Đang tiết mùa thu. Lá phong trên núi Tây Sơn đã đỏ hồng. Đầy trời sương trắng.
Hôm nay mười ba tháng chín. Sáng sớm tinh sương. Lý Yến Bắc từ gian công quán thứ mười hai trong ba mươi tòa công quán đi ra. Y cất bước trên đường lớn đầy sương mai mù mịt.
Đêm qua y đã uống một hũ Trúc Diệp Thanh vậy mà y chẳng có vẻ gì nhọc mệt.
Lý Yến Bắc người cao tám thước một tấc. Thân hình khôi ngô cường tráng lại tinh lực dồi dào. Mày rậm mắt sắc, mũi như mũi chim ưng, vẻ mặt rất nghiêm nghị gần đến chỗ khắc nghiệt. Bất luận ai ngó thấy Lý Yến Bắc cũng lộ vẻ nửa tôn kính nửa khiếp sợ. Chính y cũng chẳng bao giờ coi thường mình.
Mười năm trước Lý Yến Bắc đã là một trong những người có quyền lực nhất ở Cổ Thành. Theo sau y cách chừng một trượng, một đoàn người phải chạy gằn, tốc độ mới bằng y đi thong thả.
Trong đoàn người này có Tổng tiêu đầu và tiêu sư ở ba tiêu cục lớn tại kinh thành, có thủ lĩnh và đoàn trưởng hai đoàn nghĩa dũng ở Đông Tây lưỡng thành, lại có cả quản sự ở tiền trang và đại lão bản buôn bán thành công rực rỡ.
Ngoài ra còn mấy người tuy đã ở kinh thành hơn mười năm mà không ai mò ra được lai lịch và thân thế bọn chúng. Đoàn người đều là hạng đứng tuổi giàu có, hoặc thành danh. Chẳng ai muốn lúc sáng sớm đang ở trong nhà ấm cúng ra dầm sương dãi gió ngoài đường. Nhưng mỗi sáng sớm bọn họ phải đi một chuyến như vậy, vì Lý Yến Bắc thích ra đi buổi sáng sớm trong vòng nửa giờ dưới ánh bình minh và trên đường sương mờ theo lộ tuyến nhất định. Địa phương đây chẳng khác gì một vương quốc của họ Lý. Lúc này đầu óc Lý Yến Bắc thật là tỉnh táo, phán đoán mọi việc rất chính xác. Y thích cho bọn bộ hạ thân tín đi theo sau để coi y ban phát hiệu lệnh. Cử động của y đã thành tập quán lâu năm, cũng như những bậc đế vương thiết triều buổi sáng sớm. Bất luận là ai dù thích dù không cũng tuyệt đối không dám trái lệnh. Kể từ ngày Kim Lực Phùng Côn Tổng tiêu đầu ở Trấn Viễn tiêu cục sáng sớm đang nằm trong chăn êm đệm ấm gặp buổi tiết trời cực lạnh bị lôi ra liệng xuống sông nước đóng thành băng ngoài cửa Vĩnh Định, không còn ai dám vắng mặt hoặc dám trễ nữa. Mặt trời chưa mọc, ngọn gió còn đem theo làn khí lạnh lúc đêm khuya. Những cây bên đường lá rụng tả tơi. Nước sưong trên lá đã đọng lại thành một lớp băng mỏng.
Lý Yến Bắc nắm chặt hai tay, rảo bước đi mau trên đường sơn lộ ngoài thành. Y đi tới trước cửa Phi thị khu, bỗng cất tiếng gọi :
- Tôn Xung!
Lập tức một người lớn tuổi mặt trắng để ria mép từ trong đoàn người phía sau lập tức chạy lên. Người này vận y phục rất tề chỉnh và là một đại tướng dưới trướng Lý Yến Bắc. Hắn còn là đường chúa Khoái Y đường nổi tiếng về chế tạo vũ khí và ám khí khắp Trung Nguyên. Lý Yến Bắc vẫn đi mau chứ không bước chậm lại để chờ hắn. Y cũng không thèm liếc mắt ngó hắn lần nào, chỉ sa sầm nét mặt hỏi :
- Có phải ta đã chiếu cố cho ngươi và dặn ngươi trước ngày mười rằm ngươi không được bán nhiều hàng cho khách nữa?
Tôn Xung đáp :
- Phải!
Lý Yến Bắc hỏi :
- Vậy sao tối hôm qua ngươi còn ở trong kho sáu mươi sáu thanh quỷ đầu đao, năm mươi thanh kiếm và bao nhiêu cung tên đều đem ra bán hết?
Tôn Xung cúi đầu, sắc mặt tái mét.
Hiển nhiên hắn không ngờ Lý Yến Bắc biết cả chuyện này. Hắn cúi đầu ấp úng đáp :
- Món hàng này rất lời, gần được một vốn một lãi. Vả lại...
Lý Yến Bắc cười lạt ngắt lời :
- Vả lại buôn bán vẫn là buôn bán phải không?
Tôn Xung không dám trả lời, cúi đầu thấp hơn nữa.
Lý Yến Bắc vẻ mặt ra chiều phẫn nộ, hai tay nắm chặt. Đột nhiên y hỏi :
- Ngươi có biết người mua là ai không?
Tôn Xung ngần ngại lắc đầu, cặp mắt chuyển động ngó lên bốn mặt. Lúc này đoàn người vừa đi vào đường Anh Đào chật hẹp. Các tiệm hai bên đường chưa mở.
Giữa lúc ấy đột nhiên hai bên ngõ hẻm có hai cỗ xe bồng đi ra cản mất lối đi.
Đoàn người phải dừng lại. Tiếp theo, mui xe đột nhiên hất lên. Trong mỗi xe đều ẩn nấp mười mấy đại hán áo đen. Mỗi tên tay cầm cung cứng lắp sẵn tên, dây cung căng thẳng. Tôn Xung toan nhảy lên xe, nhưng cổ tay hắn bị Lý Yến Bắc nắm chặt như đóng đai sắt.
Sắc mặt đã tái xám lại, hắn mở miệng toan hô hoán :
- Không thể...
Nhưng tiếng hô chưa ra khỏi cửa miệng thì tiếng bật dây cung đã vang lên.
Loạn tiễn bắn ra như mưa.
Lý Yến Bắc nằm rạp xuống lưng ngựa, xoay tay lại nắm lấy Tôn Xung giơ lên làm bia đỡ tên. Chỉ trong chớp mắt người Tôn Xung đầy mình bị tên cắm vào như lông nhím.
Lý Yến Bắc quát to một tiếng những muốn nhảy vọt lên xe bồng, không ngờ hàng cung tiến thủ phía trước bắn loạt tên ra rồi, chúng lập tức nằm phục xuống.
Phía sau loạt cung tiến thủ sắp bắn tiếp.
Hai mươi tám cây cung cứng đều lắp tên sẵn chỉ kéo dây cung ra là bắn ngay ra. Lúc này Lý Yến Bắc đứng trơ một mình.
Đoàn người đi theo y được cỗ xe bồng thứ ba đẩy ra ngăn chặn cách ngoài một trượng. Dù Lý Yến Bắc xương đồng da sắt cũng không thể chống lại từng loạt tên bắn ra như mưa. Trải qua mấy trăm phen khổ chiến ngoài hai chục năm, Lý Yến Bắc không ngờ bữa nay sắp lọt vào cạm bẫy của kẻ đối đầu. Cặp mắt y đầy tia máu đổ ngầu, coi chẳng khác mãnh thú lọt vào bẫy của người đi săn.
Chỉ còn chờ tiếng dây cung bật lên là vị đại hào kiệt hùng cứ một phương chốn kinh sư sẽ bị loạn tiễn bắn xuyên thủng ruột gan, chẳng còn cách nào tránh thoát.
Ai ngờ trong khoảng thời gian chớp nhoáng khủng khiếp này, trên thềm nhà phía tây đột nhiên tiếng gió rít lên rùng rợn. Hai tia thanh quang lấp loáng lướt qua hàng dây cương. Những tiếng cách cách vang lên một lúc như hạt châu rơi xuống bàn ngọc. Hai mươi tám cây cường cung đã bị hai lằn thanh quang xẻo đứt dây trong chớp nhoáng. Tiếp theo một tiếng “sột” vang lên. Ánh thanh quang cắm vào cánh cửa mé hữu.
Lý Yến Bắc nhìn lại thì ra hai đồng tiền. Chỉ lực của nhân vật nào mà khủng khiếp đến thế? Với hai đồng tiền người ta đã lia dứt 28 sợi dây cung?
Bọn cung tiến thủ sắc mặt tái mét, đột nhiên lộn người nhảy xuống khỏi xe bồng, chuồn vào trong ngõ hẻm chạy trốn.
Lý Yến Bắc không rượt theo. Bọn cung tiến thủ này không phải là đối tượng của y, tức là không đáng để y ra tay.
Bao nhiêu năm trước Lý Yến Bắc đã biết giết người bừa bãi chẳng thể khiến cho người ta tôn kính và tâm phục mình. Y cất tiếng trầm giọng nói :
- Các vị cứ thong thả mà đi, về báo cho quý chủ nhân hay: Lý Yến Bắc này bữa nay chưa mất mạng, sẽ có ngày đến hội kiến với y.
Trên thềm nhà mé tả, đột nhiên một hồi vỗ tay vang lên, rồi tiếng người cười ha hả nói :
- Hay lắm! Đúng là phong độ người quân tử, bậc hào kiệt, chẳng hổ danh là Nhân Nghĩa Mãn Kinh Hoa Lý Yến Bắc.
Lý Yến Bắc cũng cười đáp :
- Đáng tiếc. Nhân Nghĩa Mãn Kinh Hoa Lý Yến Bắc có ba đầu sáu tay cũng không bằng hai ngón tay Lục Tiểu Phụng.
Một người cười rộ từ trên thềm nhà nhảy xuống. Khuôn mặt vuông vắn nhuộm đầy gió bụi, cặp mắt sáng ngời, lông mày vẫn đen láy như cũ.
Bốn hàng lông mày rõ rệt! Trên đời ngoài Lục Tiểu Phụng bất cứ ai cũng không có hai hàng ria mép xinh đẹp như vậy.
Lục Tiểu Phụng vừa cười vừa hỏi :
- Lý đại hiệp sao biết là tại hạ?
Lý Yến Bắc mỉm cười đáp :
- Dùng chỉ lực phóng kim tiền tiêu bằng hai đồng tiền mà cắt đứt được hai mươi tám sợi dây cung thì ngoài Lục Tiểu Phụng, trên đời còn có ai nữa?
Mặt trời đã mọc lên. Nồi cháo đậu bốc khói nghi ngút dưới ánh dương quang coi chẳng khác gì làn mù dày đặc.
Lục Tiểu Phụng bốc thịt heo quay bỏ vào cháo đậu ăn liền một lúc ba bát.
Chàng thở phào một cái đưa tay lau mồ hôi rồi cười hỏi :
- Ba năm nay tại hạ chưa đến kinh thành, Lý đại hiệp có biết tại hạ nhớ nhất những cái gì?
Lý Yến Bắc mỉm cười hỏi lại :
- Cháo đậu phải không?
Lục Tiểu Phụng cả cười gật đầu đáp :
- Nhớ nhất là cháo đậu, thứ nhì là gan heo nướng, nhất là gan heo ở Oái Tiện Cư. Lại còn bánh bao nhân mặn ở Nhuận Minh lâu.
Lý Yến Bắc hỏi :
- Còn Lý mỗ thì sao?
Lục Tiểu Phụng cười đáp :
- Lúc no bụng mới nhớ đến Lý đại hiệp, còn bụng đói thì quên hết.
Lý Yến Bắc nói :
- Nhưng e rằng công tử không nghĩ tới rằng Lý mỗ có ngày phải chết về tay kẻ khác.
Lục Tiểu Phụng thừa nhận :
- Đúng thế thật. Tại hạ không ngờ Lý huynh lại buông tha cho chúng chạy đi.
Lý Yến Bắc hỏi :
- Công tử tưởng Lý mỗ thích giết người lắm hay sao?
Lục Tiểu Phụng cười đáp :
- Nếu Lý huynh thích giết người thì e rằng không sống được đến ngày nay.
Lý Yến Bắc nói :
- Nhưng công tử...
Lục Tiểu Phụng ngắt lời :
- Nhưng ít ra Lý huynh cũng phải hỏi xem ai đã phái chúng đến mới phải chứ.
Lý Yến Bắc cười đáp :
- Lý mỗ bất tất phải hỏi làm chi.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Lý huynh biết rồi ư?
Lý Yến Bắc mỉm cười nhưng nụ cười không có vẻ khoái trá. Y lạnh lùng đáp :
- Ngoài lão Đỗ ở mé Nam thành thì còn ai lớn mật đến thế.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Có phải Đỗ Đồng Hiên không?
Lý Yến Bắc gật đầu. Trong tay y cầm con ốc nướng bóp nát lúc nào không biết.
Lục Tiểu Phụng lại hỏi :
- Giữa Lý huynh và Đỗ Đồng Hiên mười năm nay không xâm phạm gì đến nhau. Hắn lại biết Lý Huynh chẳng phải là người để cho kẻ khác ám toán một cách dễ dàng mà sao còn mạo hiểm?
Lý Yến Bắc đáp :
- Chỉ vì sáu chục vạn lạng bạc và địa vị của hắn ở mé Nam thành.
Lục Tiểu Phụng không hiểu.
Lý Yến Bắc nói tiếp :
- Lý mỗ đã cùng y đánh cá đặt bàn bằng sáu chục vạn lạng bạc và toàn bộ địa bàn của hắn. Thật là một cuộc đánh cá lớn lao.
Lục Tiểu Phụng không nhịn được hít một hơi chân khí hỏi :
- Các vị đánh cá cái gì?
Lý Yến Bắc đáp :
- Đánh cá về cuộc chiến ngày rằm tháng chín.
Bên tai Lục Tiểu Phụng dường như vang lên câu ca :
“Nguyệt minh chi dạ, Tử Kim chi điện.
Nhất kiếm tây lai, Thiên ngoại phi tiên.”
Lục Tiểu Phụng chớp mắt :
- Có phải cuộc chiến giữa Diệp Cô Thành và Tây Môn Xuy Tuyết không?
Lý Yến Bắc đáp :
- Phải! Trước kia cuộc chiến này định vào ngày rằm tháng tám ở trên ngọn núi Tử Kim nhưng Tây Môn Xuy Tuyết đòi hoãn lại sau đó một tháng nữa.
Lục Tiểu Phụng gật gù :
- Tại hạ đã nghe nói vụ này.
Lý Yến Bắc nói :
- Sau ngày rằm tháng tám không còn ai thấy hành tung của Tây Môn Xuy Tuyết trên chốn giang hồ.
Lý Yến Bắc lại nói :
- Vì thế mà ai cũng xác nhận nhất định Tây Môn Xuy Tuyết khiếp sợ Diệp Cô Thành phải đi ẩn lánh không dám thò mặt ra nữa.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Nhưng Lý huynh biết Tây Môn Xuy Tuyết không phải là hạng người hèn nhát chứ?
Lý Yến Bắc gật đầu đáp :
- Dù ai cũng công nhận nhất định y phải thất bại mà Lý mỗ vẫn cá là y sẽ thắng, bất cứ đặt bàn bao nhiêu.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Cơ hội này dĩ nhiên Đỗ Đồng Hiên không bỏ lỡ đâu.
Lý Yến Bắc đáp :
- Đúng vậy. Hắn đã đánh cá với Lý mỗ.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Hắn đem địa vị của hắn đánh cá với địa vị của Lý huynh hay sao?
Lý Yến Bắc đáp :
- Ngoài lãnh vực của hắn, hắn còn đưa thêm sáu chục vạn lạng bạc.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Tại hạ cũng biết một tháng trước đây có người nguyện ý cá ba đồng ăn hai, nhất định Diệp Cô Thành thắng.
Lý Yến Bắc đáp :
- Hai bữa trước đây họ đã đánh cá hai đồng ăn một. Ai cũng nắm chắc phần thắng về Diệp Cô Thành. Cho đến sáng hôm qua Đỗ Đồng Hiên cũng chắc mẩm mười phần ăn chín.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Tại sao chỉ kể đến sáng hôm qua?
Lý Yến Bắc đáp :
- Vì chiều hôm qua tình thế đột nhiên biến đổi.
Lục Tiểu Phụng “Ồ” một tiếng ra chiều kinh ngạc.
Lý Yến Bắc ngưng thần nhìn chàng hỏi :
- Chẳng lẽ công tử còn chưa nghe tin Diệp Cô Thành đã bị thương?
Lục Tiểu Phụng lắc đầu, lộ vẻ kinh ngạc hơn hỏi :
- Tại sao hắn bị thương? Ai đả thương được hắn?
Lý Yến Bắc đáp :
- Đường Thiên Nghi.
Lục Tiểu Phụng chau mày hỏi :
- Diệp Cô Thành ở hải ngoại từ lâu, sao lại có chuyện xích mích với Đường gia ở đất Thục?
Lý Yến Bắc đáp :
- Nghe nói họ gặp nhau ở khu phụ cận Trương Gia Khẩu, còn vì sao mà xảy cuộc xung đột thì không rõ. Diệp Cô Thành tuy dùng Thiên Ngoại Phi Tiên đánh Đường Thiên Nghi bị trọng thương nhưng chính hắn cũng trúng phải một nắm độc sa của họ Đường.
Đường gia ở đất Thục đã dùng ám khí hay độc dược thì ngoài con cháu họ, trong thiên hạ không còn ai giải trừ được.
Bất luận người nào đã trúng phải độc dược hay ám khí của Đường gia thì dù chẳng chết ngay đương trường cũng không sống được bao lâu nữa.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Nếu đối phương mà chết thì cuộc đánh cá dĩ nhiên thành bỏ phế.
Lục Tiểu Phụng cười lạt đáp :
- Vì thế mà Đỗ Đồng Hiên quyết tâm đẩy Lý mỗ vào đất chết.
Lục Tiểu Phụng thở dài. Vụ này đầu đuôi ra thế nào chàng đã hoàn toàn hiểu rõ.
Lý Yến Bắc lại nói :
- Nghe đồn trong đêm hôm qua, ở kinh thành ít ra là ba mươi người chết về vụ này. Cả Thiết Chưởng Phiên Thiên, nhân vật hộp viện trong Tây Thành Vương Phủ cũng bị ám toán ở hẻm Thiết Sư Tử vì hắn đánh cuộc tám ngàn lạng bạc nhận định Tây Môn Xuy Tuyết sẽ thắng.
Lục Tiểu Phụng thở dài nói :
- Không ngờ vì tám ngàn lạng bạc mà Triệu Thiết Chưởng phải mất mạng.
Đột nhiên chàng cất tiếng hỏi :
- Có ai mắt thấy cuộc chiến giữa Diệp Cô Thành và Đường Thiên Nghi không?
Lý Yến Bắc đáp :
- Không có.
Lục Tiểu Phụng laị hỏi :
- Đã không ai trông thấy thì sao biết là một tin xác thực.
Lý Yến Bắc đáp :
- Ai cũng tin là thực vì người phóng ra tin này tuyệt chẳng bao giờ nói dối.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Tin đó do ai đưa tới?
Lý Yến Bắc đáp :
- Nhà sư chất phác.
Lục Tiểu Phụng không nói nên lời được nữa.
Đối với tin của nhà sư chất phác đưa ra thì bất luận là ai cũng hết cãi.
Lý Yến Bắc lại nói :
- Giữa trưa hôm qua nhà sư chất phác đến kinh thành, tới ngay Nhĩ Đóa Hiên ăn bánh trôi nước. Nhà sư ăn một lúc rồi thở dài sườn sượt.
Lý Yến Bắc lại nói :
- Lúc đó Thiên Môn Tứ Kiếm cũng ngồi ở đó ăn uống hỏi nhà sư vì sao thở dài? Nhà sư chất phác liền đưa tin ra. Những người nghe tin vụ này dĩ nhiên không gặp Thiên Môn Tứ Kiếm.
Lý Yến Bắc lại nói :
- Theo chỗ Lý mỗ biết thì trước ngày rằm tháng chín, ít ra cũng có thêm ba, bốn trăm danh nhân trong võ lâm tới nữa. Trong đám đó ít ra có năm vị Chưởng môn, mười vị Bang chúa, hai, ba chục vị Tổng tiêu đầu. Thậm chí trưởng lão phái Võ Đương là Mộc đạo nhân và bọn Hộ pháp đại sư chùa Thiếu Lâm cũng có mặt. Chỉ người nào bị buộc chân không đi được, còn thì chẳng ai chịu bỏ lỡ không đến coi cuộc chiến này.
Lục Tiểu Phụng đột nhiên đập mạnh tay xuống bàn rồi cười lạt hỏi :
- Người ta muốn coi Tây Môn Xuy Tuyết và Diệp Cô Thành là hạng người nào?
Phải chăng hai nhân vật đó sẽ biến thành khỉ làm trò? Hay là hai con dã cẩu tranh cướp khúc xương ở bên đường?
Những miếng thịt heo ở trên bàn bắn tung lên rồi rớt xuống đất lăn long lóc.
Lý Yến Bắc giật mình kinh hãi giương mắt lên dòm Lục Tiểu Phụng.
Hắn hỏi :
- Chẳng lẽ công tử không phải đến đây để coi cuộc chiến này?
Lục Tiểu Phụng nắm chặt hai tay đáp :
- Tại hạ chỉ hy vọng vĩnh viễn cuộc chiến này không xảy ra.
Lý Yến Bắc nói :
- Nhưng hiện giờ Diệp Cô Thành đã bị thương. Tây Môn Xuy Tuyết chẳng thể nào thua được.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Bất luận ai thắng ai bại cũng vậy mà thôi.
Lý Yến Bắc hỏi :
- Chẳng lẽ công tử không mong cho bạn mình là Tây Môn Xuy Tuyết thắng trận?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Sở dĩ y là bạn của tại hạ nên tại hạ mới không muốn coi y như chó tranh xương, liều mạng với người ta. Tây Môn Xuy Tuyết liệu có thắng không? Dù y thắng thì được ích gì?
Lý Yến Bắc hiểu ý Lục Tiểu Phụng. Y lặng lẽ chú ý nhìn chàng, hồi lâu mới thủng thẳng nói :
- Cuộc chiến này là tự ý hai người muốn khai diễn chứ chẳng ai thúc bách.