A Châu giật nảy người, kêu lên:
- Làm gì có chuyện đó được? Ai bảo thiếp giết cha mẹ của đại gia? Giết sư phụ của đại gia?
Kiều Phong đáp:
- Sư phụ tôi bị người ta đả thương, ông ta vừa thấy mặt tôi, liền bảo là tôi hạ độc thủ, không phải cô thì là ai?
Ông nói tới đây, tay phải hơi giơ lên, mặt đầy sát khí, chỉ nghe nàng nói một câu không thuận tai thì chưởng sẽ đập xuống ngay, dẫu có mười A Châu cũng khó mà sống sót. A Châu thấy mặt ông đằng đằng, đôi mắt như muốn tóe lửa, trong bụng hết sức khiếp sợ, hốt hoảng lùi lại hai bước. Nàng chỉ cần lùi thêm hai bước nữa sẽ rơi tòm ngày xuống vực sâu vạn trượng. Kiều Phong nghiêm giọng quát:
- Đứng đó, không được động đậy.
A Châu sợ đến mức nước mắt nhỏ ròng ròng, run run nói:
- Thiếp không… thiếp không giết cha mẹ đại gia, cũng chẳng… chẳng giết sư phụ đại gia. Sư phụ ông tài nghệ… ghê gớm như thế, làm sao thiếp giết ông ta được?
Hai câu cuối cùng của nàng quả là có lý, Kiều Phong nghe rồi bỗng chột dạ, lập tức hiểu ngay ra mình đã trách lầm nàng, tay trái đưa vụt ra nhanh như ánh chớp, nắm lấy đầu vai nàng, kéo cô gái qua phía vách đá, để nàng khỏi sẩy chân rơi xuống vực nói:
- Quả đúng thế, sư phụ ta không phải do cô giết.
Sư phụ ông Huyền Khổ đại sư là sư huynh đệ với Huyền Từ, Huyền Tịch, Huyền Nạn các vị cao tăng, võ công tài nghệ đã đạt đến mức đệ nhất cao thủ đời nay. Ông qua đời đâu phải do trúng độc, cũng chẳng phải do binh khí ám khí đả thương mà là do chưởng lực cực kỳ lợi hại đánh nát tạng phủ. A Châu tuổi còn nhỏ làm sao có được nội lực thâm hậu đến như thế? Nếu quả như nội lực nàng có thể đánh chết được Huyền Khổ đại sư thì Đại Kim Cương Chưởng của Huyền Từ nhất định không thể nào làm cho nàng thập tử nhất sinh được.
A Châu đang khóc cũng bật cười, đấm nhẹ vào ngực ông nói:
- Đại gia làm thiếp sợ muốn chết, người gì nói năng chẳng đâu vào đâu. Nếu quả thiếp có tài nghệ giết được sư phụ của ông, sao ở Tụ Hiền Trang không giúp một tay giết sạch bọn khốn kiếp kia?
Kiều Phong thấy nàng hờn dỗi, trong lòng nao nao, nói:
- Độ này ta thần thái bất định, nói năng lăng nhăng, xin cô nương đừng trách.
A Châu cười đáp:
- Ai mà lại trách đại gia? Nếu thiếp giận ông, đời nào thiếp còn nói chuyện với ông nữa.
Nàng bỗng trở lại nghiêm trang, nhỏ nhẹ nói:
- Kiều đại gia, dù ông đối với thiếp thế nào chăng nữa, một đời này, thiếp sẽ không bao giờ giận ông đâu.
Kiều Phong lắc đầu, thản nhiên nói:
- Mặc dầu ta cứu mạng cô thật nhưng cô cũng đừng để tâm làm gì.
Ông nhíu mày, ngơ ngẩn xuất thần, đột nhiên hỏi:
- A Châu, cái thuật hóa trang dị dung kia, ai dạy cho cô đó? Sư phụ cô có còn ai là đệ tử nữa không?
A Châu lắc đầu:
- Chẳng ai dạy cả. Thiếp từ nhỏ đã thích ăn mặc giả làm người này người khác cho vui, càng lâu càng thêm giống chứ làm gì có sư phụ nào? Không lẽ trò chơi mà cũng phải tầm sư học đạo hay sao?
Kiều Phong thở hắt ra, nói:
- Thế thì quả là lạ thật, trên đời này không lẽ lại có người giống hệt như ta để đến nỗi sư phụ ta cũng còn nhầm hay sao?
A Châu nói:
- Nếu đã có cái đầu mối đó thì cũng dễ. Mình chỉ cần đi tìm kẻ kia, tra khảo bức bách hỏi cho ra lẽ là xong.
Kiều Phong đáp:
- Phải lắm, có điều trời đất mênh mông, muốn tìm được người này quả thực gian nan lắm thay. Có lẽ y cũng có tài như cô, hóa trang thành người khác thật giống.
Ông bước lại gần vách núi, xem kỹ những vết búa đục, muốn tìm xem những chữ khắc trên thạch bích vốn là những gì thế nhưng nhìn đi nhìn lại một chữ cũng không nhận ra bèn nói:
- Ta phải đi tìm Trí Quang đại sư, hỏi ông ta cho ra lẽ những chữ viết trên vách đá này là những chữ gì? Không tra xét cho xong thì không ăn không ngủ được.
A Châu nói:
- Chỉ sợ ông ta không chịu nói.
Kiều Phong nói:
- Có lẽ ông ta không chịu nói đâu nhưng mình không bức bách thì cũng van nài cho bằng được chứ ta nhất định không bỏ cuộc.
A Châu trầm ngâm nói:
- Trí Quang đại sư xem ra tính tình cứng cỏi không sợ chết, dẫu có bức bách van xin xem ra cũng chẳng đến đâu, chi bằng…
Kiều Phong gật đầu:
- Cô nương nói phải lắm, chi bằng mình đi hỏi Triệu Tiền Tôn thì hơn. Úy, nhưng gã Triệu Tiền Tôn này cũng thà chết thì thôi, đối phó với y ta nghĩ ra một cách.
Ông nói tới đây, quay sang nhìn xuống vực thẳm nói:
- Ta định xuống dưới này xem.
A Châu giật nảy người, nhìn vào miệng vực thấy giăng mắc đầy vân vụ, vội lùi xa thêm hai bước sợ nhỡ vô ý trượt chân ngã xuống, nói:
- Đừng! Đừng! Muôn lần, vạn lần không nên xuống dưới đó. Xuống đó có gì để coi đâu?
Kiều Phong đáp:
- Ta đích thực là người Hán hay là người Khất Đan, chuyện đó cứ vấn vương quanh quẩn mãi trong đầu, thành thử muốn xuống dưới đó tra xét cho minh bạch, xem cái xác của người Khất Đan đó ra sao.
A Châu nói:
- Người đó rơi xuống vực đã ba chục năm, cùng lắm cũng chỉ còn vài mảnh xương trắng, có gì để mà xem?
Kiều Phong đáp:
- Ta chính muốn xuống xem nắm xương tàn của y. Ta nghĩ rằng nếu quả đó là người cha thân sinh ra ta, thì cũng nên xuống đem lên tẫn liệm, an táng cho tử tế.
A Châu thảng thốt rú lên:
- Không thể như vậy! Không thể như vậy! Đại gia nhân từ hiệp nghĩa, sao lại là hậu duệ của người Khất Đan tàn bạo ác độc được?
Kiều Phong nói:
- Cô ở nơi đậy đợi ta một ngày một đêm, ngày mai giờ này nếu ta chưa lên thì khỏi phải chờ nữa. Đọc Truyện Online mới nhất ở truyen/y/y/com
A Châu hốt hoảng, khóc òa lên kêu:
- Kiều đại gia, ông đừng xuống.
Kiều Phong tính tình thật cứng cỏi, không động lòng chút nào, mỉm cười nói:
- Ở Tụ Hiền Trang bao nhiêu anh hùng hảo hán còn giết ta chưa được, chẳng lẽ ta lại bỏ mạng nơi cái sơn cốc này hay sao?
A Châu quýnh quáng không biết thế nào mới ngăn ông ta được, đành nói:
- Không chừng dưới đó có rắn độc, trùng độc, hay quái vật hung ác đó.
Kiều Phong cười ha hả vỗ vỗ lên vai cô ta nói:
- Nếu như có quái vật thì tốt quá. Ta sẽ bắt nó lên để cho cô chơi.
Ông xem xét chung quanh bốn bề cốc khẩu tính kiếm chỗ mỏm đá nào có thể đặt chân trèo xuống. Ngay lúc đó, bỗng nghe phía đông bắc có văng vẳng vó ngựa phi về hướng nam, nghe âm thanh phải đến hai chục con. Kiều Phong vội vàng rảo bước đi vòng qua sườn núi, nhìn vọng về phía có tiếng chân ngựa. Ông đứng ở trên cao thấy tất cả hơn hai chục kỵ sĩ đều áo vàng giáp vàng đều là quan binh nhà Đại Tống, xếp thành một dãy đi theo sơn đạo ở sườn núi bên dưới.
Kiều Phong xem rõ tình hình rồi, không coi bọn đó vào đâu, có điều nơi ông và A Châu đang đứng lại là đường độc đạo hiểm yếu từ ngoài biên tái quay về, năm xưa quần hùng Trung Nguyên chọn làm nơi phục kích võ sĩ Khất Đan chính là vì thế. Ông nghĩ bụng nơi đây là biên phòng hiểm địa, quan quân nhà Tống thấy có người ở đây thể nào cũng tra hỏi, chi bằng tránh đi là hơn để khỏi phiền toái.
Kiều Phong quay lại chỗ cũ, kéo A Châu ẩn đằng sau tảng đá nói:
- Quan binh nhà Đại Tống đó!
Chẳng bao lâu, hơn hai chục kỵ binh chạy lên núi. Kiều Phong náu sau sơn thạch thấy người đi đầu là một quân quan, không khỏi cảm thán: "Năm xưa bọn Uông bang chủ, Trí Quang đại sư, Triệu Tiền Tôn chờ người hẳn là mai phục đằng sau những tảng đá này nên mới thấy bọn võ sĩ Khất Đan cưỡi ngựa chạy ngang sơn lãnh. Hôm nay đá núi vẫn còn trơ trơ, còn các võ sĩ Tống Liêu hai bên năm nào, hầu hết đã thành xương trắng cả rồi."
Ông còn đang xuất thần, bỗng nghe có tiếng hai đứa trẻ khóc, Kiều Phong giật mình kinh hãi tưởng như rơi vào cõi mộng: "Sao lại có tiếng trẻ con?" Tiếp theo lại nghe thấy tiếng đàn bà kêu rú lên.
Ông thò đầu ra nhìn thấy bọn quan binh nhà Tống trên mỗi con ngựa người nào cũng bắt được một phụ nữ, đàn bà trẻ con đó ăn mặc theo lối du mục Khất Đan. Mấy gã quan binh Đại Tống lại đưa tay sờ mó nắn bóp thân thể họ trông thật thô bỉ, khả ố, người nào chống cự lại lập tức bị bọn quan binh quát mắng đánh đập. Kiều Phong thấy vậy lấy làm lạ, không hiểu nguyên do, chỉ thấy cả bọn vượt ngang qua khối nham thạch đi thẳng về phía Nhạn Môn Quan.
A Châu hỏi:
- Kiều đại gia, bọn họ làm gì thế?
Kiều Phong lắc đầu nghĩ thầm: "Quan quân thủ ngự biên ải sao lại ngang ngược đến thế?" A Châu liền nói:
- Bọn quan binh này thật chẳng khác gì đạo tặc.
Kế đó lại có thêm một đoàn khoảng ba chục quân quan, dẫn theo một đàn bò cừu đến vài trăm con, bắt thêm hơn chục phụ nữ Khất Đan nữa. Lại nghe một tên quân quan nói:
- Lần này "gặt hái" chẳng được bao nhiêu, chẳng biết đại soái có nổi giận không nữa?
Một tên quan quân khác nói:
- Bò cừu của bọn Liêu cẩu tuy không lấy được nhiều nhưng trong đám đàn bà có mấy đứa mặt mày không đến nỗi tệ, đem về giúp vui cho đại soái thì ngài sẽ bớt giận ngay.
Gã thứ nhất lại nói:
- Ba chục đàn bà thật chẳng tới phần chúng mình, ngày mai ráng chịu khó thêm đi cướp thêm ít nữa đem về.
Một tên binh sĩ cười nói:
- Liêu cẩu nghe tin chắc chạy hết sạch rồi, muốn đi gặt phải chờ vài ba tháng.
Kiều Phong nghe tới đây lửa giận xông lên, nghĩ bụng hành vi của đám quan quân này xem ra còn kém xa bọn đạo tặc hạng bét trên giang hồ.
Ngay lúc đó, một hài nhi đang nằm trong lòng một người đàn bà Khất Đan đột nhiên khóc ré lên. Người đàn bà giơ tay gạt một tên quan binh Đại Tống, quay lại nhìn đứa con đang khóc. Gã quan quân nổi giận, cầm đứa trẻ vứt xuống đất, sau đó giục ngựa chạy tới, vó ngựa liền giày lên đứa bé, lập tức lòi ruột vỡ bụng ngay. Người đàn bà Khất Đan sợ đến chết trân, không khóc nổi thành tiếng. Bọn quan binh cất tiếng cười sằng sặc, vẫn tiếp tục rầm rập chạy qua.
Trong đời Kiều Phong đã từng chứng kiến nhiều cảnh tàn bạo hung ác nhưng cái cảnh công nhiên tàn sát trẻ con làm vui, đây là lần đầu mới thấy. Ông cực kỳ phẫn nộ nhưng cố nén giận không để phát tác, muốn xem bọn chúng còn giở trò gì rồi mới tính sau.
Đoàn quan quân đó qua rồi, lại có thêm một đoàn hơn chục tên quan binh hùng hổ đi tới. Những tên lính Đại Tống ngồi trên lưng ngựa, giơ cao trường mâu, đầu ngọn giáo nào cũng có xiên một chiếc đầu người máu me bê bết, sau lưng ngựa lại dắt một sợi dây dài, buộc năm người đàn ông Khất Đan. Kiều Phong nhìn trang phục những người bị trói đều chỉ là những dân chúng chăn nuôi tầm thường, hai người tuổi đã cao, tóc bạc da mồi, còn ba người kia thì chỉ là những đứa trẻ chừng mười lăm mười sáu tuổi. Ông trong bụng bồi hồi, bọn quan binh Đại Tống này đi qua cướp bóc, những kẻ tráng niên trong dân du mục Khất Đan đều chạy thoát, chỉ bắt được toàn đàn bà con trẻ và người già yếu mà thôi.
Chỉ nghe một tên quan quân cười nói:
- Chặt được mười bốn cái thủ cấp, bắt sống được năm con chó Liêu, công lao nói nhiều chẳng nhiều nhưng ít cũng chẳng ít, quan thăng một cấp, một trăm lượng bạc thưởng thì là cái chắc rồi.
Lại một người khác nói:
- Lão Cao, phía tây cách đây năm mươi dặm có một thị trấn Khất Đan, ngươi có dám đến đó mà "gặt lúa" không?