Thiên Hạ Kiêu Hùng
Tác giả: Cao Nguyệt
Chương 312: Ban đêm tập kích Nhu Viễn xem tại t.u.n.g.h.o.a.n.h.c.o.m
Nhóm dịch: Quan Trường
Nguồn: Mê truyện
Ở giữa lều lớn treo một tấm bản đồ của nước Y Ngô, đứng bên cạnh là một nam nhân trung niên tên là Tiêu Viễn Tụng – thủ lĩnh thương đội của Tiêu gia. Lần này y dẫn thương đội Tiêu gia đi theo quân Tùy, đồng thời cũng là người dẫn đường của quân Tùy. Từ hai mươi tuổi, Tiêu Viễn Tụng đã qua lại giữa Đôn Hoàng và Y Ngô, đến nay đã năm mươi tuổi, hiểu rõ địa hình Y Ngô như lòng bàn tay.
Y dùng que gỗ chỉ vào bản đồ nói với mọi người:
- Con sông bên cạnh chúng ta là sông La Mạn – một con sông lớn vào mùa xuân, cạn khô vào mùa hạ. Về phía trước hơn trăm dặm nữa là Liễu Cốc Thủy bắt nguồn từ núi Chiết La Mạn, nhưng lượng nước lại nhiều hơn con sông bên cạnh chúng ta, cho nên ở hạ lưu Liễu Cốc Thủy có một thị trấn là trấn Nhu Viễn, có trên ba trăm hộ nhân khẩu, là nơi nghỉ chân quan trọng của thương lữ thường tới lui. Trên trấn còn có năm trăm quân Y Ngô đóng giữ cùng đài Phong Hỏa mà triều Hán lưu lại, hiện tại đã bị quân đội của nước Y Ngô chiếm dụng. Từ trấn Nhu Viễn đến thành Y Ngô khoảng hai trăm dặm đều là sa mạc Qua Bích (sa mạc Gobi). Ở giữa xây dựng mười tòa đài Phong Hỏa, mỗi tòa có năm sĩ binh, trong tòa còn có giếng trữ nước…
Tiêu Viễn Tụng dùng giọng điệu thong thả giới thiệu tình hình của nước Y Ngô, quan quân trong lều lớn ai cũng lắng nghe hết sức chuyên tâm, song Dương Nguyên Khánh lại có nhiều tâm sự, hắn đang nghĩ đến tình hình của Khải Dân Khả Hãn. Lúc đầu hai bên đã thỏa thuận đầu tháng sáu hai quân sẽ gặp nhau ở sông Tham Mạn, nhưng hiện tại người Đột Quyết không hề có động tĩnh gì, xem ra bọn họ đã thất hứa rồi.
Khi Tiêu Viễn Tụng giới thiệu xong, Dương Nguyên Khánh liền đứng dậy nói với mọi người:
- Có lẽ người Đột Quyết giữa dường đã gặp chuyện gì đó, có khả năng đến muộn, nhưng chúng ta không còn thời gian. Thánh thượng đã yêu cầu phải nghe được tin chiến thắng trước Tết Trung Nguyên, đây là kỳ hạn mà ngài ấy đã định. Nhưng từ đây mà báo tin đến kinh thành nhanh nhất cũng phải một tháng, mà bây giờ đã là mùng năm tháng sáu. Trên thực tế chúng ta chỉ còn mười ngày, trong mười ngày chúng ta phải đánh bại nước Y Ngô, không thể chờ người Đột Quyết nữa.
Trưởng sử Lý Diên Niên làm tướng ở Đôn Hoàng đã lâu, cũng khá hiểu rõ về quân đội của nước Y Ngô, y đứng dậy nói:
- Nước Y Ngô là do người Ô Tôn kiến lập, nhưng trong nước Y Ngô cũng có nhiều người Thiết Lặc sinh sống. Nhất là người bộ lạc Xử Nguyệt, bọn họ phân tán ở khắp nơi trên nước Y Ngô, có quan hệ rất tốt với Tây Đột Quyết. Nếu chúng ta đánh bại thành Y Ngô, người Đột Quyết tất nhiên sẽ nhanh chóng biết được. Vì vậy ta cảm thấy kình địch của chúng ta không phải là nước Y Ngô mà chính là Tây Đột Quyết. Dương tướng quân, chúng ta không có đủ binh lực, không chắc sẽ chống lại được sự phản kháng của người Tây Đột Quyết. Chúng ta phải đề phòng trước sau, tốt nhất phải tạo quan hệ với người Khế Bật, có được viện quân của bọn họ.
Vương Uy cũng chủ trương dùng viện quân của Khế Bật, y cũng cười nói:
- Ta tán thành cách nghĩ của Lý Trưởng sử. Chúng ta không thể quá mạo hiểm, nếu Khế Bật chịu xuất binh trợ giúp thì nỗi lo của chúng ta sẽ giảm đi rất nhiều. Tướng quân, cách này rất khả thi!
Dương Nguyên Khánh vẫn đang trầm mặc, chưa đáp ứng kiến nghị của mọi người. Hồi lâu sau, hắn chậm rãi nói:
- Tuy nhìn từ góc độ quân sự là hoàn toàn khả thi, nhưng từ góc độ đại cục triều đình chưa hẳn đã là chuyện tốt. Các vị, mời thần dễ tiễn thần khó, một khi thế lực của người Khế Bật bành trướng về phía bắc, chúng ta có muốn kiến lập quận Y Ngô thì cũng không hề dễ dàng. Đây chính là nguyên nhân mà Thánh thượng để cho Khải Dân Khả Hãn chứ không phải là người Khế Bật đến liên hợp tác chiến.
Mọi người rơi vào trầm mặc. Tuy Dương Nguyên Khánh nói đúng, nhưng chỉ với năm ngàn quân mà muốn áp chế sự phản kháng của người Tây Đột Quyết, quả thực có hơi quá sức. Lúc này, Dương Nguyên Khánh cười nói:
- Chí ít chúng ta cũng có năm ngàn đội quân, không cần phải khoanh tay bó gối, đánh bại nước Y Ngô rồi nói sau!
…..
Trấn Nhu Viễn là một thị trấn nhỏ được dựng nên trên một ốc đảo, nhân khẩu hơn ba trăm hộ nhưng quân đóng giữ lại có năm trăm người, gác cửa ở thành Y Ngô. Người Xử Nguyệt đến truyền lại cảnh báo thông qua đài Phong Hỏa được xây dựng từ thời triều Hán. Cho nên nếu muốn đánh bại trấn Nhu Viễn, đầu tiên phải quét sạch đài Phong Hỏa.
Trên một gò núi cách trấn Nhu Viễn chừng hai mươi dặm về phía tây là tòa đài Phong Hỏa đầu tiên, dùng đá lớn chất thành, cao ba trượng, phân thành ba tầng, bên dưới nuôi ngựa, ở giữa là nơi người ở, trên cùng chính là lửa hiệu. Trong đài Phong Hỏa có năm tên sĩ binh nước Y Ngô.
Từ thời Bắc Ngụy lập quốc, nước Y Ngô đã trải qua gần một trăm năm chưa từng xảy ra chiến tranh. Đối với đống lửa hiệu này mà nói thì chủ yếu chỉ là đề phòng bọn sói hoang ở nơi hoang mạc này.
Vào đêm, bầu trời không một áng mây, một vầng trăng tròn du hành trên biển rộng mênh mông vô bờ, cô độc phát ra ánh sáng trong trẻo mà lạnh lùng, đài Phong Hỏa trở nên yên tĩnh khác thường khi tắm mình trong ánh trăng bạc.
Lúc này, hơn mười bóng đen nhanh chóng tiếp cận đài Phong Hỏa, phần lớn đều trốn sau mấy chục tảng đá lớn trong vòng một trăm bước, chỉ có một bóng người vô cùng nhanh nhẹn tức tốc tiến gần đài Phong Hỏa. Thân thể của y dán chặt vào vách đá của đài Phong Hỏa, mạnh mẽ quăng một cuộn dây thừng lên phía trên, dây thừng chụp chính xác vào lỗ châu mai của tường chắn mái trên đỉnh tầng ba. Y mau chóng bám vào dây thừng leo lên nhanh nhẹn như loài khỉ. Cách đó không xa, Tô Liệt nhìn theo bóng đen với ánh mắt phức tạp. Y không thích người này, nhưng khinh công cao cường của người này khiến y không thể không bội phục.
Lát sau, bóng đen trở mình tiến vào đỉnh của đài Phong Hỏa, ném nồi châm lửa cùng toàn bộ bụi rậm và phân sói xuống đài Phong Hỏa rồi phất tay về hướng bên này. Tô Liệt mừng rỡ, thấp giọng ra lệnh:
- Lên!
Hơn mười người dũng mãnh cùng tiến về phía đài Phong Hỏa…
Một canh giờ sau, khi Dương Nguyên Khánh nhận được tin hai tòa đài Phong Hỏa đều đã bị đánh hạ, hắn cũng truyền lệnh tiến công:
- Bao vây trấn Nhu Viễn, tiêu diệt toàn bộ quân địch, không được để tên nào chạy thoát.
Năm ngàn kỵ binh quân Tùy dàn thành hình quạt, bao vây hai dặm bên ngoài trấn Nhu Viễn. Tiếng vó ngựa như sấm, trong phút chốc đã đến tiểu trấn Nhu Viễn.
Chương 313: Dùng trí đoạt Y Ngô
Người Ô Tôn là một dân tộc cực kỳ cổ xưa, vẫn luôn sinh sống ở phía nam và phía bắc Thiên Sơn, thời Bắc Ngụy từng có quan hệ mật thiết với người Tiên Ti nhưng nhiều lần bị người Nhu Nhiên bức ép, sau cùng bị ép thối lui đến phía tây Thông Lĩnh. Tiếp đó vẫn có một bộ phận nhỏ người Ô Tôn lưu lại, nước Y Ngô chính là do một bộ phận người Ô Tôn kiến lập nên.
Giống như các nước Tây Vực khác, trong nước Y Ngô cũng có sự phức tạp về dân tộc. Ngoại trừ người Ô Tôn còn có người bộ lạc Thiết Lặc Xử Nguyệt, cũng chính là người Sa Đà sau này. Bên cạnh đó còn có một ít bộ phận người Khế Bật cùng một ít người Tây Đột Quyết, thậm chí còn có mấy trăm hộ người Hán đã Hồ hóa. Bọn họ chính là thế hệ sau của người Hán ở huyện Y Ngô, cư trú trong thành Y Ngô, cả trăm năm nay thông hôn với người Hồ, ngôn ngữ cùng tập quán đã bị Hồ hóa. Ngoại trừ tướng mạo vẫn còn một chút đặc điểm của người Hán, còn lại đều hoàn toàn bất đồng, trên người họ không còn vẻ gì là giống người Hán nữa.
Trong mớ dân tộc rắc rối phức tạp này, thế lực của bộ lạc Thiếc Lặc Xử Nguyệt là lớn nhất. Bọn họ chiếm lấy vùng đồng cỏ giàu đẹp nhất, đồng cỏ ở bốn phía Bồ Loại Hải đều bị bọn họ chiếm cứ. Mà người Ô Tôn thì chủ yếu tập trung ở những vùng rất gần quanh thành Y Ngô.
Quốc vương nước Y Ngô là Mặc Xuyết, năm nay chừng bốn mươi tuổi, bộ dạng có hơi mập mạp, có mười mấy người thê thiếp, sinh cho y mấy chục người con. Hơn nữa ba người con trai lớn tuổi đang tranh quyền đoạt lợi. Trong những năm gần đây, mỗi người đều cướp đoạt địa bàn, khiến mọi người trên dưới nước Y Ngô ai ai cũng hoảng sợ.
Nhưng phiền não thật sự của quốc vương Mặc Xuyết không phải là sự tranh quyền của mấy người con trai mà chính là họa ngoại xâm, là sự uy hiếp và khống chế nước Y Ngô của Tây Đột Quyết. Trước khi Đạt Đầu Khả Hãn chết, cả Tây Vực đều nằm trong sự khống chế của Tây Đột Quyết. Sau khi Đạt Đầu mất rồi, trong nội bộ Tây Đột Quyết bắt đầu xuất hiện tranh quyền đoạt lợi. Các nước Tây Vực cùng các bộ lạc Thiết Lặc thừa cơ thoát ly sự khống chế của Tây Đột Quyết, chỉ có nước Y Ngô vẫn không thể thoát khỏi nắm tay của Tây Đột Quyết. Đây không phải là vì người Ô Tôn nguyện ý làm nô tài của Tây Đột Quyết, mà là do bộ lạc Xử Nguyệt vẫn luôn uy hiếp sự tồn tại của nước Y Ngô.
Chính là vì có sự điều đình trung gian của Tây Đột Quyết mới khiến bộ lạc Xử Nguyệt không dám tiến công nước Y Ngô, mà Tây Đột Quyết lại lợi dụng áp lực to lớn của bộ lạc Xử Nguyệt khiến nước Y Ngô không dám phản bội.
Đây là một sự cân bằng khiến con người ta đau khổ, cái giá phải trả chính là thuế má nặng nề vào mỗi năm. Một nửa thu nhập mỗi năm trong quốc khố của của nước Y Ngô đều phải nộp cho Tây Đột Quyết, vì thế Tây Đột Quyết còn đặc biệt thiết lập Thổ Truân, một chức quan giám sát tài chính cư trú lâu dài ở nước Y Ngô, giám sát thuế má mà nước Y Ngô nộp lên.
Cục diện này đã kéo dài nhiều năm, từ sự phản cảm ban đầu đến khi dần dần thuận theo, mãi đến hôm nay đã trở thành thói quen.
Sự bóc lột tàn khốc của Tây Đột Quyết khiến người dân nước Y Ngô túng khổ khôn cùng. Tường thành vẫn là do người Hán đã xây dựng vào mấy trăm năm trước, bị ăn mòn qua mấy trăm năm, tường thành đã trở nên thấp bé, sạt lở vài chỗ không thể tu sửa được nữa.
Trong thành một phân làm hai, là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Phía tây là khu bình dân, nhà cửa thấp bé rách nát, phòng ốc chật chội, nước bẩn khắp nơi, bọn trẻ con trần truồng chạy rông đầy đường, không có quần áo để mặc, phần lớn người nước Y Ngô đều là bình dân.
Trong khi đó phía đông là nơi ở của một số ít quý tộc và các thương nhân. Nhà cửa chỉnh tề, cửa hàng đông đúc, buôn bán tơ lụa, đồ sứ, đồ gốm của Đôn Hoàng cùng với các vật dụng hàng ngày. Trên đường, các quý tộc diện những bộ trang phục cầu kỳ, vẻ mặt hồng hào. Phần lớn bọn họ đều có thê thiếp thành đàn, cuộc sống xa xỉ. Bọn họ được hưởng đặc quyền miễn thuế, Tây Đột Quyết không thể bóc lột trên đầu bọn họ.
Phía cuối đường lớn ở giữa chính là hoàng cung của nước Y Ngô, cũng là một tòa cung điện nguy nga lộng lẫy. Quốc vương Mặc Xuyết cùng mấy chục thê thiếp và con cái đều ở đây.
Buổi chiều hôm nay, trong thành Y Ngô vẫn náo nhiệt như thường lệ, tin tức quân Tùy tập kích trấn Nhu Viễn không truyền đến đây. Mặc cho tiết trời vô cùng nóng nực, bình dân Y Ngô vẫn phải tất bật mưu sinh, rộn ràng nhốn nháo trên đường lớn, huyên náo vang trời.