Trường Hận Ca Chương 7

Chương 7
Khang Minh Tốn

Khang Minh Tốn

Trong những đêm vui vẻ như thế, lòng người nửa tỏ nửa mờ. Mao Mao tức Khang Minh Tốn, cũng là điều nửa tỏ nửa mờ trong lòng Kỳ Dao, tuy không dám nghĩ nhưng vẫn phải nghĩ. Một lần, chỉ có hai người, Kỳ Dao hỏi:

- Bao giờ thì Tốn lấy vợ?

Minh Tốn đáp:

- Liệu có ai gả con gái cho mình, một du dân không nghề nghiệp?

Kỳ Dao cười:

- Người tài giỏi đâu có chịu rẻ rúng! Một người có nhân cách, con nhà gia thế như Tốn lấy đâu mà chả được vợ?

- Dao giới thiệu cho mình một người đi!

- Dao không có bạn nào xứng với Tốn đâu.

Minh Tốn lại mượn lời trước đó của Kỳ Dao, nói:

- Người tài giỏi đâu có chịu rẻ rúng! Cứ nhìn phong thái, cử chỉ cũng đủ biết Dao thuộc xã hội thượng lưu, với mình thì cả đời cũng không dám mơ!

- Tốn mỉa mai Dao là con gái nhà nghèo chứ gì?

- Người bị mỉa mai là mình chứ đâu phải Dao.

Mỗi người một câu lời qua tiếng lại, Minh Tốn tuy trả lời mọi câu hỏi, nhưng Kỳ Dao chưa nghe được điều mình muốn biết, thì có người đến.

Một lần khác, cũng chỉ có hai người, Minh Tốn vẫn hỏi chuyện ấy:

- Bao giờ mới đến ngày lành tháng tốt của Dao?

Kỳ Dao cũng học cách nói lần trước của Minh Tốn:

- Liệu có ai lấy một người như thế này ... Nhưng chưa nói ra “thế này” là thế nào, Kỳ Dao bỗng im lặng. Minh Tốn định hỏi tiếp thì đã thấy nàng rưng rưng lệ, nên vội nói:

- Mình nói có gì không phải, Dao bỏ quá đi cho, người không biết thì không có lỗi.

Kỳ Dao lắc đầu im lặng, lát sau mới nói:

- Liệu có ai lấy một người như thế này?

- Như thế này là thế nào?

- Tốn thấy thế nào?

- Thêu hoa trên gấm!

- Tốn lại mỉa rồi!

- Dao đang mỉa mình đấy chứ!

Lần này do Minh Tốn gợi chuyện, Kỳ Dao chờ để anh truy hỏi đến cùng, không ngờ anh không hỏi đến điều mà nàng muốn trả lời.

Kỳ Dao và Minh Tốn hỏi và trả lời như người chơi trò ú tim đi trốn, đi tìm. Đi tìm chỉ một tâm tư, đi trốn lại hai tâm trạng, vừa sợ tìm thấy, lại sợ không đến tìm, thế là vừa chạy trốn, vừa mời gọi. Những lúc có mặt mọi người, hai người hỏi và trả lời như chơi trò đoán ý nhau, bề ngoài là một ý, bên trong lại là ý khác. Đó là trò chơi ú tim lúc đông người, giữa hai người phải hiểu ý nhau, phải thật hiểu nhau mới có thể quay vòng tìm bắt được nhau. Dần dần, hai người tìm được ngôn ngữ chung chỉ hai người mới hiểu, rất bình thường, ở họ lại mang một ý nghĩa khác, nói mây chỉ gió. Hai người thầm hiểu nhau, nói với nhau trong im lặng. Mọi người vẫn chưa biết gì, hai người không để lộ, càng không nói ra với ai. Lần Xasa nói sẽ giới thiệu bạn gái cho Tốn đã làm hai người phải giật mình khiến Kỳ Dao bối rối làm gãy cả thìa. Sau đó, câu chuyện của bà Nghiêm với cậu em họ làm Minh Tốn bối rối, nói năng thì ấp úng, giấu đầu hở đuôi. Tuy vậy cũng chỉ bối rối thế thôi, sau đó chẳng có chuyện gì, mà cũng chẳng ai nhắc lại chuyện ấy nữa. Nhưng có lần Kỳ Dao hỏi:

- Xasa định giới thiệu ai cho Tốn đấy?

- Mình làm sao biết được, phải hỏi cậu ấy chứ!

- Tốn biết ý định của Xasa rồi!

- Đã muốn biết, ngay lúc ấy lại không cho Xasa nói, còn bằng mọi cách bịt miệng cậu ta lại!

 Kỳ Dao lại bối rối:

- Ai bịt miệng Xasa, Xasa nói gì đâu có liên quan đến Dao!

- Không liên quan thì hỏi làm gì?

 Câu nói như chạm vào vết thương của Kỳ Dao, nàng vừa đau vừa ngượng, mặt đỏ bừng, im lặng một lát mới nói:

- Tốn với Xasa là bạn, cùng một cánh với nhau cả thôi!

Minh Tốn nói:

- Nếu phân chia cánh bên này bên kia thì Xasa một bên, là người ăn bánh mỳ Liên Xô.

Kỳ Dao bật cười, hai người coi như hoà. Kỳ thực hai người luẩn quẩn trong một vòng tròn, cuối cùng vẫn trở về chỗ cũ, bởi vòng tròn vừa đi khá xa, nên khi trở về chỗ cũ lại cảm thấy gần nhau hơn, là một cảm giác sai.

Cảm giác sai cũng có cái hay của nó, ấy là được nâng lên tầng hư không. Mà trên tầng hư không này có thể đặt lên tầng thực, tuy phải lùi lại, song bởi có tầng thực nên cũng không lùi đến cùng, nhưng là hai hoặc ba tầng nhập một, có nghĩa là tiến hai bước lùi một bước. Điều này cũng giống như nhảy điệu valse, tiến tiến lùi lùi, lùi lùi tiến tiến, vẫn có thể đi từ bên này sàn nhảy đến bên kia sàn nhảy, cho dù trở về, vẫn có những sai sót nào đó. Nhảy xong một điệu trong lòng thể nào cũng khoan khoái và thoả mãn. Chơi trò ú tim với Minh Tốn, Kỳ Dao có những cảm giác sai, có lúc cố ý để sai, sai cứ để cho sai. Kỳ Dao biết là sai nhưng vẫn cứ làm sai, khiến Minh Tốn không còn các h nào khác. Có lúc, Kỳ Dao gọi mình với Minh Tốn là chúng mình, gọi bà Nghiêm và Xasa là họ, gọi thế tuy có phần lộn xộn nhưng thật ý nghĩa, trái tim Minh Tốn bồi hồi xúc động, không hiểu tốt xấu ra sao. Có lần, Minh Tốn hỏi Kỳ Dao:

- Tại sao Dao coi bà chị mình là người của Xasa, chị Nghiêm đâu có ăn bánh mỳ Liên Xô?

Kỳ Dao cười, nói:

- Là mẹ vợ với con rể đấy thôi! Chẳng phải là người một nhà à?

Cả hai cùng cười. Kỳ Dao giải thích, không rõ Minh Tốn có đồng ý không. Hai người như đứng giữa ngã ba đường, như nắm bắt được đối phương, lại sợ đối phương bắt được, cứ lặng lẽ đẩy tới rồi ngăn lại, cũng là làm văn với cảm giác sai. Bài văn cứ kéo dài mãi, lặp đi lặp lại. Sau sự việc ấy, mỗi lần gặp nhau Kỳ Dao vẫn nhắc:

- Tốn cứ hỏi tại sao Dao ghép cô Nghiêm với Xasa về một phía để làm gì?

Minh Tốn hỏi lại:

- Dao hỏi để làm gì?

Có những lúc rối như tơ vò thì vẫn cứ vòng vo luẩn quẩn. Nối các việc lại với nhau thành một vấn đề. Lại giống như trò múa võ, bước tiến bước lui, trông cứ như làm đi làm lại, kỳ thực là vận nội công, vẫn có thắng thua, yếu khoẻ, cao thấp.

Hai người chuẩn bị cho buổi họp mặt thật ra là lấy việc chung để làm việc riêng, để chơi trò hiểu ngầm nhau và cùng đứng trước ngã ba đường. Điều này như quẫy nước  để bắt cá, trong những câu chuyện phiếm của buổi chiều hoặc buổi tối, thể nào cũng có đôi ba câu có ý nghĩa thực chất, điều chủ yếu là hiểu ra sao. Tuy nhiên, dẫu có những ý nghĩa thực chất thì lời nói ấy vẫn trôi nhanh khó mà nắm bắt, bởi thế mới nói “quẫy nước bắt cá” là vậy.  Hai người lời qua tiếng lại cuối cùng chỉ có một sự việc. Sự việc gì thì hai người đều hiểu, nhưng lại vờ như không hiểu. Song chỉ mình vờ không hiểu, không cho phép đối phương vờ không hiểu. Họ vừa thức tỉnh đối phương hiểu, nhưng lại phải được đối phương thừa nhận không hiểu. Nghe cứ như khẩu lệnh, như mê hồn trận, chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ. Bởi là người trong cuộc có đầu óc rất tỉnh táo, muốn mê muội cũng không mê muội nổi. Họ hiểu tình huống, biết mục tiêu, cần gì không cần gì, trong lòng có hẳn cuốn sổ ghi chép rõ ràng. Về mặt này hai người tương đương tài sức, kẻ tám lạng người nửa cân, trong trò chơi này hai phía cùng thách thức nhau. Hai người say mê với những kỹ xảo trò chơi, tự mình thưởng thức và cùng nhau thưởng thức. Nhưng say mê cũng chỉ chốc lát, rất nhanh chóng tỉnh ngộ, nghĩ đến mục tiêu của mình. Với vẻ bề ngoài giống như tẻ nhạt, và cả những trò chơi ít nhiều đùa dỡn, thật ra hai người lại vùi đầu vào nỗi buồn. Nỗi buồn không vì chính mình mà còn vì đối phương, bao hàm sự cảm thông và đồng tình, nếu chỉ vì lợi ích của riêng mình thì không thể quay lại được.

Khang Minh Tốn đã sớm biết Kỳ Dao là ai, nhưng chỉ kín mồm kín miệng. Lần đầu gặp Kỳ Dao anh thấy quen quen, nhưng chưa nghĩ ra ở đâu. Lại thấy Kỳ Dao sống ẩn dật, đâm ra nghi ngờ. Về sau đến nhà Kỳ Dao, mấy thứ đồ dùng đã lộ phần nào lai lịch. Tuy anh còn trẻ, nhưng sống gắn liền với thời đại nên biết rõ nội tình thành phố. Có nhiều người lịch sử bị ngắt đoạn chỉ trong một đêm, rồi sau đó vỡ thành nhiều mảnh, vung vãi khắp nơi. Hẻm Bình An này là một kênh của thành phố, ẩn náu những cuộc đời vụn vỡ. Anh như nhìn thấy ánh hào quang và sắc màu sau vẻ thướt tha của Kỳ Dao, như ảo ảnh, nhưng trước mắt lại là nàng, như ngọn đèn leo lét trong miếu thờ. Một lần, trong khi đánh mạt chược, ánh đèn từ trên cao chiếu xuống, khuôn mặt Kỳ Dao khuất bóng, mắt sáng lên trong bóng tối, thăm thẳm, u buồn, chợt nàng ngước lên, cười, xóa sạch tất cả những gì trước mắt. Nụ cười khiến anh nghĩ đến một người, đó là Nguyễn Linh Ngọc, nữ diễn viên điện ảnh của những năm ba mươi. Kỳ Dao là ai? Thật ra anh đã đến gần với điều bí ẩn, nhưng rồi lại lướt qua nhanh chóng. Lại một lần khác, anh đi qua một hiệu ảnh, trông thấy ảnh một cô dâu mặc áo cưới, lòng anh chợt sáng lên. Người trong ảnh trông quen quá, khiến anh nhớ lại từ rất lâu đã thấy tấm ảnh này ở đâu rồi. Nếu ngay lúc ấy anh nghĩ đến nàng thì mọi điều nghi hoặc đã được giải đáp, nhưng không, thế là một lần nữa anh đến sát với điều bí ẩn nhưng lại bỏ qua. Càng tiếp xúc với Kỳ Dao thì điều nghi hoặc ấy càng nhức nhối nhiều hơn. Trong dáng thanh tao, nhã nhặn của Kỳ Dao, anh nhận ra vẻ đẹp lộng lẫy, vẻ lộng lẫy thấm vào bầu không khí chung quanh nàng, mây khói mịt mờ; trong dáng thanh tao của Kỳ Dao anh còn nhìn thấy tình yêu của nàng, tình yêu ấy lan toả không gian. Kỳ Dao là ai? Tưởng như thành phố này một chút ngày qua còn nhớ được chỉ là tiếng leng keng của tàu điện. Minh Tốn nghe âm thanh ấy mà lòng đầy thương cảm. Kỳ Dao là hình bóng của nỗi nhớ, thướt tha bất định, lúc ẩn lúc hiện. Anh nguyện rằng, phải tìm cho ra quá khứ của nàng, nhưng tìm ở đâu?

Cuối cùng, không phải mất nhiều công sức, mọi chuyện đã rõ. Một hôm, trong khi nói chuyện với mẹ đẻ và mẹ già, nhắc lại một chuyện của thành phố mười năm trước, chuyện thi hoa hậu, mẹ anh vẫn nhớ tên của mấy cô hoa hậu, người giành danh hiệu á hậu thứ hai tên là Vương Kỳ Dao. Minh Tốn bừng tỉnh cơn mê. Anh nghĩ đến đôi mắt giống mắt Nguyễn Linh Ngọc, nghĩ đến tấm ảnh trong hiệu ảnh và bức ảnh Người đẹp Thượng Hải đăng trên tạp chí Đời sống Thượng Hải, thậm chí tin đồn nàng trở thành người tình của một vị chức sắc, lai lịch Kỳ Dao hiện lên trong chuỗi ký ức đó. Một lai lịch kỳ lạ, bi tráng. Kỳ Dao từ trong nghi hoặc bước ra, hiển hiện trước mắt, dung nhan nét cười sống động. Đó là một Vương Kỳ Dao mới, cũng là Vương Kỳ Dao cũ. Anh như không quen biết nàng, nhưng lại như quá quen thuộc. Anh xúc động và vui mừng như tìm lại được vật báu đã mất. Anh nghĩ, thành phố này đã trở thành một thành phố khác, tên phố cũng mới. Nhà cửa và ánh đèn còn đó, nhưng chỉ là vỏ ngoài, bên trong đã đổi mới. Ngày xưa, gió thổi, đều lãng mạn, cây ngô đồng Tây cũng là sứ giả. Ngày nay, gió là gió, cây là cây, vẫn nguyên dáng hình. Anh cảm thấy mình, người thì đi với thời gian, nhưng trái tim để lại ở quá khứ, trở th ành người không tim. Kỳ Dao là di vật của thời đại, nàng đã đem trái tim về cho anh.

Liền trong mấy hôm anh không đến nhà Kỳ Dao, bà Nghiêm gọi điện thoại hẹn đến, anh đều nói nhà có việc bận. Anh nghĩ: sẽ nói gì với nàng? Sau rồi anh quyết định không nói gì, tất cả như cũ. Bởi thế, khi anh gặp lại nàng, vẫn không tỏ ra khác thường. Kỳ Dao hỏi anh tại sao mấy hôm rồi không đến, anh nói bận việc. Kỳ Dao nói, chắc là có nơi chốn mới, vui hơn ở đây. Anh cười, không nói gì, rồi đặt các thứ vừa đem đến lên mặt bàn. Anh đem đến một cái bánh kem thật lớn, Kỳ Dao đi lấy đĩa. Vừa tiêm xong, tay còn mùi cồn. Kỳ Dao mặc áo len ngoài, trong là xường xám, chân đi giày vải, tất bật chuẩn bị cho buổi chiều họp mặt, uống trà. Anh chợt nghĩ lại lần đầu gặp Kỳ Dao, đang ăn cơm ở nhà bà chị họ thì chơi trò bói chữ. Kỳ Dao ra chữ “địa”, Minh Tốn chỉ bộ “dã” bên phải nói: chữ “tha”, Kỳ Dao chỉ chữ “thổ” bên trái, nói: “thổ” có nghĩa là “nhập thổ”. Kỳ Dao buột miệng nói ra rồi tự nhiên buồn, hình ảnh ấy hiện lên, có căn nguyên của nó. Lòng anh xót xa và tiếc nuối, xót xa và tiếc nuối vì nàng mà cũng vì mình. Lúc này Minh Tốn rất buồn, anh ít nói, tinh thần phân tán, hờ hững trả lời. Anh nhìn những vết nứt nẻ và ẩm mốc trên bậu cửa sổ nhà đối diện, nghĩ thế giới này bị tàn phá ghê gớm, không còn gì hoàn chỉnh, không khuyết nơi này thì cũng vỡ nơi kia. Khuyết, không phải như vầng trăng khuyết lại đầy, ấy là vòng tuần hoàn khuyết và đầy. Nhưng cái khuyết này là khuyết rồi khuyết nữa, khuyết mãi, cuối cùng trở thành phế thải. Có thể đó là cái khuyết lớn, nhưng đây chỉ là khuyết nhỏ, nhìn xa khuyết sẽ trở thành đầy, nhưng đáng tiếc cuộc đời ngắn ngủi, nếu không may bị khuyết, thì không hy vọng thấy ngày đầy lại.

Khang Minh Tốn là con bà hai, gia đình cũng chỉ có anh là con trai duy nhất, là người nối dõi tông đường, nên anh không thể không đi lại giữa mẹ già và mẹ đẻ. Trong những trường hợp tương đối chính thức, anh phải dự cùng mẹ già và bố; còn những buổi xã giao thân tình thì anh cùng tham gia với mẹ đẻ và bố. Mẹ già là người đanh đá, là chính thất nên bà tự cho mình quyền thế, có quyền ức hiếp, mười phần quyền thế ba phần ức hiếp, thế là bà cả có đến mười ba phần quyền lực, còn bà hai thì thiếu hẳn ba phần. Bố là người cũ, chiều thật chiều, yêu thật yêu, nhưng không bao giờ vượt khỏi giới hạn nửa bước, trên dưới già trẻ, chủ thứ tôn ti, ai có phận nấy. Khang Minh Tốn là người nối dõi dòng họ Khang, từ bé anh ở với mẹ già nhiều hơn ở với mẹ đẻ. Anh sống rất thân thiết với hai người chị cùng cha khác mẹ, thân thiết hơn cả chị em cùng cha cùng mẹ, nhiều lúc anh tỏ ra cần hai chị, chỉ sợ các chị bỏ rơi. Anh thầm nhận ra, cần phải tranh thủ tình thương yêu của mẹ già, còn mẹ đẻ thì không cần cũng có, không có cũng có. Bởi thế anh rất tận tình với mẹ già, còn với mẹ đẻ thì sao cũng được, thậm chí có lúc cố ý lạnh nhạt với mẹ đẻ để mẹ già vui lòng. Trong trái tim nhỏ bé của anh, thật ra là dựa vào cái mạnh để lấn át cái yếu, âu cũng là đạo lý sinh tồn của những người thức thời. Một lần, chơi trò tim với hai chị, anh ẩn trong phòng của mẹ đẻ trên gác ba, vừa đẩy cửa bước vào thì thấy tấm khăn trải giường phủ kín tận sàn nhà đang lay động, rõ ràng đang có người trốn ở đấy. Anh nhẹ nhàng đi tới thì thấy mẹ đẻ đang ngồi ở góc giường phía trong, quay lưng ra ngoài, cúi đầu, hai vai run rẩy. Bất chợt anh đứng sững lại, như một làn gió lướt nhanh bên mình, từ dưới giường cô chị vụt chạy ra. Anh không đuổi theo, mà quay lại, đứng nguyên một chỗ. Hôm ấy trời âm u, những đồ dùng bằng gỗ tếch toả ánh u trầm, sàn gỗ đánh xi cũng u trầm. Mẹ đẻ quay nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh sáng ảm đạm từ ngoài chiếu vào, in bóng lưng mẹ. Đầu tóc bà rối như tổ chim, đôi vai hẹp, đơn bạc. Bà cảm thấy phía sau mình có người, vừa xụt xịt khóc vừa quay lại, không để mẹ nhìn thấy, anh vội chạy ra khỏi phòng. Tim anh đập dồn dập, trào lên nỗi xót thương và chán ghét, anh buồn lắm. Anh reo vui lớn hơn để lấn át cái buồn, hôm ấy anh cũng hơi quá, bị mẹ già mắng. Trong khi bị mẹ già mắng thì anh trông thấy mẹ đẻ đầu tóc rũ rợi đứng trên gác ba nhìn xuống. Lúc này, anh rất giận mẹ đẻ. Anh giận để xua đi nỗi đau, càng đau khổ bao nhiêu anh càng giận bấy nhiêu. Theo năm tháng, anh quen dần với hoàn cảnh phức tạp đó, mọi việc trôi chảy, giận và đau khổ cũng không còn, ấn tượng còn lại trong lòng chỉ như khói bụi. Nhưng khói bụi ấy lại đủ để quyết định những sự việc nào đó.

Minh Tốn biết rằng, Kỳ Dao có đẹp bao nhiêu đi nữa, có hợp với tình cảm mình hơn nữa, dẫu có nhặt lại trái tim mất đi của anh, thì cuối cùng vẫn chỉ là cái bóng. Anh đắm say bao nhiêu lại càng tỉnh táo bấy nhiêu. Có những việc tuyệt nhiên không được, không được là không được, nhưng anh vẫn không nỡ dứt bỏ, muốn đi đến tận cùng cái “được” rồi mới chịu thôi. Cái khó ở chỗ, phải khai thác cái “được” trong bế tắc, đi thêm mấy bước nữa anh có thể làm được gì? Kỳ Dao còn thông minh gấp trăm lần mẹ anh, cũng kiên định gấp trăm lần, khiến anh việc gì cũng gặp khó khăn. Trí thông minh và lòng kiên định của Kỳ Dao càng khơi dậy nỗi nuối tiếc ở anh, anh hiểu rằng thông minh và kiên định ấy bắt nguồn từ hoàn cảnh cô đơn không sự giúp đỡ, phải tự bảo vệ và giành giật, thật ra là càng tuyệt vọng. Khang Minh Tốn không thừa nhận, anh đồng cảm với người yếu, điều này biểu hiện ở lòng thiện cảm của anh. Anh hiểu, phải tạm thời nhân nhượng để giữ lấy cái lớn và chiến thuật đi đường vòng. Anh và Kỳ Dao đều là những người bị dồn đẩy vào góc tường, đều có nỗi khổ không thể xoay chuyển nổi, vốn có thể khoác tay nhau, quay lưng lại với lợi ích bất đắc dĩ, muốn giúp nhau cũng không thể nào giúp nổi. Nhưng sức mạnh đồng tình lại rất lớn, khuấy động tâm tư sâu kín nhất của Minh Tốn, tâm tư này được gieo trồng trong một chiều mù mịt sương khói thời niên thiếu. Minh Tốn đã nhìn thấy bóng dáng khổ đau, nhưng trước mắt vẫn còn niềm vui chưa quá thời, chờ anh đến chiếm lĩnh. Anh lại là con người biết nhìn xa ở thời này, nơi này. Thời này, nơi này không có nhiều niềm vui và hy vọng. Bởi không có hy vọng đành không dám nhìn xa, thế là vào lúc không chú ý, bóng dáng khổ đau biến mất, còn lại niềm vui trước mắt.

Minh Tốn đến nhà Kỳ Dao nhiều hơn, có những lúc không hẹn, thường đột nhiên đến, nói rằng đi qua tạt vào. Bởi không nghĩ anh sẽ đến, nàng không trang điểm, chỉ kịp lấy tay vuốt tóc, áo quần cũ, nhà cửa chưa kịp quét dọn. Bất ngờ, Kỳ Dao tỏ ra lúng túng, không biết làm gì, dọn nơi này lại đem bỏ nơi kia. Tình huống ấy lại càng khơi dậy nỗi xót xa ở Minh Tốn. Bởi thế anh càng đột ngột đến, đặt nàng trong tình thế không kịp trở tay. Trong tình thế ấy, có những điều bất ngờ, bất thần. Có lần, đúng bữa cơm trưa, anh đến, Kỳ Dao đang ăn cơm chan nước nóng ... Tình cảnh ấy khiến anh xúc động, lộ rõ cuộc sống tằn tiện, giản đơn, không lãng phí, dè xẻn. Một lần khác, Kỳ Dao đang gội đầu, cổ áo cuộn lại, trên đầu đầy những bọt xà phòng. Nàng cúi đầu vào chậu nước, Minh Tốn thấy rõ vành tai và gáy đỏ hồng. Lúc này Kỳ Dao trở thành đứa trẻ chưa biết việc đời, quay lại, nói như khóc. Kỳ Dao gội đầu xong, lau qua loa đầu tóc, nước vẫn chảy ròng ròng, trông thật đáng thương. Dần dần nàng hiểu được Minh Tốn thường đến bất ngờ, và lúc nào cũng chuẩn bị sẵn, nhưng không để anh biết mình chuẩn bị trước, sợ anh xem thường. Kỳ Dao vẫn mặc bình thường nhưng rất gọn gàng. Căn phòng bừa bãi nhưng không luộm thuộm. Cơm thì vẫn ăn, vẫn giản dị, nhưng không quá khổ, phải chăng. Còn những việc như gội đầu, Kỳ Dao làm vào lúc biết chắc Minh Tốn không đến, rất sớm hoặc rất muộn. Minh Tốn có định bất ngờ đến thì cũng không đạt hiệu quả bất ngờ, không khỏi đáng tiếc. Nhưng anh cũng tỏ ra hối lỗi khi biết được nàng dụng tâm giữ ý.

Sự ngụy trang của Kỳ Dao cũng là để vén tấm màn lên cho Minh Tốn cố tình thăm dò. Kỳ Dao vén tấm màn lên cho Minh Tốn cũng là để mở đường cho ngày mai. Điều này cũng giống như đám cưới theo phong tục cổ, cô dâu phải trùm đầu bằng tấm khăn đỏ, tầm khăn phải do chú rể tự tay vén lên trước mặt mọi người. Kỳ Dao tỏ ra không tự nhiên, xa lạ hơn trước. Hai người ngồi nói với nhau vài câu thì trời đã ngả chiều. Họ nói chuyện tỏ ra đắn đo cẩn thận, cứ sợ có điều gì thất thố chăng. Trước kia không có chuyện cũng cố tìm chuyện, bây giờ có chuyện cũng không nói, cứ như ẩn náu. Hai người trong trạng thái căng thẳng, không dám biếng lười, nhưng không muốn xa nhau, cơ hồ ngày nào cũng phải đến, nhìn nắng từ bờ tường này đi dần sang bờ tường kia. Lòng hai người nửa tỏ nửa mờ, với hiện tại với tương lai đều không có toan tính, trù liệu gì. Kỳ Dao có chút hy vọng nhưng không có cách nào hành động, bởi hành động của Kỳ Dao đồng nghĩa với hy sinh, hành động là dâng hiến. Minh Tốn thì không hy vọng, nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể lấn tới, chỉ sợ phải gánh chịu hậu quả nếu xảy ra chuyện gì. Hai người không nói ra lời, nhưng lòng cười cay đắng, tưởng như đang thổ lộ nỗi khổ tâm của mình, mong được đối phương nhân nhượng. Nhưng ai nhượng ai? Đời người chỉ sống một lần, ai sẽ hy sinh cho ai?

Lò sưởi đã được thu dọn, trên sàn nhà còn lại dấu vết, lỗ ống khói trên cửa kính đã được dán kín như tàn tích của mùa đông. Nắng xuân rực rỡ chợt hiện. Nét mặt hai n gười tươi cười đấy nhưng lòng chát đắng. Nụ cười của họ mang vẻ buồn buồn cũng là một bảo đảm khác. Tất cả không phải là mong muốn của nhau. Hai người đều rất kiên trì, kiên trì bởi không để lại con đường phía sau, tuy thông cảm nhưng không còn cách nào khác. Họ là những người trọng lợi ích, nhưng mong muốn vẫn là mong muốn, có vui, có buồn.

Hôm ấy, ăn cơm tối xong, hai người đến tiêm tĩnh mạch đã ra về, lại có tiếng chân bước lên cầu thang. Kỳ Dao nghĩ: chẳng nhẽ có người đến tiêm nữa? Nhưng người đến là Minh Tốn. Đây là lần đầu tiên anh đến nhà Kỳ Dao vào buổi tối, lại bất ngờ, cả hai đều lúng túng. Trống ngực nàng đập dồn dập, mời anh ngồi và rót trà, lấy kẹo, hạt dưa ra. Nàng cứ ra ra vào vào, chân như không bén đất. Minh Tốn nói anh đến chơi nhà bạn, nhưng cửa khoá trái đành phải về, lại quên đem theo chìa khoá, tối nay cả nhà anh đi xem hát, chỉ trừ bố anh, chị giúp việc cũng đi, không tiện gọi bố mở cửa, đành đến đây ngồi chờ cho tan hát mới về. Anh nói lầm rầm, Kỳ Dao nghe câu được câu chăng, hỏi bên nhà hôm nay đi xem vở gì, ở rạp nào. Minh Tốn giải thích từ đầu nhưng lại không rõ ràng như lần đầu. Kỳ Dao càng mơ hồ hơn, nhưng làm ra vẻ hiểu, lát sau tỏ ra lo lắng hỏi, mấy giờ thì mở màn, cả nhà có đến muộn không. Sự việc càng trở nên không rõ ràng, anh không giải thích thêm nữa. Nàng không tìm được chuyện gì khác để nói, không thấy anh trả lời cũng không hỏi, cả hai cùng im lặng. Căn phòng vô cùng yên tĩnh, mọi động tĩnh ở nhà bên đầu nghe rõ. Ngọn đèn cồn trên mặt bàn vẫn cháy, lát sau hết cồn tự nó tắt, không khí nồng nặc mùi cồn. Lúc này lại có tiếng chân lên cầu thang. Ai nhỉ? Thật là một buổi tối không bình thường, tưởng như sắp xảy ra chuyện gì. Ông Tổ trưởng dân phố đến thu lệ phí, ông chỉ đứng ở cửa rồi đi ngay. Hai người nghe bước chân xuống từng bậc, khoảng giữa bước hụt, bất giác giật mình, bốn mắt nhìn nhau, cùng cười. Trong giây lát, thật khéo, nhưng không khí càng căng thẳng hơn, cảm giác như mũi tên đã được đặt lên giây cung. Nàng cầm cốc nước Minh Tốn đã uống cạn, vào bếp rót thêm, thấy rõ ngôi sao đỏ trên đỉnh toà nhà Trung - Xô hữu nghị vượt lên màn đêm. Kỳ Dao với tâm tư nguyện cầu, nghĩ: việc gì sẽ đến? Nàng bưng cốc nước đi vào, thấy Minh Tốn vẫn ngồi trơ như tượng, nhìn ra ngoài cửa sổ, không biết đang nghĩ gì. Nàng đặt cốc nước xuống trước mặt anh, rồi trở về chỗ ngồi của mình, hiểu rằng hôm nay khó mà vượt qua nổi, nếu hôm nay vượt qua được rồi sẽ có ngày không vượt qua nổi. Minh Tốn vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ, bởi cửa sổ được kéo kín rèm, chẳng khác bức tường, đúng là có chuyện muốn nói, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Hai người im lặng hồi lâu, điều này cũng chứng minh có chuyện muốn nói, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.     

Cuối cùng Khang Minh Tốn buột miệng nói:

- Không còn cách nào khác!

Kỳ Dao cười, hỏi:

- Việc gì?

- Việc gì cũng thế!

Kỳ Dao lại cười:

- Nhưng là việc gì kia chứ?

Nàng cười đấy nhưng thực tế là khóc, điều chờ đợi từ lâu lại là câu nói ấy. Lúc này, nàng đã bình tĩnh trở lại, trái tim yên tĩnh, không còn sóng gió. Nàng muốn đùa, bắt anh phải nói ra chuyện gì, dù chuyện không liên quan đến mình, nhưng không liên quan thì cũng phải rõ ràng. Thấy anh lúng túng, khó xử, Kỳ Dao nghĩ: mình chờ đợi từ lâu nhưng chỉ được bù đắp thế thôi ư! Nàng cười:

- Tốn không còn cách nào, cũng không có cách nào nói ra hay sao?

Anh không dám quay lại, chỉ để tai lắng nghe Kỳ Dao nói. Lần này thì Kỳ Dao có dịp trông thấy cổ anh đang đỏ lên, lại tiếp:

- Thật tình, Tốn nói ra cũng chẳng hề gì, Dao không làm gì Tốn đâu.

Giọng Kỳ Dao bỗng nghẹn lại, nuốt nước mắt, nhưng vẫn cười, dồn hỏi:

- Tốn nói đi! Sao không nói?

Anh quay lại, nhìn nàng như cầu khẩn:

- Dao bảo mình nói gì kia chứ?

Kỳ Dao chợt ngơ ngác, không nghĩ ra định hỏi anh điều gì, không thể bực mình, luống cuống, nước mắt trào ra. Minh Tốn mềm lòng, buổi chiều u ám của nhiều năm trước lại hiện lên, bóng dáng mẹ đẻ quay lại tưởng như để anh nhìn thấy khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Anh nói:

- Dao, mình sẽ tốt với Dao.

Câu nói thật khó có gì bảo đảm, nhưng là lời nói tự trong tâm can, dù là lời nói từ tâm can cũng không chút hy vọng. Nước mắt Minh Tốn cũng đang trào ra. Tuy đang khóc, nhưng Kỳ Dao vẫn biết anh đang rất buồn, nàng bình tĩnh  lại, không khóc nữa. Ngước nhìn bốn phía, ngọn đèn điện như không toả sáng mà đang phủ bóng tối, bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Trước đây một mình, Kỳ Dao không nhận ra, nhưng tối nay hai người lại cảm thấy buồn và cô đơn. Nàng cười, khuôn mặt đẫm nước mắt:

- Thật ra, có điều gì không nói ra nổi, với Dao một người con gái như thế này, bình yên là hạnh phúc, lòng đâu dám hy vọng gì! Còn Tốn, trời cũng sẵn sàng giúp vượt qua mọi cửa ải, qua được hôm nay sẽ đến ngày mai, qua được chùa rồi lẽ nào không qua nổi đền?

Minh Tốn nói:

- Cứ như Dao nói thì mình là thằng con trai thế nào? Mẹ đẻ ra phải gọi là dì hai, tìm sự sinh tồn trong kẽ hở, tất cả phải dựa vào mình, càng không dám mong muốn gì.

Bất chợt Kỳ Dao thở dài, nói:

- Không phải Dao nói, con trai đòi hỏi cuộc đời quá nhiều, đánh rơi hạt vừng thì nhặt được hạt dưa, thật thoả mãn, chỉ sợ đánh rơi hạt dưa phải nhặt hạt vừng.

Minh Tốn cũng thở dài:

- Con trai đòi hỏi, chẳng phải bởi con gái đòi hỏi con trai hay sao? Con gái chỉ biết đòi hỏi con trai, con trai thì không biết đòi hỏi ai, nói khác đi con trai không vì mình.

- Ai đòi hỏi Tốn điều gì?

- Dĩ nhiên Dao thì không!

Nói xong, anh lặng đi. Ngừng một lát, Kỳ Dao nói:

- Dao cũng đòi hỏi Tốn, đòi h i trái tim của Tốn đấy!

Minh Tốn cúi đầu:

- Trái tim thì mình có, nhưng sợ không đủ sức mạnh.

Anh đã nói hết lòng mình, lời nói vạch rõ ranh giới.

Bất giác Kỳ Dao cười nhạt:

- Tốn yên tâm!

Đó là buổi tối vén tấm màn, cảnh sắc phía sau tấm màn không như ý, nhưng vẫn là một ngày mới. Nó tiến thêm một bước, lùi lại là bước thứ yếu; nói trước làm sau, cũng là làm trước nói sau; mục tiêu rõ ràng, nhưng lại đi đến đâu biết đến đấy. Hai người như lừa dối mình cũng là lừa dối người khác, tránh khó gặp dễ, bởi kiên trì không nổi nên đôi bên đi đến thoả hiệp. Đôi trai gái này cô đơn, buồn chán, không tương lai, giữa họ không thiếu sức hấp dẫn, còn cả sự đồng cảm chân thành, bởi lợi ích lâu dài mà phải xa nhau, chứ kỳ thực họ không ngần ngại nắm lấy niềm vui của tình yêu trước mắt. Hư vô thì hư vô, thoáng qua thì thoáng qua, đời sống như nước chảy qua kẽ tay, chảy hết còn nói gì đến thiên thu vạn đại. Nghĩ được rồi liệu điều gì không thể? Hy vọng của Kỳ Dao tan vỡ, nhưng thanh thản, mọi sự đều thanh thản, chút tình yêu của Khang Minh Tốn được sống sót sau tai họa. Từ nhà Kỳ Dao ra, anh cưỡi xe đạp qua phố đêm yên tĩnh, nhận được tình yêu rõ ràng của Kỳ Dao, anh như người mang công mắc nợ, lòng trĩu nặng. Buổi tối nay tuy đã được chuẩn bị từ lâu, nhưng vẫn bất ngờ không kịp đề phòng, nhiều tình huống không được dự liệu, nhưng bây giờ nói gì thì cũng đã muộn, những gì xảy ra thì đã xảy ra.

Vào lúc quyến luyến, thân mật nhất, Kỳ Dao hỏi Minh Tốn, tại sao biết được lai lịch mình, Minh Tốn hỏi lại tại sao biết anh biết. Kỳ Dao rất biết anh sẽ khó xử, liền nói thẳng: hôm ấy cùng uống trà với mọi người, bỗng nhiên anh nói đến chuyện thi hoa hậu năm 1946, không ai hay biết gì, nhưng Kỳ Dao hiểu. Anh nói khá chi tiết, lẽ nào lại không biết á hậu thứ hai là ai. Kỳ Dao lại nói: ngay lúc ấy đã biết giấc mộng uyên ương của mình khó trọn vẹn. Minh Tốn ôm lấy Kỳ Dao, nói:

- Như thế này không phải trọn vẹn sao?

Kỳ Dao cười nhạt:

- Cũng chỉ là uyên ương hoang dã.

Minh Tốn biết mình đuối lý, buông Kỳ Dao ra, quay lưng lại. Từ phía sau anh, Kỳ Dao dỗ dành, giọng dịu dàng:

- Giận rồi à?

Minh Tốn im lặng, lát sau anh nói đến chuyện mẹ đẻ. Anh nói, từ nhỏ đến lớn anh sống với mẹ già, mỗi khi trông thấy mẹ đẻ đều rất ngượng, nhất là không thể ngồi nói chuyện riêng với bà, cứ gặp nhau là phải bỏ đi ngay. Anh nghĩ đến chuyện ấy mà đau lòng, mẹ đẻ dạy anh biết buồn là thế nào. Cuối cùng, anh nói, hơn hai mươi năm nói chuyện với mẹ đẻ chỉ bằng nói với Kỳ Dao một buổi tối. Nàng ôm đầu anh vào lòng, vuốt tóc anh, lòng đầy thương cảm, yêu và đồng cảm với anh. Minh Tốn nói:

- Mình biết, không ai bằng Dao, nhưng mình chẳng có cách nào khác.

Anh nói đến “chẳng có cách nào khác” còn buồn hơn vừa rồi. Con người có thể có những trở ngại không thể vượt qua, nhưng anh không nghĩ được trở ngại của anh lại ở đây, thật sự không có cách nào khác. Kỳ Dao an ủi anh, hứa đối xử tốt với anh, tốt cho đến ngày anh lấy vợ sẽ đến làm phù dâu, từ đấy sẽ không gặp nhau nữa. Minh Tốn nói:

- Như thế là Dao muốn mình chết, vừa hợp hoan, vừa chia ly.

Đến lúc ấy, mọi lời nói đùa của hai người trở thành những lời chua xót, cùng nói và cùng rơi nước mắt.

Cả hai tuy đến không hình, đi không bóng, đến sớm về muộn để tránh tai mắt mọi người, nhưng giấu được ai chứ đâu giấu được bà Nghiêm. Từ lâu bà đã để ý, hai người chưa có gì bà đã phỏng đoán, cho đến khi có gì thì khỏi cần đoán cũng đã biết. Bà thầm oán trách mình đã chắp mối bắc cầu. Bà còn trách Minh Tốn không nghe bà, chỉ chuốc lấy khổ vào thân. Bà trách nhất là Kỳ Dao, biết rõ không thể được mà vẫn cứ lao vào. Bà nghĩ, Minh Tốn không biết Kỳ Dao là ai, mà Kỳ Dao cũng không biết mình là ai hay sao? Trong con mắt bà Nghiêm, Kỳ Dao không xuất thân là một vũ nữ thì hồi ấy cũng đã là một “bông hoa giao tế”, thời thế đổi thay không thể không lẩn tránh. Bà Nghiêm vốn muốn làm bạn hoài cổ với Kỳ Dao, nhưng bà lại rất ham muốn, cảm thấy mình như người bị lừa, tất nhiên không vui. Bà mượn cớ bận việc, không sang nhà Kỳ Dao nữa, thậm chí hy sinh cả thú chơi bài, cả hai người đều rõ nhưng không nói ra lời. Xasa thì vẫn đến, không rõ thật không biết hay vờ không biết, anh ta đến như trở ngại của hai người, mà cũng chướng mắt. Một lần, Kỳ Dao hỏi Minh Tốn, bà Nghiêm có thể đến nhà mách chuyện hai người hay không. Để nàng yên tâm, anh bảo dù sao đi nữa thì anh cũng không nhận, hai người đành phải thế. Nghe nói vậy, nàng lặng đi một lúc, rồi nói:

- Với Dao, Tốn không thừa nhận thì Dao cũng đành lòng.

Minh Tốn liền nói:

- Mình thừa nhận hay không thì cũng đành phải thế!

Nghe nói vậy, Kỳ Dao muốn giận cũng không giận nổi. Minh Tốn an ủi nói:

- Dù lúc nào hay ở đâu cũng đều có Dao.

Nàng cười đau khổ:

- Tiếc rằng Dao không phải là cái bóng để sống trong lòng Tốn!

Câu nói tuy không vui, nhưng không phải là dỗi hờn, mà thực sự buồn. Đó là điều hai người ngay từ đầu không thể dự đoán nổi mà chỉ nắm bắt niềm vui trước mắt, không nghĩ rằng niềm vui ấy lại lẫn lộn buồn đau. Hai người không nghĩ được phải chống đỡ với niềm vui trước mắt, mà sau đó vẫn phải chống đỡ. Đời người đúng là một sợi dây xích, muốn lấy ra một mắt đâu có dễ.

Thật buồn, những điều vốn không hy vọng lại nảy sinh hy vọng, những điều không nhượng bộ thì phải nhượng bộ, phải thoả hiệp. Hai người thầm mong điều kỳ lạ sẽ đến để giải thoát khó khăn cho họ. Hôm ấy, Minh Tốn về đến nhà, phát hiện cả nhà đều lạnh nhạt với anh, mẹ đẻ nước mắt vẫn đầm đìa, mũi đỏ hoe, đôi môi tím tái, vẻ mặt mà anh không muốn trông thấy. Bố thì đóng cửa phòng, bỏ cả cơm tối. Anh ngờ ngợ, thấy trên mặt bàn phòng khách có một hộp bánh kem, biết vừa có khách đến chơi, anh hỏi thăm chị Trần giúp việc mới biết bà Nghiêm vừa đến. Chẳng ai đụng chạm vào cái bánh, cái bánh vẫn nguyên như chịu trận. Hôm sau, anh không dám ra khỏi nhà, các phòng không tiếp xúc với nhau, cũng không thấy một khuôn mặt tươi cười nào, vẫn lạnh lùng, bỏ mặc tất cả. Bố vẫn đóng cửa. Mẹ không khóc, chỉ thở dài. Ngày thứ ba, anh đến nhà Kỳ Dao, kể lại chuyện trong nhà. Kỳ Dao rất ngạc nhiên, nhưng lại bất ngờ vui mừng, nghĩ: cứ để sự việc vỡ lở, rách giấy biết đâu lại giữ được lề; gia đình cổ như thế rất sĩ diện, gạo đã thành cơm, dù thế nào cũng phải nuốt. Minh Tốn cũng có cảm giác thanh thản nhưng lại mong đợi một điều khác. Anh nghĩ, nếu bố nổi cơn thịnh nộ, từ con, thậm chí không cho về nhà thì cũng chẳng sao. Cả hai cùng có hy vọng mỏng manh, nhỏ bé, cùng niềm xúc động, càng yêu thương nhau hơn. Rất may Xasa không đến làm phiền. Hai người ngồi ôm nhau trên sofa, quấn chung tấm chăn len, tay trong tay, lặng lẽ nhìn ánh sáng trên rèm cửa sổ đang tắt dần. Con hẻm phía dưới ồn ào như đang nói hộ hai người, chim sẻ chiêm chiếp cũng như đang nói hộ hai người. Những tiếng động khe khẽ như mảnh vụn nỗi hận và tình yêu, chia đều cho mỗi người, cùng gắng sức chịu đựng. Trong phòng tối hẳn, vẫn không bật đèn, chung quanh mịt mờ, không gian và thời gian không rõ ràng, chỉ có hai cơ thể ấm áp và hiện hữu đang sát vào nhau.

Mọi điều mong đợi của Minh Tốn đều tan thành mây khói. Hôm ấy, anh về nhà, vừa vào đến cửa đã cảm nhận ngay bầu không khí hoà dịu. Tuy đã mười một giờ đêm, không ai hỏi anh đi đâu về. Cửa phòng của bố khép hờ, ánh sáng lọt ra ngoài, nhìn vào thì thấy bố đang khoác tấm chăn lông vũ, ngồi đọc báo, vẻ mặt bình thản. Tiếng máy hát lọt ra từ phòng hai chị gái, một bài hát mới, tiếng lanh lảnh, nhưng vẫn là không khí bình tĩnh. Mẹ già hỏi anh đói không, có muốn ăn gì không. Kỳ thực anh không đói, nhưng không muốn phụ lòng tốt của bà, liền gật đầu. Khi anh ăn cháo nấu với hạt sen và táo đỏ, cả hai bà ngồi đan áo, bàn về một vở kịch mới nào đó, hỏi anh có muốn đi xem không. Anh nói, nếu mẹ già và mẹ đẻ muốn xem anh sẽ đi mua vé. Cả hai bà đều nói, nếu anh có thì giờ thì đi mua, bận thì thôi. Ba ngày tiếp theo cũng qua đi trong không khí bình thản, thoạt đầu anh chờ cho mọi người hỏi, sau rồi không chờ nữa, anh nghĩ có thể mọi người đã quên. Anh đã bàn với Kỳ Dao, quyết định “không biết”, tất cả vẫn như mọi khi, không xảy ra việc gì, cái bánh kem cũng biến đâu mất. Minh Tốn không biết vui hay buồn, hẳn một tuần không đến nhà Kỳ Dao. Anh đưa hai bà mẹ cùng hai chị gái đi xem kịch, đi xem phim Hồng Công, đưa bố đến tắm ở nhà tắm Dục Đức. Hai bố con tắm xong, quấn khăn tắm nằm nghỉ, uống trà, nói chuyện với nhau như đôi bạn vong niên. Anh trở về với thời thơ ấu, lúc đó bố đang là một tráng niên, mình chỉ là một chú bé con. Chợt anh cảm thấy cay nồng ở mũi, quay lại nhìn, anh không dám nhìn những nếp thịt trên cổ bố.

Kỳ Dao ngày nào cũng mong, thoạt đầu thấy nóng ruột, về sau cũng bình tâm, nghĩ việc càng rối lên, càng có cơ may, cứ để cho rối lên! Bà Nghiêm đến chơi, như có ý thăm dò. Kỳ Dao không hé lộ điều gì, đối với bà vẫn như cũ. Kỳ Dao cười, nói:

- Cô không sang chơi làm hội đánh bài cũng tan, bởi thế anh Tốn cũng không đến, chỉ có Xasa vẫn đến. Đang nói thì có tiếng chân bước lên cầu thang, Xasa đến, tưởng như để chứng thực lời Kỳ Dao. Vậy là Kỳ Dao để mặc bà Nghiêm, quay sang nói nói cười cười với Xasa, kỳ thật là để hả giận. Kỳ Dao nuốt nước mắt, nghĩ: anh có đến không nhỉ?

Tám ngày sau buổi chia tay, Minh Tốn lại đến với nàng. Cả hai trông rất tiều tụy. Kỳ Dao cảm thấy lòng mình lắng xuống, bởi trước kia bồng bột, bây giờ thì rất thiết thực, không còn xao xuyến. Lúc này, hai người vẫn im lặng, mỗi người ngồi một nơi, tránh ánh mắt của nhau, không dám nhìn mặt nhau, như sợ đối phương cười chê. Ngồi suốt buổi chiều, trời tối, Kỳ Dao đứng dậy bật đèn, hỏi:

- ở đây ăn cơm nhé?

Căn phòng sáng lên, hai người tưởng đâu như chưa quen nhau, có phần khách khí. Minh Tốn nói:

- Mình về ăn cơm ở nhà!

Nhưng anh vẫn không đứng dậy ra về. Kỳ Dao không hỏi thêm và cứ thế vào bếp thổi cơm.  Một mình Minh Tốn, anh đến góc này, sang góc nọ. Cửa sổ nhà đối diện cũng đã sáng đèn, nhìn rõ người ở trong phòng đang đi lại  bận rộn, cửa nhà bên thì đóng mở rầm rầm. Lát sau, tiếng xèo xèo xào nấu từ trong bếp vọng ra, một thứ âm thanh ấm áp. Tiếp đó là mùi thơm của thức ăn. Lòng anh yên tĩnh, thậm chí cảm thấy vui vui. Kỳ Dao đưa thức ăn lên, một bát canh, một đĩa thức ăn, thêm một đĩa ốc vàng. Hai người ngồi ăn cơm, không hề nhắc đến bất cứ chuyện gì trong tám hôm vừa rồi. Hai người bắt đầu nói chuyện, chuyện thời tiết, chuyện những kiểu trang phục mới, những chuyện nghe thấy trên đường phố. Ăn xong, hai người cùng tìm quảng cáo phim trên báo Tân Dân buổi chiều. Kỳ Dao chỉ vào một phim mới của Hồng Công, nói:

- Chúng mình đi xem phim này nhé!

Đúng phim hôm trước Minh Tốn vừa đi xem với hai chị, nhưng không đành từ chối. Hai người thu dọn chuẩn bị đi xem, ra đến cửa, tay đã nắm lấy ổ khoá rồi, nàng bỗng ngừng lại, quay sang áp mặt vào ngực anh, hai người lặng lẽ ôm nhau không biết trong bao lâu. Đèn đã tắt, chỉ còn ánh đèn nhà bên hắt sáng lên rèm cửa sổ, mơ hồ, mỏng manh phủ lên sàn nhà.

Từ đấy, hai người không nghĩ đến tương lai, tương lai mờ mịt làm sao có thể gậm nhấm được những gì trước mắt, thực tại càng thực chất, trống rỗng càng trống rỗng. Bởi không có tương lai nên hai người càng quý hiện tại, mỗi phút tách ra làm tám cánh, ngày ngắn đêm dài, vật đổi sao dời. Dài có cái hay của dài, ngắn có cái hay của ngắn. Dài tuy tận tình tận hứng, nhưng khó tránh khỏi phung phí; ngắn lại thôi thúc, nhưng có thể bỏ thô lấy tinh, lấy ít thắng nhiều. Họ cũng không nghĩ đến chuyện thành vợ chồng, danh phận vợ chồng là vì người khác, còn hai người chỉ vì mình. Họ yêu chính mình, oán giận chính mình, người khác không được can th iệp. Là thế giới thực sự của hai người, bé nhỏ đấy, đơn côi đấy, nhưng tự do. Yêu tự do, oán giận tự do, người khác không thể sai khiến nổi. Lớn có cái hay của lớn, bé có cái hay của bé. Cố nhiên lớn vẫn xoay chuyển được, nhưng khó tránh khỏi có những sự việc và suy nghĩ khác lẫn vào, tạo nên hiện tượng giả, không thuần khiết và chân thực như bé.

Hai người ngồi bên bàn, nhìn ngọn lửa xanh của đèn cồn, trong yên tĩnh có cả niềm vui và ưu phiền. Có người bế con đến tiêm, đứa bé ngồi vào lòng Kỳ Dao, người lớn giữ tay giữ chân nó, Minh Tốn giơ ra một thứ đồ chơi, làm bộ cười để dỗ đứa bé đang khóc. Buồn cười nhưng không thể yên tâm nổi, tình yêu ấm áp phảng phất mọi nơi mọi chốn, thu nhặt những thứ mọi người bỏ đi. Có lúc hai người cùng nhặt rau mã lan, ngắt từng ngọn từng ngọn nhỏ, tưởng như không bao giờ ngắt hết. Họ để lá già một bên, lá non một bên. Những việc vụn vặt cũng gợi nỗi bận tâm, là những ấm áp yêu thương nhỏ bé, không to tát, nhưng không lẫn lộn giả dối, họ là những người coi trọng những việc hữu ích, nhưng vì tình cảm và ích lợi phải quay lưng lại với nhau nên đành tranh thủ thời cơ nhàn rỗi để ôn tập bài học tình yêu. Từng ngày từng ngày qua đi, không biết tương lai bao giờ mới đến, tưởng như gần một bước lại xa thêm một bước, vĩnh viễn không tới. Bởi thời gian ấy quá dài, quá dài, không tận cùng. Nếu không xảy ra sự việc dưới đây thì hai người vẫn sống như thế, vẫn đẩy, đẩy lùi tương lai, đẩy cho đến cõi âm u mắt không thấy, lòng không phiền muộn. Sự việc sau đây, thật ra không có gì khác mà là tín hiệu của tương lai. Sự việc ấy là, Kỳ Dao có mang.

Ban đầu, hai người không dám tin là thật, về sau, không còn nghi ngờ gì nữa, chẳng còn biết làm cách nào. Họ không dám ở nhà nói chuyện này chỉ sợ hàng xóm nghe thấy, đành phải ra công viên, nhưng lại sợ gặp người quen, đành phải đeo khẩu trang. Hai người nghi ngờ, sợ hãi, cảm thấy nguy hiểm. Một mùa đông nữa lại đến, cây cối trong công viên xác xơ, lớp băng mỏng phủ mặt hồ, cỏ úa vàng, mặt trời trắng sau làn mây. Hai người không nghĩ ra được cách nào khác, cứ đi vòng quanh bãi cỏ. Không khí khô lạnh, da mặt căng lên, tóc rũ xuống, một cảm giác tận cùng. Ra khỏi công viên, Minh Tốn và Kỳ Dao vội chia tay, vờ như không quen biết. Thành phố huyên náo, đầu óc rối loạn, tưởng chừng cơn mưa ập đến. Hai người đi riêng rẽ, chỉ chốc lát đã không thấy nhau.

Hôm sau, họ đến một công viên rất xa để tiếp tục bàn bạc. Vẫn cây cối xác xơ, người thưa thớt, chim sẻ nhảy nhót trên cỏ, nắng nhạt di động như mách bảo thời gian đang trôi, không thể trì hoãn. Cả hai cùng cuống lên nhưng vẫn không có cách nào khác. Sau rồi, cãi nhau không lý do. Kỳ Dao đang nghén, trong người khó chịu, lại lo lắng, bế tắc, đâm ra dễ cáu gắt. Minh Tốn cũng bối rối, lo cho  nàng, đành phải nín nhịn, an ủi không phải lối, càng không tự chủ. Đến khi không nhịn được nữa cũng đâm ra bực mình. Họ đứng giữa lối đi trong công viên, ban đầu còn nói nhỏ, lời qua tiếng lại, về sau không còn để ý đến chung quanh, nói to hơn. Cho dù nói to đến mấy đi nữa, trong ngày đông lạnh lẽo này tiếng nói cũng chìm đi, vừa nói ra thì gió đã xua tan. Chỉ một vài con chim bay lượn trên không, như tung bụi. Họ thật sự tuyệt vọng, nhưng không phải tuyệt vọng đến tận cùng, mà vẫn thầm mong mỏi. Trái tim hai người như đang vươn tới, sinh tồn cả trong khe đá. Đừng thấy họ không còn cách nào, dày vò lẫn nhau, bởi chưa chịu thua nên còn giằng co. Cả hai cùng gầy đi, sắc mặt xạm lại, mặt Kỳ Dao nổi mụn. Sợ hãi ban đầu qua đi, tiếp theo là thời kỳ mệt mỏi. Hai người không đi công viên, cũng không bàn bạc gì nữa, nàng ngồi trong chăn ôm túi nước nóng, chàng ngồi ở sofa, khoác tấm chăn len. Hai người như ấp trứng, tưởng đâu ấp như thế có thể xua tan nguy hiểm kia. Cho đến khi ánh nắng chuyển sang tường phía bên kia, Minh Tốn lấy tay làm thành nhiều hình in bóng lên tường, có thiên nga, có chó, có thỏ, có chuột, Kỳ Dao ngồi ở giường xem. Cho đến lúc ánh nắng không còn trên tường, trò chơi bóng cũng kết thúc, căn phòng tối lại.

Những ngày này Minh Tốn thổi cơm. Xưa nay anh chưa bao giờ đụng đến nồi niêu, bây giờ ra tay là chuyện không bình thường, ngay cả anh cũng giật mình. Anh tập trung chú ý nấu nướng, gác điều phiền muộn sang một bên. Trên người anh quàng cái tạp dề hoa của Kỳ Dao, hai tay cho vào ống áo, đầu tóc rối bù, trán lấm tấm mồ hôi, mắt lấp lánh niềm vui, bưng cơm và thức ăn đến bên giường Kỳ Dao. Nàng vừa ăn vừa nuốt nước mắt, nước mắt chảy xuống bát cơm. Minh Tốn đứng đấy, tay chân lúng túng, không biết để vào đâu, trông anh như người làm thuê, lát sau nước mắt cũng trào ra. Sự việc không thể kéo dài được nữa rồi, cần phải quyết đoán. Kỳ Dao nói, ngày mai sẽ đi kiểm tra để nạo thai, Minh Tốn đòi sẽ cùng đi. Nàng không bằng lòng, nói: mình thì không thể nào tránh được, còn làm khổ thêm một người nữa làm gì. Đời mình thế là hết, nhưng Minh Tốn vẫn chưa hết trách nhiệm. Nàng xoa đầu anh, cười trong nước mắt, nói:

- Để rừng lại thì không sợ thiếu củi đun!

Nàng rất yêu người con trai này, sẵn sàng làm mọi việc vì anh.

Minh Tốn nói:

- Người ta hỏi bố đứa bé này thì nói sao?

Kỳ Dao nghĩ đúng là một vấn đề, nhưng không nói thì ai cũng đoán biết. Nàng không lộ hành tung, anh vẫn đến chơi thì khó mà tránh được nghi ngờ. Người khác không nghĩ ra, nhưng chẳng nhẽ bà Nghiêm cũng không nghĩ ra? Chợt trong đầu Kỳ Dao loé sáng, nghĩ đến một người, đó là Xasa.

12  Xasa

Xasa là đứa con lai cách mạng, là sản phẩm của quốc tế cộng sản. Anh là người chủ mới của thành phố này, nhưng anh ta lại không nghĩ thế. Anh cũng không rõ mình là ai, ở đâu cũng là người nước ngoài. Thành phố này có nhiều con lai, chúng ra đời trong những trường hợp hết sức ngẫu nhiên, như kết quả của sự cố ngoài ý muốn. Trên khuôn mặt lai của họ hiện rõ số phận bấp bênh, phiêu dạt, hợp tan bất thường. Tiếng nói của họ hỗn tạp, quái dị, có thể là biểu hiện xung đột của hai dòng máu, biểu hiện của sự pha trộn hai quê hương. Hành vi của họ kỳ quặc, khác thường, lúc bé trông đáng yêu, nhưng lớn không thế. Rõ ràng, bọn họ thật quái dị. Trong đám đông, họ mang bộ mặt độc đáo, gợi ánh mắt hiếu kỳ, ánh mắt nhìn cảnh vật phương Tây. Họ là những người ngụ cư, mang tâm trạng tạm bợ, nhưng tạm bợ hay suốt đời? Họ rất ít có những toan tính lâu dài, sống hôm nay không nghĩ đến ngày mai, không dè xẻn, dành dụm. Cũng chẳng biết dành dụm gì, cái gì cũng của người ta, của mình không có gì. Có những người biến mất một cách bí ẩn, biệt vô âm tín. Có những người mọc rễ không đi, nói đặc giọng địa phương, thậm chí thuộc cả tiếng lóng của bọn lưu manh trộm cắp, thông thạo đường ngang ngõ tắt, tạo thêm nhiều bí hiểm cho thành phố này.

Bề ngoài, Xasa tỏ ra kiêu hãnh, với tư cách truyền thống cách mạng, tỏ vẻ mạnh dạn, kỳ thực để che đậy nội tâm trống rỗng, yếu hèn. Anh ta không có cả bố lẫn mẹ, không nghề nghiệp sinh sống, hàng ngày chạy như nhặng. Trên khuôn mặt là nụ cười nịnh bợ, những mong người khác thu nhận. Nhưng vẫn không cam tâm, sẵn sàng làm những việc không ra gì để kiếm chác chút đỉnh. Anh ta cũng không có ý niệm đạo đức, chẳng có nguyên tắc làm người, việc gì cũng theo sở thích, cũng có lúc được việc cho người khác.

Kỳ Dao nghĩ đến anh ta là rất thích hợp, với người khác thì không dám, nhưng với anh ta thì rất có thể. Với người khác không xong, nhưng với anh ta rất có thể. Tưởng đâu anh ta sinh ra để làm những việc như thế. Kỳ Dao nói với Minh Tốn có cách. Minh Tốn hỏi cách nào. Kỳ Dao không nói, miễn rằng anh đừng quan tâm, mọi việc nàng tự xử lý. Minh Tốn không yên tâm, nhưng cũng đoán biết một cách lờ mờ, không dám hỏi lại nhưng không thể không hỏi. Kỳ Dao nhất định không nói, chỉ yêu cầu anh trong thời gian gần đây không đến. Hôm ấy, vẫn như thường lệ, trước khi ra về, anh ôm nàng một lúc, ôm nàng mà lòng đau như cắt. Rất lâu, anh không muốn buông tay, tấm thân anh đang ôm trong lòng như gắn liền với máu thịt anh, không thể nào dứt ra được. Nước mắt anh đã cạn, cạn hẳn, giọng nói khản đặc, không nói được câu nào. Cuối cùng anh cũng phải về, anh đẩy xe đạp, đẩy mãi không đi mới phát hiện chưa mở khoá. Anh ngồi lên xe, thất thểu qua các phố, trước mắt một màu trắng, như chơi vơi trong mây mù. Một lúc lâu anh mới nhận ra mình đi ngược đường, ánh đèn xe rọi thẳng vào mắt. Anh cảm nhận mình như người sắp chết mà chưa chết được, cơ thể vẫn sống, hồn đã lìa khỏi xác. Mấy ngày sau đó, anh lảng vảng gần hẻm Bình An, chờ đợi gì cũng không biết nữa. Hẻm Bình An vẫn ồn ào, người ra người vào, xe qua xe lại. Anh tự hỏi: nàng ở đây hay sao? Câu trả lời do dự không dứt khoát. Lần đầu tiên anh mới chú ý đến tấm biển nhận tiêm thuê của Kỳ Dao, nhưng lại không hiểu cái tên trên tấm biển kia có liên quan gì đến mình? Sắp Tết, mọi người tất bật sắm Tết, đường phố tấp nập đông vui, với anh như lửa cháy cách sông, bình chân như vại. Liên tục mấy ngày sau nữa, mỗi sáng mỗi chiều anh đều đi qua hẻm Bình An, không lần nào được trông thấy nàng, thậm chí không thấy cả bà Nghiêm, người qua kẻ lại đều xa lạ. Kỳ Dao như hạt thóc giữa biển khơi, buông tay ra là mất hút. Anh qua lại, lòng tr 13ff8 ng trải, tự nhủ hôm sau không đến, nhưng hôm sau lại đến. Cho đến một hôm, đã ba giờ chiều, anh ngồi trước hẻm Bình An, thấy Xasa tay xách một bọc to, vội vã vào hẻm. Anh lượn đi lượn lại ở mấy cửa hàng gần đấy, mắt đăm đắm nhìn đầu hẻm. Trời tối dần, đèn đường bật sáng mà vẫn chưa thấy Xasa ra. Anh thấy mệt mỏi, liền lên xe đạp, chậm rãi bỏ đi. Từ đấy anh không đến nữa.

Xasa coi Kỳ Dao là một trong những người con gái thích anh. Anh biết mình đẹp trai, cô gái nào cũng thích. Con gái thích anh có chút tình cảm của mẹ với con, yêu và thương lẫn lộn. Lâu dần, Xasa trở nên dịu dàng đáng yêu, tưởng đâu lớn dần trong tâm tư con gái. Đối với con gái, Xasa lại coi đó như là sự thích thú mẹ cha, cơm áo. Anh thích tính khảng khái và thành thật của con gái, thích tính giản đơn và cả tin của con gái, con gái luôn luôn được một cho một. Con gái là thứ hư vô, coi trọng tình cảm dịu hiền, thật sự vô nghĩa. Xasa không có một thứ gì, có thể nói là giai cấp vô sản chân chính, nhưng tình cảm dịu dàng thì anh có thừa, cần bao nhiêu có bấy nhiêu. Người mẹ Liên Xô đã phai mờ trong ký ức anh, không có chị em, tất cả kinh nghiệm đối với con gái đều có từ những người con gái già dặn, yêu anh hơn yêu bản thân, tìm kiếm tình cảm dịu dàng ở anh, lại ban tặng nhân từ cho anh. Trong lòng các cô gái, anh như chú mèo con, dịu dàng không thể dịu dàng hơn. Cũng có lúc thiếu kiên nhẫn, ấy là lúc bị tình yêu của các cô gái gây nên, anh bực bõ đôi chút nhưng rồi thôi ngay.

Giữa đám con gái anh như cá được nước. Nhưng Xasa vẫn là con trai, lòng dạ rộng rãi, nhiều ham muốn, tuy không phải lúc nào cũng được, thoáng nhìn tốt đấy, thế giới đàn ông vẫy gọi anh. Tuy nhiên, trong thế giới đó Xasa tỏ ra rụt rè, khuôn mặt đẹp trai của anh không có tác dụng gì, chiêu bài thế hệ kế tục chủ nghĩa quốc tế chỉ là thứ hù doạ. Với cánh con trai, anh rất kính nể và tỏ ra căng thẳng không thể nào khắc phục nổi. Anh rất mặc cảm khi bị người khác xem thường, không đe doạ nổi ai, trong lòng khó tránh khỏi đố kỵ và oán hận. Con gái an ủi anh nhưng lại không an ủi nổi, thậm chí các cô còn biết thức tỉnh tính xấu hổ ở anh. Anh nghĩ, bởi mình kém cỏi mới phải chơi với cánh con gái. Cho nên, trong lòng Xasa rất hận cánh con gái, con gái như tấm gương soi rọi sự bất lực ở anh. Có lúc anh muốn tìm cách báo thù, tất nhiên vẫn dịu dàng, không làm ai cảnh giác. Thế nhưng, tình cảm của Xasa đối với Kỳ Dao có phần khác, cái khác ấy không phải do Kỳ Dao, mà do Minh Tốn. Anh ta không nghi ngờ Kỳ Dao thích mình, nhưng bởi có Minh Tốn nên sự việc trở nên khác đi. Theo sự thông minh vặt của anh, từ lâu anh đã thấy hai người ấy mến nhau, anh không có gì bực bõ, ngược lại thấy rất phấn khởi. Anh ta cảm thấy mình cùng đứng song song với Minh Tốn, có cảm giác bình đẳng.

Xasa không hề nhận biết mình đáng thương. Thấy Kỳ Dao nhiệt tình với anh, Minh Tốn lại không đến nữa, anh ta cho rằng mình đã chiến thắng, tính sĩ diện hão được thoả mãn. Tranh thủ đến với Kỳ Dao có ý như tận hưởng thành quả của thắng lợi, hơn thế còn được xem trọng. Thấy Kỳ Dao mệt mỏi, uể oải, biếng ăn, anh ta chạy đi nhờ người làm bánh mỳ Liên Xô. Anh còn biết quấn tăm bông, sát trùng kim tiêm, giúp Kỳ Dao. Bất giác Kỳ Dao động lòng trắc ẩn, tự hỏi mình có kém đạo đức không, nhưng tiếp theo lại nghĩ ngay đến Minh Tốn. Minh Tốn xuất hiện trước mắt, mặc tạp dề, lồng ống tay áo, trán lấm tấm mồ hôi, dáng vẻ ân cần, lòng như bị vò xé. Kỳ Dao hiểu không còn đường để quay lại, không được cũng phải được. Lần đầu tiên ôm Xasa ngủ, Kỳ Dao vuốt ve anh, làn da mỏng tưởng như trong suốt, cơ bắp mềm mại, bất giác nghĩ: anh ta còn trẻ con quá! Anh gục đầu vào ngực Kỳ Dao ngủ say sưa, Kỳ Dao nhẹ nhàng vuốt những sợi tóc của anh, tóc anh từ gốc đến ngọn không phải là một màu, như lông chim, nàng liền cười, nước mắt lại trào ra. Bình thường anh đeo kính không trông thấy, lông mi anh dài như một lá quạt, che lấy mắt, cánh mũi nhỏ nhắn, nhẹ nhàng thở. Kỳ Dao cảm thấy không nên hại anh ta, nhưng là sự vạn bất đắc dĩ, lòng những mong anh tha thứ. Lại nghĩ, anh không cha không mẹ, không ràng buộc, là thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng, có phiền hà bao nhiêu thì cũng chẳng sao. Tuy nhiên, Xasa khiến Kỳ Dao cảm thấy sợ hãi, Kỳ Dao nghĩ Xasa như một đứa trẻ, nhưng rất hiểu biết phụ nữ, động tác thành thạo, chính xác làm Kỳ Dao khó lòng kiềm chế nổi mình. Kinh nghiệm của Kỳ Dao về đàn ông có thể nói không thiếu, với ông Lý việc đã lâu rồi, rất vội vã, hơn nữa lúc ấy còn trẻ, xấu hổ, đừng nói gì đến thể nghiệm, vả lại không để lại ấn tượng gì nhiều; với Minh Tốn thì Kỳ Dao còn phải hướng dẫn; chỉ có với Xasa, anh ta mới đưa lại cho Kỳ Dao những khoái cảm của nữ giới, nhưng lại khiến Kỳ Dao rất hận. Vào lúc ấy, nỗi xấu hổ tội lỗi với Xasa cũng tan biến, thay vào đó là sự sảng khoái được trả đũa, Kỳ Dao nghĩ: Xasa, anh chỉ xứng đáng được đền đáp thế thôi!  

Khi Kỳ Dao nói chuyện có mang với Xasa, trong mắt anh ta thoáng vẻ nghi ngờ. Anh hỏi lại, nêu vấn đề thật sự nghề nghiệp, như một chuyên gia phụ sản. Anh ta còn giăng bẫy để Kỳ Dao lộ chân tướng. Kỳ Dao biết anh ta trăm lần không tin, nên không để lộ chút gì, khiến anh trăm lần chịu thua. Kỳ Dao lặng lẽ xoa dịu sự kinh ngạc của Xasa, Minh Tốn thì không thể nói cùng ngày, xem ra chỉ có anh ta phải gánh chịu việc này. Xasa hỏi xong, tuy không tin nhưng vẫn chẳng nói gì. Hai người vẫn ăn uống, nói chuyện, thậm chí ngủ với nhau. Xong việc, Xasa áp tai lên bụng Kỳ Dao. Kỳ Dao hỏi anh làm gì, anh ta cười hì hì, nói:

- Hỏi xem nó tên gì.

Kỳ Dao nói:

- Nó không nói với anh đâu!

Lời nói của hai người đều có ẩn ý, không thể nói ra với nhau được. Kỳ Dao chỉ cảm thấy Xasa làm mạnh mẽ hơn mọi lần, cũng sướng gấp bội, làm thế được lắm, thật hả dạ. Hai ngày sau, Xasa không nhắc lại việc ấy, tưởng đâu như không có chuyện gì, Kỳ Dao nóng lòng hỏi phải làm thế nào, anh trả lời vội gì. Nàng thì vừa nóng lòng, vừa khó nói, đành nín nhịn, vẫn sống với anh ta như thế, định bụng không buông tha anh ta. Bởi rất hận, sự việc trở nên đơn giản. Thậm chí Kỳ Dao còn nói đùa với Xasa, cứ đẻ ra, sau đó cùng sang Liên Xô ăn bánh mỳ. Xasa cũng nói đùa: không biết nó có thích ăn bánh mỳ Liên Xô không, hay chỉ thích ăn bánh bột mỳ rán và quẩy. Cuối cùng Kỳ Dao lo lắng thực sự, không dám đem sự việc ra đùa nữa, đành chịu lui, nỗi hận càng tăng, càng quyết tâm hơn. Hai ngày tiếp theo, Xasa lại đến, ăn cơm trưa xong, ngồi xỉa răng. Nắng xiên qua cửa sổ, chiếu lên mặt anh ta, thấy rõ từng sợi lông tơ, từng đường gân. Xỉa răng một lúc, anh ta nói, ngày mai sẽ đưa Kỳ Dao đi bệnh viện. Kỳ Dao hỏi bệnh viện nào, nói bệnh viện Từ Gia Hối, anh sẽ nhờ một bác sĩ học ở Liên Xô về. Hòn đá đè nặng từ nhiều ngày nay đã được đặt xuống, nàng thở dài, thấy hoa mắt, chóng mặt.

Đi bệnh viện bằng xe buýt. Hình như Xasa cố ý bỏ qua hai chuyến trước để lên chuyến xe thứ ba chật cứng. Kỳ Dao vốn ít đi chơi, lại càng ít khi đi xe buýt, không biết chen lấn, cứ để mọi người lên trước, lên được xe thì cánh cửa vừa khép lại phía sau lưng, gót chân bị kẹp đau điếng. Nhưng Xasa thì đã chen vào tận giữa, không trông thấy đâu. Kỳ Dao đứng ở cửa, tiến không được, lùi không xong, bị người lên người xuống xô đẩy, trách mắng. Đến Từ Gia Hối, xuống xe, đầu tóc Kỳ Dao rũ rượi, áo thì đứt cúc, giày cũng bị giẫm đạp bẩn thỉu nhem nhuốc. Nàng nước mắt lưng tròng, đôi môi run rẩy. Xasa là người sau cùng xuống xe, hỏi Kỳ Dao sao thế, Kỳ Dao cắn răng, nuốt nước mắt, nói không sao và đi theo Xasa. Cho dù anh ta đi nhanh thế nào, Kỳ Dao vẫn đi trước một bước, tư thế ấy như muốn nói: để xem anh có thể làm gì nữa nào! Xasa muốn mượn cớ gây sự, nhưng lúc này không thể không tỏ ra thành thật. Cuối cùng hai người cũng đến được bệnh viện, tấm biển có hình chữ thập đỏ ở cửa lớn đập vào mắt. Xasa dẫn Kỳ Dao đi quanh co vòng vèo để tìm bác sĩ quen. Ông bác sĩ này làm ở bộ phận nội trú, vừa khám bệnh xong và đang ngồi nghỉ ở văn phòng. Xasa vào trước, nói chuyện với bác sĩ rồi vẫy tay gọi Kỳ Dao vào. Thấy bác sĩ là nam giới, Kỳ Dao ngượng đỏ mặt. Bác sĩ hỏi vài câu rồi bảo Kỳ Dao đi tiểu xong vào khám. Kỳ Dao đi ra tìm nhà vệ sinh, đi mấy vòng mà không tìm thấy, lại không dám hỏi, len lén như kẻ cắp. Nhưng rồi cũng tìm được, trong nhà vệ sinh đang có người quét dọn. Chờ quét dọn xong Kỳ Dao mới vào, đóng cửa, mùi nước khử trùng nồng nặc, buồn nôn. Kỳ Dao nôn ra toàn nước chua, nhà vệ sinh vừa được quét dọn bị Kỳ Dao làm bẩn. Vừa cuống, vừa sợ, nước mắt lại trào ra. Kỳ Dao khóc, lòng giận vô cùng, tưởng như sắp oà khóc, vội lấy khăn tay bịt chặt miệng, cúi gập người, nghẹn ngào, gục xuống bệ cửa sổ phía sau nhà vệ sinh. Phía ngoài cửa sổ là lô xô mái nhà, ai đó trải chiếu trên mái nhà phơi gạo. Nắng chiếu trên mái nhà, chiếu lên những hạt gạo sâu mọt. Một đàn bồ câu bay lượn trên không trung, lấp loáng, chói chang. Kỳ Dao không còn nghẹn ngào, nước mắt vẫn lặng lẽ rơi. Bồ câu vẫn bay lượn, lúc cao lúc thấp, lúc gần lúc xa. Mái nhà như biển khơi, bồ câu như hải đảo. Kỳ Dao đứng thẳng dậy, lấy khăn lau khô nước mắt, đi ra và đi thẳng xuống cầu thang.

Mãi đến tận hai giờ chiều Xasa mới về, thấy Kỳ Dao đang tiêm cho khách và một người nữa đang ngồi chờ. Trên bàn là đèn cồn, ngọn lửa xanh đang luộc hộp kim tiêm. Chăn đệm trên giường được đem ra phơi ở cửa sổ. Sàn nhà vừa lau, bàn tủ cũng vừa được quét tước sạch sẽ. Kỳ Dao mặc áo mới, áo khoác ngoài nền xanh chấm trắng, tóc cũng được chải gọn ra phía sau, buộc bằng dây chun, trông như một người khác. Thấy Xasa vào, Kỳ Dao hỏi anh ăn cơm chưa, có khát không. Bởi đang có khách, Xasa không tiện nổi cáu, đành chờ, nhưng không biết Kỳ Dao định thế nào đây. Khách đã về, anh ta bật dậy, mặt tươi cười, hỏi có phải Kỳ Dao không thích bác sĩ ấy, vừa trông thấy ông ta đã vội bỏ đi ngay, không chào hỏi gì. Kỳ Dao nói, ra đi tìm nhà vệ sinh rồi lạc đường, không tìm lại được phòng khám ấy nữa, bởi thế mới phải về. Xasa nói anh thật đáng trách, lẽ ra phải đi theo hướng dẫn. Nàng thì bảo mình quá ngu, đi mà không nhớ đường. Xasa nói, không nhớ đường không sao, chỉ sợ không nhớ người. Kỳ Dao không nói nữa, chỉ cười. Lát sau, Kỳ Dao hỏi Xasa có ăn cơm không, anh quay lại nói không ăn, những đường gân xanh ở cổ nổi lên cuồn cuộn. Thấy anh ta như thế, Kỳ Dao nghĩ anh ta còn trẻ con quá, mình và Minh Tốn lớn hơn anh ta đến bốn năm tuổi, nhưng lại đang lừa dối anh. Nàng đến đứng sau lưng Xasa, vuốt tóc anh, ngắm nhìn những sợi tóc mềm như tơ đang mơn man lòng bàn tay. Hai người cùng im lặng, lát sau Xasa không nhìn nàng, hỏi:

- Kỳ Dao định bắt tôi làm gì đây?

Câu hỏi như nỗi bực tức có ý tố cáo xoáy vào tim. Kỳ Dao nghĩ mình có bực bao nhiêu cùng không bằng nỗi bực mình của anh ta; mình thì không có cách gì hơn, còn Xasa thì có. Tay nàng dừng lại trên mái tóc anh, màu tóc kỳ lạ này ở đâu ra? Kỳ Dao nói:

- Xasa, anh có biết câu nói “vợ chồng một ngày ơn nghĩa trăm năm” không?

Xasa im lặng. Kỳ Dao lại nói:

- Xasa, anh có muốn giúp tôi không?

Xasa không nói, đứng dậy đi ra, khép cửa xuống gác.

Lòng Xasa đau xót, anh không biết đã xảy ra việc gì, sự việc rối ren đến thế? Cứ nghĩ những đứa con lai như Xasa không lòng dạ, nhưng lòng họ cũng biết ấm lạnh, tốt xấu. Anh ta biết Kỳ Dao lừa dối mình, giận lắm, nhưng lại thấy đáng thương. Anh không biết trút giận vào đâu, lòng vô cùng đau xót. Anh lang thang trên đường, không biết về đâu, ngoài đường mọi người đều vui vẻ, không như anh. Trước mắt vẫn là hình ảnh nàng, mặt phù, nổi mụn, đẫm nước mắt. Xasa biết, nước mắt ấy là những tính toán với dụng ý xấu đối với anh, nhưng Kỳ Dao thật đáng thương. Mắt anh rưng rưng lệ, nhưng phải nén chịu. Anh đi đã thấm mệt, bụng sôi ùng ục, vừa đói vừa khát. Anh mua một cái bánh, một chai nước ngọt, vì phải trả vỏ chai, anh phải đứng ăn uống ngay trước quầy hàng. Vừa ăn, vừa nghe có người gọi anh là “người nước ngoài”, anh mơ hồ đắc ý vui mừng. Uống xong bình nước và trả vỏ, anh quyết định đến nhà cô bạn gái Liên Xô. Anh ngồi tàu điện qua mấy ga, tiếng chuông leng keng làm anh thanh thản. Thời tiết đẹp, bốn giờ chiều mà ánh nắng vẫn gay gắt. Vào nhà cô bạn, đúng hôm đánh xi sàn nhà, không khí trong phòng đầy mùi xi. Nhà cô bạn vừa đánh xi xong, đồ dùng được xếp gọn vào một góc, ghế để lên mặt bàn, sàn nhà bóng soi gương được. Cô bạn thấy Xasa đến, vui mừng ôm lấy anh, kéo anh vào giữa phòng mới buông anh ra, cô lùi lại mấy bước bảo để ngắm anh. Xasa đứng giữa sàn nhà bóng loáng, người như nhỏ lại, giống một thứ đồ chơi. Cô bạn bảo anh đứng yên, còn mình thì nhảy múa chung quanh, hát một bài hát của quê hương. Xasa bị cô bạn quay cho đến chóng mặt, không còn kiên nhẫn được nữa, anh cười, bảo cô bạn dừng lại, rồi đi đến nằm lên sofa, cảm thấy mệt, mắt không mở ra nổi. Anh nhắm mắt, có cảm giác nắng đang chiếu vào mặt, nóng ấm, mệt mỏi. Xasa thấy những ngón tay của cô bạn đang vuốt ve anh, anh cứ để mặc kệ, quay sang ngủ. Khi anh tỉnh lại, trong phòng đã tối, ngoài hành lang có ánh đèn, mùi hành mỡ xào nấu từ trong bếp bay ra. Cô bạn gái đang nói chuyện với chồng, tiếng nói khe khẽ như sợ làm anh tỉnh giấc. Đồ dùng trong nhà đã được kê lại chỗ cũ, sàn nhà phản chiếu ánh đêm. Xasa thấy mũi cay nồng, một giọt nước mắt lăn xuống.

Hôm sau, Xasa đến nhà Kỳ Dao, hai người đã bình tĩnh lại. Xasa nói, anh có thể tìm một nữ bác sĩ, Kỳ Dao nói, bác sĩ nam cũng không sao, đã đến nước này rồi còn kén nam nữ làm gì. Hai người cùng cười, lòng chua xót. Họ hẹn ngày rồi cùng đến bệnh viện. Lần này đi bằng xích lô, Xasa ngồi một xe, Kỳ Dao ngồi một xe. Vẫn là bác sĩ lần trước, nhưng lần này ở ngay phòng khám. Hình như ông đã quên, ông hỏi lại và bảo Kỳ Dao đi tiểu tiện. Kỳ Dao đi ra, Xasa theo sau, cười nói:

- Anh sợ tôi lạc đường thật à?

Xasa cũng cười, nhưng không quay về phòng khám bệnh mà đứng chờ ở cửa. Qua lại trước cửa toàn là các bà các chị, bụng mang thai hoặc không. Có lẽ vì liên quan đến Kỳ Dao, anh cảm thấy tất cả những người phụ nữ này đều có điều gì đó khó xử, vô cùng khó nói, bất chợt buồn. Lát sau, Kỳ Dao trở lại, một mình đi vào phòng khám một lúc rồi ra, nói phải đến phòng hoá nghiệm, bảo anh chờ. Kỳ Dao vội vã mất hút nơi tận cùng hành lang, quyết tâm chấp nhận tất cả. Mọi việc đều thuận lợi, ngày nạo thai cũng đã được quyết định. Ra khỏi bệnh viện thì đã trưa, Kỳ Dao đề nghị ăn cơm ở ngoài, Xasa đồng ý. Cả hai đều không quen khu vực Từ Gia Hối, cứ đi lang thang mãi, trông thấy đỉnh nhà thờ Từ Gia Hối cao vút dười bầu trời xanh, chợt cảm thấy thiêng liêng. Hai người đi một quãng nữa mới gặp nhà hàng ăn, họ đẩy cửa bước vào.

Vừa ngồi, Xasa bảo anh sẽ chiêu đãi. Kỳ Dao nói, tại sao là anh, phải là mình chứ. Xasa nhìn nàng, hỏi tại sao, rõ ràng phải là anh chiêu đãi mới đúng. Nàng thầm giật mình, sơ ý chút nữa là lộ. Nàng thôi không tranh luận với Xasa nữa, nghĩ bụng nhất định Xasa không đem theo tiền, cứ đợi đấy sẽ hay. Hai người gọi thức ăn, nói chuyện, chợt Xasa nói:

- Nạo thai có đau không nhỉ?

Kỳ Dao ngơ ngác, nói không biết, có thể không đau bằng đẻ. Xasa lại hỏi:

- So với nhổ răng thì thế nào?

Kỳ Dao cười, nói làm sao so sánh được. Nàng biết anh đang lo lắng, trong lòng cảm động, nhưng không tiện lộ ra, chỉ cười, nói đùa:

- Đâu phải là cái răng!

Thức ăn đã đưa lên, hai người cùng ăn. Xasa nói:

- Tôi ăn ở nhiều nơi, nhưng không đâu bằng cơm thường nhà Kỳ Dao.

Kỳ Dao cười anh khéo tán, nhưng Xasa lại rất nghiêm chỉnh, bảo: không phải anh nịnh, thức ăn nhà Kỳ Dao ngon, ngon không phải vì sơn hào hải vị, mà bởi đó là thức ăn thường ngày, thức ăn thông thường, mỗi ngày ba bữa, dù vẫn là những món ấy thì vẫn ngon.

Kỳ Dao nói:

- Thế thức ăn của nhà nào lại không phải thông thường, hay là phải đánh nhau giành giật mới có miếng ăn?

- Đúng là phải đánh nhau để giành giật miếng ăn, nói ra sợ Kỳ Dao không tin, cứ như tôi đây, từ trước đến nay phải sống giành giật.

- Tôi không tin!

Mặc Kỳ Dao, Xasa vẫn nói:

- Tôi là người không nhà, chạy vạy suốt từ sáng đến tối, có đến hàng trăm chỗ phải đi, thật ra là không có nhà, lòng dạ không yên, ngồi đâu cũng chỉ chốc lát, ngồi cứ nóng như lửa đốt, chỉ chốc lát là phải đứng dậy đi ngay.

- Anh có bà nội đấy thôi!

Xasa lắc đầu buồn bã, không trả lời. Nàng thông cảm, nhưng không an ủi, hai người im lặng. Ăn xong, tính tiền, Kỳ Dao rất tự nhiên lấy tiền ra trả, không ngờ Xasa nổi nóng, nói:

- Kỳ Dao xem thường tôi đấy à? Tôi không giàu nhưng không đến nỗi không có tiền mời bạn gái một bữa.

Kỳ Dao ngượng, mặt đỏ, lúng búng mãi mới nói được một câu:

- Đây là việc của tôi mà!

Câu nói khá nguy hiểm, đôi mắt tỏ vẻ nhận lỗi. Xasa nắm lấy tay Kỳ Dao đang cầm tiền, vẻ ôn tồn, khẽ nói:

- Đây là việc của đàn ông.

Kỳ Dao không tranh luận với anh ta nữa. Anh gọi nhân viên nhà hàng đến trả tiền rồi hai người đi ra, không nói năng gì, chỉ nuốt nước mắt.

Gần đến ngày nạo thai lại xảy ra một chuyện. Bà cô của Xasa từ Liên Xô sang, bảo anh lên Bắc Kinh để gặp. Xasa nói chờ anh về hãy đi, cũng chỉ vài hôm thôi. Kỳ Dao thì nói không sao, anh cứ đi, mình ở nhà đến bệnh viện cũng được, không phải đại phẫu thuật, cứ như nhổ cái răng thôi mà. Kỳ Dao nói đùa. Xasa không chịu, cho dù nàng nói thế nào cũng không thể được. Sau rồi Kỳ Dao nói dối để mẹ cùng đi. Tuy không tin, nhưng thấy nàng vẫn cố chấp, anh cũng vờ bằng lòng. Trước khi đi, anh dúi vào tay Kỳ Dao mười đồng để mua thức ăn bồi dưỡng.  Kỳ Dao nhận rồi lẳng lặng nhét vào túi anh hai mươi đồng. Nghe tiếng chân anh xuống cầu thang, bước chân vang lên rồi mất dần ở phía sau cánh cửa. Ngồi thừ ra một lúc, Kỳ Dao không nghĩ ngợi gì. Màn đêm dần dần tràn vào cửa sổ, như sương khói bao trùm chung quanh.

Đêm rất yên tĩnh, tưởng đâu như trở về với ngày xưa, không có Xasa, không có Khang Minh Tốn, cũng không có bà Nghiêm. Lại nghe thấy những âm thanh vụn vặt trong hẻm: tiếng chân bước trên sàn nhà bằng gỗ đã rệu rã, tiếng đóng mở cửa, tiếng người lớn dạy dỗ trẻ con, cả tiếng nước nhà ai đang sôi lục bục. Nàng nhìn thấy cây trúc đào trồng trong chậu đặt trên ban công nhà bên đang khoác ánh trăng lạnh, bên cạnh là chậu trồng hành cũng khoác ánh trăng, tưởng đâu như trông thấy bàn tay trồng nó, rất cẩn thận, nhẹ nhàng. Có gì đó trong ống máng loảng xoảng rơi xuống đất, như tiếng nói vì hẻm Bình An bất khuất trong khuất phục. Bầu trời hẻm Bình An tuy chật hẹp và gẫy khúc, nhưng vẫn cao, mây mù tan như phủ một bức tranh cắt giấy lên nhà cửa trong hẻm. Trăng và sao bị che khuất, nhưng không sao, ánh sáng thì không thể cản nổi, ấm lạnh không thể ngăn nổi. Thế là tốt, bốn mùa vẫn bình thường, công việc vẫn bình thường. Kỳ Dao mở một gói long nhãn, bóc vỏ. Không ai đến tiêm, một buổi tối không bệnh tật, không tai nạn. Ông già rung chuông đã đến, tiếng rao “cẩn thận đèn lửa” xuyên suốt hẻm, nhắc nhở mọi người thận trọng, ẩn chứa kinh nghiệm của người từng trải. Long nhãn đã bóc vỏ được để vào bát, vỏ vun vào một chỗ, những bông hoa to trên rèm cửa sổ tuy đã phai màu nhưng nhìn vẫn rõ. Chuột bắt đầu hành động, chạy lục đục, gián bay ra, chờn vờn trước mặt. Chúng là chủ nhân của đêm yên tĩnh, tiếp nối công việc của con người. Vô số sinh vật nhỏ đang hành động, chim sẻ đang bay về phía này.

Hôm sau trời mưa, ẩm thấp nhưng ấm áp. Kỳ Dao cầm ô ra đi, khi khoá cửa còn nhìn lại căn phòng, nghĩ bụng có kịp về ăn cơm không nhỉ? Rồi đi xuống gác, mưa sụt sùi, nước lăn tăn trong cống. Nàng gọi xích lô, tuy xe được che bằng tấm vải bạt, nhưng đệm vẫn ướt, cảm giác giá lạnh. Những giọt mưa nhỏ từ ngoài hắt lên mặt nàng. Qua khe hở của tấm vải che mưa, nàng trông thấy lá ngô đồng đã úa vàng, run rẩy dưới bầu trời xám xịt, nghĩ đến Minh Tốn, cha của đứa bé trong bụng mình. Lúc này nàng nghĩ, đứa bé trong bụng đang gây nên những phiền toái sắp không còn nữa. Lưng nàng toát mồ hôi lạnh, tim cũng đập nhanh hơn. Chợt nàng mơ hồ nghĩ, tại sao đứa bé sắp không còn nữa? Khuôn mặt nàng ướt đẫm nước mưa, mưa tí tách nhỏ giọt trên mui xe, tai ù đặc. Nàng nghĩ, mình chẳng có một thứ gì, ngay cả đứa bé cũng không, thật sự trắng tay. Nước mắt lại rơi, nhưng nàng không nhận ra, chỉ biết đang vô cùng căng thẳng, đầu gối run lên, một việc lớn phải được quyết định ngay trong giây lát. Nàng nhìn đăm đắm vào lỗ thủng trên mảnh bạt che mưa ngay trước mắt, ánh sáng lọt qua lỗ thủng còn những sợi vải lua tua. Lỗ thủng này có ý nghĩa gì? Nàng nghĩ. Lại nhìn bầu trời xám xịt tạo nên một vệt lớn ở giữa khoảng trống nối tiếp mui xe và tấm vải che phía trước. Nàng nghĩ, mình đã ba mươi tuổi, ba mươi năm vừa qua không có một thứ gì, hy vọng gì ở ba mươi năm tiếp theo? Trái tim nàng đen đủi quá, đen đủi đến tận cùng lại thấy chút ánh sáng. Xe dừng ngay ở cửa lớn bệnh viện. Nàng nhìn người ra người vào, cảm thấy mình như đứng bên bờ vực. Ngồi phía sau tấm bạt che mưa, nàng rùng mình, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Mưa dày hạt, người qua lại phải che ô. Người đạp xích lô mở tấm bạt che, nhìn nàng bằng ánh mắt kỳ lạ, đó là sự thôi thúc không lời, buộc nàng phải có quyết định. Nàng choáng váng, người đạp xích lô nhìn nàng từ xa, nước mưa lẫn mồ hôi chảy ròng ròng, nàng nghe thấy tiếng nói của mình: “Tôi bỏ quên một thứ, bác đưa tôi về!” Tấm bạt che buông xuống, xe quay lại, đi về phía trước, xuôi gió, nước mưa không còn hắt vào mặt nữa. Đầu óc nàng tỉnh lại, lòng nhủ thầm: Xasa, anh nói đúng, một người đến không được!

Về đến nhà, Kỳ Dao mở cửa, trong phòng tất cả như cũ, mới chín giờ sáng. Nàng ngồi bên bàn, đánh diêm châm đèn cồn, đặt hộp kim tiêm lên, chẳng mấy chốc đã nghe tiếng nước sôi. Lại nhìn đồng hồ, chín giờ mười phút, nếu bây giờ đi bệnh viện vẫn còn kịp. Bận bịu mấy hôm chẳng phải vì việc này hay sao? Nếu không thì đã xong việc lớn rồi, đang ngồi xe trên đường về. Nghe tiếng đồng hồ tích tắc, nàng nghĩ: nếu muộn tị nữa thì không kịp. Nàng thổi tắt đèn cồn, mùi cồn nồng nặc, ngay lúc ấy có người gõ cửa đến tiêm tĩnh mạch. Nàng đành mở hộp kim để tiêm cho khách, nhưng nóng lòng, vội vàng, mong cho chóng xong để đi bệnh viện. Càng vội càng không tìm thấy ven, người bệnh kêu đau. Nàng trấn tĩnh lại, thuốc từ từ vào mạch máu, tình cảm cũng lắng dịu. Cuối cùng người khách cũng gập cánh tay, kẹp bông cồn ra về. Kỳ Dao thu dọn kim tiêm và bông bẩn, mọi cuống vội qua đi, chỉ còn lại sự mệt mỏi và uể oải. Nàng nghe theo số phận, phó mặc tất cả, dù sao thì cũng không còn cách nào khác, cuối cùng rồi cũng xong. Đã đến giờ thổi cơm trưa. Nàng vào bếp, nồi gà hầm từ tối qua vẫn còn đó, nguội lạnh, lớp mỡ đóng thành váng, bắt đầu nhóm lửa, đặt nồi lên, đi vo gạo, nhìn mưa trên kính cửa sổ, nghĩ mình dù sao cũng phải dựa vào Xasa, không đẻ cũng dựa vào anh ta, đẻ cũng phải dựa vào anh ta, Xasa đã giúp phải giúp đến cùng! Mùi canh gà hầm bay lên, đưa đến cho nàng niềm hy vọng. Niềm hy vọng để những gì hiện tại qua đi, thuyền đi đến đầu cầu phải đi ngay ngắn, lùi đến cùng, rồi bất chấp tất cả.

Vào lúc này Xasa đang ngồi trên tàu đi về phía bắc, đốt hết điếu thuốc này đến điếu khác. Bà cô này anh chưa hề gặp mặt, thậm chí mới chỉ nghe nói cách đây mấy hôm. Ngay cả mẹ cũng là người xa lạ, nói chi đến cô. Sở dĩ anh đi thăm bà cô là để bàn việc về Liên Xô. Anh quyết định về Liên Xô bởi chán ngấy với hiện tại, mong có gì mới hơn. Anh nghĩ con lai cũng có cái hay, nghĩa là có nơi trốn chạy. Việc chạy trốn này bảo là đuổi đi cũng được, tóm lại không muốn nhìn sẽ không thấy, muốn đi thì đi.

13  Vẫn còn có Trình

Kỳ Dao gặp lại Trình trong một hiệu đồ cũ trên phố Hoài Hải. Năm ấy, thực phẩm trở nên khan hiếm, định lượng hàng tháng tuy không giảm, nhưng không đủ. Nhà nước đặt thêm nhiều loại tem phiếu, thứ gì cũng phân phối theo định lượng. Chợ đen nổi lên, giá cả cao gấp nhiều lần. Bầu không khí căng thẳng bao trùm thành phố, tưởng đâu sống hôm nay không biết có ngày mai. Kỳ Dao bụng mang dạ chửa, một miệng ăn nuôi hai người, không thể không ra chợ đen. Thu nhập nhờ tiêm thuê chỉ đủ chi tiêu hàng ngày, nếu mua chợ đen thì không nổi vài con gà. Trong cái hộp ông Lý để lại năm xưa có một ít dây chuyền, mấy năm nay cũng tạm đủ sống, chưa đụng đến, phòng xa khi cần. Bây giờ là lúc cần đến rồi, đêm khuya, Kỳ Dao lấy cái hộp ấy từ trong tủ năm ngăn ra, đặt lên mặt bàn. ánh đèn chiếu lên cái hộp gỗ đào hoa tâm được chạm khắc hoa văn theo phong cách Tây Ban Nha gợi lại những ký ức phồn hoa, tay sờ vào tự nhiên có cảm giác ấm lạnh như cách xa mười vạn tám nghìn tuổi. Kỳ Dao ngồi đối diện những thứ đó một lúc nhưng vẫn không đụng đến, lại đem cất vào chỗ cũ. Nàng cho rằng chưa phải lúc dùng đến, bởi chưa thể hình dung nổi trước mắt còn có những khó khăn nào đang chờ. Chi bằng tìm mấy cái áo không mặc đến, đem ra gửi bán ở hàng đồ cũ, để lại chỉ tổ nuôi gián. Thế là nàng mở hòm quần áo, một hòm đầy đồ cũ làm hoa cả mắt. Nàng định thần lại, đầu tiên trông thấy tấm áo dài gấm màu phấn hồng. Cầm tấm áo lên tay, gấm mát rời rợi, trơn tuột, vừa buông tay nó rơi xuống thành đống. Kỳ Dao không dám nhìn lâu, tấm áo trong con mắt không còn là tấm áo mà là xác ve sầu, tầng tầng lớp lớp. Nàng lấy ra mấy tấm áo len rồi đậy hòm lại. Về sau, lật đáy hòm là việc thường xuyên, mở ra rồi đóng vào; ra cửa hàng đồ cũ cũng trở thành việc thông thường, quen đường quen cửa. Hôm ấy, Kỳ Dao nhận được giấy báo đồ cũ đã bán được, mời đến cửa hàng nhận tiền, vừa bước ra bỗng có người gọi, quay lại thì ra Trình.

Sau một phút bàng hoàng, Kỳ Dao như thấy thời gian đang trôi ngược dòng, nhưng rồi nhìn mái tóc bạc của Trình, nàng mới tỉnh lại.

- Anh Trình, tại sao lại là anh?

- Em, anh cứ như nằm mơ!

Cả hai người mắt cùng ngấn lệ, bao nhiêu việc cũ trào lên không kịp sắp xếp, rối bời. Thấy Trình đứng bên quầy bán dụng cụ chụp ảnh, Kỳ Dao bật cười, hỏi:

- Anh Trình vẫn chụp ảnh đấy à?

Trình cũng cười. Nghĩ đến chụp ảnh như tìm lại được đầu mối trong mớ bòng bong của ngày xưa. Kỳ Dao hỏi thăm phòng chụp vẫn như xưa? Trình nói:

- Em vẫn còn nhớ?

Lúc này anh mới thấy Kỳ Dao có mang, mặt phù lên, hình ảnh con người ngày xưa như đang bị bao phủ một lớp màng mỏng. Vừa rồi, anh cảm thấy Kỳ Dao vẫn không có gì thay đổi, hình ảnh cũ tái hiện, bây giờ mặt đối mặt, tưởng rất mơ hồ. Thời gian không để người ta nhận ra nhau. Bỗng anh hỏi Kỳ Dao:

- Bao nhiêu năm không gặp nhau rồi nhỉ?

Bấm đốt ngón tay, đã mười hai năm. Nghĩ lại ngày chia tay, hai người cùng im lặng. Đã gần trưa, cửa hàng đồ cũ đông khách, chen chúc nhau không còn đứng vững, Kỳ Dao bảo ra ngoài nói chuyện. Hai người ra khỏi cửa hàng đồ cũ, đứng bên vỉa hè, người qua lại càng náo nhiệt, họ đến bên cột điện mới đứng được yên, nhưng lại không biết nói gì, cả hai cùng ngước nhìn những tờ giấy quảng cáo dán trên cột điện. Đã là mùa xuân, cả hai vẫn đang mặc áo bông, trên lưng như đang cõng chậu than hồng. Đứng một lúc, Trình bảo để đưa Kỳ Dao về, chồng ở nhà đang chờ cơm. Kỳ Dao nói:

- Em không có ai đợi, còn anh phải về, kẻo chị ấy chờ.

Mặt Trình đỏ lên, nói:

- Vẫn cô đơn, một mình, có lẽ suốt đời sẽ không có ai!

- Thế thì, đáng tiếc quá, con gái có tội tình gì mà đến nay vẫn chẳng được hưởng phúc phận của anh?

Hai người nói chuyện sôi nổi hẳn lên, mặt trời lên đến đỉnh đầu, cũng đã thấy đói. Trình bảo đi ăn cơm, hai người đi qua mấy nhà hàng ăn, nhà hàng nào cũng đông nghịt, khách chờ cũng đông, bụng càng đói hơn, tưởng như không thể chờ thêm nữa. Cuối cùng, Kỳ Dao bảo về nhà mình nấu mỳ. Trình nói, nếu vậy về nhà anh còn hơn, hôm qua có người nhà ở Hàng Châu lên, cho ít thịt muối và trứng gà. Vậy là họ cùng đi tàu điện về. Buổi trưa, tàu điện vắng khách, hai người ngồi bên nhau, nhìn đường phố lướt qua như một đoạn phim, ánh nắng loang loáng, lòng không vướng bận, tàu điện đưa đi đâu cũng mặc.

Nơi Trình ở vẫn thế, chỉ cũ hơn mà thôi, vết ẩm mốc đậm hơn, trong nhà cũng tối hơn. Bụi trên cửa kính như suốt mười hai năm nay không ai lau, ánh sáng chiếu qua cũng mờ bụi. Vẫn thang máy cũ, tay vịn cầu thang gỉ đen, thang lên xuống lạch xạch ầm ỹ. Kỳ Dao theo Trình ra khỏi thang máy, chờ anh tìm chìa khoá mở cửa, nhìn thấy mạng nhện chăng đầy trần nhà, có lẽ mạng nhện này cũng từ mười hai năm nay. Trình mở cửa, Kỳ Dao bước vào, mắt tối xầm, sau đó mới nhìn rõ thế giới nhỏ đầy vải bao bọc. Thế giới này giống như được cất giấu trong cốt lõi thời gian, không chút thay đổi. Sàn nhà phản chiếu màu xi nâu, giá đèn vẫn đứng kia, máy ảnh vẫn đứng kia, thảm phủ trên giá gỗ, phía sau là khuôn cửa sổ làm bằng bìa, vừa cũ kỹ vừa yếu ớt. Trình vội vào bếp nấu nướng, tiếng dao thớt vang ra. Chỉ lát sau mùi cơm và mùi thịt muối lan toả rất thơm. Kỳ Dao không vào giúp Trình, một mình đi đi lại lại trong phòng chụp, chầm chậm đi vào phía sau, phòng hoá trang vẫn thế, tấm gương mờ mịt, người trong gương cũng mờ ảo, không nhìn rõ tuổi tác. Nàng mở cánh cửa sổ bên cạnh bàn phấn, gió thổi tung mái tóc. Mặt trời đã xế chiều, bóng ngả về phía này. Người đi dưới đường, bé nhỏ và tất bật như đàn kiến. Ra khỏi phòng hoá trang, nàng mở cửa buồng tối, tay sờ vào nắm đấm cửa, vừa mở ra thì đèn đỏ sáng lên chỉ ở một điểm, còn lại đều tối, như cất giữ tâm sự, nhưng dù biến đổi ngàn lần thì vẫn nguyên cốt cách của nó. Nàng không biết trong cái thế giới to lớn có bao nhiêu thay đổi đã được cái bất biến của thế giới nhỏ bé này làm nổi bật. Đứng một lát, nàng tắt đèn, đóng cửa, đi tiếp vào phía trong, đó là bếp, bên lò than là cái bàn tròn nhỏ, trên bàn đã bày sẵn hai cái bát, hai đôi đũa. Cơm vẫn đặt trên bếp, một bếp khác đang nấu canh trứng.

Cơm của Trình có thịt muối, thêm một bát to canh trứng. Hai người ngồi đối diện, ăn cơm, đói lắm rồi, bụng rỗng không. Ăn một bát cơm mới thấy đỡ đói, cứ thế ăn hết bát nọ đến bát kia như không biết no, cuối cùng nồi cơm hết sạch. Canh trứng cũng không còn, bất giác hai người cùng cười. Mười hai năm mới gặp lại nhau, chưa nói được gì nhiều thì đã vội ăn. Nhớ lại ngày xưa cùng nhau ăn không biết bao nhiêu bữa, cộng lại không bằng bữa ăn hôm nay. Hai người cùng cười và cùng  ngượng. Thấy Trình nhìn mình, Kỳ Dao nói:

- Anh đừng nhìn em như thế, anh chỉ một người, còn em những hai, như vậy ăn cũng chỉ bằng anh.

Nói đến đây, hai người cùng ngơ ngác, không biết làm gì nữa. Lát sau, Kỳ Dao cười gượng, nói:

- Em biết, anh muốn hỏi em, nhưng anh hỏi, em không biết trả lời thế nào, dù sao đi nữa thì lúc này em đang trong mắt anh, đừng hỏi thêm gì nữa!

Nghe Kỳ Dao mạnh dạn nói hết sự tình, Trình chẳng biết làm gì hơn, lòng thầm xót xa, nghĩ: cuộc đời biển dâu khôn lường. Nhưng khi đã nói ra hết, hai người cảm thấy thanh thản. Họ không nhắc gì chuyện cũ, chỉ nói chuyện hiện tại. Trình nói anh đang làm việc ở phòng Tài vụ của một công ty, tiền lương đủ cho một mình ăn uống, dư dật đôi chút, chỉ mãi gần đây mới thấy căng thẳng, nhưng so với những người có gia đình vẫn khá hơn nhiều. Kỳ Dao nói, mình thu nhập từ tiêm thuê cũng tàm tạm, gần đây cũng phải ra hàng đồ cũ luôn. Trình không khỏi lo lắng cho nàng, anh nói bán đồ cũ không phải là kế lâu dài, bán hết rồi ra sao? Kỳ Dao cười, hỏi lại: kế lâu dài là thế nào? Trình không trả lời được, nàng mới nhẹ nhàng nói:

- Qua được những ngày này đã là kế lâu dài rồi!

Trình hỏi, thời gian gần đây Kỳ Dao sống ra sao. Nàng kể tỷ mỷ chuyện ngày ba bữa ăn, chuyện mắm muối củi lửa. Trình cũng nói với Kỳ Dao về cách thức tiết kiệm của mình, phải dè xẻn từng ly từng tý. Hai người lại trở về với chuyện ăn uống không bao giờ hết, đến lúc thật vui vẻ, họ định ngày mời nhau ăn cơm. Kỳ Dao nói phải về, buổi chiều đã hẹn người đến tiêm, vả lại còn có công chuyện phải đi. Trình tiễn ra cửa, nhìn Kỳ Dao vào thang máy rồi mới quay vào.

Mùa xuân năm 1960 là mùa xuân ai cũng bàn đến chuyện ăn. Mùi trúc đào như bào gan bào ruột. Lũ chuột dưới sàn nhà về đêm càng sục sạo nhiều hơn, đàn chim sẻ bay loạn xạ để tìm mồi. Thành phố này đầy rẫy món ăn, đừng nói đến chuyện “đói kém”. Rất nhiều nhân vật có máu mặt xếp hàng, chờ tìm được một chỗ ngồi trong các nhà hàng ăn Tây. Có biết bao nhiêu phi-lê bò, giăm-bông lợn, cá ngon đổ vào những cái miệng phàm ăn, mùi bơ sữa, bánh kem có thể giết người, ít ra cũng làm con người đánh mất đạo đức. Những vụ cướp giật xảy ra luôn luôn, nào phải cướp thứ gì lớn, chỉ cướp những miếng bánh trên tay trẻ con. Các cửa hiệu bánh là nơi con người thèm rỏ dãi, một người mua, trăm người nhìn. Trộm cắp là chuyện thường tình. Về đêm, con người không bị thức giấc bởi những tâm tư thì cũng vì cái đói. Tất cả những gì gọi là tình cảm, gọi là hoài niệm cũng lùi xuống hàng thứ yếu để rồi biến mất, không còn thấy tăm hơi đâu nữa. Con người đầy thực dụng, không còn giả ơn, giả nghĩa. Con người cũng thật thà hơn, xoá sạch giả dối. Dưới ánh đèn rực sáng của thành phố, vẻ mặt con người đúng với nguyên trạng, vàng là vàng, gầy là gầy, không quá lịch sự, chỉ là tấm lòng son đỏ. Tuy chưa phải là “đói kém,” bề ngoài hơn “đói kém” một bậc, có chút xa xỉ, song cũng gần với bản chất, gần như lộ chân tướng. Tuy không nghiêm trọng như “đói kém”  nhưng mang màu sắc hài hước, sức mạnh trào lộng cũng thật to lớn. Vẫn nói, hài kịch đã chỉ ra những cái không giá trị cho mọi người thấy đó thôi? Thành phố này cần phải chỉ ra chính là những thứ đó.

Trình và Kỳ Dao gặp lại nhau, lấy cái ăn làm chính. Việc ăn này chẳng phải việc ăn kia, ăn cho no bụng, không phải là những bữa ăn tối với bà Nghiêm trước đây, chỉ là để giết thời gian. Rất nhanh chóng họ phát hiện ra, hai người ăn chung có hiệu quả hơn ăn riêng, thêm vào đó còn có tác dụng tinh thần chung lòng chung sức. Thế là, mỗi ngày ít nhất họ ăn chung một bữa. Trình đưa cho  Kỳ Dao hơn nửa tiền lương để làm tiền ăn, còn anh chỉ giữ đủ tiền cắt tóc và mua phiếu ăn bữa trưa ở công ty. Buổi chiều, hễ hết giờ làm việc anh lại đến nhà Kỳ Dao, hai người cùng thổi nấu. Mỗi chủ nhật, Trình đều đến sớm, cầm phiếu lương thực của Kỳ Dao đi xếp hàng, mua tất cả những thứ được phân phối, có lúc là hơn chục cân khoai lang, có lúc là mấy cân bột. Anh lóc cóc vác về, dọc đường nghĩ cách xài hết những thứ đặc biệt này. Bộ đồ Âu của Trình đã cũ, lớp lót xơ xác, tay áo sờn rách. Tóc đã bắt đầu rụng. Vẫn đeo cặp kính gọng vàng ấy, gọng đã bạc màu. Tuy cũ, có phần cực khổ, nhưng Trình vẫn chải chuốt gọn gàng, nét mặt cũng tươi tỉnh, nhưng không che giấu vẻ suy sụp, điều này khiến anh trở nên đặc biệt, trông giống một nhân vật từ trong phim ảnh những năm bốn mươi bước ra. Những nhân vật này còn thỉnh thoảng gặp trên đường phố Thượng Hải những năm sáu mươi. Bóng dáng họ mang dáng dấp kỷ niệm, rất hấp dẫn ánh mắt trẻ con. Anh không giống Khang Minh Tốn mặc trang phục nhân dân, cũng cũ đấy, nhưng là mới đảo cũ, có phần khác thường. Trình như con người cố chấp, quyết tâm chung thủy với mốt cũ. Anh xách một xô khoai lang đi ngoài phố. Vì không biết cách xách nên cái xô cứ đập vào đầu gối, phải đổi tay luôn luôn. Mỗi lần đổi tay lại thở dốc, nhìn cảnh phố xá. Ngô đồng đã ra lá, dọc đường đã có bóng cây, lòng anh yên tĩnh, tự hỏi: tất cả có phải là sự thật không nhỉ?

Trình ra vào nhà Kỳ Dao không làm ai trong hẻm bàn tán. Minh Tốn và Xasa lần lượt đến rồi lần lượt đi. Theo đó, bụng Kỳ Dao ngày một to, người trong ngõ đều biết cả. Hẻm Bình An cũng rất thô thiển, nhưng nhiều kinh nghiệm, họ coi Kỳ Dao thuộc loại phụ nữ kia, những người hiếu kỳ cũng được giải thích. Loại phụ nữ ấy, nhìn chung hẻm nào cũng có, họ vốn tập trung ở chung cư Alice, nhưng thời thế đổi thay mới phải phân tán khắp nơi. Có lúc, vì chuyện gạo củi hàng ngày mà vợ chồng trong hẻm Bình An to tiếng, bà vợ nói: “Tôi thà như cô Dao ở số nhà ba mươi chín kia còn hơn”! Anh chồng cười khẩy, nói: “Cô cứ đi mà làm, liệu có tài giỏi như thế không?” Bà vợ im lặng. Nhưng cũng có bà cãi lại, anh chồng nói: “Cô cứ xem mình đi hẵng, rồi xem cái nhà chị Dao!” Bà vợ cãi lại: “Anh có nuôi nổi không, nuôi nổi thì tôi sẽ làm!” Anh chồng im bặt. Theo đó có thể thấy, hẻm Bình An không xem thường Kỳ Dao, thậm chí có phần khâm phục. Từ hôm Trình đến, mùi thức ăn từ bếp nhà Kỳ Dao bay ra thật hấp dẫn, ai cũng hít lấy hít để, rồi kháo nhau: nhà cô Dao lại có thịt ăn rồi!

Buổi tối, Kỳ Dao chui vào chăn rất sớm, Trình ngồi trước bàn ghi chép các khoản chợ búa, rồi bàn với nàng xem ngày mai ăn gì. Tuy vừa ăn cơm tối, nhưng cả hai đã nghĩ đến bữa sáng hôm sau, bàn với nhau thật hào hứng, tỷ mỷ. Họ nói chuyện đến khuya. Mèo cuối hẻm đã gọi mùa xuân, Kỳ Dao buồn ngủ lắm rồi. Trình đứng dậy kiểm tra chốt cửa sổ, buông rèm, thu dọn nhà cửa gọn gàng, tắt đèn, ra cửa, đặt sẵn chốt rồi nhẹ nhàng khép lại.

Chưa bao giờ Trình ngủ lại nhà Kỳ Dao. Kỳ Dao cũng có ý muốn giữ Trình nhưng không dám nói, bởi mình đang mang thai với người khác, sợ Trình mặc cảm. Lòng nghĩ, chỉ cần Trình ngỏ ý mình sẽ không từ chối. Nhưng Kỳ Dao không muốn và không yêu Trình, chỉ để tạ ơn. Mười hai năm trước, Trình là “chỗ dựa” mọi việc của Kỳ Dao, là ý nghĩ muốn lùi một bước. Nhưng thời đó, nàng vẫn không hề biết giá trị đích thực của “chỗ dựa” ấy, bởi đang mải nhìn về phía trước, còn rất sớm mới nghĩ đến bước lùi. Ngày nay, tuy chưa phải lùi, nhưng Kỳ Dao không dám nói đến tiến, cái “chỗ dựa” kia rất gần mình. Những ngày này, nàng và Trình sớm chiều gặp nhau, biết Trình không có gì thay đổi, còn mình thì đã đổi thay, Kỳ Dao ngày nay không còn là Kỳ Dao của hôm qua. Giá như Trình cũng có chút thay đổi thì hay biết mấy! Trình vẫn không có gì mất đi, chính vì thế mà nàng cảm thấy ngượng, cảm thấy không phải với sự chờ đợi của Trình. Trình giữ mình bấy nhiêu năm để chờ đợi một cuộc sống với trăm nghìn vết thương, biết anh giận lắm. Cho nên, khi tiếp cận với “chỗ dựa” này, nàng vẫn không dám nhận là “chỗ dựa”, bản thân đánh mất tư cách, chỉ còn lại tấm lòng biết ơn. Nhưng Trình không nói, muộn đến mấy cũng về. Mấy lần nàng mơ màng thấy anh đứng bên giường mình, lòng thảng thốt, nghĩ anh sẽ không đi, nhưng anh đứng một lát rồi đi. Nghe tiếng anh đóng cửa, nàng được an ủi nhưng lại buồn man mác.

Có lúc hai người nhắc lại chuyện bạn bè cũ, như Lệ Lợi chẳng hạn. Những năm gần đây, thỉnh thoảng Trình cũng biết chút ít tin tức của Lệ Lợi, biết qua ông bạn đạo diễn nọ. Nhắc đến ông đạo diễn, Kỳ Dao tựa hồ cách biệt với thế giới khác, nhiều sự việc bỗng hiện lên trong muôn vàn hỗn độn, Kỳ Dao hỏi, vì sao ông đạo diễn lại quen biết Lệ Lợi? Trình cho biết, có lần Lệ Lợi tìm anh, qua Ngô Bội Trân biết ông đạo diễn kia, rồi từ ông đạo diễn tìm ra anh. Bội Trân đã trở thành người xưa, lại những việc cũ hiện lên. Trình nói, ông đạo diễn đã là chức phó gì đó của ngành điện ảnh rồi, hồi ấy mọi người đều không biết ông ta là đảng viên cộng sản. Lệ Lợi chịu ảnh hưởng của ông ta và tham gia công tác cách mạng, khi Thượng Hải giải phóng, chính mắt anh trông thấy Lệ Lợi tay khua não bạt, chỉ huy đội trống ếch của học sinh đi tuần hành. Lệ Lợi vẫn đeo kính, nhưng mặc quân phục cũ, tay áo xắn cao, thắt lưng da to bản, xuýt nữa thì anh không nhận ra. Chỉ còn hai năm nữa là Lệ Lợi học xong đại học, nhưng cô đã bỏ học để vào làm công nhân trong một xưởng sợi, bởi vừa có văn hoá vừa cầu tiến nên được cất nhắc lên làm cán bộ công đoàn. Về sau, Lệ Lợi lấy vị đại diện quân đội tại xưởng sợi. Vị đại diện quân đội này người Sơn Đông, theo đơn vị về đóng ở Thượng Hải. Bây giờ họ đã có với nhau ba đứa con, ở trong làng mới Đại Dương Bồ. Nghe xong chuyện của Trình, Kỳ Dao nói:

- Ôi, không ngờ Lệ Lợi lại trở thành một cán bộ, thật tuyệt!

Trình cũng nói rất tuyệt, nhưng hai người đều không tin lời mình. Chuyện Lệ Lợi nghe như truyền thuyết, trong đó có những chi tiết không đúng sự thật. Sau giây lát im lặng, Kỳ Dao nói:

- Thì ra ông đạo diễn là một đảng viên cộng sản, nên hồi thi hoa hậu Thượng Hải, ông ta mời em ăn cơm, khuyên rút lui, biết đâu cấp trên chỉ thị cho ông ta đến vận động. Nếu ngày ấy nghe lời ông đạo diễn này thì không phải Lệ Lợi đi làm cách mạng, mà em sẽ trở thành cán bộ cách mạng.

Nói xong, hai người cùng cười. Kỳ Dao bàn với Trình đi thăm Lệ Lợi, nhưng lại do dự không quyết. Không biết như họ hiện nay còn là bạn với Lệ Lợi nữa không? Cũng như mọi người dân Thượng Hải, trong mắt họ, Đảng cộng sản là cái gì cao xa không thể với tới. Như họ, những con người được lịch sử xoay chuyển, khó tránh khỏi mặc cảm là dân của chế độ cũ còn lại, tự nhận là người lạc hậu của thời đại vậy. Họ là những người sống giữa lòng xã hội, vùi đầu vào cuộc sống gạo củi, đối với bản thân chẳng ra gì, huống chi đối với quốc gia, chính quyền. Cũng không thể trách nhãn quan của họ nhỏ hẹp, thành phố này như một cỗ máy khổng lồ, chuyển động theo nguyên lý máy móc, chỉ có những bộ phận nhỏ bé của nó mới có máu có thịt, người nắm vững nó mới được nhờ, tránh rơi vào hư không trừu tượng. Bởi thế, người dân Thượng Hải muốn làm người ở những nơi bé nhỏ. Với chính trị, đều đứng ngoài. Có ai đó nói với họ, Đảng cộng sản là chính phủ của nhân dân thì họ cũng tỏ ra kính nhi viễn chi, tỏ ra tự ti khiêm tốn, cũng có chút tự cao tự đại vô lối, nghĩ mình là chủ nhân chân chính của thành phố. Kỳ Dao và Trình tự cảm thấy mình không cùng tầng lớp với Lệ Lợi, không lý gì để gặp mặt, bởi sự ràng buộc của chuyện cũ, mới nảy sinh ý nghĩ không an phận mình.

Kỳ Dao gặp lại Trình là gặp lại chuyện cũ. Nàng nhớ chuyện ngày xưa, nhìn lại những gì đã trải qua, trở về với quá khứ, cảm giác như trong mơ. Nàng nghĩ, ai biết đâu là quá khứ, đâu là hiện tại? Càng ngày Kỳ Dao càng thấy nặng nề, đôi chân phù thũng, không muốn cất nhắc tay chân, suốt ngày chỉ ngồi, tâm thần thảng thốt, tay đan quần len trẻ con. Len tháo từ cái áo cũ của mình, đứt nhiều, vừa nối vừa đan nên đan rất chậm. Trình thì bận bịu luôn tay, mãi đến tận tám giờ sau bữa cơm tối mới đỡ, lúc này Vương Kỳ Dao mắt nhắm mắt mở, nói chuyện thì đây một câu, kia một câu. Trình cũng rất mệt. Hai người ngồi hai đầu sofa ngủ gật cho đến khi cảm thấy lạnh. Trình giật mình tỉnh giấc, Kỳ Dao vẫn không nhúc nhích. Trình đi chuẩn bị giường chiếu, bế nàng vào, lúc này nàng mới cởi áo, chui vào chăn. Như thường lệ, Trình kiểm tra khắp lượt cửa ngõ, tắt đèn, nhẹ nhàng đóng cửa và ra về.

Trong khi hai người vẫn chưa quyết định có đi thăm Lệ Lợi không, thì bất ngờ Lệ Lợi tìm đến nhà Trình. Thời gian này, ngoại trừ những lúc ngủ, hầu như Trình không ở nhà bao giờ, cũng không biết Lệ Lợi đến tìm bao nhiêu lần, cuối cùng cũng bắt được anh trong thang máy. Lệ Lợi lên gác, không gặp, đang chờ để xuống, bất ngờ Trình từ trong thang máy bước ra. Hai người nhìn nhau, vừa quen vừa lạ, cùng thay đổi, nhưng lại như không thay đổi, tất yếu phải thế. Lệ Lợi mặc đồ đại cán, quần ka-ki, đầu gối phồng to, ống quần ngắn ngủn. Chân đi giày da phủ một lớp bụi dày, kính cũng phủ bụi, hình như cận thị nặng hơn, kính xoáy vòng xoáy vòng, nơi tận cùng là hai con mắt, ánh sáng đôi mắt cũng như xoáy sâu vào trong. Trình nói:

- May quá!

- May thế nào, anh may chứ đâu phải em may.

Trình bị Lệ Lợi giội nước lạnh, không biết nói gì hơn. Lệ Lợi nói:

- Sáng đến không gặp, tối đến không gặp, trưa đến cũng không gặp!

Miệng Trình nói xin lỗi, bụng lại biện bạch: gặp đây rồi thôi? Anh mở cửa mời Lệ Lợi vào nhà. Trưa chủ nhật, để Kỳ Dao nghỉ, anh định đi tắm, phải về nhà lấy áo quần, không ngờ gặp Lệ Lợi. Lệ Lợi vào nhà, đứng dưới ánh nắng đang cuốn bụi, mặt không nét cười, ánh mắt tỏ vẻ bực dọc. Trình hơi hồi hộp, tim đập mạnh, có phần lúng túng, muốn tìm chuyện gì đó, nhưng anh lại nói:

- Lệ Lợi tìm tôi có việc gì thế?

Lệ Lợi càng bực hơn:

- Không có việc gì không tìm được à?

Trình đỏ mặt, cười gượng, đi pha trà mời khách, nhưng bình nước nóng trống không, cốc thủy tinh đầy bụi, nắp hộp trà gỉ đen, mở mãi không ra. Lệ Lợi theo anh vào bếp, nhìn anh đang vội vàng đun nước, rửa cốc chén, nói: “Như ổ gà” rồi quay ra. Trình xong việc, đi ra thấy Lệ Lợi đứng ngẩn ngơ. Ri-đô phòng chụp ảnh được kéo kín, đèn chụp, kệ ngồi và phông cảnh được xếp vào một góc, căn phòng càng trống trải hơn. Trình nhìn Lệ Lợi từ phía sau, không dám làm Lệ Lợi giật mình, anh lại nhẹ nhàng vào bếp, đứng trông ấm nước đang đun. Thời gian như ngừng trôi, chỉ có tiếng nước trong ấm đang reo, cuối cùng đội cả nắp ấm lên. 

Trình pha xong trà rồi đi ra, thấy Lệ Lợi đang đi đi lại lại trong phòng, hai tay chắp ra phía sau, bước đi rất giống đàn ông. Trình đặt trà lên cái bàn tròn ọp ẹp dùng làm cảnh khi chụp ảnh, mỗi người ngồi một phía. Trình nói:

- Anh ấy khoẻ không?

Lệ Lợi cau mày, hỏi lại:

- Ai? Anh Trương ấy à?

Trình biết chồng Lệ Lợi tên là Trương, nhưng không dám hỏi lại, quay sang hỏi thăm đám con Lệ Lợi. Lệ Lợi cũng cau mày, nói:

- Chúng nó đánh nhau suốt ngày, có gì hay đâu!

Trình muốn hỏi về công việc của Lệ Lợi, lại thấy không nên, đành im lặng, không có chuyện gì để nói nữa. Anh không nói chuyện, Lệ Lợi cũng không bằng lòng, nói bao nhiêu năm nay mới gặp lại, lẽ nào chẳng có gì dể hỏi thăm nhau hay sao? Nghe nói vậy Trình biết khó mà giải thích được gì hơn, nhưng rồi bất chấp tất cả, cười nói:

- Lệ Lợi hỏi đi, tôi trả lời, tôi hỏi gì cũng vô duyên!

Lệ Lợi nói với giọng gắt gỏng:

- Ai bảo anh vô duyên?

Nhưng nét mặt dịu xuống, gắt gỏng cũng chỉ cố làm ra thế thôi. Trình càng không hỏi, chỉ trả lời, Lệ Lợi chẳng còn cách nào khác, không dồn ép anh nữa, chỉ cúi xuống uống nước. Tiếng còi tàu thủy từ ngoài cửa sổ lảnh lót vọng vào. Căn phòng yên tĩnh trở nên ấm cúng. Con người này muốn vươn lên, nhưng lại giống như muốn lùi lại, càng ngày càng dễ nói chuyện, không suy tính thiệt hơn. Lệ Lợi nói với Trình:

- Anh vẫn như xưa, vẫn ở chỗ cũ?

Trình tỏ ra ngượng, cúi đầu, nói:

- Tôi có tìm kiếm, theo đuổi gì đâu!

Lệ Lợi cười nhạt:

- Anh mà không theo đuổi, tìm kiếm gì? Có chứ!

Trình không trả lời. Im lặng một lát, Lệ Lợi hỏi:

- Kỳ Dao bây giờ ở đâu?

Trình ngạc nhiên, hỏi:

- Lệ Lợi muốn tìm Kỳ Dao à?

Lệ Lợi sốt ruột, hỏi lại:

- Anh có biết ở đâu không? Không biết thì thôi!

Trình vội vàng nói biết. Lệ Lợi dứng dậy, hỏi: “ở đâu” tưởng chừng phải đi tìm ngay tức thì. Trình cũng đứng dậy nói:

- Tôi đến chỗ Kỳ Dao bây giờ đây, cùng đi nhé! Mấy hôm nay bọn mình bàn với nhau sẽ đến thăm Lệ Lợi.

Anh hoạt bát hẳn lên, quên bẵng chuyện lấy quần áo đi tắm, nói xong đi ngay ra cửa, ra đến cửa quay lại thấy Lệ Lợi vẫn đứng ở chỗ cũ, nhìn anh. Hai người đứng cách xa nhau nhưng Trình vẫn nhìn rõ ánh mắt long lanh của Lệ Lợi. Anh có cảm tưởng như trở về với quá khứ, khi cả hai còn trẻ. Hai người nhìn nhau, cùng hiểu sẽ không bao giờ quên, thế rồi cùng đi.

Lệ Lợi đang viết đơn xin vào đảng, cần có người làm chứng về quãng thời gian còn đi học, liền nghĩ ngay đến Kỳ Dao. Với Lệ Lợi, đó là sự việc đã xa lắm rồi, nghĩ lại cũng ngờ ngợ, tất cả như bịa đặt, không thật. Hơn mười năm nay Lệ Lợi sống một cuộc sống khác hẳn. Lệ Lợi lấy cái hăng say của mình để tiếp nhận cái không thể chịu đựng nổi của cuộc sống. Sự phóng túng tùy tiện ngày trước, nay bản thân phải được kiểm điểm. Tính tích cực của Lệ Lợi khiến những người trên, người dưới, người bên phải, người bên trái đều cảm thấy không thể theo kịp. Bất cứ việc gì Lệ Lợi cũng tỏ ra xuất chúng. Lệ Lợi tự biết mình lạc hậu, phản động, thế là mọi hành vi làm người đều ngược lại ý nguyện, việc càng không thích càng phải làm. Ví như chuyện hôn nhân với chồng là Trương, hay như vào xưởng sợi Dương Thụ Bồ. Lệ Lợi ngày càng thay đổi không còn là mình nữa, có gì đó như diễn kịch, nhưng lấy toàn bộ cuộc sống để làm tình tiết của vở kịch. Việc Lệ Lợi vào đảng làm tổ chức đảng đau đầu, dĩ nhiên Lệ Lợi rất cách mạng, nhưng cách mạng không phải theo cách đó. Cứ độ nửa năm Lệ Lợi lại viết một bản báo cáo gửi tổ chức, đào bới tận tim phổi, câu chữ cũng khá gay gắt, tuy là cho tổ chức, nhưng nghe ra cũng thật rùng mình. Năm 1960, bệnh cuồng nhiệt ấy lây lan ghê gớm, nói chung ai cũng có “cái mũ tiểu tư sản” thật ra khó mà nói là giai cấp nào, mỗi người đều có bệnh riêng, ngay như chính mình cũng không biết.

Từ nhà ra, Lệ Lợi và Trình cùng đi tàu điện, dọc đường không ai nói với ai câu nào, chỉ ngồi nghe tiếng leng keng của tàu điện. Trong cuộc sống thiên biến vạn hoá,  tiếng leng keng của tàu điện vẫn nguyên bản, vượt lên thời gian và không gian. Đường ray chạy dọc phố cũng là đường hầm xuyên thời gian, qua bao nhiêu chặng cũng không đổi thay cội nguồn. Nắng ba giờ chiều rất quen, không thể nói là quá khứ, hiện tại hay tương lai, vạn năm vẫn thế nói chi đến đời người mấy chục năm. Xuống tàu, đi qua hai dãy phố là đến hẻm Bình An. ánh nắng và âm thanh trong hẻm Bình An vỡ vụn, như mảnh thừa của thế giới, đây một tý kia một tý, nhập lại trở nên hỗn loạn. Hai người đi vào ngõ, vẫn im lặng. Trên đầu họ một vài cửa kính va chạm lách cách, áo quần mới giặt phơi trên kia cũng đang nhỏ nước xuống cổ. Họ đi cửa sau, Trình tìm chìa khoá trong túi. Lệ Lợi nhìn cái chìa khoá, mắt long lanh, khi Trình phát hiện, Lệ Lợi vội nhìn đi chỗ khác. Trình có phần bối rối, định giải thích thì Lệ Lợi vượt lên, vào nhà trước. Kỳ Dao đã dậy, nhưng vẫn nằm nghỉ ngơi trong chăn. Căn phòng buông rèm, hơi tối, nàng không nhận ngay ra Lệ Lợi, đến khi nhận ra thì Lệ Lợi đã đứng trước mặt, cúi nhìn Kỳ Dao. Hai người, mặt đối mặt, không chớp mắt. Tuy chỉ một giây, nhưng thời gian hơn chục năm nhanh chóng trở lại, lòng người phiêu diêu, ánh sáng và âm thanh nhanh chóng qua đi. Kỳ Dao ngồi dậy, gọi “Lợi!” Lệ Lợi nhìn ngay xuống bụng Kỳ Dao, lạnh lùng giây lát. Kỳ Dao thu người lại theo bản năng, nhưng lại như lạy ông tôi ở bụi này. Lệ Lợi đỏ mặt, lùi lại vài bước, ngồi xuống sa-lông, mặt quay ra ngoài, không nói gì. Ba người trong căn phòng,  đã chia tay gượng gạo, nay gặp lại cũng gượng gạo, như món nợ chưa trả. ánh sáng trên rèm cửa sổ sáng hơn, tiếng ồn dưới kia nhiều hơn. Lệ Lợi nói phải về, hai người kia không dám giữ, bởi ngượng, sợ có gì đó không phải với nhau. Trình tiễn Lệ Lợi xuống gác rồi quay lại, hai người tránh ánh mắt của nhau, biết Lệ Lợi đã hiểu nhầm, nhưng sự hiểu nhầm làm họ thầm vui.

Buổi tối, trước cái bàn vuông, mỗi người ngồi một bên bóc hạt hồ đào, nghe hát từ đài thu thanh nhà bên vọng sang, câu được câu mất, lòng yên tĩnh. Thật ra,  hai người đã nghĩ kỹ, trong cuộc đời này chẳng cầu mong gì hơn, cứ như thế này là đủ lắm rồi, tuy không hẳn vừa ý, nhưng được đâu hay đấy, được tý nào hay tý ấy. Hai người, một đập vỏ, một bóc nhân, những hạt nguyên thì để lại, hạt vỡ cho vào miệng. Khác với mọi ngày, Kỳ Dao đi ngủ sớm, lưng cũng đỡ mỏi, Trình kê thêm cái gối cho Kỳ Dao dựa, hỏi:

- Khoảng nào thì em sinh nhỉ?

Kỳ Dao bấm đốt ngón tay, chừng mươi hôm nữa. Trình tỏ ra lo lắng,  Kỳ Dao an ủi anh, không có gì tự nhiên hơn sinh con, cứ nhìn người ta ngoài phố kia thì biết. Trình nói, chẳng sợ gì, chỉ sợ khi sinh không có ai ở bên cạnh, không có người đưa đi bệnh viện. Kỳ Dao nói:

- Việc không thể trong chốc lát, trở dạ cũng phải một ngày, nửa ngày.

Nghe Kỳ Dao nói vậy, Trình im lặng, cũng yên tâm hơn, lát sau lại hỏi:

- Không biết con trai hay gái nhỉ?

- Mong là con trai.

- Tại sao?

- Làm thân con gái không được là chính mình!

Hai người cùng im lặng. Lần đầu tiên họ nói đến đứa con sắp ra đời, câu chuyện thuộc khu vực cấm, cả hai cùng thận trọng né tránh. Bây giờ nói ra như vượt được trở ngại lớn, tình và nghĩa giao hoà sâu sắc, cả hai gần nhau hơn. Bóc xong hồ đào đã mười giờ, Kỳ Dao để Trình về, chờ cho anh xuống gác, nghe tiếng cửa sau đóng lại mới đi xem xét cửa ngõ, đánh răng, rửa mặt đi ngủ.    

            

Hết chương 7. Mời các bạn đón đọc chương 8!

Nguồn: truyen8.mobi/t35377-truong-han-ca-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận