Cầu Ô là nơi dành cho những người chạy loạn. Tháng sáu, hoa chi tử nở, hương thơm bao phủ như sương mù. Nước vẫn chảy, vẫn chia nhánh, rồi hợp lại, chảy dưới giọt hiên các nhà. Trên giọt hiên là ngói đen thẳng hàng, thẳng như kẻ chỉ. Trên dòng nước là cây cầu, nhịp cong rồi lại nhịp cong, đứng thẳng tăm tắp. Những phố nhỏ như thế này ở miền Giang Nam không thể đếm hết, cho những ai hoài cổ. Loạn lạc qua đi, ôn lại mọi chuyện cũ, rồi chấn chỉnh hành trang, tiếp tục đi khai thiên lập địa. Những phố nhỏ này là tranh thuỷ mặc, tranh chỉ có hai màu, một trắng, màu của không màu; màu đen, tổng của vạn màu. Kín đáo, cũng rất khái quát. Nó bao gói vạn sự, vạn vật rồi cho một cái tên gọi; hoặc hạ cờ để vạn vật, vạn sự nghỉ ngơi. Nó có hơi hướng giáo lý đạo Phật, nói những điều không và tịnh, nhưng không và tịnh này viết bằng nét bút tinh tế, giống như nguyên lý hội hoạ phương Tây. Nét bút tinh tế này là cảnh trí rất rất đời thưòng: gạo muối củi lửa, cơm ăn và áo mặc. Cho nên, cái không lấy thực làm nền, tịnh lấy sự nhỏ nhặt làm gốc. Nó lấy cần cù làm nhàn rỗi. Đối với những cuộc đời chìm nổi, trái tim mang thương tích, sẽ là nơi điều trị và nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Những nơi như thế tựa như được giác ngộ từ trong linh thiêng hỗn độn. Vô tri đạt đến hữu tri. Người đều là những đạo nhân, không buồn không vui, không oán thù không trừng phạt, thuận theo vòng luân hồi tự nhiên, không cưỡng lại trời đất. ở đây toàn sách triết học, không câu chữ, để cho người ngoài cuộc viết vào. Buổi sáng, ánh sáng ban mai từ bốn phương chiếu rọi Cầu Ô, như những trận mưa ánh sáng, nhưng lại chồng chéo dọc ngang, khói bếp tô vẽ phong cảnh, khiến ánh sáng ban mai trở nên rối loạn. Giọt sương trên cây, trên lá cũng biến thành khói bụi ẩm ướt bay lên. ánh sáng và khói ở Cầu Ô hoà quyện nâng nhau lên, mây mù quấn quýt, giống như những âm thanh có nhạc điệu.
ở đây, cầu là thứ thấy nhiều nhất và cũng giàu hàm nghĩa nhất, nó mang ý nghĩa bỉ ngạn và dẫn độ(8) trong giáo lý đạo Phật. Cho nên, đại đức của miền sông nước Giang Nam là linh hồn của nơi này. Cầu Ô đúng là nơi đức hành. Hàng ngày nước dưới chân cầu vẫn chảy, đục rồi trong; mây trên trời cao ngày ngày vẫn bay, vẫn hô phong hoán vũ. Vòm cầu cong cong, dưới cầu là thuyền, trên cầu người là từng hạt từng hạt thóc được xay xát, sàng sảy, được vo sạch. Củi ở Cầu Ô được chẻ nhỏ từng thanh từng thanh, phơi khô, cháy đượm; cháy không hết được giữ lại làm than để đốt lò sưởi, đốt lồng ấp vào mùa đông. Đường lát đá ở Cầu Ô in đậm dấu chân người; bên bờ sông ở Cầu Ô tiếng vỗ áo quần lúc tỏ lúc mờ. Ngày tháng ở Cầu Ô từng giọt, từng giọt, từng ly từng tý trôi qua, không biếng lười, không phí phạm, cũng không khát khao mong đợi, có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, có nhiều sẽ để dành cho người sau. Đường, cầu, nhà cửa và kệ để thức ăn trong nhà, những vò rượu dưới đất ở Cầu Ô đều được gom góp từng ngày, từng đời. Khói bếp của Cầu Ô là minh chứng cho cội nguồn gạo củi, cùng khói bếp bay lên là hương thơm của cơm, của thức ăn, của rượu gạo lan tỏa ngào ngạt. Đó là những ngày đẹp trồng dưa hái dưa, trồng đậu hái đậu ở Cầu Ô, là đại hỷ trong đời. Tiếng gà gáy sáng ở Cầu Ô cũng minh chứng cho cội nguồn gạo củi, bắt đầu từ tiếng gáy của một chú gà trống, thế rồi đồng thanh hợp xướng, một ngày nở hoa và kết trái bắt đầu. Tất cả đều minh chứng cho ý nghĩa vĩnh hằng, mặc cho nước chảy ngàn dặm, thời thế đổi thay, riêng nó sừng sững bất động, như chân lý của con người và năm tháng. Tất cả ở Cầu Ô đều mang ý nghĩa sơ khai, phồn vinh như gấm vóc, cảnh đẹp tựa kính vạn hoa đều khởi phát và lan tràn từ đây, rồi thu mình lùi bước, rơi xuống ngàn dặm, cuối cùng rơi vào sinh kế của Cầu Ô, là nền tảng của vạn sự, vạn vật, là nơi tồn tại của đại đức. Có thể nói Cầu Ô là hạt nhân của đại vũ trụ, tất cả đều diệt, riêng nó không thể diệt nổi, bởi nó là bản chất của thời gian, là nguyên sơ của vật chất. Nó là đồng hồ cát chỉ thời gian, cát chảy như làn khói nhỏ, là hình thái thời gian mắt thường có thể trông thấy, trong đó ẩn chứa ý nghĩa của bỉ ngạn và dẫn độ.
Bởi thế, ở Cầu Ô tất cả đều làm bằng nước. Dòng nước miền Giang Nam tựa như cành của cây, nhánh của cành, lá của nhánh, những đường gân trên lá, một sinh mười, mười sinh trăm, đếm không xuể, những dòng nước đan chéo nhau, vây bọc nơi ấy và gọi đó là Cầu Ô. Nó không phải là ốc đảo trên biển, đảo cách biệt với nhân gian, không vương bụi trần, nhưng nó là tịnh địa của trần thế. Biển mênh mông không bờ bến, một thể hỗn hợp; dòng nước dẫn đường cho con người. Biển vô vọng, là số mệnh, là trên cao. Dòng nước bình dị thân thiết, là lối thoát trong vô vọng, là đạo lý trước mắt của số mệnh. Những miền quê như Cầu Ô rõ ràng, minh bạch hơn so với hải đảo, phàm tục hơn, gần gũi hơn, bởi thế đời thường hơn. Nó có thể là thứ tôn giáo cho đời người, là niềm vui sang trọng ở đời, niềm vui nhỏ bé, cách xa những gì gọi là xa hoa. Niềm vui này không được tô điểm bằng múa hát, mà sinh trưởng từ cuộc sống. Bởi sự cách ly và dắt dẫn của dòng nước, những nơi như Cầu Ô giữ được quan hệ vừa gần, vừa xa với trần thế và cõi Phật, có chính có phản, lấy phản làm chính, hoặc lấy chính làm phản. Đó là một kỳ tích chuyên để ức chế hư vinh ở đời và cũng để giảm nỗi tuyệ t vọng của thế gian. Nó giống như kẻ trung gian duy trì sự cân bằng của thế giới. Trong đời sống, kỳ tích này sẽ xuất hiện một vài lần theo định kỳ hoặc không theo định kỳ, là để điều chỉnh chúng ta. Nó có bề mặt lặng lẽ nhưng nội tâm lại náo nhiệt. Như dưới màn khói mỏng manh là tiếng chó sủa gà kêu, là người trồng dưa trồng đậu. Ôi, Cầu Ô nơi giải thoát lòng người! Nó giải thoát mọi nỗi khắc khoải phiền muộn của lòng người, hành động hoặc không hành động đều có lý do, may mắn hoặc bất hạnh đều được giải thích. Kỳ thực, nó chỉ có hai chữ: hãy sống!
Phàm là những người các nơi đến Cầu Ô đều có vẻ ngoài buồn thảm. Họ tỏ ra thương tâm, không còn tự chủ. Họ đến còn chưa biết nơi này, vẫn lẫn lộn tên gọi. Trước mắt họ nơi này là vùng hoang dã, trai gái ăn uống chưa được thuần hoá. Họ có thể đóng cửa không ra ngoài, hoặc vênh vang tự đắc. Họ, hoặc kiêu căng, hoặc chán nản, tất cả đều là xốc nổi, nông cạn. Với họ, để hiểu Cầu Ô không đơn giản, cần có thời gian, đến lúc ấy họ không kịp cảm kích. Những ngày đầu, Cầu Ô chấp nhận sự nông cạn của họ, họ cho Cầu Ô chất phác trì độn, thật ra đó là sự độ lượng đúng đắn, người lớn không chấp nhặt trẻ con. Người từ nơi khác đến là một cảnh sắc của Cầu Ô, bất cứ năm nào, tháng nào cũng có một đôi người khách lạ đi qua phố Cầu Ô. Về cuối năm, thế giới bên ngoài hình như đang đấu đá đọ sức, người thua dạt đến đây, đến những nơi như Cầu Ô. Người Cầu Ô nhìn người ngoài rất tự nhiên, không kinh ngạc cũng không kỳ quái. Bề ngoài tưởng không hiểu, nhưng kỳ thực rất hiểu. áo quần của người ngoài là xiêm y lộng lẫy, như ráng chiều nơi chân trời, bên trong áo quần đẹp đẽ kia là chút ánh sáng sắp tắt lúc hoàng hôn, chỉ trong giây lát là chìm đắm, tối tăm. Người ngoài đi thuyền tới đây tưởng như đến bên lề của thế giới, cái thế giới làm họ vừa giận vừa yêu, không giành được mà cũng không nỡ bỏ, khó khăn vạn phần. Họ bị nỗi khổ ly biệt che mắt, buông theo dòng nước chín khúc mười tám đoạn, không biết những gì đang chờ ở phía trước.
Cầu Ô là mẹ của mẹ, bởi chúng ta cách một tầng người thân, cho nên ta nhìn chúng rất xa lạ. Bởi có thêm một tầng huyết thống hỗn tạp, chúng ta lại có diện mạo không giống nó, xa lạ hơn cả người xa lạ. Kỳ thực chúng ta đều ở đấy mà ra, cầu ở Cầu Ô là cầu của bà ngoại. Đó là nguyên nhân không mất gốc của người ngoài. Người ngoài dù có đi trăm ngả đều có thể tìm lại nơi này. Mỗi người ngoài đều có một Cầu Ô. Nó là đời gần nhất của tổ tiên chúng ta, người bình thường trong chúng ta đều có được một cách dễ dàng. Nó không phải là cờ xí bay bay trong tiết Thanh minh, đàng hoàng nghiêm chỉnh, nhưng nó là gạo xay thành bột, nhào thành bánh, nhuộm bằng lá, lặng lẽ không lời, tế lễ cầu xin ấm no. Nó là người thân làm nhiều, nói ít. Trong món thịt muối ngày Tết có nó vẫy gọi; hơi ấm trong lò sưởi có nó vẫy gọi. Cuốc cày cấy lúa, tung lưới đánh cá, đều có nó vẫy gọi. Qua cầu, ngồi thuyền, đi đường, bước qua hầm hố, là vẫy gọi của vẫy gọi. Vẫy gọi này giống như lòng bàn tay, mu bàn tay, trong ngoài cơ thể, thoái thác trốn tránh không xong. Có trong vò rượu được hâm nóng; có trong củ năn hầm trên lò; có trong hoa chi tử tháng sáu; có trong hương hoa quế tháng mười. Từng tầng từng lớp quấn lấy người ngoài, không thân cũng nhận là thân.
ở miền Giang Nam, sông nước chằng chịt như tấm lưới, sông nước nhiều như ở Cầu Ô này chỉ có thể đứng trên mây mới đếm hết. Chúng là tổ chim trên cây trên cành, trú ngụ bao nhiêu người hồn xiêu phách lạc. Những người hồn xiêu phách lạc đến rồi lại đi, đi rồi lại đến, như nước triều lên xuống ngày đêm. Họ đến và đi có thể vì thế giới bên ngoài ồn ào và náo loạn, có thể vì thấy lòng người ồn ào và náo loạn. Cầu Ô là nơi dưỡng bệnh, người ngoài không một ai không lành vết thương mà lại quên đau. Điều này chỉ trách triết lý Cầu Ô không triệt để, nó để đất trống, không đánh mất phong thái đôn hậu. Lại trách triết lý Cầu Ô không quyết đoán, nó chỉ nói với khẩu khí thương thuyết. Bệnh tình của người ngoài là bệnh không dứt căn, đã đến hồi thập tử nhất sinh, bất luận thế nào cũng chỉ chữa trị bề ngoài không trị tận căn. Không nói những điều ấy nữa, Cầu Ô là nơi nghỉ chân và vỗ về an ủi. Những con thuyền mỗi năm chở bao nhiêu nỗi đoạn trường và thương đau, chảy dưới thuyền kia là nước mắt buồn thương. Trong những ngày mây mưa mịt mùng, Cầu Ô nhích gần lại, trước hết là ngàn vạn cành liễu nhỏ bé buông rủ như những lớp mành trân châu. Vòm cầu như ô cửa, vào rồi lại vào. Thế rồi xuyên qua những mành liễu rủ, trông thấy nhà bên dòng nước, lớp rêu xanh dày như nhung bám vào những trụ đá dựng đứng trong dòng nước. Những cửa sổ gần bờ nước mở rộng, để lộ ra những sào phơi áo quần xanh đỏ và cả những làn mây hình củ ấu. Những hành lang gần bờ nước với những cột lớn đứng vững trăm năm bám đầy rêu xanh. Dưới hành lang là những cửa hiệu cửa hàng đủ màu đủ sắc, những tấm biển quảng cáo món ăn của các tiệm rượu treo thành dãy, cũng đã tồn tại hàng trăm năm. Dọc đường gặp đôi ba thuyền đón dâu, trên mui thuyền dán chữ hỷ, những dải lụa kết hoa, những hòm đồ của cô dâu xếp thành chồng, cô dâu khóc xụt xịt, nước mắt vui. Bên sông, hoa cải vàng, lúa xanh, bướm trắng, một bảng màu muôn hồng ngàn tía. Cuối cùng, đã đến Cầu Ô.
2 Bà ngoại
Cầu Ô là quê cụ ngoại của Kỳ Dao. Bà ngoại thuê một chiếc thuyền, sáng đi từ Tô Châu, chiều đến Cầu Ô. Vương Kỳ Dao mặc áo khoác màu xanh da trời may bằng hàng len mỏng, tấm khăn cashmere quàng đầu, khoanh tay ngồi trong khoang thuyền. Bà ngoại ngồi đối diện với Kỳ Dao, hút thuốc, tay đặt trên lồng ấp đồng vàng. Thời trẻ, bà ngoại là một người đẹp nghiêng thành Tô Châu. Thuyền đưa người thân đến Tô Châu, bước lên bờ là thấy cảnh Tô Châu - Hàng Châu rồi. Vẫn đi theo dòng nước này, nhưng mưa phùn tiết Thanh minh, vạn vật mờ mịt, lòng người cũng mịt mờ. Đã mấy chục năm, bây giờ tất cả đều rõ, nhìn thấu đáy lòng. Bà ngoại nhìn Kỳ Dao đang ngồi trước mặt đây, tưởng như nhìn thấy bốn mươi năm sau. Bà nghĩ, cô cháu này vào đời không suôn sẻ, sai lầm ngay từ bước đầu, không còn cách cứu vãn, khó quá rồi! Bà lại nghĩ, cô cháu gái bắt đầu cuộc đời không suôn sẻ cũng chỉ tại một điểm, ấy là quá đẹp! Đó cũng là chỗ không đẹp của đẹp. Đẹp cũng là sự lừa dối, không phải lừa dối ai mà lừa dối ngay chính mình. Đẹp, nếu mình không biết còn là điều may mắn, chỉ ít năm rồi cái đẹp cũng qua đi. Thế nhưng ở đất Thượng Hải, người ta tranh nhau để nói với bạn, sợ bạn không biết mình đẹp. Cho nên, không chỉ mình lừa dối mình, còn châm lửa lừa dối bạn, để bạn khen là trăng sáng hoa tươi, mãi mãi không lặn không tàn. Giúp bạn xây mộng, người không còn, mộng vẫn chưa tỉnh. Lẽ ra Kỳ Dao còn đắm chìm trong mộng vài năm nữa. Đó là điều bà ngoại tiếc cho Kỳ Dao, bà nghĩ, giấc mộng của cháu gái tan vỡ sớm quá, mộng vẫn chưa trọn, nhưng đến đâu mới là trọn? Sự thể đến nước này rồi, cũng đành nói thế, tỉnh mộng sớm chưa hẳn là xấu, vẫn còn mấy năm tuổi trẻ, có thể bắt đầu lại. Nhưng mà, bắt đầu lần này không thể bằng lần trước, tất cả đều phải qua một lần và để lại thương tích, làm sao có thể tẩy sạch để bắt đầu lại, rốt cuộc vẫn là tiếp tục.
Bác chống thuyền là người vùng Côn Sơn, biết hát vài câu theo làn điệu Côn Sơn, điệu hát vùng Côn Sơn nghe vào lúc này buồn lắm. Nắng vẫn chói chang, nắng hay không đều thế cả, chỉ thêm não lòng. Lồng ấp trong tay bà ngoại chỉ là chút ấm áp trong lạnh lùng, chỉ là hơi than hun người, làm đau đầu. Bà nghĩ, cô cháu gái này không thể ngày một ngày hai lấy lại được tinh thần, cô như từ trên trời rơi xuống, phải bàng hoàng rồi mới tỉnh dần. Bà ngoại chưa lên Thượng Hải bao giờ, nơi ấy chỉ nghe nói là đủ lắm rồi. Là một thế giới nhốn nháo, cái gì cũng vẫy gọi mọi người. Lòng người không chịu đựng nổi nhốn nháo rối bời, hơi một tý là rối bời, nhốn nháo, điều này không dám nói ra, không bao giờ có kết cục tốt đẹp cả. Lòng cô cháu gái đang rối bời, bây giờ đang chết nửa con người, đau đớn qua đi, nhức nhối qua đi, rồi sẽ ngẩng đầu lên. Đó là những cạm bẫy của Thượng Hải, cũng là sự ác giả ác báo. Nhưng khi tốt lành thì như gấm như hoa, thiên đường giữa chốn nhân gian, một ngày bằng hai mươi năm. Bà ngoại không nghĩ nổi như thế nào là tốt, cảnh náo nhiệt mà bà thấy là mùa hoa bạch lan, hoa chi tử, một biển tuyết ngát hương! Màu đỏ của hoa phượng tiên là chút lòng phàm tục giữa trong ngọc trắng ngà. Bà ngoại hiểu lắm đạo lý nỗi khổ dâu biển, bà biết cô cháu gái đang khó khăn, vào lúc này cũng chưa phải là khó lắm, sẽ mỗi lúc một khó hơn.
Khói của lồng ấp và khói thuốc hoà quyện cùng điệu hát Côn Sơn làm cho không khí âm u nặng nề, buồn ngủ. Bà ngoại nghĩ cho cô cháu gái trăm ngả ngàn ngả tương lai, ngả cuối cùng là đi làm ni cô, dồn ép trái tim xuống tận đáy sâu, chí ít là được sống bình an vô sự. Không nói chi Kỳ Dao, bà ngoại cũng không đành lòng. Thật ra, bà ngoại còn biết niềm vui làm người hơn cả Kỳ Dao. Niềm vui của Kỳ Dao nửa thực, nửa hư, một nửa làm người, nửa kia chồng chất những áo quần sang trọng và cao lương mỹ vị. Còn bà ngoại là tất cả. Bà chỉ thích cái đẹp của người con gái, đẹp k hông hoa nào bì kịp, nhiều lúc ngắm mình trong gương bất giác nghĩ bụng: mình đầu thai thật tuyệt vời, đầu thai thành người con gái! Bà ngoại còn thích sự yên ả của người con gái, không cần thiết phải như con trai cứ rầm rầm rộ rộ xông vào đời, xông đến chốn binh đao, một chết một sống. Gánh trên vai người con trai thật nặng, vừa gia đình vừa sự nghiệp, nghiệp không thành ắt sẽ khuynh gia bại sản, đúng là đi trên dây, vừa khó vừa nguy hiểm. Con gái thì nhẹ nhàng vô sự, có phúc cùng hưởng, hoạn nạn cùng chia. Bà ngoại thích sinh con đẻ cái, cái đau cái khổ chỉ chốc lát, giọt máu đẻ ra là thân thiết ruột thịt, con trai làm sao hiểu nổi? Bà nhìn cô cháu gái, nghĩ: nó chưa được hưởng cái thật sự tốt lành của con gái! Những điều thật sự tốt lành ấy trông cũng bình thường thôi, nhưng từ trong ra ngoài, từ đầu chí cuối, là niềm vui có danh có thực. Cô cháu gái này không còn cả trái tim bình thường, trái tim không bình thường chỉ có thể cảm nhận niềm vui không bình thường.
Vài ba con chim bay theo thuyền, chim kêu chiêm chiếp rồi bay đi. Bà hỏi Kỳ Dao có lạnh không, cô lắc đầu; hỏi có đói không, cũng lắc đầu. Bà hiểu Kỳ Dao bây giờ chỉ hơn người gỗ ở hơi thở, hồn đã đi mất đâu, mà cũng chẳng biết rong chơi bao lâu sẽ về. Về cũng rất ảm đạm, người không phải là người xưa, cảnh không phải là cảnh cũ, hồn sẽ nhập về đâu? Lúc này thuyền ghé một phố nhỏ vô danh, bà ngoại dặn người chống thuyền lên bờ mua ít rượu hâm nóng trên bếp than, bà mua thêm trà, trứng và đậu phụ, rồi rót rượu ra. Bà cũng rót cho Kỳ Dao nửa bát rượu, nói nếu không uống thì hơ tay cho ấm. Bà chỉ cho Kỳ Dao thấy người, xe, nhà cửa trên bờ, nói đấy là Cầu Ô thu nhỏ. Kỳ Dao chỉ nhìn vách đá nơi thuyền ghé, một lớp rêu xanh dày, nước vỗ từng hồi.
Kỳ Dao nhìn khuôn mặt bà như phủ khói sương, bà già quá, lại xa lạ, muốn hôn cũng không hôn nổi. Kỳ Dao nghĩ đến “già” mà sợ, không chạy đâu cho thoát, nó cứ xồng xộc kéo đến. Vòng vo chín khúc mười tám đoạn sông nước, trong ngàn vạn điều suy nghĩ chỉ có chữ “già” là nặng nề hơn cả. Trời già, nước già, rêu phong trên đá đã có tuổi, bác chèo thuyền người Côn Sơn thì không xác định nổi tuổi tác, là hoá thạch của thời gian. Lòng cô rơi xuống vực thẳm của thời gian, rơi xuống vùng không đáy, không nơi dừng lại. Cái lồng ấp trong tay bà cũng cổ lắm rồi, hoa thêu trên giày của bà cũng cổ lắm, rượu bà uống kia cũng là rượu nhiều năm, đậu phụ, trứng gà cũng có từ trăm năm nay. Con thuyền này đã đi ngàn dặm, chiếc xe kia cũng đã đi vạn dặm, đều là thành đồng vách sắt được xây cất bằng thời gian. Con chim trên mặt nước kia hót điệu mấy trăm năm, mặt đất cũng đã qua mấy trăm vụ xuân gieo thu gặt. Ngàn trùng thời gian là gì? Là đây! Nó làm nỗi sợ của con người dâng lên từ đáy lòng, không mấy ai chịu nổi. Nó khiến người ta liên tưởng đến cuộc đời ngắn ngủi của đom đóm, vừa loé sáng đã tắt ngay. Lấy trăm năm làm đơn vị, con người tính bằng cuộc đời. Người trên con thuyền này như khách qua đường, cuộc đời chỉ là tạm thời. Thuyền là thứ cổ xưa, từ thuở khai thiên lập địa đã có thuyền chở khách. Bà ngoại nói Cầu Ô có từ xửa xưa, bà sinh ra đã có rồi, cháu nói nó bao nhiêu tuổi?
Thuyền chui qua từng vòm cầu tựa như qua từng ô cửa. Trong cửa vẫn là ngàn trùng thời gian, nhưng lại khoá chặt. Nếu không phải là trái tim tê tái thì Kỳ Dao đã khóc, nửa đau thương, nửa xúc động. Hôm đó, bức tranh Cầu Ô được vẽ bằng chì than. Lá cây đã rụng sạch, cành cây dày sít, mặt nước lăn tăn sóng gợn. Rêu được chấm bằng ngọn bút, chấm cả trăm, cả ngàn năm. Trên vách nhà, những dấu vết mới đè lên dấu vết cũ, quấn lấy nhau có cả trăm năm, ngàn năm. Khói bếp và tiếng chày gỗ, là nét bút từ thời thượng cổ, trải qua năm tháng nay không còn đẹp nữa. Váy áo và khăn trùm đầu của những người đàn bà giặt rũ bên sông là hình cá và hoa sen in theo lối thủ công, là nét thu hút ánh mắt trong bức tranh chì than. Những hình vẽ tuy trải qua nhiều năm nhiều tháng, nhưng vẫn hàm ý bất diệt mà bất cứ năm tháng nào cũng có thể dùng, không như những thứ hóa thạch sống khác. Nó là những thứ tu thành chính quả, không già, trải qua thời gian, vĩnh viễn là hiện tại. Bồng bềnh trên dòng thời gian, tất cả đều chìm xuống đáy, còn nó thì không. Tiên là gì? Tiên chính là chúng. Có chúng, thế giới này càng già, như lò luyện đơn mấy vạn năm.
Gầm cầu qua mãi không hết, đưa người đến cõi lòng của thế giới cổ xưa. Khói bếp dày đặc, tiếng chày dồn dập như nghênh đón. Mắt bà ngoại ánh lên, bà tắt thuốc, chỉ ra ngoài khoang thuyền, nói với Kỳ Dao, đây là gì, kia là gì, Kỳ Dao thì lơ đãng không nghe, không thấy. Lòng cô đang để đâu đâu, đang phân tán bốn phương, biết đến bao giờ mới quy hồi, lúc bấy giờ không tránh khỏi thiếu mảnh này, khuyết mảnh kia. Người chèo thuyền thôi không hát những điệu dân ca Côn Sơn nữa, hỏi bà ngoại nơi này nơi khác, bà ngoại trả lời rành rọt. Thuyền quay mũi giữa dòng nước như trở về. Bà bảo đã đến, thuyền cắm sào, tròng trành một lúc rồi đứng yên bên bờ. Bà ngoại đưa Kỳ Dao ra khỏi khoang thuyền, bên ngoài trời vẫn nắng làm Kỳ Dao phải nheo mắt. Bà vịn vào người lái thuyền để bước lên bờ, tay vẫn cầm lồng ấp, đứng một lúc, kể chuyện ngày bà về nhà chồng ở Tô Châu: cửa sổ các nhà bên bờ sông đều mở, hàng phố thò đầu ra nhìn, hòm đồ của cô dâu đưa trước lên thuyền, sau đó là kiệu hoa, hoa chi tử nở trắng như tuyết, chỉ một mình bà là đỏ toàn thân, lá trên cành xanh ngắt, nước sông xanh biếc, chỉ có bà là đỏ, ngói trên mái nhà màu đen, trụ cầu đen, chỉ một bà là đỏ. Đó là màu đỏ thoáng hiện trong thế giới cổ xưa bất biến, nổi bật trên nền cổ xưa nay trở lại, tuần hoàn không ngừng, góp thêm viên gạch, viên ngói cho cổ xưa, như kỹ xảo điểm tô màu sắc.
3 Cậu Hai
Đến Cầu Ô, Kỳ Dao ở nhà ông cậu. Ông cậu mở cửa hàng bán tương, tương và đậu phụ của ông rất nổi tiếng. Hàng ngày, có người đưa đậu phụ đến cho cửa hàng. Ông chủ xưởng đậu phụ có hai cậu con trai, cậu Cả đã lấy vợ có con, cậu Hai đi học ở Côn Sơn, đang định thi vào trường sư phạm ở Thượng Hải hoặc Nam Kinh, nhưng thời cuộc rối ren, lại thôi. Cậu Hai diện theo mốt cũ, kính trắng, tó c chải ngôi giữa, áo cổ học sinh, khăn quàng màu nâu. Con gái vùng Cầu Ô không lọt được vào mắt cậu, cậu cũng chẳng làm bạn với cánh con trai ở phố này, chỉ ở nhà đọc sách. Có lúc ông bố sai đi đưa đậu phụ thì mặt xị xuống, bực bội. Những đêm trăng, lại thấy bóng cậu một mình. Cậu Hai cũng là một cảnh của Cầu Ô, bảo rằng không gắn gì với nơi này, nhưng thật ra gắn bó lắm. Là người cô độc ở Cầu Ô. Cầu Ô thời nào cũng có kẻ cô độc như thế, thời này đến lượt cậu Hai. Cảnh này như bọt nước trên sông, nước vẫn chảy mà bọt thì nay có, mai không. Cậu Hai có nước da trắng trẻo, tay chân mảnh khảnh, nói năng khẽ khàng, bước đi nhẹ nhàng. Nếu cậu không phải là người con trai như thế thì cả nhà không khỏi ghét cậu; người Cầu Ô xem cậu như trò cười, cậu giống như kẻ cô đơn trên sân khấu Cầu Ô. Nhưng bây giờ thì khác, mọi người đều chiều cậu. Cả nhà muốn cậu khá lên, có mấy nhà trong phố muốn cậu làm rể. Chừng như thời đại đã khác, thời đại đã trở nên đáng yêu, hình ảnh về con người cô độc cũng làm vui lòng người, khắc họa từng nét theo lòng trắc ẩn của con người. Nhưng nỗi thích thú đó chỉ theo ý mình, còn cậu Hai ghét Cầu Ô lắm, cậu ghét ra mặt, càng khiến cậu mang đậm đặc trưng thời đại. Cậu tự giác nhìn thế giới, xem Cầu Ô là mảnh phế liệu của thế giới bị vứt bỏ. Theo ý cậu Hai, phải ra đi, nhưng con người cậu quá yếu ớt, không thể chịu đựng nổi những biến động của thế giới, đến đấy rồi phải trở về Cầu Ô thôi. Thế là, cậu cảm thấy mình là mảnh phế liệu của thế giới, cắt cũng không cắt hẳn hoi, mảnh thân thể ở đây, lòng thì ở tận đâu đâu.
Cho nên, lòng cậu Hai bị chia sẻ, có một truyền thuyết nói rằng, bóng người là linh hồn của con người, cậu Hai coi mình là người không có bóng. Những đêm trăng sáng, cậu Hai nhìn bóng mình trên cầu đá, trong lòng lại chối bỏ, nghĩ: đây là bóng mình hay sao? Rõ ràng là người khác! Một hôm, cậu Hai đi qua cửa hàng bán tương, trông thấy Kỳ Dao ngồi ở đó, chợt như điện giật, cậu kinh ngạc, nghĩ: đó mới thật là bóng mình! Từ hôm ấy, cậu Hai nhận làm luôn việc đưa đậu phụ đến cửa hàng tương. Từ xưởng đậu phụ ra hiệu bán tương phải đi qua ba cái cầu, qua mỗi cầu cậu lại thấy phấn chấn hơn. Nhưng cậu Hai không để lộ niềm vui, giấu kín niềm vui, cậu Hai còn giấu mặt. Cậu đặt đậu phụ xuống rồi quay mặt đi ngay. Trên đường về, mỗi bận qua cầu lòng lại buồn hơn, nhưng trong cái buồn có ẩn chứa niềm vui, cậu đi, bất giác chân nhảy sáo. Cậu cảm thấy Kỳ Dao cũng là mảnh thừa được cắt ra từ thế giới nghiêm chỉnh kia, nhưng là cắt nhầm, trên đó vẫn còn sót lại nét tinh hoa của thế giới. Làm sao lại phiêu dạt đến đây? Cậu Hai cảm động đến rơi nước mắt. Có nàng, vùng Cầu Ô này như thấy mặt trời, không bị mai một; có nàng, Cầu Ô như có quan hệ ngấm ngầm với thế giới bên ngoài! Nàng đã đem lại những biến đổi cho Cầu Ô! Cậu Hai cũng đã nghe thấy truyền thuyết về Kỳ Dao, truyền thuyết dù không đúng với sự thật thì cậu Hai cũng không lấy đấy làm lạ, ngược lại, càng hợp với tưởng tượng của cậu. Truyền thuyết về Kỳ Dao như cảnh tượng của giấc mộng phù hoa, tuy là phù hoa xưa cũ, mộng cũ, nhưng ánh sáng rơi rớt chiếu rọi cũng đủ dùng cho nửa thế kỷ. Lòng cậu Hai vui lắm!
Chẳng mấy chốc mà Kỳ Dao để ý đến cậu thiếu niên đưa đậu phụ này, vẻ trắng trẻo thư sinh của cậu trông như nhân vật trong tấm ảnh cũ. Cách một bức vách, Kỳ Dao nghe thấy cậu Hai nói chuyện với ông cậu ngoại ở sau nhà, tiếng nói nhỏ nhẹ như tiếng chim. Một lần, Kỳ Dao đi mua kim chỉ thì gặp cậu, mặt cậu đỏ nhừ, quay lại đi lên cầu như bỏ chạy. Kỳ Dao thấy thật thú vị, càng chú ý đến cậu. Kỳ Dao phát hiện cậu Hai có thú đi chơi đêm, đêm khuya thanh vắng vẫn một mình đi ở phố, bóng cậu dưới trăng đẹp như một cô gái, có những lúc cậu nhẹ nhàng nhảy nhót vẫn là niềm vui của một cô gái. Hôm ấy, thấy cậu Hai gánh đậu phụ đi ra, khi đến nhà sau, Kỳ Dao gọi “cậu Hai”, chờ cậu quay lại, nàng nấp vào một chỗ, lén nhìn vẻ xúc động và bối rối của cậu. Kể từ ngày về Cầu Ô, đây là lần đầu Kỳ Dao đùa, do cậu Hai gợi lên. Đầu tiên, cậu Hai tìm, sau rồi tưởng mình nghe nhầm, nhưng không cam lòng, cậu hỏi bâng quơ: ai gọi đấy! Kỳ Dao bịt miệng cười. Cũng là lần đầu cười, do cậu Hai làm cười. Cậu Hai mặt đỏ đến tận cổ, những đường gân xanh ở cổ cứ giật giật, mắt nhìn xuống đất, tay không biết để vào đâu. Lúc này Kỳ Dao mới lên tiếng hỏi nghiêm chỉnh:
- Cậu Hai đi đâu đấy?
Cậu Hai ấp úng trả lời đi thu tiền đậu phụ, rồi chìa cuốn sổ nợ trong tay ra cho Kỳ Dao thấy. Kỳ Dao cầm cuốn sổ xem những dòng chữ nhỏ, hỏi:
- Chữ cậu Hai đây à?
Cậu trả lời có chỗ chữ cậu, có chỗ không phải. Cậu Hai bình tĩnh lại dần, chỉ cho Kỳ Dao thấy những dòng chữ nhỏ đẹp. Thật ra Kỳ Dao không hiểu, nhưng vẫn tỏ ra hiểu, hỏi:
- Chữ cậu đẹp quá!
Mặt cậu Hai thôi không đỏ nữa, nói:
- Chị nói dối!
Kỳ Dao nói nghiêm túc:
- Thầy giáo dạy văn chỗ chị cũng không viết được nhỏ thế này đâu.
Cậu Hai nói:
- Giáo dục ở Thượng Hải coi trọng khoa học, coi trọng thực dụng, tập viết chữ chẳng qua là việc làm rỗi rãi, có cũng được, không cũng được.
Nghe nói thế, Kỳ Dao biết cậu có hiểu biết, trách mình xem thường cậu, thế rồi hỏi cậu những chuyện khác, cậu đều trả lời rành mạch như đứa trẻ biết vâng lời. Trước khi chia tay, Kỳ Dao còn mời cậu thỉnh thoảng đến chơi.
Hôm sau, đưa đậu phụ là một người khác, buổi tối cậu Hai đến. Chân đi giày vải đánh phấn trắng, khăn quàng cổ, tay còn kẹp mấy cuốn sách. Cậu chính thức đến chơi, còn đưa biếu mấy đứa trẻ con ông cậu ít kẹo hoa quả. Cậu Hai nói với Kỳ Dao:
- Đưa chị mượn mấy cuốn sách đọc cho đỡ buồn, ở Cầu Ô không có rạp chiếu phim, buổi tối buồn lắm. Cũng toàn sách linh tinh, Đập bàn kỳ lạ, Vụ án Thi Công, Về khuya của Trương Hận Thuỷ, mấy cuốn tạp chí như Tiểu thuyết nguyệt báo, Chuyện lạ quanh ta...
Kỳ Dao nghĩ, cậu Hai cũng có sở thích riêng, cuối cùng đó cũng là nếp sống của Cầu Ô, nếu ở Thượng Hải, một thanh niên như thế sẽ tiêm nhiễm lối sống lông bông, phù phiếm, những thanh niên ấy thật phong lưu thoải mái biết bao! Kỳ Dao thấy tội nghiệp cho cậu Hai. Dưới ánh đèn, khuôn mặt cậu Hai càng tỏ ra trắng trẻo, mái tóc đen phủ xuống vầng trán. Kỳ Dao nói:
- Bao giờ thì cậu Hai lấy vợ?
Cậu Hai đỏ mặt, nói mình chưa đến mười tám. Kỳ Dao lại nói:
- Anh cậu mới hai mươi mà đã đủ trai, đủ gái rồi đấy!
Cậu Hai nói:
- Đó là người ở Cầu Ô!
Nghe nói thế, Kỳ Dao biết cậu đã loại mình ra khỏi Cầu Ô, liền chú ý đến vẻ tự phụ và tình cảm cậu, lại thấy lý thú, nói:
- Có cần chị giới thiệu cho một tiểu thư Thượng Hải không nào?
Cậu Hai cúi đầu, nói:
- Chị lại giễu em rồi! Giọng cậu có vẻ bực, Kỳ Dao không dám đùa nữa, vội nói:
- Cậu đang tuổi làm nên sự nghiệp, cậu có ý định gì không?
Cậu nói, lẽ ra đi Nam Kinh học sư phạm, nhưng thời cuộc căng thẳng, lại thôi. Nói đến thời cuộc, Kỳ Dao bỗng thấy buồn, lặng đi không nói gì. Cậu Hai tinh ý, biết Kỳ Dao bị xúc động, nhưng không dám nói ra, liền lảng sang chuyện khác, nào là nếu tình hình yên ổn, đời người có chìm có nổi, qua cơn bĩ cực sẽ đến tuần thái lai. Vương Kỳ Dao đến Cầu Ô xa xôi hẻo lánh này, sống chết chẳng biết đâu, người chẳng nói, nói chi lòng? Nhưng vào lúc này, người và cõi lòng như đang được thức tỉnh.
Con người và tấm lòng cậu Hai cũng đang được thức tỉnh. Kỳ Dao như một tấm gương, nhìn vào đó, cậu Hai mới biết con người mình như thế nào, lòng mình như thế nào. Cứ cách một hôm cậu lại đến ngồi với Kỳ Dao, nói chuyện vớ vẩn một lúc trăng đã lên đến đỉnh đầu. Có lúc, trời không lạnh lắm, hai người ra đi dạo phố, bên phố là dòng sông, thuyền đậu san sát, ánh đèn trong khoang lọt ra ngoài, ánh đèn lọt qua khe cửa các nhà bên phố, mặt nước loang loáng ánh đèn, thấy rõ nước chảy. Lòng hai người rất yên tĩnh, cũng rất trong sáng. Cậu Hai nói:
- Chị Dao, trăng ở Thượng Hải có như thế này không?
- Nhìn thì như hai mặt trăng, nhưng thực ra chỉ có một.
- Thật ra là hai, một trăng và một bóng trăng.
Kỳ Dao cười, nói:
- Thì ra cậu Hai là một nhà thơ!
Kỳ Dao nhớ đến Lệ Lợi, tưởng đâu như một con người của kiếp trước. Nàng nghĩ, cũng là tài thơ, Lệ Lợi làm thơ, còn cậu Hai là tự nhiên. Chợt cậu Hai ngượng, nói:
- Chị mới là nhà thơ!
Kỳ Dao nhịn cười, hỏi lại:
- Cậu nói xem nào, tôi làm sao lại có thể là nhà thơ được? Một câu thơ cũ hay một câu thơ mới cũng không thuộc.
Cậu hai nghiêm túc nói:
- Thơ đâu phải ở mấy dòng chữ kia! Có người cho rằng, cứ ngắt câu xuống dòng là thơ, tưởng đâu thơ là đại từ của làm dáng, làm bộ.
Kỳ Dao nghĩ bụng, đúng là cậu Hai nói Lệ Lợi! cậu nói tiếp:
- Thật ra thơ là một bức tranh, ví dụ, Xứ Tần trăng Hán tỏ/ Dõi bóng chiếu Minh Phi, chẳng phải là một bức tranh đó sao? Mời mọc mãi thấy người bỡ ngỡ/ Tay ôm đàn che nửa mặt hoa, lại là một bức tranh; Lệ dàn mặt ngọc lưu thưa/ Cành lê hoa trĩu hạt mưa xuân đầu, vẫn là một bức tranh đấy chứ? Đào tươi mơn mởn/ ngời ngời sắc hoa, bức tranh này thế nào?
Vương Kỳ Dao nghe mà ngơ ngác, vốn chẳng thích gì thơ, nghe cậu Hai lại gợi những cảm tình đối với thơ. Cậu Hai đang nói bỗng dừng lại, Kỳ Dao tỏ vẻ nóng lòng, hỏi:
- Sao cậu không nói nữa?
- Em đã chứng minh rồi thôi!
- Chứng minh gì?
- Chứng minh chị là một nhà thơ!
Thoạt đầu Kỳ Dao không hiểu, rồi chợt hiểu ra, bất giác đỏ mặt.
4 Tấm lòng cậu Hai
Ngay như cậu Hai cũng không hiểu lòng mình. Cậu không hiểu tại sao mình chỉ vui được mấy hôm rồi lại buồn. Còn buồn hơn trước, buồn như cắn xé lòng. Trước đây buồn, nỗi buồn trống trải hoang vắng, bây giờ là nước chảy đá mòn. Trước kia buồn chẳng biết cần gì, chỉ biết buồn không cần gì hết, nay thì biết, biết buồn bởi không đạt được điều mong muốn. Cậu không hiểu tại sao mình không thể được, nhưng vẫn đòi hỏi, giống như lấy đá ghè chân mình. Cái cô gái Thượng Hải mà cậu một điều gọi chị, hai điều gọi chị giống như ráng chiều nơi chân trời, chỉ trong giây lát là mất hút, mất không còn hình bóng. Nàng như một truyền thuyết, cậu Hai có muốn viết thêm lên đó mấy dòng không? Chưa đợi cậu đặt bút viết thì nàng đã tạo ra những truyền thuyết mới, là sự đối chứng kỳ lạ với Cầu Ô, Cầu Ô rõ ràng bao nhiêu, nàng càng mờ ảo bấy nhiêu; Cầu Ô quang đãng bao nhiêu thì nàng mây mù che phủ bấy nhiêu. ở tuổi cậu Hai, thà rằng khó hiểu hơn là cần một sự thật. Cầu Ô là một sự thật. Đạt đến sự thật rồi con người sẽ đến tận cùng, liệu còn gì để hy vọng nữa? Đó cũng là nguyên nhân để cậu Hai buồn vì Cầu Ô, đó cũng là nguyên do để tình cảm cậu Hai bột phát bởi Kỳ Dao. Bây giờ thì ngày nào cậu Hai cũng đến phòng sau của hiệu bán tương, ngồi với nàng, nhìn nàng khâu vá, nói chuyện với nàng. Thế nhưng càng gần thì nàng như càng xa hơn. Càng xa, cậu Hai càng đuổi theo, càng đuổi càng xa, càng không nhìn rõ con người ấy.
Có lúc, cậu nhớ lại đêm trăng nói chuyện thơ ấy, những câu thơ cậu viện dẫn như vang vọng bên tai, ngược lại càng hiểu Kỳ Dao hơn. Thật ra hôm ấy, những câu thơ không phải là suy tư giả tạo, mà buột miệng nói ra. Mỗi câu thơ như không phải của người xưa, mà là những câu thơ của cậu Hai tức cảnh sinh tình bật ra. Nhưng rồi dần dần cậu nhớ lại xuất xứ của những câu thơ kia, lòng chợt không yên. Xứ Tần trăng Hán tỏ/ Dõi bóng chiếu Minh Phi(9) là Lý Bạch viết về Vương Chiêu Quân. Chiêu Quân ra đi, xa nhà ngàn dặm, ứng với cảnh của Vương Kỳ Dao, vẫn là trăng cố hương trên đất khách. Hai câu tiếp theo: Bước lên đường ải Ngọc/ Chân trời biền biệt đi...(10) phải chăng là điều dự báo Kỳ Dao ở mãi xứ người không về? Cậu Hai có phần phấn chấn, nhưng cảm thấy không hợp cảnh, bởi nàng xa nhà nhưng không xa nước, mà chỉ thay đổi triều đại, ấy là nói trăng xưa chiếu người nay, thời gian không chảy ngược, tất nhiên chân trời biền biệt đi. Nghĩ lại, thật hợp người hợp cảnh. Hơn nữa, trăng sáng trên biển thuở xưa bỗng sừng sững bóng Kỳ Dao, thật là cảnh thê lương khó nói, in đậm vào lòng cậu Hai. Những câu thơ dẫn ra càng về sau càng không vui: Mời mọc mãi thấy người bỡ ngỡ/ Tay ôm đàn che nửa mặt hoa...(11) xuất xứ trong bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, người con gái ôm Tỳ Bà lưu lạc chân trời, những cảnh tốt đẹp không còn trở lại. Còn câu: Lệ dàn mặt ngọc lưu thưa/ Cành lê hoa trĩu hạt mưa xuân đầu...(12) trích trong bài Trường hận ca, nàng Dương Quý Phi sắc nước hương trời, linh hồn phiêu bạt nơi tiên cảnh. Bất giác cậu Hai buồn hơn, cậu nghĩ đến những bức tranh người đẹp đều là người đẹp bất hạnh, đúng như câu nói hồng nhan bạc mệnh. Chỉ có bức tranh Đào tươi mơn mởn/ ngời ngời sắc hoa... trong Kinh thi là vui, thế nhưng, sau một loạt bức tranh buồn, thì cảnh hoa đào mơn mởn kia lại ẩn chứa hiểm hoạ chẳng lành. Lòng cậu Hai lắng xuống, cậu nghĩ, lẽ nào đây là lời dự báo? Cậu trông thấy trên thân hình người con gái Thượng Hải này đầy những bất hạnh. Nhưng là bất hạnh đẹp, với thế chim sa cá lặn, cậu Hai cố vươn lên trước.
Trong sự hướng về phía Kỳ Dao, không đơn thuần chỉ có yêu, trong đó còn bái lạy. Kỳ Dao không phải là một con người, mà là hoá thân, một linh hồn lan tràn không gian. Đó là thế giới mơ hồ, loạn tâm trí, nó bay nhảy trong không trung Cầu Ô, giống như ảo ảnh. Có những lúc cậu Hai cảm thấy mình cũng hoá thân, biến thành mây mưa. Cầu Ô cũng lắm ảo giác, kỳ thực đêm quá tĩnh, quá dài, sinh ra ảo giác. Nơi có nhiều sông nước quanh co, mái ngói lô xô, đường lát đá, đều là nơi sản sinh ảo giác. Kỳ Dao đang sống trong miền ảo giác. Nàng đi trên đường phố Cầu Ô mà người khoác ánh phồn hoa rực rỡ, tưởng đâu dư âm múa hát theo về. Cậu Hai nghĩ, người con gái Thượng Hải này đang cuốn hút mình. Phía trước càng nhiều rủi ro, sức cuốn hút càng mạnh mẽ, cậu như sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Cậu bái lạy thứ tôn giáo bất hạnh không phải vì để vĩnh hằng, mà cho ngắn ngủi, đuổi theo mây khói, tìm niềm vui chốc lát. Cậu Hai đã bị nhiễm tà tâm.
Kỳ Dao hiểu tấm lòng cậu Hai là tình yêu của một thiếu niên, tuy xem cậu Hai là đơn giản nhưng nàng cầu mong ở cậu. Bởi từ tình yêu này mới có thể đến gần Kỳ Dao, ngoài ra chỉ là đuổi hình bắt bóng. Chỉ một chút tình yêu đó là mới mẻ, mang bộ mặt nhân gian, là nhịp cầu kết nối giữa Kỳ Dao và cậu Hai. Tình yêu của cậu Hai là tình yêu trong trắng, không đòi hỏi, chỉ cho phép cậu yêu là đủ lắm rồi. Kỳ Dao ra phố mua thức ăn, cậu Hai đi theo xách làn; trời nắng ráo, Kỳ Dao bưng nước ra ngoài gội đầu, cậu Hai giội nước giúp Kỳ Dao gột sạch xà phòng; Kỳ Dao bóc đậu, cậu Hai bê bát chuyển đậu; Kỳ Dao may vá, cậu Hai xâu kim giúp. Thấy mắt cậu Hai nhìn kim đặt ngay trước mũi, lòng Kỳ Dao thấy vui vui. Niềm vui cũng thật giản đơn, niềm vui không suy tính, niềm vui bắt nguồn từ nỗi buồn. Kỳ Dao bất giác đưa tay sờ đầu cậu, sờ mái tóc mềm mại, óng ả; lại vuốt sống mũi đeo kính của cậu, sống mũi mát lạnh như sống mũi chó con. Lúc này cậu Hai vui đến trào nước mắt. Kỳ Dao hỏi:
- Cậu Hai đi Thượng Hải với chị không?
- Đi!
- Cậu lấy gì để nuôi chị?
- Đi làm.
Kỳ Dao cười, lặng đi một lúc, rồi nói:
- Tiền cậu Hai kiếm được chỉ đủ để chị mua dầu chải tóc thôi!
Cậu Hai cũng lặng đi, nói:
- Chị xem thường em quá!
Kỳ Dao vê vê vành tai mỏng mảnh của cậu Hai, nói:
- Nói đùa cậu vậy thôi, biết có về được Thượng Hải nữa không?
Cậu Hai nói, giọng nghiêm chỉnh:
- Em chở thuyền chị đi Thượng Hải.
Kỳ Dao cười:
- Thuyền của cậu có đi đến Thượng Hải được không?
- Trăm sông đổ về biển, sao lại không?
Kỳ Dao thôi không nói nữa.
Một chút ánh sáng mờ ảo le lói trong trái tim mê muội của cậu, khiến cậu phân biệt được hình hài, dĩ nhiên là hình hài mờ ảo. Cậu tự nhủ: mình phải làm gì bây giờ? Cậu cảm thấy đây là lúc hành động. Mùa đông qua đi, hoa xuân nở, những cành cây thưa thớt đã thấp thoáng màu vàng, tựa trái tim cậu Hai. Cậu nghĩ, mình đã chờ đợi cả một mùa đông. Mùa đông ở Cầu Ô sao mà dài thế! Cậu đi bên bờ sông, nhìn những con thuyền như sắp rời bến, ánh sáng trong tim lại bừng lên. Lúc này, cậu cảm kích đối với dòng nước ở Cầu Ô. Có nước cậu mới biết hành động ra sao. Bây giờ cậu đi theo ánh sáng kia, tương lai đang được ánh sáng mờ ảo soi chiếu. Cậu trở nên dũng cảm, tất cả bởi ánh sáng kia, mọi dũng cảm là dũng cảm của ánh sáng mờ ảo. Hàng ngày cậu không đến tìm Kỳ Dao nữa, còn Kỳ Dao trở nên thiết thực, tưởng đâu mình thôi thúc cậu hành động. Lòng cậu Hai đột nhiên trỗi dậy nỗi buồn man mác, chừng như sắp phải từ biệt điều gì lớn lắm, nhưng trong nỗi buồn có lẫn niềm vui, bởi cậu cảm thấy lần từ biệt này không phải là từ biệt, mà để đoàn tụ. Trái tim cậu đang hát bài ca giao hoà buồn vui trinh trắng, cậu đi đi lại lại dưới trăng Cầu Ô. Nếu lúc này có người trông thấy, chắc sẽ bị xúc động bởi ánh mắt của cậu, ánh mắt mới dịu dàng sao! Quyết tâm và niềm tin trong ánh mắt, tất cả đều dịu dàng như nước.
Kỳ Dao đang lấy làm lạ tại sao cậu Hai không đến thì nghe tiếng gõ cửa của cậu. Giày vải trắ ng của cậu vừa giặt sạch, chải phấn trắng, khăn quàng cũng mới giặt, là phẳng phiu. Đôi mắt sau lớp kính long lanh sáng. Cậu nói:
- Chị Dao, em đến thăm chị!
- Cậu không đến, tưởng quên chị rồi!
- Quên ai thì quên nhưng không quên được chị.
- Lấy vợ, quên cả vợ, huống hồ chị đây không giây mơ rễ má gì?
- Nói không quên là không quên được. Chỉ sợ một ngày nào đó, gặp nhau ở Thượng Hải chị không còn nhận ra em nữa!
Kỳ Dao cười:
- Nhận ra thì sao, không nhận ra thì sao?
Cậu Hai thoáng buồn, mắt nhìn xuống, khẽ nói:
- Phải rồi, mình là ai mà để người khác phải nhớ!
Kỳ Dao định an ủi cậu thì cậu đi ra cửa, chỉ nói: “Chào chị” thế rồi quay đi ngay. Giày vải của cậu không để lại tiếng vang trên đường lát đá và bóng cậu lẫn ngay vào màn đêm Cầu Ô, không còn thấy đâu nữa. Kỳ Dao còn có chuyện muốn nói với cậu, định đuổi theo, nhưng lại nghĩ, thôi, để đến mai, thế rồi quay vào đóng cửa. Đêm ở Cầu Ô thật yên tĩnh, nghe rõ cả tiếng sương rơi. Hôm sau, Kỳ Dao chờ cậu Hai, nhưng cậu Hai không đến. Hôm sau nữa, vẫn không đến. Lại thêm một hôm nữa. Người đưa đậu phụ nói cậu Hai đã đi, đi Nam Kinh thi vào trường Sư phạm. Kỳ Dao nhớ lại tối hôm cậu Hai đến, trong mỗi câu nói của cậu đều có ẩn ý nào đó. Kỳ Dao nghĩ kỹ từng câu nói của cậu, cho rằng cậu không đi Nam Kinh, mà đi Thượng Hải. Kỳ Dao còn nhận ra, cậu Hai đi Thượng Hải không vì gì khác, mà là vì mình. Cậu Hai đến Thượng Hải chờ Kỳ Dao! Nhưng Thượng Hải là một biển người, cho dù Kỳ Dao về lại Thượng Hải thì cậu Hai làm sao có thể tìm thấy?
5 Thượng Hải
Trái tim Thượng Hải được cậu Hai thu nhận, cái đêm không đêm lại xuất hiện trước mắt Kỳ Dao, nhưng là cảnh tượng từ lâu, xa vời! Buổi sáng, Kỳ Dao soi gương chải đầu, thấy Thượng Hải trong gương, thế nhưng Thượng Hải ấy đã tiều tụy đi một ít, khoé mắt đã có nếp nhăn. Kỳ Dao đi bên bờ sông, vẫn thấy Thượng Hải đổ bóng xuống dòng nước, Thượng Hải này đã phai màu. Kỳ Dao bóc một tờ lịch, lại cảm thấy Thượng Hải già thêm một tuổi. Không thể nghĩ đến Thượng Hải, hễ nghĩ đến lại đau lòng. Ngày và đêm nơi ấy chứa chan nghĩa tình. Mây trên bầu trời Cầu Ô đều mang hình Thượng Hải, biến hoá khôn lường, mưa nắng bất thường, nhà cửa cao đẹp. Thượng Hải thật sự không thể tưởng tượng nổi, suốt đời không quên nét huy hoàng của thành phố, dù tất cả sẽ qua đi, biến thành tro bụi, biến thành dây tầm xuân leo tường, thì ánh huy hoàng kia vẫn chiếu rọi. Vầng hào quang toả bốn phương, xuyên suốt tất cả. Xưa kia không có nó, không sao, đã có, không thể nào buông tay nổi.
Trước mắt Kỳ Dao hiện lên cảnh cậu Hai ngồi thuyền đi Thượng Hải, thuận buồm xuôi gió. Kỳ Dao nghĩ, cậu Hai thật dũng cảm, biến chuyện nói đùa thành thật. Nhưng nói đùa thành sự thật có còn là nói đùa kh ông? Phải chăng đó không phải là lời dự báo? Lại nghĩ, ngay cả cậu Hai ở Cầu Ô cũng đi được Thượng Hải, còn mình, Kỳ Dao này sinh ở Thượng Hải, lớn lên ở Thượng Hải thì việc gì phải xa, việc gì phải chia đôi tấm lòng để nhớ? Thượng Hải nơi để lòng người tương tư, không thể nào gột rửa, xoá sạch nổi, một khi bình tâm thì nỗi nhớ lại trỗi dậy. Nó như người yêu với người yêu, hoá đá rồi vẫn là hòn Vọng phu, dõi nhìn chân trời. Cậu Hai đi rồi không một tin tức, người đưa đậu phụ cũng nói không có thư từ gì về. Kỳ Dao càng khẳng định cậu đi Thượng Hải. Trong biển người mênh mông, đâu là nơi dừng chân của cậu Hai? Bất giác Kỳ Dao trách cậu Hai không suy tính cẩn thận, thế nhưng những ly kỳ về cậu Hai đã bắt đầu. Bao giờ thì được gặp lại cậu Hai? Kỳ Dao buồn, thất vọng. Nàng mở cửa sổ, ngắm nhìn bờ nước sáng ánh trăng, bóng dáng Thượng Hải hiện lên trong ánh chiết xạ nơi xa, nhưng mờ nhạt nhiều.
Cầu Ô không cách biệt hoàn toàn với Thượng Hải, vẫn có chút ít tin tức. Tấm quảng cáo dầu Vạn Kim nhãn hiệu Con hổ là từ Thượng Hải đưa đến; tranh mỹ nữ nhãn hiệu Nguyệt Phần cũng là sản vật của Thượng Hải; trong hiệu tạp hoá có bán cả nước hoa nhãn hiệu Hai Cô Gái, hương trầm nhãn hiệu Lưỡi Dao của Thượng Hải; người Cầu Ô cũng biết hát làn điệu Thần khúc của Thượng Hải. Không để ý thì thôi, hễ để ý đến thì những thứ lặt vặt linh tinh ấy đều thành sự đùa cợt, trêu chọc. Lòng Kỳ Dao đâu chịu nổi sự trêu chọc ấy! Đi đến đâu Kỳ Dao cũng nghe thấy lời gọi và tiếng vọng của Thượng Hải. Trái tim Thượng Hải của Kỳ Dao thật ra có thù, có oán, mang thương tích. Bởi thế, sự trêu chọc kia như chạm vào vết thương, nhức nhối như dao cắt. Nhưng thù và oán ấy có màu sắc và ánh sáng, đau đớn thì chịu đựng. Chấn động và kinh hoàng qua đi, nay nhớ lại tất cả đều phải thế, hợp tình, hợp lý. Ân oán buồn vui, ấy là lễ rửa tội. Kỳ Dao đã cảm nhận được không khí Thượng Hải, không giống với cảm nhận của cậu Hai, cảm nhận của cậu Hai không rõ nét, còn với Kỳ Dao thì có danh, có thực. Hoa chi tử lan truyền không khí của hoa trúc đào Thượng Hải, chim bay lượn trên mặt nước mang dáng dấp bồ câu trên mái nhà Thượng Hải, sao trời ở Cầu Ô là đèn của Thượng Hải, sóng nước Cầu Ô là sóng đèn màu đêm Thượng Hải. Kỳ Dao nghe điệu “Bốn mùa” của Chu Triền, từng mùa than thở, rõ ràng là đang vẫy gọi nàng trở về. Mọi người đều gọi Kỳ Dao là “mợ Thượng Hải”, coi Kỳ Dao là người ngoài, thôi thúc Kỳ Dao sớm trở về quê. Xường xám của Kỳ Dao đã cũ, phải thay mới. Giày cũng đã mòn, phải thay mới. Tay chân Kỳ Dao nứt nẻ, áo len thủng lỗ, trên người Kỳ Dao có trăm ngàn thương tích, không muốn về cũng phải về.
Vẫn không có tin tức gì của cậu Hai. Chuyện ly kỳ khởi đầu đều lặng lẽ, không ồn ào. Kỳ Dao không còn nghi ngờ gì việc cậu Hai đi Thượng Hải. Có cậu Hai ở Thượng Hải, trái tim Thượng Hải dường như ấm lên, và cũng không cam chịu. Lúc này Kỳ Dao chưa đi, Cầu Ô đã vẫy tay giã từ, mỗi ngọn cỏ mỗi gốc cây, mỗi viên gạch, mỗi hòn đá, sương mù âm u, mặt nước mờ ảo... tuy đang ở trước mắt, nhưng đã thành ký ức. Liễu rủ Cầu Ô cũng mộng mị, mặt trời xoay tròn, mặt trăng xoay tròn. Kỳ Dao chú ý đến những con thuyền. Thuyền đi dưới vòm cầu, rất vui vẻ, một vòm cầu lại một vòm cầu, người chèo thuyền vẫn hát điệu Côn Sơn. Đông đi, xuân qua trong chớp mắt, sen đã kết hạt. Kỳ Dao lên thuyền về Tô Châu, nhà cửa hai bên bờ sông hoá thành bức tường đá, trên đó còn ghi lại ngấn nước và rêu phong của ngàn năm, vạn năm, Cầu Ô trở thành một đoạn trong cuộn tranh dài, cứ nối dài mãi. âm thanh của cối xay nước vang trong không gian, là âm thanh dẫn đầu của vạn âm thanh. Cầu Ô thực và hư, Cầu Ô tình và lý, linh hồn và thể xác... tất cả đều hoà trong âm thanh cối xay, là âm thanh cổ xưa. Làn điệu Côn Sơn cũng cổ xưa, người chèo thuyền là con người cổ xưa.
Kỳ Dao ra đi, cuộn tranh dừng lại bên bờ nước, tầm mắt rộng mở, chim bay cao biến thành những chấm đen. Tiếng trống, chiêng, phèng la đuổi chim sẻ từ trên bờ vọng tới, tùng tùng xoèng xoèng, từng hồi thôi thúc. Mặt trời trên cao, mặt nước sáng như gương, không soi người mà soi trời. Bầu trời không gợn mây, cũng là một tấm gương lớn, soi dòng nước xanh trong. Rất nhiều con thuyền đi theo gió, thuyền đua tranh, lòng người không xao xuyến sao được!
Chưa nhìn thấy Tô Châu đã ngửi thấy hương hoa bạch lan. Tô Châu là nỗi nhớ của Thượng Hải, không nhớ Thượng Hải thì thôi, hễ nhớ Thượng Hải là nhớ đến Tô Châu. Người Thượng Hải nằm mơ là mơ thấy Tô Châu. Tiếng Tô Châu ngọt ngào, là lời yêu thương của Thượng Hải, giận cũng phải nói yêu, như biến đá thành vàng. Vườn Thượng Hải từ Tô Châu đưa lên, dáng dấp nhàn tản. Tô Châu là tình xưa nghĩa cũ của Thượng Hải. Thuyền đến Tô Châu, đường về Thượng Hải chỉ còn một nửa.
Từ Tô Châu về Thượng Hải, Kỳ Dao đi tàu, thuyền đi chậm, buồm không thuận gió. Đi tàu đêm, ngoài cửa sổ trời tối đen, vài ba ngọn đèn lướt nhanh như đom đóm. Tim Kỳ Dao lúc này như ngừng đập, không có tiếng động, tiếng gió cũng không. Trời đêm ngoài cửa sổ tối như phủ tấm màn dày, Thượng Hải ở phía sau tấm màn kia, chỉ chờ phút giây kéo màn. Trời đêm ngoài cửa sổ còn như đường hầm, cuối đường hầm là Thượng Hải. Ngọn đèn đầu tiên của Thượng Hải là đèn của nhà máy xử lý nước bẩn Hạp Bắc xuất hiện trong màn đêm, bất giác Kỳ Dao nước mắt lưng tròng. Đèn mỗi lúc một nhiều, như những con thiêu thân, lao về phía cửa sổ. Tàu vẫn lao về phía trước, tiếng xình xịch bao trùm tất cả. Chuyện xưa như băng tan mùa xuân, tràn bờ, không nghĩ nó vẫn đến, nhưng rồi cũng theo dòng chảy về đông, chảy đi không trở lại. Trên ô cửa in bóng người xưa, người nọ tiếp nối người kia. Kỳ Dao không giữ nổi nước mắt tràn ra đầm đìa khuôn mặt. Còi tàu vang lên như xé vải, ánh đèn rực sáng trước cửa tàu, những hình ảnh cũ vụt biến, tàu vào ga.
Hết chương 5. Mời các bạn đón đọc chương 6!