”
Con cười thầm, thế là đã có chiêu độc để giấu riêng cho con biết. Lúc ấy ba nói thêm: “Hãy chỉ cho những người xung quanh, những người mà con biết họ cũng đang đau bao tử để họ chữa bệnh.”
Một buổi trưa ba về nhà bảo con:
“Này, con đổi nghệ danh đi!
“Tại sao hả ba?”
“Báo mới chửi con kìa!”
“Trời! Thế cả đời con phải đổi bao nhiêu cái tên nữa để vừa lòng thiên hạ?”
Ba im lặng. Im lặ ng là đồng ý. Ba ít khi ép uổng con những điều con không muốn.
Sau nhiều chuyện, con lại tìm thấy sự yên ổn trong chính ngôi nhà này. Là hoàng đế hay dân cày, nếu thấy được sự yên ổn dưới mái ấm gia đình thì đó là kẻ hạnh phúc nhất. Vì như vậy mà con đã biết buông nhiều thứ, tâm hồn cũng trưởng thành hơn, theo một cách hoàn toàn tích cực. Trở lại câu hỏi ban đầu. Nếu lỡ một ngày ba đi lạc và con không biết gì về ba cả thì với cảm giác của con, hằng ngày con vẫn sẽ đi tìm ba, bằng mọi giá…