Truyện Ngắn Hay 2013 Truyện ngắn 12


Truyện ngắn 12
Như một con chim nhỏ

- ĐỖ BÍCH THÚY -

Mãi hai bảy tết Khún mới được về nhà.

Trời đã nhập nhoạng, không trăng không sao, đỉnh Tạ Đú lẫn vào đất trời cuối năm, cả La Chí Chải chìm trong thung lũng mờ ảo, chỉ thấy rõ nhất là những đốm lửa đỏ hắt ra từ mỗi nếp nhà sàn. Tiếng nước chảy vào cối ụp xoè, tiếng chó sủa, tiếng con gái hát, tiếng trẻ nô đùa, tiếng băm chặt, tiếng lợn bị tách ra khỏi đàn nhốt riêng chuẩn bị mổ thịt vào sáng sớm mai, tất cả trộn lẫn trong cái rét căm căm và mưa phùn đang bắt đầu rây hạt...

Trong nhà, bà Phạ, mẹ Khún đang ngồi cạnh bếp vừa chẻ lạt vừa trông cho lửa cháy, bên trên kiềng là chảo to. Nhẻo, chị dâu cả đang thái dọc mùng cho lợn. Không ai nói ra nhưng tất cả đều nghĩ đến một người: anh Cạ, anh trai của Khún. Anh Cạ đã ra đi đúng ngày này

 

hai năm về trước, ngày mà cả La Chí Chải không một gia đình nào không rộn rịp chuẩn bị cho cái Tết. Năm ấy không chỉ nhà ông Phạ mà cả La Chí Chải mất luôn cái Tết, còn tết nhất vui chơi gì nữa, có mấy chục nóc nhà thôi mà đã có một đám ma rồi, lòng dạ nào mà tay cầm chén rượu, tay gắp miếng thịt gà. Tiếng con dao dài xiết vào thân dọc mùng phầm phập phầm phập, mặt con dâu đang giấu trên hai đầu gối, mắt mẹ chồng bập bùng ánh lửa đỏ, điếu thuốc lào trong tay bố chồng đỏ rồi tắt, lại đỏ lại tắt. Nhưng chẳng lẽ người sống cứ sống mãi vì người chết, phải sống vì chính mình nữa chứ. Ông Phạ là người đầu tiên đứng vụt dậy, dựng cái điếu cày vào cạnh bếp, phả một hơi khói dài, hướng về phía Khún đang nằm dài nhìn ra cửa sổ:

- Đâu, cái đài đâu, mang ra nghe thử xem nào.

Khún nhỏm dậy, nhấc cái đài từ trên nóc tủ xuống, lấy ba cục pin con thỏ lắp vào:

 - Phải có ba cục pin mới đủ bố ạ. Đây, mở cái nắp ra, cho vào. Xong, vặn cái nút này để nó bắt đầu làm việc, còn chọn sóng bằng cái nút này. Bố nhớ nhé, cái kim đỏ chỉ vào đây là sóng của đài Trung ương, đây cũng là sóng Trung ương nhưng kênh khác, còn chỗ này là đài tỉnh...

Ông Phạ xuýt xoa:

- Hay quá nhỉ, để bố thử xem nào. Ông Lử bên Sì Khà Lá cũng có một cái đài thế này, ôi chà, nó hát hay lắm. Không biết cái này thế nào.

Khún:

- Cái nào cũng thế thôi, nó thu cùng một chương trình mà. Nhưng có giờ thì hát, có giờ thì tin tức, có giờ thì đọc truyện, có giờ lại nghe kịch nói.

- Hay thật đấy.

- Hay thì con mới mua về cho bố chứ. Lúc nào lên nương bố mang đi theo mà nghe.

Ông Phạ cười khà khà:

- Như mấy thằng trai Mông mang đài xuống chợ huyện ấy à.

Bà Phạ ngừng tay, ngẩng đầu lên, lườm chồng


một cái:

- Bố mày ấy, tao mà chết là lấy vợ mới ngay.

- Cái bà này, nói năng bậy bạ gì thế. Già thế này rồi... - Ông Phạ quay sang vợ, bực bội. Bà Phạ vẫn ngọt nhạt:

- Nhà này chỉ có tôi già thôi. Già thì mới bị người ta chê là lẩm cẩm chứ.

Bố quay sang Khún:

- Mẹ mày hay chưa, chuyện nọ xọ chuyện kia
nhanh lắm.

Khún cười, chẳng biết bênh ai. Cái không khí gia đình ấm cúng thế này vẫn là điều mà anh thường mơ ước trong những đêm dài khó ngủ ở thị xã. Tưởng sống lâu ở đâu thì sẽ quen ở đó nhưng không phải. Càng xa ngôi nhà này càng nhớ nó, vóc dáng và linh hồn của cả một vùng đất đều chứa đựng bên trong khung cửa, phía trên chín bậc cầu thang đã mòn bóng vì vết chân người. Ông nội anh sinh ra ở đây, bố anh cũng sinh ra ở đây và anh cũng được ủ ấm khi vừa chào đời bên bếp lửa này. Nó đã cháy suốt tám mươi năm chưa một ngày tắt. Suốt tám mươi năm chưa một ngày nào ấm nước không reo sùng sục trên ngọn lửa hồng rực, chưa một ngày nào ống mẻ dựng ở góc nhà kia vơi đi quá nửa, suốt tám mươi cái Tết bánh chưng bánh gù treo đầy trên vách... Phải chăng vì thế mà nỗi nhớ trở nên cồn cào kì lạ. Để rồi mỗi khi về tới chân cầu thang, được mẹ lấy cái gáo làm bằng ống vầu già, múc cho một gáo nước trong vắt từ trong ang, giội vào hai bàn chân để trần là quên sạch phố xá, chân tay như sợi dây bị kéo căng lâu ngày đột ngột chùng lại, leo mấy bậc cầu thang như bay trên mây. Vậy mà mỗi khi tả lại cái cảm giác ấy, mẹ lại lẩm bẩm: Khi nào lấy được một đứa vợ thì mày sẽ quên hết. Quên hết con ạ.

Có tiếng chó sủa, tiếng người lao xao, tiếng chân leo cầu thang bậm bịch. Chưa rõ mặt ai đã nghe thấy tiếng một ông già:

- Nghe nói anh Khún mới mang về cho bố cái đài, chúng tôi đến nghe nhờ đây.

Ông Phạ, bà Phạ, Khún, Nhẻo đều hướng ra cửa, tíu tít mời mọi người vào. Nhẻo dừng tay, bê ra khay ấm chén, pha chè.

Bố Khún hể hả:

- Cái này hay lắm ông ạ. Ngồi một chỗ mà biết chuyện xảy ra ở khắp nơi đấy, biết được cả ngày mai trời mưa hay nắng nữa.


Mẹ Khún bóc mấy gói kẹo, rót nước mời khắp lượt. Bố Khún lấy chiếc điếu cày ra, đặt cây đèn con vào giữa, bỏ thêm gói thuốc lào. Khún vặn to rađiô, một giọng hát cất lên cao vút, mọi người im lặng lắng nghe như nuốt từng lời.

Hết bài hát, một bà lão, là bà Thẻn, uống một
hớp nước chè, nhặt một cái kẹo, mân mê trong tay,
chép miệng:

- Hay hơn cả loa phát thanh của văn hóa huyện
đấy nhỉ.

Ai đó nói lại:

- Hay hơn chứ, cái loa ấy thì nói làm gì.

Bà Thẻn quay sang Khún:

- Cái này nhiều tiền không?

Khún:

- Cũng không nhiều mấy đâu bác ạ. Khoảng... khoảng một con lợn thôi.

- Ô, thế thì cũng dễ mua thôi nhỉ.

Lại giọng lúc nãy chen ngang:

- Nhưng phải là lợn to, chứ lợn bé như con chuột nhà bà thì còn phải nuôi lâu....

Mọi người cười râm ran. La Chí Chải là thế đấy, có chuyện gì vui, buồn, dù bé như con muỗi cũng được đem chia, mỗi nhà nhận một tí.

Đã bắt đầu đến chương trình đọc truyện đêm khuya, mấy ông già vẫn chưa có ý định về. Khún bỏ ra ngoài sàn phơi lúa ngồi một mình. Chỗ này, hồi nhỏ hai anh em Khún hay ngồi đẽo quay. Anh Cạ rất khéo tay, con quay bằng gỗ lim tròn xoe, bóng mịn, nặng trình trịch của hai anh em mang đi đấu khắp làng, đứa nào cũng thèm nhỏ nước bọt. Mới đấy mà đã gần hai chục năm. Cái sàn phơi lúa này đã phải thay đến mấy lần.

Nghĩ đến anh Cạ bất giác Khún đánh mắt vào trong nhà. Chị dâu vừa thái xong đống dọc mùng cao vút, lễ mễ bê ra đổ vào chảo cám. Xong, ngồi xổm, váy quấn rất khéo vào hai bắp chân, phùng mồm thổi lửa. Ánh lửa đỏ hồng rọi lên gương mặt bầu bầu lấm tấm mồ hôi, mắt nhìn xuống. Đấy là ánh mắt của đàn bà ở La Chí Chải, lúc nào cũng nhìn xuống. Nhìn xuống để không giẫm vào gốc mạ, không đi ra rìa hòn đá lát đường, không gặp ánh mắt đàn ông, không vô lễ với người già... Nhìn xuống mãi thành quen, khi vui có lúc ngước lên được một tí, khi buồn càng nhìn xuống thấp hơn. Trong nhà ồn ào thế kia mà Nhẻo như không có tai, không có miệng. Một cái kẹo màu đỏ mẹ chồng vừa đưa cho vẫn để trên gộc củi.
Cằm vẫn tì trên hai đầu gối, con mèo nằm khoanh dựa vào chân...

Sáng sớm, đang nằm co như một con tôm trong chăn ấm, nghe tiếng lá rụng trôi lạt sạt trên mặt mấy tảng đá lát đường, gió mùa đông bắc giật giật mấy cánh cửa sổ... bất chợt mùi thịt bò khô thơm lừng ập vào mũi Khún. Ruột gan sôi rào rào, không thể nào nằm yên được nữa.

Bên bếp mẹ Khún đang dùng cái chày đập đập thỏi thịt bò còn bốc khói. Mẹ anh đã học cách làm thịt bò khô kiểu này của người Mông trên Thèn Pả. Con bò vừa mổ ra, chọn chỗ thịt mông ngon nhất, thái dọc thớ thành thỏi dài, ướp nửa ngày với muối, ớt, gừng, húng lìu, thuốc chống thối... rồi lấy ra vắt ngang trên những thanh tre dài, sấy trên bếp. Cứ treo trên bếp như vậy cả ngày lẫn đêm, khi nào miếng thịt khô cứng lại như miếng gỗ, dùng tay bẻ cong không được là thịt đã khô, tha hồ để. Khi ăn vùi vào tro nóng, lấp một lớp than hồng lên trên. Muốn ăn phải dùng chày đập cho xơ ra như bã mía, sợi thịt vẫn đỏ au, thơm nức. Trời rét mà ngồi trước đĩa thịt bò khô, can rượu để bên cạnh thì không thằng trai nào đứng
lên được.

Cơm sáng xong, Nhẻo ngồi cắt giấy đỏ thành từng miếng bằng hai bàn tay, cằm lại tì trên hai đầu gối, mắt vẫn nhìn xuống. Đêm qua, Nhẻo thức xay ngô cho lợn ăn Tết đến gần sáng. Xay ngô xong lại mang trấu ra ủ cho trâu bò. Ủ xong cho trâu bò lại nhớ cái cối nước vẫn còn ì oạp giã... bằng ấy việc, gần sáng mới xong, vừa rón rén đặt lưng gà đã gáy. Khún nhìn hai bàn tay cầm kéo cắt giấy thoăn thoắt, thở dài. Sợi thịt bò tự dưng mắc ngang cổ, ngụm rượu cũng đọng lại, không trôi đi được. Từ lúc về tới nhà tới giờ hình như Khún chưa nghe thấy chị dâu nói câu nào dài dài một tí, to to tiếng một tí.

Khún đặt chén rượu xuống, cầm lấy bát bột gạo mẹ vừa khuấy xong, chộp một xấp giấy đỏ nữa, lừ lừ đi ra cửa. Nhẻo hớt hải chạy theo:

- Chú để đấy tôi làm.

Khún không nói không rằng, tay cầm bát bột, tay cầm xấp giấy đi thẳng.

- Kìa, chú Khún, không nghe tôi à?

- Tại sao tôi phải nghe chị, hả?

Khún quay lại, lừ mắt. Chị dâu cụp mắt xuống, hai tay giữ chặt hai vạt áo.

Tự dưng Khún muốn quát lên, thế thôi, chả vì cái gì cả. Tự dưng cái vẻ cun cút, hiền lành, nhẫn nhịn, nem nép của chị dâu làm Khún thấy tưng tức trong ngực suốt từ tối qua đến giờ. Người chứ có phải trâu bò đâu mà lúc nào cũng hùng hục làm, ăn không dám ăn, ngủ không dám ngủ. Sợ cái gì nào? Ai chửi mắng câu nào mà sợ, cái mặt lại tái xanh đi thế kia.

Đang dán miếng giấy đỏ thứ ba lên cửa chuồng bò, thiếu hồ, Khún định cúi xuống lấy bát hồ thì một bàn tay đã cầm nó chìa ra trước mặt. Là chị dâu. Chị dâu lí nhí:

- Việc này của tôi, chú...

Khún cắt ngang:

- Thế việc nào của tôi? Trong cái nhà này tôi là khách, còn chị là chủ phải không?

- Tôi... tôi không nói thế. Chú đừng giận...

- Chị để bát bột xuống đấy, mặc kệ tôi, đi làm việc khác đi.

- Không được.

- Sao lại không được? - Khún trợn mắt lên. Nhẻo nhũn nhặn:


- Mấy khi chú về, đi mà thăm họ hàng, việc nhà cứ để cho tôi.

Cái cục tức đã hơi xẹp xẹp lại nở ra, phình to trong cổ Khún. Giá mà bố mẹ, ông bà Khún đã từng là thổ ty, cường hào đã đành, đằng này... Khún giằng lấy bát bột, cầm xấp giấy đi sang chuồng ngựa. Nhẻo quay về, cầm ra cái chổi cọ, quét xung quanh sạch sẽ. Lệ của người Tày vẫn thế, người ăn Tết thì cũng nhớ công gia súc cả năm vất vả, mưa nắng cùng người. Nhẻo tưởng Khún quên, hóa ra không phải vậy.

Dán giấy ở chuồng ngựa xong, Khún quay về đống cày, bừa, cuốc, xẻng đã được rửa sạch sẽ, dựng dưới gốc bưởi. Dán một miếng giấy đỏ nữa vào tay bừa, một miếng vào tay cày, một miếng vào cán cuốc. Khún lại thừ ra. Ở nhà này, nếu không có chị dâu thì ai là người cầm cái cán cuốc này nhiều nhất, là ai?

Nhẻo đã lại mang mấy cái chảo to ra cầu ao ngồi cọ. Khún ra rửa tay, dè dặt:

- Chị dâu à, ở nhà với bố mẹ có gì khó khăn không, có gì buồn không?

Nhẻo không trả lời, cầm nắm rơm kì cọ mạnh trong chảo. Khún hỏi lại lần nữa, Nhẻo vẫn cầm chắc nắm rơm cọ mạnh hơn.

- Chú vào nhà đi cho tôi làm. Không nghe thấy à. Đi vào nhà cho tôi làm, hết việc thì đi chơi. Cứ quanh quẩn ở đây làm gì.


Ái chà, chị ta còn ít hơn mình hai tuổi, thế mà cái giọng thì cứ như đang nói với trẻ con. Khún hậm hực giẫm bành bạch trên ván cầu ao...

 

Trong nhà, bố Khún đang chắp tay trước bàn thờ vừa được bày biện trang hoàng đẹp đẽ. Bố lại khấn: Ngô thóc ơi xin hãy về thật nhiều, cái sức khoẻ ơi xin đừng bỏ ta mà đi. Lúc nào cần mưa hãy mưa, cầng nắng hãy nắng, sang năm chân vượt nghìn quả núi không mỏi, tay bắn rơi con sóc đang bay...

Năm nào cũng những lời ấy, người Tày ở La Chí Chải chỉ cầu có thế thôi, năm nào trời thương thì cho mưa thuận gió hòa, lúa trĩu bông, ngô đầy gác bếp, năm nào hạn hán, lũ lụt mất mùa thì cũng đành chịu, không dám oán trách. Bấm bụng bảo nhau, lúc được lúc mất là lẽ thường, cố mà chịu.

Mẹ cầm một cái xoỏng nhỏ, bảo:

- Ra nương với mẹ.

Khún cun cút đi theo. Những lúc thế này thấy mình vẫn như ngày nào, bé tí, mặt mũi nhọ nhem, chân tay lem luốc, cầm cái đuôi lợn luộc chạy khắp làng suốt chiều ba mươi Tết.

Hai mẹ con ra nương chè. Nương chè nằm ngoài rìa làng, mỗi nhà một khoảnh chừng hai chục cây chè cổ thụ, cây nào cũng hai ba chục năm tuổi, cao lừng lững. Không cần đánh dấu, không cần rào ngăn, nhà nào nhà nấy chỉ hái chè đúng ở cây của mình. Mỗi người đàn bà, đàn ông ở La Chí chải đều nhớ như in từng vết sẹo trên thân chè nhà mình. Mẹ bảo Khún trèo lên, hái một ít búp chè, tối thế nào cũng khách đến chơi. Một bà già đi ngang trên đồi, hỏi vọng xuống:

- Con trai mới về đấy à bà Phạ?

- Cháu chào bác.

Khún chào to, chẳng nhìn rõ mặt ai, mà nhìn thấy có khi cũng quên mất.

Bà già cười to:

- Đã lấy được con dâu về cho mẹ chưa?

Bà Phạ thở dài thườn thượt:

- Sắp hết tuổi lấy vợ rồi mà cứ đứng yên một chỗ mãi bà ạ. Bà xem ở Khâu Bủng có đứa nào thì tìm hộ một đứa.

- Nhiều lắm, chẳng biết nó ưng người thế nào thôi.

Khún cười cười:

- Chỉ cần ngoan ngoãn khỏe mạnh thôi bác ạ.

- Nói thật hay đùa đấy? Thật thì tao lo cho mấy trăm lít rượu luôn.

Khún vẫn cười:

- Thật chứ ạ.

- Nhớ đấy nhé, tao đưa đến tận nhà thì đừng có chạy trốn dưới váy mẹ.

Bà già đi rồi, mẹ Khún càu nhàu:

- Mày thì ai cũng đùa, bà ấy tưởng thật thì sao?

- Đùa một tí cho vui mà mẹ.

- Có gì mà vui.

Khún đứng ngất nghểu chỗ chạc ba:

- Mẹ hay nhỉ, thế có gì mà buồn nào. Mẹ muốn có con dâu chứ gì, sắp có rồi đấy. Mấy hôm nữa con đưa về cho mẹ nhìn mặt, ưng thì cưới luôn.

Bà Phạ ngẩng lên, cau có:

- Mày lại đùa nữa hử?

- Không, lần này con không đùa.

Bà Phạ vịn vào gốc cây:

- Hừm, không đùa, thế nó là con cái nhà ai?

- Mẹ biết làm sao được. Cô ấy ở dưới tỉnh cơ mà.

- Ái chà, mày định lấy con gái người Kinh làm vợ à?

- Con gái người Kinh thì sao? Cũng giống con gái Tày thôi mà.

- Nó có biết cày ruộng, cấy lúa không, biết chăn bò chăn lợn không? có biết....

Khún cười phá lên:

- Ối mẹ ơi là mẹ ơi, con đi làm cán bộ nhà nước, sống bằng lương nhà nước mà lại lấy vợ về để làm ruộng cho mẹ sao?

- Mày cười gì? Có gì mà cười?

- Con lấy vợ cho con chứ có lấy cho mẹ đâu?

 - Nhưng nó là con dâu tao.

- Nó là con dâu mẹ nhưng nó lại ở với con.

- Sao con dâu lại không ở với mẹ chồng? Xưa nay có chuyện như thế à?

- Xưa không có thì giờ có. Con làm việc dưới tỉnh, con ở đó thì vợ con cũng phải theo con chứ. Sau này con mua được nhà rồi sẽ đón cả hai bố mẹ xuống ở cùng...

Bà Phạ lẩm bẩm:

 - Không được rồi. Không được rồi.

- Cái gì không được hở mẹ?

- Tao nuôi mày lớn mày thành con chim bay đi mất, cả đứa con dâu cũng không ở chung ngày nào, thế thì cái nhà này hỏng rồi.

- Thôi nào, có gì mà nghiêm trọng thế mẹ.

Bà Phạ không nói không rằng, xách xoỏng chè đi phăm phăm về nhà. Khún chạy theo:

- Mẹ giận con đấy à?

Bà Phạ im lặng, lầm lì bước đi. Khún gặng:

- Kìa, mẹ. Giận gì mà lâu thế. Mẹ hay thật đấy, chuyện của con thì lúc nào cũng giục, mà chuyện của người khác trong nhà thì chẳng thấy nói gì.

Bà Phạ không quay lại:

 - Còn chuyện của ai nữa nào. Tao đẻ có hai thằng con trai, mày học cho nhiều vào rồi quên bố mẹ, còn thằng anh mày - tự dưng bà bật khóc - thằng anh mày... như cái cây xanh gặp gió gặp bão...

Bà Phạ ngồi phệt xuống vệ đường, nước mắt ròng ròng. Khún luống cuống ôm lấy vai mẹ:

- Mẹ hay chưa, tự dưng lại khóc. Anh con đã thành người trời lâu rồi, cũng coi như đã yên. Việc phải lo bây giờ là việc cho người sống...

Bà Phạ cắt ngang:

- Lo gì nữa, mày khôn rồi, giỏi rồi, cần gì bố mẹ
phải lo.

- Con thì để đấy đã, lo cho người khác kia.

- Còn ai nữa?

- Chị dâu con.

Bà Phạ nhổm dậy:

- Nó làm sao?

- Chị ấy ở nhà mình.... khổ quá, mẹ không thấy à?

Bà Phạ thở dài thườn thượt.

 Khún tiếp:

- Chị dâu ở nhà mình có làm bố mẹ buồn không?

- Lúc thì có, lúc thì không.

- Sao lại thế?

- Nó ăn ít, làm nhiều, không biết cãi bố mẹ chồng, nhưng...

- Nhưng sao?

- Ông then bên Sì Khà Lá bảo... nó là con ma sống, tốt người nhưng hại chồng, không cố ý đâu, mà cái mạng nó thế.

 - Bậy quá, bậy quá.

- Nói bé thôi chứ. Tao cũng không muốn tin, nhưng đúng là chỉ mới cưới nửa năm thì thằng Cạ đã chết rồi. Mà chết vì ngã trúng bẫy bọn đi săn đặt bẫy con thú mới lạ chứ...

- Mẹ đừng tin lời ông then, tội cho chị ấy. Người đi săn chết trong rừng là chuyện không may, cũng không hiếm, anh Cạ là một trong số ấy thôi.

Bà Phạ im lặng. Khún đứng dậy, đi ra con suối trước mặt vục nước uống ừng ực. Quay lại nói nhanh:

- Bố mẹ để cho chị Nhẻo đi lấy chồng thì hơn.

Bà Phạ giật mình:

- Mày nói gì? Để nó đi lấy chồng ấy à, không được.

- Có gì mà không được. Anh Cạ đã chết hai năm rồi, cứ bắt chị ấy ở nhà chồng mãi thì thật không phải. Giờ còn trẻ không nói làm gì, sau này già, bố mẹ cũng đi hết thì chị ấy sống thế nào, lúc ốm đau lấy ai chăm sóc? Mẹ thấy có yên lòng được không?

- Nhưng lệ làng thế. Xưa nay đứa nào chết chồng cũng phải ở tiếp với bố mẹ chồng, muốn lấy chồng khác thì phải bảy năm sau...

- Bảy năm nữa thì thành gái già rồi mẹ ơi. Gái già đến con trâu ngang qua cũng khịt mũi thì ai lấy?

Bà Phạ như nói một mình:

- Tao cũng thương con Nhẻo, càng thương lại càng không muốn mất một đứa dâu tốt như nó.

- Nếu mẹ thương thật thì đừng giữ nữa, có ai đến thì mở cửa cho người ta vào...

Bà Phạ im lặng. Thực ra điều mà Khún vừa nói không phải là bà không nghĩ đến. Nhưng cứ nghĩ đến thì hình ảnh thằng con trai lớn vâm váp như một cây lim trong rừng già, bước chân đi trên sàn nhà phầm phập như chân voi, ăn một bữa năm sáu bát cơm, cày một buổi sáng hết cả mảnh nương rộng ngút mắt, trâu mệt phờ mà nó không hề hấn gì lại hiện lên. Đấy, một thằng trai như thế mà chỉ một mũi chông nhọn bé tí tẹo đã lấy đi cả sinh mạng. Thế mà nửa tháng làm vợ, con dâu vẫn chưa lấy được một giọt máu của nó cho ông bà đỡ tủi. Lời ông then bà nửa tin nửa ngờ, tin thì tội cho con dâu quá, hai năm nay nó quần quật như trâu như bò, hai mươi tuổi mà như ba mươi, bốn mươi, người khô như quả đỗ sấy trên gác bếp, nhưng không tin thì tội cho thằng con trai. Bao nhiêu đám quanh quẩn trong làng không ưng đứa nào, lại cứ nằng nặc đòi gửi rể ở nhà người ta suốt ba năm trời. Có lúc bà cảm thấy con dâu mình đang cố trả nợ bố mẹ chồng. Trả sao được, hai năm chứ hai mươi năm nó cũng không trả hết, nếu đúng là vì nó mà thằng Cạ không qua được tuổi hai lăm. Không trả hết được đâu con dâu ơi...

 Sáng ba mươi Tết, sương mù giăng kín thung lũng La Chí Chải, yên ắng lạ thường. Cả năm thức khuya dậy sớm, được mấy ngày Tết trâu bò cũng ngủ đẫy mắt không buồn dậy. Nhẻo chụm củi thổi cho ngọn lửa cháy bùng lên rồi mang ấm ra hứng nước ở máng vầu đầu hồi. Nhưng máng khô cong, không một giọt nước. Trời còn sớm quá, chưa lên rừng được. Thế nào cũng phải lấy được nước về, đêm nay hứng đầy các ang, cả mấy cái chum xếp hàng dưới máng nữa. Năm mới nước phải đầy ăm ắp thì mới mong làm ăn thuận lợi. Nhẻo quay vào nhà, ngồi bó gối bên bếp, lại rút bớt củi ra. Tiếng gà gáy eo óc nối nhau rộn rã.

Khún tỉnh giấc, nằm trong chăn he hé mắt thấy chị dâu đi ra đi vào mấy lượt bèn trở dậy.

- Có chuyện gì thế chị dâu?

- Không có gì đâu, chú cứ ngủ đi, còn sớm.

Khún nhìn lên bếp đang để không, nhìn ra ngoài cửa:

 - Chị không lấy được nước à?

- Chắc đêm qua có trâu nào lạc giẫm vỡ đường máng rồi. Tí nữa tôi...

- Để em xem nào.

Khún cầm đèn pin đi ra ngoài. Một chốc quay vào, nói với Nhẻo:

- Có nước rồi đấy, chị ra lấy đi.

Nhẻo không nói gì, lẳng lặng đứng dậy. Xách ấm nước vào nhà, đặt lên bếp, Khún đã ngồi đó, đang cầm ống thổi.

 - Có việc gì chị cứ bảo em làm cho.

Nhẻo im lặng, mở nồi măng khô, vớt ra rổ, ngồi xé. Chốc chốc lại quay ra chụm củi, thổi cho cháy to. Làm như không có Khún ngồi bên cạnh.

Khún:

- Chị dâu à, hôm nay ba mươi rồi, chị có về thăm nhà không?

Nhẻo vẫn im lặng. Khún tiếp:

- Lâu rồi không gặp không biết dạo này bác có khoẻ không. Hay là... sáng nay em với chị cùng về...

Nhẻo thảng thốt:

- Không. Không được đâu...

- Có gì mà không được. Làm mãi cũng phải có lúc nghỉ chứ.


Nhẻo:

 - Nhưng...

- Nhưng gì? Chị ngại bố mẹ chứ gì, để em nói cho. Ai lại cả năm trời không về thăm bố đẻ bao giờ.

Nhẻo hơi gắt:

- Chú kệ tôi.

Bà Phạ từ trong buồng bước ra, vừa đi vừa vấn khăn:

 - Có chuyện gì mà hai chị em như cãi nhau thế?

Khún ngẩng lên nhìn mẹ:

- Mẹ dậy sớm làm gì, không nằm thêm lúc nữa.

Bà Phạ ngồi xuống cạnh bếp, cầm cái cặp dụi củi:

- Tao dậy sớm quen rồi, càng nằm càng đau lưng.

Khún dè dặt:

- Mẹ à, con định bảo mẹ sáng nay...

Nhẻo cắt ngang:

 - Chú Khún, đã bảo thôi cơ mà...

Bà Phạ:

- Có chuyện gì mà chị em mày úp mở thế? Nói ra xem nào.

Khún:

 - Con định bảo bố mẹ sáng nay cho chị Nhẻo về bên ấy thăm bác Thào, ba mươi Tết rồi, về thăm bố một tí, mang cho bố ít thịt bò...

Bà Phạ:

- Mẹ vẫn nhắc nó đấy chứ, nhưng lần nào nó cũng vâng dạ rồi để đấy. Nhẻo à, em nói phải đấy. Sáng nay con về bên ấy thăm bố đẻ đi, đừng tham việc nữa.

Nhẻo lí nhí:

- Vâng...

Khún nhanh nhảu:

- Để em đi cùng.

- Không, tôi đi một mình được rồi. - Nhẻo nói, giọng dứt khoát.

Khún nhìn chị ngạc nhiên, bà Phạ cười cười:

- Kệ nó, thích đi một mình còn rẽ ngang thăm bạn bè đấy mà.

Sương mù giăng mờ mịt trên đến lưng chừng dãy núi trước mặt. Phía sau dãy núi là Lùng Sán, nhà Nhẻo ngay chỗ rẽ. Tính ra không xa lắm, chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ đi bộ, nhưng đúng là cả năm nay Nhẻo chưa về thăm bố lần nào. Ngày đưa Cạ ra rừng, bố Nhẻo cũng đến, mới chỉ gần một tháng không gặp mà Nhẻo thấy tóc trên đầu ông đã bạc trắng. Nhẻo buồn một ông buồn mười, Nhẻo đau trong lòng một trăm, ông đau cả ngàn lần. Nếu ông không cho Cạ gửi rể, biết đâu bây giờ Nhẻo không lâm vào cảnh gái ngoan chết chồng, lại còn mang tiếng là con ma sống. Nhẻo không khóc được trong đám ma, Nhẻo hết nước mắt rồi, nước mắt đã ngấm vào chăn vào gối, đã nhuộm vàng cả lá rừng, đã pha đục cả con suối, Nhẻo như cái lá khô, không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì, không đau được nữa. Những điều ấy bố Nhẻo hiểu hết, từ bé, mẹ hay đau ốm, việc nhà đều đặt lên vai Nhẻo, lúc ông buồn, ông uống rượu say cũng chỉ có Nhẻo đưa được ông lê trên cầu thang, vào nhà. Nhẻo không giận bố, Nhẻo thương bố nhiều hơn thương mình, Nhẻo không muốn bố xót xa cho Nhẻo, nên Nhẻo càng không muốn về nhà.

 

*

*      *

 

Nhẻo ngồi giặt bên suối, nước suối trong, chảy lặng lờ. Cắm cúi chải váy một lúc, Nhẻo ngồi thừ ra, khe khẽ hát: Nước chảy được nước chảy/ Đất không chảy được đất đọng lại/ Anh đi được anh đi/ Em không đi được em lên dốc núi cất giọng ca buồn... Tiếng hát lúc đầu nhỏ, sau to dần, tiếng hát của Nhẻo nghe như tiếng khóc bị chặn lại nơi cổ, nghẹn ngào, day dứt, tiếng hát của người đàn bà hai mươi mốt tuổi, chết chồng, không con đang len lỏi vào từng khe nứt trên vách đá trước mặt, lững lờ bay lên chen vào đám mây trắng trên cao, tiếng hát buồn bã như dòng nước chảy. Khún đứng như chôn chân sau bụi sa nhân. Chị dâu buồn đến thế sao, cái lưng kia chẳng mấy chốc mà còng gập xuống, đời người đàn bà rồi như câu hát, bay qua chín bậc cầu thang hay mười ngọn núi thì rồi cũng vẫn về đây, ngồi giặt váy áo ở cuối dòng suối...

Khún bước chầm chậm về phía chị dâu:

- Áo trôi mất rồi kìa.

Nhẻo giật mình quay lại, mắt mở to nhìn em chồng đăm đăm:

- Chú đi đâu thế?

- Đi tìm chị.

- Có việc gì à?

- Không.

Nhẻo cúi xuống vò áo, bọt xà phòng xù lên. Khún nói khẽ:

- Em biết tại sao chị chỉ cắm đầu cắm cổ lo việc nhà, tại sao mấy năm nay chị không xuống chợ, cả mấy ngày Tết cũng không ra khỏi nhà, cũng không bè bạn, tại sao cứ xong việc chị lại nhốt mình trong buồng...

Nhẻo cắt ngang:

- Tôi thế nào kệ tôi, chú không phải để ý.

Khún cãi:

- Mặc kệ thế nào được, người trong một nhà phải lo cho nhau chứ.

- Tôi không cần.

- Không cần cũng không được. Chị dâu à, chị định sống mãi thế này hở?

- Phải. Tôi sống thế này đến già.

- Không cần gì khác?

- Không.

- Chị nói dối.

Nhẻo ngẩng phắt lên nhìn Khún, bực bội:

- Chú không về thì tốt hơn.

Khún bật cười khì khì:

- Để không làm phiền chị chứ gì. Nhưng em trót về mất rồi. Chị Nhẻo à, không nói dối em được đâu. Em biết là chị không chỉ biết có dao với cuốc, trâu bò với lợn gà, nhà cửa với...

- Làm sao chú biết?

- Thì nhìn thôi.

- Nhìn gì?

- Nhìn cách chị vấn tóc buổi sáng ấy.

- A, chú dám nhìn trộm.

Khún khoắng khoắng cành cây xuống đám bọt xà phòng đang nổi trên mặt nước, thủng thẳng:

- Em không cố ý, vô tình thôi.

- Thế... tôi vấn tóc làm sao?

- Chị vấn tóc giống người con gái còn muốn lấy chồng.

- Chú không được nói thế. Bố mẹ nghe thấy thì...

- Chả sao cả. Em nói với mẹ rồi.

Nhẻo buông thõng tay, thảng thốt:

- Chú nói gì?

- Nói bố mẹ để chị đi lấy chồng. Ai lại giữ một người trẻ thế này ở mãi với hai ông bà già.

- Nói thế không được. Bố mẹ buồn lắm đấy, Khún à.

- Nhưng bố mẹ có ở mãi với chị đâu mà buồn, vài năm nữa theo nhau lên trời, chị ở với ai? Chị dâu à, anh Cạ mất rồi, chị phải tìm cho mình một cuộc sống khác đi thôi. Đừng chờ nữa, chờ một năm hai năm nữa là thành gái già mất rồi, gái già thì ai dám lấy. Mà ở một mình mãi, đến lúc già, lúc ốm đau, lúc buồn biết làm thế nào? Người đàn bà không chồng không con như cây ngô chết khô không ra được bắp, sống thế thì gọi gì là sống.

Nhẻo ngồi lặng, Khún càng nói thì nước mắt Nhẻo càng túa ra. Bàn tay nắm chặt tấm áo ngâm trong nước, nước suối vẫn cuốn tấm áo trôi vẩn vơ theo dòng.

Khún đứng lên, chợt nhớ ra điều gì lại quay lại. Chìa ra cho Nhẻo một chiếc gương nhựa màu đỏ:

- Hôm nọ xuống chợ với mẹ, em mua cho chị đây này. Con gái thì phải có gương mà soi chứ. Còn nữa, cái người ở Tả Chải ấy, em cũng biết rồi đấy.

Nhẻo tái xanh, lắp bắp không ra câu, nhìn Khún không chớp mắt. Khún tủm tỉm, đặt chiếc gương xuống phiến đá cạnh Nhẻo rồi ra về. Tấm gương lấp lánh sáng dưới ánh nắng... Khún đã không kể cho Nhẻo nghe chuyện Khún đến thăm bà cô của Nhẻo, nhờ bà cô ấy mà Khún biết vẫn còn một người đang chờ chị dâu mình, chờ đã năm năm rồi.

Bên kia bờ suối, phía sau một lùm cây có một người đang nấp. Người ấy là Dỉ, Dỉ đã mấy lần định ra chỗ Nhẻo giặt, nghĩ thế nào lại thôi. Cho đến lúc nhìn thấy Khún ra, nhưng chỉ nhìn thôi, không nghe được câu chuyện giữa hai người. Cỏ dưới chân Dỉ bị nhổ lên
nham nhở.

 

*

*      *

 

Bữa cơm tối gần xong, ba đứa trẻ ăn nhanh len lén nhìn chị, nhìn bố rồi bấm nhau đứng dậy. Ông Thào, bố Nhẻo từ đầu bữa đến cuối bữa chỉ nhấc lên đặt xuống chén rượu, vơi lại rót, vơi lại rót. Bát cơm vẫn còn nguyên. Nhẻo nhìn bố, gặng hỏi:

- Có chuyện gì à bố?

- Ừ, có chuyện muốn nói với con mà chưa biết bắt đầu thế nào.

- Chuyện gì mà khó nói thế nhỉ?

Ông Thào nhìn con gái, bắt gặp ánh mắt mở to trong veo của nó, lại quay đi, nuốt khan. Hồi lâu mới nói:

- Nhà ông Phạ trên La Chí Chải muốn cho thằng con trai lớn sang đây gửi rể...

Nhẻo hốt hoảng:

- Không được đâu, bố à. Con...

- Nghe bố nói đã này. Mấy năm trước, lúc mẹ con mất ấy, nhà mình không còn tiền làm ma, bố phải sang vay ông Phạ. Ông ấy là bạn của bố, bạn thì không nỡ đòi nợ nhau, nhưng bố nghĩ mãi, không trả nợ được thì cho con sang làm dâu bên ấy, coi như...

Nhẻo ngồi thừ ra, hai con mắt ầng ậng nước rơi lộp bộp xuống vành mâm gỗ:

- Bố mang con gán nợ à. Bố không thương con rồi. Bố có biết... có biết...

- Cái thằng trai tối nào cũng đứng phơi sương ngoài kia chứ gì. Nhưng nó nghèo, nó không giúp mình trả nợ được. Bố để cho nó mấy năm tìm cách về mà cuộc rể, thế là bố thương rồi. Nhẻo à, còn con có thương bố, thương em thì gật đầu một cái, không thương thì...

Nhẻo chạy vụt ra ngoài.

Dưới gốc cây sổ này người trai ấy vẫn đứng, lúc nào cũng vò vò cái mũ nồi trong tay, mồm miệng như có con gì chui vào, không nói được một câu có đầu có cuối.

Nửa năm trước, trong một phiên chợ đông đúc, Nhẻo xúng xính trong váy áo đẹp, cổ đeo vòng bạc, ngang hông đeo bộ xà tích bạc lách cách, khăn vấn trên đầu còn mới tinh. Mua vải rồi, Nhẻo định mua ít vịt con về nuôi. Nuôi vịt con từ bây giờ thì đến tết rằm Tháng Bảy mới có vịt béo. Người bán là một phụ nữ gầy gò, đứng bên cạnh là một người trai mặt vuông. Nhẻo tiến đến:

- Mấy tiền một chục thế?

Bà già không trả lời, mặt nặng như chì. Hình như hai người đang cãi nhau chuyện gì. Nhẻo hỏi lại:

- Này, mấy tiền một chục thế?

Vừa hỏi vừa giật giật tay áo chàng trai. Anh ta không ngẩng lên, lắp bắp:

- Cháu... cháu không biết.

- Ô, hay nhỉ. Bán hàng mà không biết mấy tiền. Bỏ ra xem nào.

Chàng trai mở cái nắp đậy thúng vịt, lóng ngóng thế nào hất nghiêng cả thúng, vịt chạy tán loạn, kêu nhặng xị. Mấy cô bạn đi sau Nhẻo nãy giờ vẫn im lặng, thấy Dỉ đuổi vịt cười phá lên, đùn đẩy nhau. Nhẻo thấy tội nghiệp người ta quá, chạy ra bắt hộ.

Dỉ vừa thở hổn hển vừa lau mồ hôi đang túa ra:

- Cháu... Ô... - Anh ta há miệng, trợn mắt nhìn Nhẻo.

- "Cháu" định cảm ơn à? - Nhẻo tủm tỉm - Tôi giống bà già lắm hở?

Dỉ cười cười, tay vặt vặt gấu áo:

- Mình... mình cứ tưởng. Cảm ơn em gái nhé.

- Không lấy cảm ơn đâu. Lấy thứ khác cơ.

- Lấy gì? Tôi chẳng có gì.

- Có đấy. Có cho hay không thôi.

- Tôi chẳng có gì thật. Đi chợ với thím từ sáng tới giờ chưa bán được con vịt nào...

 

Ngày anh Cạ trên La Chí Chải ôm bọc quần áo đến gửi rể cũng là ngày Dỉ bỏ Tả Chải ra đi. "Chỉ cần Nhẻo chịu đợi tôi thì thế nào tôi cũng mang được mấy trăm đồng bạc về cuộc rể, chỉ cần Nhẻo chịu đợi tôi thôi"...

Lẽ ra phải nói với Dỉ rằng mình sẽ đợi, nhất định sẽ đợi. Chỉ ba năm thôi, ba năm trôi vèo như cái lá rụng ấy mà. Nhưng Nhẻo lại chỉ khóc. Nước mắt làm đất trời mù mịt, làm hình bóng người con trai có cái trán vuông đứng trước mặt cũng mờ mịt theo...

Đúng là ba năm trôi vèo qua như cái lá rụng, hạn gửi rể dù không mong nó dừng lại thì tự nó vẫn dừng lại. Vậy mà người cuộc rể vẫn chẳng thấy đâu. Chẳng lẽ đã như con chim lớn cất được đôi cánh lên bầu trời thăm thẳm, quên mất đường về? Vậy là Nhẻo đành phải theo Cạ về nhà chồng làm dâu. Nhưng Nhẻo không biết trong đám đông tiễn mình qua suối, qua rừng lên La Chí Chải có cả Dỉ. Dỉ đứng sau gốc cây bồ quân, mười đầu ngón tay tím bầm, rớm máu vì bấu chặt vào lớp vỏ cây khô cứng, quả bồ quân chín rụng đầy dưới chân. Tiếng đám con gái tiễn bạn về nhà chồng vọng lại như từng vết dao cứa đứt ruột gan Dỉ:

- Nhẻo ơi, phiên chợ sau nhớ mang chồng đi
cùng nhé.

- Này, cố mà giữ chồng, nó đẹp thế dễ bị ăn cắp
lắm đấy.

- Cười cười một tí mới được, mặt cô dâu buồn quá.

Và nước mắt đang ròng ròng trên mặt Nhẻo kia kìa, Dỉ lại không nhìn thấy. Dỉ chỉ thấy nỗi đau trong lòng mình lớn quá, hơn cả bầu trời cao đang rực nắng.

Đêm tân hôn, nửa đêm, lúc cả nhà đang ngủ say, Nhẻo lẻn dậy, chạy ra ngoài. Trăng rất sáng, Nhẻo chạy vào rừng. Vừa chạy vừa ngã. Đi đâu bây giờ, đã bước lên cầu thang theo dấu chân mẹ chồng, đã nhận lấy cái ống mẻ mang dựng vào góc bếp... còn đi đâu được. Nhưng chỉ nghe hơi thở lúc dồn dập lúc như sắp tắt của Cạ là Nhẻo lại không chịu nổi. Càng nhích ra xa thì cái bàn tay đàn ông nóng rừng rực ấy lại càng tìm cách chạm vào người. Tại sao đàn ông đàn bà chẳng quen biết gì, thân thuộc gì lại có một ngày phải sống với nhau, đắp chung một cái chăn, ăn cùng một mâm cơm?

Nhẻo gần như đập mặt vào một gốc cây trám cổ thụ. Ánh trăng yếu ớt từ trên cao đang lọt xuống qua khe lá. Đúng lúc Nhẻo muốn gục xuống đám cây lá tối om om dưới chân thì Cạ tới.

Cạ cầm tay Nhẻo, lập bập mãi chưa nói thành câu. Cạ chỉ cầm tay thôi, thật chặt. Lúc đầu Nhẻo giằng ra, giằng mãi không được, đành để yên, khóc òa. Cạ bối rối không hiểu tại sao. Nhẻo nhìn Cạ trong ánh sáng mờ mờ, thấy Cạ tóc tai bù xù, quần áo xộc xệch, mắt mở to chừng không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

- Nhẻo ghét tôi à?

Nhẻo im lặng.

- Ghét tôi sao Nhẻo lại theo tôi? Nhẻo chỉ cần nói một câu là Nhẻo không muốn đi theo tôi thôi là tôi sẽ để Nhẻo ở lại với bố Nhẻo.

Không. Nhẻo không ghét anh ta. Đúng là Nhẻo không ghét anh ta. Ba năm gửi rể ở nhà Nhẻo, thậm chí đã có lúc Cạ làm cho Nhẻo thấy quý mến. Quý mến vì lúc nào cũng chỉ biết làm hùng hục, việc trong nhà, việc trên nương, ngoài ruộng, chỗ nào cũng có bóng Cạ. Nhưng tại sao Nhẻo lại bỏ chạy trong đêm đầu tiên làm vợ Cạ thì chính Nhẻo cũng chẳng biết. Tiếng sáo trúc ấy như từ trên trời rơi xuống, đột nhiên lách qua vách, rót vào tai Nhẻo. Tiếng sáo trúc làm Nhẻo nhận ra không phải Nhẻo mơ mà đúng là Nhẻo đang nằm trong buồng cưới cùng với một người đàn ông, đắp chung cái chăn với anh ta, lại còn nghe tiếng thở, thấy hơi nóng hừng hực phả vào cổ, vào ngực mình nữa. Thốt nhiên Nhẻo sợ, Nhẻo đang cố giữ cái gì đó rất mờ mịt, xa xôi...

Cạ đứng đó, buồn rầu. Cái bóng đàn ông cao lớn như con gấu bỗng chốc yếu ớt như một đứa trẻ. Nhẻo nắm tay Cạ, kéo về nhà. Và Nhẻo bắt đầu cuộc sống làm vợ Cạ từ đấy, sáng dậy sớm nấu cơm, đêm thức khuya đun cám lợn, xay ngô.

Đêm đêm, Cạ kiếm cớ ngồi cạnh bếp, khi thì đẽo chuôi dao, khi thì sửa cái mõ trâu để chờ vợ. Xong việc nhà, Nhẻo nhìn chồng gật đầu một cái, thế là Cạ mang chậu nước để sẵn dưới cái máng vầu, mang vào pha nước nóng, rón rén bê vào buồng cho vợ ngâm chân. Nhẻo sẽ dựa vào vách, hai chân ngâm trong nước nóng pha muối, để mặc cho chồng kì cọ sạch từng cái móng chân. Ở La Chí Chải, ở Tả Ván, ở Lùng Sán, thậm chí cả vùng miền tây dưới chân Tây Côn Lĩnh này làm gì có người chồng nào yêu vợ bằng Cạ, không có đâu. Nhẻo biết mà.

Cạ mang một gùi mật ong xuống chợ bán, mua về một cái gương to, soi được nửa người, treo trong buồng hai vợ chồng.

Nhẻo ngồi trên phản khâu áo, chân xếp một bên, không nhìn lên:

- Mua làm gì gương to thế?

Cạ vừa hì hục treo gương lên vách vừa trả lời:

- Mua cho vợ mình soi mỗi lúc đi ra khỏi buồng.

- Có chồng rồi thì cần gì soi gương nữa.

Cạ treo xong, ngồi xuống cạnh vợ, ngắm nghía:


- Có chứ. Có chồng càng phải soi gương cho chồng ngắm. Chồng thấy vợ đẹp, chồng càng thương, ra đường thấy con gái không thèm nhìn.

Nhẻo ngồi xích ra, mắt vẫn không rời cây kim:

- Chồng thích nhìn con gái ngoài đường thì cứ nhìn, vợ ở nhà có biết đâu mà.

Cạ:

- Vợ không biết cũng không nhìn. Nhìn một mình vợ là no con mắt rồi.

Nói rồi Cạ ôm chầm lấy Nhẻo.

Một người chồng như thế thì ghét thế nào được. Nhưng niềm hạnh phúc vừa nhen nhóm lên đã đột ngột phụt tắt.

Một đêm cuối năm, trong buồng của hai vợ chồng, Nhẻo không ngủ, chong đèn vá áo cho chồng. Mọi lần Cạ đi canh nương Nhẻo vẫn mặc kệ, cứ ngủ. Mờ sáng, chồng về, người ướt sũng sương đêm, rúc vào chăn đòi ôm vợ thì cũng là lúc Nhẻo đã phải dậy nấu cơm sáng. Nhưng tự dưng đêm nay không sao ngủ được. Có cái gì đó cồn cào trong lòng Nhẻo ngay từ lúc đứng ở chân cầu thang nhìn theo bóng chồng lẫn dần vào hẻm núi. Nhưng không rõ là gì.

Nhẻo ngồi khâu áo, đường chỉ cứ vẹo vọ, xộc xệch, tháo ra, khâu vào. Chốc chốc lại đứng lên rón rén ra cửa, nhìn ra ngoài. Một tiếng chó sủa cũng làm Nhẻo giật mình. Đột nhiên sợi chỉ đứt phựt, lại nghe tiếng cú rúc trên vách núi... Nhẻo nhìn chằm chằm vào sợi chỉ đứt. Chỉ một lúc sau, tiếng chó sủa ran khắp xóm, tiếng người lao xao, đuốc nổi lên rừng rực, Nhẻo chạy xuống cầu thang vùn vụt. Ánh đuốc đang soi vào ngõ, là Cạ. Đúng là Cạ đang nằm trong cái cáng bện bằng dây rừng, ánh sáng lờ mờ của một ngày mới chỉ đủ soi tỏ gương mặt tím bầm.

 

*
*      *

 

Dỉ ngồi rất lâu sau bụi cây dại, nhìn theo hút bóng Khún. Từ hôm Khún về tới nay Dỉ không dám trèo qua hàng rào vào nhà ông Phạ nữa. Dỉ đã làm quen được với con chó khoang bằng mấy con cá nướng. Giờ thấy Dỉ con khoang chỉ vẫy đuôi, rúc mũi vào túi áo tìm cá. Không biết đã bao đêm rồi Dỉ đứng dưới gầm sàn, ngay dưới buồng Nhẻo nằm. Nghe rõ tiếng trở mình, tiếng kéo chăn xoàn xoạt, tiếng khóc rấm rứt... Dỉ chỉ muốn gọi Nhẻo dậy, hỏi tại sao Nhẻo khóc. Có phải bố mẹ chồng làm khó Nhẻo không? Hay Nhẻo buồn vì nhớ chồng? Không phải đấy chứ, Nhẻo không yêu người ta mà. Nhẻo chỉ lấy người ta để trả nợ thôi. Giờ thì Dỉ có thể trả nợ thay Nhẻo rồi. Dỉ đã có hẳn một đàn dê gần trăm con, Nhẻo muốn bao nhiêu chẳng được. Chỉ cần Nhẻo đồng ý bỏ trốn với Dỉ là Dỉ sẽ lùa cả đàn dê vào chuồng nhà ông Phạ. Nhưng hình như Nhẻo lại không muốn thế. Trong đầu Nhẻo nghĩ gì, nếu mà bổ ra để xem được rồi lại đóng vào thì tốt biết mấy. Đằng này...

Tròn một năm sau ngày chồng Nhẻo chết, Dỉ đã tìm cách gặp Nhẻo trên nương. Nhẻo đang cắm cúi làm cỏ ngô. Dỉ xộc đến, Nhẻo làm rơi cả cán cuốc.

- Làm gì mà giật mình thế? - Dỉ cười cười.

Nhẻo đưa bàn tay lên chặn ngực:

- Ở... ở đâu ra thế?

- Lúc nào tôi cũng đi sau Nhẻo, Nhẻo không biết thật hay là...

- Đi sau Nhẻo làm gì?

- Nhẻo biết mà. Nhẻo ơi, tôi vẫn không quên được Nhẻo...

- Thì sao?

- Thì... tôi về tìm Nhẻo. Nhẻo còn thương tôi không?

Dỉ định cầm tay Nhẻo, Nhẻo rụt lại, lùi một bước:

- Nhẻo đã lấy chồng rồi, Dỉ đừng làm thế.

- Tôi mặc kệ. Chồng Nhẻo chết rồi, Nhẻo bây giờ...

- Dỉ về đi. Người làng nhìn thấy thì bố mẹ chồng lại buồn, Nhẻo không làm thế được đâu. Về đi.

Nhẻo không phải là một cái cây đã chết khô. Dỉ nhìn vào khoảng da trắng hồng lộ ra dưới miếng rách nhỏ trên vai áo Nhẻo. Cặp má còn đỏ rực, căng mọng thế kia,
mắt thì đen thăm thẳm, Nhẻo tự trói buộc mình đến
bao giờ.

Dỉ còn chưa gặp lại Nhẻo lần nào nữa thì Khún về. Thằng Khún gầy như que củi, da xanh như con nhái đun dở trong nồi canh măng ngày nào giờ đã là một thằng trai cao lớn, trán vuông, mắt sáng, miệng rộng, cười một lần là chết chìm cả đống con gái La Chí Chải. Ai chà, thế mà nó không đi đâu chơi lại cứ lượn vòng vòng như con gà trống khoe mẽ trước mặt chị dâu thế kia. Bất giác, Dỉ nhìn xuống chân tay gân guốc, đen nhẻm của mình. Mình thua nó mất thôi. Nó mà vỗ cánh phành phạch, gân cổ lên gáy là mình thua ngay. Nhẻo cũng là là đàn bà thôi chứ có phải gỗ đá đâu. Lại còn tặng gương nữa kìa. Lại còn cười nữa kìa. Răng nó trắng thế không biết, lóa cả mắt. Còn cái gương nhựa có hình cô gái phía sau thì cứ nằm mãi trên phiến đã. Nhẻo định bỏ đấy, nghĩ thế nào đã xách xoỏng quần áo đi được một quãng lại quay trở lại, cầm lên, nhìn trước nhìn sau, soi một cái rồi giấu vào cạp váy. Tí nữa thì Dỉ lộn nhào xuống cái hố trâu đằm sau lưng. Nhẻo à, Nhẻo ơi, lẽ ra phải vứt cái gương ấy
đi chứ.

Dỉ vùng dậy, chạy thục mạng. Nỗi uất ức từ trong ruột gan sôi trào lên cổ, lên đầu, ù ù hai lỗ tai, lòi hai con mắt, dựng đứng cả tóc lên. Thế này thì chịu làm sao được. Tức chết mất thôi, Nhẻo ơi. Đàn bà mà như cái lá rụng xuống dòng nước, nước muốn cuốn đi đâu cũng được thì hỏng mất rồi, hỏng thật rồi. Xưa Nhẻo chờ được Dỉ ba năm mà giờ một ngày cũng không chờ nổi. Chỉ tại thằng trai học lắm biết nhiều, giỏi rót mật vào lỗ tai con gái kia thôi. Chẳng lẽ Dỉ phải đứng yên một chỗ mà nhìn Nhẻo tuột khỏi tay mình lần nữa? Làm sao Dỉ đứng
yên được.

Dỉ chạy như trâu say nắng lên cơn điên. Gai nhọn chìa ra đường, xé toạc cả áo, toạc cả da, tứa máu ra, mặc kệ. Dỉ không nghĩ ra được phải làm gì bây giờ. Thân phận Dỉ không cha không mẹ, một thân một mình, người thương thì có người yêu thì không. Mà Dỉ cũng chẳng cần ai yêu, chỉ cần một mình Nhẻo thôi. Cho dù Nhẻo là con lợn nái sề, là con gà mái không nhảy nổi lên ổ đẻ, là con ngan xơ tướp cả lông, đi không nổi, chạy không xong thì Dỉ vẫn cần Nhẻo. Nhưng giờ Nhẻo là gì chứ? Một bông hoa bjoocmạ vàng óng, mỡ màng thế kia cơ mà.

Suýt nữa Dỉ húc đầu vào một ông già đang ra sức kéo một cây tre đang mắc ngọn. Là ông Phạ. Có một cái gì đó vỡ òa ra trong đầu Dỉ.

- Chào bác Phạ. - Dỉ lên tiếng.

Ông Phạ dừng tay:

- Anh Dỉ đấy à. Sao bảo làm rể trên Lao Chải cơ mà.

- Cháu về La Chí Chải rồi. Bác chặt tre làm gì thế?

- Ầy, lấy một đoạn thay cái gióng chuồng dê, thế mà kéo mãi chưa được. Già thật rồi.

- Nghỉ tay đã bác ạ, tí nữa cháu kéo cho.

Ông Phạ ngồi xuống cạnh Dỉ, lấy cái điếu cày dựng bên bụi cây, làm một điếu. Rít liền mấy hơi, chuyển cái điếu sang Dỉ. Dỉ chậm rãi nhét thuốc vào nõ:

- Con trai đi đâu mà bác phải làm một mình?

- Chủ tịch xã nhờ việc gì ấy, đi từ sáng sớm. Mà có ở nhà cũng chẳng nhờ được, mấy năm nay quen cầm bút, quên dao quên cuốc rồi.


Phủ ngửa mặt lên ngọn tre, phả khói:

- Bác bây giờ là sướng nhất Tả Chải đấy nhé. Con trai học hành giỏi giang, đi làm cán bộ mãi dưới tỉnh, bố mẹ tha hồ được nhờ.

- Tôi chẳng cần nhờ nó. Không phải lo cho nó là may lắm rồi. Chỉ mong nó lấy vợ sớm đi thôi.

- Nếu cậu Lìn về Tả Chải lấy vợ bác có mừng không?

- Mừng chứ. Thế thì tốt quá rồi. Nhưng nghe đâu nó có người yêu dưới tỉnh cơ, con gái người Kinh đấy.

- Hình như không phải thế đâu bác ạ.

Ông Phạ xoay hẳn người sang phía Dỉ, ngạc nhiên:

- Anh biết chuyện của nó à? Nó để ý đứa nào ở Tả Chải hay sao?

Phủ thủng thẳng:

- Người ngay trước mắt mà bác không biết đấy thôi.

- Đứa nào, con nhà ai thế? - Ông Phạ háo hức

- Ầy dà, cháu nói chuyện này... không biết có nên không.

- Nói đi nào, sốt ruột quá.

- Chuyện này cháu vô tình thấy thôi, chưa biết đúng sai thế nào...

- Thì cứ nói đi đã.

Phủ ghé tai ông Phạ. Nét mặt ông Phạ tái xanh rồi chuyển sang đỏ gay, lại tái, lại đỏ, cặp má nhăn nheo của ông mỗi lúc một chảy xệ xuống, hai hàm răng cắn chặt, nổi hằn lên...


Trong nhà, ông Phạ vừa đuổi hai mẹ con bà Phạ và Nhẻo ra ngoài. Ông ngồi xuống tấm phản. Đây là nơi cao quý, trọng vọng nhất trong nhà sàn, nơi chỉ dành cho người đàn ông làm chủ gia đình. Tấm phản gỗ phẳng lì, bóng loáng, không một hạt bụi, phía trước là bếp lửa, phía sau là bàn thờ. Tổ tiên, trời đất đều đứng phía sau ông, nhìn xem ông làm gì với gia đình, đúng hay sai. Lửa trong bếp đang cháy bùng bùng, hương trên bàn thờ đang tỏa khói nghi ngút.

Có cái gì như một sợi dây dài xuyên suốt sống lưng ông Phạ, xuyên lên tận đỉnh đầu, choáng váng, đau buốt. Mỗi người đàn ông sinh ra ở La Chí Chải này, ngoài việc lo cho cuộc sống gia đình có đủ cái ăn cái mặc, còn một việc rất lớn phải làm nữa. Việc ấy là dạy những thằng con trai, cháu nội nên người, không làm xấu mặt tổ tiên. Bao nhiêu năm còng lưng cúi mặt, tưởng đã đến lúc có thể nằm thẳng ra mà ngủ không vương vấn gì, vậy mà độp một cái, thằng con học rộng biết nhiều, thằng con biết leo qua núi, lội qua suối, xuống hết con dốc toàn vết chân trâu ném cho một vốc bùn vào mặt. Ây chà, tức mà chết được thì chết luôn cho xong. Cơn nóng rừng rực sôi trào lên đầu, muốn nổ hai con mắt, tay lăm lăm con dao chặt tre sáng loáng.

Thằng con trai dường như chưa cảm thấy được tầm quan trọng của vấn đề, vẫn đứng dựa cột, tay mân mê cái cán dao đang chuốt dở. Cái mặt trắng nhởn, từ lúc rời La Chí Chải cái mặt nó tự dưng trắng nhởn ra thế. Hai con mắt nữa, sáng thế kia, mở to thế kia, đứa đàn bà nào chả chết đứng, vậy mà đến tận bây giờ ông mới nhận ra. Không trách con dâu ông được. Vợ chồng nó như ngọn lửa vừa mới bén vào bùi nhùi, chưa kịp bùng lên đã mất đi một nửa. Suốt hai năm trời nay con dâu ông giữ đúng phép nhà, đêm đêm nghe tiếng cú kêu chỉ biết vùng dậy chạy như điên trong rừng. Sáng ra mặt mũi bạc phếch, mắt thất thần, chân đi không vững. Ông biết hết, càng biết càng thương, thương đến thắt ruột. Thì ông vẫn coi nó như con gái từ khi bố nó mang đến gửi ông đấy chứ. Nhưng với thằng Khún thì không được. Thằng con trai duy nhất còn lại đang vã bùn, vã cứt trâu vào mặt ông, làm ô uế cả dòng họ, làm hư hỏng cả con chị dâu. Sao ông không lường được chuyện này, già quá mất rồi, lẫn rồi, mụ mị cả 8000 rồi. Ông Phạ không nhìn con, dằn giọng:

- Ngồi xuống.

Khún lẳng lặng ngồi xuống khúc gỗ kê bên kia bếp, đối diện với bố.

- Tao còn là bố của mày không, Khún?

- Kìa, bố. Sao bố lại hỏi thế?

- Trả lời tao đi đã. Còn không?

- Bố chẳng là bố của con thì bố của ai. Có chuyện gì bố cứ nói thẳng, con lớn rồi chứ còn trẻ con đâu mà....

Ông Phạ cắt ngang:

- Mày lớn rồi, khôn rồi, nên thích làm gì thì làm phải không, tao là bố mày còn sống sờ sờ ra đây mà coi như chết rồi cũng được phải không? Cả dòng họ, cả vùng La Chí Chải này kính trọng tao, chỉ có mày, đứa con trai duy nhất còn lại không coi tao ra gì...

Khún nhổm dậy, liến thoắng cãi lại:

- Con có làm gì đâu mà bố nặng lời thế, chắc lại nghe đứa xấu bụng nào xúi bẩy chứ gì. Bố mẹ sinh con ra, nuôi con lớn, chẳng lẽ không hiểu con là người thế nào. Chẳng gì con cũng học hành đến nơi đến chốn, biết thế nào là điều hay lẽ phải, bố đừng có nghe chúng nó nói bậy bạ rồi mắng oan con.

- Mày vẫn còn to mồm được đến thế cơ à. Phải rồi, con ễnh ương ấy, trong bụng thì chẳng có gì nhưng mồm thì to, cứ to mồm là thắng thôi. Mày thì hơn gì nó.

Khún bắt đầu tức giận:

- Cho đến lúc này con vẫn chưa hiểu bố định nói gì. Con làm sai việc gì, ở đâu, bao giờ, nghĩ mãi vẫn chưa ra. Bố mà không nói thẳng ra là con đứng dậy đấy.

Ông Phạ đập tay xuống phản rầm rầm:

- A, mày dám doạ tao. Mày tưởng đã thành con cầy con cáo, khôn quá thành tinh rồi, làm việc bậy bạ ngay trước mắt mà tao không biết phải không? Cút ngay, cút!

Khún:

- Chừng nào bố chưa nói rõ tội tình thì con không đi đâu hết. Con không việc gì phải gánh oan ức thế này.

- A, lại còn kêu oan à. Lúc mày lượn vòng như con gà trống trước mặt chị dâu mày thì có kêu oan không hở?

Khún kinh ngạc:


- Lượn vòng như con gà trống trước mặt chị dâu. Bố đùa đấy à? Con có mỗi một anh trai, anh em con yêu quý nhau thế nào bố thừa biết, đối với chị dâu vì thế lúc nào con cũng thương như ruột thịt...

- Thương như ruột thịt nên mới.... Hừm, tức quá đi mất thôi... - Ông Phạ cầm điếu cày trong tay nhồi thuốc lào mà châm mãi không được, ngón tay cầm đóm run bần bật... - nên mới hẹn hò riêng tư với chị dâu mày. Lại còn dám tặng gương nữa chứ. Lúc anh mày chết, cái gương to tướng trong buồng nó cũng đập đi rồi, thế mà giờ mày lại tặng gương. Mày là thằng trai tồi, dám làm mà không dám chịu, có học mà cư xử không bằng trâu bò. Con trai ơi, mày còn ngồi yên ở đấy được à?

Bà Phạ ngồi dưới chân cầu thang, Nhẻo đứng dựa vào cối xay ngô. Nghe hết rồi. Cả hai đều nghe thấy hết. Bà Phạ quay sang phía con dâu. Buồn quá con dâu à. Nếu mà nói được với mẹ thì nói đi, gì cũng được, đúng cũng được mà sai cũng không sao. Chỉ cần nói thật thôi. Nhưng Nhẻo không nhìn bà, cũng không nói gì. Cái gương màu đỏ bé hơn lòng bàn tay đang nóng như hòn than trong cạp váy. Đã mấy lần Nhẻo định vứt đi nhưng nghĩ thế nào lại giữ lại. Tay Nhẻo đang bám chặt vào mép cối, trắng bệch. Mặt Nhẻo cũng trắng bệch. Tai Nhẻo đang ù đi. Nhẻo chỉ muốn làm con trâu con bò trả nợ cho nhà chồng thôi. Chỉ cầu trời cho mình khỏe mạnh, đừng ốm đau gì, không phải nằm bệt một chỗ để đi nương, đi rừng, ra ruộng... Chỉ vậy thôi mà không được. Nhẻo không biết bà mẹ chồng đang nhìn mình, chờ mình mở miệng. Nhẻo có nhìn thấy gì đâu. Nhẻo lững thững đi ra cổng. Cánh cổng gỗ mở ra cọt kẹt, rồi tênh hênh nằm đó, cái then cài lủng lẳng như muốn rơi...

Nhà như có đám, mỗi người một nơi, không ai nói với ai lời nào. Nếu thiếu cả tiếng đàn lợn kêu gào đòi ăn thì không khác gì cái nhà hoang. Suốt đêm ông Phạ ngồi trên phản, hút hết ba gói thuốc lào. Sáng ra tóc ông bạc đến phân nửa. Chẳng lẽ cùng một lúc ông mất luôn cả thằng con trai với đứa con dâu mà ông coi như con
gái sao?

Đứng dậy, lấy cái mũ nồi chụp lên đầu, đeo bao dao ngang lưng, ông phăm phăm xuống cầu thang.

 

*

*      *

 

Ông Thào mang ra bình rượu thuốc, giữa mâm đã có đĩa thịt gà, bát muối ớt.

Ông Phạ:

- Ông làm gì mà cầu kỳ thế, tôi không ngồi lâu
được đâu.

- Lâu lắm rồi mới được ngồi với nhau, bận gì thì hôm nay ông cũng phải uống với tôi hết bình rượu mới
được về.

- Nhưng...

- Không nhưng gì hết. Bình rượu này ngâm hai năm rồi đấy, có một mình nên cũng chẳng buồn lấy ra uống. Ông nhìn đây này: Một con bìm bịp, một con tắc kè, thêm hai thang thuốc bổ lấy bên lang Tính nữa. Ông uống đi!

Ông Phạ nhấp miệng, gật gật:

- Được, được lắm. Rượu thóc hở?

- Phải, rượu thóc. Mà này, một nửa bình là của ông gửi con Nhẻo mang về cho tôi đấy.

Ông Phạ nhìn quanh:

- Dạo này ông khỏe không? Nhà vắng quá nhỉ, chúng nó đi hết rồi à?

- Khỏe. Giờ có làm gì mấy đâu mà chẳng khoẻ. Hai đứa con gái đi lấy chồng, ba thằng con trai bé thì đứa lên rừng, đứa ra sông, đứa đi bắt mấy con dê về nuôi.

- Nói đến dê mới nhớ ra, nghe đâu huyện mới đầu tư cho xã mình giống bò gì mà cho nhiều sữa lắm, bò gì nhỉ, quên tên mất rồi.

- Kệ bọn trẻ thôi, mình già rồi cứ loanh quanh từ trong nhà ra ngoài vườn đã hết ngày. Với lại, giống mới thì cũng phải xem đã, sữa bò thì để làm gì?

- Để uống thôi.

- Ây dà, để uống thì cần gì. Uống rượu chẳng ngon hơn à. Bò ăn cỏ thì sữa có gì mà ngon.

- Tôi cũng chỉ nghe thế. Nếu có sẵn thì mình cũng nhận một con nuôi thử, lấy sữa cho trẻ con uống.

- Cả nhà tôi, nhà ông làm gì còn trẻ con.

Ông Thào đang nói đột ngột dừng lại, đưa tay bịt miệng, nhìn bạn. Không phải ông thông gia đến tìm ông để nói chuyện bò sữa. Ông cảm thấy thế. Hôm nay ông ấy lạ lắm, buồn thì rõ rồi, vui làm sao được. Hễ cứ gặp nhau là hai ông lại cùng tránh không nhắc đến con cái. Nhỡ có nhắc đến thì cũng tìm cách mà quên đi ngay. Ông Phạ cầm chén rượu trước mặt, không uống nữa, đặt xuống mâm. Chân tay tự nhiên thừa ra, không biết làm gì, để đâu, bẻ bẻ mấy sợi nữa bị tướp trên sàn.

Hồi lâu, ông Thào rót thêm rượu ra chén, nói
quấy quá:

- Uống đi ông, ăn cái cánh này nhé. Hồi nhỏ cả tôi với ông đều thích nhất cánh gà mà chẳng mấy khi được ăn. Giờ có rồi lại khó ăn vì răng yếu quá.

Ông Phạ dốc tuột chén rượu vào miệng. Rượu nặng, cay xé họng, vậy mà vẫn không cuốn trôi được cái cục tưng tức vẫn mắc ở cổ. Ông đưa tay lên vỗ vỗ ngực.

- Hình như có chuyện gì không vui à?

Ông Thào dè dặt. Bạn ông chưa bao giờ thế này. Ông ấy như cái máng nước, lúc nào cũng xối ào ào, có chuyện gì cũng phải nói ngay, nói cho hả.

Ông Phạ nuốt khan, tay vẫn vỗ ngực:

- Chuyện này khó quá ông ạ.

- Khó nghĩ hay khó nói? Nếu khó nghĩ thì nói với tôi, tôi cùng nghĩ. Còn nếu ông thấy khó nói thì... đúng là ông không còn coi tôi là bạn rồi. Xưa nay có chuyện gì ông giấu tôi đâu.

- Ông giận đấy à. Chuyện này là chuyện của tôi, cũng là của ông.

- Thế thì tôi hiểu rồi, con Nhẻo lại hư với ông bà phải không? Nó thật là đứa không ra gì...

Ông Phạ lắc lắc đầu:

- Không phải nó hư với vợ chồng tôi. Ông biết đấy, ba bố mẹ con sống với nhau đã gần hai năm rồi chưa bao giờ to tiếng....

- Vậy thì có chuyện gì?

- Chuyện này.... chuyện này... to lắm ông ơi. Tôi không biết giải quyết thế nào.

Ông Thào nhìn thẳng vào bạn, hít một hơi dài:

- Nó đòi ông bà cho đi lấy chồng à?

- Không phải thế. Nó đâu có hé miệng nói câu nào.

- Thế thì chuyện gì? Ông không nói thẳng ra làm tôi sốt ruột quá.

- Gần đây thằng con thứ hai của tôi...

- Thằng Khún chứ gì.

- Ừ, thằng Khún, nó nghỉ phép về thăm nhà. Cũng được một tuần rồi đấy, có khi hơn một tuần. Trước giờ nó vẫn thương chị dâu lắm, nhưng lần này....

- Hai chị em nó xích mích à?

- Không, nếu xích mích thì đã dễ giải quyết, đằng này... đằng này.... hình như ông ơi, hình như chúng nó có gì với nhau...

Ông Thào sốt ruột:

- Có gì là có gì, ông nói rõ xem nào.

Ông Phạ khó nhọc:

- Tôi cũng không thấy tận mắt, chỉ nghe người khác kể lại thôi. Tôi mà thấy thì tôi đã băm vụn nó ra ném xuống sông cho cá ăn rồi. Giờ... tôi chẳng biết làm
thế nào.

Ông Thào ngồi sững, nhìn đi đâu đâu. Ông Phạ cũng ngồi im, chốc chốc nhìn bạn. Lâu lắm, ông Thào dốc một chén rượu vào miệng, đánh ực rồi nói:

- Con Nhẻo ấy, nó là con gái tôi thật, nhưng tôi đã cho nó về nhà ông làm dâu thì sống nó là người nhà ông, chết làm ma nhà ông, nó hư thì ông cứ dạy, cứ theo lệ làng, phép nhà mà dạy, ông đừng ngại gì tôi. Bạn với nhau mấy chục năm trời ông là người thế nào tôi biết chứ. Nếu ông thương nó thật lòng thì ông cứ dạy. Càng thương càng phải dạy cho nó sáng đầu sáng óc ra ông à. Buồn quá, thế này thì nó làm tôi buồn quá, cứ tưởng nó là đứa ngoan ngoãn mới đem gửi ông bà, ai ngờ nó hư hỏng. Đã không kịp đẻ đứa con nào lại còn để chồng chết, giờ lại thế này nữa... tôi có lỗi với ông bà, với mẹ chúng nó rồi.

Ông Thào ứa nước mắt. Ông Phạ bối rối cầm chén rượu lên lại đặt xuống.

Ông Thào tiễn chân bạn ra đến bờ suối thì dừng lại. Ông Phạ lội xuống suối, cúi xuống nhặt một viên sỏi, quay lại chìa cho ông Thào xem:

- Tôi mang cái này về để dưới gối nó.


Ông Thào gật gật đầu, đứng nhìn theo mãi dáng đi lao lao về phía trước của ông Phạ. Bóng ông Phạ nhỏ dần rồi mất hút sau cánh rừng xanh thẳm.

 

*

*      *

 

La Chí Chải nhìn từ trên cao xuống giống hệt một cái thúng. Đáy thúng là nhà cửa ruộng vườn, xung quanh, cao dần lên là nương ngô, nương chè, nương lúa, cao hơn nữa là rừng. Rừng trải dài theo dãy Tây Côn Lĩnh. Sau dãy Tây Côn Lĩnh, gần phía mặt trời hơn là những thung lũng khác. Vùng này chỉ có người Tày ở. Người Nùng, Phù Lá, Bố Y, Dao... ở sâu hơn.

Cái thúng La Chí Chải chỉ có mấy chục nóc nhà, sống với nhau như anh em họ hàng, chuyện bé chuyện to của một nhà, qua đêm là cả bản đều biết. Biết rõ từ
gốc đến ngọn, y như ngồi trong góc nhà người ta mà nghe vậy.

Đám đàn bà ngồi giặt váy áo ngoài suối. Không ai bảo ai nhưng hôm nay tất cả các nhà đều mang quần áo đi giặt vào buổi sáng. Nắng còn chưa lên, sương vẫn giăng mờ mịt. Nước suối trong và ấm. Bọt xà phòng thi nhau bơi từng đám lềnh phềnh trên mặt nước. Có một chuyện, ai cũng muốn tham gia một câu:

- Tưởng ngoan mà không phải nhỉ.


- Ngoan gì, thỉnh thoảng cũng biết cãi bố mẹ
chồng đấy.

- Làm gì có, ngay cạnh nhà tôi mà, nếu cãi nhau thế nào chẳng nghe thấy.

- Ừ thì không cãi, nhưng không nghe lời.

- Cũng có lúc bố mẹ sai chứ.

- Sai cũng không được cãi. Con dâu mà.

- Chuyện ấy thì trong nhà họ thôi, ai biết được. Nhưng chuyện này thì to quá, như con trâu chết trương không giấu được mùi rồi.

- Phải, to quá, xưa nay chưa thấy ở La Chí Chải
bao giờ.

- Xấu hổ quá nhỉ.

- Xấu hổ chứ. Hẹn hò với thằng trai nào trong làng còn được, ai lại hẹn với em chồng.

- Mà cái thằng Khún ấy, học hành nhiều quên hết cả lệ làng rồi.

- Thương ông bà Phạ quá.

- Thương thật. Có hai thằng con trai thì một thằng chết, một thằng hư hỏng, chết không nhắm mắt rồi.

- Tại đứa con dâu đẹp quá cơ.

- Trong người nó có con ma sống nên mới đẹp
thế chứ.

- Phải rồi.

Nhẻo lùa đàn dê đi tới, đàn dê lục tục qua suối. Nhẻo cất tiếng chào. Loáng thoáng có người đáp lại, nhưng câu chuyện đang dở dang thì tắt phụt, chỉ còn tiếng khỏa nước, tiếng vỗ áo bồm bộp. Mấy đứa trẻ con nãy giờ bám sau lưng mẹ hóng chuyện, đột ngột nhặt sỏi ném theo Nhẻo. Đàn dê chạy tán loạn. Nhẻo bị một viên sỏi trúng vai, đau rát. Trẻ con mà, trách gì chúng nó. Vết đau ở vai cứ nhoi nhói mãi.

Đàn dê đi ngang qua gốc cây sổ cổ thụ giữa làng, dừng lại ỉa. Bọn này quen rồi, cứ ngang qua gốc sổ là dừng lại thải cho bằng hết mới chịu đi tiếp. Bốn năm đứa trai làng ngồi bên bờ ruộng, cày bừa để ngổn ngang dưới chân, nói vọng tới:

- La Chí Chải còn mấy chục thằng trai chưa vợ sao không hẹn Nhẻo ơi.

- Trông đẹp quá chỉ tội hư người thôi.

- Biết dễ hư thế thì mình đã leo cột lên nhà ông Phạ từ lâu rồi...

Nhẻo vung roi, quất mạnh vào đàn dê. Chúng kêu lên be be, giẫm lên nhau mà chạy. Tiếng cười ha hả của mấy thằng trai vẫn đuổi theo sau, không át đi được.

 

*

*      *

 

Nhẻo nằm trong buồng, tay vắt trên trán, mắt mở trừng trừng nhìn lên mấy cái vì kèo đang bị mọt nghiến kèn kẹt. Ánh trăng cuối tháng lọt qua cửa sổ, tràn vào. Bên ngoài, thỉnh thoảng có tiếng ho húng hắng của bố chồng, tiếng trở mình từ bên kia vách của mẹ chồng. Mâm cơm giữa sàn sắp ra từ chiều vẫn ở nguyên đấy, nguội ngắt.

Nhẻo trở dậy, xúc một thúng thóc, xuống cầu thang, mang ra cối nước, thả cần cho nó giã. Cái lạnh nửa đêm vẫn thấu xương, Nhẻo co ro ngồi bên cái cối, nhìn từng nhịp chày giội xuống, nhấc lên.

Gạo đã thành cám rồi mà Nhẻo không nhìn thấy, chày vẫn giã, nước vẫn ào ào từng đợt. Trời đã tờ mờ sáng. Nhẻo đứng dậy, nhìn quanh rồi lững thững ra cổng, vào rừng.

Nhẻo đi mãi, đến đầu nguồn nước thì dừng lại. Chỗ này dòng nước từ trên cao giội xuống thành một vũng sâu, nước trong, người làng đắp bờ cao lên, chôn máng vầu xuống, lấy nước về các nhà. Nhẻo tìm lá ngón, giắt vào cạp váy rồi quay trở ra. Đến gốc trám cổ thụ quen thuộc thì ngồi xuống cái rễ trồi lên gồ ghề của nó, dựa lưng vào thân cây.

Nhẻo thiếp đi lúc nào không rõ. Có hai gương mặt chập chờn trước mắt Nhẻo. Một là Cạ, máu từ hai hốc mắt trào ra đầm đìa trên mặt. Người kia là Dỉ, cười cười xoè ra cho Nhẻo một vốc vịt con, con nào cũng như cục bông, vàng óng, êm mịn. Và rồi hai cái mặt đàn ông bắt đầu hướng vào nhau quát tháo. Máu từ mắt Cạ nhỏ ròng ròng xuống đám vịt con trong tay Dỉ, lông vịt vàng óng bắt đầu nhuộm dần sang màu đỏ, chúng sợ hãi co rúm lại với nhau. Nhẻo nhìn bầy vịt chăm chăm, cứng miệng không hét được.

Mồ hôi vã ra ướt đầm cả khoảng ngực áo đang còn đập thình thình phập phồng. Nhẻo không muốn ăn lá ngón đâu. Nhẻo mới hai mươi mốt tuổi thôi, chưa sống được mấy. Già đến bạc tóc, da nhăn, răng rụng, lưng còng thì Nhẻo cũng không cần, nhưng chết ngang đường như cái cây xanh gặp gió gặp bão thì cũng không muốn. Nhẻo vẫn biết, nhiều đêm có người trèo qua hàng rào vào nhà, đứng dưới gầm sàn, ngay dưới lưng Nhẻo mà thở phào phào như trâu đuổi muỗi, nhưng chưa lần nào Nhẻo dậy. Nhẻo chưa hết tang chồng, hơi ấm của Cạ vẫn còn vương vất đâu đó trong chăn, trên gối, trong cả tấm áo mà Nhẻo cố tình giấu mọi người giữ lại. Thôi thì Nhẻo sống thế này cũng được, chỉ cần bố mẹ chồng vui vẻ, anh em chú bác nhà chồng tươi tỉnh khi nhìn thấy Nhẻo, sống đến khi nào già, không buồn nhìn mặt mình dưới suối nữa thì tự chết. Nhảy xuống sông xuống vực, nhịn đói trên ngọn cây cũng được.

Nhưng giờ thì sao? Có ai đang đè một tảng đá lên ngực Nhẻo đây? Ai đang giựt từng sợi tóc trên đầu Nhẻo, đang rút móng tay móng chân Nhẻo, đang xé Nhẻo ra thành từng mảnh? Nhẻo không chịu nổi nữa đâu. Người mà Nhẻo thương nhất lúc này là bố Nhẻo. Bố già rồi, như cái cây đã bị tuốt hết lá, rễ đang rữa ra dưới lòng đất, ẩy một cái là đổ thôi. Nhẻo ăn lá ngón rồi, ai thay Nhẻo về quỳ trước mặt bố mà tạ tội đây?

Cầm nắm lá chết người trong tay, đầu óc mụ mị, tự dưng nước mắt Nhẻo ứa ra, rồi tuôn tràn trề như suối. Nước mắt chảy vào miệng đắng ngăn ngắt. Trên trời cao kia, Cạ đang lơ lửng nơi nào, có đợi Nhẻo hay để mặc gió cuốn đi? Nhẻo đưa nắm lá lên miệng...

Đột nhiên, Khún xuất hiện ngay ở khúc ngoặt trên đường mòn, Khún xông vào, giằng lấy nắm lá ngón:

- Chị điên à. Tại sao phải làm thế này chứ?

Nhẻo lắp bắp:

- Sao... sao chú ở đây? Chú đi theo tôi?

Khún cầm dao phạt tứ tung như vào cây cối
xung quanh:

- Phải, tôi đi theo chị đấy. Chị tưởng chết là hết à? Chết mà oan ức thì mười hai hồn còn quanh quẩn trong nhà, ám những người sống cho họ thành nửa người nửa ma, chị biết không? Chị mà chết thì trăm tội đổ lên đầu tôi, thế là chị nợ tôi, nợ tôi thì chị có nhắm mắt được không?

- Nhưng tại chú...

- Tôi làm sao? Tôi làm thế là vì cái gì, vì ai? Nếu không phải tôi chứng kiến chị sống như con kiến con mọt trong nhà thì tôi cũng mặc kệ. Phải, biết thế này thì tôi mặc kệ. Để cho chị sống mà như chết cho xong, việc quái gì tôi phải tốn công tốn sức hỏi han, xin xỏ cho chị. Chết. Hừ, vấp một tí là đòi chết, dễ quá.

- Nhưng... - Nhẻo khóc nức nở - nhưng sống làm sao được nếu như...

- Không sống được cũng phải sống. Chị mới đi được một phần ba đời người, chết thì ai trả nợ người sống cho chị? Người ta mong sống lâu không được, có ai lại mong chết sớm. Không sống được ở nhà chồng nữa thì về nhà bố đẻ, bố đẻ đuổi thì lên rừng làm nhà mà ở. Không ở rừng được thì về xuôi...

- Không dễ thế đâu em chồng ơi. Bảo tôi làm con trâu con bò, tôi làm được ngay. Trâu bò nghe chửi không biết đau, bị nhổ nước bọt vào mặt không biết nhục, làm hùng hục, ăn no, lăn ra ngủ. Con người không thế được. Chú đừng giữ nữa, đưa nó cho tôi.

Nhẻo cố giằng lại nắm lá ngón. Khún quát váng lên, tiếng khóc của Nhẻo càng lúc càng nhức nhối, ai oán. Đúng lúc đó thì một con chó lao đến. Là con khoang, nó dẫn theo ba người đàn ông, tay lăm lăm dao quắm. Là ông Phạ, ông cậu của Khún và thằng em họ.

Nỗi tức giận tột cùng khiến ông Phạ như phát điên. A, hóa ra chúng nó trốn mình, đêm hôm dẫn nhau vào rừng giở trò bậy bạ, chúng nó... Ông không nói được một lời, cắn răng lao tới, vung dao lên.

Khún kinh hoàng nhìn lưỡi dao sáng loáng trong tay bố, chỉ kịp đẩy chị dâu ngã lăn ra. Lưỡi dao của ông Phạ sượt qua bả vai Khún, rách một miếng áo, máu tứa ra.

- A, chúng mày lại còn che cho nhau à! - Ông Phạ nhìn con dâu đang tái xám mặt mày, áo váy tả tơi, rúm ró dưới chân bụi sa nhân. Để xem mày có che mãi được không. Ông định lao vào Khún thì mọi người xông đến, giằng lấy con dao. Mắt ông hoa lên vì gắng sức. Ông già rồi, chết cũng được rồi, nhưng con cái thế này thì nhắm mắt làm sao được. Một bàn tay nào đó cứng như cái cặp sắt kéo phăng ông ra xa thằng con hư đốn. Ai vậy? Dỉ à? Thằng Dỉ, mày từ đâu ra thế?

 

*

*      *

 

Một đêm giữa tháng, sắp đến mùa thu ngô, Dỉ nằm trong chòi canh nương, nghêu ngao hát. Gió thì mát mà trăng thì sáng, thằng đàn ông chưa vợ uống mấy chén rượu vào tự dưng thấy buồn. Buồn ghê gớm. Rừng rậm, lá khua xào xạc, tiếng tắc kè nhả từng chập từng chập. Tiếng hát vọng ra từ trong chòi canh nương ừ hữ như tiếng chó sói nhớ rừng. Hát gì nhỉ? A, bắt chước mấy thằng trai Mông vậy:

Đêm sắp qua rồi, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày sắp rạng lối đi sáng tỏ/ Mình say, mình lê bước về nhà / Mà hồn còn ngủ trong thắt lưng em...

Bọn trai Mông say rượu hát bài này hay lắm cơ. Nghe như rút ruột người ta, mấy đứa gái cầm cái ô xoè xoè mà đi không nổi, đứng không xong. Đâu như thằng Dỉ này, nằm một mình giữa rừng, gió thốc đằng trước, quạt đằng sau. Giá mà có đứa gái nào nằm cạnh mình thì... Khỉ ơi là khỉ, sóc ơi là sóc, về mà ăn sạch nương ngô cũng được. Dỉ không nghĩ đến vợ. Vợ Dỉ chưa có một ngày nào sung sướng với Dỉ. Dỉ như cục gỗ biết đi lại, nói năng, cả ngày không mở miệng, mặt nặng như đeo đá. Dỉ lấy cho xong mà, lúc Dỉ về làm rể nhà ấy thì đứa vợ đã mang cái bụng to tướng với thằng trai nào rồi. Dỉ lấy nó thì bố mẹ nó đỡ xấu hổ, mà Dỉ thì không phải lo gì cuộc sống một thân một mình nữa.

Có một thằng trai nách cắp chai rượu, tay xách gói thịt gà nướng thơm điếc cả mũi, leo lên sàn. Sàn kêu ọp ọp như sắp sập.

- Ngồi một mình bên kia nghe hát buồn quá.

Dỉ chĩa đèn pin vào mặt thằng trai:

- Anh Cạ đấy à. Sao không ở nhà ôm vợ, lên nương làm gì?

- Chẳng lẽ để ông bố già đi trông khỉ. Có thịt gà đây, uống rượu nhé.

- Uống thì uống.

Uống một ngụm rượu, ăn một miếng thịt gà, lại uống một ngụm, ăn một miếng... chỉ một nhoáng, bình tông rượu đã nhẹ bỗng. Hai thằng đàn ông cùng hát, ôm nhau hát, đứa rên ư ử, đứa gào như quát. Mà hồn... mà hồn còn ngủ trong... trong thắt lưng em. Hà hà, thằng Dỉ này, mày ghê gớm thật đấy. Mày dám ngủ cả trong thắt lưng đàn bà cơ à. Cạ sắp say rồi, Dỉ cũng vậy. Canh nương mà cứ thế này thì sướng thật. Hát một lúc, như mỏi mồm, Cạ im im. Được một lúc lại nhỏm dậy, cầm đèn pin:

- Đi một vòng xem có con thú nào không nhỉ?

- Đi thì đi.


Hai người xuống thang, Dỉ đi về bên trái, Cạ vòng sang bên phải. Đi được một lúc thì Dỉ nghe thấy tiếng kêu cứu từ phía Cạ. Hơi rượu bay đâu mất sạch. Dỉ lao bổ vào giữa nương ngô. Cạ đang nằm dưới một cái hố. Cái hố nông lắm mà Cạ không lên được, quằn quại la hét. Dỉ thất thần:

- Chết rồi, rơi vào bẫy thú của mấy đứa Sì Khà Lá rồi Cạ ơi. Để mình xem nào.

Dỉ soi đèn pin khắp người Cạ. Bàn chân Cạ đang bắt đầu tím đen, dần dần lan lên bắp. Tiếng la hét của Cạ cũng đuối dần. Không nói nữa, Dỉ xốc Cạ lên lưng, nhằm hướng La Chí Chải mà chạy. Lá ngô quất vào mặt rát rạt, không biết đau nữa. Trong đầu Dỉ chỉ có một ý nghĩ, chạy nhanh, thật nhanh, chất độc ngấm lên tim là không kịp cứu.

Đã nhìn thấy ánh lửa xa xa phía trước. Dỉ dừng lại, xốc xốc Cạ đã mềm nhũn trên lưng. Cạ cấu khẽ vào
tay Dỉ:

- Dừng lại, nghe mình nói cái này.

- Đừng nói gì nữa, sắp về tới nơi rồi, cố lên một tí.

- Không cố được đâu. Mình biết mà, nhờ Dỉ một việc nhé.

- Nói đi.

Cạ chìa cánh tay ra trước mặt Dỉ:

- Tháo hộ mình sợi chỉ, đưa nó cho Nhẻo.

Và Cạ chết trong tay Dỉ. Dỉ ôm xác Cạ vào lòng ngồi khóc ồ ồ. Cạ và Dỉ không ruột thịt gì, thậm chí Cạ đã chiếm mất người con gái mà Dỉ yêu thương nhất, lẽ ra Dỉ phải căm ghét Cạ chứ. Nhưng từ khi thấy Nhẻo về nhà chồng, được Cạ chăm lo từng tí, thấy Nhẻo bắt đầu tươi tắn trở lại không còn như con chim bị nhốt trong lồng nữa thì tự dưng Dỉ không còn căm ghét Cạ. Dỉ chỉ mong cho Nhẻo được sung sướng thôi. Chỉ cần cho Nhẻo thôi, Dỉ thế nào cũng được, muối mặt làm con chó chui gầm sàn nhà người cũng được, buồn rũ ra như lá chuối hơ lửa cũng chẳng sao. Giờ thì Cạ chết rồi, chết thật rồi, còn đang ấm nóng trong tay Dỉ đây nhưng không thở nữa. Tại Dỉ không giữ được chồng cho Nhẻo. Qua đêm nay, ngày mai Nhẻo sống thế nào? Người chết thì chết rồi, có còn biết người sống sống ra sao nữa đâu...

Dỉ lấy ra sợi chỉ buộc tay của Cạ, đưa cho ông Phạ.

- Nó đây, của Cạ gửi cho vợ đấy. Còn thằng Khún, nó chẳng làm gì sai, cháu nghe thấy hết rồi. Nó sợ chị dâu tự tử, đi theo để giữ thôi...

Ông Phạ nhìn mãi sợi chỉ trong tay. Đúng là lúc làm ma thằng Cạ, chẳng ai để ý trên cổ tay nó không còn sợi chỉ nữa. Nó trả vợ nó về cho bố đẻ đây mà. Vậy mà ông không biết, ông giữ nó suốt hai năm trời, buộc như buộc trâu buộc ngựa.

- Vậy sao hôm trước mày nói...

Ông hỏi mà không nhìn Dỉ.

- Tại vì... tại vì cháu tưởng... nó với Nhẻo hẹn hò.

- Còn sợi chỉ, sao mày giữ mãi đến giờ mới đưa?


- Cháu không muốn Nhẻo đi lấy chồng mới, cháu... cháu thương Nhẻo. Cháu chỉ định...

Khún bật dậy:

- A, chính anh là người ấy đấy à.

Nhẻo nhìn Dỉ chằm chằm, không rõ ra cái nhìn tức giận hay tủi thân, Dỉ quay mặt đi. Nhẻo chạy vụt vào rừng. Mặt trời đã bắt đầu lên, ánh nắng lấp lánh nhảy nhót trên từng phiến lá sa nhân. Mùi thơm hăng hắc, say say của sa nhân vương vất khắp nơi, Nhẻo không nghĩ được mình phải làm gì, nắm lá ngón vẫn còn trong tay đứa em chồng.

Dỉ nhìn theo cái lưng áo màu xanh chàm khuất nhanh, thở dài:

- Mình xấu bụng quá, thế nên trời mới phạt mình.

- Trời chẳng phạt được anh đâu.

- Mình bị phạt thật. Người muốn lấy làm vợ thì không lấy được, người lấy được thì không giữ được.

Đúng thế đấy. Đứa vợ Dỉ cũng bỏ Dỉ mà đi rồi. Nó bỏ đi cùng thằng con trai còn đỏ hỏn, chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Dỉ không giữ được. Dỉ thấy mình cũng chẳng ra gì.

Dỉ như cái bóng, lùi lũi đi theo Khún vào rừng. Không ai biết Nhẻo ở đâu trong rừng. Rừng rậm, rộng mênh mông, càng leo cao càng không thấy bầu trời đâu. Nhẻo đã như một con chim nhỏ bay lẫn vào tán lá, buồn đến mức không cất nổi một tiếng kêu.


Điều làm tôi thường phải suy nghĩ nhiều nhất khi nghĩ về miền núi, đó là người phụ nữ. Người phụ nữ miền núi khi nghèo khổ thì nhường cơm cho chồng cho con, khi ấm no thì đã già mất rồi, miếng ngon cũng không cảm thấy được nữa. Truyện ngắn này là truyện mà tôi viết lại từ Sau những mùa trăng. Sở dĩ phải viết lại vì (mặc dù Sau những mùa trăng là truyện ngắn đã từng đoạt giải nhất trong một cuộc thi văn chương) tôi thấy hình như nỗi khổ của người chị dâu vẫn chưa được nói hết, nói đến tận cùng, và như thế thì thiệt thòi cho chị. Người phụ nữ miền núi và những ước vọng luôn bị trói buộc bằng những sợi dây vô hình, đó là điều tôi rất muốn bạn đọc thấu hiểu.


Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85591


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận