Thợ Săn Trong Chiều Tối Chương 5

Chương 5
Thợ săn mà cà rồng

Thức dậy, tôi chẳng hiểu vì sao trên trời có tới hai mặt trăng, và vì sao trăng lại màu xanh lá. Rên rẩm, dụi lưng bàn tay lên mắt, tôi nhìn lại rồi nhận ra mình đang nằm trên sàn, ngó lom lom lên đôi mắt xanh lè của gã Harkat Mulds đang khùng khục cười. Quay mình nằm sấp, cảm giác như đang ở trên boong một con tàu gặp bão, tôi rên rỉ:

- Mình bị đầu độc rồi!

- Ăn tí lòng lợn lòi và … súp dơi nhé. 

- Ôi không! 

Chỉ nghĩ đến thức ăn là tôi phát ớn rồi. Vừa đỡ tôi đứng dậy, Harkat vừa nói: 

- Cậu và đám kia kiệt sức rồi nửa núi này bí tỉ suốt đêm qua. 

Anh ta vừa buông tôi ra, tôi hỏi ngay: 



- Động đất à?

Markat bối rối:

- Không.

- Sao mặt sàn cứ rung lên vậy? 

Vừa ha hả cười, Harkat vừa dìu tôi tới võng. Tôi đã ngủ ngay sau cửa phòng. Lờ mờ nhớ lại mỗi lần cố leo lên võng lại bị ngã lộn ra ngoài, tôi bảo:

- Để tôi ngồi nghỉ trên sàn một chút. 

- Tùy cậu. Muốn uống chút bia nữa không?

- Xéo đi, nếu không tôi đập anh bây giờ.

- Không thích bia nữa sao?

- Không.

- Ngộ ghê! Mới đây cậu còn hát khoái bia đến thế nào. “Bia bia bia! Mình nốc bia khỏe như cá voi. Mình là ông hoàng, ông hoàng của rượu bia”. 

Tôi hăm he: 

- Này, tôi có thể ra lệnh tra tấn anh đấy. 

- Đứng lo. Đêm qua cả thị tộc đều hóa rồ. Tôi thấy mấy cha lang thang trong đường hầm, trông như...

Tôi năn nỉ:

- Thôi đi, làm ơn đừng tả nữa.

Harkat lại cười vang, kéo tôi dậy, dắt tôi ra khỏi phòng, vào đường hầm chằng chịt. Tôi hỏi: 

- Đi đâu?

- Cung Perta vin Grahl. Tôi đã hỏi cụ Seba cách chữa… say xỉn. Cụ bảo: tắm vòi sen là tỉnh ngay. 

- Ôi không! Tội nghiệp tôi mà. 

Không thèm quan tâm tới lời nài nỉ của tôi, Harkat đẩy tôi tới một dòng nước lạnh như nước đá của con thác trong lòng Cung Perta Vin Grahl. Tưởng đầu sẽ bị vỡ tung khi dòng nước chạm phải, nhưng chỉ sau mấy phút cơn nhức đầu khốn khổ không còn nữa và bụng tôi yên ổn lại. Đến lúc lau khô mình, tôi cảm thấy trăm lần khỏe khoắn hơn. 

Trên đường về phòng mình, chúng tôi đi qua ông Crespley mặt xanh lè. Tôi chúc ông một buổi tối vui vẻ, nhưng ông chỉ gầm gừ trả lời. Tôi đang thay quần áo thì Harkat nói: 

- Tôi chẳng bao giờ hiểu nổi sức hấp dẫn của men rượu. 

- Anh đã say bao giờ chưa?

- Có lẽ trong kiếp trước, nhưng từ khi trở thành gã Tí Hon thì không. Không có vị giác nên rượu không ảnh hưởng gì với tôi. 

- May cho anh đó.

Mặc quần áo xong, chúng tôi tới ngay Cung Ông Hoàng để xem ông hoàng Paris có cần gì tôi không, nhưng trong cung vắng hoe, và Paris vẫn còn nằm trong quan tài. Harkat đề nghị:

- Làm một vòng qua các đường hầm đi.

Khi mới tới núi, chúng tôi khám phá nhiều nơi, nhưng chuyến phieu lưu cuối cùng của hai đứa cũng đã cách đây ba năm rồi. Tôi hỏi: 

- Hôm nay anh không phải làm việc sao?

- Có… nhưng…

Anh ta nhăn nhó. Phải mất một thời gia mới hiểu được ý Harkat – khó mà đoán được một người không mũi, không mí mắt nhăn nhó hay mỉm cười – nhưng tôi đã quan sát để hiểu được xúc cảm của anh ta.

Harkat nói tiếp:

- Nhưng khoan đã hãy làm. Tôi cảm thấy là lạ, cần hoạt động một chút. 

- Được. Chúng ta cùng đi loanh quanh.

Chúng tôi bắt đầu vào Cung Corza Jarn, nơi các tướng quân tập sự đang được dạy cách chiến đấu. Ở lại đây mấy tiếng đồng hồ, tôi học cách sử dụng kiếm, dao, rìu và giáo. Hầu hết vũ khí đều được thiết kế cho người trưởng thành, quá lớn, cồng kềnh và nặng nề đối với tôi, nhưng tôi chỉ học cơ bản. 

Võ sư có cấp bậc cao nhất là một ma-cà-rồng mù, tên Vanez Blane. Ông từng là thầy tôi trong cả hai lần tôi tham gia những Phiên Tòa Thử Thách. Mấy chục năm trước mắt trái của ông bị mất trong lần đánh nhau với một con sư tử, con mắt thứ hai mất nốt trong một trận chiến đấu với ma-cà-chớp sáu năm trước đây. Vanez đang đấu vật với ba tướng quân trẻ. Tuy mù lòa, ông không hề mất chút sắc sảo nào. Cả ba đều bị đo ván bằng một đường quyền tay ngắn gọn của ông thầy cao thủ tóc hoe vàng. 

Ông bảo họ: 

- Còn phải học nhiều mới khá hơn được.

Rồi vẫn đứng quay lưng lại hai chúng tôi, ông tiếp:

- Chào Darren, chào Harkat.

- Chào thầy Vanez.

Tôi và Harkat cùng lên tiếng, không hề ngạc nhiên vì ông biết chúng tôi là ai. Ma-cà-rồng có khứu giác và thị giác rất nhạy bén. Để ba đệ tử phục hồi sức lực và tập họp lại, ông Vanez bảo tôi:

- Darren, đêm qua ta nghe cháu ca hát suốt.

- Ôi không! Tôi quê quá, vì cứ tưởng Harkat chỉ nói đùa về vụ ca hát lảm nhảm. 

Vanez vẫn cười cợt: 

- Ta nghe rõ ràng mà.

- Không mà. Ông nói là nghe lầm đi.

- Có gì đâu, cả đám cũng đều bí tỉ hết mà. 

Tôi làu bàu: 

- Đáng lẽ phải cấm bia rượu. 

- Bia rượu không có lỗi. Kẻ uống bia đáng lẽ phải biết tự kiểm soát.

Chúng tôi hỏi ông có thích làm một vòng qua các đường hầm cùng hai đứa không. Nhưng ông bảo: 

- Ích lợi gì? Ta có trông thấy gì nữa đâu. Ngoài ra…

Ông hạ giọng cho biết, ba tướng quân ông đang huấn luyện sắp được đưa vào hoạt động. Ông thở dài: 

- Giữa ba chúng ta, ta nói thật: chưa bao giờ ta phải đưa bộ ba dở tệ như thế này đi nghĩa vụ.

Nhiều ma-cà-rồng phải cấp tốc ra chiến trường để thay thế những thương binh tử sĩ. Đó là điểm gây tranh cãi trong thị tộc. Vì bình thường, tối thiểu hai mươi năm mới có được một tướng quân thực tài. Nhưng ông hoàng Paris nói: cái khó bó cái khôn.

Tạm biệt Vanez, chúng tôi tới nhà kho tìm vị cố vấn già của ông Crepsley, và cũng nói năng quyết đoán y như vậy. Da nhăn nheo, thân hình co rút vì tuổi tác, ông cụ đi khập khiễng – như Harkat – vì vết thương chân trái cùng trong cuộc chiến đấu đã lấy mất con mắt của ông Vanez. Gặp chúng tôi ông cụ tươi roi rói. Biết hai đưa đang làm một vòng khám phá, cụ nằng nặc đòi theo: 

- Ta có chuyện muốn khoe với cháu.

Khi bước vào một khoảng rộng nối với các đường hầm, thấy tôi gãi móng tay lên cái đầu không tóc, cụ Seba hỏi: 

- Bọ chét hả?

- Không. Gần đây đầu cháu ngứa như điên. Cả chân, tay, nách cũng vậy. Chắc cháu bị dị ứng.

- Hiếm khi ma-cà-rồng bị dị ứng. Để ta coi. Với bó cỏ chiếu sáng mọc đầy trên vách, cụ quan sát người tôi. Buông tôi ra, ông cụ cười tủm tỉm: 

- Á à

- Sao ạ? 

- Cậu Shan ơi, cậu đang trưởng thành rồi. 

- Trưởng thành thì liên quan gì tới ngứa? 

Vẻ bí mật cụ bảo: 

- Rồi cháu sẽ biết. 

Dừng lại trước mạng lưới cụ quan sát mấy con nhện. Vị sĩ quan quân nhu già khoái loài vật tám chân ăn thịt này lạ lùng. Cụ không nuôi chúng như thú cưng, nhưng tốn rất nhiều thời gian để tìm hiểu tập quán và đời sống của chúng. Cụ có khả năng giao tiếp với chúng bằng tư tưởng. Ông Crepsley và tôi cũng có thể làm được điều này.

Đứng trước một lưới nhện lớn, cụ nói: 

- A, chúng ta tới rồi đây. 

Ông cụ chúm môi, nhè nhẹ huýt sáo. Một lúc sau, một con nhện to lớn, màu xám đốm xanh, thoăn thoắt bò từ mạng lưới xuống bàn tay để ngửa của cụ. 

- Nó từ đâu ra vậy? 

Vừa hỏi tôi vừa tiến lại gần. Đó là một con nhện lớn hơn những con nhện bình thường trong núi,màu sắc cũng khác hẳn. Cụ hỏi ngược lại:

- Thích không? Ta gọi nói là nhện của Ba’Shan. Cái tên có vẻ thích hợp đấy chứ?.

- Nhện của Ba’Shan? Vì sao lại...

Tôi nín bặt. Mười bốn năm trước. Tôi đã ăn cắp con nhện độc của ông Crepsley, đó là Quý bà Octa. Tám năm sau tôi đã thả nó – theo lời khuyên của cụ Seba - để nó xây tổ ấm với những con nhện núi. Cụ Seba bảo, nó không thể phối giống với loài nhện khác. Từ khi thả nó – gần mười bốn năm rồi – tôi chưa một lần gặp lại. Nhưng bây giờ tôi chợt hiểu ra con nhện mới này từ đâu mà ra.

Tôi nói như rên:

- Con của Quý bà Octa, phải không? 

- Đúng. Octa phối giống với những con nhện của Ba’Halen. Ta bắt gặp giống mới này từ ba năm trước, nhưng chúng mới chỉ sinh sôi từ năm ngoái. Tràn lan khắp nơi. Ta nghĩ, chúng sẽ thống trị loài nhện núi, có thể là trong vòng mười hay mười lăm năm nữa thôi. 

Tôi la lên: 

- Cụ Seba! Cháu đã thả Quý bà Octa vì cụ bảo nó không sinh sản được. Những con này có nọc độc không?

Vị sĩ quan quân nhu nhún vai:

- Có. Nhưng không quá nguy hiểm như mẹ chúng. Nếu bốn năm con cùng tấn công, có thể giết được người. Một con thì không.

Tôi kêu lên: 

- Lỡ chúng cùng nổi khùng lên một lượt thì sao?

- Sẽ không có chuyện đó đâu. - Sao cụ biết được chứ? 

- Ta đã yêu cầu chúng không làm điều đó. Chúng thông minh lạ lùng, y như Quý bà Octa vậy. Trí khôn chúng gần như loài chuột. Ta đang có ý nghĩ là sẽ huấn luyện chúng.

Tôi phì cười: 

- Để làm gì?

- Chiến đấu. Thử tưởng tượng, nếu chúng ta có thể đưa đoàn quân nhện, đã được huấn luyện, đi săn lùng ma-cà-chớp để giết chúng theo theo lệnh của chúng ta. 

Quay sang Harkat, tôi cầu cứu: 

- Làm ơn bảo cho ông cụ biết là cụ đang điên rồi. Làm cho cụ tỉnh táo lại đi. 

Nhưng Harkat lại nhăn nhở cười:

- Tôi thấy ý đó hay chứ.

- Lố lăng! Tôi sẽ báo cho ông hoàng Mika. Ông ấy không ưa loài nhện và sẽ cho quân xuống đây diệt hết.

Cụ Seba thì thầm: 

- Làm ơn đừng làm thế mà. Cho dù chúng không được huấn luyện, ta rất thích được ngắm nhìn chúng phát triển. Xin cháu đừng tiêu diệt một trong vài niềm vui còn lại của ta. 

Thở dài, nhìn trần hang, tôi nói: 

- Thôi được. Cháu sẽ không nói gì với Mika. 

- Cả những kẻ khác nữa. Nếu vụ này bị tiết lộ, ta sẽ bị coi như một lão già lập dị.

- Cụ nói vậy là sao? 

Cụ Seba bối rối tằng hắng:

- Bọ chét. Loài nhện này ăn bọ chét phải trốn lên các tầng trên. 

Nghĩ tới tất cả ma-cà-rồng phải cạo đầu tóc, râu ria, lông nách vì bọ chét tràn lan; tôi không nhịn được cười. Ông cụ lại tiếp tục:

- Từ từ lũ nhện sẽ truy đuổi bọ chét tới đỉnh núi, dịch bệnh này sẽ qua đi. Nhưng cho tới lúc đó ta không muốn ai biết nguyên nhân từ đâu. 

Tôi hứa giữ bí mật. Ông cụ trở lại các cung – chuyến đi ngắn đủ làm cụ thấm mệt rồi – còn tôi và Harkat tiếp tục xuống các đường hầm. Càng tiến xa, Harkat càng nín lặng. Anh ta có vẻ bồn chồn, nhưng tôi hỏi vì sao, Harkat bảo chẳng hiểu vì sao.

Sau cùng, chúng tôi phát hiện một đường hầm dẫn ra ngoài. Theo lối đó, chúng tôi tới một cửa hang hướng ra một mặt núi dốc thăm thẳm. Hai đứa ngồi xuống, ngắm trời chiều. Nhiều tháng rồi tôi mới được ló đầu ra ngoài không thoáng rộng. Không khí mát mẻ trong lành, nhưng là lạ. Xoa xoa cánh tay, tôi bảo: 

- Lạnh quá.

Harkat hỏi:

- Lạnh à?

Làn da chết xám ngoét của anh ta chỉ có thể cảm nhận nóng hay lạnh ở tối đa. Tôi bảo: 

- Chắc đã cuối thu hay đầu đông rồi. 

Sống trong lòng núi, khó mà theo dõi được các mùa. Harkat không nghe tôi nói. Anh ta chăm chú nhìn rừng cây, thung lũng – như mong chờ thấy ai tại đó. Tôi thả bộ xuống núi, Harkat đi theo, rồi vượt lên, bước thật nhanh. Tôi kêu lên: 

- Thận trọng.

Anh ta làm ngơ, rồi vùng chạy. Tôi bị bỏ lại phía sau, tự hỏi anh ta định làm trò gì. Tôi la theo:

- Harkat, coi chừng trượt chân vỡ đầu nếu anh…

Tôi nín bặt. Harkat không thèm nghe một lời, tiếp tục chạy. Vừa rủa thầm, tôi vừa tuột giày, chạy theo. Tôi cố kiểm soát tốc độ, nhưng với triền núi dốc này đó không phải là một chọn lựa khôn ngoan, vậy là tôi bị lộn nhào xuống núi, sỏi cát bay mịt mù, tôi khiếp đảm gào tới thất thanh. Nhưng chẳng hiểu vì sao chúng tôi vẫn xuống được tới chân núi không hề hấn gì. Harkat vẫn tiếp tục chạy tới một lùm cây, rồi đứng đứng sững lại như bị đóng băng. 

Tôi loạng choạng chạy lại, hổn hển nói:

- Chuyện… gì… vậy?

Đưa tay trái lên, Harkat chỉ lùm cây. Tôi hỏi:

- Cái gì? 

Tôi chẳng thấy gì ngoài cành lá. Harkat rít lên nho nhỏ: 

- Đang tới kìa. 

- Ai?

- Chủ nhân rồng.

Tôi trố mắt nhìn Harkat. Trông anh ta có vẻ tỉnh táo, nhưng có lẽ bị mê trong cơn mộng du. Nắm cánh tay anh ta đang dang ra, tôi bảo:

- Chắc tôi nên đưa anh vào trong.

Một giọng nói vang ra từ lùm cây: 

- Chào mấy nhóc. Hai đứa là ủy ban tiếp tân hả? 

Buông tay Harkat, toi đứng cứng đờ như anh ta, trừng trừng ngó lại lùm cây. Tôi nghĩ mình đã nhận ra giọng nói đó, nhưng hy vọng là mình đã lầm. Chỉ một lát sau, ba người từ bóng tối xuất hiện. Hai gã Tí Hon, trông giống hệt Harkat, khác biệt là chúng đội mũ trùm kín đầu và di chuyển cứng ngắc, những thói quen của Harkat đã bỏ được từ khi sống chung với ma-cà-rồng. Người thứ ba nhỏ bé, tóc trắng, đang tươi cười, kẻ làm tôi khiếp đảm hơn cả một băng đảng ma-cà-chớp. Lão Tí Nị! 

Sau sáu trăm năm, Desmond Tí Nị đã trở lại Núi Ma-cà-rồng, và khi lão tiến lại cúng tôi, rạng rỡ như kẻ săn chuột trong liên minh với Pied Pieper ở Hamlin, tôi biết ngay sự tái xuất hiện của lão không gì hơn là điềm tiên báo cho những điều chẳng lành.

*. Pied Pieper là nhân vật trong chuyện cổ Đức, đã giải thoát ngôi làng Hamlin khỏi nạn chuột, bằng cách thổi sáo, dẫn dụ chúng ra sông và bị chết đuối hết. Để trả thù vì không được ban thưởng, hắn đã đưa những trẻ em trong làng lên núi và trẻ em đã biến mất. Đây là đề tài trong một bài thơ của Robert Browning. (ND)

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t111150-tho-san-trong-chieu-toi-chuong-5.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận