Vi Vi
Vi Vi sinh năm 1961, đến năm 1976 vừa tròn mười lăm tuổi hoa. Nếu coi Vương Kỳ Dao, mẹ của Vi Vi là đẹp, thì Vi Vi cũng đẹp, đó là một lỗi lầm lớn. Vi Vi không đẹp lắm, tuy kế thừa đôi mắt của mẹ, nhưng đôi mắt ấy phải thùy mị và tình cảm, bằng không sẽ nhạt nhẽo. Nhưng Vi Vi sinh vào năm đó thì không thể học được ai hai điểm ấy. Bởi vậy, Vi Vi không khỏi tỏ ra khô khan, thậm chí có phần thô thiển. Trong những năm đó, con gái được gọi là đẹp nhưng chỉ dựa vào thực lực thì không thể vươn lên nổi. Rõ ràng Vi Vi không có đủ điều kiện để đẹp. Vi Vi thường nghe mọi người bàn luận mình không đẹp bằng mẹ, đâm ra ghen với mẹ, nhất là khi đã là một thiếu nữ. Thấy mẹ vẫn trẻ đẹp, Vi Vi cho là mẹ đã giành hết phần đẹp của mình. Những lời bàn luận ấy cũng ảnh hưởng đến mẹ, làm cho Kỳ Dao vẫn giữ được ưu thế tâm lý, không cảm thấy sức ép của tuổi tác, có thái độ bình tĩnh để cư xử với con gái ngày một trưởng thành. Vi Vi lớn đến độ mặc được áo quần của mẹ thì bắt đầu giành áo quần với mẹ. Có lúc Kỳ Dao với thiện chí, nói cái áo này với con là quá già thì Vi Vi vẫn cứ đòi bằng được, tưởng đâu mẹ tiếc. Trong nhà chỉ một mẹ một con, không có đàn ông để phân xử, sự việc cũng thật khó. Nếu cho rằng đây là một gia đình con không có bố thì sẽ chịu rất nhiều sức ép và cũng là điều sai lầm lớn. Cũng có người nói mẹ con nàng điều này điều nọ, nhưng chưa bao giờ gây chuyện phiền hà, thậm chí còn thương và tỏ ra ân cần chăm sóc. Có điều gì gọi là phiền hà thì cũng do mình gây nên. Cũng như tất cả những người phụ nữ có mâu thuẫn với nhau, thì mẹ con Kỳ Dao cũng được coi là một đôi. Năm 1976, nàng đã bốn mươi bảy tuổi, nhưng trông trẻ đến mười tuổi, đi với con gái như hai chị em, chị đẹp hơn em. Đẹp thì như thế, còn trẻ lại là việc khác, không có gì bù đắp nổi, tuổi trẻ vẫn hơn, có nhiều lợi thế mà chẳng phải giành giật với ai. Cho nên, nàng cũng có ý ghen với con, mà Vi Vi thì có ưu thế riêng của mình. Tóm lại, hơn thua của hai mẹ con có thể bù trừ cho nhau, quyết định bởi cách nhìn nhận vấn đề từ góc độ nào.
Vào tiết nắng ráo hàng năm, mỗi lần Kỳ Dao mở cái hòm gỗ long não ra phơi, áo quần giăng đến mấy cây sào, trên bậu cửa sổ là giày dép các kiểu, bụi bậm bay đầy nhà, bụi trôi nổi trong nắng. Vi Vi như người đi cà kheo, xỏ chân vào từng đôi giày của mẹ đi thử một vòng. Bắt đầu, chân Vi Vi chỉ đến mũi giày, đi được vài bước thì ngã. Về sau, mỗi năm chân lớn ra, đi vừa những đôi giày cao gót kia. Những đôi tất tơ trong suốt để tận đáy hòm cũng làm Vi Vi ngạc nhiên, nó cho tay vào chiếc tất, căng ra, soi dưới nắng, những sợi tơ trong như cánh ve. Tay Vi Vi cũng mỗi ngày một lớn, cuối cùng làm rách những chiếc tất kia. Cả cái ví da có khảm hạt trai, chuỗi hạt bị đứt dây, chiếc ghim cài ngực áo bị rụng mặt kim cương, cái mũ bê-rê bằng dạ của Pháp bị nhậy cắn thủng ... đều là những thứ linh tinh, lặt vặt, nhưng tất cả tạo nên bức tranh đầy màu sắc thú vị. Bức tranh được phơi bày dưới nắng có phần ảm đạm, chán chường, như bức tranh sơn dầu cũ bị bong màu nhưng lại để lộ ra vẻ đẹp bên trong. Vi Vi mặc những áo quần và đi giày của mẹ rồi đứng trước gương, người trong gương không giống người, giống yêu tinh. Vi Vi làm những động tác của những người con gái lẳng lơ, rồi cười ngặt cười nghẽo. Vi Vi không thể hình dung nổi mẹ thời xưa, cũng không thể tưởng tượng được thời đó ra sao. Ngày nay dù có vô vị cũng là thời của mình, bởi thế ngày nay vẫn hơn. Có những lúc Vi Vi cố tình làm hỏng thứ gì đó trong hòm đồ của mẹ, như dứt một túm lông trên cổ áo, rút vài sợi tơ trên tấm áo gấm để bị mẹ mắng, tìm cớ cãi nhau với mẹ. Nhưng buổi chiều, mẹ cất đồ, không phải lúc nào cũng phát hiện, dù có phát hiện thì cũng chẳng nói gì. Kỳ Dao chỉ đưa những chỗ rách ra ngoài sáng xem kỹ, rồi gấp lại, nói:
- Biết có mặc được nữa không!
Bất giác Vi Vi cũng cảm thấy buồn, thậm chí thương mẹ, trách mình. Tình cảm ấy không phải là sự cảm thông, làm lành, mà bắt nguồn từ cuồng vọng của tuổi trẻ, thấy thế giới này là của mình, việc gì phải ức hiếp những người già đang ở cuối đời. Trong con mắt người trẻ như Vi Vi, những người chỉ hơn chục tuổi đã coi là già rồi. Có những lúc chúng gọi những người ba mươi tuổi là “ông già”, “bà lão”, người bốn mươi càng không phải nói.
Nhưng Vi Vi thường quên ưu thế của mình, có phần tự ti. Tuổi trẻ vẫn vậy, bởi thiếu kinh nghiệm, nên không biết lợi dụng điều kiện tốt của mình, hơn nữa rất hay bị tác động, thiếu tự tin. Vì thế, Vi Vi không muốn đi cùng mẹ. Mỗi khi có mẹ, Vi Vi tỏ ra thất vọng, mất tự nhiên. Hồi còn nhỏ, phải dựa vào mẹ nên cảm giác thất bại còn bị nén lại, dần dần lớn lên, đôi cánh đã cứng cáp, thôi không dựa dẫm nữa, thì cảm giác thất bại càng ngày càng tăng, càng nhức nhối. Năm 1976, Vi Vi là học sinh năm đầu của bậc trung học cơ sở, như lẽ thường, chưa hứng thú với việc học, tất nhiên không có mong muốn gì về chính trị. Vi Vi là nữ sinh điển hình của phố Hoài Hải, tủ kính của các cửa hiệu là cảnh quan hàng ngày, cứ mở mắt ra là thấy. Trong những quầy hàng kia là cuộc sống thiết thân, không phải là sự giả tạo trống rỗng. Nó là bức tranh đẹp hơn cảnh đời gạo củi mắm muối, thêm một chút nhu cầu tinh thần vào nhu cầu vật chất thì có thể coi đó là mỹ học của đời sống. Đám con gái như Vi Vi đều được mỹ học của đời sống rèn luyện. ở thành phố Thượng Hải này không tìm đâu ra những người biết diện như con gái phố Hoài Hải. áo quần là thực tiễn của mỹ học đời sống. Giả dụ bạn trông thấy con gái ở đây mặc chiếc áo choàng chỉ là vải xanh giản dị nhưng may rất kiểu cách, thì bạn cũng phải thán phục không biết nói gì hơn.
Trong những năm tháng đời sống thiếu thốn nghiêm trọng, cánh con gái ở đây chỉ cần chút ít nguyên liệu là có thể làm cho cuộc sống trở nên đẹp đẽ. Chúng chẳng kém cạnh gì bọn anh hùng phản trào lưu, hơn nữa chúng nói ít, làm nhiều, hết sức cố gắng, truyền bá ý nghĩa và nhiệt tình cuộc sống thực tế. Từ cuối những năm sáu mươi đến nửa đầu những năm bảy mươi, nếu đi qua phố Hoài Hải đều có thể cảm nhận được nhịp đập của trái tim sống động dưới đáy đời sống chính trị giả dối, rỗng tuếch. Dĩ nhiên, cần xem kỹ, xem đuôi tóc hơi uốn cong của mái tóc bằng bặn, cái cổ áo sơ-mi bên trong áo khoác màu xanh, và cả cách quàng khăn, bông hoa trên dây giày thật khéo léo, thật công phu, làm cảm động lòng người. Lý tưởng của Vi Vi là, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ đi làm người bán hàng ở quầy bán áo len. Thật ra, hồi đó mọi sự lựa chọn đều rất hạn chế, Vi Vi không phải là con người có tham vọng cao xa gì, thậm chí không phải là con người thích suy tính, tưởng tượng đến tiền đồ tương lai của mình, ý chừng được đâu hay vậy. Về điểm này Vi Vi không như mẹ, dĩ nhiên còn do sự hạn chế của thời đại. Tóm lại, Vi Vi chỉ là cô gái rất mực bình thường của phố Hoài Hải, không tinh khôn mà cũng không phải là người lạc hậu, thuộc lớp quần chúng, đám người đông đảo nhất.
Chuyển biến lịch sử năm 1976 đem lại những thông tin cho Vi Vi và các bạn cùng trang lứa, đó cũng là phạm trù mỹ học của đời sống. Chiếu phim cũ là một chuyện, đi giày cao gót là một chuyện, uốn tóc là một chuyện khác. Dĩ nhiên Kỳ Dao phải uốn tóc. Không rõ kỹ thuật của thợ uốn tóc làm khác lạ hay là quen nhìn mái tóc để thẳng và không quen mái tóc uốn cong, ở hiệu làm đầu về, nàng rất buồn. Đầu tóc mới làm như ổ gà, không gọn gàng, hơn nữa trông cũng già đi. Kỳ Dao chải thế nào cũng không được, thầm trách mình chỉ mua việc, trách hiệu làm đầu không có thợ giỏi. Thật ra, Vi Vi cùng bạn cũng đi sấy đuôi tóc và uốn tóc phía trước trán rất gọn ghẽ, làm tăng vẻ đáng yêu. Vi Vi về nhà rất vui, nhưng không ngờ mẹ lại bảo giống “chị hai” Tô Châu ngày xưa. Vi Vi bị giội nước lạnh nhưng vẫn không tức, biết mấy hôm nay mẹ đang bực với mái tóc uốn hỏng, cứ để mẹ nói, không cãi lại, chẳng những thế còn cuộn tóc, chải tóc lại cho mẹ, để mẹ thấy ưu thế của mình trong gương. Kỳ Dao nghĩ, nhà Phật gọi tóc là những sợi phiền muộn đầu óc cũng rất có lý. Đúng là ngàn vạn sợi tóc làm nhức đầu! Mấy hôm sau, Kỳ Dao lại đến hiệu làm đầu dứt khoát cắt tóc, cắt ngắn, làm kiểu khác, hết sức mốt. Ra khỏi hiệu làm đầu mới thấy trời xanh, nắng vàng, gió nhẹ mơn man. Vi Vi nhìn mẹ, thấy mình đúng là “chị hai” Tô Châu, bực lắm! Lại đến lượt Kỳ Dao chải đầu cho con gái. Nhưng vì sẵn có thành kiến, Vi Vi thấy sự góp ý của mẹ không ra sao, cố ý làm cho mình xấu đi. Kỳ Dao nói gì, Vi Vi đều cãi lại. Cuối cùng, nàng bực mình bỏ đi, Vi Vi soi gương, khóc. Lần ấy, ba ngày liền hai mẹ con không nói với nhau một lời, ra vào như không trông thấy nhau.
Năm sau, thế giới trang phục bắt đầu phồn thịnh, nhiều kiểu mới xuất hiện trên đường phố. Cứ theo lời những người lớn tuổi thì những kiểu mới đều có thể tìm thấy nguồn gốc trong các kiểu cũ. Kỳ Dao rất tiếc cho hòm đồ cũ của mình, những thứ cho là không mặc được bây giờ lại có dịp tái xuất, nhưng cái thì bán, cái thì rách. Nàng cứ phàn nàn tiếc rẻ, còn Vi Vi thì mặc kệ, vẫn chịu khó nghe mẹ phàn nàn. Nghe mẹ miêu tả từng kiểu áo quần, sẽ mặc chúng vào lúc nào, lại thấy mẹ mở hòm đem ra phơi phóng, Vi Vi thấy mẹ đã để mất những ngày đẹp nhất, mà những ngày đẹp lại đang vẫy gọi mình. Vi Vi chạy theo, hưởng ứng lời kêu gọi của thế giới mới. Vi Vi cùng bạn học lượn đến mòn gót ở các cửa hiệu thời trang, các cửa hàng bán đồ may sẵn của thành phố. Thời gian học của Vi Vi và các bạn không bằng thời gian bàn về áo quần. Phim ảnh nước ngoài còn là cẩm nang thời trang được các cô xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần. Nhưng khi các cô gái này ra khỏi thế giới thời trang vốn rất đơn điệu, sơ sài, đối diện với một thế giới thời trang phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc, rối mắt, lại cảm thấy khó xử, không biết lựa chọn thế nào, không biết thế nào là thích hợp. Những người có năng khiếu lại rất nhanh chóng định hướng, đi đầu về mốt, đóng vai trò tiên phong. Những người năng khiếu thường thường như Vi Vi khó tránh khỏi đi đường vòng, phải trả giá. Thật ra Vi Vi chịu nghe mẹ, có thể kịp thời đi đúng quỹ đạo, theo kịp bước chân của mốt. Nhưng Vi Vi lại tỏ ra trái với ý mẹ. Mẹ nói đằng đông thì đi đằng tây. Kể ra, Vi Vi phải tốn quá nhiều công sức để có những bước tiến về mặt trang phục. Vậy mà vẫn không tránh khỏi thất bại. Cứ vài ba hôm, chỉ vì đòi tiền may áo quần mà Vi Vi lại giận mẹ; áo quần may không vừa ý cũng cáu với mẹ; thấy mẹ đưa những trang phục trong hòm đồ cũ ra sửa chữa chút đỉnh và trở thành những thứ hợp thời trang, cũng bực với mẹ. Trong quá trình chạy theo mốt, Vi Vi phải trả giá bằng tiền và tình cảm, bước đi thật vất vả.
Tuy nhiên, bất cứ việc gì cũng đều sợ hai chữ kiên nhẫn, năm sau Vi Vi đã tìm được cho mình con đường thích hợp. Cứ nhìn Vi Vi thì biết thành phố đang thịnh hành mốt nào. Một khi Vi Vi chấp nhận trào lưu nào thì tâm trạng vô cùng thoải mái. Vi Vi rất có khả năng phân biệt thứ mốt nào là thật, thứ nào là giả, phải theo kịp mốt nếu không sẽ bị lạc hậu. Cứ nhớ lại năm trước có trăm ngàn ý thích, làm rối tung, rối mù cả lên. Đừng xem thường tâm trạng thoải mái khi hội nhập được với trào lưu, đó là tâm trạng bình thường, đêm ngày nó nâng đỡ con người, phồn hoa của thành phố này cũng được nó nâng đỡ. Tâm trạng bình thường ấy rất hiểu thời thế, dự đoán được mọi đổi thay, sáng mắt sáng lòng, bởi thế nó như cây xanh, vĩnh viễn không bị huỷ diệt. Vi Vi tốt nghiệp trung học, không đi bán áo len mà vào họ c ở một trường y tế. Trường ở ngoại thành, mỗi tuần về nhà một lần. Trường này học sinh nữ nhiều, học sinh nam ít. Con gái sống với nhau không khỏi ghen tị, không cô nào chịu thua cô nào, đua nhau mua sắm áo quần, giày dép. Mỗi thứ bảy về nội thành, cứ như học bù, cánh con gái lại đua nhau đi phố. Kỳ Dao đã hạ biển tiêm thuê, chỉ ở nhà đan len kiếm sống. Việc không nhiều, người ít, dạo này một số thanh niên đi lao động dài hạn ở nông thôn về, nên người nhiều thêm, việc ít đi, thu nhập cũng tự nhiên giảm bớt. Để có tiền cho con gái mua sắm và cũng để có thêm chi tiêu, nàng phải dùng đến tài sản của ông Lý để lại. Chờ lúc con không có nhà, Kỳ Dao mở hòm, lấy dây chuyền ra, đem đến Ngân hàng Trung Quốc để đổi lấy tiền. Nàng ngậm ngùi nghĩ, khi không có ăn cũng không đụng đến khoản tiền này, bây giờ có ăn có mặc lại phải dùng đến nó. Đã dùng một lần, lần thứ hai khó mà giữ nổi, khác nào rụng một cái răng sẽ còn rụng tiếp cái thứ hai, bất giác cảm thấy trống vắng. Nhưng mà phố phường đang giơ tay đòi tiền, nàng qua được hôm nay nhưng liệu có qua được ngày mai không? Thế giới hôm nay trong mắt nàng là thế giới cũ, là ôn lại giấc mơ xưa, không như thế giới mới trong mắt Vi Vi. Biết bao nhiêu niềm vui đã mất, lúc này lại về. Niềm vui trong lòng Kỳ Dao vượt trội Vi Vi, bởi hiểu được giá trị và ý nghĩa của niềm vui hơn con gái.
Kỳ Dao không cho con biết chuyện dây chuyền vàng, giá như con gái biết chuyện, thì không biết nó sẽ mua áo quần như thế nào! Cho nên, Vi Vi xin tiền, Kỳ Dao không cho. Lúc ấy Vi Vi sẽ nghĩ đến bố, sẽ nghĩ nếu có bố có thể mua được nhiều áo quần hơn. Ngoài ra, Vi Vi chưa bao giờ thấy cần phải có bố. Từ khi Vi Vi còn bé, Kỳ Dao nói với nó bố chết, Kỳ Dao cũng nói với người khác như thế. Khi Vi Vi bắt đầu hiểu biết, trong nhà không còn có khách đàn ông đến nữa, khách nữ cũng rất ít, ngoại trừ bà Nghiêm ở số nhà 74 cùng hẻm. Tuy có bà ngoại, nhưng cũng ít đến, mỗi năm đến một lần. Cho nên, cuộc sống của Vi Vi rất đơn giản. Bề ngoài trông Vi Vi lớn hơn tuổi, nhưng nội tâm vẫn rất trẻ con, ngoại trừ trang phục còn chẳng hiểu gì về nhân tình thế thái. Điều này không thể trách Vi Vi, vì có ai dạy cho đâu. Âu cũng là trường hợp ngoại lệ của con gái phố Hoài Hải. Con gái phố Hoài Hải có chút láu lỉnh tinh khôn, chúng tận mắt trông thấy sự phồn hoa của thành phố, nhưng lại thuộc tầng lớp trung lưu, tất nhiên không đành lòng, phải tìm mọi cách để có bằng được là điều không có gì phải nghi ngờ. Những người ở khoảng giữa phố Hoài Hải phồn hoa phần lớn dư ăn thừa mặc; lùi về phía tây, cửa hiệu thưa thớt, phố xá vắng vẻ, không huyên náo, là một thế giới toàn những chung cư cao cấp và biệt thự có vườn hoa. Đó mới thật là chủ nhân của phố Hoài Hải, là ước mơ của cánh con gái ở khoảng giữa phố. Vi Vi không suy nghĩ nguồn gốc, chỉ duy nhất là về xin tiền mẹ. Thậm chí chưa bao giờ nghĩ được mình xin tiền mẹ, mẹ xin tiền ai. Có những lúc nàng than vãn với con gái, Vi Vi lại khóc vì gia cảnh túng bấn. Nhưng rồi quên ngay, lại tiếp tục xin tiền mẹ. Mỗi khi xin được tiền, cô vui không còn nghĩ được tiền ở đâu ra. Bởi thế, chỉ cần Kỳ Dao không nói, V i Vi không thể nào biết chuyện dây chuyền vàng.
Đã đến ngày phơi đồ, áo quần Vi Vi cũng cả đống. Từ cái áo len hồi còn bú cho đến cái quần loe năm ngoái, thật giống như ve lột xác vậy. áo quần là xác ve của con gái ở thành phố này. Tuổi tác của các cô gái được thể hiện ở trang phục, trái tim trong trang phục nhiều khi không lớn nổi. Kỳ Dao lật giở cẩn thận áo quần để xem có hỏng không. Sáu phần mười áo quần còn mới, bỏ không mặc chỉ vì lạc mốt. Kỳ Dao thu cất cho con gái, vì biết rằng sau một thời gian lại trở thành mốt mới. Đó là quy luật của mốt, là luật tuần hoàn. Về mốt, nàng có khá nhiều kinh nghiệm, dù có thay đổi trăm khoanh tứ đốm thì cái áo phải có cổ và hai ống tay, đâu có thể cải biên thành hai cổ, ba ống tay? Tóm lại, cũng chỉ quanh đi quẩn lại mấy kiểu thế thôi. Kỳ Dao cảm thấy có lúc chu kỳ kéo dài, phải kiên nhẫn chờ, tuổi tác thì không chờ. Cái xường xám gấm màu phấn hồng kia, ngày ấy Kỳ Dao mặc đẹp biết bao, mặc lên trông thật kiêu sa lộng lẫy. Nhiều năm nay cất tận đáy hòm, nàng chờ ngày lấy ra mặc, ngày ấy đã đến gần, nhưng sẽ mặc thế nào đây? Những việc ấy không thể nghĩ nhiều, nghĩ nhiều thì khóc mất. Ngày của người con gái kỳ thực không thể chịu đựng nổi. Qua rồi sẽ không cảm thấy, qua rồi nhìn lại, đã mười năm, hai mươi năm rồi ư? Phơi phóng áo quần thường khiến lòng buồn bã, mỗi chiếc áo cũ đều là dấu ấn thời xa xưa, áo bị nhậy cắn, hư hỏng, thời gian càng đẩy lùi xa hơn.
Một lần, Kỳ Dao bảo Vi Vi mặc thử cái xường xám ấy, cuộn tóc của con lên như mình hồi nào. Vi Vi mặc xong xuôi, đứng trước mặt, nàng bỗng bâng khuâng, buồn như mất hồn. Nàng không thấy mình năm xưa mà là Vi Vi đã lớn. Vi Vi cao lớn hơn mẹ, mặc cái áo ấy vào chật và ngắn. áo để lâu năm, mặt vải ố vàng, rõ là áo cũ. Vi Vi đứng trước gương ngắm nghía, khom mình, mỉm cười, nhìn mãi vẫn không giống mình. Chiếc xường xám cũ không thể nào làm cho Vi Vi trở thành một thục nữ, mà chỉ tôn nét tươi tắn trẻ trung, tự do thoải mái từ trong nếp áo kia. Vi Vi uốn éo kỳ quái, tự vui với mình. Vi Vi cởi tấm áo ra, Kỳ Dao không gập lại mà cứ thế nhét vào hòm. Mấy bận mở hòm, nàng gạt tấm áo sang một bên làm như không trông thấy, và quên dần.
2 Thời của Vi Vi
Cứ như Kỳ Dao nhận xét, trong con mắt Vi Vi, Thượng Hải đã thay đổi. Tiếng xe điện là tiếng lòng của thành phố, nay cũng không còn. Ngày nay, trong cái ồn ào của thành phố, không còn nghe thấy tiếng “leng keng” dẫn đầu ấy nữa. Đường ray tàu điện cũng đã bóc đi, lớp gỗ lim lát vỉa hè đường Nam Kinh đã lột bỏ từ hai mươi năm trước, được thay bằng xi-măng. Những kiến trúc kiểu Gothique bên bờ sông Hoàng Phố, tường gạch đen đúa, cửa sổ phủ một lớp bụi dày. Nước sông mỗi năm một bẩn, tiếng sóng vỗ chân đê giảm bớt. Đừng nói đến sông Tô Châu, đứng cách dòng sông này một quãng xa còn ngửi thấy mùi hôi, nước sông này có thể dùng làm phân bón được. Ngõ hẻm Thượng Hải càng u ám, mặt đất nứt nẻ, tường lở loét, đèn trong hẻm bị đám trẻ nghịch ngợm đập vỡ, cống rãnh tắc, nước bẩn lênh láng. Bụi phủ lên cả những cành lá trúc đào. Cỏ đuôi chó mọc trên tường, gạch vỡ, hạt dưa rơi vãi từ năm trước đã nẩy mầm. Những thứ đó chỉ là thứ yếu, quan trọng hơn là những thay đổi bên trong mỗi ngôi nhà. Hãy nói về những cao ốc trong khu chung cư, như có ngàn vạn binh mã chạy trong cầu thang, đá hoa lát bậc bị sứt mẻ, đừng trách người đi nhiều làm vỡ, mấy chục năm nước chảy đá phải mòn. Gạch hoa lát cầu thang còn như thế, cầu thang gỗ nhà trong hẻm càng tệ hơn. Bóng đèn dưới trần nhà ít ra là vỡ chao, những nét chạm khắc kiểu La mã giá như không có còn hơn có, có chỉ tổ cho nhện chăng và bụi bám; dây cáp thang máy lâu ngày bị han gỉ, máy móc không còn tốt nữa, thang lên xuống kêu cót két ầm ỹ; xin đừng đụng vào tay vịn cầu thang, bởi trên đó là bụi của mấy chục năm. Nếu leo lên sân thượng của cao ốc sẽ thấy thùng chứa nước cũng gỉ đen, nắp đậy bằng một mảnh giấy dầu bị mưa gió làm rách tả tơi. Trên mái nhà gió thổi ào ào, cuốn tung bụi đất. Trên này còn có nhiều thứ linh tinh không ai biết từ đâu tới. Bước qua những thứ đó, đến vịn tay vào lan can xây gạch nhìn xuống, có thể trông thấy tất cả sân thượng và mái nhà của thành phố này bị vỡ nát. Nhìn vào các cửa tò vò sẽ thấy những vách gỗ đã bị mối ăn ruỗng. Đẹp nhất là những vườn hoa Tây, không cần phải vào, cứ nhìn vào khuôn viên là có thể thấy sự biến đổi. Trong khuôn viên có bao nhiêu là sào phơi áo quần, ngay như một xưởng giặt cũng chỉ nhiều sào phơi đến thế là cùng. Bếp ở giữa những bồn hoa, ban công hình bán nguyệt được chia đôi, mỗi bên là một bếp. Nếu vào nhà tưởng như lọt vào một mê cung. Nhất là về đêm, hai mắt tối không trông thấy gì, nhưng âm thanh hai bên tai rất phong phú, tiếng mỡ xèo xèo, tiếng nước sôi ùng ục, tiếng trẻ con khóc, tiếng hát vang ra từ máy thu thanh, những âm thanh từ bốn phương tám hướng, từ phải, trái, trên, dưới quây lại. Chỉ cần giơ tay là đụng tường, xoay người đụng vách, mùi dầu mỡ bốc ra từ mỗi kẽ tường. Không thể sờ tay, hễ sờ là dính dầu mỡ. ở đây đã thay đổi, trước kia là ngôi nhà sang trọng, bây giờ nhỏ bé chật chội. Kiểu kiến trúc thuở xưa mất nhiều công sức thiết kế, phong cách trang trí độc đáo, ngày nay không còn có gì để nói.
Bên trong nhà của các hẻm còn khả dĩ, về cơ bản vẫn như cũ. Nhưng xét ra thì không như thế. Đồ đạc cũ hỏng chất thành đống ở hành lang, ở chiếu nghỉ cầu thang của mỗi ngôi nhà. Đó là những thứ quanh năm suốt đời không bao giờ dùng đến. Bỏ thì thương, vương thì tội. Những đồ đạc cũ ấy như có cuộc sống, sống dai dẳng, đầu tiên nó bò lan trên mặt đất, dần dần leo lên trần nhà, có lúc bám chặt, có lúc buông thõng rất nguy hiểm, không cẩn thận sẽ đụng đầu. Cứ nhìn chúng là có thể biết nó đã ở đây bao nhiêu năm rồi. Sàn nhà này bàn chân cũng đã từng giẫm lên, ván sàn đã rệu rã, phần lớn thùng phân đều bị rỉ nước hoặc được gắn lại; dây điện trong tường lòi cả trăm ngàn đầu mối ra ngoài; khoá cửa cũng hỏng, xoay cả chục vòng không mở được cửa. Nếu cửa sổ bằng gỗ thì khó tránh khỏi bị xô lệch, đóng không chặt, hoặc nếu đóng chặt thì rất khó mở. Tất cả đều bị năm tháng xâm thực. Phía trong nhà các hẻm đã tiều tụy lắm rồi, bởi rất kiên nhẫn mới khắc phục nổi, không để nó tung ra. Nhưng mà, còn tung vào đâu nữa nhỉ?
Trong con mắt Kỳ Dao, thời của Vi Vi cũ kỹ và rối rắm chỉ là thứ yếu, trở nên thô lỗ mới là chủ yếu. Chỉ trong một thời gian ngắn trên đường phố xuất hiện không biết bao nhiêu người nói những lời tục tĩu, lại còn nhổ bậy xuống đất nữa chứ. Đường phố ngày chủ nhật càng kinh hãi hơn, người đi như nước, nói to, cứ như không cẩn thận là có thể ngã xuống biển. Qua đường cũng thật đáng sợ, xe đạp lao như con thoi, ô tô cũng phóng như con thoi, mỗi bước đi thật khó khăn. Thành phố này đổi thay giống như bão táp, tất cả những gì gọi là tao nhã đều bị quét sạch. Đi tàu, đi xe, mua hàng, tắm giặt, cắt tóc... người chen chúc, giành giật. Lại có lúc chửi nhau, đánh nhau, thật kinh hồn. Có mấy đường phố yên tĩnh, nhưng đi dưới bóng cây cũng không yên tâm, buổi sáng yên tĩnh đấy, không biết buổi chiều ra sao, được ngày nào biết ngày ấy. Ăn uống trong các nhà hàng Âu cũng không còn như xưa, ly, đĩa đều sứt mẻ, những dụng cụ nhà bếp thì như hai chục năm không rửa, cháy nồi đóng thành lớp dày. Tạp dề của nhân viên nhà bếp cũng chừng hai chục năm không giặt, được nhuộm màu dầu mỡ. Sữa thì để qua đêm, salad khoai tây có mùi thum thủm, đệm da ghế tàu hoả được thay bằng da nhân tạo, hoa tươi trong lọ được thay bằng hoa nhựa. Bánh kem như được phù phép, không còn giống bánh kem, mà ở đâu cũng như nhau. Nhà hàng ăn Trung Quốc thì mỡ lợn và mỳ chính là chủ lực, ngon đến khiếp hãi. Khăn tay nóng và vẻ mặt tươi cười của các cô phục vụ bàn được tính cả vào giá thức ăn. Cơm thịt lợn cao lâu Vinh Hoa không nhão thì cũng khê, bánh trôi nhà hàng Kiều Gia không teo tóp thì cũng thiếu mất nhân. Bánh Trung thu thì nhiều màu nhiều vẻ đấy, nhưng độc một loại nhân đỗ, đỗ không đãi vỏ. Đồ tây mặc thế nào cũng bị lùng bùng ở vai và lưng, cà-vạt làm bằng thứ vải vớ vẩn, vậy mà người mặc cũng đầy phố. Mái tóc dài của các cô gái bởi không thường xuyên chăm sóc nên cứ xác xơ. Gót giày chỉ biết cao lên mà không tính nguyên lý lực học, bởi vậy mười đôi có đến chín đôi bị vẹo, đi vào chân cứ run lẩy bẩy như đi cà kheo. Cái gì tốt cũng không thể lạm dụng, không xấu cũng trở nên xấu. Kỳ Dao cảm thấy ngày nay phố xá đầy những thứ áo quần giày dép kỳ dị, muốn mặc đẹp cũng không có mà mặc, cứ độc một màu xanh như thời cách mạng văn hoá còn hơn, đơn điệu thì đơn điệu một thể, ít ra còn có chút trang nhã, giản dị.
Đường phố Thượng Hải thật sự khó coi. Mấy năm trước bị dồn nén, bây giờ bung ra thì như thế, hò hét ầm ỹ, như có gì bức bối, bực mình. Cứ bảo cái gì cũng được khôi phục, cái gì cũng được trở lại, trở lại chẳng như cũ mà là một thứ khác lạ, chỉ giông giống, đại khái. Đèn nê-ông lại sáng, nhưng đêm bây giờ không giống xưa kia, các biển hiệu hàng truyền thống, hàng nổi tiếng đều được treo lên, nhưng hàng không phải hàng ngày xưa. Đường phố cũng đổi tên, người đường phố không phải là người xưa. Dù thế nào đi nữa cũng là thời vui vẻ của Vi Vi. Liệu có ai không vui với thời đại của mình? Không được quyền chọn lựa, không vui cũng phải vui, một khi bỏ lỡ thì không còn. Vi Vi cũng không tiếp thu một thứ tư tưởng dị đoan nào, mà chạy theo mọi chiêu thức của thời đại. Mọi con người của thành phố này hồ như đều đi theo thời đại, thậm chí còn hùa theo nó. Bởi vậy, trào lưu thời đại tỏ ra mạnh mẽ, phô trương thanh thế. Vi Vi không thỉnh thoảng cạnh khoé chê bai như mẹ, không biết mẹ còn điên đến mức độ nào mới thôi. Cô chen chúc trong đám người trên đường phố, lòng tràn đầy niềm vui, cảm thấy mình sinh ra rất gặp thời. Vi Vi thấy bóng mình trong tủ kính, cũng là hình bóng của mốt. Vi Vi rất vui, mọi điều không vui đều dồn cả cho mẹ. ở nhà có cáu bực điều gì, ra phố là vui ngay. Vi Vi giống như chủ nhân của đường phố, có quyền ăn nói. Trên đường phố Vi Vi rất xem thường người tỉnh lẻ, thậm chí rất khinh. Trong con mắt Vi Vi, làm người tỉnh lẻ là điều rất - rất bất hạnh. Bởi thế, thoả mãn với thời đại của mình rồi, Vi Vi còn vô cùng tự hào vì thành phố của mình. Vi Vi nói toàn thứ ngôn ngữ vỉa hè, về nhà nói mẹ không hiểu một câu nào, trong đó toàn là những lời lẽ thô tục, phải bịt tai lại. Ngoài phố Vi Vi không bao giờ chịu thua thiệt ai, ai vô ý dẫm lên chân cô thì liệu hồn. Nếu là người tỉnh lẻ dẫm lên chân Vi Vi thì phải biết. Không ai dám chạm vào những người con gái ở độ tuổi như Vi Vi. Các cô gái này không xem ai ra gì, ở đời này không ai bằng mình, lời lẽ thì chanh chua. Nhưng gặp những kẻ vô lại thích gây sự, thì thôi, tìm đường chuồn sớm. Bởi vậy, các cô gái này thường đi thành nhóm dăm ba người. Nếu có bạn trai, các cô gái ấy tỏ vẻ nghênh ngang, lấn át, đúng là trời không sợ, đất không sợ.
So với lớp trước, thời của những cô gái thời thượng nghênh ngang trên đường phố như Vi Vi còn kỳ lạ hơn một điểm nữa là hay ăn. Cứ nhìn kỹ các cô ấy mà xem, nhất được nhì thua, miệng thì nhai, mặt đầy vẻ hưởng thụ. Răng thì sắc, cắn ngập hai lớp vỏ dưa. Lưỡi rất tinh, có thể phân biệt đủ vị. Dạ dày rất khoẻ, mỗi ngày ăn ba bữa có dư, còn trăm ngàn thứ của ngon vật lạ nữa. Thật ra, các tiểu thư ngày trước cũng hay ăn, nhưng vì ngượng, bây giờ thì thực tế hơn nhiều. Bởi vậy, hay ăn càng làm các cô thêm đáng yêu. Nếu trong rạp chiếu bóng có tiếng tí tách như chuột ăn đêm, ấy là âm thanh thời thượng của các cô gái ngày nay. Các cô gái ngày nay không biết lễ độ, cũng không biết giả dối, tính tình phóng khoáng. Nếu bạn không kênh kiệu, chịu chấp nhận vẻ mặt lạnh lùng của các cô gái, chẳng cần lâu, chỉ trong chốc lát là có thể làm bạn và trao đổi những điều tâm đắc về mốt với nhau. Những cô gái thời thượng ngày nay còn một đức tính nữa là thích ồn ào. Các cô đi đến đâu đều râm ran chuyện tâm tình, lại hay cười. Những chuyện tâm tình không thích nói ở nhà, phải đem ra ngoài để nói, để người khác có thể nghe được nửa câu chuyện của mình. Miệng các cô đã hay ăn lại còn hay nói. Những chị giúp việc ngày trước cũng không hay chuyện bằng các cô gái ngày nay. Các cô vừa ăn vừa nói, miệng lưỡi bận túi bụi. Nhưng chuyện của các cô không có gì là hệ trọng, chuyện nói cũng như không, nói rồi chẳng nhớ được câu nào. Thật ra, các cô gái thời thượng ngày nay có trái tim chân thành, mộc mạc, tính tình ngay thẳng như người nhà quê, nhận rõ con đường thời thượng, không theo không cam tâm.
Ngày nay, phong trào khiêu vũ đang lên, nhìn phong trào này lúc mới bắt đầu không khỏi cảm động. Người khiêu vũ rất xấu hổ, kiên quyết đấu tranh với tâm lý sợ Âu hoá. Có những lúc đã kết thúc mấy bản nhạc rồi mà vẫn không có người ra sàn nhảy. Mọi người ngồi quanh chân tường, nhìn sàn nhảy bằng cặp mắt nghiêm túc và thích thú. Có ai đó ra nhảy, người ngồi chung quanh lại cười ồ cả lên, tiếng cười xua tan sự hâm mộ. Những buổi khiêu vũ thường do các đơn vị tổ chức, muốn khiêu vũ thường xuyên phải có quan hệ rộng, dần dần kết bạn với những người cùng ý thích. Họ đem theo chiếc cassette đang thịnh hành, tìm một căn phòng trống trải nào đấy là có thể cùng nhau khiêu vũ. Những vũ hội kiểu ấy đúng là chạy theo phong trào, không có bất cứ một ý nghĩ sai lệch nào khác, chỉ cần nhìn những bước nhảy nhẹ nhàng, nghiêm túc là có thể hiểu được. Thời thượng hồi cuối những năm bảy mươi, đầu những năm tám mươi đều thật thà như thế.
3 Bạn gái của Vi Vi
Vi Vi có mấy người bạn gái thân, học cùng lớp, cũng là bạn đi chơi phố. Phố Hoài Hải có gì mới là các cô thông báo cho nhau ngay. Các cô khuyến khích và giúp nhau không để ai bị lạc hậu với bất cứ trào lưu mới nào. So bì với nhau, không tránh khỏi ghen tị là điều tự nhiên, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến tình bạn, hơn thế còn thúc đẩy chí tiến thủ của nhau. Xin đừng cho đó là những cô gái không hiểu biết, chỉ chạy theo mốt. Sau một thời gian dài cố gắng tự thân vận động, các cô đã tích lũy được cho riêng mình những quan niệm về mốt. Các cô thường tụ tập bàn luận, nếu không, làm sao có thể giải thích được tại sao các cô ấy nhiều chuyện đến thế? Nếu ghi âm và chỉnh lý những buổi nói chuyện của các cô gái, chắc chắn sẽ được một cuốn sách tra cứu dự đoán về mốt, phản ánh tư tưởng biện chứng giản đơn. Theo nguyên tắc phản biện, các cô dự đoán tiến trình của mốt. Ví dụ, hiện tại đang thịnh hành màu đen, tiếp theo sẽ là trắng; hiện tại thịnh hành dài, tiếp theo là mốt ngắn; vẫn là thái cực này sang thái cực khác. “Cực đoan” là tinh thần của mốt mà các cô đã tổng kết, rút ra. Mốt sẽ thu hút sự chú ý của quần chúng, luôn luôn là ngọn cờ dắt dẫn, bởi thế nó mang tinh thần độc đáo. Sau đó, mâu thuẫn nảy sinh, các cô làm thế nào để giữ tính độc đáo trong trào lưu chung? Các cô gái thảo luận kỹ lắm, nếu kiên nhẫn miệt mài thì đã trở thành triết gia.
Trong đám bạn gái của Vi Vi, Trương Vĩnh Hồng là bạn học được Vi Vi tôn sùng nhất. Có thể nói Vĩnh Hồng đạt đến giới hạn độc đáo của mốt, là người nổi bật nhất trong đám bạn gái. Hồng có khả năng hiểu mốt đến mức siêu phàm thoát tục, khiến bạn không thể không tin cô gái này có thiên tính thẩm mỹ cực tốt. Vĩnh Hồng có thể làm cho mốt trên người đạt đến mức tuyệt vời, đi giữa một trăm, một ngàn cô gái mốt nhất thì cô ta vẫn là người trội hơn cả. Vậy mà cô ta không có gì ngược với mọi người, không tỏ ra lập dị. Vĩnh Hồng vẫn với thái độ xuôi chiều, đẩy mốt đến đỉnh cao nhất. Mốt trên đường phố của thành phố này may mắn có được người con gái như Vĩnh Hồng mới bảo đảm được bộ mặt đẹp nhất. Bởi những người khác chỉ có tác dụng phá phách, làm cho mốt bị biến dạng đi mới chịu thôi. Các bạn không thể không ghen tị với Vĩnh Hồng, cảm thấy cô đã giành hết phần hơn, nhưng trong lòng không thể không bái phục, bởi có thể học ở Vĩnh Hồng rất nhiều, vì vậy bề ngoài vẫn giữ quan hệ tốt với Hồng. Vĩnh Hồng biết nhiều, nên tỏ ra kiêu căng, không xem ai ra gì, nhưng lại rất nể Vi Vi, thậm chí còn có phần nịnh Vi Vi. Dĩ nhiên nịnh có ý như để ban ơn. Điều này cũng thật đơn giản, người được thoả mãn cũng sợ bị cô độc, cần phải tìm ai đó để làm bạn. Vĩnh Hồng chọn Vi Vi tuy không cân nhắc rõ ràng, nhưng sự thôi thúc của bản năng có lý riêng của nó. Tâm địa Vi Vi cũng trong sáng, không có gì thâm hiểm, Vĩnh Hồng nhìn ngay ra đó là một người bạn tốt nhất. Vi Vi thấy Vĩnh Hồng tốt với mình, vui mừng vì được chiều chuộng. Vi Vi là cô gái có nội tâm mềm yếu, kẻ thù ở đời này là mẹ, ra khỏi cửa đều là bạn bè, ai cũng phải lấy lòng, kể cả Vĩnh Hồng tài năng xuất chúng. Đi với Vĩnh Hồng, Vi Vi thấy mình được thơm lây, Vĩnh Hồng xuất chúng thì mình cũng được xuất chúng theo.
Nhưng, Vĩnh Hồng một con người sang trọng như thế, phải sống trong một gia đình không thể ngờ được, đúng là một điều kỳ lạ đáng kinh nể của những người ở đoạn giữa phố Hoài Hải. Hai bên đường phố phồn hoa này có nhiều phố nhỏ cắt ngang. Những phố cắt ngang này có phố tốt như phố Tư Nam thông với một khu đầy bóng mát, yên tĩnh. Đó là nơi yên tĩnh trong cảnh ồn ào, có nhiều ngôi nhà nhỏ suốt ngày đóng cửa, đừng nghĩ rằng trong đó không có ai ở. Trong đó là những kẻ phàm phu tục tử không thể tưởng tượng nổi, những gì huyên náo phồn hoa phía trước không thể so sánh nổi. Nếu đem so sánh, cảnh phồn hoa kia không thể không khiến người ta cảm thấy khoe khoang, không như mọi người vẫn nghĩ. Có nó, sự hoa lệ của đoạn giữa phố Hoài Hải nhìn thế nào cũng mang màu sắc đại chúng, đi theo đường lối quần chúng. Nếu nhận thức được điểm này rồi đi xem những phố nhỏ cắt ngang, bạn nên có sự chuẩn bị. Phố điển hình nhất của những phố nhỏ cắt ngang là phố Thành Đô, một phố dài chạy theo hướng nam bắc. Nên nhớ rằng, những phố lớn của Thượng Hải đều chạy theo hướng đông tây, bởi thế phố Thành Đô cắt ngang nhiều phố lớn. Tuy nhiên, nó vẫn không tiêm nhiễm không khí hư vinh của những phố hoa lệ, bởi nó vững chắc như thành đồng vách sắt. ở đó, cuộc sống vững như bàn thạch. Bạn chỉ cần hít thở mùi vị nơi này là đủ biết. Đó là mùi chợ búa, mùi tanh của cá, mùi ôi của thịt, mùi rau nẫu, mùi chua của các loại chế phẩm từ đậu được bày trên khay gỗ, mùi hôi của chổi tre quét rác sau khi quét. Hãy ngước nhìn nhà cửa dọc phố, hầu hết là vách gỗ, giơ tay có thể với lên cửa sổ tầng hai. Những mái hiên bị nước mưa làm mục nát, đen bẩn. Dưới nhà là các hàng nhỏ, thường là quầy bán thuốc lá, kim chỉ. Không nên nhắc đến các hẻm, hầu hết quanh co, có nơi mặt đường rải đá, nhà cửa tự cơi nới. Bạn không thể nghĩ rằng, nhà cửa như nhà của nông dân đó lại có thể chen vào được trung tâm thành phố. Vào thời của Vi Vi, những nhà cửa như nhà nông dân ấy phần lớn được xây lại bằng xi-măng, điều này khiến cho bộ mặt của nó càng lộn xộn, hẻm càng chật hơn, người đi lại cũng khó khăn. Không thể ngờ được cảnh phồn hoa của đường Hoài Hải lại có thể đứng chân một cuộc sống như thế.
Phố Thành Đô gập ghềnh dằng dặc, ở quãng giữa hai phố Hoài Hải và Trường Lạc, bên đường có một ô cửa nhỏ, tuy mở thường xuyên, nhưng ít người chú ý. Thứ nhất, bởi nó nhỏ; thứ hai, trong nhà tối om. Nếu như đứng ở cửa một lát, thì có thể ngửi thấy mùi lạ. Rõ ràng đó là mùi thuốc tẩy da, không hiểu vì sao lại thế, thật ra đó là mùi vi khuẩn bệnh lao. Bên trong cửa tối om, phía sau nhà không có cửa sổ, một chút ánh sáng lọt qua cửa sổ phía trước được che bằng một mảnh vải hoa đã bạc màu. Nếu bật đèn có thể trông thấy nhà chật chội không thể nào chật hơn, giày cũ hoặc các bộ phận của giày chất thành đống. Ngồi giữa nhà là một người thợ giày, đó là bố của Vĩnh Hồng. Ngay cửa ra vào là một cầu thang vừa hẹp vừa dựng đứng, không có tay vịn, đi thẳng lên gác hai. Nói là gác hai nhưng thực ra đó chỉ là một ngăn gác xép, chỉ ở giữa nhà mới đứng thẳng lên được. Trên gác xép là hai người ốm đang nằm, một người là mẹ Vĩnh Hồng, một người nữa là chị Vĩnh Hồng. Cả hai đều bị lao phổi. Nếu Vĩnh Hồng đi khám, biết đâu cũng là một người bị bệnh lao. Da Vĩnh Hồng trắng đến kỳ lạ, tưởng như trong suốt, chừng hai, ba giờ chiều trở nên hồng hào, chẳng khác nào hoa đào. Bởi từ nhỏ thiếu ăn, phải bóp mồm bóp miệng nên bây giờ Vĩnh Hồng rất biếng ăn, mỗi bữa chỉ ăn như mèo, lại rất sợ thịt cá. áo quần mặc trên người đều do Hồng tự kiếm được: gỡ sợi thuê, nhận đưa trẻ đến trường, kèm trẻ học cho đến khi bố mẹ của chúng về. Vĩnh Hồng không thiếu tiền, nhưng tuyệt nhiên không mua một thứ gì cho mình ăn. Lần đầu tiên Vi Vi đưa Vĩnh Hồng về nhà, Kỳ Dao thấy ngay bệnh tình của cô ta. Kỳ Dao không cho con chơi với Vĩnh Hồng để tránh lây bệnh. Nhưng Vi Vi đâu có nghe mẹ, mẹ nói như nước đổ đầu vịt. Với lại, Hồng rất đẹp, vi khuẩn bệnh lao làm tăng thêm vẻ quý phái cho Hồng, che khuất dấu ấn thô thiển do cuộc sống thiếu thốn để lại. Vĩnh Hồng cũng làm nàng động lòng trắc ẩn, nghĩ đến câu nói “hồng nhan bạc mệnh” của người xưa. Kỳ Dao rất có cảm tình với cách ăn mặc của Vĩnh Hồng, cũng là mốt, nhưng ở Vi Vi ai bảo sao theo vậy, không có chủ ý riêng, nhưng ở Vĩnh Hồng tỏ ra rất có hiểu biết. Vậy là Kỳ Dao vẫn để cho con gái làm bạn với Vĩnh Hồng, nhưng không bao giờ giữ Hồng lại ăn cơm, Kỳ Dao cũng không lo Vĩnh Hồng giữ Vi Vi lại ăn cơm.
Vĩnh Hồng rất có ấn tượng về Kỳ Dao. Hồng hỏi Vi Vi mẹ làm gì, điều này Vi Vi không thể nào trả lời nổi. Hồng lại hỏi mẹ năm nay bao nhiêu tuổi, Vi Vi nghĩ rằng Hồng cũng như những người khác sẽ khen mẹ trẻ, trông cứ như chị mình. Không ngờ Vĩnh Hồng chỉ nói:
- Cậu thấy đấy, áo bông của mẹ cậu may kiểu nam giới, xẻ tà, vạt trái, rất mốt!
Nghe nói thế, Vi Vi không ghen như trước, ngược lại rất phấn khởi, rất cảm kích sự yêu mến của Vĩnh Hồng, cảm thấy ngượng, không biết nói gì hơn. Thấy Vĩnh Hồng kính nể và học mẹ, rất biết ơn Vĩnh Hồng. Tuy mẹ phản đối hai người chơi với nhau, cũng thấy khó xử khi đưa Hồng về nhà, nhưng với lòng biết ơn, Vi Vi không để ý nhiều, và cứ ba ngày hai lần lại bảo Vĩnh Hồng đến chơi. Vĩnh Hồng được mời thì cứ đến. Lâu dần cũng quen Kỳ Dao. Không quen nhau thì thôi, đã quen rồi Kỳ Dao lại trách sao mà biết nhau muộn thế, hai người có chung nhiều quan điểm. Hơn nữa, hai người rất hợp ý, không cần nói nhiều đã hiểu nhau. Vi Vi cứ ngây ra ngồi nghe. Ví dụ, có lần Vĩnh Hồng nói với Kỳ Dao:
- Cô ơi, cô mới thật sự mốt, chúng cháu chỉ là mốt giả tạo!
- Cô thì có gì gọi là mốt, toàn những áo quần cũ sửa lại.
- Đúng thế, cô làm cho mốt cũ thành mốt mới.
Bất giác, Kỳ Dao gật đầu:
- Đúng ra, tất cả các mốt đều là mốt cũ cải biên thành mốt mới.
Vi Vi cười, nói:
- Mẹ với bạn Hồng nói chuyện với nhau líu cả lưỡi lại!
Bởi thán phục bạn, Vi Vi trở nên tôn trọng mẹ, không còn việc gì cũng tỏ ra ngang bướng.
Khả năng thẩm mỹ của Vĩnh Hồng không được ai giáo dục chỉ bảo, mốt trên đường phố là sách giáo khoa duy nhất của Hồng, có thể độc chiếm vị trí đầu bảng trong trào lưu. Hồng còn rất trẻ, chưa qua bao nhiêu trào lưu mốt, tuy đã hơn người, nhưng vẫn còn hạn chế. Không thể tụt xuống hạng cuối cùng của mốt, nhiều lắm cũng không dưới hàng đầu, vẫn đứng trong hàng ngũ đông đảo nhất. Mọi việc ngày nay đã thay đổi. Kỳ Dao mở ra cho Hồng một thế giới mới. Vĩnh Hồng không nghĩ được rằng, xưa kia những người con gái thời thượng đã đạt đến độ huy hoàng rực rỡ. Các cô ngày nay cũng như mỗi thế hệ tuổi trẻ, cho rằng lịch sử bắt đầu từ họ. Vĩnh Hồng không như Vi Vi cố chấp, gàn dở; còn nàng làm Hồng thực sự tin phục, bởi Kỳ Dao hiểu rõ đâu là tốt, đâu là xấu. Ôi, bức tranh vũ y thấp thoáng, nghê thường thướt tha mới đẹp làm sao! Vĩnh Hồng may mắn gặp được Kỳ Dao, người thầy giỏi của đời mình. Kỳ Dao cũng vui mừng được gặp Vĩnh Hồng. Nàng phải im lặng đã bao lâu rồi? Không thể nào đếm nổi. Đừng nói điều gì khác, chỉ nói đến thời trang. Thời trang của mấy chục năm Kỳ Dao vẫn nhớ như in, không nhớ nhưng tự nó vẫn khó quên. Thời trang, nếu nói đó là hão huyền, hư vinh, nhưng vẫn không thể xem thường, nó cũng là tinh thần thời đại. Có điều, nó không biết nói, nếu biết nói nó sẽ nói lên những đạo lý lớn. Kỳ Dao miêu tả tỷ mỷ với Vĩnh Hồng về áo quần, giày mũ của các thời, trước mắt như hiện lên từng bức tranh mỹ nữ. Bất giác, Vĩnh Hồng xấu hổ, nghĩ: mốt của các cô ngày nay chỉ là số không của thời trước, bài học cần bổ sung quá nhiều. Vi Vi cùng nghe, nhưng không có cảm xúc như Vĩnh Hồng, mà vẫn thấy thời đại của mình là tuyệt vời, trang ph c mà mẹ miêu tả, trong đầu óc Vi Vi tựa như quần áo phường tuồng, thật buồn cười. Chờ cho những mốt ấy quay lại, đến trước mắt Vi Vi mới phục. Cô gái này không thấy áo quan, không tràn nước mắt. Vi Vi không chút suy nghĩ, chỉ nhìn trước mắt, quá khứ và tương lai với Vi Vi không có ý nghĩa gì.
Mốt của thành phố này hồi đầu những năm tám mươi mang tư tưởng cứ thế lao theo. Nó là sự hội nhập giữa hồi tưởng và trông mong, là đi hai chân. Nó trải qua một thời bị bóp méo và dồn nén, lúc này tư tưởng như đang đứng trước thời cơ giải phóng. Thật ra, lúc bắt đầu giải phóng, nó vẫn chưa biết nên đi theo hướng nào. Bởi thế, nó phải mò mẫm tìm đường. Tình cảnh trên đường phố có phần kỳ lạ, lực bất tòng tâm, như quá sự thực. Nhưng thật dễ nhận ra sự cố gắng và tận tâm, sẽ rất cảm động nếu hiểu được điều đó. Từ hôm bị ảnh hưởng của Kỳ Dao, Vĩnh Hồng có biểu hiện xa rời trào lưu. Thoạt nhìn, Hồng sẽ lạc hậu; nhìn kỹ, phát hiện ra Hồng đã bỏ trào lưu mốt lại phía sau rất xa. Nhưng rất ít người nhìn thấy điều ấy ở Hồng, ngay cả Vi Vi là bạn thân cũng không thể hiểu nổi, bởi thế Hồng tự cô lập mình. Lúc này, nhiều cô gái gặp may, cho rằng đối thủ cạnh tranh của mình đã rút lui, còn lại mình trên vũ đài. Thật ra, các cô gái đó phải cảm thấy buồn mới đúng, bởi mất người lãnh đội trào lưu mốt có thể lặng lẽ thoái lui. Nói đúng ra, mốt cũng có mặt tốt, nhưng những người thông minh liên tiếp bỏ chúng mà đi, mất người tài giỏi, dần dần rơi vào tình trạng tầm thường. Bây giờ, Vĩnh Hồng tỏ ra lẻ loi, chỉ có Kỳ Dao là người tri âm. Có lúc, Vi Vi không có nhà, Hồng cũng đến nói chuyện với Kỳ Dao. Đang nói chuyện thì Vi Vi về, hai người nhìn Vi Vi, tựa như Vi Vi là người ngoài, họ mới là người thân. Sau khi tốt nghiệp trung học, Vi Vi vào học ở trường y tế, Vĩnh Hồng vì gia đình quá khó khăn, được nhận vào làm việc ở Công ty khí đốt, làm nhân viên ghi đồng hồ, cứ cách một vài hôm lại đến thăm Kỳ Dao, làm cho hai người thêm gần, Vi Vi thêm xa. Có lúc Vi Vi nói với mẹ:
- Đổi bạn Hồng cho mẹ đấy!
Thật ra, tình cảm giữa Kỳ Dao và Vĩnh Hồng không như tình cảm mẹ con, mà là tình cảm giữa hai người phụ nữ vượt qua ngăn cách về tuổi tác và sự trải nghiệm để nắm tay nhau trong cuộc sống.
Trái tim của hai người phụ nữ này, một không biết già, một sinh ra là đã hiểu biết. Tóm lại, đều là những trái tim không có tuổi, là trái tim của người phụ nữ chân chính. Bất luận vỏ ngoài của họ đổi thay và không giống nhau như thế nào đi nữa, thì trái tim vẫn thế. Trái tim đó hiểu mình vô cùng sâu sắc và biết hướng về phía trước. Đừng nghĩ rằng trái tim ấy chỉ biết dùng cho mấy bộ áo quần, nhưng áo quần đó, bạn biết thế nào không? Là sự sinh tồn của con người họ. Nếu nói đó là trái tim hão huyền, xin hãy nhìn, chẳng phải nơi tận cùng của hão huyền là nền móng vững chắc hay sao, cái bề ngoài giàu sang đàng hoàng lấy gì để tồn tại? Họ đều là những người nắm được vận mệnh của mình, biết rằng đại vinh quang của thế giới này không có phần họ, mà chỉ cố góp chút công sức nh nhoi, kỳ thực là trang điểm cho đại vinh quang kia. Họ không khao khát trông mong, nhưng không phải là không có yêu cầu, bạn ít thấy những người làm việc nghiêm túc như họ. Họ cắt may áo quần thật cẩn thận, tỷ mẩn từng đường chỉ, mũi kim. Họ yêu cầu về màu sắc cũng khắt khe. Vẻ ngoài của họ tưởng đâu tùy tiện, nhưng là ngàn lần tận lực, điều được gọi là không sai sót, sơ hở. Khi họ bắt đầu suy tư về một điều gì mới, trong lòng vui vẻ, hành động tích cực. Họ đi mua lụa may áo, ngay việc đơm cúc nào cũng suy nghĩ kỹ. Thế rồi tấm áo hình thành, lúc thử áo là lúc đòi hỏi cầu kỳ nhất, một mũi chỉ thưa hơn chút ít cũng không qua nổi mắt họ. Cho đến lúc công trình hoàn tất, đứng trước gương nhìn mình mặc áo mới, từng đường kim mũi chỉ đều rất ưng ý. Bất chợt họ trở nên buồn, hình bóng trong gương kia là để cho ai? Vào những lúc trống trải như thế, họ càng cần nhau hơn. Trang phục của hai người không theo trào lưu thường thấy, Vĩnh Hồng khoác tay Kỳ Dao đi giữa phố Hoài Hải huyên náo với dáng vẻ hiu hắt không thể nào xoá sạch. Đó là vẻ hiu hắt của lúc chiều tà và hiu hắt của buổi sớm mai, chỉ còn một tia sáng yếu ớt, thế giới bao trùm trong u ám. Một người kết thúc, phía trước không còn gì để nói; một người nữa tuy có tương lai, nhưng chưa chắc bằng cảnh kết thúc kia, tất cả đều mênh mang vô định. Nếu không nói về tuổi tác, họ đúng là hai chị em.
Thế nhưng, họ không nói chuyện riêng của mình, chuyện áo mũ là chuyện của cả hai người. Nhưng đã xảy ra một việc làm cho câu chuyện có chút thay đổi. Hôm ấy, Vĩnh Hồng từ nhà Kỳ Dao đi ra, đã ra đến đầu ngõ mới nhớ hôm trước vay của Kỳ Dao hai đồng, liền quay lại để trả. Vào nhà thì thấy cái ly nước mình vừa uống được để sang một bên, trong ly có một tờ giấy. Đúng là mô phỏng cách làm của các cửa hàng ăn uống, trên bàn có một đĩa giấy đỏ, những người mắc bệnh truyền nhiễm vừa dùng xong, sẽ lấy một tờ giấy đỏ cho vào trong bát đĩa để được khử trùng đặc biệt. Vĩnh Hồng không nói gì, trả Kỳ Dao hai đồng rồi ra về. Một tuần lễ sau không thấy Vĩnh Hồng đến. Thứ bảy, Vi Vi từ trường về, hỏi mẹ vì sao Vĩnh Hồng không đến, mẹ nói không biết nhưng cũng đã phần nào đoán ra. Vi Vi đến tìm Vĩnh Hồng, bà chị thò đầu ra nói Vĩnh Hồng không có nhà, phải làm thêm ở Công ty. Vi Vi đành phải đi tìm bạn khác để cho hết ngày nghỉ. Hai hôm sau, Vĩnh Hồng đột nhiên đến, lặng lẽ đặt trước mặt Kỳ Dao tấm phiếu xét nghiệm ghi rõ phổi bình thường, vi trùng lao âm tính. Kỳ Dao đỏ mặt, phút chốc không nói được câu nào, nhưng rồi nhanh chóng trấn tĩnh, nói:
- Hồng, cháu ngồi đây với cô. Cô cũng định đưa cháu đi kiểm tra, như thế này là yên tâm, cháu không bị lao, nhưng cô thấy cháu bị phế hỏa, phế hư. Vài hôm nữa cô đưa cháu đi khám đông y, có được không?
Thoạt đầu Vĩnh Hồng tỏ ra ngơ ngác, nhưng rồi quay mặt đi, khóc.
ở tuổi Vĩnh Hồng, chuyện riêng tư nhất ấy là chuyện bạn trai. Hồng không có bạn trai. Khi Hồng nói đến những bạn trai thổ lộ tình cảm với mình, thường nói với giọng châm biếm. Kỳ Dao biết, những cô gái như Hồng thường phạm sai lầm cao không tới, thấp không thông. Các cô biết mình xinh đẹp, rất mốt, lại một lúc có đến mấy chàng trai theo đuổi, cho rằng quyền lựa chọn thuộc về mình. Các cô tỏ ra kênh kiệu, nhưng không biết rằng con trai không kiên nhẫn, thấy khó là bỏ cuộc. Tuy có người quyết tâm chờ đợi, nhưng thông thường đó là những người bị các cô xem thường. Cho nên, những cô gái biết mình, biết người, kịp thời nắm bắt thời cơ. Kỳ Dao thấy mình có trách nhiệm nói điều ấy với Hồng, cũng muốn Hồng chấm dứt thói hợm đời, kiêu căng. Kỳ Dao nghĩ: liệu có ai không dùng hết thời gian? Vĩnh Hồng không cho là thế, thậm chí không đồng ý, cảm thấy Kỳ Dao đánh giá mình quá thấp. Vậy là, Hồng nói với Kỳ Dao về những cậu bạn trai kia, tất nhiên có phần thêm thắt, vơ cả những người bạn không có ý theo đuổi vào cuộc để tăng thêm giá trị. Những lời nói dối đã dối luôn cả mình, nói cứ như thật. Dĩ nhiên Kỳ Dao có thể thấy đâu là hư, đâu là thực, nghĩ Vĩnh Hồng đang nằm mơ, rồi đây kết quả sẽ ra sao? Bởi Hồng không chịu nghe theo lời khuyên nên có lúc Kỳ Dao không giấu nổi thái độ hoài nghi. Vĩnh Hồng bực lắm, muốn nói để Kỳ Dao tin, càng nói Kỳ Dao càng tỏ ra nghi ngờ. Cũng rất buồn cười, khi không muốn nói thật chuyện của mình thì câu nào cũng như thật, khi nghiêm túc nói chuyện riêng của mình thì luôn luôn lẫn vào những điều nói dối. Hồi này, không khí giữa hai người có phần không thoải mái, Kỳ Dao kiềm chế tình cảm của mình hơn, rất ung dung không có gì bức bách, còn Vĩnh Hồng thì lúc nào cũng tỏ ra hung hăng. Cũng bởi Hồng còn trẻ, không nhìn ra chỗ trống trải của Kỳ Dao mới không chịu nhượng bộ. Để chứng minh, hôm ấy Vĩnh Hồng đem bạn trai đến chơi.
Hôm cậu bạn này đến Vi Vi cũng có nhà. Gặp bạn trai của Vĩnh Hồng, Vi Vi đâm ra nói nhiều, động tác cũng rối rắm. Kỳ Dao phải nín nhịn, trong bụng mắng con thiếu đứng đắn, mấy lần lừ mắt nhìn Vi Vi. Vi Vi thì không hay biết gì, vẫn cứ thao thao bất tuyệt. Vĩnh Hồng ngồi yên một chỗ, vẻ mặt tỏ ra hào hiệp. Anh bạn này khá đẹp trai, trắng trẻo, cử chỉ nhã nhặn, càng khiến Vi Vi bực mình. Anh này cũng dễ làm người khác có cảm tình, nói năng rất có duyên, nhất là khi nói chuyện với Vi Vi. Nhiều lúc Kỳ Dao không nhịn được cười. Kỳ Dao đi xuống bếp, làm cho mấy cô cậu này thứ gì ăn, bên tai vẫn vang lên tiếng cười lẫn lộn buồn lo, nhưng lòng dạ trong sáng. Tuổi trẻ ngồi với nhau không còn phân biệt tôi bạn, chỉ biết vui, cũng là hạnh phúc, người lớn đừng làm mất niềm vui của tuổi trẻ. Kỳ Dao làm vài thứ cho bọn trẻ ăn, ăn xong bảo họ đi xem phim. Bọn trẻ đi rồi, một mình ngồi trong căn phòng tĩnh lặng, nhìn bước đi của bóng nắng buổi chiều mùa xuân trên bức tường phía tây, quen lắm với thời khắc này, bây giờ là bây giờ, ngày xưa là ngày xưa. Nàng quen lắm với ánh nắng trên tường kia, đi suốt trăm năm, ngàn năm, không tận cùng, con người không chịu đựng nổi thời gian. Nàng dõi nhìn ánh nắng mất dần trên sàn nhà, căn phòng tối theo. Vi Vi vẫn chưa về, không biết đi chơi tận đâu. Hoàng hôn chủ nhật thường phá vỡ mọi quy luật, mọi động tĩnh đều không theo thời gian. Đã đến giờ thổi cơm tối rồi nhưng vẫn yên tĩnh quá, chỉ a000 lát nữa thôi sẽ lên đèn. Theo đó, đêm xuống, người đi chơi chưa vội về nhà.
Không chờ con gái về, Kỳ Dao lên giường đi ngủ, nửa đêm thức dậy, thấy đèn vẫn sáng, Vi Vi đang thu dọn đồ dùng để mai về trường sớm. Biết con gái vẫn nhớ việc học, nàng lại nhắm mắt, nửa thức nửa ngủ, nghe rõ tiếng chim bồ câu đang mê sảng trên sân thượng nhà bên. Lát sau, đèn tắt, Vi Vi cũng đã ngủ.
Lần sau Vĩnh Hồng đến, Kỳ Dao khen bạn trai của Hồng khá lắm, không ngờ Vĩnh Hồng nói cậu ta chưa phải người yêu, chỉ chơi với nhau thế thôi. Vậy là những điều nàng định nói, bị nghẹn lại, lát sau mới nói ra được:
- Nhưng mà đừng bỏ phí thời gian, rồi ra hối không kịp.
- Không sợ cô ạ, thời gian còn dài, chơi đã!
- Cháu nghĩ thời gian để cho cháu chơi nhiều lắm sao, kỳ thực chỉ trong nháy mắt, chơi rồi bất chợt có ngày nhìn lại.
- Bất chợt nhìn lại có sao đâu!
Hai người chia tay nhau có phần không vui. Lần sau Vĩnh Hồng lại đưa một cậu bạn trai khác đến chơi, đen, cao, ít nói, ngồi ngây như phỗng, nghe Vĩnh Hồng cười khúc khích, hoàn toàn ngược lại với cậu bạn hôm trước. Kỳ Dao hiểu Vĩnh Hồng chỉ “chơi thế thôi” nên chẳng làm gì đãi khách, hai người ngồi chơi đến buổi cơm tối cùng ra về. Hôm sau, Vĩnh Hồng nói, đó mới thật là người yêu, nhưng còn trong giai đoạn thử thách. Kỳ Dao vẫn chưa cho là thật. Lần sau, Vĩnh Hồng lại đưa anh ta đến chơi, sau đó đến thường xuyên hơn. Anh này không làm người khác có cảm tình bằng anh trước, nhưng rất giỏi, biết chữa vòi nước, bình nước trong nhà vệ sinh, công- tắc điện, máy khâu ... cứ mó vào chỗ nào là tốt chỗ ấy, có vẻ chung thuỷ với Vĩnh Hồng lắm. Hôm Vi Vi có nhà, ba người rủ nhau đi nhà hàng ăn Âu, anh ta chi tiền. Bỗng một hôm, Vĩnh Hồng tuyên bố cắt đứt với anh ta, lý do thật kỳ quái, nói anh ta bị bệnh nấm kẽ chân, nhưng lại ở tay. Anh này một lần đến tìm Kỳ Dao, vừa xấu hổ vừa tức, cuối cùng ngồi khóc. Không chỉ anh ta, Kỳ Dao cũng cảm thấy mình bị đùa giỡn. Nàng nói với Vĩnh Hồng:
- Lần sau đừng đưa bạn trai đến nữa, cô không có thì giờ tiếp đâu!
Vĩnh Hồng không đưa bạn đến nữa. Nhưng một lần, đang nói chuyện thì Hồng đứng dậy, bảo có người chờ, phải về. Nói chưa dứt câu thì có tiếng chuông xe đạp ở cửa sau. Chờ cho Hồng xuống, Kỳ Dao tò mò nhìn qua cửa sổ thấy Hồng ngồi sau xe đạp đang từ từ đi ra ngõ. Tuy chỉ nhìn thấy lưng người cưỡi xe đạp nhưng cũng đủ nhận ra là một người mới. Vi Vi bảo, Vĩnh Hồng đã thay đổi mấy người bạn trai nữa rồi.
Vĩnh Hồng thay đổi bạn trai như đèn cù. Bạn trai của Hồng cũng ở nhiều nơi, có người làm cùng đơn vị, có người là bạn học thời trung học, có người là hàng xóm, lại có người là người nhà của một hộ dùng khí đốt mà Hồng thường xuyên đến ghi đồng hồ. Hồng khó nói được vì sao thích những người này, mà nguyên nhân chỉ có một, ấy là những anh con trai này thích Hồng. Những anh này thích Hồng vì có thể ôm eo Hồng, người thích Hồng càng nhiều thì eo Hồng càng cứng. Còn gia đình Hồng, đau đầu vì Hồng, chẳng được gì ở Hồng. Hồng diện rất mốt, dung mạo xuất chúng, một đàn con trai theo sau, cậu nào cũng như nô bộc, mọi điều phải nghe theo răm rắp, chỉ gợi nên ánh mắt ghen tị. Đó là bức chân dung tự hoạ của Hồng, dù nét vẽ không đẹp thì cũng là Hồng tự hoạ. Hồng rất thích thú những ánh mắt thưởng ngoạn mình, và chỉ một cái vẫy tay nhẹ của Hồng sẽ làm cho sự thưởng ngoạn kia thích thú mình, thế rồi chấm dứt, lại để ý đến người khác. Thay đổi thật nhanh, người nọ tiếp người kia, như một đội nghĩa dũng quân. Cánh con trai đi qua cái vòng vô cùng của Hồng, chỉ để lại ký ức hoa nở chóng tàn. Bởi phần lớn những chàng trai đó đều mới vào đời, rất dễ có ấn tượng sâu sắc, khiến họ nghĩ rằng con gái thật phức tạp khôn lường. Còn bản thân Vĩnh Hồng? Cánh con trai lướt qua trước mặt nhanh như phim ảnh, tất cả đều mới nhập môn, không có nhiều kinh nghiệm, lòng dạ thì tê dại, như một lớp vỏ cứng, không cảm thấy kích thích là gì. Cho nên, bề ngoài rất sôi động, dưới đáy thì tĩnh lặng như nước tù.
Dạo này, Vĩnh Hồng hò hẹn với bạn trai đều kéo cả Vi Vi đến, còn Vi Vi, như người ta vẫn nói, như “bóng đèn điện”. “Bóng đèn điện” có nghĩa như người xem, cuộc hò hẹn trở thành triển lãm, rất hợp với Vĩnh Hồng. Nếu đổi ai khác, người ấy sẽ dứt khoát không làm “bóng đèn điện”, Vi Vi thì vô tư, thích vui vẻ, rất cảm kích vì được Vĩnh Hồng mời. Vi Vi cũng ở vào tuổi mà con trai để ý, ở trường thì học sinh nam với học sinh nữ không nói chuyện với nhau, giữ thái độ dè dặt, mất tự nhiên, nhưng trong lòng rất muốn làm bạn với nhau. Vĩnh Hồng kéo Vi Vi đi gặp bạn, Vi Vi không giấu nổi vui mừng, nói chuyện hơi nhiều, không giữ thân phận “bóng đèn điện”. Vĩnh Hồng không lạ gì, ngược lại còn tỏ ra bằng lòng. Anh bạn trai kia ban đầu cảm thấy Vi Vi ồn ào, khách tranh lời chủ, thường bị Vĩnh Hồng đẩy ra đỡ cho mình, nhận nhầm sự nhiệt tình, chu đáo của cậu bạn trai kia, khiến anh ta khổ sở không để đâu cho hết. Nhưng vì theo đuổi Vĩnh Hồng quá lâu, đau khổ vì thất bại, lại được Vi Vi rất nhiệt tình, bất giác chuyển dần sự chú ý sang Vi Vi. Tuy mang tiếng là không được người nọ mới chịu đến với người kia, nhưng tuổi trẻ vẫn thích phát huy ưu điểm. Thế là có sự chuyển đổi khéo léo giữa vai chính, vai phụ. Điều ấy đâu có qua được mắt Hồng? Thoáng nhận ra, Hồng liền thôi anh này ngay, ra tay trước còn hơn. Thấy bạn trai của Vi Vi là người mình vừa bỏ, Hồng cũng tìm được sự an ủi trong mất mát.
Khi anh bạn này hẹn gặp riêng, tất nhiên Vi Vi vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng, nhưng lại ra vẻ miễn cưỡng. Điều ấy không phải vì Hồng bỏ, sợ hạ giá trị của mình, mà chỉ cho rằng bạn trai hẹn, con gái phải tỏ ra như thế. Tất cả đều học Vĩnh Hồng. Vi Vi còn học được cách phải thay đổi bạn trai luôn luôn, tất nhiên những bạn trai đó đều là người thất bại ở Hồng. Vi Vi hết sức khâm phục Hồng, theo Hồng trong mọi chiêu thức, tận mắt trông thấy Hồng kết bạn, mong mình một sớm một chiều luyện được tay nghề giỏi như bạn. Nhưng càng theo học Vĩnh Hồng, Vi Vi cũng chỉ học được vỏ ngoài, chạy theo hình thức, bên trong vẫn là mình. Thứ nhất, Vi Vi không cưỡng nổi lòng tốt của người khác, thứ nữa do bẩm sinh nhiệt tình, tốt bụng với người khác, cho nên không thể nhặt một ném đi một, cũng không lên mặt kênh kiệu nổi. Lại bởi ngồi ở vị trí bàng quan, lạnh lùng nhìn người khác, cho nên vẫn giữ nguyên tắc mình thích hay không thích. Vậy là, sau dăm ba lượt, Vi Vi có được bạn trai tương đối cố định, tuy không nóng bỏng, nhưng xu thế phát triển vững chắc. Mỗi tuần gặp nhau một vài lần, xem phim, đi chơi phố. Chia tay cũng không bịn rịn, hẹn lần sau gặp lại, cũng chưa bao giờ thất hứa. Đó là kiểu tình yêu trong sáng giữ cho đến ngày cưới. Gọi là bằng phẳng cũng được, nhiều cuộc hôn nhân hạnh phúc, êm ấm cũng bắt đầu từ đây. Hồi đó, Vi Vi đang thực tập ở một bệnh viện quận của thành phố, làm y tá phòng mổ.
4 Bạn trai của Vi Vi
Bạn trai của Vi Vi tên là Lâm, lớn hơn Vi Vi ba tuổi. Bố là một kỹ sư ở Công ty khí đốt, tuổi chưa cao, nhưng trong cách mạng văn hoá chịu nhiều khổ cực, cơ thể suy sụp, nên xin về hưu sớm để con trai vào làm việc, làm thợ sửa chữa ở một đơn vị cơ sở. Lâm ban ngày đi làm, buổi tối tự học. Anh đã một lần thi trượt đại học, đang chuẩn bị thi lại vào năm sau. Bởi thi trượt đại học và cũng trượt mối tình đầu với Vĩnh Hồng, nét mặt anh hơi buồn, ít nói, bù lại cho Vi Vi. Tính đơn giản và sôi nổi của Vi Vi rõ ràng có tác dụng tốt đối với anh. Tính lặng lẽ ít nói của anh đã kiềm chế cái sôi nổi của Vi Vi, làm cho Vi Vi trở nên trầm tĩnh hơn. Tóm lại, đó là một đôi trời sinh không còn gì hài hoà cho bằng. Còn như Vi Vi, một cô gái bộc tuệch, không biết suy nghĩ, nhưng có thể hành động trung thực, theo bản năng. Bản năng không thể lừa dối được Vi Vi, không để Vi Vi thiệt thòi, cuối cũng đưa lại những kết quả bất ngờ. Nhưng thông minh như Vĩnh Hồng thì bản năng không có tác dụng, chút thông minh kia lại không đủ, khó tránh khỏi sai lầm. Nếu là bậc đại trí tuệ sẽ biến bản năng thành lý trí, vẫn đi theo bản năng, giống như hai phủ định vậy. Cứ như Vi Vi lại tốt, khỏi phải đi đường vòng. Lần đầu tiên thấy Lâm, Kỳ Dao nghĩ ngay: thật là thánh nhân đãi kẻ khù khờ!
Vi Vi không nói thì mẹ cũng đoán được Lâm trước đây là bạn của Hồng, nhưng Kỳ Dao không thấy có điều gì khó chịu, ngược lại còn tiếc cho Vĩnh Hồng, thấy Hồng không có mắt. Nhà Lâm ở trong khu chung cư phố Tân Lạc. Đó là một đường phố yên tĩnh, không sôi động huyên náo như các phố buôn bán, phủ đầy bóng mát, nơi hiếm hoi trong thành phố có tiếng chim, gần một công viên, đó là một ngôi nhà cũ có thế lực ở Thượng Hải. Bởi thế, trông Lâm sáng sủa, trầm tĩnh, không có cái vẻ ồn ào, hỗn độn chợ búa tạo nên, ra dáng con nhà lành. Kỳ Dao không đến nhưng biết nơi Lâm ở, nhìn biển số bằng đồng gắn ở cửa cũng hiểu cuộc sống bên trong đó ra sao, điều ấy có ý nghĩa nền nếp gia giáo. Nhưng cũng không ngăn nổi sự đào thải của thời gian, biến thiên của thế sự, căn phòng trong khuôn cửa kia cũng bị đổ vỡ, sứt mẻ. Có thứ do ngoại lực, nhà cửa bị chiếm dụng trong cách mạng văn hoá; có thứ do nội bộ, ví như xích mích anh em, chia nhà chia cửa. Giá như tránh được hai điều này sẽ có thể giữ được những ngày tốt đẹp ít nhất một đời người nữa. Đó là những ngày yên ổn, vui vẻ, lành mạnh, cần mẫn, không bị nhiễu loạn, là những ngày mà nhiều người tìm kiếm suốt cả cuộc đời.
Một hôm, Kỳ Dao mời Hồng đến, định bụng hỏi chuyện Lâm. Thật ra đó không phải ý định của Kỳ Dao, Lâm ra sao thì đã có Vi Vi mồm như tép nhảy nói bằng hết. Kỳ Dao muốn chính thức thông báo với Hồng về quan hệ giữa Vi Vi và Lâm, đồng thời cũng cảnh giác với tính tình Hồng, e rằng Hồng hối hận, trở lại quấy phá quan hệ của Vi Vi. Kỳ Dao hiểu, Vi Vi không phải là đối thủ của Hồng, hơn nữa tính thanh niên, rất dễ khơi lại đống tro tàn. Bởi thế, gọi Hồng đến cũng là để an ủi. Chưa đến thì Hồng cũng đã đoán được phần nào ý của Kỳ Dao, vừa nghe nói, Hồng đã tỏ ý tác thành, hoàn toàn giữ tư thế người giới thiệu. Kỳ Dao không khỏi thầm khen cô gái này thông minh và kiêu căng. Nhưng Hồng vẫn còn trẻ con, không thể khéo đưa đẩy như người lớn, tỏ ra bốc đồng, để lộ vẻ thiếu tự nhiên. Nàng thấy được sự mất mát của Hồng, nghĩ Hồng đã không có người lớn giúp sức, lại còn có người âm mưu đối với Hồng, bất giác cảm thấy ngượng và ân hận, liền không nói đến chuyện ấy nữa mà chỉ hỏi Hồng đã có bạn trai nào khác chưa. Thoạt đầu Vĩnh Hồng ngớ ra, rồi trở nên trầm mặc. Kỳ Dao nói:
- Nhiều bạn thế lẽ nào không tìm được một người vừa ý?
Vĩnh Hồng vẫn im lặng, mắt hoe đỏ, có gì đó như chạm vào nỗi niềm thầm kín. Kỳ Dao thở dài, nói:
- Cô vẫn nói, đừng nhìn vào lúc hơn người này, chỉ trong nháy mắt là tan biến. Ôi, đời người con gái, chỉ chốc lát, cuối cùng bị lỡ làng, cháu lại đẹp và thông minh.
Vĩnh Hồng cúi đầu, lát sau mới nói:
- Cô bảo, với ai bây giờ?
Kỳ Dao bật cười vì tính khí trẻ con của Hồng, nói:
- Sao lại hỏi cô, phải là cháu chứ!
Vĩnh Hồng cười, giọng nũng nịu:
- Cô chọn cho cháu đi!
- Cô không chọn được đâu!
- Cô chọn cho Vi Vi được đấy thôi, sao không chọn cho cháu?
Câu nói vô tâm nhưng cũng làm Kỳ Dao lúng túng, lát sau mới nói:
- Những điều cô nói với cháu thực ra chưa bao giờ nói với Vi Vi, cháu thông minh hơn nó, cô chỉ sợ thông minh sẽ có cái sai lầm của thông minh.
Vĩnh Hồng không nói gì, hai người ngồi đối diện, cùng im lặng, thế rồi Vĩnh Hồng đứng dậy, xin phép về.
Lâm, bạn của Vi Vi đã bước vào thời kỳ ôn tập khẩn trương chuẩn bị thi, nên ít có thời gian gặp Vi Vi. Tối tối, Kỳ Dao thấy con nhàn nhã uể oải, cũng đâm lo, nghĩ ôn tập chuẩn bị thi có phải là lý do không? Lại nghĩ, con gái mình đâu đã phải là bà cô già, sợ không lấy được chồng hay sao? Nghĩ thế, nhưng chẳng yên tâm. Một buổi tối, đã mười giờ, Vi Vi đã đi tắm và lên giường đi ngủ, không ngờ có tiếng Lâm gọi liên tiếp phía dưới cửa sổ. Vi Vi mặc váy ngủ chạy xuống rồi không thấy về. Nàng nghĩ Vi Vi mặc váy ngủ sẽ không đi đâu xa, liền mượn cớ đi mua hương muỗi, khoá cửa và ra đầu ngõ tìm. Vừa ra khỏi ngõ thì thấy hai người đứng nói chuyện dưới đèn, ở giữa là cái xe đạp. Vi Vi đang bô bô huyên thiên, đứng xa cũng có thể nghe thấy tiếng cười. Nàng lại lặng lẽ quay về, đẩy cửa bước vào, yên tâm nhưng lại thấy trống trải. Đành phó thác cho căn phòng trống trải, bóng chiếc lẻ loi! Tấm gương ở bàn phấn càng không thể chịu đựng nổi, trong ngoài chỉ là một người, thà không soi vào còn hơn. Đang đứng thì có tiếng chân người, tiếng chân Vi Vi kéo lê dép lên cầu thang. Nàng hỏi con gái có việc gì mà Lâm đến muộn thế? Vi Vi nói, Lâm học căng thẳng quá, chỉ đến nói chuyện cho khuây khoả. Kỳ Dao nói, lần sau mời anh ta lên nhà, ăn miếng dưa đỏ. Vi Vi nói, nhà nào mà chẳng có dưa đỏ?
Lần sau Lâm lại đến, gọi Vi Vi ra đứng nói chuyện dưới ánh đèn. Kỳ Dao mượn cớ có việc đi ra ngoài mua đồ, nói với Vi Vi cửa chưa khoá, hai người vào ngồi trông nhà luôn thể. Vi Vi đành đưa Lâm vào nhà, nhưng miệng vẫn cằn nhằn mẹ đi sao không khoá cửa lại. Hai người lên gác, nói chuyện mãi mà Kỳ Dao vẫn chưa về, dần dần quên cả mẹ, rất tự do. Lâm đi đi lại lại trong nhà, chỉ vào cái tủ gỗ đào hoa tâm năm ngăn, nói:
- Cái tủ này cổ lắm rồi - Rồi chỉ cái bàn phấn, nói - Cái bàn gương này cũng cổ lắm, soi vào rất thật mặt.
Vi Vi cười nói:
- Thế nào là cái gương không thật mặt?
Lâm cười, không giải thích, rồi đến xem cái màn tuyn, kết luận cũng là thứ xưa lắm rồi.
Vi Vi vặn hỏi:
- Vậy ra nhà em là cửa hàng đồ cổ hay sao?
Lâm biết Vi Vi hiểu sai ý mình, nhưng không giải thích. Vừa lúc Kỳ Dao về, tay cầm mấy hộp kem, rồi vào bếp lấy đĩa, thìa chia cho từng người. Hai người tỏ ra mất tự nhiên, cùng im lặng. Kỳ Dao hỏi Lâm bài vở ôn đến đâu rồi, thi ở đâu, hỏi mười câu thì Vi Vi giành lấy trả lời đến tám, chín. Lâm không kịp nói câu nào, chỉ cúi nhìn hoa văn và viền vàng trên đĩa, nghĩ những đồ sứ loại này bây giờ rất hiếm. Lâm tuy còn trẻ, nhưng lại rất hoài cổ, thấy cái gì cổ cũng thích. Không phải Lâm đã từng được hưởng dụng những thứ đồ cổ đó, ngược lại chưa bao giờ anh được dùng đến nó. Anh chỉ được nghe bố nói về ngày xưa, có ai lại không có những hồi ức tốt đẹp về ngôi nhà như của anh xưa kia? Lâm được nhìn một vài thứ đồ cổ ở nhà Vi Vi, tuy lặt vặt ít ỏi, nhưng là những thứ có giá trị. Kỳ Dao nói với Lâm lần sau đến tìm Vi Vi thì lên nhà, không có gì phải khách khí, đứng nói chuyện dưới cột đèn làm mồi cho muỗi. Lâm cười, nhưng Vi Vi nói:
- Có gì mà khách khí, vì anh ấy không quen mẹ.
Câu nói của Vi Vi có chừng mực, Kỳ Dao không đáp lại, chỉ thu dọn đĩa vào bếp, Lâm cũng đứng lên xin phép ra về.
Từ đấy về sau, Lâm đến không còn đứng dưới cửa sổ, tiếng lớn tiếng bé gọi Vi Vi nữa, mà lên thẳng nhà, đứng ở cửa cầu thang gọi. Mỗi lần như thế, nàng đều tìm cớ đi chỗ khác để cho Lâm và Vi Vi được tự do. Lát sau Kỳ Dao về, làm thứ gì đó cho hai người cùng ăn. Ăn xong cũng là lúc Lâm ra về. Đó là những tối mọi người cùng yên tâm, nhất là vào thời điểm trước kỳ thi quyết định số phận, làm mọi người chú ý, chú ý đến những tình tiết nhỏ nhặt. Tất cả những thứ đó đều không liên quan đến số phận hoặc làm cơ sở cho số phận, bình thường không ai chú ý, đó là cuộc sống thường ngày. Nàng có bản lĩnh biến cuộc sống thường ngày thành lễ vật, làm cho người khác có thể nhận biết rõ ràng. Lúc bấy giờ sẽ hiểu rằng, cho dù phải lùi ngàn vạn bước, vẫn còn có lễ vật kia. Đối với những người bình thường, như Vi Vi chẳng hạn, lễ vật này không ích lợi gì, bởi nó tiến lui không có gì đáng kể. Nhưng với Lâm, một con người mong muốn có thắng lợi lại là liều thuốc bổ.
Mấy hôm trước ngày thi, dường như ngày nào Lâm cũng đến. Do căng thẳng, và cũng để khắc phục căng thẳng, Lâm trở nên linh hoạt hơn. Bởi Vi Vi nhiều khi tỏ ra vô lý, hoặc vờ không hiểu, cho nên phần lớn phải nói chuyện với Kỳ Dao. Anh nói với Kỳ Dao, cha anh vốn là đứa trẻ mồ côi, sống trong trại trẻ mồ côi của nhà thờ đạo do ông Từ Quang Khởi sáng lập. Một hôm, có một cụ già đến trường, muốn nghe trẻ em ở đây đọc kinh và chọn một đứa đọc thuộc nhất và nhanh nhất làm con nuôi, đứa trẻ đó là bố Lâm. Bố anh được học hành tử tế, được sang Mỹ du học. Ngày nay, ông mong con cái ông được học đại học, thành đạt trong sự nghiệp, nhưng hai người con lớn, một về nông thôn, một vào nhà máy, đều không dính dáng gì đến học hành, ông chỉ còn hy vọng vào Lâm. Kỳ Dao cười, nói:
- ở đời này mọi hy vọng của người bố đều rất thực tế, nói cho cùng đều muốn con cái nên người, bởi vậy cháu không phải lo lắng quá nhiều, chỉ cần mình cố gắng là được; với lại, nhà muốn cháu vào được đại học cũng bởi cháu đang ở tuổi học, hy vọng vào cháu, sợ rằng cháu chỉ nghĩ đến gia đình mà xem nhẹ bản thân.
Lời nói của Kỳ Dao không phải để giải toả trách nhiệm cho Lâm, mà để anh cất bỏ nỗi lo, nhẹ nhàng xung trận. Lâm nghe cũng thật sự thoải mái, tinh thần cũng phấn chấn. Một khi câu chuyện được bắt đầu thì không còn dừng lại được nữa, anh giới thiệu để Kỳ Dao biết về mẹ. Bà là con gái một gia đình thường thường bậc trung, chắt bóp cho con gái học xong bậc trung học trường đầm. Vi Vi ngồi nghe tỏ ra sốt ruột lắm, giục Lâm đi chơi phố, Lâm rất tiếc phải bỏ dở câu chuyện. Vi Vi nhảy tưng tưng xuống gác, Lâm theo sau. Xuống dưới ngõ, Vi Vi nói:
- Anh với mẹ em nhiều chuyện thật đấy!
- Có gì là không tốt đâu?
- Không tốt! Nghĩa là không tốt!
Lâm thấy Vi Vi thật vô lý, anh cúi đầu đẩy chiếc xe đạp. Hai người chia tay nhau không vui.
Ngày thi đến. Buổi chiều hôm thi xong, Lâm không về nhà mà đến thẳng nhà Vi Vi. Kỳ Dao vừa đi lấy chè đậu xanh để Lâm giải nhiệt, vừa ra trạm điện thoại công cộng gọi điện cho Vi Vi, bảo về sớm một chút. Qua đợt thi, Lâm gầy đi, nhưng tinh thần thoải mái. Hỏi anh thi thế nào, anh trả lời được, nhìn vẻ kiềm chế của anh, biết anh có chuyện muốn nói với Vi Vi, Kỳ Dao không hỏi thêm gì nữa, mà lấy cho Lâm mấy tờ báo ngồi đọc. Lát sau Vi Vi đẩy cửa bước vào, vứt đôi giày cao gót, kêu toáng lên khát với nóng, cứ như mình vừa đi thi về xong. Lâm chờ Vi Vi hỏi chuyện mình thi cử, nhưng Vi Vi không hỏi, chỉ hỏi tối nay có đi xem phim không, lâu lắm không đi xem phim, lại hỏi bây giờ đang thịnh hành mốt gì, không theo kịp thì uổng. Kỳ Dao thấy chướng quá, đành hỏi thay con gái, đề thi thế nào, làm bài ra sao, vân vân. Lúc này Lâm mới nói đến chuyện thi, tuy nói với giọng bình thản, nhưng không giấu nổi vui mừng và xúc động, nhất là môn ngoại ngữ, có đến một phần ba số bài ôn tập nhưng đề thi không hỏi đến, dĩ nhiên rất tốt. Vi Vi nghe cũng rất vui, bắt Lâm phải khao ở nhà hàng Màu Hồng, Kỳ Dao vội ngăn lại:
- Anh Lâm chưa về nhà, ở nhà đang đợi đấy, với lại đã nhận được giấy báo đỗ đâu, đến lúc ấy phải ăn mừng ấy chứ!
Lâm nói:
- Không sao bác ạ, cháu gọi điện về là được. Còn có đỗ hay không, không phải ở cháu, tóm lại mưu sự tại người, thành sự tại trời, mình không ngượng với mình là được! Tuy nói vui như thế, nhưng Lâm đã nắm chắc trăm phần trăm rồi.
Kỳ Dao để con gái và Lâm đi, hai người ra đến cửa, Lâm quay lại:
- Bác cũng đi nữa chứ!
Dĩ nhiên nàng từ chối, nhưng không từ chối nổi. Vi Vi tỏ ra sốt ruột, trở nên lúng túng, khó xử. Kỳ Dao nói:
- Thôi được, nhưng là cô mời đấy nhé, coi như cô khao cháu!
Kỳ Dao để hai người đi trước, mình theo sau. Nàng thay đồ, lấy tiền, khi đến nhà hàng ăn Âu thì đã bảy giờ. Hoàng hôn mùa hè thường rất dài, mặt trời đã lặn, nhưng đường phố vẫn còn sáng. Cho dù qua hàng ngàn năm, hoàng hôn vẫn không đổi, khiến người ta quên thời gian đang dịch chuyển. Phố Mậu Danh này cũng đã trải qua những năm tháng kiên cường, hàng cây ngô đồng hai bên đường tưởng như khoác tay nhau, những kiến trúc kiểu Pháp tuy khác đi nhiều, nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên. Đi theo con đường này có thể trông thấy cảnh nhà hát mang nỗi thương cảm kịch tan, người về. Sau lúc ồn ào náo nhiệt là hồn hoa mộng ảnh. Con đường này mãi mãi là trái tim Thượng Hải, bầu trời trong sáng cũng là trái tim Thượng Hải. Kỳ Dao trông thấy nhà hàng Màu Hồng lấp ló sau hàng cây xanh, nghĩ cái tên ấy thật thú vị, cái tên làm con người quên già. Đường phố đã lên đèn, vàng vọt, tựa như phản chiếu màu đêm bao phủ mây mù.
Kỳ Dao nhìn qua cửa kính của nhà hàng đã thấy Vi Vi và Lâm đang chụm đầu vào thực đơn, ánh đèn trùm lên hai người. Bất giác nàng dừng lại, nghĩ bụng: mới đó mà thời gian đã qua mấy chục năm rồi đấy nhỉ? nàng đẩy cửa bước vào, đi đến trước mặt hai người. Vi Vi trông thấy, nói luôn:
- Cứ nghĩ mẹ không đến!
Giọng nói của Vi Vi tỏ ra nghi ngờ. Kỳ Dao làm như không biết, nói:
- Bảo là mời hai cô cậu rồi, phải đến chứ!
Vi Vi gọi món ăn, gọi thật nhiều, toàn là món đắt tiền, ra vẻ rộng rãi với Lâm và khao mẹ. Kỳ Dao định mặc con gái, nhưng thấy Vi Vi gọi món ăn mà chẳng biết gì, cố tình giữ sĩ diện cho Vi Vi, liền giảm bớt một vài món con gái đã gọi và gọi thêm vài món ngon mà rẻ. Vi Vi định cãi lại, Kỳ Dao nói:
- Con đừng nghĩ đắt mà ngon, thật ra đâu phải thế, như món xúp đuôi bò rất đắt, nhưng là ở Pháp, loại bò nuôi riêng, ở đây đâu có, không bằng xúp hành tây, đó mới là món chính của nhà hàng. Vi Vi không còn cãi vào đâu được, đành im lặng, mặt xị ra. Lâm nghe những lời đầy hiểu biết ấy cũng có liên quan đến ngày xưa, liền gợi lên một loạt vấn đề, hỏi gì Kỳ Dao đều trả lời rành rẽ, trả lời không biết chán.
Chỉ trong chốc lát, trước mặt đã bày đầy một bàn thức ăn, dưới ánh đèn, đĩa sứ trắng ánh lên một màu dịu dàng, hơi nóng nhè nhẹ bay lên, phả vào mắt, làm mắt ướt nước. Trời đã tối hẳn, đèn đường như sao sa, xe và người lặng lẽ qua lại. Hàng cây khẽ lay động trong gió đêm, phủ bóng, như linh hồn mộng mơ quẩn quanh. Có thể nói góc phố này vô cùng lãng mạn, lãng mạn có bị nghiền nát thì những mảnh vụn vẫn còn đọng lại. Có lúc Kỳ Dao im lặng, ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, tưởng như kiếm tìm người và việc thân quen, nhưng chỉ nhìn thấy bóng ba người in trên khung kính, đang hoạt động như cảnh trong phim đen trắng. Nàng quay lại, tất cả lại có âm thanh và màu sắc. Trước mặt là cặp trai gái trời sinh, rất hồn nhiên. Kỳ Dao ngồi lặng lẽ, không đụng dao nĩa, không ngăn nổi nỗi buồn: thế giới của nàng trở về, nhưng nàng đã thành kẻ bàng quan.
Hết chương 9. Mời các bạn đón đọc chương 10!