Đột nhiên nơi góc nhà có tiếng một thanh niên kinh hoảng nói:
- Cha ơi! Cha ơi!
Du Ký nhận ra chính là tiếng của đứa con trai duy nhất của mình tên là Du Thản Chi, trong cơn gấp rút liếc qua, thấy trên má y máu me đầm đìa, thì ra cũng bị miểng vỡ đâm phải, bèn quát lớn:
- Cút ngay đi, mi ở đây làm gì?
Du Thản Chi đáp: truyện được lấy tại t.r.u.y.ệ.n.y-y
- Vâng!
Y rút người náu sau cây cột nhà, nhưng vẫn thò đầu ra xem. Kiều Phong chân trái liền đá một cái, lại thêm một chiếc vò rượu nữa bay vụt ra. Ông vừa toan đánh ra một chưởng, bỗng thấy sau lưng có một luồng chưởng lực nhu hòa âm thầm đánh tới. Chưởng đó tuy mềm thật nhưng hiển nhiên uẩn tàng nội công cực kỳ hồn hậu. Kiều Phong biết rằng đây là một cao thủ ra tay, không dám coi thường vội vàng hồi chưởng lại đỡ. Hai người nội lực đụng nhau, đều phải chựng lại. Kiều Phong quay đầu nhìn thấy y hình mạo ti tiện, chính là kẻ vô danh Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương tên gọi Triệu Tiền Tôn, nghĩ bụng: "Gã này nội lực khá thật, ta không nên coi thường." Ông hít một hơi, chưởng thứ hai chẳng khác gì bài sơn đảo hải đánh tới.
Triệu Tiền Tôn biết rằng một chưởng không thể nào chống đỡ nổi, song chưởng cùng tung ra định đỡ một chưởng của đối phương. Một giọng đàn bà ở bên cạnh kêu lên:
- Không muốn sống nữa à?
Vội vàng nắm lấy y nhắc qua một bên tránh được chính diện chưởng lực của Kiều Phong. Thế nhưng chưởng lực của Kiều Phong vẫn ào ào đẩy tới, đằng sau Triệu Tiền Tôn có ba người vừa toan xông lên, nghe thấy bình bình bình ba tiếng lớn, cả ba đều bay ngược lại, đập mạnh vào tường, khiến cho trên tường từng mảng, từng mảng vỡ tan, rơi lả tả.
Triệu Tiền Tôn quay đầu lại, thấy người nắm y lôi ra chính là Đàm bà, trong lòng vui sướng nói:
- Tiểu Quyên, nàng đã cứu mạng ta.
Đàm bà nói:
- Ta sẽ tấn công phía trái, còn sư huynh giáp công phía bên phải.
Triệu Tiền Tôn vừa đáp "được lắm" một tiếng thì đã thấy một ông già nhỏ bé gầy gò nhảy tới bên Kiều Phong, chính là Đàm công.
Đàm công thân hình loắt choắt nhưng võ công thật là ghê gớm, tay trái đánh ra tay phải liền đi theo, chưởng nọ vừa thu về thì chưởng lực bên kia đã đánh tiếp. Ông ta đánh liên hoàn ba chưởng liền, chẳng khác gì ba làn sóng, sóng sau xô sóng trước, chưởng nọ đè chưởng kia khiến cho sức mạnh gấp ba đơn chưởng. Kiều Phong khen ngợi:
- Chiêu Trường Giang Tam Điệp Lãng hay thật!
Tả chưởng đánh ra rồi, hai bên đụng nhau khiến cho cùng phải nhích qua một bên. Ngay khi đó Triệu Tiền Tôn và Đàm bà cũng giáp công, rồi lại thêm Từ trưởng lão, Truyền Công trưởng lão, Trần trưởng lão mọi người cũng xông vào nhập cuộc.
Truyền Công trưởng lão kêu lên:
- Kiều huynh đệ, Khất Đan và Đại Tống không thể đứng chung, bọn ta vì chuyện công mà phải quên việc riêng, lão ca ca này đành đắc tội.
Kiều Phong cười đáp:
- Tuyệt giao tửu đã uống rồi, còn nói gì huynh đệ nữa? Xem chiêu đây!
Ông giơ chân trái nhắm ông ta đá ra. Tuy nói như thế nhưng đối với quần hào Cái Bang Kiều Phong vẫn có chút tình hương hỏa nên cũng không muốn hại mạng ai, thậm chí cũng không muốn họ bị xấu mặt với người ngoài nên ngọn cước đến nửa chừng đột nhiên chuyển hướng đã nghe Khoái Đao Kỳ Lục kêu rống một tiếng nhảy vọt lên.
Y không phải tự mình phi thân mà bị Kiều Phong đá trúng mông. Thanh đơn đao trong tay vốn đang vận kình chém xuống đầu Kiều Phong nên khi bị tung lên vẫn còn mãnh liệt bổ trúng ngay xà nhà ngập vào cả thước khiến cho lưỡi đao bị dính cứng. Con đao đó là võ khí nổi danh của Khoái Đao Kỳ Lục, hôm nay gặp phải cường địch làm sao dám bỏ? Tay phải y nắm chặt cán đao thành thử thân hình lơ lửng trên không, tình trạng đó thật cực kỳ quái đản nhưng trong sảnh ai nấy đang vào cảnh sinh tử quan đầu nào ai dám nhãng ra để giúp đỡ y? Cũng chẳng có ai rỗi hơi để cười một tiếng!
Kiều Phong từ lúc học nghệ xong đến nay, tuy đã từng trải qua hàng trăm trận chiến chưa bao giờ thua ai nhưng cùng một lúc phải đấu với nhiều cao thủ như thế này thì bình sinh chưa từng có. Lúc này ông đã ngà ngà say, nội lực hết sức bùng lên, tửu ý càng lúc càng dâng cao, song chưởng múa tít lên ép cho không ai tới gần được.
Tiết Thần Y y đạo cực kỳ tinh vi nhưng võ công không thể coi là hạng cao thủ hạng nhất được. Về phương diện chữa bệnh, ông ta là một thiên tài siêu việt hơn người dường như không học cũng biết. Ông ta học võ từ nhỏ, sư phụ là một nhân vật võ học cao siêu ghê gớm nhưng một năm nọ Tiết Thần Y cùng bảy anh em đồng môn tự nhiên bị đuổi khỏi môn phái. Ông không chịu bỏ thầy nên đành tự mình tìm cách tài bồi dùng y thuật để trao đổi võ công với người khác, bên đông học một chiêu, bên tây học một thức nên võ công hiểu rộng biết nhiều trên giang hồ ít ai có được. Thế nhưng cũng vì cái chữ "rộng" ấy mà lại hỏng vì phàm ăn nhiều thì nhai không kỹ thành thử chẳng một môn nào luyện cho đến đầu đến đũa cả.
Cái tiếng y thuật như thần kia càng nổi đến đâu ai ai cũng kính phục ba phần. Mỗi khi ông thỉnh giáo võ công người khác, người nào cũng thuận miệng đưa đẩy vài câu để lấy lòng nên phần nhiều ngôn quá kỳ thực, chẳng một ai nói thực cho ông ta nghe. Chính vì thế ông không khỏi dương dương tự đắc, cứ tưởng rằng võ công thiên hạ mười phần thì mình đã biết được tám chín. Lúc này Tiết Thần Y thấy Kiều Phong đấu với quần hùng, ra tay đã nhanh mà đòn nào cũng nặng, quả thật dẫu có nằm mơ cũng chẳng tưởng nổi, khiến cho mặt cắt không còn hột máu, tim đập như trống hộ đê, ấp úng không nói ra được một lời chứ chẳng nói gì đến chuyện tiến lên động thủ.
Ông ta đứng dựa vào tường, càng lúc càng mất vía đã toan lẳng lặng lẻn ra khỏi đại sảnh nhưng lại không dám, nhìn qua thấy một lão tăng đứng ngay bên cạnh mình, chính là Huyền Nạn. Ông ta đột nhiên nhớ lại một việc, hết sức ăn năn nên quay sang nói:
- Mới rồi tại hạ nói ra một câu cực kỳ vô lễ, xin đại sư miễn trách cho.
Huyền Nạn đang hết sức chăm chăm nhìn vào Kiều Phong, không nghe Tiết Thần Y nói gì cả phải đến khi ông ta nhắc lại lần thứ hai lúc ấy mới ngạc nhiên hỏi lại:
- Câu nào thất lễ thế?
Tiết Thần Y đáp:
- Hồi nãy tại hạ có nói: "Kiều huynh một thân một mình, đêm qua vào chùa Thiếu Lâm mà không tổn một sợi lông, sợi tóc, lại còn bắt được một vị cao tăng đem đi, quả thật là lạ."
Huyền Nạn hỏi lại:
- Thế thì đã sao?
Tiết Thần Y băn khoăn đáp:
- Gã Kiều Phong kia võ công cao như thế, quả là trên đời khó kiếm. Đến lúc này tại hạ mới biết là y đến chùa Thiếu Lâm, đánh người bắt người, vào ra như chỗ không người quả là khó mà ngăn trở.
Mấy cao đó ông ta vốn dĩ muốn xin lỗi Huyền Nạn nhưng nhà sư nghe lại càng tưởng như châm chọc, bèn hừ một tiếng nói:
- Tiết Thần Y muốn khảo sát võ công của phái Thiếu Lâm, có phải không nào?
Ông không đợi câu trả lời, lập tức lững thững bước ra, tay áo rộng phất lên, chưởng lực từ bên trong đánh thẳng vào Kiều Phong. Môn võ công của ông ta là một trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm tên là Tụ Lý Càn Khôn,(19.13) tay áo vung lên thì quyền kình từ bên dưới đánh ra.
Cao tăng chùa Thiếu Lâm xưa nay lấy chuyện tham thiền học Phật làm gốc, còn luyện võ tập quyền chỉ là ngọn, giận dữ bực bội cũng đã là phạm giới rồi huống hồ ra tay đánh nhau? Thế nhưng trong mấy trăm năm qua chùa Thiếu Lâm là nguồn gốc của võ học thiên hạ thì lẽ nào lại không ra quyền động cước? Môn Tụ Lý Càn Khôn này thì quyền dấu trong tay áo, trông thật là thanh nhã dễ coi. Tay áo che dấu được quyền kình, địch nhân không thể nào biết được đường đi của nắm tay ra sao khiến cho kẻ địch trở tay không kịp. Có ai biết đâu rằng cánh tay áo đó cũng chứa đầy kình lực và chiêu số thật là ghê gớm, nếu kẻ địch toàn tâm toàn ý để hết vào việc sách giải quyền chiêu dấu bên trong thì ông ta sẽ biến khách thành chủ dùng tụ lực(19.14) đả thương người.
Kiều Phong thấy ông ta tấn công đến, hai cánh tay áo rộng căng phồng hướng tới chẳng khác nào hai chiếc buồm no gió, uy thế cực kỳ mạnh mẽ, liền quát lên một tiếng:
- Tụ Lý Càn Khôn, quả nhiên ghê gớm thật.
Nghe vù một tiếng đánh luôn vào tay áo. Tụ lực của Huyền Nạn trải ra một khoảng rộng, còn chưởng của Kiều Phong tập trung mà ngưng đọng nên chỉ nghe bụp bụp mấy tiếng, hai luồng lực đạo chạm nhau, đột nhiên trong đại sảnh bay tứ tung mấy chục cánh bướm màu xám tro.
Quần hùng còn đang hoảng hốt, nhìn kỹ lại thì ra những cánh bướm đó chính là tay áo của Huyền Nạn biến thành quay lại nhìn ông, thấy hở đến tận nách để lộ hai cánh tay dài khẳng khiu, trông thật khó coi. Thì ra nội kình hai người xung kích, hai cánh tay tăng bào làm sao chịu nổi nên lập tức nát vụn ra.
Chỉ qua một chiêu, Huyền Nạn không còn tay áo nữa, tụ lý đã mất lấy đâu ra càn khôn. Ông trong cơn phẫn nộ, mặt xanh như chàm đổ, có ngờ đâu chỉ một chưởng Kiều Phong đã phá được tuyệt kỹ thành danh của mình, hôm nay quả không còn mặt mũi nào nữa, nên hai cánh tay liền lên xuống như bổ củi xông vào tấn công.
Mọi người ai ai cũng biết rằng đây chính là môn Thái Tổ trường quyền lưu hành rộng rãi trong dân gian. Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận chỉ nhờ vào một bài quyền, một cây gậy mà thu được giang sơn cẩm tú lập nên nhà Đại Tống. Trong các vị hoàng đế từ xưa tới nay không một ai thần dũng như Tống Thái Tổ, cho nên hai bài Thái Tổ trường quyền và Thái Tổ bổng là võ công thông dụng nhất thời đó, dẫu người không biết nhưng nhìn cũng đã quen.
Quần hùng thấy vị cao tăng Thiếu Lâm danh tiếng thiên hạ kia sử dụng Thái Tổ trường quyền là một lộ quyền pháp ai nấy đều biết nên không khỏi ngạc nhiên, nhưng khi thấy đánh ra ba quyền rồi, trong bụng đều phải trầm trồ: "Phái Thiếu Lâm được nổi tiếng như thế, không phải ngẫu nhiên. Chỉ một chiêu Thiên Lý Hoành Hành thôi mà ông ta đánh ra thật là uy lực." Quần hào bội phục nên cái hình ảnh tăng bào rách nát của Huyền Nạn không còn thấy gì là bất thường nữa.
Trong số mấy chục người cùng vây đánh Kiều Phong, đến khi Huyền Nạn ra tay ai nấy tự biết mình có đánh thêm thì chỉ càng vướng chân vướng tay nên đều biết phận lùi lại hết, chỉ chia nhau vây chặt đề phòng Kiều Phong bỏ chạy, ngưng thần quan sát hai người một trận quyết chiến.
Kiều Phong thấy mọi người đã lùi ra rồi, trong bụng nảy ra một ý, vù một tiếng đánh ra chiêu Xung Trận Trảm Tướng, cũng chính là chiêu số trong Thái Tổ trường quyền. Chiêu đó trông thật là tiêu sái nhưng kình lực lại cương trung hữu nhu, nhu trung hữu cương, cao thủ võ lâm đạt đến mức hoàn mỹ của quyền thuật thì chỉ một chiêu cũng đã thấy rồi. Những người đến tham dự đại hội anh hùng yến, nếu như võ công không thật cao thì kiến thức cũng quảng bác, tinh yếu trong Thái Tổ trường quyền không ai là không biết. Kiều Phong đánh ra chiêu đó rồi, người nào người nấy không ai nhịn được phải kêu ồ lên, trầm trồ khen ngợi.
Tiếng trầm trồ vừa dứt, trong đại sảnh nhiều người thấy ngay là không ổn. Tiếng hoan hô kia lại là tán dương kẻ đại địch mà họ bảo là quân Hồ Lỗ ai nấy đang lăm lăm giết chết, thế có phải là nuôi dưỡng cho nhuệ khí của địch mà làm giảm uy phong của mình hay sao? Thế nhưng tiếng hò reo đã ra khỏi miệng rồi, không còn có thể nào thu về được nữa, thấy Kiều Phong đánh ra chiêu thứ hai Hà Sóc Lập Uy cũng lại cực kỳ tinh diệu, so với chiêu thứ nhất không thể phân biệt được chiêu nào hay hơn chiêu nào nên trong đại sảnh lại có một số đông hô hoán. Thế nhưng vì đã nhiều người cảnh giác cố nén lòng nên tiếng hò reo không vang dậy như lần thứ nhất, nhưng cũng lắm kẻ xuýt xoa nho nhỏ "chà", "ồ"… nghe giọng điệu cũng chẳng khác lớn tiếng tán dương.
Kiều Phong lúc đầu cùng mọi người ác đấu, quần hùng ai nấy cố gắng phòng ngự e sợ ông hung mãnh dữ dằn, bây giờ tạm bỏ những quan ngại sang một bên, lúc ấy mới lãnh ngộ được những chỗ tinh diệu tuyệt luân trong võ công của ông.
Đến lúc Kiều Phong và Huyền Nạn trao đổi bảy tám chiêu rồi, hai bên ai cao ai thấp đã rõ. Hai người đều sử dụng những quyền chiêu bình thường không có gì là kỳ lạ, nhưng Kiều Phong chiêu nào cũng chậm hơn một bước, đều nhường cho Huyền Nạn ra tay trước. Huyền Nạn mỗi khi xuất chiêu, Kiều Phong liền ra thế để giải nhưng không biết có phải vì ông tuổi trẻ nên sức còn tráng kiện, hay là hành động nhanh nhẹn hơn mà chiêu nào cũng ra sau tới trước. Thái Tổ trường quyền vốn dĩ chỉ có sáu mươi tư chiêu, thế nhưng chiêu nào cũng khắc chế lẫn nhau, Kiều Phong nhìn rõ quyền chiêu của đối phương rồi sau đó mới ra thế giải chống trả lại thì Huyền Nạn làm gì mà chẳng thua? Đạo lý đó ai mà chẳng biết thế nhưng bốn chữ "hậu phát tiên chí" để áp dụng vào một đại cao thủ như Huyền Nạn thì mọi người nếu không chính mắt thấy hôm nay, sau này có nghĩ đến cũng không dám.
Huyền Tịch thấy Huyền Nạn nghiêng qua ẹo lại, chống đỡ không nổi liền kêu lên:
- Ngươi là giống chó má Khất Đan, ra tay toàn trò ti tiện.
Kiều Phong thản nhiên đáp:
- Ta sử dụng đây là quyền pháp của Thái Tổ bản triều, sao đại sư lại dùng hai chữ ti tiện là sao?
Quần hùng nghe nói thế liền hiểu ngay vì sao ông lại sử dụng Thái Tổ trường quyền. Nếu như ông dùng một loại quyền pháp khác để đánh bại Thái Tổ trường quyền người ta sẽ không bảo là vì ông công lực thâm hậu hơn mà lại đổ tội cho ông hối nhục võ công khai quốc của Thái Tổ, cái tiếng Di Địch, kẻ Hoa người Hồ kia sẽ càng làm sâu thêm thù nghịch. Còn như cả hai bên đều sử dụng Thái Tổ trường quyền thì ngoài việc tranh đua võ công ra, không còn nói gì khác được nữa.
Huyền Tịch thấy chỉ nháy mắt là Huyền Nạn sẽ rơi vào vòng sinh tử quan đầu nên không còn kể gì, sùy một tiếng tung ra một chỉ nhắm ngay huyệt Tuyền Cơ, chính là tuyệt kỹ điểm huyệt của phái Thiếu Lâm có tên là Thiên Trúc Phật Chỉ. Mặc dù tiếng gió rất nhỏ nhưng Kiều Phong nghe chỉ điểm tới, liền nghiêng người tránh qua nói:
- Đã từng ngưỡng mộ danh tiếng của Thiên Trúc Phật Chỉ từ lâu, quả nhiên công phu ghê gớm thật. Đại sư dùng võ công của người Hồ Thiên Trúc, tấn công quyền pháp của Thái Tổ bản triều. Nếu như đại sư thắng được tại hạ thì chẳng hóa ra là thông Phiên mãi quốc làm nhục đến Trung Hoa hay sao?
Huyền Tịch nghe thế không khỏi bàng hoàng. Võ công phái Thiếu Lâm do Đạt Ma lão tổ truyền lại mà Đạt Ma lại là người Hồ Thiên Trúc. Hôm nay chỉ vì quần hùng cho rằng Kiều Phong là người Hồ Khất Đan nên vây đánh ông, nhưng phái Thiếu Lâm võ công truyền vào Trung Thổ lâu rồi, các gia các phái của Trung Quốc, không nhiều thì ít cũng có liên quan đến phái Thiếu Lâm nên cũng chẳng còn ai nhớ đến cái dây mơ rễ má đó. Bây giờ nghe Kiều Phong nói ra, ai nấy trong lòng chấn động.
Trong đám anh hùng không hiếm người có kiến thức, trong lòng đều nghĩ: "Chúng ta đối với Đạt Ma lão tổ thì kính trọng như thần minh, sao đối với người Khất Đan thì lại hận đến xương tủy, nhưng cả hai cũng đều có phải cùng giòng giống với mình đâu? Ồ, hai giống đó khác nhau xa. Người Thiên Trúc xưa nay đâu có giết hại đồng bào mình, còn người Khất Đan thì hung dữ như lang sói. Xem như thế thì không phải chỉ vì là người Hồ mà giết, bên trong cũng còn phân biệt thiện ác nữa. Thế thì những người Khất Đan kia liệu có ai là người tốt hay không?" Lúc đó trong đại sảnh đang hồi kịch đấu, một số đông thô lỗ chẳng kể đến chi tiết đó làm gì nhưng cũng có nhiều người hiểu biết tuy suy nghĩ đến chi tiết đó rồi cũng bỏ qua, trong lòng thầm nghĩ: "Kiều Phong chưa hẳn đã là không thể không giết, cái lý của bên mình cũng chưa hẳn chắc như đinh đóng cột."
Huyền Nạn, Huyền Tịch lấy hai địch một thế nhưng vẫn thủ nhiều công ít. Huyền Nạn thấy quyền pháp mình chiêu nào cũng bị địch nhân không chế, trói chân trói tay, không thể thi triển được chút nào, đến lúc Huyền Tịch xông vào tấn công quyền pháp lập tức biến đổi, chuyển ngay sang La Hán Quyền của phái Thiếu Lâm.