14 Sinh con
Hôm ấy, hết giờ làm việc, Trình đến, thấy mặt Kỳ Dao tái nhợt, đứng ngồi không yên, lúc nằm xuống, lúc lại đứng dậy, chiếc ly thủy tinh rơi xuống sàn nhà vỡ tan tành cũng không quét dọn. Trình vội vàng đi gọi xích lô, dìu Kỳ Dao xuống đi bệnh viện. Đến bệnh viện đỡ đau hơn. Trình đi mua thức ăn cho bữa tối. Anh trở lại bệnh viện thì Kỳ Dao đã vào phòng đẻ, tám giờ thì sinh, con gái, tóc đen nhánh, tay chân rất dài. Trình không thể không nghĩ: con ai nhỉ? Ba ngày sau, Trình đón mẹ con ra viện, khi vào hẻm, tất nhiên gợi nhiều ánh mắt tò mò. Trước đó một hôm, Trình đón bà mẹ Kỳ Dao đến, sắp xếp chỗ nằm trên sofa và chuẩn bị dụng cụ giặt rũ. Dọc đường, mẹ Kỳ Dao không nói năng gì, thấy Trình bận bịu, bỗng bà nói với anh:
- Giá như cậu Trình là bố đứa bé nhỉ!
Tay Trình đang cầm cái gì đó bỗng run lên, anh muốn nói, nhưng nghẹn lại, không biết nên nói gì, chỉ vờ như không nghe thấy. Kỳ Dao về nhà, mẹ đã hầm sẵn gà với táo, long nhãn, bà lẳng lặng bưng lên cho con gái, cũng không nhìn đứa bé, coi như không có. Lát sau, có người đến thăm, đều là người trong hẻm, bình thường gặp nhau chỉ gật đầu chào, không bao giờ đến nhà, thật ra do hiếu kỳ mà đến. Nhìn đứa bé, ai cũng bảo giống Kỳ Dao, nhưng trong lòng lại phỏng đoán xem nửa kia là con ai. Trình vào bếp lấy nước nóng pha trà mời khách, thấy bà mẹ Kỳ Dao đang đứng trước cửa sổ đầy bụi bẩn, lặng lẽ lau nước mắt. Trước kia Trình vẫn cảm thấy mẹ Kỳ Dao là người coi trọng tiền tài, chức tước, không thèm để mắt đến anh, anh đứng dưới nhà gọi Kỳ Dao, bà không mở cửa, bảo chị giúp việc thò đầu ra trả lời. Vào lúc này, anh nhận ra lòng bà gần với anh, thậm chí còn hiểu và đồng cảm hơn cả Kỳ Dao. Anh đứng ngay sau lưng bà, ngập ngừng giây lát, rồi nói:
- Bác, bác cứ yên tâm, cháu sẽ chăm sóc Dao!
Nói xong, anh thấy mình cũng đang rơi lệ, vội vàng bưng ấm nước lên nhà.
Hôm sau, bà Nghiêm đến thăm. Đã lâu lắm bà không đến, nghe chị Trương, người giúp việc nói Kỳ Dao có tin vui, mang bầu ra vào hẻm, không sợ ai cười. Cùng thời gian ấy, Khang Minh Tốn và Xasa đều không thấy đâu, một người đóng cửa ở nhà, một người cao chạy xa bay, nhưng giữa đường tóm được Trình, mỗi ngày ba lần đến. Tuy bà Nghiêm không biết đã xảy ra chuyện gì, nhưng tự coi mình là người rất hiểu Kỳ Dao, không lấy gì làm lạ, nhưng Trình lại tạo cho bà ấn tượng kỳ lạ. Bà thấy bộ đồ Tây cũ của anh được may bằng loại hàng tốt, phong thái của anh rõ ràng là người theo cách xưa. Bà phỏng đoán anh là con một ông chủ nào đấy, ngày trước quen biết Kỳ Dao ở một sàn nhảy, từ con người anh gợi nên nhiều tưởng tượng. Một vài lần bà đã gặp anh trong hẻm, tay cầm gói đậu phụ rán hay thứ gì đó, tất tưởi vội vã, sợ những thứ trong tay nguội, dầu mỡ thấm ra ngoài lớp giấy gói như sắp chảy xuống đất. Bà Nghiêm rất cảm động, thấy anh là con người giang hồ tứ xứ nhưng chẳng quên bạn bè, thậm chí ghen với Kỳ Dao. Nghe Kỳ Dao sinh con, bà động lòng trắc ẩn, cảm thông với nỗi khổ của đàn bà con gái mới quyết định sang thăm. Mẹ Kỳ Dao thấy bà Nghiêm không cùng thân phận nên cũng được an ủi phần nào, mặt cũng tươi lên, pha trà cùng ngồi nói chuyện với bà. Trình đi làm, ở nhà chỉ còn ba người toàn đàn bà con gái, than thở nỗi khổ khi sinh nở. Kỳ Dao chỉ biết nghe, không biết nói gì, bởi chửa đẻ không đường đường chính chính, nên chẳng dám ca thán gì với mẹ. Bà Nghiêm với bà mẹ Vương Kỳ Dao càng nói chuyện càng nhiệt tình, tuy chuyện của nhiều năm trước nhưng không quên tị nào. Nhắc đến chuyện sinh Kỳ Dao gian nan vất vả, bà chợt động lòng, mắt đỏ lên, vội đi vào bếp bảo có việc. Còn hai người, không ai nói với ai. Cháu bé bú no, ngủ yên, trong ánh nến không nhìn rõ người. Kỳ Dao cúi đầu, khơi móng tay, chợt ngước lên, cười. Cái cười lẫn chút buồn, bất giác bà Nghiêm cảm thấy chua xót. Kỳ Dao nói:
- Cô Nghiêm, cảm ơn cô không ghét bỏ, còn đến thăm cháu!
- Cháu đừng nói thế, có ai ghét bỏ cháu đâu! Mấy hôm nữa cô sẽ bảo cậu Tốn đến thăm cháu.
Nghe nhắc đến cái tên ấy, Kỳ Dao quay lưng lại phía bà Nghiêm, lát sau mới nói:
- Vâng! Lâu lắm cháu cũng không gặp anh Tốn.
Bà Nghiêm đoán già đoán non, không dám nói ra,
- Xem ra cậu ấy tốt với cháu như thế, hai người không còn trẻ nữa, tại sao không cưới nhau?
Nghe thấy thế, Kỳ Dao lại cười, ngước nhìn bà Nghiêm, nói:
- Cô ơi, người như cháu còn nói gì đến chuyện cưới xin nữa?
Quả nhiên, hôm sau Minh Tốn đến. Tuy có chuẩn bị, nhưng vẫn bất ngờ. Hai người gặp nhau, đều lặng đi, không nói nên lời. Bà mẹ Kỳ Dao biết ý, thấy thế liền lánh đi nơi khác, dập mạnh cửa, không đành lòng. Hai người không nghe thấy gì, từ khi chia tay đây là lần đầu gặp lại, giữa là khoảng cách mười vạn tám nghìn năm. Cả hai có không biết bao nhiêu gi c mơ, không giống người trong mơ, thà không gặp nhau trong mơ. Kỳ thực, đều đã quyết định không nghĩ ngợi gì, cũng thật không nghĩ ngợi, nhưng gặp mặt mới phát hiện ra chưa bao giờ xa nhau. Sau một hồi im lặng, Minh Tốn đến bên giường nhìn đứa bé. Kỳ Dao không cho xem, Minh Tốn hỏi tại sao. Nàng nói:
- Không cho xem là không cho xem, thế thôi!
Anh hỏi lại tại sao. Nàng trả lời:
- Đâu phải con anh!
Hai người lại im lặng, Anh hỏi:
- Không phải con anh thì con ai?
- Con Xasa.
Nói xong, cả hai cùng khóc. Bao nhiêu chua xót hồi ấy không nhận biết thì giờ này dâng trào, phải cùng chịu đựng, Minh Tốn nói:
- Xin lỗi, xin lỗi Dao!
Anh biết rằng có nói xin lỗi vạn lần thì cũng không thể nào bù đắp nổi, nhưng không nói xin lỗi thì nói gì? Kỳ Dao chỉ lắc đầu, cũng biết không cần xin lỗi như thế, mà cũng chẳng cần gì hết. Nàng thôi khóc trước, lau nước mắt, nói:
- Đúng là con của Xasa!
Nghe nói thế, Minh Tốn cũng thôi không khóc nữa, anh ngồi xuống ghế, cả hai cùng không nói đến chuyện đứa bé, xem như không có nó. Kỳ Dao để anh tự pha trà, hỏi anh gần đây làm gì, có đánh bài nữa không, có tin gì về phân công công tác? Anh nói, mấy tháng gần đây chỉ làm một việc: đi xếp hàng. Buổi sáng chín giờ, đến cửa hàng ăn Trung Quốc xếp hàng chờ ăn cơm, buổi chiều bốn giờ đến cửa hàng ăn âu xếp hàng chờ ăn, có lúc xếp hàng chờ uống cà-phê hoặc xếp hàng chờ ăn cơm thịt muối. Chỉ một mình anh xếp hàng, sau đó cả nhà mới đến. Nói là đói, nhưng ăn suốt từ sáng đến tối. Kỳ Dao nhìn anh, nói:
- Ăn đến bạc cả đầu.
- Không phải bạc đầu vì ăn, bởi nghĩ đến một người mới thế đấy!
Nàng lườm anh, nói:
- Nào ai đã nói sao!
Không khí của ngày qua dường như đã trở lại, chỉ thêm một con người bé nhỏ nằm ở giường kia. Chim sẻ đang mổ gì đó trên bậu cửa sổ, có tiếng bịch bịch của ai đang đập chăn phơi.
Trình về vừa lúc Minh Tốn đi, hai người chạm vai nhau ở cầu thang, nhìn nhau, không để lại ấn tượng nào. Anh vào nhà mới nghe Kỳ Dao nói đó là cậu em họ bà Nghiêm ở cùng hẻm, trước đây vẫn sang chơi. Trình bảo, sắp ăn cơm rồi sao còn để khách về. Nàng nói, có thức ăn gì đâu mà mời khách. Bà mẹ Kỳ Dao thì không nói gì, vẻ mặt khó chịu, Trình tỏ ra ân cần hơn mọi ngày. Anh biết, bà không vui không phải vì mình, nhưng không biết vì ai. Cơm xong, như thường lệ, anh chơi với đứa bé một lúc, xem nàng cho con bú, đứa bé cho nắm tay bé xíu vào miệng rồi ngủ say, anh mới ra về. Lúc này khoảng tám giờ, đường phố người qua kẻ lại, đèn sáng chưng, rực rỡ. Anh không đi tàu điện, trên người khoác áo măng-tô mùa thu, thả bước qua các phố. Đêm nay, anh như cảm nhận hương thơm quen thuộc. ánh đèn thân thiết in sâu vào lòng. Trình đang trong tâm trạng thanh thản, cất được gánh nặng của nhiều ngày nay. Mẹ con nàng bình yên, anh không còn lo lắng gì, rất bằng lòng với đứa bé. Thậm chí anh có niềm hứng thú kỳ lạ, tưởng đâu không phải đứa trẻ mới sinh, mà chính là anh. Rạp chiếu bóng đang chiếu buổi thứ tư, tạo nên bầu không khí vui vẻ. Thành phố này ngủ muộn, tinh thần và sức lực không giảm so với các năm trước. Trụ đèn ba màu trước hiệu cắt tóc vẫn xoay tròn, cũng là trái tim không nghỉ của đêm. Mùi cà-phê Brazil ngào ngạt trước cửa nhà ông Đại Xương càng làm thời gian trôi ngược. Buổi tối náo nhiệt quá! Thèm muốn và thoả mãn sôi động khắp nơi, dẫu nói là qua loa xong chuyện, nhưng vẫn gắng nghiêm túc, không có gì trống rỗng. Mắt Trình như ướt nước, trái tim rung động diệu kỳ là điều từ lâu rồi chưa một lần trải nghiệm.
Lần sau Minh Tốn đến, mẹ Kỳ Dao không tránh vào bếp nữa, bà ngồi ở sofa xem tập truyện tranh Hồng lâu mộng. Hai người không khỏi lúng túng, chỉ nói chuyện thời tiết. Đứa bé thức giấc khóc, nàng bảo anh đưa giúp cái tã khô, không ngờ bà mẹ đứng dậy, cầm lấy cái tã trong tay Minh Tốn, nói:
- Đừng bảo cậu ấy làm những việc này!
Minh Tốn nói không sao, anh cũng đang rỗi việc. Kỳ Dao bảo để anh ấy làm cũng được. Bà mẹ sa sầm nét mặt, nói:
- Con có hiểu phép tắc không, cậu ấy là con trai, làm sao mó vào những thứ dơ bẩn này được! Người ta là khách, xem trọng con, cứ tưởng mình được hưởng phúc phận, lên mặt, thế là không biết điều.
Bị mẹ mắng, có ý dạy dỗ, Kỳ Dao bực lắm, không chịu nổi, bật khóc. Thấy Kỳ Dao khóc, bà càng bực hơn, ném cái tã vào mặt Kỳ Dao, mắng tiếp:
- Nói thế mà vẫn không biết thân, cho nên thân tự làm khổ đời, cái “khổ” này tự mình gây ra chứ ai làm! Tự đi xuống hố liệu còn ai lôi lên được!
Nói xong bà cũng khóc. Minh Tốn ngơ ngác, không hiểu vì sao lại thế, đành phải khuyên giải:
- Thôi bác ạ, chị Dao cũng thật thà ...
Bà mẹ bật cười, quay lại nói với anh:
- Cậu cũng hiểu đấy, cô Dao nhà tôi là người thật thà, đành phải thật thà, nếu không thì sao? thì phải như thế nào?
Lúc này Minh Tốn mới hiểu ra, những câu nói đó là nói anh, bất giác lùi lại vài bước, miệng lắp bắp gì đó. Đứa bé không được ai trông, nó khóc to. Bốn người trong phòng thì ba người khóc, thật rối như canh hẹ. Minh Tốn phải nói:
- Bác ạ, chị Dao mới sinh chưa đầy tháng, không nên có điều gì buồn phiền.
Bà mẹ Kỳ Dao cười nhạt:
- Thì ra cô Dao nhà tôi sinh con chưa đầy tháng, vậy mà tôi không biết, nhà chẳng có đàn ông, làm sao mà chăm sóc, bồi bổ, cậu thử nói tôi xem phải làm thế nào?
Kỳ Dao thôi không khóc nữa, thay tã cho con rồi cho nó bú, nói:
- Mẹ, mẹ nói con không hiểu phép tắc, chính mẹ cũng không hiểu phép tắc là gì đấy thôi! Trước mặt khách mà mẹ nói thế, cứ như có quan hệ gì với người ta, mẹ đang làm khổ con đấy! Mẹ cũng đan g làm khổ mẹ, tốt xấu gì thì con cũng là con của mẹ.
Bà mẹ ngớ ra, định nói thì Kỳ Dao nói trước:
- Người ta quý con mới đến thăm, con không nghĩ gì thì thôi, mẹ cũng đừng nên nghĩ ngợi làm gì, đời con những thứ khác không dám nói, con chỉ biết dựa vào mình, lần này phải phiền mẹ, sau này con sẽ đền ơn.
Kỳ Dao nói với mẹ nhưng cũng để Minh Tốn nghe, hai người lặng đi. Mẹ lau khô nước mắt, cười buồn, nói:
- Xem ra tôi đã quá lo, sắp đầy tháng rồi, tôi ở đây cũng bằng thừa.
Nói xong, bà đứng dậy thu dọn đồ đạc, hai người không dám khuyên ngăn, lặng lẽ nhìn bà, rồi bà đặt trước ngực đứa bé cái phong bao đỏ trong có hai trăm đồng và một cái vòng vàng.
Trình đến, thấy Kỳ Dao đã dậy, đang nấu cơm ở bếp. Anh hỏi mẹ đâu, nàng nói bố không được khoẻ, chỉ còn mấy hôm nữa là đầy tháng, nên bảo mẹ về. Thấy mắt Kỳ Dao sưng mọng như vừa khóc, nhưng Trình không dám hỏi. Tối hôm ấy vắng một người, tỏ ra buồn. Kỳ Dao ít nói, hỏi gì trả lời nấy, Trình cũng buồn lây, một mình ngồi đọc báo. Lát sau, trong phòng không động tĩnh, nghĩ rằng nàng đã ngủ, anh quay lại thấy nàng nằm gối đầu lên gối, mắt mở nhìn lên trần nhà, không hiểu đang nghĩ gì. Anh nhẹ nhàng đi tới, muốn hỏi, bỗng nàng giật mình, quay lại hỏi anh định làm gì. Mắt Kỳ Dao tỏ ra cảnh giác, khiến Trình cảm thấy mình là người xa lạ, liền quay ra ngồi đọc báo. Chợt ngoài hẻm có tiếng ồn ào, anh đẩy cửa sổ ra xem, thì ra nhà ai đó tóm được chú cáo trong chuồng gà, người kia đang giơ con cáo lên để kể tội, người đứng xem đông xem đỏ, thế rồi tất cả cùng theo vào trong hẻm. Trình đang định đóng cửa sổ thì ngửi thấy mùi hoa quế thoang thoảng, tuy chỉ thoang thoảng nhưng đủ thấm vào phổi. Anh nhìn mảnh trời vuông chật hẹp của hẻm Bình An, bầu trời xanh ngăn ngắt. Lòng anh vui lên, quay lại nhìn nàng, nói:
- Chờ cho con đầy tháng sẽ làm bữa cơm mừng nhé!
Nàng không đáp, lát sau mới cười, nói:
- Để làm gì?
Trình càng tích cực hơn:
- Trẻ đầy tháng là việc vui, phấn khởi.
Nàng hỏi lại:
- Vui gì? Phấn khởi gì?
Kỳ Dao vặn hỏi, Trình như bị giội nước lạnh, thấy thương nàng. Nàng trở mình, mặt quay vào tường, lát sau nói:
- Thôi, anh đừng nói chuyện đầy tháng nữa! Hôm ấy làm vài món, mua thêm chai rượu, mời bà Nghiêm với cậu em họ bà ấy sang ăn cơm xoàng, họ cũng tốt với em, vẫn thỉnh thoảng sang thăm em.
Vậy là Trình vui lên, tính xem làm món gì, nấu canh gì, Kỳ Dao thì bàn lùi, xoá mọi kế hoạch của anh để tính lại. Hai người bàn cãi ồn ào.
Chiều hôm ấy, Trình về sớm, mua thức ăn và đến nhà Kỳ Dao, hai người dỗ cho con ngủ rồi bận bịu nấu nướng, họ vừa làm vừa nói chuyện. Trình thấy Kỳ Dao vui, mình cũng vui lây, anh bày thức ăn nguội với nhiều màu sắc, củ cải đỏ còn được tỉa hoa. Kỳ Dao nói:
- Anh Trình không những biết chụp ảnh mà còn biết nấu nướng giỏi!
- Cái mà anh rất biết thì em chưa nói đến.
- Là gì nào?
- Công trình đường sắt.
- Ôi, em quên mất nghề chính của anh, chỉ biết đến nghề tay trái, nghề chính thì giấu biệt.
Trình cười, nói:
- Ai giấu đâu, chưa có dịp để nói ra thôi.
Hai người đang vui thì khách đến, bà Nghiêm cùng cậu em họ đều đem theo tặng phẩm. Bà Nghiêm tặng mấy lạng len cashmere, Minh Tốn tặng cái đỉnh vàng. Kỳ Dao nghĩ, tặng cái đỉnh vàng thì lớn quá, nhưng nói ra lại sợ bà Nghiêm cho là chê tặng phẩm của bà xoàng xỉnh, liền nhận để sau hãy nói. Mọi người lại nhìn đứa bé, khen nó xinh, rồi cùng ngồi vào bàn, bốn người vừa khéo bốn góc. Đây là lần đầu Trình gặp hai người này. Bà Nghiêm thì đã gặp anh, nhưng anh không biết bà; còn Khang Minh Tốn hôm nọ gặp ở cầu thang, nhưng chẳng ai thấy rõ mặt ai. Bây giờ Kỳ Dao giới thiệu để mọi người làm quen. Bà Nghiêm đã có ấn tượng tốt với Trình rồi, nên bà tỏ ra rất nhiệt tình, gặp nhau là quen ngay. Tuy Trình bối rối, nhưng anh biết đó là ý tốt của Kỳ Dao, không lấy gì làm lạ. Nhưng Khang Minh Tốn lại tỏ ra lúng túng, im lặng, ăn cũng ít, chỉ nhấm nháp rượu màu hâm nóng. Chai rượu cạn nhanh chóng lại mở chai khác. Trình nói sẽ đi làm thêm thức ăn, đứng dậy nhưng vẫn loay hoay, Kỳ Dao bảo để mình làm, ấn anh ngồi xuống. Anh giơ tay, chạm vào mu bàn tay Kỳ Dao đang ấn vai anh, nàng rụt lại theo bản năng. Minh Tốn ngồi đối diện nhìn anh với ánh mắt lạnh lùng. Trình giật mình, hiểu ra. Kỳ Dao đưa thức ăn mới xào lên rồi ngồi vào chỗ của mình. Bà Nghiêm cũng đã ngà ngà, mặt nóng bừng, tim đập mạnh. Bà chạm ly với Trình, gọi anh là kẻ sĩ nhân nghĩa hiếm có ở đời, ngàn vạn lạng vàng khó mà được một người như anh, không dễ tìm đâu ra một người tri kỷ như thế. Bà nói hơi quá, nhưng là những lời mượn rượu, bình thường không thể nào nói ra được. Bà Nghiêm chạm ly với Trình xong còn giục Minh Tốn chạm ly với anh. Minh Tốn đành nâng ly nhưng không biết nói gì, thấy mọi người chờ, anh đâm ra lúng túng, nói những điều càng khách sáo hơn:
- Chúc anh Trình sớm kết nhân duyên.
Trình nhận tất cả, chỉ biết cảm ơn rồi hỏi Kỳ Dao có nói gì không. Kỳ Dao thấy mắt Trình không giống mọi khi, hơi dại, không biết vì uống rượu hay vì nguyên nhân nào khác, nàng tỏ ra lo lắng, nét mặt tươi cười, xoa dịu:
- Dĩ nhiên Dao phải là người chúc anh Trình trước tiên, như cô Nghiêm vừa nói, ngàn vạn lạng vàng khó tìm đâu ra một người tri kỷ như anh, nói tri kỷ thì ở đây không ai hiểu Dao hơn anh Trình, anh Trình cũng là người bạn tốt của Dao mỗi khi gặp khó khăn, Dao có ngàn vạn điều sai trái thì anh Trình vẫn sẵn sàng tha thứ, ơn nghĩa này Dao xin ghi lòng tạc dạ, suốt đời không thể nào đền đáp nổi.
Trình chỉ thấy Kỳ Dao nói đến ơn nghĩa mà chẳng nói gì đến “tình”, biết rẳng nàng đang mượn rượu để thổ lộ lòng mình, trong lòng vô cùng cảm kích pha chút buồn, nước mắt như sắp trào ra, anh chỉ cúi đầu, lát sau mới miễn cưỡng nói:
- Hôm nay không phải ngày đầy tháng của tôi, tại sao cứ nâng ly chúc mừng tôi thế nhỉ, phải chúc mừng Kỳ Dao chứ!
Thế là bà Nghiêm dẫn đầu chúc rượu Kỳ Dao. Có thể vừa rồi mọi người đã nói nhiều, lúc này không ai nói gì, chỉ đưa mắt nhìn nhau, tuy không nhìn thấy gì, nhưng đều gieo vào lòng hạt giống nghi ngờ. Rượu uống đã nhiều, Trình không nhớ đã tiễn khách như thế nào, cũng không biết đã rửa bát đĩa hay chưa, anh tỉnh lại thấy mình ngủ trên sofa nhà nàng, trên người đắp tấm chăn mỏng, mặt bàn vẫn còn bát đĩa và thức ăn, mùi rượu nồng nặc. ánh trăng rọi vào cửa sổ, chiếu lên mặt anh, mát như nước lạnh. Lòng anh cảm thấy bình yên, nhìn ánh trăng trên rèm cửa sổ, không nghĩ ngợi gì.
Chợt anh nghe có tiếng hỏi khe khẽ:
- Anh Trình muốn uống trà không?
Anh nhìn về phía có tiếng nói, Kỳ Dao nằm ở giường và cũng đã thức. Dưới ánh trăng không nhìn rõ mặt, chỉ thấy bóng. Trình thấy không có gì mất tự nhiên, chỉ thấy bốn bề tĩnh mịch, anh nói:
- Xấu hổ quá!
Nàng cười không thành tiếng, nói:
- Gục xuống bàn mà ngủ, ba người phải dìu anh lên sofa đấy.
- Uống nhiều, chỉ vì vui mà uống.
Yên lặng giây lát, nàng nói:
- Kỳ thực thì anh không vui.
Trình cười:
- Tại sao không vui? Anh vui thật đấy.
Hai người không nói gì nữa, ánh trăng xê dịch. Trình cảm thấy mình như đang nằm dưới nước. Lát sau, anh tưởng nàng đã ngủ, không ngờ lại gọi anh. Anh hỏi:
- Gì thế?
Ngừng một lát rồi nàng nói:
- Anh Trình có ngủ được không?
- Ngủ một giấc vừa rồi là đủ lắm.
- Anh không hiểu ý em.
- Anh hiểu chứ!
- Nhưng vẫn chưa hiểu ý em.
Trình cười:
- Tất nhiên là anh hiểu.
- Nếu hiểu, anh nói em nghe xem nào.
- Bảo anh nói thì anh nói: ý em bảo rằng, vào lúc này em với anh chỉ cách nhau một bước, nếu anh bước qua bước đó thì em, Vương Kỳ Dao sẽ không nói không.
Kỳ Dao thấy lạ là con người Trình tưởng như tượng gỗ lại hiểu người sâu sắc đến thế, nàng tỏ ra lúng túng, giải thích:
- Em biết mình không xứng với anh, cho nên đành chờ anh nói ra trước.
Trình cười, cảm thấy nhẹ nhõm, tưởng như bay bổng, nghe tiếng mình mà như nghe tiếng ai khác nói những lời hiểu mình. Anh nói:
- Bước ấy, anh phải chờ nửa cuộc đời, nhưng nói bước qua không phải là bước qua, chẳng phải chân trời vạn dặm đấy thôi? Rất nhiều việc cầu xin mà chẳng được!
ở đằng kia Kỳ Dao im lặng, bất kể nàng thức hay ngủ, anh vẫn thao thao bất tuyệt, tưởng đâu phải nói hết những điều dồn nén hơn chục năm nay. Anh nói, anh rất hiểu đạo lý ấy, đồng thời sẽ là người bạn biết mình biết người, cũng không có gì uổng phí cuộc đời; nhưng con người này cùng con người kia, như cổ nhân nói, “thuyền chèo ngược dòng, không tiến ắt phải lui”, nếu nói không có nguyện vọng tiến lên thì không thật lòng, một khi tiến mà không tiến được, đành phải lui. Ngừng một lát, bỗng anh hỏi:
- Có phải anh Tốn là bố cháu bé không?
Kỳ Dao cười thành tiếng, nói:
- Phải thì sao? Không phải thì sao?
Ngược lại, Trình tỏ ra lúng túng, nói:
- Chỉ hỏi thế thôi!
Hai người cùng trở mình, chỉ một chốc đã ngủ say, tiếng ngáy se sẽ.
Hôm sau, tan tầm Trình không đến chỗ Kỳ Dao mà đi tìm Lệ Lợi. Trước đó, anh đã gọi điện cho Lệ Lợi và hẹn gặp ở cầu Đề Lam. Trình đến thì đã thấy Lệ Lợi đứng chờ, chốc chốc lại nhìn đồng hồ. Rõ ràng Lệ Lợi đến đã lâu, trách Trình đến muộn. Trình không cãi lại, hai người tìm một nhà hàng ăn gần đó, vào ngồi và gọi thức ăn. Trình quay mặt đi, rồi gục đầu xuống bàn khóc, nước mắt chảy xuống mặt bàn được cọ sạch bằng xà phòng. Lệ Lợi đã hiểu phần nào, không khuyên giải, chỉ im lặng, mắt nhìn bức tường đối diện, tường quét vôi trắng, màu ảm đạm. Lúc này Trình chỉ biết trút hết nỗi buồn, không hề nghĩ đến tâm trạng người khác, cho dù một con người trung hậu như Trình, khi yêu vẫn ích kỷ cực đoan, cực kỳ không công bằng. Trước mặt người anh yêu tỏ ra rất thận trọng, nhưng khi đến trước người yêu anh lại chẳng chút ngại ngùng, xem như không có ai, giống như đứa trẻ nũng nịu. Vì thế, Trình mới tìm Lệ Lợi.
Lệ Lợi trầm mặc hồi lâu, quay lại thấy anh vẫn khóc, cười chế nhạo:
- Thế nào, thất tình rồi à?
Trình thôi không khóc nữa, ngồi im không nói gì. Lệ Lợi muốn chọc nữa, nhưng lại thấy anh đáng thương, liền đổi giọng:
- ở đời, những gì càng mong càng không được, không mong thì lại được.
Trình nói nhỏ:
- Nếu không mong mà không được thì sao?
Nghe thấy thế, Lệ Lợi nổi nóng, nói to:
- Con gái chết hết rồi sao? Nếu không, Tưởng Lệ Lợi còn sống đây này!
Trình biết mình sai, cúi đầu im lặng, Lệ Lợi cũng không nói gì nữa. Hai người băng giá một lúc, Trình nói:
- Tôi có chút việc muốn nhờ Lợi, nhưng không hiểu tại sao lại khóc, thật xấu hổ!
Nghe nói vậy, Lệ Lợi không nóng nữa, hỏi anh có việc gì. Trình nói:
- Nghĩ mãi, việc này chỉ nhờ Lợi, thật ra cũng không ổn lắm, nhưng không còn ai khác.
- Có gì mà ổn với không ổn, anh cứ nói đi!
- Nhờ Lệ L i từ nay về sau chăm sóc Kỳ Dao giùm, tôi không muốn đến đấy nữa.
Thấy Trình nhờ việc ấy, Lệ Lợi không biết nên giận hay nên bực, suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Đúng là con gái ở đời này chết hết cả rồi, ngay cả Lệ Lợi cũng đã chết!
Trình nén chịu những lời rỉa rói của Lệ Lợi, Lệ Lợi cũng thôi, không nói tiếp nữa.
Kỳ Dao chờ Trình, chờ mấy hôm không thấy, cuối cùng lại thấy Lệ Lợi đến. Lệ Lợi tan tầm, đi thẳng từ Dương Thụ Bồ đến, phải đổi mấy lần xe, đầu tóc rối bù, giày đầy bụi bẩn, giọng nói khản đặc. Tay xách túi đựng hoa quả, bánh, sữa, còn có cả tấm khăn trải giường đã cũ. Vừa vào đến nhà, Lệ Lợi đổ các thứ ra, Kỳ Dao không kịp ngăn lại, rồi Lệ Lợi xé tấm khăn trải giường thành một đống tã.
15 “Hạc vàng ai cưỡi đi đâu” (13)
Về sau, Kỳ Dao cũng đến chơi nhà Lệ Lợi. Lệ Lợi dọn khỏi khu làng mới, đến ở phường Hoài Hải, cách nhà Kỳ Dao chỉ hai bến xe. Hôm ấy là chủ nhật, Kỳ Dao dỗ cho con ngủ rồi đi trả tiền nước, tiền điện. Thấy đẹp trời, vả lại còn sớm, nàng thả bộ ngắm phố xá. Chợt có người gọi, thấy Lệ Lợi, tay cầm mảnh vải màu xanh đen, nói đi tìm hiệu may, may quần. Kỳ Dao cầm mảnh vải lên xem, thấy vải dệt bằng sợi nhân tạo, liền nói cần gì phải thợ may, mình có thể may được. Lệ Lợi nói:
- Thật sao? Vậy về nhà cậu nhé!
Hai người vừa đi được mấy bước thì Lệ Lợi dừng lại, nói:
- Tại sao lại về nhà cậu? Cậu chưa bao giờ đến nhà mình.
Thế là hai người quay lại, đi về phía phường Hoài Hải. Nhà Lệ Lợi ở ngay tầng một, hai gian lớn quay về phía nam, phía bắc thêm một gian nhỏ, trước nhà là một vườn hoa nhỏ, không trồng gì, chỉ có mấy cây sào phơi áo quần.
Tường quét vôi, trắng thì có trắng, nhưng loang lổ, tưởng đâu như chưa khô. Sàn nhà do Phòng nhà đất định kỳ đến đánh xi, trên sàn có những vệt nước, chỗ này một vệt, chỗ kia một vệt, như chưa khô hẳn. Cửa nhà mở rộng, phòng nọ thông với phòng kia, cầu thang ở ngay cửa, người qua kẻ lại rầm rập, khiến nhà như ở trong hẻm. Tuy thông thoáng nam bắc, nhưng vẫn có mùi hành tỏi. Đã là tháng mười, nhưng giường vẫn buông màn, đồ dùng giản đơn, cho nên nhà vẫn như nhà tập thể. Nhà có một bà vú, một chị giúp việc, cả hai người đang đứng ở cửa sau, bằng mặt không bằng lòng, thấy khách đến họ cùng theo vào nhà, mỗi người đứng một góc, nhìn khách. Hai đứa con lớn chừng bảy tám tuổi, nhìn bạn của mẹ bằng cặp mắt thăm dò, chụm đầu thì thầm, cười khúc khích, thế rồi cứ vào vào ra ra như có việc khẩn cấp. Chồng Lệ Lợi không có nhà, trên tường không treo một tấm ảnh nào, không rõ người ra sao. Nhà không có thước dây, Lệ Lợi bảo hai người giúp việc sang hàng xóm mượn, người nọ đùn đầy người kia, cuối cùng nói thác rằng hàng xóm cũng không có thước dây. Đành phải lấy một sợi dây để đo thay thước. Kỳ Dao ghi kích thước chiều cao, vòng bụng, vòng mông, rồi cẩn thận kẹp vào mảnh vải và ra về. Lệ Lợi tiễn Kỳ Dao ra cửa, hai chị giúp việc cùng ra theo. Từ đầu, Kỳ Dao vẫn không hiểu trời đất thế nào, vừa ra khỏi ngõ, bỗng phía sau có tiếng trẻ con gào to: “du côn”. Kỳ Dao quay lại thấy hai đứa con Lệ Lợi đang bỏ chạy, lòng những chán ngán, thất vọng.
Hai hôm sau, đúng hẹn, Lệ Lợi đến lấy quần. Kỳ Dao bảo mặc thử, trước sau phải trái đều đẹp, Lệ Lợi rất vừa ý. Kỳ Dao không hiểu, trời đã chuyển lạnh, tại sao Lệ Lợi còn may quần vải bông nhân tạo. Hai người còn ngồi nói chuyện một lúc. Cơm tối xong, cháu bé một mình chơi búp bê vải ở giường. Kỳ Dao đem ra một đĩa dưa và rót trà mời Lệ Lợi. Lệ Lợi lấy thuốc lá từ trong túi ra, lúc này Kỳ Dao mới biết ngón tay Lệ Lợi ám vàng là do khói thuốc. Kỳ Dao hỏi vì sao Lệ Lợi nghiện thuốc, Lệ Lợi hỏi lại Kỳ Dao có hút một điếu không, Kỳ Dao trả lời không, Lệ Lợi ép Kỳ Dao hút, hai người đẩy đi đẩy lại, cười như nắc nẻ, tưởng đâu trở về với thời học sinh. Cuối cùng, Kỳ Dao vẫn không hút, Lệ Lợi đành châm cho mình một điếu. Nhìn tư thế hút thuốc của bạn, Kỳ Dao nhớ và hỏi thăm mẹ Lệ Lợi. Lệ Lợi nói vẫn thế, vẫn khư khư ôm lấy cái xã hội cũ, tự mình làm khổ mình. Kỳ Dao lại hỏi đến cậu em trai, nhớ lại cậu thiếu niên đóng cửa buồng ở nhà không đi đâu, Kỳ Dao vẫn chưa thấy rõ mặt cậu ta. Lệ Lợi nói vẫn thế, nhưng đã tự kiếm ăn bằng nghề dạy học, đi làm bằng xe mô-tô, trông thật chướng mắt. Gia đình nhà Lệ Lợi ấy à, đúng là mùi long não trong đáy hòm của thời đại cũ! Kỳ Dao cảm thấy Lệ Lợi như đang nói mình, Kỳ Dao rất không tự nhiên, hỏi Lệ Lợi có ẩn ý: vào đảng mà nhờ một người như mình làm chứng liệu có đủ tín nhiệm không? Lệ Lợi phá lên cười, rồi giải thích cho Kỳ Dao biết về điều lệ của Đảng Cộng sản. Kỳ Dao nghe như vịt nghe sấm, chẳng hiểu gì, hỏi: vậy đã được duyệt chưa? Câu hỏi khiến Lệ Lợi buồn, nhưng rồi cười rộng lượng, cười vì Kỳ Dao không hiểu biết gì. Lệ Lợi kiên nhẫn giải thích: việc vào đảng là phải phấn đấu lâu dài, phải kiên trì không mệt mỏi và tin tưởng tuyệt đối, mang ý nghĩa lột xác để làm một người mới, không phải ai cho phép, Đảng Cộng sản không phải là Chúa cứu thế, mà tự mình cứu lấy mình, dựa vào lòng trung thành và nỗ lực của bản thân. Nghe những điều ấy, Kỳ Dao như chợt thấy một Lệ Lợi đang ngắm trăng ngâm thơ, nhưng thời ấy ngâm vịnh gió trăng, giờ thì xương đồng da sắt, sục sôi nhiệt huyết, nghe như tế lễ. Cả hai đều mang phong cách đóng kịch, khó mà tin tất cả. Nhưng ai nghi ngờ mặc ai, Lệ Lợi thì vẫn toàn tâm toàn ý. Kỳ Dao không còn gì để nói thêm.
Bây giờ, cứ mươi hôm, nửa tháng Lệ Lợi lại đến nhà Kỳ Dao đồng thời tự nhủ bởi có người nhờ. Điều ấy cũng chỉ đúng một nửa. Nửa khác là nỗi nhớ quá khứ, nỗi nhớ khiến Lệ Lợi quên rằng Kỳ Dao là tình địch. Nhưng đó không phải là tình cảm để Lệ Lợi có thể nhìn thẳng. Lệ Lợi là con người mới, cắt đứt với quá khứ. Bởi mâu thuẫn trong lòng, cho nên đến với Kỳ Dao lúc nào cũng tỏ ra bực bõ, tưởng đâ u như không tự nguyện, mà buộc phải đến. Có lúc đến không nói một lời nào, Kỳ Dao hỏi, trả lời rất miễn cưỡng. Nhiều lúc vui, Kỳ Dao đang nói chuyện thì Lệ Lợi đột nhiên trở nên nghiêm nghị, khiến người khác chột dạ, khó hiểu. Mỗi lần Lệ Lợi đến, Kỳ Dao đâm ra hồi hộp, vừa tìm chuyện để nói, vừa chuẩn bị chịu đựng những lời trách cứ, châm chọc, còn phải nhìn bộ mặt lạnh lùng của Lệ Lợi nữa chứ. Nhưng Kỳ Dao không ghét bỏ việc Lệ Lợi đến chơi, thậm chí có phần thích thú. Với Kỳ Dao, Lệ Lợi còn là dấu ấn của thời xưa, Kỳ Dao không có gì phải chống lại việc luyến tiếc quá khứ. Điều quan trọng và cũng là điều tế nhị là, trước mặt Lệ Lợi, nàng phải tỏ rõ tình của kẻ chiến thắng. Có thể nói Kỳ Dao đã thua đến cùng, nhưng so với Lệ Lợi thì vẫn có một việc không thua, đó là Trình. Với điều không thua này, dù có phải nhịn Lệ Lợi thì cũng chẳng thiệt. Bởi thế, thoạt nhìn tưởng đâu Kỳ Dao phải nịnh nọt, lấy lòng Lệ Lợi, nhưng bên trong Lệ Lợi phải nhường bước, vậy thì làm sao mà không bực mình được? Nói ra, Kỳ Dao là người chiến thắng đấy, nhưng rất đáng thương, chiến thắng không thu được một chút gì gọi là có để Lệ Lợi phải loá mắt. Hơn nữa, cũng không phải là toàn thắng, Lệ Lợi đã nhận là thua, nhường ưu thế cho Lệ Lợi thì có gì khó đâu? Hai người, một tiến một lui, có sự thông cảm sâu sắc, thậm chí còn quan tâm đến nhau mà cả hai cùng không biết.
Trong vẻ băng giá của Lệ Lợi cũng có nét dịu dàng, ấy là đối với con gái Kỳ Dao. Lệ Lợi có ba mặt con nhưng đều là trai, như bản sao của chồng, nói không sõi tiếng phổ thông, người thì lúc nào cũng đầy mùi hành tỏi và thối chân. Mọi cử chỉ của chúng rất vụng về, nói năng thô lỗ, bẩn thỉu nhếch nhác, không đánh nhau thì cũng cãi nhau. Lệ Lợi rất ghét chúng, lúc nào cũng phải quát mắng, chẳng có gì để nói với chúng. Lũ trẻ thì không sợ mà cũng không thích mẹ, chỉ quý bố. Cứ chập tối, đứa lớn dắt đứa bé, đứa bé theo đứa lớn, đứng ở đầu ngõ, nhìn trời tối dần, cho đến lúc bóng bố xuất hiện trong màn đêm, vậy là chúng ùa cả đến. Thế rồi đứa cõng, đứa bế, đứa dắt tay đi về. Lúc ấy Lệ Lợi đã ăn xong, nằm ở giường đọc báo, bố con có ồn ào náo loạn đến đâu cũng mặc. Bà mẹ chồng thì cứ nửa năm một lần ở quê ra, trông cháu, giúp làm việc nhà. Những lúc ấy Lệ Lợi càng trở thành người ngoài. Bà cụ thì hết sức hiếu khách, trong nhà lúc nào cũng đầy người lạ, có lúc là họ hàng thân thích ở quê ra chơi, có lúc là hàng xóm láng giềng. Lệ Lợi cứ ngang nhiên đi qua mặt họ, mọi người cũng quen đi, ba đứa trẻ giữa đám khách cũng coi như người qua đường. Lệ Lợi rất thích khi thấy con gái Kỳ Dao mặc bộ đồ áo liền quần màu vàng nhạt, dưới vành mũ là những sợi tóc mềm mại xoã xuống trán. Lệ Lợi đưa ngón tay xoa xoa cái cằm tròn xinh của đứa bé, trên khuôn mặt bé bỏng ấy nở một nụ cười tươi như hoa. Trẻ nhỏ có thể thức tỉnh những tình cảm dịu dàng và trong sáng giữa nhân thế rối ren trăm mối. Lệ Lợi là một mối trong mớ rối ren kia, có biết bao nhiêu mối không gỡ ra nổi. Con người không chết vì mệt mỏi, chỉ chết vì sự phiền muộn. Thế giới của trẻ thơ là thế giới giản đơn, khi chúng cười với mọi người, ấy là lúc thế giới mở toang cánh cửa. Lệ Lợi nhìn đứa bé, lòng vô cùng thanh thản. Nhưng tâm trạng rối bời khiến nét mặt Lệ Lợi căng thẳng và giận dữ, đứa trẻ tỏ ra sợ hãi, có lúc nó khóc thét lên. Lệ Lợi dỗ, càng dỗ nó càng khóc, Lệ Lợi không biết làm thế nào, thất vọng vô cùng.
Cho đến khi Lệ Lợi không còn cách nào Kỳ Dao mới đến giải vây. Trong vòng tay mẹ, đứa bé chỉ chốc lát là ngủ ngay. Kỳ Dao cười, nói:
- Cậu ba mặt con rồi mà chẳng biết dỗ trẻ.
- Ba con, nhưng đây là lần đầu tớ bế trẻ.
Kỳ Dao rất cảm động, nói:
- Cho nó làm con gái cậu nhé!
Lập tức Kỳ Dao biết mình lỡ lời, tỏ ra xem thường Lệ Lợi, vội nói thêm:
- Nó chẳng được cái diễm phúc ấy đâu!
Lệ Lợi không để ý, nói:
- Cứ như đạo Thiên chúa thì tớ có thể làm mẹ đỡ đầu của nó rồi đấy.
Kỳ Dao lại lỡ lời:
- Còn anh Trình sẽ là cha đỡ đầu.
Mặt Lệ Lợi đỏ bừng. Kỳ Dao nghĩ, Lệ Lợi sẽ nổi nóng, nhưng không. Mặt Lệ Lợi không đỏ nữa, chợt cười, như châm biếm nhưng pha lẫn buồn thương, nói:
- Anh Trình rất muốn làm bố nó!
Đến lượt Kỳ Dao đỏ mặt, hết đỏ mặt rồi mới nói:
- Được thế thì con tôi có phúc lắm!
Cả hai cùng im lặng, nhìn đứa bé. Bé vừa bú no, mắt lúc mở lúc nhắm, vô cùng yên tĩnh, biết bao nhiêu việc khó xử đã trở nên tự nhiên và dịu dàng trong ánh mắt yên bình kia. Một ngày chủ nhật đẹp trời của mùa xuân, Lệ Lợi kéo bằng được Trình đến chụp ảnh cho hai người và cháu bé. Mọi người đều có cảm giác ngược dòng thời gian, chỉ thêm đứa bé phá vỡ mọi ảo giác. Ba người lớn và một đứa bé đi trong công viên, ngắm cỏ hoa với tâm trạng thanh thản. Cỏ hoa rực rỡ dưới nắng vàng, mềm mại và thưa thớt như không đứng vững, được chăm nom cẩn thận, nhưng vẫn có vẻ gắng gượng vô vọng. Chỉ có đứa bé chập chững tập đi trên thảm cỏ khiến lòng người phấn chấn, những bước chân nhỏ bé kiêu hãnh che khuất những ngọn cỏ úa tàn. Lũ trẻ đuổi theo những đồ chơi trên thảm cỏ. Kỳ Dao cũng đặt con xuống, ba người cùng nhìn nó ngã rồi tự đứng dậy.
Minh Tốn vẫn thỉnh thoảng và không gián đoạn đến thăm Kỳ Dao. Chuyện đứa bé chừng như đã được giải quyết nên không có lý do gì để không đến. Tâm trạng yêu và không muốn sinh con, đau và không muốn sinh con trước kia đã phai nhạt. Nay hai người ngồi với nhau không còn quá xúc động, bởi có phần chú trọng hình thức, không thực chất, cũng bởi do thói quen, dẫu rằng có thời cùng chung chăn gối. Tóm lại, hai người trở thành người quen biết cũ, anh biết tôi, tôi biết anh, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Vì thế, khi Kỳ Dao nghe nói anh đang hẹn hò ai đó, trong lòng cũng không buồn cho lắm, cùng lắm cũng chỉ nói anh vài câu, thế thôi. Minh ff8 Tốn cũng thấy Kỳ Dao không thực sự và không để ý. Được tự do đi lại, anh không có gì phải vội vã bức bách, rất ung dung hành động. Tuy vẫn hẹn hò các kiểu, nhưng không bao giờ có những quan hệ rõ ràng, về sau những cuộc hẹn cũng thưa dần. Bây giờ thì hai người không còn nồng nhiệt sôi nổi, nhưng lại rất ổn định, thậm chí có thể gọi là vững chắc. Nếu như không có đứa trẻ ở giữa, Minh Tốn có thể đến nhiều hơn. Đứa bé làm hai người không tự nhiên, nó gợi lại rất nhiều hồi ức, khuấy động sự bình yên. Đứa bé biết nói, nó gọi anh là “cậu Mao Mao”, lối xưng hô làm anh giật mình. Anh nhìn ánh mắt đứa bé, tưởng như lúc nào nó cũng đuổi theo anh để đòi nợ, vừa sợ, vừa ghét. Kỳ Dao biết ý, nên mỗi bận anh đến, đều bảo con sang nhà hàng xóm hoặc ra ngõ chơi để tránh cho sự lúng túng kia. Lệ Lợi cũng khiến Minh Tốn không yên. Lần đầu gặp Lệ Lợi, anh ngỡ là hộ tịch viên, mặc đồng phục ka-ki xanh, dưới ống quần rộng thùng thình là đôi giày da lợn kiểu học sinh trung học. Lệ Lợi nói làm anh kinh ngạc, một nửa là lời lẽ trên mặt báo. Thật ra, từ lâu anh đã nghe Kỳ Dao nói đến cái tên Lệ Lợi, biết cả xuất thân và gia đình Lệ Lợi, nhưng tất cả đều không giống những gì đang ở trước mắt, không hiểu đâu là thực, đâu là hư. Lệ Lợi nhìn anh khiến anh mất tự nhiên, như bị truy bức. Biết Lệ Lợi thường đến vào buổi tối và chủ nhật, anh tránh những lúc đó, bởi thế cơ hội đến chỗ Kỳ Dao ít hơn. Tuy nhiên, ít nhiều cũng đều ảnh hưởng đến hai người, cho dù mỗi người và quan hệ giữa hai người đều đã định hình.
Thời gian đã qua đi như thế. Nếu đứa trẻ không lớn lên từng ngày thì không cảm nhận được vật đổi sao dời. Cùng với việc tiêm thuê, Kỳ Dao còn nhận thêm hàng gia công của xưởng dệt len. Cái hộp dây chuyền trong tủ năm ngăn, Kỳ Dao chỉ mới đụng đến một lần, khi con lên sởi, nhờ Minh Tốn đem đi bán lấy tiền, bán được rồi nhưng Kỳ Dao không đụng đến một xu, bởi bất ngờ được nhận làm hàng len gia công. Mấy đêm liền không ngủ, Kỳ Dao kiếm đủ tiền thuốc và tiền bồi dưỡng cho con. Tuy mệt sắp gục, nhưng nghĩ đến tài sản kia vẫn nguyên vẹn lại như được an ủi. Nàng hiểu không còn hy vọng lấy ai, hộp dây chuyền kia sẽ làm hậu thuẫn và chỗ dựa sau này. Đêm khuya, nàng lại nhớ đến ông Lý, nhưng ông Lý ra sao cũng không còn nhớ nổi, khuôn mặt ông vỡ vụn, mắt mũi rõ ràng, ghép từng mảnh lại cũng không thành hình, tưởng chừng cơ thể ông tan nát cùng chiếc máy bay gặp nạn cũng đồng thời làm tan luôn ấn tượng trong trí nhớ của nàng. ấn tượng về những đêm ngủ cùng ông Lý cũng trở nên mơ hồ, ngay cả cái đau đớn đầu tiên cũng sớm bị vùi lấp liền sau đó. Nghĩ lại, cuộc đời sinh ly tử biệt của ông Lý như cơn ác mộng đã bị hiện thực phủ kín. Những gì trải qua sau đó, tầng tầng xây nên, như xây tường. Hợp tan cùng ông Lý là tầng dưới cùng, biết là có đấy, nhưng không nhận ra. Bây giờ, điều duy nhất có thể trông thấy, sờ thấy là cái hộp gỗ chạm khắc hoa văn theo phong cách Tây Ban Nha. Chỉ một ít thế thôi nhưng lại là liều thuốc trợ tim của nàng. Bất giác nàng buồn nghĩ: đời mình nếu nói vợ chồng thì đó là với ông Lý chứ không phả i với Khang Minh Tốn, không lâu dài nhưng có ơn, có nghĩa.
Từng ngày thận trọng qua đi. Ngày tháng dưới mái nhà Thượng Hải đều có khuôn mặt thận trọng và đầy dụng tâm. Nếu không chuyên tâm, tập trung sức vào những tình tiết cụ thể nhất, vụn vặt nhất thì khó mà sống đến cùng. Những ngày này không thể cân nhắc, lựa chọn trong cái chung được. Cho nên, dưới vỏ bọc thận trọng là sự kiên nhẫn chịu đựng. Kiên nhẫn không phải để vượt qua sóng gió bão bùng mà để đối phó với cảnh mưa dầm của miền Giang Nam. Ngoài trời mưa lâm thâm, sàn nhà và tường trong căn phòng ẩm ướt, nấm mốc lặng lẽ sinh sôi. Ngọn lửa nhỏ nấu nướng hoặc sắc thuốc toả hơi ấm và hong khô, đó là sự kiên nhẫn. Cho nên, kiên nhẫn còn là nguyên tắc tiết kiệm, ánh sáng và hơi ấm đều có hạn, chỉ như dòng nước nhỏ chảy không ngừng. Nó dành cho những nhân vật nhỏ bé cắt vụn, chia đều ngày nhỏ bé và mục tiêu nhỏ bé.
Tiếng đêm rỉ rỉ rả rả trong những hẻm nhỏ sâu hun hút, là động tĩnh của những ngày nhỏ bé này, chúng đi những bước chỉ bằng phần nghìn giây, ngắn hơn mỗi giây, bé nhỏ và vụn vặt, nhưng mỗi bước là một dấu chân, khoẻ khoắn đi về phía trước. Khó mà nghe thấy tiếng hát và tiếng khóc, nỗi buồn dồn nén trong lòng. Chỉ khi trông thấy mây mù phủ chụp trên bầu trời của con hẻm mới phát hiện nỗi ưu sầu và ngọt ngào của nó.
Năm 1965 là thời gian tốt đẹp của thành phố này, sự yên ổn và giàu có đã cung cấp của cải cho những ngày sung túc, cung cấp vũ đài cho lý tưởng về cuộc sống dư dật. Bầu trời thành phố năm 1965 tràn ngập ấm no và dịu dàng, tuyệt không xa xỉ, mà chỉ là làn gió hưởng lạc đôn hậu, chân thật. Sắc màu tươi thắm của mùa xuân lại về với phố xá, ảo tưởng vào vinh quang hão huyền được coi là lẽ thường tình. Đường phố tràn ngập sinh khí, âm thầm nhưng dạt dào sức sống, trong cái tĩnh có cái động. ánh đèn đêm tuy chưa phải xán lạn huy hoàng, như việc riêng của mỗi người, mỗi ánh sáng đều có công dụng, có cảnh có tình, có người có vật, không ngọn đèn nào là để không. Thành phố như vừa được rửa tội, mang trái tim bình dị. Đó là tấm lòng thành phố năm 1965, bụi trần lắng đọng.
Trình khôi phục phòng chụp của mình, anh sống những ngày lễ ngày nghỉ tại đó. Khi đèn bật sáng, anh có được tâm trạng bình ổn, như một lãng tử trở về nhà. Hứng thú của anh trở về với thuở ban đầu, và cũng là sở trường của anh, ấy là chụp ảnh chân dung. Bắt đầu là ông thợ cắt tóc bên cạnh nhờ anh chụp cho các kiểu tóc, sau đó một truyền mười, mười truyền trăm, dần dần những cô gái trẻ đẹp đến thăm phòng chụp của anh. Lúc đó Trình đã bốn mươi ba tuổi, trong con mắt những người trẻ tuổi, anh đã là một ông già. Vốn tính tình cẩn thận nghiêm túc, không dễ rung động, phần lớn tình cảm và niềm say mê đã bị Kỳ Dao chiếm đoạt, nay thì không còn chút tình cảm nào dành cho các cô gái. Trong con mắt anh, người con gái đẹp nào cũng đều là tượng gỗ, chỉ có giá trị thưởng ngoạn. Điều đó không hiểu do tuổi đã lớn hay còn bởi sự giày vò của Kỳ Dao, anh hiểu cái đẹp của người con gái hơn trước. Trình cũng không dễ dãi nhận chụp ảnh, một khi nhận anh đều cố gắng chụp thật đẹp, thà chụp ít, mỗi khi chụp đều có ảnh đẹp. Buổi tối, một mình trong buồng tối với ngọn đèn đỏ, vạn vật vạn sự đều lùi vào bóng tối, ngay cả bản thân cũng lùi xa. Những khuôn trăng xinh đẹp hiện dần trong thuốc hiện hình là tồn tại duy nhất, và cũng như xác ve, bên trong trống rỗng. Anh thường tìm mối quan hệ hài hoà trong sự so sánh sáng tối, đậm nhạt của khuôn mặt đẹp. Khi tất cả đã xong, anh khẽ thở phào, uống ly cà-phê đã nguội từ lâu. Uống xong ly cà-phê, anh tắt ngọn đèn đỏ, lần mò trong tối, về phòng ngủ, lên giường. Lên giường nằm rồi anh còn hút thêm điếu xì-gà, đó là hứng thú gần đây của anh, là tặng phẩm của năm 1965 no cơm ấm áo. Khói xì-gà như hương thơm xoa dịu tâm hồn để anh chìm vào giấc ngủ.
Năm ấy, mọi việc tưởng chừng như trở về với quỹ đạo vốn có của nó, mọi rắc rối ở khoảng giữa, bởi không kết quả đều tiêu tan như giấc mộng. Cuối cùng, bầu trời Thượng Hải như thế, nhà cửa tạo thành bầu trời hình dài để ánh sáng và mưa lọt xuống. Tiếng ồn ào của đường phố Thượng Hải vẫn như xưa. Giá như không ở đây thì vẫn có thể nhận ra cái xưa cũ của thành phố, dây tầm xuân leo trên tường hồi lớp nọ chồng lên lớp kia, là thực vật của thời gian xanh tươi; nước sông Tô Châu mỗi ngày một đục hơn, lắng đọng cặn bã thời gian; ngay cả những vệt dài bầu trời của thành phố màu sắc cũng đậm hơn, bởi ngày đêm phải hít thở ô-xít các-bon, trở nên ô nhiễm. Những lớp lá ngô đồng không còn tươi xanh bóng bẩy như trước. Nhưng con người ngày ngày sống ở thành phố này không thể phát hiện, bởi họ cũng già theo thời gian. Họ mở mắt ra là thấy chúng, nhắm mắt lại vẫn thấy chúng. Đôi khi trong buồng tối Trình quên cả thời gian, trong muôn vàn âm thanh, thời gian như lẩn trốn, lẽ nào không biết đó là thời khắc sống động của thời gian, càng im lặng càng sống động. Tiếng rao sữa tươi ở dãy phố phía sau đánh thức Trình, lúc này anh mới biết trời đã sáng, anh không cảm thấy mệt mỏi buồn ngủ. Anh làm xong tấm ảnh cuối cùng, vén tấm màn dày che cửa sổ buồng tối lên, nhìn thấy sông Hoàng Phố ban mai, đó là cảnh sắc từ rất lâu không được thấy, nhưng là cảnh sắc quen thuộc in sâu vào lòng. Trình không nhớ đã bao lâu không nhìn nó, nhưng nó vẫn thế, chờ anh hồi tâm chuyển ý. Cổ họng Trình như nghẹn lại, lúc này một đàn bồ câu bay qua nhà, vút lên cao. Anh nghĩ: vẫn là đàn bồ câu của nhiều năm trước đấy nhỉ? Chúng vẫn chờ mình đấy ư?
Dần dần Trình cắt đứt mọi liên hệ với bạn bè; với Kỳ Dao và Lệ Lợi cũng không tin tức gì. Trên tầng thượng của Thượng Hải có không ít con người cách biệt với thế giới như thế. Cuộc sống của họ đầy bí ẩn, cảnh ngộ trong đời họ cũng đầy bí ẩn. Họ đi về đơn độc. Chỗ ở của họ như một vỏ ốc lớn, không biết trong đó đang nuôi dưỡng sinh vật nhuyễn thể nào. Năm 1965 đã dành không khí tốt lành cho cuộc sống trong những vỏ ốc ấy. Có thể coi đó là năm tự do, rất nhiều sự vật bí hiểm cũng lặng lẽ sinh sôi và phát triển trong năm đó. Duy chỉ có đàn bồ câu trên mái nhà là thấu hiểu sự tình.
b000Tối hôm ấy, khi tiếng chuông gọi cửa vang lên, Trình bất giác bực mình, anh nghĩ hôm nay không hẹn ai đến chụp ảnh, vậy người khách nào không mời mà đến? Anh ra mở cửa, nghĩ bụng không biết sẽ từ chối sao đây. Tuy bực mình, nhưng anh vẫn giữ thái độ ôn tồn nhã nhặn. Nhưng khi mở cửa, mọi lời từ chối không cần dùng đến, trước cửa là Kỳ Dao. Anh rất bất ngờ và cũng rất vui, nhưng bình tĩnh, những tình cảm xao động trong anh từ nhiều năm nay đều được quy về cho quá khứ ôn tồn. Anh mời Kỳ Dao vào nhà, pha trà, lúc này mới phát hiện Kỳ Dao đang rất xúc động, tay nắm chặt ly trà mà không biết nóng. Kỳ Dao nói:
- Lệ Lợi sắp chết rồi!
Trình giật mình. Kỳ Dao nói tiếp:
- Lệ Lợi bị u ác tính!
Hồi bấy giờ, cái tên “ung thư” chưa phổ biến, mọi người hiểu còn ít về chứng bệnh này, thậm chí chưa mấy ai gọi đó là “ung thư”, chỉ gọi là “u ác”. Nó là truyền thuyết hãi hùng, tuy ít nghe, chưa bao giờ tưởng tượng nó lại phát sinh trên cơ thể mình, thậm chí người gần mình. Một khi nó đến, sẽ làm người ta khủng khiếp. Thực ra, từ lâu rồi, Lệ Lợi bị bệnh gan, nhưng không ai biết. Xưa nay da Lệ Lợi xạm, nói năng bao giờ cũng tỏ vẻ, tính tình gay gắt. Điều này khiến mọi người không chú ý đến tình trạng suy thoái sức khoẻ của Lệ Lợi, thậm chí ngay cả bản thân Lệ Lợi cũng không chú ý. Bởi từ nhỏ ăn uống đầy đủ, Lệ Lợi có được cái nền khá, sức đề kháng mạnh, cho nên cũng giảm nhẹ phản ứng bệnh tật. Lệ Lợi cũng biết, ăn uống không đầy đủ sẽ mệt mỏi, gan yếu, nhưng tất cả những điều đó không quá sức chịu đựng của bản thân, bởi vậy Lệ Lợi cho là việc nhỏ. Nhưng một hôm, đột nhiên Lệ Lợi không dậy nổi, yếu đến mức không cầm nổi tờ giấy. Nằm ở khu lưu bệnh nhân để tiếp nước đường ba ngày liền, ông chồng cõng vợ về. Lệ Lợi nằm bẹp trên lưng chồng, hơi thở nặng mùi, tình cảm trở nên mềm yếu. Lệ Lợi áp mặt lên gáy chồng, muốn nói gì đó mà không nói nổi. Tình cảm mềm yếu ấy cũng rất khác thường, khiến Lệ Lợi dự cảm điều chẳng lành. Việc mà chồng có thể làm cho vợ là, gọi tất cả người thân ở Sơn Đông ra. Đó là những người thật thà nhất thiên hạ, nhất là thật thà trong tình cảm, nhưng lại rất cách bức với Lệ Lợi. Với tình cảm thương xót nặng nề, họ ngồi cả ở ngoài phòng ngủ của Lệ Lợi, thỉnh thoảng lại thì thầm với nhau. Trông họ như những người túc trực bên linh cữu, khiến căn phòng bao trùm bầu không khí tang tóc. Tình cảm mềm yếu bất thường ở Lệ Lợi làm cho bầu không khí ngột ngạt bỗng chốc tan biến. Lòng kiên nhẫn chống lại bệnh tật cũng không tồn tại. Hàng ngày, mở cửa phòng ra Lệ Lợi lại bắt gặp những bóng người xa lạ, tiếng nói quê mùa xa lạ. Mấy bận Lệ Lợi kêu la ầm ỹ, kêu la những người thân này đang thôi thúc cái chết đến sớm. Những người bà con cắn răng chịu đựng và coi những lời kêu la ấy là nỗi đau của người bệnh.
Kỳ Dao không biết Lệ Lợi ốm. Trước đó, Lệ Lợi đang tham gia cuộc vận động giáo dục xã hội chủ nghĩa ở Xuyên Sa, mỗi tháng được về bốn ngày, nên hai người ít gặp nhau. Hôm ấy, Kỳ Dao qua ngõ nhà Lệ Lợi, gặp bà mẹ chồng Lệ Lợi, Kỳ Dao chào hỏi trước. Bà cụ không nhớ Kỳ Dao là ai, nhưng vốn tính xởi lởi, hay chuyện, hơn nữa những hôm mới rồi cũng buồn, bà đứng lại nói như không thể nào dứt ra được. Kỳ Dao nghe nói không khỏi giật mình, bỏ mặc bà cụ đang khóc, đi ngay vào ngõ. Nàng đi thẳng vào nhà, đi qua những người đang ngồi lặng lẽ, đẩy cửa phòng Lệ Lợi. Trong phòng, rèm cửa sổ che kín, chỉ một ngọn đèn đầu giường, Lệ Lợi ngồi tựa gối, đọc cuốn Sinh hoạt chi bộ, nở nụ cười khi thấy Kỳ Dao vào. Kỳ Dao rất ít khi thấy Lệ Lợi cười, lúc nào cũng cau có, nộ khí xung thiên. Nụ cười hôm nay trông thật đáng thương, như người xin ăn, bất giác sống mũi cay nồng. Kỳ Dao ngồi xuống cạnh giường, lòng hồi hộp, chỉ mới mấy ngày không gặp, trông Lệ Lợi đã tiều tuỵ đến thế. Lệ Lợi cũng không biết rõ bệnh tình, chỉ nghĩ bị viêm gan, e Kỳ Dao sợ, liền giải thích bệnh mạn tính, không lây. Kỳ Dao thì xót xa không nói nên lời, cũng muốn nói nhưng lại không dám nói với bạn, không dám ngồi lâu, đành cáo từ ra về. Một mình nàng loanh quanh trên phố đầy nắng, mua một vài thứ không cần thiết, về đến nhà đúng bữa trưa, nhưng không thấy đói. Rang ít cơm nguội cho con, ngồi móc mũ len đội tuyết. Móc một lúc, lòng bình tĩnh lại, ý nghĩ đầu tiên là phải đi tìm Trình.
Tối hôm ấy, Trình tiễn Kỳ Dao xuống tận dưới nhà, đi với nhau một lúc bên bờ sông, lòng rối như tơ vò, đành phải nói sang chuyện khác. Một vài con chim nhỏ bay là là mặt sông, tiếng còi của chuyến phà chở khách sang Phố Đông ra đến giữa sông âm âm vọng lại. Quay lưng về phía đê sông, bất giác ngước đầu nhìn, những kiến trúc của thời thực dân Anh vẫn cao to sừng sững. Nếu muốn truy tìm gốc gác phong cách những kiến trúc này phải tìm về thời La Mã bên châu Âu, là phong độ mẫu mực của đế quốc, tưởng chừng như nhất thiên hạ. Nó cao hơn hết thảy, mang hơi thở chuyên chế. Cũng may, phía sau toà cao ốc là một đường phố hẹp, dẫn đến hàng loạt nhà cửa trong hẻm, là không khí dân chủ. Sông Hoàng Phố cũng tượng trưng cho tự do. Gió biển thổi qua cửa Ngô Tùng, cuộn lên từ mặt sông, rất muốn thổi thẳng về phía trước, bất ngờ bị những toà cao ốc cản lại, đành phải quay đầu, nhưng gặp ngoại lực, gió càng thêm hung dữ. Rất may gặp mặt sông rộng để nó dàn trải, không dẫn đến tả xung hữu đột, điên cuồng, bởi thế bãi ngoài ngày đêm có gió thổi. Đi bên bờ sông, Trình hỏi Kỳ Dao con thế nào; Kỳ Dao trả lời nó rất ngoan, lại nói nếu mình có mệnh hệ nào thì nhờ Trình chăm sóc cháu bé. Trình bất giác cười, nói:
- Lệ Lợi đau nặng, nhờ Kỳ Dao đến giúp đỡ.
Nghĩ đến Lệ Lợi, lòng hai người trĩu nặng. Ngừng giây lát, Kỳ Dao nói:
- Cứ nhờ sớm đi còn hơn!
- Nếu anh không nhận thì sao?
- Việc ấy đâu có do anh, dù sao em cũng phải dựa vào anh.
Câu chuyện mang màu sắc buồn thương, khó mà xem thường. Trình quay lại, nhìn mặt sông thẫm đen, lấp lánh ánh sáng yếu ớt, trước mắt hiện lên cảnh ba người, một nam hai nữ ngày xưa, cùng đi xem phim ở rạp Quốc Thái, thầm nghĩ đã qua bao nhiêu năm tháng rồi nhỉ? Vì sao nhìn thấy được kết cục? Mà là kết cục này, không có gì gián đoạn, lại có gì đó như bị ngắt quãng.
Kỳ Dao bàn với Trình, nên chăng khuyên Lệ Lợi về nhà mẹ, ở đó vừa yên tĩnh, vừa sạch sẽ, ăn uống cũng tốt hơn. Không ngờ, hôm hai người hẹn đến thăm Lệ Lợi thì bà mẹ Lệ Lợi cũng đến, bà gần như bị Lệ Lợi đuổi về. Hồi ấy, bố Lệ Lợi đã về Thượng Hải, chính thức ly hôn với vợ, chia nhà cửa và một phần tài sản cho bà, còn ông thì thuê một căn nhà ở đường Ngu Viên sống với người đàn bà Trùng Khánh. Cậu em Lệ Lợi vẫn chưa lấy vợ, không làm bạn với ai, ngày ngày cứ hết giờ là về nhà, khoá trái cửa phòng lại mở máy hát nghe hát. Mẹ con sống chung một mái nhà nhưng lại như người qua đường, có lúc mấy ngày liền không thấy mặt nhau. Thường ngày, bà mẹ chỉ làm bạn với chị giúp việc, chị giúp việc thấy bà chủ quá nhu nhược, cũng không xem trọng bà, hôm nào cũng đi chơi đến nửa ngày, vậy là cả chị giúp việc cũng ít gặp mặt. Căn biệt thự nhỏ ít người càng tỏ ra trống trải, hoa cỏ trong vườn cũng héo tàn, chỉ còn cành khô lá úa, về sau ngay cả cành khô lá úa cũng không còn, chỉ còn rác rưởi bụi đất, càng trở nên hoang tàn. May mà bà cũng hiền lành, không phải là người nhạy cảm, bởi vậy lòng không bị tổn thương quá lớn. Chỉ cảm thấy thời gian trôi quá chậm, không biết làm thế nào cho nhanh hơn. Biết Lệ Lợi ốm, ở nhà bà đã khóc rồi. Một người đàn bà đầu óc đơn giản không cầu mong gì như bà, chỉ biết lấy nước mắt để giải thoát cảnh khốn khó, xoa dịu tâm linh, thu lượm những kết quả nào đó. Khóc xong, quả nhiên có chút hy vọng, trong lòng sáng tỏ. Bà rửa mặt, thay đồ, đã ra cửa nhưng rồi thấy không ổn, sợ con gái và chàng rể là những tín đồ cộng sản không bằng lòng, bà quay lại, thay bộ đồ giản dị hơn rồi mới đi. Trên đường đi, bà với tâm trạng thật trịnh trọng. Bà rất ngại đến nhà con gái, tất cả chỉ đến hai ba lần gì đó. Ba cậu cháu ngoại nhìn bà như nhìn quái vật, con gái cũng không giữ sĩ diện cho mẹ, đến không đón, về không tiễn, nói năng thì cộc cằn bốp chát. Con rể là người trung hậu, người duy nhất lễ độ với bà, nhưng bà lại rất xem thường anh con rể, chê anh nói tiếng Sơn Đông không hiểu nổi, lại chê anh mồm miệng toàn mùi hành tỏi, không thèm để ý đến anh. Con rể không biết nịnh mẹ vợ, đành chịu đựng sự lạnh nhạt của bà. Bây giờ Lệ Lợi ốm, bà tưởng đâu được nước, có đủ lý do để đến nhà, không thèm nhìn những người nhà quê đang ở đấy, cứ thế đẩy cửa phòng Lệ Lợi. Bà ngồi chưa được năm phút đã đưa ra một chục lời phê bình và đề nghị, những lời phê bình là phủ nhận tất cả, còn lời đề nghị biết rằng không thể được nhưng cũng nói ra. Thoạt đầu, Lệ Lợi chịu đựng, bà mẹ thì được đằng chân lân đằng đầu, càng nói càng hăng, vung tay vung chân, đòi thay chăn thay đệm, tắm rửa gội đầu cho Lệ Lợi, tất cả đều thay mới. Lệ Lợi không còn đủ kiên nhẫn, lẳng ngay cái đèn xuống đất. Bà mẹ chồng người Sơn Đông ở phòng ngoài nghe thấy trong phòng ồn ào, cũng mạnh dạn chạy vào, trong phòng đã lộn xộn lắm rồi. Bình nước nóng vỡ tan, thuốc đổ tung toé, bà mẹ Lệ Lợi thì mặt tái nhợt, níu lấy bà thông gia mà thanh minh, thuyết lý. Lệ Lợi thì ném hết các thứ trong tay, đến lượt ném gối đầu, chăn đắp. Bà mẹ chồng vơ lấy cái chăn, quấn chặt Lệ Lợi, Lệ Lợi run cầm cập trong vòng tay bà, bà khuyên bà thông gia cứ về đi, mai kia hãy đến. Lệ Lợi nhìn mẹ đi ra, ngay lập tức lả đi. Kể từ đó bà không để ai tuỳ tiện vào phòng Lệ Lợi, ai vào phải hỏi trước, Lệ Lợi đồng ý thì mới vào.
Trình và Kỳ Dao đến thăm Lệ Lợi, bị từ chối. Bà già người Sơn Đông ra nói lại, Lệ Lợi mệt, muốn ngủ, không muốn tiếp ai. Bà như phải làm điều sai trái, không dám nhìn hai người, như hối lỗi. Hai người biết tại sao Lệ Lợi không muốn gặp, nhưng lại không muốn thừa nhận, buồn và sợ. Việc Lệ Lợi không gặp như một lời trách cứ, trong tình cảnh này, lời trách cứ làm họ suốt đời không thể ngẩng lên được. Hai người không dám nhìn vào mắt bà già, cả hai bên đều tránh ánh mắt của nhau, vội vã chia tay, ai về nhà nấy. Sau đó, mỗi người đến thăm riêng. Trình bị từ chối, tiu nghỉu ra về, theo phố Hoài Hải đi về phía đông. Qua một nhà hàng ăn, bên trong huyên náo, người ngồi bên những chiếc bàn vuông giống những người làm công, trước cửa là một chảo mỡ lớn đang rán đậu phụ, mùi dầu mỡ cùng mùi rượu ập vào mặt. Anh vào, ngồi cạnh bàn, mua hai lạng rượu mùi, một đĩa lá sách. Không quen ai ngồi cùng bàn, ai cũng đều uống rượu với thức nhắm. Cũng có những người quen nhau ngồi gần đó, nói chuyện mỗi lúc một to. Trình uống hết hai lạng rượu, bụng ấm lên, mắt cũng nóng lên, bất giác nước mắt chảy ròng ròng. Không ai chú ý đến anh. Hơi nóng của chảo mỡ bốc lên nghi ngút, người chìm trong khói mù, mơ hồ mờ mịt, Trình có thể mặc sức buồn. Cũng vào lúc ấy, Kỳ Dao đang ngồi bên giường Lệ Lợi. Kỳ Dao đến sau Trình chỉ một bước, Trình ra khỏi ngõ thì Kỳ Dao đến. Lệ Lợi để Kỳ Dao vào.
Kỳ Dao thấy Lệ Lợi khá hơn hôm trước. Đầu tóc chải gọn ra phía sau, áo trắng mới thay, hai gò má hồng hào, ngồi tựa vào chồng gối. Thấy Kỳ Dao, Lệ Lợi không chào hỏi, quay mặt vào phía trong, quay lưng ra phía khách. Kỳ Dao ngồi xuống cạnh giường, không biết nói gì. Lệ Lợi nghiêng mặt, chừng như đang nuốt nước mắt. Rèm cửa sổ buông hờ, ánh sáng sắp tắt phủ lên đầu tóc, áo quần và chăn gối Lệ Lợi, trông thật buồn thảm. Lát sau, Lệ Lợi cười, nói:
- Cậu xem, ba chúng mình có hài hước không?
Kỳ Dao không biết trả lời thế nào, chỉ biết cười theo. Thấy bạn cười, Lệ Lợi quay mặt lại nhìn và nói:
- Anh Trình vừa đến, mình không cho vào thăm.
- Anh ấy buồn lắm!
Lệ Lợi vênh mặt, giọng bực tức:
- Buồn thì có liên quan quái gì đến mình!
Kỳ Dao không dám nói gì, phát hiện ra Lệ Lợi đang lên cơn sốt, mặt càng căng thẳng, càng đỏ ít thấy. Kỳ Dao sờ trán Lệ Lợi, bị Lệ Lợi gạt tay ra, lòng bàn tay nóng như lửa. Lệ Lợi ngồi dậy, cúi người xuống kéo ngăn kéo bàn kê gần đầu giường, lấy ra một cuốn sổ, ném cho Kỳ Dao. Kỳ Dao giở ra xem, trong đó là những bài thơ chép tay. Ngay lập tức nàng nhận ra đó là những tác phẩm của Lệ Lợi, tưởng chừng trở về với thời nữ sinh của hơn chục năm trước. Những dòng chữ khác lạ dù có đốt thành tro cũng hiện lên cái tên Lệ Lợi. Chúng khác lạ cũng bởi ngây thơ và thoáng chút thành tâm. Những câu thơ thuộc trường phái trăng hoa tuyết nguyệt làm cho người khác phải khó chịu, nghiêm chỉnh và khoa trương giao hoà, khiến người khác không biết nên khóc hay nên cười. Kỳ Dao không muốn đọc những dòng thơ ấy cũng bởi không dám gần Lệ Lợi. Nhưng lúc này Kỳ Dao đọc chúng lại thấy nước mắt trào ra. Kỳ Dao nghĩ, đúng như đóng kịch, đưa cả sinh mệnh vào thì kịch cũng trở nên thật. Dưới mỗi bài thơ đều ghi tên Trình, dù đó là thơ hay hoặc dở. Tưởng Lệ Lợi giật cuốn vở trong tay Kỳ Dao, giở nhanh, chọn đọc những đoạn thơ buồn cười, chưa đọc hết thì đã phá lên cười. Tiếng cười của Lệ Lợi rất vang, khiến bà mẹ chồng phải hé cửa nhìn vào. Lệ Lợi gục xuống chăn mà cười, cười không ngồi lên được, nói:
- Kỳ Dao, cậu bảo thế này là thế nào?
Mắt Lệ Lợi long lanh, giọng lạc đi, the thé. Bất giác Kỳ Dao sợ hãi, giật quyển vở trong tay Lệ Lợi, không để Lệ Lợi đọc nữa. Lệ Lợi không buông tay, hai người giằng co, bàn tay Kỳ Dao bị nắm chặt, bầm tím. Kỳ Dao cũng không buông tay, kiên quyết giành lấy cuốn vở, đồng thời đặt Lệ Lợi nằm xuống. Lệ Lợi giãy giụa, tiếng cười dần dần biến thành tiếng khóc, nước mắt lăn xuống từ sau mắt kính, nói:
- Cậu với Trình đồng loã với nhau, làm hại mình, bảo đến thăm mình nhưng là đến ức hiếp mình!
Kỳ Dao hốt hoảng, quên mất Lệ Lợi đang ốm, nói to:
- Cậu yên tâm, mình không lấy Trình đâu!
Lệ Lợi cũng hốt hoảng, nói to:
- Cậu lấy anh Trình đi, mình có sợ các cậu lấy nhau đâu? Cậu nghĩ mình là người thế nào!
Kỳ Dao khóc, nói:
- Lệ Lợi, cậu cần gì phải thế, chỉ vì một người con trai, sống không xứng với mình, dở quá!
Nước mắt Lệ Lợi chảy như suối, nói:
- Kỳ Dao, mình nói thế này nhé, cậu và Trình làm hại đời mình, đã giết mình!
Không nén nổi, Kỳ Dao ôm lấy Lệ Lợi, nói:
- Lợi ơi, cậu tưởng mình không biết hay sao? Cậu tưởng anh Trình không biết hay sao?
Lệ Lợi đẩy Kỳ Dao ra rồi lại kéo vào lòng, hai người ôm lấy nhau, khóc nức nở. Lệ Lợi nói:
- Dao ơi, mình thật bất hạnh, bất hạnh vô cùng!
- Lệ Lợi, cậu bất hạnh thì mình càng bất hạnh hơn! Biết bao nhiêu điều không như ý đè nặng lên mình, lúc này có thay đi đổi lại cũng không ích gì, dù sao cũng không thể cứu vãn nổi.
Hai người ôm nhau khóc không biết bao lâu, ruột gan như đứt từng khúc. Mùi hôi khó chịu từ miệng Lệ Lợi làm Kỳ Dao tỉnh lại, mùi chua và tanh toả vào không khí. Kỳ Dao nghĩ Lệ Lợi đang ốm, nén buồn, nuốt nước mắt. Kỳ Dao buông Lệ Lợi, đặt nằm xuống gối, rồi đi lấy khăn nóng lau mặt cho Lệ Lợi. Nước mắt Lệ Lợi vẫn tuôn chảy như không dứt. Trời đã tối. ở quán rượu đằng kia Trình đã uống xong, đang gục xuống bàn không dậy nổi. Bên tai anh có tiếng còi tàu, anh mơ màng như bước lên tàu, con tàu dần dần rời bến. Bốn phía mênh mông trời nước, không thấy đâu là bờ. Cái vĩ đại của niềm vui và nỗi buồn năm 1965 nhỏ bé như thế, giống như sóng gió trong ly nước, nhưng vẫn có đầu có cuối, theo suốt cuộc đời. Tiếng hát và tiếng khóc vô cùng bé nhỏ, dù có cố đến đâu thì cũng không cao lên nổi, phải nín thở thì mới nghe thấy, nhưng mỗi tiếng kêu nhỏ bé ấy là cả một đời. Bằng số lượng, tiếng hát và tiếng khóc đúc nên khối âm thanh lớn dồn tụ trên bầu trời thành phố, được gọi là “âm thanh tĩnh”, vượt lên mọi huyên náo. Sở dĩ gọi là “âm thanh tĩnh” bởi mật độ cực lớn, thể tích cực lớn. Độ lớn và độ dày của nó hơn cả “tĩnh”, hoặc ít ra cũng bằng. Bởi thế, “âm thanh tĩnh” là âm thanh lớn nhất, đứng đầu trong hàng vạn âm thanh.
Chỉ một tuần sau, lá lách Lệ Lợi vỡ, xuất huyết và chết. Bên cạnh là chồng, ba đứa con trai, họ hàng thân thích của chồng từ quê ra. Trong lúc mê sảng, Lệ Lợi không trối trăng điều gì. Nhà máy nơi Lệ Lợi làm việc tổ chức truy điệu, trong lời điếu có nói Lệ Lợi đã phân rõ ranh giới giai cấp, suốt đời không ngừng phấn đấu để trở thành đảng viên cộng sản. Bố, mẹ, em trai Lệ Lợi không đến dự. Gia đình cảm thấy đến dự sẽ là sự hạ thấp lý tưởng của Lệ Lợi. Nhưng ở nhà họ vẫn cúng tuần đầu và bốn chín ngày cho Lệ Lợi. Hôm cúng bốn chín ngày, cả nhà ngồi lại, lặng lẽ, thỉnh thoảng thì thầm điều gì đó, tỏ ra rộng lòng tha thứ và cảm thông. Nhưng Lệ Lợi thì vĩnh viễn vắng mặt, không bao giờ trở về, không còn liên quan đến buổi họp mặt tĩnh mịch này nữa. Trình và Kỳ Dao cũng không dự lễ truy điệu, thật ra, sau lễ truy điệu hai người mới biết tin Lệ Lợi chết. Nỗi đau qua đi, tin ấy cũng làm cho hai người cảm thấy thanh thản, bởi đã giải thoát cho Lệ Lợi. Tuy hai người không có gì được gọi là may mắn, nhưng là những người thoả hiệp, biết thế nào là thích ứng với hoàn cảnh, không như Lệ Lợi phải giằng xé suốt đời, không thể hài hoà với bất cứ điều gì, độc hành cho đến cuối đời. Cả hai đều cúng Lệ Lợi, đều không cho nhau biết, nhưng không hẹn, cả hai cùng đi tảo mộ Lệ Lợi vào tiết Thanh minh năm sau đó. Một mình Trình đến khu để bình tro hài cốt Long Hoa quét dọn, và đêm khuya vắng vẻ, Kỳ Dao đốt cho Lệ Lợi một xếp vàng. Tuy Kỳ Dao không tin, Lệ Lợi cũng không tin, nhưng đó là điều an ủi duy nhất, nếu không thì biết làm gì hơn? Trong lễ truy điệu, bà mẹ chồng khóc thảm thiết, tưởng chừng lấn át cả lời điếu của lãnh đạo nhà máy. Tiếng khóc của bà được mọi người ứng hoạ, tiếng khóc thảm thương của người đàn bà nhà quê làm cho buổi lễ truy điệu đầy không khí bi thương chân thành.
16 “Mà đây Hoàng hạc riêng lầu còn trơ” (14)
Trình là một trong những người tự tử sớm nhất hồi mùa hè năm 1966. Mùa hè năm ấy, hồi tưởng những ngày và đêm của năm 1965, là những ngày vui cuồng nhiệt, là triệu chứng vui quá hoá buồn. Nhưng đó là tâm tư của tầng lớp tiểu thị dân không biết gì. Những nhân vật lớn hơn một chút đều nhìn thấy trước, chuẩn bị ít nhiều về tâm lý. Bởi thế, múa hát trong năm 1965 là múa hát của lớp thị dân không hề hay biết những tin tức nguy hiểm. Với họ, đòn đánh mạnh trong mùa hè đó là từ trên trời rơi xuống. Kỳ lạ là, màu hoa trúc đào trong hẻm vẫn tươi thắm. Hoa chi tử, hoa ngọc lan, hoa cơm nguội, hoa phượng tiên, hoa hồng... vẫn nở ở mọi nơi mọi chốn, hương thơm lan toả bốn phương. Chỉ có đàn bồ câu chốc chốc hoảng hốt bay lên trên trời cao, lượn vòng, cuối cùng quay về nghỉ chân trên mái nhà, rồi lại kinh hoàng bay lên. Đôi cánh của chúng như sắp gãy, mắt chúng rỉ máu, chúng trông thấy nhiều nhất, mỗi nguyên nhân, hậu quả của từng sự việc bi thảm không thể lọt qua mắt chúng.
Mùa hè năm 1966, trong từng ngõ lớn hẻm nhỏ, ngõ dài hẻm ngắn, những mái nhà ngói đỏ, ngói đen có cửa sổ tò vò hoặc sân thượng xi-măng đều bị lật tung. Bao nhiêu bí ẩn bị phanh phui dưới mặt trời. Những bí ẩn tạm bợ của ngõ hẻm có kèm theo khí độc ẩm ướt, cả mùi nước đái chuột, lẽ ra chúng phải mục nát, làm phân bón, nuôi dưỡng cuộc đời mới. Những cuộc đời nhỏ bé cũng phải trả giá bằng sự hy sinh. Bí mật của cuộc đời bởi nhiều và nhẹ tênh, sẽ lọt ra khỏi kẽ tường và kẽ ngói, bao phủ bầu không khí thành phố. Xưa nay chưa ai ngửi thấy mùi mục nát trong đó, bởi nó đã sớm chuyển hoá thành sinh mệnh mới. Bây giờ, mái ngói bị lật tung, cảnh tượng kia đập vào mắt, làm kinh dị lòng người, những câu chuyện mập mờ làm ô nhiễm thành phố. Một trong những câu chuyện đó nói, một người con gái không giữ gìn gia phong, bị bí mật cấm ngục tròn mười hai năm, khi nàng được phóng thích thì hai chân không còn đi được nữa, tóc bạc trắng, mắt không nhìn thấy ánh sáng. Thì ra, dưới những mái nhà ấy còn có ngục thất, giống như hang chuột, giam cầm mọi động tĩnh. Cảnh tượng cuộc đại cách mạng năm 1966 trong các hẻm của Thượng Hải là thế đó. Nó quét sạch mọi hào khí, đụng chạm đến mọi linh hồn. Nó xuyên suốt mọi bí ẩn nhất của thành phố, theo đó không một thứ gì có thể ẩn náu, trốn tránh, không thể cất giấu, che đậy. Những bí ẩn ấy có lúc phải dựa vào bóng tối để tồn tại. Tuy không ai biết, nhưng kỳ thực đó là một nửa sinh mệnh của thành phố, thậm chí nhiều hơn. Như phần chìm của núi băng giữa đại dương. Những đêm rực rỡ muôn màu ánh sáng của thành phố này là ngày sống động, là gốc rễ bí mật, là nguồn cội của mọi thanh sắc, nhưng lại không trông thấy. Được lắm, tấm màn đã được xé toang, một nửa cõi lòng đã chết. Đừng xem cõi lòng đó u ám, thâm hiểm, cay độc, biết xấu hổ, nhục nhã, chịu được mọi sự giày vò nhưng không chịu nổi sự phanh phui, tiết lộ. Điều này xứng với cái được gọi là tôn nghiêm.
Mùa hè ấy, mọi điều riêng tư được phơi bày trên đường phố. Bởi đông người, có nhiều thay đổi. Những điều riêng tư của thành phố này tích lũy một trăm năm sẽ nhiều hơn ngàn năm của nơi khác. Một điều riêng tư không là gì, nhưng gộp chúng lại thật khủng khiếp. Là điều riêng tư lớn. Đó là những chuyện thầm kín riêng tư không được nói, không được khóc của thành phố này, biết bao nhiêu tiếng hát và tiếng khóc bắt nguồn từ đây và cũng chấm dứt từ đây. Những đồ pha-lê, đồ sứ Minh - Thanh bị đập vỡ vụn; sách vở, đĩa hát, giày cao gót bị thiêu cháy trong lửa; những tấm biển hiệu bị hạ xuống; chỉ trong một đêm, đồ gỗ gia đình, áo quần nam nữ, đàn piano và violon trong cửa hàng đồ cũ chất thành đống cao như núi, tất cả đều là xương tàn của riêng tư, như những vật hoá thạch. Những tấm ảnh bị xé vụn vứt bên thùng rác, những khuôn mặt trên ảnh bị xé đôi, tựa như những hồn ma người chết. Cuối cùng, một thi thể xuất hiện trên một đường phố đông người.
Khi những điều riêng tư bị phanh phui thì cặn bã bay lên không trung và cũng là lúc vỡ tổ những chuyện đồn đại. Những chuyện riêng tư nghe được, nửa thật, nửa giả. Tuy là bán tín, bán nghi nhưng nó vẫn tiếp tục lan truyền. Khói đen độc hại bao trùm đường phố, ngõ hẻm. Đó là những lời phát ra từ miệng lưỡi hay đưa chuyện, chúng đồng thời làm cho những riêng tư bị phanh phui mất đi bộ mặt thật của nó, biến màu, mình không còn nhận ra mình nữa. Bởi thế, xin đừng tin tất cả, nhưng cũng không thể không tin, những lời hiểm độc của những kẻ cố tình thổi phồng sự việc chỉ có thể có một chút sự thật. Sự thật ấy thật giản đơn, âu cũng là điều thường tình, ấy là nghe thế nào. Con người và sự việc kỳ quái ra đời chỉ trong một đêm, hôm qua còn phẳng lặng như mặt nước, hôm nay đã làm cho thiên hạ khiếp sợ. Những trang báo chữ to giấy trắng, mực đen dán la liệt đường phố, cả những truyền đơn từ trên nhà cao tầng thả xuống, mực đen viết lên giấy màu cũng thế. Đọc những thứ đó rất có thể trở nên hồ đồ, không hiểu thực hư. Trái tim của thành phố ơi, mi đã méo mó, biến dạng mất rồi, mắt cũng lệch đi, nhìn mọi vật không ra hình thù gì nữa!
Mái nhà của Trình bị lật tung. Anh trở thành một tên tình báo, gián điệp nguy hiểm, máy ảnh của anh là vũ khí, những người con gái đến nhờ chụp ảnh đều là những mỹ nhân điệp viên do anh đào tạo. Mùa hè năm ấy, bất cứ tình tiết sự việc nào cũng được mọi người tin. Nhà Trình, sàn bị bật lên, tường bị đục thủng, không khí bí ẩn chung quanh anh chỉ tăng, không giảm. Anh bị bức cung liền trong mấy ngày đêm, vẫn không có kết quả, chỉ còn nước giam anh lại, giam anh trong nhà vệ sinh cơ quan một tháng liền. Trong tháng đó, anh bị hành hạ về thể xác, ăn, ngủ, viết, nói theo lệnh của người khác. Đầu óc anh trống rỗng. Đêm khuya thanh vắng, tiếng nước chảy tí tách thâu đêm, tiếng nước của thùng phân bị rò rỉ, như thời gian bị rò rỉ. Sau một tháng, Trình được tha, đã hai giờ đêm, tàu xe công cộng không còn, anh lê bước về nhà. Đường phố vắng vẻ, bờ sông vắng vẻ, ngôi nhà anh yên tĩnh. Thang máy đứng ở tầng cuối cùng, cửa khoá, chỉ một ngọn đèn trên tầng cao thả ánh sáng nhợt nhạt xuống nền nhà. Anh leo từng bậc từng bậc cầu thang vòng quanh thang điện đi lên, tiếng chân dội dưới vòm nhà. Tiếng nước vỗ bờ từ ngoài cửa sổ vọng vào, có thể nhìn thấy ngọn đèn tín hiệu luồng lạch trên mặt sông đen thẫm. Anh lên đến tầng thượng, đẩy cửa bước vào, căn phòng sáng bất ngờ, ánh trăng chiếu xuống nền nhà, thì ra tất cả rèm cửa sổ đều bị giật tung. Vậy là, anh không bật đèn, bước vào, đứng một lúc dưới ánh trăng, rồi ngồi xuống sàn.
Đêm ấy, ánh trăng chiếu rọi vào nhiều căn phòng không kéo rèm cửa sổ, ánh trăng xê dịch trên sàn nhà. Những căn phòng ấy có người hay không có người đều là những căn phòng trống trải. Góc nhà là những đồ đạc cũ, những thứ đã dùng từ đời này sang đời khác, bản thân cũng không nhớ, chúng trông như một đống phế thải. Căn phòng là những căn phòng trống trải, người chỉ là cái xác không hồn, mọi thứ đều bị lật tung, đảo lộn. Thật ra, mấy chục năm nay con người đã được chà xát, tôi luyện nhiều, cần gì phải bới tìm như thế nữa? ánh trăng đêm nay có thể xuyên qua nhiều căn phòng trống trải và những cái xác không hồn, từng kẽ hở trên sàn nhà cũng sáng. Thế rồi, gió tràn vào, gió lùa theo chân tường, lan rộng và phát ra tiếng vi vút. Thỉnh thoảng có tiếng dập thình thình của mấy cánh cửa không đóng chặt, tưởng như vỗ tay mừng gió. Gió thổi giấy vụn và giẻ rách bay khắp phòng. Những thứ vụn vặt ấy sẽ được thu dọn vào thùng rác và đang nhảy múa những điệu nhảy cuối cùng.
Những đêm như thế thật thê thảm, không suy tư, không mộng mơ, như chết. Trời sáng còn tốt hơn. Có thể thấy, có thể nghe. Nhưng giờ đây, không trông thấy gì, cũng không nghe thấy gì. Mèo hoang đi thành đàn trên đường phố. Mắt chúng như mắt người, tựa như những linh hồn mộng du bị lưu đày. Chúng trốn vào bóng tối, nhìn vào những căn phòng trống trải, kêu meo meo. Bất cứ chúng nhảy từ độ cao nào xuống cũng đều không một tiếng động. Một khi chúng trà trộn vào bóng tối, không hình không bóng, chúng thực sự là những linh hồn bất hạnh bị xua đuổi khỏi thân xác. Còn một thứ khác có thể là linh hồn bị xua đuổi khói thể xác nữa là, những con chuột dưới cống rãnh. Chúng bơi ngày đêm trong dòng nước dưới cống ngầm thành phố, cống ngầm thông ra sông Hoàng Phố. Chúng thường chết dọc đường mà không tới được đích. Nhưng có ngày, xác của chúng cũng bị cuốn ra sông. Chúng là những sinh vật ít người trông thấy, nếu ngẫu nhiên trông thấy sẽ kinh hãi vô cùng. Đêm nay, lũ chuột đang ồn ào kéo nhau đi tuần hành dưới cống nước. Đêm nay, duy chỉ có chúng ta là đáng thương, không được tự do hành động, lẽ ra trái tim phải được tự do, nhưng lại bị lưu đày, rời xa chúng ta. May mắn thay, chúng ta đều đang ngủ, chìm trong vô tri vô giác, đợi đến lúc tỉnh, lại là một ngày ồn ào, có cái để nghe, có cái để xem, có việc để làm.
Trình ngủ, hai mắt mở to, gió và ánh trăng lướt qua mắt anh, anh cho là giấc mộng quá khứ. Anh chẳng hề chú ý gì đến chung quanh, nhà anh đã trở thành thế này rồi. Nhưng tiếng còi ngoài sông đã thức tỉnh anh, ánh trăng thức tỉnh anh, bình minh thức tỉnh anh. Anh ngước nhìn, một tiếng nói nói với anh: đi nhanh lên, muộn lắm rồi! Anh cân nhắc ý nghĩa câu nói, anh đứng dậy và bước qua bậu cửa sổ. Cửa sổ đang mở như chờ đợi anh. Có tiếng gió rít nhanh bên tai anh, thân thể anh nhẹ như ngọn lá, tưởng đâu đang xoáy tròn trong không trung. Lúc này, bồ câu vẫn chưa thức, chiếc xe sữa đầu tiên vẫn chưa lên đường, nhưng đã có chuyến tàu rời bến đi về phía cửa Ngô Tùng. Không ai trông thấy Trình bay trong không trung, cái xác không hồn của anh rơi xuống đất không một tiếng vang. Thời gian trong không trung của anh rất dài, đủ để anh suy nghĩ những việc hệ trọng. Anh rời khỏi bậu cửa sổ, mọi suy nghĩ đều đến với anh. Anh nghĩ: thật ra, tất cả đã kết thúc từ lâu, ra đi là lời cuối, nhưng lời cuối đã kéo quá dài. Giây phút cơ thể anh tiếp đất cũng là lúc anh nghe thấy tiếng màn hạ.
Bạn đã nhìn thấy một ngôi nhà bị dỡ tường bao giờ chưa? Mọi căn phòng đều trần trụi, người đi hết, những căn phòng trở thành những ô vuông trống rỗng. Bạn khó có thể tưởng tượng nổi những cảnh sinh hoạt đầm ấm trong những căn phòng kia, ở đấy đã từng xảy ra những sự việc lớn như sống và chết. Những ô vuông đó trông thì bé nhỏ, đơn sơ, tưởng đâu không dung nạp nổi cuộc sống mỗi ngày; chúng thật rệu rã, một khúc quanh cầu thang trong ngôi nhà ổ chuột tưởng đâu không thể chịu đựng nổi bước chân người. Nhìn qua những ô cửa sổ sau nhà, bên ngoài là bầu trời xanh; cửa có hay không đều thế cả. Cửa hoặc có hoặc không, đều không còn ý nghĩa. Nhưng gỗ và gạch xếp thành những ô vuông cũng đã có những ngày đẹp và cả những ngày bất hạnh của chúng ta. Chúng ta hãy dựng lại những bức tường, nếu không, sẽ nghe thấy tiếng khóc, khóc cho những ngày này qua đi. Hãy khôi phục những ô vuông này, tạo nên những ngôi nhà, nối thành ngõ hẻm, phía trước là đường lớn, phía sau là đường nhỏ, dòng xe và dòng người chảy qua những con đường đó. Bất luận thành phố này có bao nhiêu nhà trống trải cũng sẽ có đủ người để lấp đầy. Người ở thành phố này như nước, hễ có chỗ trống là tràn vào. ở đây, bạn không có thì giờ để thương tiếc những cái đã mất. Nhưng đó là việc lấy một trăm năm làm một năm, lấy một năm làm một ngày để xem xét sự vật; một đời người sẽ không là gì của lịch sử. Nếu thương tiếc thì sẽ thương tiếc suốt đời. Nỗi tiếc thương kéo dài trăm năm, thì năm thứ một trăm lẻ một cũng tan thành mây khói. Sống ở thành phố này tầm nhìn không cần xa lắm, nhưng cũng không nên quá gần, nhìn chừng một trăm lẻ một năm là đủ lắm rồi. Sau đó sẽ sống những ngày của mình trong những ô vuông làm bằng gỗ và gạch kia, tốt một tị, xấu một tị không trở ngại gì. Tuy nói cuộc sống tạm bợ, nhưng là cùng bất đắc dĩ, không có cách nào khác, bằng không, cuộc đời này làm sao sống nổi, làm sao tìm được niềm vui? Bạn biết đấy, trong những ô vuông kia đều chứa đựng những niềm tin lạc quan nhất. Dẫu những ô vuông kia trống rỗng, thì niềm tin vẫn còn đó. Dòng chữ “Đả đảo Vương chó con” viết nguệch ngoạc bằng phấn trên bậu cửa sổ, trên sàn nhà, trên tường, trên vách, nơi chiếu nghỉ cầu thang... là niềm tin đó.
Hết chương 8. Mời các bạn đón đọc chương 9!