Một tuần sau, con trai tôi ra viện, lại có thể chạy nhảy vui đùa.
Tôi bắt buột phải về Thượng Hải ngay, lòng dạ tôi hướng về nơi ấy, những việc ấy, những người ấy.
Hôm trước ngày tôi đi, hình như Hân Hân cũng linh cảm được điều gì, nó cứ khóc suốt.
Thằng bé dính tôi quá rồi, biến thành cái đuôi im lặng theo tôi cả ngày. Khỏi bệnh rồi, nó lại quay về tính cách cố hữu, ít nói ít cười, dáng vẻ yếu đuối, cái mũi hít thở đều đều theo quy luật tự nhiên.
Oán giận chán rồi, tôi lại nhìn khuôn mặt nó mà nghĩ xem đây là trách nhiệm của ai.
Buổi tối, lúc rửa chân, mẹ tôi ngồi bên nói linh tinh đủ thứ chuyện, nói Hân Hân sắp đi học rồi. Tôi im lặng, biết mẹ đang thăm dò ý mình, muốn tôi đưa quyển sổ tiết kiệm cho bà.
Trong sổ có khoảng 200 nghìn tệ, vốn tôi định dành mua một căn hộ ở Thượng Hải. Nhưng nuôi một đứa trẻ từ tiểu học cho đến khi học đại học thì tiền của tôi có lẽ cũng chả còn được bao nhiêu.
Sau đó, bố cũng tham gia, nói con nhà người ta kiếm được tiền cũng đều nhớ đến bố mẹ... nhưng tôi vẫn lì lợm không nói năng gì.
Buổi tối, lúc đi ngủ, thằng bé bỗng đòi ngủ cùng tôi, tôi ngạc nhiên rồi cũng đồng ý.
Thân thể gầy gò, bé nhỏ của thằng bé giống hệt bó đuốc, áp sát vào người tôi. Lúc tôi sắp ngủ thì nó bỗng gọi.
- Hả? - Tôi nhắm mắt đáp mơ hồ.
Nó im lặng rất lâu, tôi đã sắp một lần nữa trôi vào giấc ngủ thì nó mới nói rụt rè:
- Bố, con muốn nghe kể chuyện ạ.
- Ầy... - Tôi nhíu mày, sốt ruột trở mình, cũng chẳng chú ý lắm đến lời nó.
Nó cũng không dám nói gì nữa, im lặng nằm bên cạnh.
Muốn ngủ nhưng không ngủ lại được nữa.
- Hân Hân? - Tôi gọi nhỏ, thử xem nó đã ngủ chưa.
Trẻ con chẳng biết giả vờ, nó nghe tôi gọi liền lập tức quay lại, sung sướng đáp:
- Dạ!
- Sao tự nhiên lại thích nghe kể chuyện?
- Bởi vì... mấy đứa nhà khác, bố chúng nó... đầu hay kể chuyện cho chúng nó nghe! Bố... bố biết kể không?
Thằng bé nói, ngắt quãng không liền mạch được.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy đau lòng, không ngại ngùng gì nữa, ôm chặt nó vào lòng. Tôi nói:
- Bố biết kể chuyện Tam quốc diễn nghĩa ! Có muốn nghe không?
Thằng bé có vẻ không ngờ mình lại được chiều ý, vừa ngạc nhiên vừa sung sướng, liền gật đầu liên tục.
Tôi kr63 cho nó chuyện Thảo Thuyền mượn tên. Có vẻ như câu chuyện quá phức tạp đối với một đứa trẻ bốn tuổi, chỉ một lát, thằng bé đã ngủ say rồi.
Ánh trăng chiếu qua cửa sổ vào phòng, chiếu lên khuôn mặt non nớt của thằng bé, tôi bắt gặp hình ảnh mình thời thơ bé xa xưa...
- Bố, bố phải đi thật ư? - Sáng sớm thằng bé đã hỏi.
- Ừ, nhất định phải đi. - Tôi vừa rửa mặt vừa nói, không quan tâm đến thái độ của nó.
- Phù... - nó buột ra một tiếng thở dài kỳ quái, không hỏi thêm gì nữa.
Lúc ăn cơm, thằng bé bỗng bảo: "Bố, để con tiễn bố" làm tôi vô cùng cảm động, đồng ý ngay.
Cả nhà cùng đi, tôi bế thằng bé. Đến bến tàu, thằng bé bỗng nhìn đăm đăm một ngăn kính cửa hàng bày đầy đồ chơi.
Tôi liền nhờ bố ra mua vé giúp, còn tôi đưa thằng bé vào trong cửa hàng.
- Con thích gì nào, nói đi, bố sẽ mua cho. - Tôi đặt nó xuống nền đất, đẩy đẩy lưng.
Nó không động đậy, cũng không nói gì, chỉ ngây ra nhìn tôi. Dòng nước mũi xanh xanh dưới hai lỗ mũi đã khô đi vì gió thổi, khuôn mặt màu vàng đen, cộng thêm ánh mắt u buồn, đúng y như một thằng nhóc ăn mày.
Tôi nhìn mà phát chán, đang định nói không thích thì thôi đi, thằng bé bỗng lên tiếng:
- Bố, bố kiếm được nhiều tiền lắm rồi ư? - Nó hỏi.
Tôi cảm thấy như kiểu trẻ con dám móc mỉa người lớn. Tôi cười:
- Kiếm được một ít thôi, cũng đủ để mua cho con một món đồ chơi đấy.
- Bố, vậy Hân Hân không cần đồ chơi, Hân Hân muốn bố đừng đi. Bố nói kiếm được tiền bố sẽ không đi nữa mà!
Như ảo thuật, những giọt nước mắt thằng bé lập tức trào ra, nó níu gấu quần tôi mà khóc trông đến tội nghiệp.
Tôi quỳ xuống, bế nó đặt lên đùi, nói ân cần:
- Hân Hân phải ngoan, bố nhất định phải đi. Bố mua cho con một thứ đồ chơi, sau này chơi với nó, con hãy nghĩ như bố đang ở bên cạnh chơi với con vậy, được không?
Thằng bé run lên, miệng mếu máo, mặt mũi lam nhem, cái đầu lắc lư, nước mắt cứ thế trào xuống khuôn mặt đỏ gay. Nghe tôi nói thế, nó nghĩ hồi lâu rồi mới miễn cưỡng gật đầu.
Tôi ôm thằng bé, đứng trước lớp kính tủ hàng giúp nó chọn đồ chơi:
- Khẩu súng này thích không?
Nó lắc đầu, dùng sức hít mạnh nước mũi.
- Còn cái này thì sao? - Tôi chỉ con gấu bông.
Nó lại lắc mạnh đầu.
- Vậy con tự chọn đi, con thích cái gì nào? - Tôi đành để tùy theo sở thích của nó.
- Hu... u... u... hu...
Không ngờ thằng bé nghe thế đột nhiên khóc ầm lên:
- Con muốn bố! Con không thích đồ chơi!! Con muốn bố cơ. Bạn nào cũng có bố mẹ, Hân Hân không có mẹ cũng chẳng có bố... Huu hu... Hân Hân đi nhà trẻ chẳng có bố đến đón... các bạn đều nói Hân Hân là con hoang... Huuu hu..."
Mọi người xung quanh đều đổ dồn mắt về phía chúng tôi, tôi phải vội vàng bế thằng bé chạy ra ngoài.
Ngồi trên ghế phòng đợi ga xe lửa, thằng bé ngồi trên đùi tôi, ra sức ôm tôi không chịu rời, nước mắt nước mũi lem nhem, run lên từng chặp, miệng mếu máo:
- Bố đừng đi! Bố không cần Hân Hân nữa ư? Bố, Hân Hân ngoan lắm, Hân Hân không cần đồ chơi, bố đừng đi nữa bố nhé!
Tôi bỗng nhớ lại cô người yêu Nhậm Đạm Ngọc, vì tôi không dám bỏ ra 100 nghìn mua đôi giày mà giận dữ dỗi hờn. Nếu so sánh giữa tôi và đôi giày thì chắc tôi sẽ thua cuộc thảm thương.
Thằng bé mới bốn tuổi, thằng bé gọi tôi bằng bố. Thằng bé lúc đó khóc ngất đòi dùng vật chất đổi lấy người cha...
Người yêu và con trai.
Tôi ôm chặt thằng bé vào lòng, lần đầu tiên dùng tất cả những tình cảm ấm áp mà tôi có gọi nó hai tiếng: "Con trai..."
Bố tôi đi mua vé về, tìm thấy chúng tôi, lúc này vẫn còn mười phút trước khi lên tàu.
Cả nhà chúng tôi cùng ngồi trên chiếc ghế dài ở phòng chờ, bố ôm Hân Hân, mất bao nhiêu công mới dỗ được nó nín khóc. Mẹ bóc quả quýt, lần lượt đưa cho tôi và con trai tôi. Cả nhà bốn người chúng tôi, trong không khí đầy mùi mồ hôi của dân lao động và mùi chua lờm từ những bãi nôn mửa xú uế, lần đầu tiên thân thiết ở bên nhau.
Trước khi lên tàu, tôi đem quyển sổ tiết kiệm ra đưa cho bố:
- Hân Hân sắp đi học rồi, bố cần bao nhiêu thì cứ lấy.
Tôi nhìn đứa con có lẽ lại sắp khóc, đôi mắt nó đang ầng ậng nước, rồi lại nói:
- Tí nữa nếu cháu lại khóc, ba mẹ mua cho nó món đồ chơi nhé, con thấy nó chẳng có món đồ chơi nào cả.
Bố không ngờ tôi lại đưa quyển sổ tiết kiệm ra vào lúc này, ông sợ đến run rẩy cả tay, miệng lắp bắp nói đồng ý. Ông cẩn thận bọc quyển sổ bằng nhiều lớp giấy báo, nhìn bốn phía xem có ai để ý không rồi mới lén nhét vào trong chiếc mũ màu xanh xám ông vẫn thường dùng để cất tiền.
Mẹ đứng bên liên tục nhắc nhở:
- Ông nhớ cất cho cẩn thận! Mất là Hân Hân nhà mình coi như hết hơi đấy!
Bố càu nhàu bảo biết rồi khổ lắm nói mãi.
Cả nhà cùng đưa tôi lên xe lửa, Hân Hân cứ bám chặt lấy chân tôi không chịu rời.
Tàu sắp chạy, bố vội ôm lấy thằng bé, nó bắt đầu ra sức gào khóc ầm ĩ.
Tôi ngồi vào chỗ mình, không yên tâm nên lại thò đầu ra nhìn nó.
Tàu chạy rồi! Tiếng khóc la vẫn vẳng đến rõ mồn một. Tàu chạy xa dần... Tôi còn kịp nhìn thấy thằng bé ngã lăn xuống sân ga, giơ đôi tay bé nhỏ về phía con tàu mà gào khóc. Bố tôi đang bế xóc nó đứng lên...
Tàu chạy xa rồi, tôi mới rụt đầu vào. Ngồi đối diện tôi là một bác trung niên đeo kính đang đọc báo. Tôi chẳng có việc gì làm liền lấy quả quýt mẹ đưa lúc nãy ra định ăn. Bỗng nhiên bác ta ngẩng mặt lên nói:
- Cậu nhóc nhà cậu dính cậu quá!
Tôi lặng đi hồi lâu, cười và nói đúng thế.
Chẳng ai nói cho tôi biết, nụ cười của tôi lúc ấy đã bắt đầu nhuốm tình phụ tử sâu đậm. Chẳng trách dân gian có câu "Một giọt máu đào hơn ao nước lã". Bất kể lúc đầu căm ghét thằng bé bao nhiêu, bất kể bao nhiêu thất vọng khi nó chào đời, con trai vẫn vĩnh viễn là tài sản quý giá nhất của người cha.
Năm đó, tôi 30 tuổi, khi thằng con trai khóc đòi bố ở lại đừng đi, cuối cùng tôi mới hiểu ra, thậm chí còn thấm thía sâu sắc điều đó.
Vừa đến công ty, tôi đã nhận được điện thoại của anh chàng thư ký Lý Bân, yêu cầu tôi buổi chiều đến ngay công ty của Tào Lợi Hồng gặp ông ta.
Văn phòng của Tào Lợi Hồng đặt ở tầng 23, đây đã là lần thứ n tôi đến đây vì việc phỏng vấn tìm bạn đời rồi. Từ lần đầu tiên gặp Tào Lợi Hồng, tôi đã lập tức xóa bỏ định kiến trước đây rằng Tào Lợi Hồng là loại trọc phú mới nhất.
Viên thư ký mang trà mời tôi, nói máy móc bảo tôi đợi một lát, ông chủ đang có điện thoại gặp khách hàng.
Rồi anh ta bước ra ngoài.
Thư ký của một ông tỉ phú độc thân lại là nam giới, điều này có lẽ làm người ta có phần ngạc nhiên.
Nhìn anh thư ký thông minh, khéo léo và thạo việc của Tào Lợi Hồng mà suy ra, cuộc sống của người đàn ông thành đạt này chắc cũng rất quy củ.
Lúc đó, Tào Lợi Hồng đang ở căn phòng bên trong nói điện thoại, từ chỗ tôi liên tục nghe thấy những tiếng nói vọng đến, không to, nghe không rõ ràng. Tôi, một mình ngồi trong văn phòng rộng lớn, đưa mắt nhìn xung quanh.
Văn phòng được bày biện đơn giản, nhưng đơn giản không có nghĩa là xấu xí. Từ chiếc ghế sa lông tôi ngồi cho đến những vật trang hoàng xung quanh đều được chọn lựa kỹ lưỡng. Giữa khoảng trống nằm giữa chiếc bàn họp hình bầu dục là một hàng cây mà tôi không biết là cây gì, xanh tươi mơn mởn. Đằng sau chiếc bàn họp dán một bức thư pháp, chỉ có một chữ "Hồn". Tôi không biết chữ đó có gì đặc biệt, chỉ cảm thấy cũng khá có ý nghĩa. Linh hồn là thứ luôn gắn kết với sự sống của vạn vật.
Trên tường treo đầy những bức ảnh phóng to, đều chụp lúc Tào Lợi Hồng tham gia khiêu vũ tiêu chuẩn quốc tế.
Lúc này, tôi bỗng đột ngột nghe thấy một tiếng nói âm sắc cao nhưng rắn rỏi từ bên trong vọng ra:
- Tôi đã nói rồi, cho phí mua sách của con trai ông tôi có thể giúp đỡ!
Im lặng trong chốc lát.
- Việc anh cần năm triệu thì miễn bàn! Nói thật với anh, cái công ty đó của anh có thể tuyên bố phá sản được rồi!
Rì rầm rì rầm, rồi lại tiếp tục:
- Được rồi, được rồi, anh đừng kể lể những việc trước đây nữa! Những gì tôi có hôm nay hoàn toàn chẳng liên quan gì đến những ngày ấy cả!
...
- Không cần phải nói tôi không có nghĩa khí hay gì gì đó nữa, tôi nghe chán tai lắm rồi! Được rồi, tôi phải cúp máy đây! Sau này không có việc gì thì đừng gọi điện cho đến trong giờ làm việc của tôi nữa! Thế nhé! Chào.
Im lặng hoàn toàn.
Tôi dùng ba giây để chắp vá những mẫu đàm thoại rời rạc cũng đủ hiểu sự việc. Đại thể là người anh em bằng hữu gì đó trước đây của Tào Lợi Hồng gọi điện thoại đến xin mượn tiền, số tiền quá lớn, họ Tào không cho. Đối phương bèn kể lại những việc trước đây và nhắc đến tình anh em mong cảm động ông ta, nhưng hoàn toàn thất bại.
Tôi nghĩ chắc chắn mười phần thì có đến tám chín phần đúng.
Con người vốn rất thực dụng mà.
Đều là tiền, nhưng một xu và một tỉ lại là hai chuyện rất khác nhau: một xu có thể tách thành hai phần cân bằng, nhưng một tỉ thì vĩnh viễn không thể chia ra.
Bạn bè là dùng để cộng khổ chứ không đồng cam, đó là định nghĩa vĩnh hằng.
Ba giây sau cửa mở, Tào Lợi Hồng bước ra ngoài. Không biết có thể nói ông ta trông tuấn tú hay không, vì đàn ông nhìn đàn ông thường chỉ chú ý đến quyền lực mà đối phương nắm trong tay.
Nếu chỉ nhìn mặt thôi thì ông ta giống một người cha làm giáo viên, hai bên tóc mai ngả màu bạc, uy nghiêm, không thích cười. ông ta không cao, chỉ khoảng trên dưới 1m70, lúc đi lại, đầu luôn luôn ngẩng cao và lưng luôn thẳng. Thế nên kết hợp với bộ Âu phục màu ghi sang trọng và những bối cảnh ông ta xuất hiện thì có thể nhìn thấy rõ ràng Tào Lợi Hồng là một người đàn ông thành đạt.
Nhìn một người đàn ông thành đạt, bỗng dưng làm tôi phản xạ không dám ngẩng đầu lên. Họ đi trên tấm thảm dệt bằng tiền, đối với những người dân bình thường, vĩnh viễn ở một đẳng cấp rất cao rất xa.
Hình như ông ta không ngờ có tôi ngồi ở ngoài, nhìn thấy tôi thì khựng lại một lát rồi lập tức bình tĩnh lại ngay. Ông ta đi nhanh đến:
- Xin chào luật sư Hà! Xin lỗi để anh đợi lâu quá!
Tôi không dám chậm trễ, vội đứng dậy bắt tay ông ta, miệng nói đâu có đâu có, rằng tôi cũng vừa mới đến.
Tào Lợi Hồng nhìn xuống trước mặt tôi, rồi gọi viên thư ký đổi cho tôi tách cà phê. Ông ta vẫn nhớ tôi chỉ thích uống cà phê chứ không dùng trà.
Tào Lợi Hồng vừa nói vào máy, Lý Bân lập tức xuất hiện với hai ly cà phê nóng, tất cả thời gian không quá hai phút.
Trong khoảng thời gian đợi cà phê, Tào Lợi Hồng ngồi trước mặt tôi, giữa thái độ im lặng, mặt không biểu lộ cảm xúc gì, cảm giác của ông ta lại càng khó đoán. Ông ta chìa ra trước mặt tôi bao thuốc, rồi tự mình cũng châm lửa hút, chậm rãi rít một hơi dài.
Ông ta không nói, tất nhiên tôi cũng chẳng biết nói gì. Những mối quan hệ kiểu giữa hai chúng tôi kỵ nhất là nói nhiều hỏi nhiều. Ông ta bỏ tiền, tôi làm việc. Ông ta không chỉ là Thượng đế mà còn là một Thượng đế thân phận đặc biệt, cần bảo mật.
Chỉ có người ngu ngốc nhất mới không đoán được tính tình đối phương, nói năng lộn xộn vào lúc không thích hợp.
Hành động khôn ngoan nhất là giả vờ trầm tĩnh, cho người kia cảm giác mình là người thâm trầm khôn ngoan.
Cà phê được đưa đến, Tào Lợi Hồng mới mở miệng, ông ta đưa ra một bản danh sách:
- Đây là danh sách mười người được vào vòng trong, số còn lại phiền anh an ủi giùm, trong vòng ba ngày khuyên họ quay về.
Ông ta cầm cốc lên:
- Nếu bắt buộc thì anh cứ đưa họ đi vòng vòng Thượng Hải, coi như là lời xin lỗi của tôi.
Tôi "vâng" một tiếng, đưa tay ra nhận tờ danh sách, lướt qua một lượt, bỗng dừng lại ở cái tên cuối cùng, cái tên quen thuộc đến mức làm tôi choáng váng.
Dường như đoán được những suy nghĩ của tôi, Tào Lợi Hồng đứng dậy, giải thích:
- Cô Nhậm Đạm Ngọc này, - ông ta nói, lấy từ trong ngăn kéo bàn ra một cuộn giấy, trên đó viết hàng chữ bằng bút lông "Thiên hạ đệ nhất quan", - thư pháp thật không tồi, một cô gái xinh đẹp lại có thể viết ra những dòng chữ có hồn như thế, chắc cũng không phải là người nông cạn! bây giờ còn mấy cô gái chịu luyện thư pháp? Vậy cô ta nhất định xuất thân từ một gia đình truyền thống gia giáo nghiêm khắc. Vả lại tuy còn khá non nớt, nhưng nhìn kỹ thì những chi tiết nhỏ trong từng nét chữ lại không giống hoàn toàn với bản gốc, chứng tỏ cô ta không phải là con người không có đầu óc. Và tất nhiên lý do quan trọng nhất vẫn là con trai tôi thích cô ta.
Nói đến đây, lần đầu tiên từ lúc bắt đầu cuộc nói chuyện, Tào Lợi Hồng mới mỉm cười, cũng không hoàn toàn có thể gọi đó là nụ cười, bởi vì ông ta chỉ để những cơ thịt quanh miệng nhếch lên một chút.
Tôi muốn đáp trả lại điều gì đó, nhưng lại thấy đầu trống rỗng, hóa ra là Tiểu Nhiễm nói giúp cho Đạm Ngọc, nhưng vì sao? Đầu óc tôi rối loạn, nghĩ đến cái đêm Tiểu Nhiễm gọi điện thoại hẹn Đạm Ngọc ra ngoài...
Nhậm Đạm Ngọc thật sự đẹp như một thiên thần, người đàn ông nào cũng muốn giữa nàng lại cho riêng mình... Xem ra tiền bạc lúc nào cũng có ma lực kinh người.
- Tất nhiên người được chọn cuối cùng tôi vẫn chưa thể nói chắc là ai, tôi thấy mười cô này đều rất xuất sắc, nên tôi sẽ ra một đề thi. Tôi nghĩ rồi, mười cô này sẽ có cơ hội yêu cầu tôi một điều gì đó, tôi sẽ cố gắng hết sức đáp ứng. Từ những yêu cầu họ đưa ra, tôi sẽ có cơ hội nhìn thấy lòng dạ từng người tốt xấu ra sao. Luật sư Hà, việc này anh giúp tôi nhé. Ai có thể trụ lại lâu nhất, đến được bên tôi, điều đó chỉ có trời mới biết. - Tào Lợi Hồng nói vẻ ngưỡng mộ.
Những điều Tào Lợi Hồng nói sau đó, tôi cũng không để ý nghe nữa, cảm thấy như tầng tầng lớp lớp hồ dán dấp dính trong lòng. Trong đầu tôi hiện ra hình ảnh khuôn mặt diễm lệ, đôi mắt trong veo, trên mái tóc là vầng hào quang màu vàng nhạt, ở chỗ tiếp xúc với lông mày, nó hơi uốn cong duyên dáng.
Hận nhất là câu cuối cùng tôi thốt ra trước khi ra khỏi văn phòng của Tào Lợi Hồng:
- Ông Tào yên tâm, giúp ngài làm tốt việc này là nghĩa vụ của tôi.
Nghĩa vụ của tôi, nghĩa vụ của tôi là đem người con gái tôi yêu đặt lên giường tình địch.
... Tôi lại thấy đau buồn - con người bé nhỏ đáng thương.
Gọi A Lam đi uống rượu, mong được giải thoát khỏi những nỗi đau trong lòng.
Nếu như là trước đây, A Lam thế nào cũng nói những câu kiểu như: "Thà rằng cúi đầu trước đồng tiền còn hơn quỳ xuống theo đuổi phụ nữ". Nhưng bây giờ, A Lam đang yêu rồi, cậu A Lam bây giờ cũng đồng cảm được với sự đau khổ của tôi. Dốc ba ly rượu vào miệng, A Lam liền giúp tôi đề ra một mưu kế động trời, tiền trảm hậu tấu:
- Anh cứ giấu đi thôi!
- Giấu như thế nào?
- Ông tỉ phú không phải yêu cầu mỗi cô đề ra một yêu cầu sao? Giấu đừng để Đạm Ngọc biết, anh cứ thay mặt cô ta hét ra yêu cầu nào đó thật ghê gớm vào, để ông tỉ phú phải phản cảm khó chịu, tất nhiên sẽ đánh trượt cô ả ngay.
Tôi nghe thế, vỗ tay hoan hô cho là cao kiến.
Nhưng một người đàn ông, để có thể ở bên người con gái trong lòng mình mà cần đến cái thủ đoạn như thế, thật sự cũng có phần hơi thảm hại.
*****