- NGUYỄN VĂN THỌ -
Chúng tôi lại bị dồn xuống đuôi toa tàu S.bahn. Chỉ hai ba tích tắc nữa, nếu không hành động, chiếc gậy bóng chày của tụi Nazit(1) sẽ đập cú nữa, chơi nốt cẳng chân kẻ đi cùng chuyến đêm nay. Không có đường lui! Trù trừ gì, phải thanh toán trước! Tôi đang nắm vào cây vịn thép trắng, bất chợt xoay người, tung cú đá. Cườm chân xoáy chéo trúng phắt cổ tay tên đang cầm gậy, chiếc gậy rơi xuống sàn toa S.Bahn nghe khô khốc. Rất may, khi ấy tàu dừng lại, cửa bật ra. Tôi kéo thốc tay thanh niên đã bị đòn đang quỵ xuống, như cơn lốc lao qua cái khe hẹp hai cửa tàu sắp đóng lại. Thoát rồi! Hai đứa ôm nhau lăn trên sàn xi măng lạnh, khi cánh cửa tàu vừa sập nhanh lại và con tàu tức khắc rời khỏi sân ga như viên đạn xé gió.
*
* *
Hóa ra, hắn không phải là người Việt, hắn là Lee, từ Hongkong tới, đầu bếp chính của nhà hàng khá nổi tiếng: Kaisetiger. Cung điện đỏ chói Kaisetiger ấy thì tôi biết! Nghe đồn, những người Hongkong đã đầu tư vào đó dăm triệu D.Mark, khi Hongkong được trao lại cho Trung Hoa đại lục. Sự xuất hiện của Kaisetiger cũng như sự xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp khác từ Hongkong tới, ngày một lấn át người Việt trong cả lĩnh vực buôn bán quần áo vốn đã hình thành lực lượng to lớn trước họ. Kaisetiger xây cất xong lập tức thu hút khách nườm nượp vì những món ăn lạ. Đặc biệt các món gà! Gà ở châu Âu vốn nhũn và nhạt, nhưng tại Kaisetiger, những món gà rán, quay, xào và hầm thuốc... món nào cũng thơm nức và đặc biệt đậm đà.
Lee nhăn nhó, khập khiễng bước. Hắn hỏi, tôi có thể đưa hắn về? Được, tôi đi với hắn! Chỗ tôi ở, giờ này phải hơn tiếng nữa mới có bus. Chúng tôi dìu nhau rời khỏi đường hầm và bắt được taxi sau nửa tiếng. Hỏi ra, hai thằng đều cùng tuổi, sinh năm 1972. Hắn cao hơn tôi tới nửa đầu. Trăng xanh sáng như nhát kiếm chém loang loáng qua kính trước của ô tô. Taxi đỗ, tôi dìu hắn vòng vèo trên con đường rải sỏi nhỏ, hai bên toàn hoa hồng. Đêm lạnh, tẩm ướp mùi hoa, thanh vắng quá. Chợt thấy đơn độc.
Tới một căn hộ trên tầng hai. Lee lấy chìa khóa mở cửa. Chưa vặn khóa thì cửa đã bật mở. Tôi hơi bất ngờ. Trước chúng tôi là một cô gái trẻ. Da trắng hồng, môi dưới mọng tươi, tóc cắt ngắn đen nhanh nhánh, mũi cao, đôi mắt xếch có đuôi, và, hai bên má như có hai vệt kẻ phấn sậm. Đẹp quá! Tôi nghĩ.
- Em gái tôi! - Lee giới thiệu. Tôi giả vờ mặt lạnh như bom, song thực ra mắt tôi đã chụp nguyên cái vẻ đẹp của em gái Lee vào trí não. Cô tên là Yến Chi.
*
* *
Hai tuần sau, buổi tối, tôi vô cùng mừng rỡ, suýt reo lên khi có điện thoại: “Lee đã khỏe, Yến Chi và tôi mời anh tới nhà”. OK! Chắc hắn muốn trả ơn. Trả ơn thì tôi không cần, nhưng tôi muốn gặp Yến Chi. Tôi mua một chai vang Pháp. Khoản rượu vang, cứ đắt là ngon! Qua hàng hoa, tôi chọn dăm đóa hồng vàng. Lee mời tôi vào phòng khách. Tại đó đã có một xe rượu(1) chờ sẵn. Trên bàn đá màu cẩm thạch có một bình men xanh cắm mấy nhành hoa bách hợp, thoang thoảng hương. Đèn phòng tắt. Ba ngọn nến đỏ chói thắp sẵn von vót cháy. Gian phòng chập chờn, lung linh. Tay phải cầm chai rượu, tay trái vẫn giấu bó hoa ra sau, mắt tôi nhìn quanh. Tiểu muội đâu? Tiểu muội đây! Có mùi thức ăn thơm nức. Quay lại, đúng là Yến Chi. Má ửng hồng, tạp dề trắng nổi bật hình con rồng Trung Hoa thêu rất sinh động và, chao ơi, cô thở phập phồng, trái đào xuân căng trào trong làn áo mỏng. Yến Chi hơi hé cười, tóc như sóng sánh theo nụ cười ấy và ở đâu đó, tôi nhận ra quanh tôi chợt có mùi hương thơm kì lạ. Thứ hương cả đời chưa bao giờ được gặp...
- Chào em! - Tôi chào và đưa bó hoa ra trước. Yến Chi nhận hoa, nhún chân rồi lại hơi kiễng chân lên. Má áp nhẹ vào má tôi. Tôi cảm nhận thứ hương ban nãy trào ra đậm đặc. Không phải nước hoa! Nó tương tự như khi mùa thu đã chín, ta đi giữa thiên nhiên bao la, giữa thảo nguyên và rừng, thấy chợt nương trong gió một mùi hương làm tâm hồn ngây ngất mà ta không sao nhận ra hương của loài hoa nào, loài thảo mộc nào. Thật choáng váng, ngây ngất! Nếu như không có Lee, tôi sẽ liều mình, ôm ngang tấm thân rất eo của cô ấy mà kéo vào, để môi chạm môi. Cô thoáng cười. Hình như cô nhận ra sự thèm khát cháy thầm trong ánh mắt đam mê của tôi.
*
* *
Bữa dạ tiệc ngon và lạ. Dăm tiếng đồng hồ, hơn hai mươi món ăn! Dường như Lee muốn mang cả cái nền văn hóa ẩm thực đã vài ngàn năm của hắn đặt lên bàn đêm nay. Tôi vui, chợt quên đi cảm thức lạc loài, tạm bợ ở xứ sở xa lắc này. Lee cứ thoăn thoắt từ bếp vào bàn rồi lại chạy ra bếp, để Yến Chi ngồi tiếp. Món nào cũng thế, Lee giới thiệu xuất xứ, lịch sử. Thi thoảng Yến Chi cũng giúp tôi lấy món ăn hoặc thêm vào câu chuyện của Lee những chi tiết sinh động hơn. Tôi cũng được nhìn ngắm Yến Chi tự nhiên. Rượu mềm môi, cũng tới nửa đêm. Yến Chi rõ và mờ, ẩn rồi hiện, chập chờn và thăm thẳm. Chắc cũng vui vì khách uống hết lòng, Lee chợt quay sang cô em tủm tỉm nói, hôm nay có khách quý tới, sao em không mang Dương Xuân ra đây đãi khách? Yến Chi tủm tỉm, rồi đi, lát sau quay lại với khạp gỗ trên tay. Yến Chi mở hộp, hai tay nâng lên đưa cho Lee cái hũ gốm men xanh, có hai chữ Hán màu son. Mấy cọng cỏ vàng ươm còn bám vào bên hũ. Lee lấy tay xoa vào cái bờ cong hũ rượu, nhặt sợi cỏ vàng, anh nói: “Đây là tửu phẩm đặc biệt của quê tôi, làm từ hạt loài cỏ tên là Kim Hoàng mọc hoang dại tràn trạt trên các triền núi đầu nguồn Dương Tử. Tươi tốt vào mùa xuân, dưỡng trong lạnh, mưa, gió, khí trời, đến tiết thu thì chín vàng cả sườn núi. Bông Kim Hoàng dài, hạt nhỏ, rất mẩy và chắc. Nhà nông gặt về sàng sẩy, nấu chín, ủ men, cất rượu. Rượu cất xong, ngâm sâu trong lòng sông Dương Tử ba mùa đông mới đưa lên đóng vào thùng gỗ nhỏ rồi bỏ trong cái chum lớn gắn kín, lại chôn đủ bách nhật trong đất là đủ hỏa, thủy, thổ, mộc sẽ lên thứ hương không rượu nào có! Ai uống, có đi xa tới ngàn dặm vẫn thấy Dương Xuân quẩn quanh! Dương Xuân uống trong mùa Đông, chống được hàn khí, trong mùa Xuân đuổi được tà khí, giữa mùa Hạ làm tâm can mát mẻ, dùng vào tiết Thu làm khí huyết lưu thông, gan thận ấm áp.” Nói rồi rót ra ba chén tống và bảo Yến Chi mở hết cửa cho gió tuyết tuôn vào. Yến Chi mở toang cửa, tuyết lạnh ùa khắp phòng. Lee cười ha hả, chỉ tuyết nói, chúng ta đang ngồi thưởng rượu trên lưng chừng núi!
Rượu rót ra, lập tức tỏa hương thơm phưng phức. Hương gì vậy?
Tôi và Lee uống tới tuần rượu thứ ba, sắc mặt Lee dần tái đi, còn khuôn mặt Yến Chi cứ hồng rạng trong ánh nến. Nom cô bấy giờ càng hấp dẫn hơn. Quái lạ, mỗi khi Yến Chi rót thêm một chén, bàn tay đẹp đưa cốc Dương Xuân lên, tôi cũng không thể phân biệt được mùi hương ở chén Dương Xuân hay là mùi thơm của bàn tay nàng tỏa ra. Mê mẩn. Tôi đắm say nhìn người đẹp mà xác thân bắt đầu có cảm giác lênh đênh.
- Hưởng Dương Xuân rồi mà lại có đàn nữa thì hay quá! - Lee nhìn Yến Chi nói.
“Dương Xuân uống cùng khách quý phải có ái nhân hầu đàn!” Yến Chi cười. "Thì em trổ tài đi!" Lee bảo. Lại quay sang tôi: “Yến Chi sẽ hầu anh khúc hát quen thuộc, nổi tiếng của Hoa Hạ.” Yến Chi dạ một tiếng rất nhẹ rồi vào phòng trong lấy ra cây đàn như trái lê. Đoạn, cô ngồi xuống chiếc ghế cao tròn đối diện, bắt đầu bấm phím so dây. Đó là một tiếng đàn kì tài, thanh âm nhấn nhá như chuỗi ngọc buông ra rơi xuống rồi vỡ tan trên thềm đá. Tiết điệu khi mau lúc thưa, khi dồn lúc cuốn, dẫn tôi dần dần mơ đắm vào cõi thần tiên. Bàn tay của nàng khi ấy mới đáng yêu làm sao, những ngón thon trắng hồng điệu nghệ lướt như múa trên phím. Và, sau khúc dạo bàng hoàng ấy, nàng cất giọng. Một giọng hát, không giống bất cứ giọng hát nào tôi đã nghe, cất lên từ đôi môi mọng đỏ kia càng làm tôi mê đắm. Tôi cảm giác như đang ngồi trên một sườn núi đầy hoa. Tiếng hát và điệu đàn cứ bay bay, trườn trên các vệt cong của triền núi, những đám mây bồng bềnh…Cứ thế hết chén này tới chén khác. Dương Xuân như thứ nước ấm chảy trong huyết quản trào ra chân lông, làm cho tôi lâng lâng, thân xác như nhẹ bỗng, lơ lửng ngay trên chiếc ghế tôi ngồi. Lee cũng chầm chậm vỗ đùi hát theo. Lời ca, có đoạn như sau:
Đản sử chủ nhân năng túy khách
Bất chi hà xứ thị tha hương…(1)
Tôi uống phứa. Đắm say mà uống phứa, chả còn biết trời đất, tôi gục xuống bàn khi nào chẳng biết!
*
Bạn đã khi nào say khướt, mà vẫn nghe thấy, cảm thấy hết mọi sự quanh bạn, lại không thể nào điều khiển được xác thân? Tôi rơi vào giấc ngủ rất ngắn và bừng tỉnh khi thấy ai đó kéo đôi chân mình.
- Gã thế mà nặng!
- Ừ, nặng thật.
- Thân xuân cường tráng!
- Uống cũng khá! Em có vẻ thích nó? - Cười.
- Kê đầu thấp thôi. Gã say quá. Đừng để gã nôn ra!
- Đóng cửa lại. Anh đi nghỉ đây.
- Này, khăn nóng!
- Anh lấy hai cái bánh bao trong ngăn lạnh để ngoài, để mai em hấp lại
- OK! - Có tiếng chân bước xa dần. Tiếng cửa khép.
Tôi cố mở mắt. Thân xác rất nhẹ, bay lên. Tay ai trắng muốt cứ dập dờn, dập dờn. Da thịt dần nhận ra sức nóng trên mặt, xuống cổ, trên ngực rồi ấm dần xuống tận bụng dưới. Hương Dương Xuân lại cứ chập chờn quanh. Rõ ràng Yến Chi đang gần quá và tôi rất muốn ôm chầm lấy nàng, song đôi tay lại không thể theo ý của mình. Áo sơ mi bị lột ra, thấy như nó bay rất chậm rơi xuống mặt đất. Tôi vẫn cảm rõ có bàn tay rất mềm. Những ngón tay ấm lướt vuốt trên mặt, lên trán, hai bên thái dương rồi cảm rõ lực xuyên sâu day mạnh vào sau gáy. Thân xác nặng hơn một chút. Lại xoay ngang và lật sấp. Máu bắt đầu chuyển động chậm chạp dù trái tim gắng sức đập liên hồi. Cảm giác mãn nguyện chầm chậm tới và ngưng đọng ở phía dưới, đánh thức những tiềm năng khi mà trí não không thể phát lệnh điều khiển, đưa tôi ở một trạng thái như mộng du: tôi và không phải tôi. Đó là sự cảm biết nửa như tỉnh táo, nửa như mộng mị, song vẫn tự nhận ra cái phần thân xác bất lực: một cái xác chết, không khả năng thay đổi những trạng thái của cơ bắp, khi trí não đầy thèm khát bay lên.
Phải tới nửa giờ sau đó, cho tới khi trán tôi lấm tấm mồ hôi, thân xác trĩu nặng và tôi chập chờn hạ xuống. Mắt nhắm lại để không còn nhận biết được như trước đó. Tôi ngủ trong mùi hương Dương Xuân.
*
* *
Ngày lại ngày ở Đức, cho tôi thấy rõ sự vô vị và nhàm chán tới kinh hồn khi nhịp điệu không có gì thay đổi cho những kẻ lạc loài bao nhiêu năm tháng nay rồi. Sớm dậy từ sáu giờ, tất tưởi uống sữa và nhai mẩu bánh kẹp thịt. Ra bến bus tất tưởi, rồi lại lên tàu S.Bahn để tới chỗ làm. Tối về nhà mệt nhừ và ăn dặm. Tivi vừa chớm chớp được chục phút, mắt đã nhắm nghiền thiếp đi tới sáng. Với công việc gebeudersreinigung - dọn vệ sinh của công ty, tôi may mắn hơn những người Việt khác là còn hai ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật, nhưng chính
những ngày nghỉ ấy, với một người độc thân, lại là thời gian vô cùng dài. Từ bữa gặp Yến Chi và nhất là cái đêm say khướt với Dương Xuân, nghĩ lại thấy cuộc sống
thật buồn.
Hơn tuần sau, nhớ lời hẹn, thứ Bảy, đúng giờ, tôi tới Kaisetiger. Chín giờ tối mà quán vẫn đông nghẹt. Ngồi vào bàn, tôi chẳng cần phải tìm đâu cả. Yến Chi kia rồi. Trên cái sân khấu tròn trắng toát, cô hiện ra nổi bật trong bộ áo gấm Trung Hoa đỏ sẫm màu huyết dụ.
Tầng dưới của nhà hàng Trung Hoa khi ấy đã có gần trăm thực khách ngồi quanh, ôm lấy sân khấu nhỏ. Tôi cảm giác như tiếng hát của Yến Chi không bay thẳng tới tôi mà bay lên trên vòm cong cong của nhà hàng, đụng vào giá ngang màu đỏ, những con rồng chầu tứ phía, rồi lả tả rơi xuống ...
- Xin ông xem thực đơn và gọi món ăn! Tôi xin sẵn sàng phục vụ! - Người hầu bàn để trên bàn menu dài, bìa cũng màu đỏ, lễ phép cúi gập mình nói. Tôi không cần mở cuốn thực đơn, gọi: “Gà chiên mềm và khoai tây
viên nghiền.”
Thực ra, với tôi, dư vị món thịt gà ấn tượng không ghê gớm lắm như đồn đại. Quả là món gà chiên của Kaisetiger có vị đậm đà hơn nhiều so với món thịt gà ở các quán ăn khác chế biến. Song tôi đoán, có lẽ không chỉ vì riêng món gà mà Kaisetiger đông khách đến ăn vậy. Sự thu hút thực khách bấy nay phải tính tới giọng hát lạ, nhẹ như mây vờn trên đỉnh núi và vẻ đẹp mê hồn của Yến Chi. Trong ánh đèn dìu dịu chiếu, sắc vẻ Á châu trội lên giữa bao người đàn bà Âu, lại cái cảnh trí như thực, như ảo huyền trong sương khói tuôn ra ở sân khấu, quả là điều hiếm hoi, có một không hai ở đây. Điều ấy quả thực không nói quá, khi tôi nhìn thấy gần hai trăm quý ông Đức, Ý hay Hà Lan ở tiệm đêm ấy dừng tay nĩa, tay dao, nhìn theo Yến Chi như ngơ ngẩn. Dương Xuân rõ ràng cũng quyến rũ. Thông thường ở các quán khác, người Đức quen với cách uống vang hay sâmpanh khi ăn, kể cả với các dòng rượu uống xếch ở quầy rượu như Whisky hay Cognac, họ cũng muốn dùng các đồ uống quen thuộc bấy nay. Còn ở đây, Dương Xuân đắt hơn các rượu khác tới ba, bốn lần, mà thực khách tới đều hào phóng bỏ tiền thưởng thức thứ rượu quái quỷ này. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, cũng không phủ nhận được tài năng nấu nướng của Lee với sự hấp dẫn của món gà, khi ở thời buổi suy thoái, Kaisetiger phải
cạnh tranh với bao nhiêu khách sạn khác, của Italia,
Đức hoặc Pháp, mà ở đó đâu thiếu các đầu bếp cực kì chuyên nghiệp.
Sau buổi tối đó, tôi còn tới nhà Lee lần nữa vào dịp đầu mùa thu để kí vào tờ giấy làm chứng, bổ sung hồ sơ của Lee mà công ty bảo hiểm yêu cầu, nhằm hoàn tất việc nhận tiền bảo hiểm chấn thương tai nạn trên tàu S.Bahn đêm ấy. Cũng chỉ ghé qua chục phút, Yến Chi vắng nhà. Cũng không được đãi Dương Xuân nữa, song tôi vẫn cảm thấy luẩn quẩn trong căn hộ của Lee mùi Yến Chi đâu đó và điều này càng làm tôi thêm khao khát gặp gỡ nàng.
*
* *
Đầu đông năm ấy, tôi về Việt Nam. Cũng bởi đã hứa với Lee rằng, sẽ mang rượu Việt Nam sang cho anh em Lee biết là rượu Việt cũng phê không kém. Tôi nhắn bạn bè khắp nơi, tìm cho bằng được một ít rượu, để tôi mang sang Đức. Trong vài ngày, bè bạn mang tới đủ các loại như Làng Vân, Làng Chuồn, Lộc Thủy, Mẫu Sơn v.v.. Có bạn mang cho dăm chai Mơ săn lùng trong một gia đình nấu rượu khá lâu đời ở giữa núi sâu vùng Hương Tích. Cũng có bạn còn mua tận Nam Bộ thứ rượu đế Bầu Đá trong suốt. Song chả có loại rượu nào sánh được với Dương Xuân.
Sắp tới ngày lên đường, một chiều, tôi được anh bạn trẻ đưa cho một địa chỉ, bảo tôi tới Quán Quen: “Anh hãy tới đó, một nơi không chỉ bán rượu rất ngon, mà có dịp anh còn hiểu thêm chút ít những sân chơi của lớp trẻ sinh viên, học sinh quanh Hà Nội." Tôi lấy xe máy tức tốc lần tìm địa chỉ ấy.
Hóa ra Quán Quen không như tôi tưởng tượng. Nó chỉ là một quán giản dị. Ở đây vừa bán rượu vừa bán trà, nước hoa quả tinh khiết. Sự thu hút của nó là thái độ phục vụ rất ân cần, trẻ trung và vui vẻ của người phục vụ, mà họ lại là cánh sinh viên đang học, tới làm thêm ở quán. Tôi được mời vào phòng nhỏ ở tiền sảnh. Trong khi chờ đợi chủ quán tới, một thiếu nữ chừng đôi mươi bưng ra bộ ấm tách trà và phích nước với đĩa hạt dưa. Cô gái vừa quay gót thì chiếc rèm gió lay động. Tôi giật mình tưởng như mơ, bởi từ sau tấm rèm kết bằng những cuộn giấy đủ màu, xâu bằng chỉ gai treo bên nhau, Yến Chi đột ngột hiện ra. Không, không phải Yến Chi. Chủ quán đã ngồi xuống ghế mà tôi chưa hết bàng hoàng. Cô đẹp như Yến Chi song rõ là không phải Yến Chi, bởi đôi mắt cô không xếch. Điều kì lạ nữa là, từ khi cô bước vào, cũng tự đâu phảng phất hương gì thơm quá mà khi ấy tôi không sao nhận ra. Tôi cũng không thể hiểu cái hương ấy có thực không, hay do từ sắc đẹp nghiêng ngửa của cô chủ mà nhớ Yến Chi rồi tưởng tượng ra mùi hương cũ.
Cô gái tên là Phương Xuân. Cô là một chuyên gia trẻ trong lĩnh vực ngân hàng. Phương Xuân mở quán “chỉ để vui, có sân chơi cho các em sinh viên sao cho hợp với túi tiền vốn ít ỏi của họ. Như năm năm học đại học, em nếm đủ cảnh học hành chăm chỉ mà thiếu chỗ vui chơi lành mạnh".
Nói Phương Xuân không thua kém Yến Chi về nhan sắc cũng không quá, thậm chí cô còn có phần hơn ở sự trẻ trung. Sự trẻ trung vẫn là lợi thế đương nhiên của phái đẹp. Lại hơn nữa, ở cái tự nhiên nồng nàn trên gương mặt không hương phấn mà mịn màng tự nhiên, ở đôi môi không son mà mọng như cánh hồng đang độ tiết xuân tươi thắm nhất. Trời phú cho những người đàn bà đặc biệt một thứ trường lực hấp dẫn kẻ khác phái, trường lực ấy tỏa ra quanh mình họ mà không sao lý giải được. Phương Xuân đây cũng là dạng phụ nữ có trường lực đặc biệt ấy. Và, vẻ đẹp lộng lẫy của giới nữ với trường giới tính mạnh cũng thường làm nam giới phải trở nên lịch sự và nhã nhặn hơn. Tôi như bị thôi miên khi những búp tay trắng hồng, thon dài thong thả tráng nóng những chiếc ly gốm nhỏ màu ngọc rồi khoan thai pha trà rất đúng kiểu cách ở những gia đình Hà Nội xưa, để cuối cùng trà rót ra, hương sen thanh nhã và hương trà ngầy ngậy bay ra làm không gian trở nên thanh tịnh, tao nhã tới vô cùng.
Sau vài câu chuyện xã giao và nói lý do tôi tìm tới quán, Phương Xuân gọi cô gái ban nãy mang rượu tới. Cô gái trẻ lập tức bưng ra một khay tre có chiếc be gốm nhỏ đựng rượu với hai chiếc tách gốm men rạn. Cũng cẩn thận tráng chén trong nước sôi rồi chờ cho nguội, Phương Xuân rất khéo léo rót rượu, không một giọt rớt xuống.
Đúng là một loại rượu tuyệt ngon. Chả kém gì vị Dương Xuân của Lee, rất mềm và ngọt hậu. Mai Hạ thơm khó tả, cho người ta cảm giác lâng lâng ngay khi chạm môi vào. Nhưng rõ ràng, khi tôi chưa uống vẫn cảm thấy như có mùi hương nồng nàn kì lạ quanh quất như đêm tôi ở nhà Lee. Song lúc bưng chén rượu kề môi, hy vọng ở đó có hương như Dương Xuân, mà lại không thấy. Tuyệt không có cái hương quyến rũ như chén rượu tôi uống đêm nào từ bàn tay của Yến Chi. Tuy thế, tôi vẫn nhâm nhi gần hết cả be rượu Mai Hạ, khi cô gái thong thả giới thiệu thứ rượu mà theo cô là không bình thường của một vùng xa lắc:
- Để tìm được thứ rượu ngon lại vừa hợp túi tiền các bạn sinh viên, em đã khảo sát khắp vùng Tây Bắc. Chữ “Mai Hạ” trong “rượu Mai Hạ” ấy là do rượu đó được nấu ra ở Mai Hạ - Mai Châu - Hòa Bình. Nó khác rượu làng Vân, rượu Bầu Đá... Rượu Mai Hạ trong vắt, lắc nhẹ thấy vạn tăm rượu lên dào dạt như sao. Vị rất khác biệt với tất cả các loại rượu trắng ở ta và độ cồn cũng đủ để đốt cháy những cơn nghiền khó tính nhất. Nặng độ vậy, Mai Hạ vẫn không gây nóng, trái lại rất êm ái tới giọt cuối khi cạn chén. Mai Hạ là thứ rượu do phụ nữ Thái ở Chiềng Hạ nấu. Có một người đàn bà Thái còn lại ở bản đó tên là Chu Thị Tờn đã lấy mẻ rượu bà ủ chín trong chum đã lâu để em mang về đây cho bè bạn thưởng thức. Ở bản đó, vài nhà khác cũng nấu rượu ngon lắm, song chưa ai nấu rượu ngon như bà Tờn. Mai Hạ tuy cất từ củ sắn, lại để nguyên cả vỏ, nhưng hơn hẳn các loại rượu sắn khác, hơn cả rượu cất từ nếp quý ở dưới xuôi như rượu làng Vân. Mai Hạ uống vào đâu biết tới đó, vị đậm sâu, ngọt lùi vương mãi từ đầu môi xuống gan ruột. Nó được ủ rất tinh tế nhờ thứ men lá độc đáo, bí mật của gia đình bà Tờn. Theo em, rượu ngon, ngoài men còn có yếu tố nguồn nước và vi lượng trong sắn Mai Hạ. Suối Mai Hạ đầu nguồn, có tên là suối Vú mẹ, phun ra ngàn năm nay từ một nhũ đá, nom như bầu vú khổng lồ nhô ra từ lưng chừng ngọn núi Mẹ. Nước trong vắt và tinh khiết tới vô cùng. Chả thế vùng quanh đó, đàn bà, con gái tóc như mun, đen dài tới kheo chân. Tuổi tóc có bà tới trên 60, vẫn nhanh nhánh không hề có sợi bạc. Anh em sinh viên Hà Nội tới uống, đùa chơi rằng, Mai Hạ - rượu uống hôm nay, ngày mai mới Hạ.
Tôi hỏi: Công nghệ chưng cất Mai Hạ thế nào? Đáp, cũng bình thường thôi. Lại gặng, sao không đau đầu? Liệu có ủ rượu đủ Bách nhật như rượu dưới xuôi? - Tôi thoáng nghĩ tới Yến Chi, tới chuyện Dương Xuân ngâm ở sông Dương Tử. Cô Xuân nâng be rượu lên cười: Rượu Mai Hạ sau khi cất không chôn dưới đất trăm ngày uống đã ngon lắm rồi. Nhưng nếu đong đầy chum, đậy kín, trám kĩ bằng nhựa cây mai, chôn dưới đất giọt tranh đủ ba tháng mới đào lên thì uống một chén đúng bằng ba chục chén rượu khác, ngọt ngào nồng hậu khó rượu nào bì được. Nói về Mai Hạ, đã lâu rồi người Thái có câu hát cổ: Rượu đây tay mềm em mời, anh uống một chén như ngàn chén, đất trời nghiêng ngả, uống bao năm môi vẫn còn thơm…Rượu này còn có điều đặc biệt là dính vào ngón tay chỉ để lại hương thơm và bay khô như cồn, chứ không ướt nát như các rượu khác vì nồng độ rất cao chả kém gì Rum của Cuba. Nói rồi, cô Xuân nghiêng be đổ lấy chút rượu và nhúng ngón tay út hồng xinh như mầm hoa tuy líp vừa nhô ra khỏi mắt đất vào chén rượu.
Thật bất ngờ. Sau động tác ấy của cô, tự dưng gian phòng sực lên ngào ngạt mùi hương đúng như hương Dương Xuân. Tôi nhận ra vị hương hôm nào ở nhà Lee cũng như nhớ tới mùi hương ban đầu tôi ngờ ngợ khi Phương Xuân mới bước vào gian phòng.
Trời ơi! Tôi ngạc nhiên đỡ lấy chén rượu. Quả là tôi không nhầm. Rượu Mai Hạ khi ngón tay mỹ nhân chạm vào đã tiết xuất ra kì hương…
Chuyện về Phương Xuân và Mai Hạ tôi sẽ thuật lại
ở lần khác, bởi vì đó lại là câu chuyện kì thú thứ hai của đời tôi.
*
* *
Quay lại Đức, tôi hí hửng mang theo một bình Mai Hạ. Máy bay tới sân bay Schoenefeld đúng vào lúc châu Âu chỉ còn hai ngày nữa là tới lễ Giáng sinh. Cũng không chờ thêm một ngày, chiều ấy tôi đánh xe thẳng tới quán Kaisetiger.
Tôi không tin nổi mắt mình nữa. Ngày xưa bãi đỗ xe quanh Kaisetiger luôn chật ních. Bây giờ bãi xe trống không, tuyết trắng ù ù bay tứ tán. Cửa Kaisetiger không một bóng người. Không thấy hai người gác cổng với đồng phục đỏ sau cánh cửa lớn. Vòng quanh hàng tròn cột đỏ bên ngoài chăng dây vàng với dòng chữ Polizei in liên tục trên băng dây. Kaisetiger bị đóng cửa! Vì sao nhỉ? Vì sao? Tôi bấm máy hỏi anh bạn thân thạo tin người Đức Quenter.
Hóa ra Kaisetiger đã bị đóng cửa hơn tuần nay.
Chuyện thật oái oăm. Một đôi trai gái trẻ mới yêu nhau từ Berlin thứ Bảy tới ăn quán. Họ gọi món gà hầm. Đang ăn, cô gái Đức thấy vương vướng, đau trong họng, rồi buồn nôn. Cô bèn vào toilet. Và dù ói mửa liên tục, cơn đau vẫn tăng dần tới mức không chịu nổi. Cô bấm máy gọi cấp cứu. Bác sĩ Potsdam mau chóng phát hiện ra vật lạ, ở viện. Bất ngờ nữa, người ta gắp ra từ họng cô một chiếc móng mèo bé xíu. Tức thời, hơn 200 Polizei ngay sớm sau cùng nhân viên thanh tra y tế, kiểm dịch, môi trường… đã bao vây, lật tung từng centimét vuông ở Kaisetiger. Trong hầm lạnh, người ta đã tìm thấy gần hai chục cân thịt mèo đã làm sẵn. Có cả mèo nguyên con mới lột da lẫn mèo đã phá thành lát nhỏ mỏng như phi lê gà. Người ta nghi rằng đám đầu bếp ở Kaisetiger đã trộn thịt mèo vào làm nên hương vị đặc biệt của thịt gà khi chế biến. - Quenter hổn hển nói qua điện thoại: "Tao cũng nghi lắm vì thịt gà ở Kaisetiger là nguồn mua tại Đức, có khác gà tụi tao mua ở siêu thị đâu, mà sao hương vị món gà Kaisetiger đậm đà như thế?"
Tôi quay xe lại khu nhà của Lee. Cầu mong sao Lee và Yến Chi của tôi bình an. Luật pháp Đức buộc người chủ khách sạn phải chịu trách nhiệm chính mà. Kaisetiger đóng cửa thì giờ này tôi được gặp Yến Chi là chắc. Lại tạt qua cửa hàng hoa mua một bó hoa hồng tươi vàng rộm.
Nhà Lee đây rồi. Tôi bấm chuông. Im lặng tới ghê người, sau tới hai, ba lần bấm mà cửa không mở.
- Ngài tìm gia đình người Trung Hoa ư? Họ dọn nhà đi từ ba, bố 1877 n hôm nay rồi.
Tôi quay lại, sau tôi, một bà già Đức tóc vàng nâu nhìn tôi e ngại nói.
- Vâng, thưa bà. Bà có biết họ chuyển đi đâu không?
- Sao tôi biết được. Họ dọn nhà từ tuần trước. Đồ đạc hỏng còn một đống ngoài kia.
Theo tay bà tóc nâu vàng chỉ, tôi đến bên đống đồ, nệm, giường và tủ đã tháo dỡ, một đống tuyết đã phủ trắng. Tôi nhận ra chiếc gương lớn mà nhờ nó tôi đã nhìn trộm Yến Chi qua bóng gương phản chiếu hôm nào. Tôi nhận ra chiếc bàn xếp. Cái đi văng màu huyết dụ, các vật dụng trong phòng khách ngày nào nơi Yến Chi cho tôi nghe khúc hát mê hồn.
*
* *
Suốt cả tuần sau đó thực buồn. Lễ Noel này sẽ vui biết bao nếu có Lee và đặc biệt là Yến Chi. Bây giờ nàng ở đâu? Mấy đêm tôi cứ mơ thấy nàng. Trước đó, khi Yến Chi chưa biến mất, tôi không có cảm giác ấy. Có lẽ sự mất tích của Yến Chi càng làm cho tôi luyến tiếc và khao khát gặp lại nàng hơn. Điều ấy thật tệ hại, nó tạo cho tôi những ảo giác khó lường. Đi trên đường, giữa phố xá châu Âu đông đúc, đã ba bốn lần tôi thoảng thốt đuổi theo mấy cô tóc đen cắt ngắn, dáng dấp thon nhỏ mà tôi cứ ngỡ là Yến Chi. Một lần thoắt thấy rõ ràng bóng như Yến Chi lên một chiếc xe bus, tôi đã bắt taxi lao theo. Vòng vèo tới ba bốn tuyến phố, tôi mới bắt kịp chiếc bus đó, song lên xe thì té ra người đó không phải là Yến Chi. Nàng có thật không, hay là tôi đang mơ? Cũng ngay cả trong giấc mơ, chính tôi tự hỏi điều ấy và tỉnh giấc vẫn bàng hoàng không tin là trên đời này tôi đã gặp một Yến Chi như thế.
Tôi cũng viết email về Hà Nội, như đã hứa với cô gái Phương Xuân, rằng tôi không gặp được Yến Chi để so sánh rượu Mai Hạ với Dương Xuân.
Sự nhớ nhung Yến Chi tới mức cồn cào kéo dài suốt hai, ba tuần không sao chịu được. Cũng như chuyện nhớ người tìm tới vật, tôi quay lại khu nhà Yến Chi và Lee từng ở, một lần nữa xem có tin tức gì của họ không.
Hỏi thăm vài người đang dọn vườn hoa quanh khu nhà, không một ai biết tin tức gì về hai người Hongkong ấy nữa. Bà già tóc nâu ái ngại nhìn tôi và bảo: Chủ nhà mới dọn đến căn hộ của anh em cô, vừa dọn ít đồ trong kho tầng hầm của chủ căn hộ cũ quẳng ra nơi đổ rác, sau ba tuần không thấy họ quay lại.
Tôi thẫn thờ đến bên đống đồ bà già nói tới.
Thật bất ngờ. Ba, bốn chiếc hũ sành vứt lăn lóc bên khu để rác đúng như những chiếc hũ sành đựng rượu Việt Nam như tôi đã từng trông thấy trên cái kệ trong Quán Quen ngày nào. Kế đó là chiếc bình men cẩm thạch có hai chữ Hán màu son đêm nào Yến Chi và Lee rót ra thứ rượu Dương Xuân khoản đãi tôi. Tôi nhấc thử một hũ sành rồi bật nắp. Trong hũ còn ăm ắp rượu. Tôi quay lại xe lấy chiếc cốc giấy, chả ngại ngần rót ra ít rượu và uống.
Không có mùi hương đặc biệt như thứ rượu tôi đã từng uống và nó thực giống hệt vị hương của rượu Mai Hạ. Tôi cúi xuống nhặt lên chiếc hũ gốm màu cẩm thạch có hai chữ Hán màu son. Hũ gốm men xanh rỗng không. Đáy hũ mốc thếch và thực bất ngờ khi tôi đưa bình lên sát mắt.
Từ hũ gốm xanh cẩm thạch ấy sực lên độc mùi ái nữ.
Hương Mỹ nhân!
Tôi quay gót.
Đêm ấy, tôi nhận được email của cô Xuân. Thư có đoạn viết: Em không kinh doanh Mai Hạ nữa. Cả tuần nay, có người tới mua vét từng lít Mai Hạ để bán cho thương lái Hongkong, đẩy giá rượu lên cao, không hợp túi tiền anh em sinh viên nữa…
Tôi ngồi trong phòng một mình và nhớ lại tất cả. Nhớ món thịt gà đậm đà khác lạ tôi ăn ở Kaisetiger và
khi đó không ai biết rằng, nó được trộn với thịt mèo nên tạo ra hương vị đậm đà đặc biệt; nhớ gương mặt mê hồn của Yến Chi với điệu đàn dẫn tôi vào mê cung, cho tôi chìm giữa ảo và thực; tôi cũng nhớ lại hương rượu ở chiếc hũ Dương Xuân Trung Hoa đài các và cốc rượu quê xứ núi mà em Phương Xuân ở Hà Nội đã nhúng ngón tay út vào…
Tự nhiên tôi buồn ghê gớm. Một nỗi buồn khó thể nói ra để sẻ chia...
1. Nazit: chỉ những kẻ chống người nước ngoài, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi.
1. Ở châu Âu, khi tiếp khách, có nhiều loại rượu, dùng trong các thời điểm khác nhau. Tất cả được để trong một tủ nan nhỏ, dưới gắn bánh xe có thể di chuyển cho thực khách tùy chọn loại mình ưa thích. Tác giả tạm gọi là xe rượu.
1. Thơ Lý Bạch. Chủ nhân biết cách làm say khách/Thì đâu còn có ai người tha hương.