Trường Hận Ca Chương 10


Chương 10
Vũ hội

Vũ hội

Trong vũ hội, người cam chịu buồn tẻ, ngồi lặng lẽ cách biệt, đó là Vương Kỳ Dao. Kỳ Dao ngồi giữ một đống áo quần và túi, nở nụ cười độ lượng, nhìn những người đang khiêu vũ, như nói: các anh chị nhảy sai cả rồi, nhưng không sao. Mỗi buổi, Kỳ Dao cũng ra nhảy vài lần, bạn nhảy là những trai gái còn trẻ. Khi đến gần, có thể nghe thấy tiếng chỉ bảo khe khẽ mới biết Kỳ Dao đang dạy họ. Bạn chưa đủ kinh nghiệm để đánh giá bước nhảy của Kỳ Dao, chỉ cảm thấy nàng nhảy rất ung dung, tự tại. Thật không dễ dàng giữ được phong độ ở những nơi thanh niên tụ tập như thế này. ở các vũ trường đều có một vài người ở độ tuổi nàng, có thể là nam hoặc nữ, chuyên đưa vũ hội đi ngược dòng lịch sử. Họ đem đến vũ trường không khí các quý ông, quý bà, quý cô của ba, bốn mươi năm trước, tuy không thuận, nhưng là người hướng dẫn chính của buổi khiêu vũ. Mỗi lần họ ra nhảy, tỏ ra nghiêm túc, động tác không tuỳ tiện. Thoạt nhìn, có thể nghĩ họ coi khiêu vũ như công việc phải làm với tinh thần trách nhiệm. Nhưng xem tiếp, sẽ nhận biết niềm vui trong đáy lòng họ qua mỗi cử chỉ tay chân. Niềm vui đó không giống niềm vui như nước vỡ bờ của cánh thanh niên, mà là dòng chảy trong lòng kênh, không cuồn cuộn nhưng rất hào hứng. So sánh với niềm vui của cánh thanh niên, chỉ có thể gọi là điên cuồng. Lúc đó, bạn có thể thấy nét tuyệt mỹ trong các vũ điệu La-tinh, nó đem những tình cảm tốt đẹp của con người vào trong mỗi động tác được chuẩn mực hoá nghiêm ngặt, được biểu đạt bằng lý trí, cơ hồ hàm chứa triết lý, để hiểu được không dễ. Bởi thế, những người này trong các buổi khiêu vũ ngày nay không tỏ ra lạc lõng. Hồi này, điệu Disco chưa thịnh hành, nhưng cánh trẻ nóng lòng lắm rồi, họ nhảy với phần lớn động tác sơ sài nhưng mạnh mẽ, họ thích những vũ điệu nhanh, bởi dễ che mắt người khác, cũng dễ che mắt mình. Họ quá vội vã chiếm lấy khoái cảm của khiêu vũ, bất kể biết hay không biết, cứ nhảy cái đã. Họ không hiểu đạo lý của sự ràng buộc, ấy là làm cho niềm vui chảy mãi, ngấm ngầm sinh sôi. Họ quá phung phí tiền nong, thu chi luôn luôn bị thâm hụt, kiếm không đủ cho một đêm múa hát. Bởi thế họ cứ liên tiếp đêm này qua đêm khác, tạm ứng niềm vui và kích động tình cảm. Nhưng sự cuồng nhiệt ấy rất có khả năng lây nhiễm, muốn ngồi cũng không yên, tim đập thình thịch, máu trào lên đầu.

Một lần, Ủy ban Mặt trận quận tổ chức vũ hội, Lâm đưa vé về, mấy người cùng đi. Đến đây, Kỳ Dao mới hiểu vũ điệu la-tinh thật sự là thế nào. Khác với những lần thấy ở các vũ hội trước, lần ấy, quá nửa số người dự ở lứa tuổi ngoài năm mươi, họ mặc đồ màu xám hoặc xanh vẫn thường mặc hàng ngày, những người quen ngồi cùng bàn với nhau. Vũ hội tổ chức ở nhà ăn, phảng phất mùi hành mỡ, khói bếp. Sàn nhà bẩn thỉu, vừa mới lau, được rải một lớp bột trơn, trông rất luộm thuộm. Trần nhà thì ám vàng, nhưng chung quanh lại được trang trí hoa văn theo phong cách nghệ thuật Phục hưng, cột trụ cũng theo kiểu La Mã, cửa sổ vòm, thấp sát nền nhà, trông ra vườn hoa. Đèn rực sáng, giá như tối bớt để che những chỗ cũ kỹ kia đi thì hay. Đèn sáng như thế không có gì có thể che được, ngay cả dấu vết của tuổi già trên khuôn mặt, trên tay cũng thấy rõ mồn một. Nhạc nổi lên từ một máy ghi âm bốn loa, rè rè xẹt xẹt, trong căn phòng trống trải tiếng nhạc tỏ ra yếu ớt. Sau một vài đoạn nhạc, một vài đôi ra nhảy chầm chậm. Dưới mái nhà cao rộng, trống trải, con người tỏ ra bé nhỏ tưởng đâu như ở một vương quốc tí hon. Nhưng những con người nhỏ bé ấy đều là những người khiêu vũ có mấy chục năm kinh nghiệm, bước đi rất lão luyện. Họ ngồi im lặng, nhưng tất cả đều chuẩn bị bước vào sàn nhảy. Toàn là những người ba mươi năm không khiêu vũ nhưng vẫn không quên, bởi khi học rất cơ bản, khi tập cũng rất công phu. Tuy là người của vương quốc tí hon, nhưng vẻ mặt lại rất trang nghiêm, có thể gọi là cung kính. Bạn biết họ đang nghĩ gì không? Bạn có thể thấy gì trong mắt họ? Không thể đoán nổi. Trông họ có gì đó vui buồn lẫn lộn, vui gì và buồn gì? Cánh trẻ có phần co lại, không ra nhảy, có nhảy cũng không tự nhiên. Buổi khiêu vũ tối nay bao trùm không khí nặng nề. Những người tóc hoa râm đều là những người không có tuổi, không cổ không kim, phòng khiêu vũ này cũng không cổ không kim. Vũ điệu la-tinh thật ghê gớm, nó có khả năng xuyên suốt đường hầm thời gian, dù là cũ, là già, là luộm thuộm, là bể dâu, nó có nền móng vững chãi, biến cái mục nát thành thần kỳ, thành cao thượng. 

Kỳ Dao khẽ giục mọi người ra nhảy, còn mình ngồi một chỗ. Một làn gió nhẹ từ cửa sổ thổi vào. Nhìn cảnh tượng trước mắt, nàng thấy giống như ba mươi năm trước, duy chỉ phủ một lớp bụi của ba mươi năm, có phần ảm đạm. Tưởng đâu Kỳ Dao nhìn thấy lớp bụi trên những tấm màn gió kia đang nhẹ rơi xuống bức tranh trước mắt rồi tan biến. Cánh trẻ dần dần vào sàn nhảy, màu sắc bức tranh tươi tắn hơn. Có vài người mặc lễ phục, tuy không hài hoà với chung quanh, mà nhảy cũng chẳng ra sao, nhưng với trang phục sang trọng vẫn thu hút  ánh mắt mọi người. Tuổi trẻ cũng được chú ý, chỉ với mấy điểm ấy thôi đã đủ làm cho không khí vũ hội thêm sinh động. Có chút gì đó rối loạn, rõ ràng đã nhảy sai nhịp, nhưng rồi vẫn tiếp tục nhảy cho đến khi bản nhạc kết thúc. Có người cho rằng, bước nhảy chỉ là bước đi, thế là ngang dọc chồng chéo, cả sàn nhảy đi như con thoi. Đang nhảy thì có hai người mang nước ngọt vào, gọi mọi người đến lĩnh theo vé vào cửa. Thế là nhiều người vội vã băng qua sàn, nơi có những đôi đang nhảy để đi lĩnh nước ngọt. Tiếng mở nút chai lốp bốp rộ lên. Lại có người tự ý đến bên cassette tắt bản nhạc đang nhảy, thay vào đó một băng nhạc của mình đưa đến, khiến mọi người không biết nên nhảy ra sao nữa. Được thôi, ngay cả những bản nhạc dân gian miền núi cũng thành những điệu tăng-gô, còn những người nhảy theo nhạc cổ điển vừa rồi như đàn chim tan tác khắp nơi. Bỗng có người đến mời Kỳ Dao nhảy, đó là một người lớn tuổi. Lúc này buổi khiêu vũ sắp đến hồi kết thúc, sôi nổi hơn, không phân biệt ai với ai, tất cả như nhau. Nàng được từ từ dẫn vào sàn nhảy, chung quanh toàn là người và người, nhưng không ai nhìn ai, tất cả đều chìm trong bước nhảy của mình. Tuy là một bản nhạc, nhưng mỗi người nhảy một kiểu. Bước nhảy của vị cao tuổi này như ngập ngừng, một lát sau mới nhận ra tiết tấu. Trong không khí sôi nổi, những bước nhảy như thế chẳng khác nào bãi đá ngầm bất động giữa biển khơi. Từ bước nhảy của vị này, Kỳ Dao nhận ra ông thuộc loại người nào, là một con người sống rất quy củ, nền nếp, gia đình giàu có, lấy một bà vợ hiền lành, vì phải ứng phó mới vào sàn nhảy. Hồi đó những bậc cha mẹ lo lắng gả chồng con gái đều nhắm vào những người như thế này. Ngày nay thì, đầu tóc ông đã hoa râm, trang phục cũng đổi thay. Nhạc vừa  dứt, ông nhẹ nhàng nắm tay nàng đưa về chỗ, rồi buông tay, khẽ gật đầu quay đi chỗ khác. Cuối cùng, bản nhạc “Lên đường bình an” vang lên.

Ngoài vũ hội do các đơn vị tổ chức còn có các buổi vũ hội gia đình. Nhà nào rộng một chút, có cassette là có thể tổ chức vũ hội. Thẩm, anh bạn trai mới của Trương Vĩnh Hồng thường tổ chức những buổi vũ hội như thế, không phải tổ chức ở nhà mình, mà là ở nhà bạn cậu ta. Một lần, anh ta mời Kỳ Dao đến dự, bảo là đến dạy mọi người nhảy. Kỳ Dao nói mình không biết nhưng rồi cũng đi dự. Cậu bạn của Thẩm ở ngay trong khu chung cư Alice, cũng tầng một, chỉ cách vài dãy nhà. Tuy là buổi tối, chung quanh đã thay đổi nhiều, nhưng vừa bước vào cổng Kỳ Dao nhận ra ngay. Nàng lấy làm lạ tại sao bao nhiêu năm nay mình không trở lại nơi này lấy một lần, nếu tối nay không đến dự khiêu vũ, chắc rằng cả đời cũng sẽ không trở lại. Chỉ cách ba, bốn trạm xe buýt tưởng đâu cách núi cách sông. Có lúc nghĩ đến chung cư Alice như nghĩ đến kiếp trước. Nhà cậu bạn của Thẩm tuy ở tầng một, các căn phòng trong nhà cũng khác, có đến hai phòng ngủ, phòng khách có thêm một góc phụ nữa. Bố mẹ, chị em cậu ta đều đi Hồng Công, chỉ còn cậu ở lại Thượng Hải, căn hộ tuy đầy đủ bếp nước, nhà vệ sinh, nhưng không hề có mùi khói bếp. Khách đến cậu ta cũng không đun nước mà bày sẵn một bàn bia và nước ngọt. Đã có mấy cặp đến trước, họ đang chậm rãi khiêu vũ trong tiếng nhạc. Không biết ai là chủ, ai là khách, mọi người như quen nhau cả, tự vào lấy đá ở tủ lạnh, nghe tiếng chuông ai cũng có thể ra mở cửa, người đến như về nhà mình vậy. Thậm chí có người không thích khiêu vũ, cứ thế vào phòng nằm ngủ. Bảo là mời  Kỳ Dao dạy khiêu vũ nhưng có ai học đâu, tất cả đều biết nhảy. Thoạt đầu, Kỳ Dao có phần bỡ ngỡ, sau rồi thấy ai cũng chỉ chú ý đến mình, nàng cũng thoải mái hơn, với tư thế chủ nhà, vào bếp nấu nước rót vào phích, tìm trà, pha trà rồi ra ngồi một góc. Có thêm mấy người nữa cùng pha trà nhưng không hỏi ai đã đun nước, cứ như nước sôi từ trên trời rơi xuống vậy. Lúc này, trong phòng có chừng hai chục người, có người đến tắt bớt vài ngọn đèn, chỉ để một ngọn đèn bàn, mờ mờ ảo ảo, bóng người in lên tường, tối như rừng sâu. Kỳ Dao ngồi trong bóng tối, bởi không ai chú ý nên cảm thấy rất tự nhiên. Nàng nghĩ, cuối cùng mình đã trở về Alice, nhưng là một Alice khác, mà Vương Kỳ Dao cũng là Vương Kỳ Dao khác rồi.

Kỳ Dao ngồi trên sofa, ly trà trong tay đã nguội. Bóng nàng trong dày đặc bóng người khác, tan lẫn, tưởng đâu sắp quên cả bản thân. Phải nói rằng nàng là trung tâm của buổi vũ hội! Đừng nghĩ tối nay nàng là người duy nhất không ra nhảy, âm nhạc chỉ là cái vỏ, là xác ve mà Johann Strauss(15) lột bỏ từ trăm năm nay, vun lại sẽ thành một đống lớn. Những bước xoay tròn làm những tấm váy tung nở như đoá hoa sen, dù là trăm vòng cùng bằng không, chỉ có gió, không chút lãng mạn. Không còn hình bóng lãng mạn, chỉ còn lại trong ký ức, còn lại rất ít trong lòng một vài người, mà nàng là một. Đó là chút hoài niệm, đâu có thể chịu đựng nổi sự dằn vặt, giày vò ghê gớm này. Vũ hội ơi, không có vũ hội lại tốt hơn, tất cả không còn như ngày xưa. Tựa như một ngôi mộ cổ, không khai quật vẫn hơn, khai quật rồi, gặp gió là tan ngay. Những phút nhạc tạm ngừng, nàng nghe rõ tiếng xe điện từ ngoài cửa sổ vọng vào, từ phía Bách Lạc Môn vọng tới, nàng nghĩ: đây là đêm Alice chăng?  

6  Đi du lịch  

Lâm nhận được giấy báo trúng tuyển đại học; để chúc mừng, Kỳ Dao lấy tiền, bảo Lâm đưa Vi Vi đi chơi Hàng Châu mấy hôm. Lâm nói:

- Tại sao bác không đi?

Kỳ Dao nghĩ, Hàng Châu tuy không xa Thượng Hải, nhưng chưa đi bao giờ, nên chuẩn bị đi cùng. Trước khi đi, nhân lúc Vi Vi đi làm, Kỳ Dao gọi Lâm đến nhà, đưa cho anh sợi dây chuyền vàng, bảo ra Ngân hàng Trung Quốc để đổi lấy tiền và dặn anh đừng nói gì với Vi Vi. Bây giờ Kỳ Dao tin Lâm hơn tin con gái, có việc gì cũng bàn bạc với Lâm, hỏi ý Lâm. Còn Lâm, chuyện gì cũng nói với Kỳ Dao. Với Vi Vi thì chơi đùa vui vẻ, có điều gì buồn chỉ muốn thổ lộ với Kỳ Dao để mong được sự an ủi. Trong lòng, Lâm xem Kỳ Dao là bạn hơn là mẹ vợ tương lai. Nàng cũng xem anh là nửa bạn hữu, thậm chí không để ý đến tuổi tác của Lâm, thường nói chuyện tâm tình của mình. Đưa sợi dây chuyền vàng cho Lâm, Kỳ Dao do dự giây lát: nên nói với Lâm nguồn gốc của món tài sản này không, đó là điều bí mật lớn? Mấy chục năm gần đây, Kỳ Dao có biết bao nhiêu điều bí mật! Nghe tiếng chân Lâm đi xuống cầu thang, gần trưa anh mới về và đưa cho Kỳ Dao một xấp tiền, thế là những việc xưa giấu kín như được đổi thành hiện tại, không cần phải nói ra, mà Lâm cũng chẳng hỏi han gì. ở thành phố này của cải là điều bí mật, không ai nói với ai. Với người gốc Thượng Hải như Lâm tất nhiên hiểu rõ điều ấy. Kỳ Dao giữ anh ở lại ăn cơm trưa xong mới cho về.

Ba ngày ở chơi Hàng Châu, Kỳ Dao cố làm ra vẻ thích thú. Sáng nào cũng dậy thật sớm, ra khỏi khách sạn đi một vòng. Khách sạn ngay bên Tây hồ, Kỳ Dao đi ven hồ, đến tận đê Bạch, cho đến khi ánh nắng chói chang mặt hồ, người lấm tấm mồ hôi mới quay về. Dọc đường gặp Vi Vi và Lâm, hai người đang đi dạo. Kỳ Dao chỉ nói: “mẹ chờ về ăn sáng đấy nhé” thế rồi về luôn. Lúc này, trong buồng tắm vẫn còn nước nóng, Kỳ Dao đi tắm, thay áo quần, xuống nhà ăn ngồi một lát thì hai người về. Ban ngày, cứ ba hoạt động thì Kỳ Dao vắng một, buổi tối để hai người hoàn toàn tự do. Tận mười hai giờ Vi Vi mới về phòng, nghe tiếng kẹt cửa, Kỳ Dao nhắm mắt vờ ngủ. Vi Vi xả nước tắm, đánh răng, bật đèn, tắt đèn, lên giường, chỉ chốc lát là ngủ say, tiếng ngáy se sẽ. Đến lúc ấy Kỳ Dao mới dám trở mình, mở mắt, đôi mắt nhắm đến mệt mỏi! Thật ra, căn phòng cũng rất sáng, nhìn rõ tất cả, ánh sáng nhè nhẹ lay động, đó là ánh phản chiếu từ mặt hồ. Kỳ Dao nhớ lại vùng núi non, suối khe chỉ có tiếng chim hót mà ban ngày đến chơi, nghĩ: mình đến đấy làm một nữ ẩn sĩ thì sao nhỉ? Không còn trông thấy mọi việc ở đời, khỏi phải bận lòng, tuyệt biết bao! Nơi ít có dấu chân người ấy, trăm năm cũng như một ngày, không có quá khứ mà cũng chẳng có tương lai, cũng tốt. Nhưng lại nghĩ: bây giờ đi làm ẩn sĩ thì đã muộn, đã phải trả giá nửa cuộc đời rồi, lẽ nào phí hoài? Tất cả không đem lại kết quả gì sao? Há chẳng phải thiệt thòi lớn, chẳng phải bỏ phí nửa quãng đường? Nghĩ lại, sẽ ích gì! Dòng suy nghĩ lan man, vẩn vơ, không đâu vào đâu, thế rồi ngủ đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau, mở mắt ra đã thấy căn phòng sáng choang, không thấy Vi Vi đâu mới biết mình ngủ quá giấc. Nhưng chẳng vội gì, nhắm mắt một lát nữa rồi dậy rửa mặt chải đầu, xuống nhà ăn, chờ hai người kia. Chờ mãi không thấy, nhà ăn đang dọn dẹp, Kỳ Dao phải vội vàng ăn cho xong. Ra phòng ngoài ngồi chờ, vẫn không thấy đâu. Rồi ra cửa chờ. Mặt hồ đã có người, trên đê cũng có bóng người dạo chơi. Một vài gợn mây trên bầu trời cũng tan ngay. Ve kêu, vẫn không thấy hai người về.

Sáng hôm đó, Vi Vi và Lâm đến công viên Sáu uống trà, rồi thuê thuyền đi chơi trên hồ, mãi đến tận mười hai giờ trưa mới về khách sạn. Tưởng đâu sẽ gặp mẹ ở nhà ăn, nhưng không, hai người ăn xong rồi lên phòng lấy đồ đạc. Vì Lâm ở chung phòng với một người khác, nên hành lý để cả ở buồng Kỳ Dao. Vào phòng, bất chợt thấy Kỳ Dao đang tựa đầu giường xem truyện tranh, bên cạnh còn mấy cuốn nữa. Tưởng trong phòng không có ai, hai người giật mình, rồi Lâm hỏi:

- Bác chưa ăn cơm ạ?

Kỳ Dao làm như không nghe thấy, mắt vẫn chăm chú xem, tay lật giờ từng trang, nét mặt tươi cười. Vi Vi lấy áo quần vào phòng tắm thay, Lâm lại hỏi:

- Chiều này bác có đi xem trúc vuông ở động Hoàng Long không ạ?

Kỳ Dao trả lời:

- Không đi!

  Chợt nụ cười trên khuôn mặt không còn. Ngừng giây lát, Lâm giải thích:

- Sáng nay cháu với Vi Vi đi dạo trên đê, đi quá xa rồi không kịp về ăn sáng.

Nghe nói thế, Kỳ Dao bực lắm, mắt đỏ lên, lát sau mới nói:

- Cô cũng đi dạo - Kỳ Dao bực mình, sợ tỏ ra đáng thương, liền nói thêm: Cháu không phải giải thích nhiều với cô.

Lúc này Vi Vi ở buồng tắm ra, hỏi thẳng Lâm:

- Có đi không? Vi Vi không nhìn mẹ, làm như không có mẹ ở đấy, Kỳ Dao rời trang sách, nhìn Vi Vi, nói:

- Con nói với ai đấy?

Vi Vi bị mẹ hỏi, quay sang lườm mẹ:

- Không nói với mẹ!

Kỳ Dao cười nhạt:

- Con không nói với mẹ thì nói với ai? Con đừng tưởng đã có bạn trai rồi không còn xem ai ra gì, có thể dựa vào bạn đấy phỏng? Sau này lấy chồng rồi có điều gì lại chạy về nhà mẹ, bây giờ chưa tin đâu, nhưng cứ nhớ lấy!

Những lời nói thẳng thắn của Kỳ Dao làm Vi Vi bối rối, nói:

- Ai có bạn trai? Ai không xem người khác ra gì? Mẹ nói đi, có đi động Hoàng Long không thì bảo! Con không đi nữa!

Nói xong, Vi Vi ngồi phịch xuống giường đối diện, hai chân bắt chéo, trông như vào cuộc đàm phán tay đôi. Xưa nay hai mẹ con nhà này không phân biệt tôn ti trên dưới, người khác bảo họ như hai chị em, không chỉ vì Kỳ Dao trông rất trẻ. Thường ngày hai mẹ con vẫn cãi nhau, Lâm đã mấy lần bắt gặp. Nhưng hôm nay khác với mọi bận, tưởng đâu vô can vô cớ, không cãi nhau không được, thật ra có nguyên nhân, một khi đã bực lên rồi cũng khó mà giữ lại nổi. Lâm thấy hai mẹ con gay gắt với nhau liền đến lôi Vi Vi đi, Vi Vi vứt tay Lâm ra:

- Anh thì được cái lúc nào cũng bênh, bà ấy là gì của anh nào?

Chưa nói hết câu thì Vi Vi bị ngay một cái tát của mẹ. Vi Vi chỉ dám cãi lại chứ không dám đánh lại mẹ, uất quá, cuối cùng chỉ còn biết khóc. Lâm kéo Vi Vi đi ra ngoài, vừa đi Vi Vi vừa đáp lại:

- Các người cố kết với nhau bắt nạt tôi ...

Chiều hôm ấy không ai đi chơi. Nắng đẹp, cảnh hồ nước và núi non đẹp trôi qua trong ấm ức và sụt sùi.

Lâm đưa Vi Vi về phòng mình, người ở cùng phòng đi vắng, anh được tự do dỗ dành, khuyên nhủ. Vi Vi làm ồn lên một lúc rồi bình tĩnh trở lại, ngước cặp mắt đầy nước lên, nói:

- Anh xem đấy, hôm nay em không đúng hay mẹ em không đúng?

Lâm lau nước mắt cho Vi Vi, nói:

- Là mẹ mình thì có gì là đúng với không đúng? Không đúng cũng là mẹ kia mà!

- Cứ như anh nói thì ở đời này không còn gì là đúng sai nữa!

Lâm cười:

- Anh có nói “ở đời” đâu - Im lặng một lúc, rồi tiếp - Cũng thật thương mẹ...

- Thương, có gì đáng thương nào?

Lâm không tranh luận, chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ. Lát sau, Vi Vi vênh mặt quay lại, hỏi:

- Anh yêu mẹ hay yêu em đây?

Với vẻ trịnh trọng của Vi Vi làm cho câu chuyện rất vớ vẩn trở nên nghiêm túc. Lâm hôn Vi Vi, rồi hỏi lại:

- Anh có phải trả lời em không?

Vi Vi cười, xẩu hổ, úp mặt xuống gối không để Lâm trông thấy. Hai người mải nói chuyện, thời gian trôi nhanh, đã đến giờ ăn tối, Lâm nói với Vi Vi:

- Chúng mình đi mời mẹ ăn cơm, em phải tươi lên.

Vi Vi phụng phịu:

- Em không biết tươi.

Hai người chuẩn bị đi ra thì có tiếng gõ cửa, thì ra Kỳ Dao. Nàng đã thay đồ, tay xách ví, vẻ mặt bình tĩnh, bảo cùng với hai người đi ăn tiệm ngoài. Chờ cho hai người chuẩn bị, rồi cả ba cùng đi xuống gác.

ánh nắng buông xuống đường phố, dát vàng cả Hàng Châu. Xe đạp đi như cá lội. Mặt hồ tĩnh lặng, du khách đã lên bờ, chỉ lác đác vài ba chiếc thuyền còn lênh đênh trên mặt nước. Có chiếc thuyền bơi sát bờ, nhìn ánh mắt người đi trên đường, có vẻ ngạc nhiên. Lúc này bầu trời rất đẹp, nắng chiều nhuộm mây thành tám màu, phủ đến tận chân trời.  Lâm bảo để chụp ảnh, anh chụp cho một người, rồi cho hai người, bầu trời cũng trở nên trong sáng. Vào nhà hàng ba người cùng ngồi, Kỳ Dao để con gái và Lâm gọi món, còn mình không nói gì. Vi Vi nguôi giận, trở nên hoạt bát, nói huyên thiên, nàng cũng nói thêm vài câu, quên những chuyện trưa nay. Lâm thì như được cởi trói, thở phào nhẹ nhõm. Anh vừa rót bia cho hai mẹ con, vừa nói rất thành thật:

- Vi Vi, em nâng cốc chúc mẹ đi, mẹ phải vất vả nuôi em lớn đến ngày nay!

Vi Vi nói vui:

- Mẹ em muốn thế mà, em đâu bắt mẹ sinh ra em!

Kỳ Dao cười, nói:

- Thì mẹ cần có con vậy, được chưa nào!

Lâm nói:

- Cháu chúc bác, bác phải tốn bao nhiêu tiền cho chuyến đi này.

Không ngờ, nghe thấy thế Kỳ Dao biến sắc, tuy vẫn cười, nhưng tỏ ra lạnh lùng. Kỳ Dao uống chút rượu, chỉ ăn, không nói gì. Vi Vi không nhận ra, Lâm thấy áy náy như mình có điều gì không phải, nhưng lại không biết là điều gì. Suốt nửa ngày hôm nay Lâm phải mất công mất sức để hoà giải cho mẹ con Vi Vi, bây giờ lại thế, thì ra công cốc. Lâm tỏ ra nản lòng, chỉ buồn bã ngồi ăn và uống rượu. Chỉ có Vi Vi nói nhiều, rất phấn khởi, không để ý đến ai. Bữa ăn chỉ có Vi Vi là vui.

Buổi tối, chỉ một mình Kỳ Dao về phòng, cũng chẳng có việc gì  làm, liền thu xếp hành lý ngày mai về. Đang thu xếp thì bật cười, nghĩ bụng: vậy ra mình là ngân hàng! Chốc lát lại tự hỏi: mình là gì? Nàng thôi không thu xếp đồ đạc nữa, quyết định đi tắm. Vẫn chưa có nước nóng, hơi từ vòi nước phun ra phì phì. Kỳ Dao cứ mở vòi, trở về phòng nằm, chợt ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy thì nghe thấy tiếng nước chảy, hơi nóng từ buồng tắm tràn vào mù mịt cả phòng ngủ.

Hôm sau, mọi người đi chuyến tàu chiều về Thượng Hải, về đến ga Bắc đã mười giờ, sân ga ồn ào, đèn đường dọc ngang, ánh sáng vàng vọt toả trên đầu đám người đang nhốn nháo, chen chúc. Vi Vi và Lâm đi trước, Kỳ Dao theo sau, chốc chốc Lâm lại quay lại, hỏi mẹ vợ tương lai xách đồ có nặng không, có đi được không. Nàng trả lời được, nghĩ bụng mình chưa già đến nỗi nào. Họ đi qua sân ga, ra đến đường cái, vẫn là dòng người không đầu không cuối. Nhưng rồi cũng về đến nhà. Mới đi có ba bốn hôm mà nhà đã đầy bụi, mấy con bướm gạo bay đây đó.

7  Lễ Giáng sinh

Năm ấy, một số phòng khách gia đình của Thượng Hải tổ chức lễ Giáng sinh. Đêm Giáng sinh, đèn trong các gia đình ấy sáng đến quá mười hai giờ. Tiếng hát thánh ca theo tiếng dương cầm, thâu đêm suốt sáng. Những đêm như thế thể nào cũng có ăn uống, nhưng vì có nến và thánh ca nên ăn uống không quá chén, quá bát. Nói chung, không có cây thông Giáng sinh, không mua được ở đâu. Chuông nửa đêm là tiếng chuông báo giờ nghe qua đài, đêm yên tĩnh có phần cô quạnh nhưng làm cho đêm Giáng sinh thêm độc đáo. Kỳ thực, những gia đình tổ chức Giáng sinh không nhất thiết là tín đồ của Chúa trời, giá có hỏi họ về chuyện Giê-su thì cũng chỉ trả lời được một vài câu. Phần lớn họ hiểu lễ Giáng sinh qua những tấm thiếp mừng từ nước ngoài gửi về. E rằng những tín đồ trước kia được thụ giảng về giáo lý nay không còn nhớ đến lễ Giáng sinh nữa. Họ đều đã già nua ốm yếu, một số thì lưu lạc, khô đạo. Chỉ có những nhân vật thời thượng nhất ở thành phố này tổ chức Giáng sinh. ánh mắt sắc sảo của những nhân vật ấy nhìn vào từng ngóc ngách của thành phố, thành phố này thiếu gì họ cũng biết. Họ tích cực thúc đẩy thành phố đến với trào lưu mới, kết thúc một thời thành phố lìa đàn xa bạn. Lễ giáng sinh năm nay không khỏi tẻ nhạt, nhưng vẫn có thể nhận biết sự tận tình cố gắng của nó. Bát đĩa đẹp nhất được đem ra, khăn bàn mới được trải lên, hoa hồng được cắm vào bình, khách đến, nhất loạt thời thượng, thoáng nhìn đã biết ngay đó là chủ nhân của thành phố. Câu đầu tiên khi bước vào cửa là “Chúc mừng Giáng sinh”, họ cũng là chủ nhân của lễ Giáng sinh. Trời se lạnh, lại không có lò sưởi, nhưng vì vui nên chẳng ai để ý, mặc toàn áo quần mùa xuân. Ăn một vài thứ gì đó, rồi khiêu vũ, người nóng lên, thật thoải mái.

Đêm Giáng sinh bắt đầu từ chín giờ tối. Lúc này mọi người đã chuẩn bị đi ngủ, những người đi chơi cũng vội về, vũ hội cũng đã được một nửa thời gian, nhưng ở đây vẫn đón khách. Đợi cho cửa sổ nhà bên không còn ánh đèn, cảnh lộng lẫy trong các phòng khách như ngọn đèn chỉ đường, thành phố này không còn mất phương hướng.

Năm ấy, thành phố như miếng bọt biển khô kiệt lâu ngày, nay được nở tung, có bao nhiêu niềm vui thu nhận bằng hết, nhưng vẫn chưa đủ. Hãy nhìn bầu trời đêm trên những ngôi nhà cao tầng, vẫn tối nhiều sáng ít, bên trong những ô cửa sổ khép kín, phần lớn đang ngủ, chỉ một chút niềm vui chưa đủ cho mọi người. Chút ít niềm vui lướt nhanh qua các phố, chỉ đủ thấm mặt đường. Bạn không thể biết thành phố này cần bao nhiêu niềm vui. Những phòng khách kia, cũ đấy, nhưng vẫn còn dùng được, vẫn chứa đựng được một đêm Giáng sinh, cho mọi người múa hát ở nơi đây. Tiếng dương cầm không chuẩn, nhưng đó là dương cầm nhãn hiệu Strauss ngày xưa. Những người thợ chỉnh đàn đâu rồi? Hãy kiên nhẫn tìm lại họ, để họ trở về với nghề cũ, những chiếc dương cầm cũ của thành phố này đang đợi chờ những người ấy. Bằng không, lễ giáng sinh sẽ thế nào? Còn rất nhiều bản sonat và dạ khúc sẽ ra sao?

Vi Vi cùng Lâm đến dự lễ Giáng sinh ở nhà bạn, Kỳ Dao ở nhà một mình. Kỳ Dao nghĩ bụng, đêm tối như mực thế này lễ Giáng sinh sẽ ra sao? Nàng ngồi dưới đèn, đan áo trẻ con, chung quanh hẻm thật yên tĩnh, tiếng người thường ngày không còn, lẽ nào đi dự Giáng sinh cả rồi? Nghe thấy tiếng chuông vang lên, đếm được mười tiếng mới biết đêm đã khuya. Nàng nghĩ, lễ Giáng sinh thật vô nghĩa, tụ tập nhau lại nghe đồng hồ điểm mười hai tiếng, có ngày nào đồng hồ không điểm? Kỳ Dao lên giường đi ngủ, không biết Vi Vi về từ lúc nào. Sáng dậy đi chợ mới thấy con gái đang ngủ say, đôi ủng vừa mua vứt lăn lóc ở chân giường, áo quần cũng bừa bãi, đúng là một đêm vui cuồng nhiệt. Kỳ Dao nhẹ nhàng xuống gác, đèn đường cũng vừa tắt, trời vẫn chưa sáng hẳn, sắp có tuyết, vẻ uể oải sau một đêm mất ngủ. Trên đường, người đi vội vã, Kỳ Dao nhận ra dấu vết của một đêm Giáng sinh trên khuôn mặt những người đang đi tới. Mọi người đều dự lễ, chỉ riêng mình không, nhưng nàng chẳng quan tâm. Nàng mua thức ăn, lấy sữa, mua nước chấm, quẩy ... rồi về. Dọc đường gặp nhiều trẻ em đi học, mặt đỏ ửng vì rét, điểm tâm bằng cái rét buốt. Có thể bố mẹ chúng cũng vừa đi dự lễ Giáng sinh về, chưa kịp nấu bữa sáng cho chúng. Mặt trời trong u ám, lộ chút ánh sáng nặng nề, ngưng trệ. Kỳ Dao về đến nhà, nhà vẫn như lúc đi, Vi Vi vẫn trùm kín chăn mà ngủ. Mùi gì vừa chua vừa ngọt từ nhà bên bay sang khiến lòng bối rối. Kỳ Dao nhớ ra, hôm nay là ngày nghỉ của Vi Vi, không biết nó sẽ ngủ đến mấy giờ. Thế là Kỳ Dao vào bếp, nấu cơm sáng. Qua cửa sổ thấy nhà bên đang ra ra vào vào, thu dọn nhà cửa. ở một cửa sổ khác, đang thò ra một sào áo quần sạch, cánh cửa sổ lại được khép lại. Những áo quần kia trong giá lạnh sẽ không khô nổi. Người đưa báo đến, tiếng chuông xe đạp leng keng. Trong hẻm ồn ào, một ngày bắt đầu.

Vi Vi ngủ đến tận trưa vẫn không dậy, bỏ hai bữa ăn. Kỳ Dao không muốn tốn lời với con gái, cứ mặc cho ngủ. Khoảng một giờ, Vĩnh Hồng đến. Vi Vi trở mình, mở mắt, người vẫn quấn trong chăn, nghe mẹ nói chuyện với Hồng, nhưng cũng mặc. ít khi Kỳ Dao thấy con gái yên tĩnh như thế, hỏi có ăm cơm không, Vi Vi trả lời không ăn. Được ngủ đẫy giấc, mặt Vi Vi ửng đỏ, xõa tóc, trông như chú mèo lười. Kỳ Dao hỏi Vĩnh Hồng tối qua có đi dự Giáng sinh không. Vĩnh Hồng trả lời rất thân tình:

- Giáng sinh là gì, cháu chưa bao giờ nghe nói.

Kỳ Dao chậm rãi giảng giải cho Hồng hiểu lai lịch của lễ Giáng sinh. Vĩnh Hồng nghe rất chăm chú, hỏi lại để Kỳ Dao giải thích thêm về những điều chưa hiểu. Vi Vi cũng lắng nghe. Trời không nắng, trong nhà hơi tối, không phải cái tối của bóng đêm, mà chỉ như bị che kín, bóng tối với cảm giác ấm áp. Nghe chuyện hồi lâu rồi Vĩnh Hồng nói:

- Còn có nhiều hội vui mà cô với chúng cháu chưa được đi!

- Các cháu còn nhiều thời gian, như cô, thời gian không còn.

Vĩnh Hồng không đồng ý:

- Cô được dự cả rồi, so với chúng cháu thế nào được.

Kỳ Dao an ủi Hồng:

- Lễ hội như diễn kịch ấy, buổi diễn này dừng một vài hôm sẽ diễn buổi khác.

- Nhưng mà dừng lâu quá cô ạ!

- Lâu gì, trống phách nổi lên ầm ỹ rồi, cháu xem bạn, vừa mới điên cuồng suốt tối qua đấy!

Kỳ Dao chỉ vào Vi Vi, Vi Vi thu mình vào chăn, chỉ để hở đôi mắt, vẫn im lặng. Kỳ Dao nói chuyện với Vĩnh Hồng, hôm qua Vi Vi đi dự lễ Giáng sinh với Lâm, không biết về từ lúc nào. Vĩnh Hồng nhìn Vi Vi, không nói gì. Căn phòng lại tối hơn một ít, cũng đã muộn. Kỳ Dao đi xuống bếp nấu nước, trên nhà hai cô gái vẫn không nói năng gì, một người nằm, một người ngồi, im lặng. Vi Vi nhắm mắt, như đang ngủ. Vĩnh Hồng cúi đầu, như đang suy nghĩ. Kỳ Dao trở lại, căn phòng tối hơn, không thấy rõ mặt người. Có một lúc cả ba người đều không nói, như đang suy tính việc gì đó. Đột nhiên, có tiếng cười từ trong chăn, tiếng cười ngắn thôi. Kỳ Dao và Hồng cùng nhìn về phía có tiếng cười, nhưng vẫn thấy Vi Vi trùm kín chăn. Kỳ Dao hỏi:

- Cười gì thế?

Mãi một lúc sau mới có tiếng trả lời, vẫn đang phải nhịn cười:

- Không buồn cười sao được?

Không để ý đến con gái nữa, Kỳ Dao quay lại hỏi Hồng: với anh bạn trai kia ra sao rồi? Vĩnh Hồng có vẻ không muốn trả lời, chỉ nói “thôi rồi”. Nàng biết là sẽ như thế, nhưng vẫn tỏ ra ngơ ngác, định nói gì nhưng lại thôi. Vĩnh Hồng bắt đầu kể ra một loạt chuyện xấu của người yêu, đều là những chuyện không thể chấp nhận nổi. Nghe xong, Kỳ Dao bất giác bật cười, nói:

- Hồng ạ, cháu nhìn người sâu sắc lắm.

Vĩnh Hồng không nghe ra thâm ý trong câu nói, chần chừ giây lát rồi nói:

- Đúng đấy, có lẽ cháu có tật nhiệt tình được chừng mươi phút lại nguội ngay, không bằng lòng một chút gì.

- Bởi cháu từng trải nhiều, như người uống nhiều thuốc bị kháng thuốc, không còn tác dụng. Giao tiếp với quá nhiều người, nên thấy không còn thân với ai nữa.

- Cháu chán lắm rồi!

Vĩnh Hồng nói vậy thôi, nhưng trong cốt tủy vẫn lộ vẻ đắc ý, cuối cùng vẫn là Hồng kén chọn chứ không phải người khác chọn Hồng, chán cũng là người khác, Hồng vẫn còn đất. Kỳ Dao thấy rõ tâm tư Vĩnh Hồng, nghĩ bụng: sẽ có ngày hối hận. Kỳ Dao thấy sắc mặt thiếu máu của Vĩnh Hồng, đã thấp thoáng bóng đen tiều tụy, đó là dấu ấn của sự từng trải. Hết mối tình này đến mối tình khác qua đi đều để lại dấu vết trên nét mặt. Con người già đi như thế nào? Già như thế đó! Phấn son đều vô dụng, chỉ vẽ nên bức tranh dâu biển, là vẻ đẹp phong trần, mỗi nét bút đều mong muốn che đậy sự thật. Nhìn những ngón tay Vĩnh Hồng đang gỡ giúp những sợi len, những móng tay bóng bẩy như xà cừ, những đường gân xanh dưới làn da trắng ngần, mạnh khoẻ, Kỳ Dao cảm thấy buồn cho Vĩnh Hồng. Hồng bắt đầu nói những chuyện đồn đại trên phố, không ngoài hai chuyện yêu đương và giết người. Vi Vi từ trong chăn thò cổ ra nghe chuyện, mắt tròn xoe, Kỳ Dao mắng:

- Con đi chơi Giáng sinh mà cứ như làm ca đêm, có cần phải mẹ phục vụ không nào?

Vi Vi không trả lời. Kỳ Dao thấy lạ, nhìn Vi Vi. Vi Vi thì uể oải, không muốn nhúc nhích.

Trời đã tối hẳn, bật đèn, trong nhà chói sáng. Vĩnh Hồng ra về, Vi Vi vẫn không dậy, Kỳ Dao tiễn Hồng đến đầu cầu thang, rồi quay vào bếp thổi cơm. Phía ngoài cửa sổ trời mù mịt, có tiếng xạc xào, lắng nghe thì ra tiếng tuyết rơi. Kỳ Dao nhìn ra ngoài cửa sổ một lúc, thầm nghĩ đúng là lễ Giáng sinh. Chợt có tiếng Vi Vi gọi, ban đầu Kỳ Dao mặc kệ, nhưng vẫn đi vào hỏi xem có chuyện gì, hay còn muốn bưng cơm đến tận giường? Vi Vi không trả lời mẹ, chỉ kéo chăn đến cằm, nói Lâm đòi cưới. Kỳ Dao từ từ ngồi xuống ghế, hỏi:

- Định bao giờ?

Vi Vi quay mặt đi, nói:

- Tết này.

Quan hệ của Vi Vi và Lâm tuy đã chắc chắn, nhưng chưa bao giờ nói đến chuyện cưới xin, biết rằng cái ngày ấy phải đến, nhưng đến bất ngờ quá. Nàng nghĩ, Vi Vi đi lấy chồng, thời gian nhanh như thoi đưa! Không biết nên buồn hay nên vui, nàng ngồi lặng im một lúc. Không rõ thời gian trôi đi bao lâu, bên tai có tiếng giục giã của Vi Vi:

- Tuần sau bên gia đình anh Lâm mời nhà ta sang ăn cơm, mẹ có đồng ý không?

Nàng chợt tỉnh, nói:

- Có gì không đồng ý? ấy là chuyện của các con, đã bao giờ hỏi mẹ đâu!

Vi Vi thì cứ thôi thúc hỏi có đồng ý không, nàng thở dài, nói:

- Sao lại không đồng ý? Chuyện ấy chỉ tốt thôi!

- Có gì tốt đâu!

Kỳ Dao không nói nữa, đứng dậy đi đến góc nhà, thu nhặt những thứ lặt vặt trên mặt hòm gỗ long não, mở hòm, lấy ra nào là đệm len, chăn len, gối lông vũ ... bày ra đầy giường, rồi nói:

- Mẹ đã chuẩn bị cho con từ những năm trước.

Nói xong, nước mắt trào ra. Vi Vi cũng khóc, nhưng tỏ ra cứng cỏi, không nói một lời mềm yếu nào.

8  Đám cưới

Nàng chuẩn bị đồ cưới cho con gái như chuẩn bị cho chính mình. Từng thứ, từng thứ đã dệt nên một quá trình đẹp đẽ. ấy là quá trình may mắn không mong gì hơn, lẽ ra ai có phận nấy, bởi thế có thể trông mong. Rồng phượng và hoa mẫu đơn trên mặt gấm, lá sen và dây hoa thêu viền quanh là sơ đồ của quá trình đó. Những phụ nữ chen chúc trước quầy bán chăn đệm trong cửa hàng bách hoá, quá nửa là đến sắm đồ cưới, không phải cho mình mà sắm cho con gái. Họ đi chọn cả chục cửa hiệu mà vẫn không ưng ý, mua được là việc đại sự, liệu có ai hiểu lòng họ. Nàng chưa hề sắm đồ cưới cho mình nên đã bỏ qua quá trình đó. Khi đã đi xa nhìn lại, thấy mình đến một nơi không liên quan gì đến mình. Nhưng có thể sắm đồ cưới cho con gái. Đôi khi nghĩ lại, đồ cưới của con gái có liên quan gì đến mình đâu nhỉ? Thế là, lúc thì nhiệt tình, khi thì nguội lạnh. Cứ mua sắm lẻ tẻ như vậy cũng đã đầy ba hòm. Những hôm đem phơi, toàn là đồ mới rực rỡ dưới nắng chói chang. Không có lai lịch, không nguồn gốc nhưng có quá trình. Nàng cũng không xem kỹ, bởi không phải của mình. Nàng mở toang cửa sổ để nắng và gió ùa vào, trong nhà thoảng mùi đồ mới chưa bén hơi người. Cũng có lúc nàng vui, đó là lúc quên ai là ai. Đồ mới bao giờ cũng vui, như chưa bắt đầu bất cứ điều gì.

Nhận đồ cưới từ tay mẹ, trong chốc lát Vi Vi đã có một đống tài sản, thoả mãn lắm. Ngày nào Vi Vi cũng giở ra xem, rồi bàn bạc với mẹ. Những thứ còn nghi ngờ về chất, hai mẹ con cùng thử bằng cách rút ra một sợi đốt xem có thật len không. Hai mẹ con chụm đầu xem, trông như trẻ con. Vĩnh Hồng cũng đến xem đồ cưới của Vi Vi, vừa xem vừa thầm so sánh với mình. Không biết từ lúc nào Vĩnh Hồng dành một nửa số tiền may áo quần để mua sắm đồ cưới. Tuy thay đổi bạn trai như thay áo, anh nào cũng như mây khói lướt qua, đồ cưới thì vẫn tích góp ngày này qua tháng khác. Khi Vĩnh Hồng mua sắm đồ cưới mới thấy tương lai của mình mờ mịt, xa vời quá. Còn lại chẳng hay biết gì. Trong bộ chăn đệm của Vi Vi có cái màn tuyn, Kỳ Dao và Vĩnh Hồng mỗi người một đầu căng ra. Vi Vi chui vào trong, qua lớp màn trông đúng là một cô dâu. Kỳ Dao và Vĩnh Hồng nhìn nhau, chớp mắt thông cảm.

Tiếp theo, Vi Vi phải may áo cưới. Kỳ Dao chọn cho con một mảnh dạ màu đỏ Tây, nhờ bà Nghiêm tìm thợ may may Âu phục. Thợ may đến đo đo, cắt cắt. Kỳ Dao, Vĩnh Hồng, thêm bà Nghiêm đứng bên cạnh, mỗi người một câu góp ý. Người thợ may phải nói:

- Vậy các bác, các cô may hay tôi may đây?   

Thế là mọi người cùng cười, nói:

- Thôi, thôi, không nói nữa!

Nhưng chỉ được chốc lát, mọi người lại bàn ra tán vào. Chỉ có Vi Vi im lặng, đứng ngây như tượng, để mặc ai muốn làm gì thì làm, mặc mọi người sắm vai chính. Nhân vật chính bất đắc dĩ cũng miễn cưỡng đóng xong vai chính. Với Vi Vi, lấy chồng như chuyện vô thức thì gặp nhân duyên đẹp đẽ. Càng ra công theo đuổi, lao tâm khổ tứ, càng không được. ấy là chuyện cố ý trồng hoa, hoa không nở, vô tình cắm liễu, liễu đâm chồi. Để có đôi giày xứng với bộ âu phục màu đỏ Tây cũng mất bao nhiêu công sức. Ban đầu nghĩ đến đôi giày trắng, nhưng lại cho rằng áo quần ấy, giày ấy sẽ tạo cảm giác đầu nặng, chân nhẹ, có vẻ “quê”. Giày đen trông được đấy, nhưng thường quá. Lại thêm một dấu hỏi để cho đẹp từ đầu đến chân, vẫn mù mịt không câu trả lời. Vậy là lại suy nghĩ, chạy tìm khắp nơi. Tưởng đâu lùng sục khắp Thượng Hải, cuối cùng tìm được đôi giày cũng màu đỏ Tây, hơi đậm hơn một chút, nhưng cùng “tông” màu, đúng là vẽ rồng thêm mắt, đẹp không chê vào đâu được. Tiếp theo là chuyện kiểu tóc nào đây, chuyện này chỉ một mình Kỳ Dao nói là xong. Trước ngày cưới một tháng, Kỳ Dao bảo con đi uốn làn sóng dài, sau đó mỗi tuần cắt sửa một lần. Gần ngày cưới đầu tóc trông như uốn nhưng lại như không, buông xoã rất tự nhiên.      

Cho đến lúc ấy, Vi Vi không biết bao nhiêu lần đứng trước gương tập làm cô dâu. Lần nào Kỳ Dao cũng lấy làm ngạc nhiên, với một người con gái dung nhan bình thường, một khi trở thành cô dâu đều đẹp hơn. ấy là cái đẹp của bông hoa mới nở, mọi cái đẹp khác đều bị lấn át và phải nhường bước. Đó là đỉnh cao của người con gái, những ngày trước đó là bước chuẩn bị, sau đó là kết quả. Giao điểm ấy là đỉnh cao tinh hoa của cuộc đời.

Bây giờ là lúc may chăn. Kỳ Dao đến nói với bà Nghiêm:

- Cô biết đấy, người con gái như cháu không thể may chăn uyên ương được, cô có trai có gái, giàu sang phú quý, cháu Vi chỉ mong được một phần trăm diễm phúc của cô.

Bà Nghiêm không nói gì, gọi chị giúp việc cùng bà sang nhà Kỳ Dao. Chị giúp việc với bà trải vải ra, rồi bà ngồi khâu từng mũi chỉ. Kỳ Dao chỉ ngồi trông, không dám đụng tay đụng chân. Bà Nghiêm nhờ ngắt một sợi chỉ, Kỳ Dao không dám ngắt, chỉ nói:

- Cô ạ, cháu không dám đụng vào!

- Cháu chỉ được cái lười!

Bà Nghiêm thoáng buồn, nhưng vì có chị giúp việc người Thiệu Hưng ngồi đấy, bà không nói gì nữa, chỉ chăm chú may. Buổi trưa, chị giúp việc về, bà ở lại ăn cơm. Mùi thức ăn từ bếp bay ra, bà chợt nhớ lại nhiều năm trước, vẫn còn đấy bao điều thắc mắc. Khi hai người ngồi vào bàn ăn, bà Nghiêm hỏi thẳng:

- Vi Vi đi lấy chồng, có cho bố cháu biết không?

Câu nói được kìm giữ hơn hai chục năm, bây giờ nói ra không phải là điều đột ngột, Kỳ Dao cười:

- Bố cháu chết rồi, và nói thêm, chết ở Xibia!

Cả hai cùng cười phá lên. Bà Nghiêm nói:

- Cháu cũng nên may lấy cái áo mới mà mặc hôm cưới con gái!

- Người cũ, có mặc áo mới cũng chẳng để làm gì.

- Thế cháu đi làm người mới đi!

Nói xong, cả hai cùng cười. Bà Nghiêm nghiêm sắc mặt, nói:

- Thật ra, cô không nói đùa tất cả, Vi Vi đi rồi, một mình cháu sẽ lạnh lẽo, nên tìm bạn cháu ạ!

Kỳ Dao hỏi:

- Cô bảo tìm ai?

Chăn may đã xong, một ngày qua đi, ngày cưới Vi Vi gần thêm. Gần Tết, mọi nhà sắm Tết, tống cựu nghênh tân, nhà có đám cưới không khí càng rộn rã. Lâm được nghỉ đông, nhưng phải theo học một lớp Anh văn. Bạn học cũ của bố Lâm ở Mỹ bảo lãnh cho Lâm, anh chuẩn bị học xong năm học, lấy chứng chỉ học phần hai năm, sang Mỹ học tiếp. Cưới vợ cũng là bước chuẩn bị đi Mỹ, có vợ càng dễ được cấp thị thực nhập cảnh. Nghĩ đến đây, Kỳ Dao không khỏi buồn. Nhưng với Vi Vi thì ngược lại, Lâm đi Mỹ còn phấn khởi hơn cưới. Lấy vợ lấy chồng là việc ai cũng làm, nhưng đi Mỹ thì không phải ai cũng đi được. Thậm chí không cần nghĩ đến việc Lâm đưa Vi Vi đi cùng, chỉ một mình Lâm đi thôi cũng đã đủ làm cho Kỳ Dao xúc động. Bởi chuẩn bị đi, nên có quan niệm tạm thời. Phòng riêng của hai vợ chồng là một gian nhỏ ở phía tây, đồ dùng cũng là những thứ cũ. Sau những buổi học tiếng Anh, Lâm cùng Vi Vi đi chơi phố, ăn uống ở các nhà hàng Âu, xem phim. Biết ngày cưới đến gần, hai người có lúc vượt quá giới hạn, nhưng không sao. ở góc cửa nhà người ta hoặc ở những chỗ khuất trong công viên liệu có làm được việc gì to tát? Cũng có lúc ở ngay trong nhà mình. Hai người nói đến chuyện đi Mỹ, người chưa đi nhưng lòng đã đi. Kỳ Dao cũng thích Mỹ, ấy là thích phim Hollywood của Mỹ. Thích là thích vậy, nhưng biết là một chuyện, chỉ thấy chứ không thể đến. Hai người phấn khởi vì sẽ trở thành hiện thực, sẽ có nhiều dự định được thực hiện ở Mỹ. Kỳ Dao không góp được một lời nào, chỉ cảm thấy nước Mỹ của hai người không có gì thú vị, không bằng một nửa Hollywood.

Hôm ấy, Lâm đến, Vi Vi không có nhà. Kỳ Dao bảo anh ngồi chơi, cơm trưa xong Vi Vi sẽ về. Lâm ngồi chơi, lấy một tờ báo cũ ra đọc. Kỳ Dao ngồi đan áo, hỏi anh tịệc cưới đã đặt chưa, đặt ở đâu. Anh nói, mẹ anh đang muốn hỏi bên này cần bao nhiêu mâm. Kỳ Dao nghĩ, giá có mời bên nhà mẹ đẻ cũng chưa chắc đã ai đi, những quan hệ khác chỉ có bên nhà bà Nghiêm, tuy không phải họ hàng, nhưng nhiều năm nay vẫn đi lại, cũng có thể coi là chỗ thân thích. Vậy là không đến một mâm, chỉ mình với bà Nghiêm. Lâm nói:

- Nhất định phải mời bác Nghiêm, nhưng bác ấy chỉ là người thân, còn họ hàng nhà ta?

Kỳ Dao im lặng trong chốc lát, rồi nói:

- Mẹ chỉ có một mình Vi Vi, bây giờ trao nó cho con!

Câu nói làm cả hai người cùng xúc động. Lâm nói:

- Sau này mẹ sống với chúng con.

Kỳ Dao đứng dậy, đặt tấm áo đan dở xuống, nói:

- Không được đâu, con còn bố mẹ nữa chứ!

Thế rồi nàng đi xuống bếp. Lâm cảm thấy buồn, sắp đến ngày vui nhưng vẫn có bóng đen thương cảm bao phủ. Lúc này anh phát hiện cái tủ năm ngăn, cái bàn phấn mà anh vẫn khen là “đồ cổ” đều phủ bóng đen ấy, nói chúng “cổ”, kỳ thực không phải thế, đúng ra là “nuối tiếc”. Những lúc có Vi Vi anh không cảm thấy, Vi Vi phung phí cuộc sống, chỉ hiềm một nỗi “nuối tiếc” không thể giơ tay ra lấy lại thời gian đã mất. Đó cũng là điều khác nhau giữa hai mẹ con, Vi Vi thì cứ xài cho đã rồi mới tính; còn Kỳ Dao trước mỗi sự việc đều tính toán kỹ, một khi việc đã xong không thể tính lại. Không tính toán thì thế nào? Rõ ràng việc không phải của mình, cuối cùng chỉ mang khổ vào thân.

Ngày cưới đã đến. Buổi sáng, hai người đến hiệu ảnh Thiên Khai chụp ảnh cưới, Kỳ Dao đi cùng. Váy cưới thuê ở hiệu ảnh, tấm váy không biết đã qua bao nhiêu người khoác lên, chụp ảnh với tấm váy lớn nhất, khăn voan trùm lên đầu rồi dùng ghim gài cho sát người, nếu may cũng chỉ đến thế. Tuy nhiên, tấm váy trắng là biểu tượng của trinh trắng, dù không vừa người, nhưng hợp tình hợp lý. Vi Vi đứng yên để mẹ chỉnh giúp. Gấu váy trắng như tuyết dồn thành đống dưới chân. Kỳ Dao luồn tay vào phía trong, cảm nhận cái mát lạnh của lụa, ghim cùn cũng khó cài. Một lúc sau, lòng bàn tay và trán Kỳ Dao lấm tấm mồ hôi, ngơ ngác không biết trong tấm áo cưới kia là ai. Nàng nhìn vào tấm gương trước mặt, trong gương là một nàng công chúa, đẹp và kiêu sa. Phía trên gương là một ngọn đèn chiếu sáng, cửa sổ được che rèm, trên bàn phấn là một cái lược bàn chải để chải tóc. Phòng trang điểm của hiệu ảnh bao trùm bầu không khí bí ẩn, chứa đựng nhiều xảo thuật, ví dụ những hàng ghim cài bên sườn, bên trong gấu váy. Tóc cũng có nhiều kiểu, những chiếc kẹp tóc vương vãi trên nền nhà là sự chứng minh. Bây giờ tấm váy cưới có thể nói là vừa đẹp, đầu trùm khăn voan trắng trông như thác nước tuôn trào, một tiên nữ. 

Đèn bật sáng, Kỳ Dao ngồi trong bóng tối như người đi trốn, không ai trông thấy. Nơi ánh đèn hội tụ là một thế giới xa tận chân trời. Chợt nàng nghĩ, lẽ ra hôm nay mình không đến thì phải, đến cũng chỉ là khách xem, xem những điều không muốn thấy. Nàng biết rõ, hiệu chụp ảnh là nơi lừa dối, vậy mà vẫn đến, mấy chục năm rồi vẫn không tỉnh ngộ. ánh đèn vụt tắt và rực sáng khiến lòng nàng cũng chợt sáng, chợt tối. Nàng rất quen với ánh đèn ấy, nhưng bây giờ thì xa cách quá. Thấy miệng người thợ ảnh mấp máy, nhưng không nghe rõ anh ta nói gì. Cô dâu, chú rể nói gì cũng không nghe thấy. Đôi này chụp xong, đôi khác lại vào chụp. Kỳ Dao giúp con gái cởi váy cưới, ghim cài rơi xuống đất nghe tí tách. Lúc cởi, Vi Vi chạm môi son vào áo cưới, để lại trên tấm áo thêm một dấu vết lịch sử. Tấm áo cưới để trên sàn nhà là một đống xác ve to tướng. Ra khỏi hiệu ảnh thì đã trưa, mọi người cùng đến tầng thứ mười một khách sạn Quốc Tế để dự tiệc. Cả ba người đều mệt, không ai nói năng gì. Bầu trời ngoài cửa sổ không gió không mây, không bờ không bến. Thế nhưng chỉ đưa mắt nhìn xuống, mái ngói nhấp nhô triền miên ùa vào tầm mắt, tiếng ồn cũng ùa vào tai. Bầu trời này và thành phố này tưởng đâu như không liên quan với nhau, từng mảnh riêng biệt, sông Hoàng Phố cũng riêng một mảnh, chảy mãi, chảy mãi không thôi. Không rõ đâu là sự thật.

Buổi chiều, Lâm đến nhà mẹ vợ. Đang là mồng hai Tết, trong ngõ thỉnh thoảng có tiếng pháo. Mồng hai còn là ngày thăm viếng họ hàng, bè bạn. Mọi động tĩnh trong hẻm Bình An đều là động tĩnh đón và tiễn khách. Những lúc ngưng nghỉ là lúc tĩnh mịch. Đôi bạn trẻ đều im lặng, vui vẻ và vất vả trong những ngày vừa qua khiến hai người hao tổn sức lực và tâm trí, sắp đến lúc bắt đầu thì co lại. Hai người ngồi cắn hạt dưa, chỉ trong chốc lát đã đầy một đống vỏ, miệng cũng đen nhẻm. ánh nắng kẻ ô trên sàn nhà, mặt cô dâu và chú rể đều nhợt nhạt, cắn hạt dưa là cách tốt nhất để thời gian qua nhanh. Kỳ Dao gợi chuyện cũng không có người hưởng ứng. Nàng xuống bếp nấu nước, ánh nắng đã ngả xuống cửa sổ phía bắc, bao nhiêu ngày mới lại có một hôm như thế. ánh nắng ngả xuống cửa sổ phía bắc là một ngày đã qua, góp nhặt thêm hiểu biết, để lộ những điều tốt đẹp và đồng tình. Một chú chim sẻ đang tìm mồi trên bệ cửa sổ, kêu lên mấy tiếng chiêm chiếp rồi vụt bay. Kỳ Dao mở cửa sổ, để lên bệ cửa sổ mấy hạt cơm cho chim ngày mai đến ăn. Lên nhà, Kỳ Dao đã thấy hai người cùng nằm trên giường và đang ngủ say. Nhìn đồng hồ đã muộn, Kỳ Dao gọi hai người dậy, giục soạn sửa chỉnh tề để đi. Chỉ một lúc sau, phía sau hẻm đã có tiếng còi ô tô đã thuê từ hôm trước.

Cô dâu chú rể ngồi vào xe rồi nhưng vẫn còn ngái ngủ. Ngày hôm nay quá dài, tưởng đâu không đủ kiên nhẫn chờ đến cùng. Nghĩ đến cảnh đông vui sắp tới, cả ba người cũng rùng mình. Cô dâu chú rể hồi hộp, vở kịch chỉ một lần trong đời sắp khai diễn, họ phát hiện mình chưa chuẩn bị kỹ, tay chân không biết để vào đâu, lên sân khấu nói gì cũng quên gần hết. Kỳ Dao cũng rất hồi hộp, ngay như làm khách xem cũng chưa chuẩn bị. Từng màn một, màn nào cũng hay, màn cuối rực rỡ huy hoàng nhất sắp diễn ra. Đã trông thấy ánh đèn trước nhà hàng, ánh đèn chiếu sáng, chờ đón mọi người. Ô tô dừng lại, một vài khách qua đường đứng  xem cô dâu, chú rể. Kỳ Dao xuống xe trước, chờ hai người. Nàng kéo Lâm lại để Vi Vi khoác tay, rồi nhẹ đẩy phía sau lưng. Nhìn bóng cô dâu, chú rể sánh vai đi vào, thật đẹp đôi!

 

9  Đi Mỹ 

Vi Vi đem hết áo quần về nhà chồng, tủ đứng, tủ năm ngăn đều trống đi một nửa. Kỳ Dao nhận ra rằng, Vi Vi được nuôi dưỡng suốt hai mươi ba năm trời nay bỗng chốc ra đi, còn mình, đầu tóc đã có sợi bạc. Nàng bắt đầu nhuộm tóc, nhưng nước da và dáng người vẫn còn trẻ lắm, nếu không có con gái lớn, không ai nghĩ đến tuổi tác của Kỳ Dao. Nàng vẫn phải dùng đến con gái để thức tỉnh mình, nếu không, ngay như mình cũng không tin chính mình nữa. Mái tóc nhuộm đen hơn bình thường, trông càng trẻ. Ngắm nhìn mình trong gương, suy nghĩ của Kỳ Dao có phần tản mạn, nghĩ đây là lúc nào, là năm tháng nào? Vi Vi không có nhà, có ngày Kỳ Dao chỉ ăn một bữa cơm, ngủ từ chiều hôm nay đến tận chiều hôm sau, thức dậy thường vào một hai giờ chiều, mặt trời đã đứng bóng tưởng như không còn xê dịch nữa. Biết là ngày chủ nhật Vi Vi và Lâm sẽ về nhà. Hai người buổi sáng đến, ăn cơm tối xong mới đi, cuộc sống trở lại bình thường. Một ngày qua đi, mọi tản mạn lại tiếp diễn, sức mạnh thông thường tỏ ra không đủ mạnh. Nhưng rốt cuộc đã tạo nhịp cho sự tản mạn, không đến nỗi rơi vào tình trạng hỗn độn.

Sau khi đi lấy chồng, Vi Vi và Lâm trở thành khách. Kỳ Dao phải đi chợ mua thức ăn, nấu nướng xào xáo, khách đi, để lại một đống bát đĩa chưa rửa. Kỳ Dao vừa rửa bát, vừa nghĩ, thế là xong một ngày. Dọn dẹp xong, nàng mở máy thu hình, lấy từ trong ngăn kéo ra một bao thuốc rồi châm lửa hút, ngồi chống tay lên mặt bàn, ch 5270 m rãi nhả khói. Trước mặt, khói sương bao phủ, trong lòng cũng bao phủ khói sương. Chỉ một điếu thuốc là đủ, thuốc tắt rồi vẫn ngồi lắng nghe những âm thanh chuyển mùa ngoài kia. Tất cả đều lọt qua khe tường, phải yên tĩnh lắm mới nghe thấy. Là những tiếng xào xạc phủ che sương khói. Liệu còn ai cảm nhận được thời gian như nàng? Đừng nghĩ ngày của nàng u ám, mơ hồ, tất cả đều đảo ngược. Tấm rèm cửa sổ lay động, bạn thấy đó là gió, nàng nhìn ra thời gian. Tiếng cọt kẹt trên sàn nhà và cầu thang, bạn cho đó là mọt, nàng thấy đó là thời gian. Tối chủ nhật nàng không đi ngủ sớm, ai bảo canh khuya lẻ bóng, nàng đang trôi cùng thời gian đấy! 

Không cần phải đếm ngày đếm tháng, tấm áo mùa đông đã trút bỏ để khoác lên tấm áo mùa xuân, hiềm nỗi áo mùa xuân vẫn còn dày. Lâm đã được cấp thị thực, tháng tám sẽ đi Mỹ, kịp mùa thu khai giảng. Những ngày này có phần bận rộn, nhiều chủ nhật không đến, có lúc ngày nào cũng đến. Đến để nhờ mẹ chỉ bảo mọi việc. Người đang ở Trung Quốc, suy nghĩ đã ở bên Mỹ, tưởng chừng bên đó phải chỉnh tề lắm, không có vài bộ cánh diện không được. Kỳ Dao đưa Lâm đi may Âu phục, vừa đi vừa giảng giải cách mặc. Nói đến ăn mặc, Kỳ Dao sôi nổi hẳn lên. áo quần là gì? Kỳ Dao nói, áo quần cũng là một thứ bằng cấp, là kết luận và chứng minh cho cái bên trong, để cái bên trong không bị mai một. Nghe những điều ấy, Lâm cảm thấy mới mẻ và buồn cười. Kỳ Dao nói:

- Con đừng cười, mẹ không nói quá đâu, ít nhất áo quần cũng là bằng cấp của người con gái, tấm bằng này còn quan trọng hơn những tấm bằng khác.

Lâm càng buồn cười hơn, quay sang hỏi Vi Vi:

- Em đã có bằng chưa?

Kỳ Dao cười nhạt, nói:

- Chỉ cần học mấy năm là được cái bằng kia, còn cái bằng này phải khổ công ngay từ khi mới sinh, con đừng hỏi Vi Vi, nó có phúc mà không biết mình có phúc, hỏi Vĩnh Hồng thì biết.

Vi Vi nói:

- Vĩnh Hồng có “bằng” đấy, thế mà cho đến giờ vẫn không tìm được “việc làm”!

Câu nói thật độc địa, chỉ có những người bị hạnh phúc làm mê muội đầu óc mới nói ra được, ngay như  Kỳ Dao nghe cũng thấy chối, nói:

- Con không phải lo thay cho bạn, Hồng nó còn hơn con nhiều!

Nói xong cũng vừa đến hiệu may. Mọi người cùng xem vải rồi chọn kiểu, hai mẹ con lại bất đồng. Vi Vi thích kiểu mới, “ve” to, hai hàng cúc. Còn Mẹ lại giữ ý kiến Âu phục phải đúng kiểu, bất cứ lúc nào cũng hợp thời trang, mặc mới nghiêm chỉnh, “mốt” chỉ nhất thời, rất nhanh chóng bị lạc “mốt”, hết thời; hơn nữa “mốt” ở Thượng Hải chưa chắc đã hợp trào lưu ở Mỹ. Vi Vi không đủ lý lẽ nhưng thái độ rất cứng rắn. Xưa nay cô vẫn bài bác những gì gọi là xưa cũ, ưa mới nới cũ, tầm nhìn cũng hạn hẹp, không thấy tương lai, bởi thế một mực chạy theo “mốt”, nhìn vấn đề xa rời hoàn cảnh. Hai mẹ con cứ như cãi nhau, Vi Vi khăng khăng giữ ý kiến của mình. Kỳ Dao đành phải nói:

- Để chồng con quyết định!

Lâm đồng ý ý kiến của mẹ vợ, Vi Vi giận dỗi vùng vằng bỏ đi, Lâm đành phải đuổi theo, để một mình Kỳ Dao đứng ở hiệu may, đi cũng dở, ở không xong, đứng một lúc rồi bỏ đi. Ngồi trên xe buýt Kỳ Dao nghĩ lại, khi đi thì ba người, lúc về chỉ một, thật vô vị. Đường Nam Kinh ồn ào náo nhiệt, mọi người như đang cười chê. Về đến nhà đã gần trưa. Mãi tận chiều hai người kia mới về, tay xách túi lớn túi nhỏ, nói cười vui vẻ, quên chuyện không vui buổi sáng. Kỳ Dao tỏ ra không quan tâm, không hỏi chuyện áo quần nữa, nhưng khi Vi Vi quay đi, Lâm nháy mắt với mẹ vợ, tỏ ý như đã làm lành với nhau rồi. Kỳ Dao bực mình, nghĩ: áo quần của các cậu, các cô có liên quan gì đến tôi đâu!

Để chuẩn bị hành trang, Lâm mua toàn đồ tốt, sợ kém một chút sẽ không xứng với nước Mỹ. áo quần cũ đều bỏ hết, trong ngoài đều mới. Không những chọn hàng tốt, lại mua nhiều, thứ gì cũng hàng tá, mỗi thứ mua đủ mười hai chiếc. Như thể không phải đi Mỹ mà chuẩn bị đến sinh sống lâu ngày ở một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó. ít có người được đi Mỹ. Biết thì đã vậy, không biết thì làm sao? Tóm lại, làm được đến đâu hay đến đấy. Việc này cũng như sắm đồ cho cô dâu về nhà chồng, nắm trong tay là tương lai mờ mịt, có dùng được hay không lại là chuyện khác. áo quần đầy hai va-ly lớn, cẩn thận yên tâm. Hôm ấy, chỉ một mình Vi Vi về, nhanh nhẩu giúp mẹ, giặt cả mấy cái áo mẹ ngâm trong chậu. Kỳ Dao biết con gái có việc cần mẹ, có thể là chuyện tiền nong. Trước đây, mỗi lần cần mẹ mua áo quần cũng đều thế. Nhưng lần này tỏ ra ân cần hơn nhiều, nói năng cũng ấp úng do dự, ra vẻ người lớn, biết ngượng khi phải ngửa tay xin mẹ. Kỳ Dao thoáng buồn, không biết Lâm đi rồi hai vợ chồng lúc nào mới đoàn tụ? Vi Vi ở nhà chồng, tuy là nhà đấy, nhưng vẫn hai nơi, không dám nghĩ nhiều đến tương lai. Vi Vi phơi xong áo quần vào nhà đã thấy tiền để ở bàn, Kỳ Dao nói:

- Con cầm tiền mua cho chồng đôi giày, bảo quà của mẹ.

Vi Vi không cầm, nói Lâm đã có đủ giày xuân hạ thu đông, không cần mua thêm nữa. Kỳ Dao biết Vi Vi chê ít, liền nói:

- Không mua giày thì mua thứ khác, mẹ không có nhiều, chỉ có bấy nhiêu thôi!

Vi Vi vẫn không cầm, cúi đầu. Kỳ Dao mặc, không nói gì, đứng dậy đi chỗ khác. Bất ngờ, Vi Vi lên tiếng, nói chuyện ai đó đi Mỹ, không đem theo gì, chỉ đem theo một lá vàng, đến Mỹ thời gian đầu sống nhờ vàng đem theo cho đến khi có chỗ đứng ổn định. Nghe chuyện, Kỳ Dao chợt nghĩ, Vi Vi nói có ý gì nhỉ? Lại nhớ, có lần nhờ Lâm bán hộ sợi giây chuyền, bỗng chột dạ, mặt đỏ lên. Giọng Kỳ Dao run run, nói:

- Chưa bao giờ mẹ không chu đáo với các con.

Vi Vi ngạc nhiên, ngước nhìn mẹ, nói:

- Có ai bảo mẹ không chu đáo với con đâu, chúng con chỉ vay, sau này có sẽ trả mẹ.

Kỳ Dao nói như sắp khóc:

- Vi ạ, con thật không có mắt, lấy được người chồng như thế rồi còn gì!

Vi Vi không vui, nói:

- Con chỉ bàn với mẹ thôi, anh Lâm không biết, thật ra con cũng có mấy cái nhẫn, nhưng là vàng 14 K, chỉ có giá trị trang sức, bán không được tiền, người ta chỉ xem tuổi vàng thôi, nếu không, con cầm cho mẹ, chẳng nhẽ mấy cái của con không được một cái của mẹ hay sao?

Lúc này Kỳ Dao mới hiểu ra, Vi Vi muốn cái nhẫn mặt ngọc cũ của mình. Đó là cái nhẫn hồi mới quen ông Lý, ông ta đưa đi mua ở tiệm vàng Phượng Tường, có thể coi đấy là nhẫn cưới, nếu nói đã một lần hôn nhân. Là vật kỷ niệm, là kỷ niệm cũng không thể nào chống lại sự đời nương dâu bãi biển kia, cho đi cũng được! Sau một lát im lặng, Kỳ Dao mở ngăn kéo, lấy cái nhẫn ra đưa cho Vi Vi, chỉ nói một câu:

- Chiều chồng, không có gì tốt đâu!

Vi Vi không để ý, cầm chiếc nhẫn đi ngay.

Trước ngày lên đường, gia đình Lâm chiêu đãi ở khách sạn Cẩm Giang, bạn bè họ hàng ngồi tròn bốn bàn, tiệc còn lớn hơn hôm cưới. Nhìn Vi Vi mặt mày hớn hở, Kỳ Dao nghĩ, chỉ là người đi theo mà cũng phấn khởi! Một mình ngồi cùng bàn với những người không quen biết bên nhà thông gia, tuy không ai hỏi han gì, Kỳ Dao vẫn luôn tươi cười. Cho đến lúc Lâm và Vi Vi đến chúc rượu ở bàn này, Kỳ Dao thật sự muốn cười, nhưng bất ngờ nước mắt rơi, khiến những người ngồi cùng đâm ra bối rối. Nước mắt khô rồi mà lòng vẫn nghẹn ngào không biết vì đâu, chỉ cảm thấy vô nghĩa. ánh đèn và rượu mừng đều nhoà nước mắt, tất cả như đang ai điếu, nụ cười cũng biến thành khóc than. Bên bàn thanh niên thì vui bất tận, nói cười oang oang, nàng lại cảm thấy vui quá hoá buồn, mọi khuôn mặt đều đượm buồn. Đứa bé ngồi bên cạnh đánh đổ ly rượu vang của người lớn, rượu đỏ loang trên khăn bàn, nàng nhìn ra màu máu. Tưởng như không chịu đựng nổi, lòng nàng đau vô hạn, không hiểu duyên cớ vì đâu, vô phương giải thoát. Bữa tiệc tưởng như bữa ăn tối cuối cùng, tất cả đều tận cùng. Nỗi tuyệt vọng đột ngột ập đến, cuồn cuộn trào dâng như nhận chìm cuộc vui này. Cuộc vui càng huy hoàng tráng lệ, nỗi buồn càng mãnh liệt. Kỳ Dao nghe thấy tiếng Lâm và Vi Vi hát chỉ cách đấy một bàn, tiếng hát như phòng tuyến cuối cùng sụp đổ, bị hàng loạt tiếng ồn đè lên. Cho đến lúc mọi người đứng dậy chào nhau ra về, cổ họng nàng vẫn nghẹn lại, không nói nên lời, chỉ gật đầu đáp lễ. Cũng may mọi người không quen biết, để nàng đứng sang một bên. Kỳ Dao đi qua đám người bắt tay nhau, về nhà mình.

Sau lần buồn đau không hợp cảnh ấy là những ngày dài yên tĩnh. Lâm đi rồi, Vi Vi về thường xuyên hơn, cũng có khi Vĩnh Hồng đến chơi như trước đây. Trải vải lên mặt bàn, đo đo vạch vạch, nhưng không dám cắt. Hồi này, phố Hoài Hải xuất hiện những nhân vật “mốt” táo bạo hơn, thế hệ Vĩnh Hồng trở nên bảo thủ. Nhưng không phải là bảo thủ thông thường, mà lấy thủ để công, lấy lui để tiến. Trải qua một loạt trào lưu, dần dần các cô hình thành cho mình quan niệm riêng, sau khi qua giai đoạn giao động không có chủ kiến, nhường vị trí mũi nhọn của “mốt” cho người khác. Tóm lại, các cô đã đứng vững trước mọi trào lưu, ngọn triều lên hoặc xuống đều tràn qua. Thời thượng trên đường phố sôi sục, nhưng không có gì là cơ bản, thoáng cái đã biến mất. Vi Vi bao giờ cũng chậm một bước so với Vĩnh Hồng, trời sinh ra Vi Vi bao giờ cũng cần có người dẫn đầu, giá như không có Vĩnh Hồng và Kỳ Dao cầm lái thì Vi Vi sẽ khó tránh khỏi vai trò nô lệ suốt đời của “mốt”. Bây giờ, ba người lại có dịp bàn thảo việc cắt may. Họ có thêm áo quần, chiếc nào cũng là sản phẩm của trí tuệ tập thể, nghiên cứu kỹ lưỡng. Lúc thử, một người đứng trước gương, hai người nữa một trước, một sau ngắm nghía. Bất chợt xoay người lại, thấy khuôn mặt trong gương, đột nhiên phát hiện nét buồn, vội vàng nói sang chuyện khác để che đậy nỗi buồn.

Lễ Giáng sinh năm đó có mặt cả ba người. Cả ba cùng mặc đồ mới, cùng trang điểm chút ít. Trước ngày lễ, họ đã đặt ba suất ăn Giáng sinh ở một nhà hàng mới mở trong khu kinh tế Hồng Kiều. Cả ba cùng thuê taxi, xe chưa đến nhà hàng trước mắt đã hiện lên cảnh tượng huy hoàng. Ba người xuống xe, có phần bàng hoàng, trên đầu là một vầng sáng rực rỡ. Họ cùng đi vào khách sạn, những chiêu đãi viên mặc đồ ông già Noel đi lại như mắc cửi, khách khứa đông vui. Họ vào phòng ăn, tìm chỗ của mình cạnh một bàn tiệc có đến hai chục người. Chung quanh phần lớn là những đôi trai gái yêu nhau, cũng có những bậc cha mẹ trẻ đem theo con cái, nói năng ồn ào như bên cạnh không có ai. Bình thường, ba người cũng nói nhiều, nhưng khi đến những chỗ như thế này lại không biết nói chuyện gì, chỉ ngồi nghiêm túc. Nhà hàng này không có gì ghê gớm, đông người giống như ăn cơm khách vậy. Vẫn hát Thánh ca, đồng thời luôn luôn thông báo sắp đến mười hai giờ, lúc đó sẽ có ông già Noel đến tặng quà Giáng sinh, quà tặng theo số ghi trên vé ăn. Cả ba người đều ý thức được mình đã chọn nhầm chỗ, hoàn toàn không thích hợp với mình; những đôi bạn trẻ rất nồng nhiệt, ba người đành coi như chung quanh không có ai. Lũ trẻ con thì khá hơn, chúng chưa biết gì, bắt chuyện vài câu, góp phần náo nhiệt. Nhưng bố mẹ chúng lại nghiêm khắc, không nghiêng ngó, nên họ cũng không dám quá nồng nhiệt với bọn trẻ. Tóm lại, ở nơi này ba người bị kiềm chế đủ điều, không thoải mái. Chưa đến mười hai giờ, họ bảo nhau ra về. Khi ba người đứng dậy, không một ai chú ý đến họ. Vừa ra đến cửa thì thấy các cô phục vụ bưng khay vào mới biết còn món kem tráng miệng, nhưng chẳng ai hứng thú trở lại nữa. Hành lang rất yên tĩnh, vừa ấn nút điện thang máy lên ngay, họ bước vào, cửa thang máy đóng lại. Ba phía buồng thang đều là gương, những khuôn mặt trong gương đều không muốn nhìn, không nói một lời, chỉ nhìn đèn tín hiệu lần lượt sáng lên và cuối cùng xuống đến tầng một. Họ ra khỏi khách sạn, quên cả gọi xe và cứ thế đi xuống đường. Khu phố mới, đường vừa rộng vừa thẳng, ít người, chỉ có dòng xe từ phía sân bay trôi về. Ba người đi được một quãng mới nghĩ đến phải gọi xe.  Kỳ Dao nói:

- Bây giờ về nhà cô, lễ Giáng sinh ở đâu mà chẳng có!

Vi Vi và Vĩnh Hồng đều đồng ý, liền quay lại cửa khách sạn gọi xe. Thành phố mười một giờ đêm, bên ngoài yên tĩnh, nhưng phía trong những cánh cửa kia lại rất náo nhiệt. Không ở trong ra thì không thể nào biết, ở trong ra đều đem theo niềm vui gieo rắc xuống đường phố.

Đêm Giáng sinh kết thúc ở nhà Kỳ Dao. Từ nơi náo nhiệt kia về, cảm thấy hẻm Bình An yên tĩnh không thể yên tĩnh hơn, mọi âm thanh đều được nén lại. Không khí yên tĩnh làm nổi rõ sự sống động trong lòng họ. Sự sống động ấy vừa bị dồn nén, che đậy, không một tiếng vang, bây giờ mới là khuôn mặt đời thường của họ. Họ ăn bánh, nói chuyện phiếm, những chuyện thường ngày không nói bây giờ thấy muốn nói ra. Vĩnh Hồng nói những chuyện lủng củng với anh bạn trai gần đây nhất, chỉ vì một việc nho nhỏ nhưng lại thay đổi tương lai hôn nhân. Nghe chuyện,  Kỳ Dao biết Hồng đang suy nghĩ về hôn nhân, nên khuyên Hồng nới rộng tiêu chuẩn. Tuy vẫn là chuyện cũ, nhưng trong không khí tối nay lại tỏ ra chân tình. Vĩnh Hồng chẳng những không phản đối, cô còn nói thêm những chuyện buồn khác. Hồng nói, cô không đánh giá quá cao mình, nhưng xem hôn nhân là sự đầu thai lần thứ hai. Bởi những người bạn trai đều biết hoàn cảnh gia đình Hồng, vì thế, kết hôn đối với Hồng là viết lại lịch sử. Vi Vi nói:

- Không thể ăn sẵn, viết lại lịch sử thì cả hai cùng viết.

Hồng nói:

- Không phải ăn sẵn mà ăn những thức ăn cũ, bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng, cho đến già cũng không thể thấy ánh sáng. Chỉ có cậu mới là người ăn sẵn, có nhà cửa, chồng lại được đi Mỹ.

- Mình không muốn anh ấy đi, những ngày này vò võ một mình, chẳng ai hiểu cho.

Lần đầu tiên Kỳ Dao nghe con gái than thở, cũng thật bất ngờ, nghĩ lại cũng đúng. Vĩnh Hồng nói:

- Tất nhiên, trước mắt khổ đấy, chỉ chịu đựng ít lâu thôi!

- Không ai thay mình chịu đựng trong những ngày này, cậu biết vì sao mình cứ phải chạy về đây không? Bởi mình không muốn trông thấy bộ mặt trí thức của gia đình ấy!

Vĩnh Hồng cười:

- Bộ mặt trí thức thì sao? Mình muốn thấy mà không được đấy!

Cả ba người cùng cười. Đêm ấy, Vĩnh Hồng không về, nằm ngủ ở sofa. Cả ba người cùng quên thời gian, cho đến lúc ánh sáng mờ ảo xuất hiện trên rèm cửa sổ mới đi ngủ.

Sự đồng tình có được đêm nay đủ cho họ dùng một thời gian. Mỗi tuần họ gặp nhau mấy lần, Vi Vi tưởng chừng dọn về nhà mẹ một nửa. Mỗi lần có Vĩnh Hồng, hai mẹ con giữ được không khí cảm thông và rộng lượng với nhau. Vĩnh Hồng như chất bôi trơn cho quan hệ mẹ con Kỳ Dao. Nhưng chỉ ít lâu sau, Vĩnh Hồng lại có bạn mới, đến chơi thưa dần. Lại qua nửa năm nữa, Lâm làm xong thủ tục cho Vi Vi đi theo, Vi Vi sắp đi. Tuy chỉ chờ hơn một năm cũng đã quá sức chịu đựng. Vi Vi không còn lòng dạ nào để chuẩn bị cho mình, chỉ ấn hết áo quần mặc thường ngày vào một va-ly, còn một va-ly khác chủ yếu là những đồ dùng sinh hoạt, bao gồm dụng cụ nhà bếp, một hộp lớn những giây chuyền có thánh giá, mua ở phố Hoa Đình chỉ vài hào một sợi. Thư của Lâm gửi về cho biết, ở Mỹ mỗi sợi giây chuyền ấy bán ít nhất hai đôla. Kỳ Dao nghĩ, có nên cho con gái một sợi giây chuyền vàng hay không? Nhưng nghĩ lại, Vi Vi dựa vào Lâm, còn mình biết dựa vào ai? Thế là Kỳ Dao xoá bỏ ngay ý nghĩ đó. Hôm lên máy bay đi San Francisco, Vi Vi chỉ mặc bộ đồ vải thông thường, đi đôi giày cũ. 

Hết chương 10. Mời các bạn đón đọc chương 11!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/35383


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận