Truyện Ngắn Hay 2013 Truyện ngắn 9


Truyện ngắn 9
Trái tim bên lề

- BÙI ANH TẤN -

Em, đã biết bao ngày bên em, là anh đã có bấy nhiêu ngày yêu em, nhưng em ngây thơ không biết tình anh, thầm yêu em nên tim đau rã rời…

Huỳnh thoáng nhăn mặt, lầm bầm, biết bao nhiêu bài không hát lại hát bài này vào ngày vui để làm gì. Hôm nay nhìn Thúy thật đẹp trong tà áo cưới màu trắng tinh nguyên của tuổi 22, rạng ngời tươi trẻ.

- Chú thấy thế nào?

Vừa hỏi Thúy vừa xoay một vòng tròn trước gương, Huỳnh mỉm cười. Đẹp lắm.

Thế mà nhanh thật, hơn mười năm rồi còn gì.

Ngày ấy, anh đón mẹ con Thúy ở đầu đường vào Khe Sâu, từ phía chợ, một chiếc xe tải ọc ạch thả xuống hai mẹ con Thúy. Người phụ nữ gương mặt nhàu nát mệt mỏi và một đứa bé tóc vàng hoe loăn quăn vài sợi

 

trước trán với ánh mắt trong veo như thủy tinh nhưng đầy sợ hãi. Bíu ríu bước thấp bước cao, tay nắm chặt


gấu áo mẹ.

Hôm qua, thầy Viễn hiệu trưởng nói với anh, Phòng giáo dục vừa phân về thêm cho trường một cô giáo. Huỳnh mừng nhưng nghe tin cô có cả con nhỏ, anh ngẩn người băn khoăn, hiểu ý, thầy Viễn nhún vai. Tình nguyện về đây chứ không phải chúng ta bắt ép đâu, chắc là… thầy tặc lưỡi.

- Chào cô, cô là Lan - Huỳnh bước tới niềm nở - Tôi là Huỳnh, hiệu phó của trường.

- Dạ chào thầy.

Người đàn bà chào anh và rụt rè trao cho anh đỡ hộ chiếc va li làm bằng kẽm sắt, nhẹ tênh.

- Cháu đi học lớp một chưa cô?

- Ôi… cháu hơn mười tuổi rồi đấy.

Thoáng xót xa khi người mẹ nói về đứa con gái còi cọc của mình.

Nào nắm tay chú nào, đứa bé ngập ngừng sợ hãi nhìn mẹ và đến khi mẹ nó gật đầu thì mới dám đặt bàn tay bé tí như chân chim vào tay Huỳnh để anh dắt lên dốc. Cả hai mẹ con thở hổn hển leo lên cái dốc cao ngất, Huỳnh cười, về vùng này thì chuyện leo dốc là thường. Một ngày đi dạy, giáo viên phải leo dăm ba con dốc là điều hiển nhiên, chưa kể phải vượt suối, qua rừng nữa. Liếc nhìn hai mẹ con, Huỳnh chợt nhớ đến tiếng chặc lưỡi của thầy hiệu trưởng khi nói về việc mẹ con Lan tình nguyện lên nơi này.

Bản người Mông nghèo quần tụ dăm chục nóc nhà tranh rúm ró nằm nép nhau nhìn xa lô nhô trồi trụt bên vách núi, phía dưới là ruộng bậc thang nhấp nhô, lúa đương thì xanh ngắt. Trường học nằm men thoải phía dưới nữa, gần rừng già. Đêm đầu tiên nghe gió u ú, hai mẹ con Lan co rúm vì sợ, không ngủ được, Thúy khóc thét. Quên cả ngượng, Lan chạy sang phòng Huỳnh đập cửa thình thình. Anh mất trắng một đêm với hai mẹ con, rồi cũng quen.

Lớp học của trường nằm rải rác khắp nơi, bám theo các bản làng của người Mông nằm trên các sườn núi cao. Mỗi giáo viên phải đứng lớp dạy từ cấp 1 đến cấp 2 theo tua xoay vòng. Thầy Viễn từng nói đùa, thầy cô của trường này người nào cũng thành vận động viên leo dốc và vượt đường trường hết. Lớp dạy ở đâu giáo viên bám theo ở đó sinh hoạt, cứ vậy.

Những ngày đầu Thúy tha thẩn chơi một mình, nó không thể nào làm quen với những đứa trẻ dân tộc Tày, Dao và nhiều nhất là người Mông. Những bộ quần áo sặc sỡ nhiều màu của chúng cho đến trò chơi đánh quay, bắn nỏ của con trai… dệt lanh của con gái và những ngôi nhà sàn người Mông có bàn thờ tổ tiên chính giữa dán giấy bản tráng kim đóng trên vách trở nên bí hiểm quá.


Nhìn con gái cứ ngơ ngẩn, sợ nó không hòa nhập được, ảnh hưởng đến học hành, Lan sốt ruột muốn gửi con gái về xuôi nhưng hoàn cảnh của cô quá khó khăn. Bây giờ thì Huỳnh hiểu chuyện gia đình của cô rồi. Đang học cao đẳng sư phạm, yêu một sinh viên cùng trường, gia đình phản đối, đôi trẻ vẫn yêu, giận con gái đến nỗi bố mẹ Lan từ con gái. Đẻ con khi còn là sinh viên, bị lưu ban một năm, ra trường hai vợ chồng cùng đi dạy nhưng anh chồng dần lộ rõ bản chất là kẻ ham ăn chơi. Cũng sống với nhau mấy năm, đôi lần sảy thai, cuối cùng hai vợ chồng chia tay. Lan đem con về quê mới biết bố mẹ đã qua đời, anh chị đã chia hết ruộng vườn, mỗi người một nơi. Buồn chán, quay về thành phố dạy học tiếp rồi nhân dịp biết Bộ ra thông báo tuyển giáo viên lên miền núi dạy, cô tình nguyện đi luôn.

- Thôi cô cứ để tôi giúp cho.

Một hôm, đang dạy trên lớp, chợt Huỳnh giật nảy mình vì nghe tiếng thét kinh hãi của Thúy, anh chạy vội về khu nhà tập thể giáo viên nằm phía sau.

Một thằng bé Mông có gương mặt tròn đỏ gay đứng đực ra trước bé Thúy. Chả là mấy ngày nay mẹ vào bản trong dạy học, Thúy ở nhà với thầy Huỳnh học bài. Lớn rồi nên cô bé còn biết cơm nước, chỉ có giặt giũ thì mẹ về làm. Đang nằm học bài chợt bên khung cửa sổ ló ra một khuôn mặt người, lè lưỡi chọc, hãi quá cô bé hét lên.

- Thầy giáo ơi… tao… tao… - Thằng bé ấp úng - đùa thôi mà.

Nhận ra đó là cậu học trò Páo, Huỳnh cười xòa, xoa đầu nó, nói với Thúy:

- Đây là bạn Páo nhà gần đây mà, có gì đâu mà
cháu sợ.

Cô bé bám chặt lấy anh, rươm rướm nước mắt, đến là tội.

Thằng Páo lủi thủi đi ra, mấy hôm nay nó cứ quanh quẩn bên nhà cô Lan với mục đích được làm quen với con bé con có mái tóc vàng hoe đến là ngộ nghĩnh. Chọc chơi, ai dè.

- Này… này…

Lần này là một con cào cào tết bằng dây rất khéo, rất đẹp, nhấp nhô bên khung cửa. Thúy hấm hứ không thèm nhận, lại một cánh bướm vàng chợp chờn, cô bé thích quá thò tay qua cửa sổ, con bướm biến mất… thằng Páo hiện ra trước cửa, ngoác miệng cười thật tươi, "Mày đừng giận tao nữa nhé?" "Sao lại gọi là mày tao, mất lịch sự lắm, phải gọi là bạn chứ". "Ừ…tao, nó gãi đầu, ừ bạn".

"Bám chặt tay Páo nào", cứ thế hai đứa bắt bướm ngắm hoa, lội suối hết cả tuổi thơ ngây của Thúy cho đến khi cô bé lên cấp 3 phải chuyển về huyện học rồi nối gót mẹ bước chân vào trường cao đẳng sư phạm tỉnh.

 

Trong bản, nhà của Páo là khá giả nhất, chả gì ông nội của Páo cũng là trưởng họ Giàng, đứng đầu một họ lớn của người Mông.


Một căn nhà đồ sộ dựa lưng vào vách núi, nhìn xuống khe suối trước mặt, nhà có cột gỗ kê trên đá tảng hình đèn lồng, mái lợp ngói, sàn gác ván lát với ba gian hai cửa, một cửa chính, một cửa phụ, có hai cửa sổ. Bên trong gian phải đặt bếp sửa và giường khách, gian trái đặt bếp lò và chỗ ngủ của ông nội Páo, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, bếp lửa và nơi tiếp khách. Páo ngủ gian trái với ông, mẹ và mấy chị em gái nó ngủ phía dưới, gần chuồng nuôi gia súc, phong tục không cho đàn bà, con gái lên nhà sàn.

Ông nội cưng chiều Páo lắm, nó là đứa cháu trai duy nhất, bố Páo mất đã lâu, trong một lần đi săn bị người ta bắn nhầm.

Trước kia người Mông quen cuộc sống du canh du cư, cứ vài mùa đất bạc màu lại kéo nhau đi nơi khác, nghèo hoàn nghèo, chưa kể là còn trồng cây thuốc phiện cũng như vượt biên giới buôn bán hàng cấm. Sau này cán bộ người Kinh lên hướng dẫn, tìm đất tốt lập bản, dạy cách trồng cây ngô, lúa và nuôi gia súc, không trồng và hút thuốc phiện nữa nên đời sống người Mông ngày càng đỡ hơn trước. Tiếng cười nhiều hơn, điệu khèn
đám con trai nghe thật rộn ràng, điệu múa mấy con gái lả lướt hơn.

Khi những giáo viên đầu tiên lên Khe Sâu dạy học, việc đầu tiên phải làm là tìm đến nhà ông nội của Páo. Một già làng trưởng họ người Mông có uy tín, nhờ ông nói vận động mọi người cho con cái đi học. Mọi người nghe theo ông và Páo là đối tượng vận động đầu tiên, cũng là tấm gương. Khổ nỗi nó ham chơi hơn ham học, thích chơi khèn, thích xách súng săn vào rừng kiếm thú hơn là bỏ cái chữ vào bụng. Thầy Viễn nói với Huỳnh, muốn mọi người cho con học thì phải có Páo bởi nó là cháu của trưởng họ, bà con sẽ nhìn vào đấy mà theo.

Phải nói việc “dụ dỗ” Páo đi học thật vất vả, cái chữ cứ nhảy tưng tưng theo đôi chân tinh nghịch của thằng bé ra ngoài hết và tại trường này chỉ có thầy Viễn và Huỳnh là chịu nổi thôi. Huỳnh biết tính Páo, vì được cưng chiều nên hay háo thắng, nóng tính nhưng nếu biết mềm dịu, vuốt ve tự ái, kích tướng là nó nghe ngay và thực tế nó là đứa trẻ tốt.

Sau này thầy Viễn nghỉ hưu, Huỳnh lên thay, trường nằm rải rác mấy nơi, anh cứ phải xoay vòng đi suốt; vì công tác quản lý nên đâm lo không có ai kèm cặp thằng Páo cho đến khi cô Lan về và không ngờ chính cô bé Thúy lại là động lực cho Páo học hành chăm chỉ.

Năm ấy, cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch và dịp Tết của người Mông, mọi người tổ chức tại sân trường rộng, trai gái quần áo sặc sỡ nhiều màu sắc đang chơi đu, thổi kèn, ca hát và xúm đông quanh thằng Páo reo hò bởi tiếng khèn của Páo và điệu múa mạnh mẽ của nó. Bọn con gái trong bản nhiều đứa thích Páo lắm, đã có nhiều đứa con gái dệt vải lanh chờ Páo rồi, nó biết và vênh mặt khoe với Huỳnh, anh phì cười nhìn khuôn mặt trai trẻ có cái trán dô ngộ nghĩnh của nó. Trên này cứ 13, 14 tuổi là đã dựng vợ gả chồng cả. Tập tục của đồng bào là vậy đấy, dưới quê anh, từng này tuổi thiếu gì đứa đêm đêm còn nằm ngủ chung với mẹ, thế mà trên này đã chuẩn bị có vợ, có chồng cả. Một trong những mục tiêu dạy của các thầy cô chính là vận động giảm bớt nạn tảo hôn.

Tiếng khèn của Páo chợt tắt lịm, nó trố mắt khi nhìn thấy hai giọt sương long lanh sáng trên gò má ửng hồng như trái đào xuân của một cô gái mặc bộ quần áo bốn thân xẻ ngực không cài khuy với những đường viền hoa văn đỏ trên nền chàm, váy trắng in hoa. Tiếng leng keng rung rung theo gió của chiếc vòng bạc với những chuông nhỏ trên ngực cô gái. Đất trời quanh Páo như nổ tung trước nụ cười tươi của cô cùng mấy người bạn Kinh đi dự lễ hội. "Ai vậy", Páo thều thào như kẻ hụt hơi, "Mày không nhận ra à, Thúy con gái của cô giáo Lan đấy".

Thúy đây ư, Páo chả tin nổi. Nó không thể ngờ cô bạn gái ngày nào vẫn cùng nó té nước đuổi nhau trên suối nay đột ngột lột xác trở thành nàng tiên đẹp đến như vậy. Thúy học cấp 3 trên huyện, tuần nào cũng về nhà với mẹ và vẫn gặp Páo, nó thấy cũng bình thường, cho đến hôm nay.

Thúy nhìn Páo bẽn lẽn khi bắt gặp gương mặt đờ ra của người bạn thân.

Năm ấy Páo vừa tròn 17 tuổi và chuẩn bị bắt vợ.

Páo mời mọi người về thăm nhà và nói mẹ với mấy chị làm một nồi thắng cố thật to, thật ngon mời mọi người ăn, xóa đi nghi kỵ bấy lâu nay của nhiều người dưới xuôi vẫn cho rằng thắng cố “bẩn”. Thêm một bữa cơm ngày Tết có mèn mén (bột ngô) với rau xào mỡ và canh, mấy bạn của Thúy xì xụp ăn, khen ngon tưng bừng, Páo vui quá.

- Thúy mặc quần áo đẹp lắm! - Páo vụng về khen.

Thúy đỏ ửng mặt. Việc mặc bộ quần áo này không là chủ ý của cô mà mấy người bạn về thăm xúi khi thấy trong tủ của mẹ có bộ quần áo do bà con tặng.

Xa xa, hoa ban trắng mờ trong núi lẫn vào mây, nhìn không biết đâu là mây, đâu là hoa. Hai đứa ngồi dưới gốc một cây hoa gạo đỏ rực gần mỏm đá Yên Ngựa, Páo hỏi, hè này Lan có về không? Cô gái ngập ngừng. Chuẩn bị thi tốt nghiệp và ôn thi vào trường cao đẳng nên không biết có rảnh không. Trước ánh mắt buồn buồn của Páo, cô hứa, sẽ về.

Sau lần ấy, tiếng khèn của Páo nghe rưng rức hơn bao giờ hết, lẫn trong gió núi lùa ra con suối cuối bản, tang tác như tiếng thú lạc bầy tìm nhau. Tiếng kèn gọi bạn của nó sao mà buồn quá, ông nội Páo lo lo.

- Thầy giáo ơi, tao chưa muốn lấy vợ.

- Sao vậy? - Huỳnh cười - Từ năm ngoái thầy đã nghe Páo khoe muốn cưới vợ rồi mà.

- Nhưng bây giờ tao chưa muốn - Páo lẩm bẩm…

Huỳnh lắc đầu, cậu học trò của anh được cưng chiều quá nên thế. Mấy hôm trước, ông của Páo kiếm anh nói chuyện của Páo, chả là tự dưng không hiểu sao nó cương quyết không chịu lấy vợ. Gia đình Páo khá giả nên không phải theo tập tục “háy pù” chọn vợ trước, khi nào đủ tiền mới cưới mà mẹ và mấy chị đã chuẩn bị hết, chỉ cần Páo chịu đám nào là gia đình đồng ý ngay. Từ mùa trước, Páo đã khoe có mấy cô gái dệt lanh sẵn chờ nó rồi, thế mà… ông nhờ Huỳnh nói giùm bởi Páo rất nghe anh. Huỳnh nói, Páo im lặng.

- Hay là … - Huỳnh nheo mắt ranh mãnh nhìn Páo, nó đỏ mặt quay đi và bất ngờ nói một hồi.

- Con gái Kinh không biết trồng lanh, dệt vải, không biết lên rẫy trỉa bắp, không biết giữ cho cái bếp ấm lửa…

- Thế mà có người nhớ thương mới lạ… - Huỳnh cười ha ha.

- Tao không nói chuyện với thầy giáo nữa…

Thằng Páo mặt đỏ dừ, hùng hục bỏ đi, Huỳnh nhìn theo lắc đầu và cũng thấy thoáng bâng khuâng trong tim.

Hè năm ấy Lan không về như lời hẹn, cô gái quên, sau khi thi xong thì xin mẹ về quê mấy người bạn chơi.

Cuối năm Páo cưới vợ.

Chả hiểu sao tiếng khèn của Páo trước hôm đám cưới nghe rất u uất, Huỳnh vô tình đi qua mỏm đá Yên Ngựa nhìn thấy Páo đứng một mình dưới cây hoa gạo thật cô đơn.

 

- Chú Huỳnh nhiều lúc thế nào ấy mẹ nhỉ?

Thấy Huỳnh mặc chiếc áo bông dày, khăn len quấn cổ, đầu đội chiếc nón len xùm xụp đang xăng xái đi tới, cô Lan cất tiếng chào trước, anh giật mình ngẩng đầu nhìn chị cười, làn hơi thở phả khói trắng. Trời rất lạnh. Mấy cành đào như cóng quạnh lại. Nghe đài báo nhiệt độ vùng này xuống 0oC, khả năng có tuyết.

Huỳnh một đời vợ, năm ấy vợ anh bế con gái lên thăm anh trên này, thế rồi khi về xảy ra tai nạn, chiếc xe ô tô lăn xuống vực sâu. Từ đó Huỳnh khép kín cõi lòng, không thấy anh còn thiết đến đàn bà nữa. Thương anh nên nhiều bạn bè mai mối, một số cô giáo trẻ tỏ ý nhưng anh cứ lạnh tanh. Đồng bào dân tộc quý, có người kêu đến cho không con gái, Huỳnh cũng lắc đầu. Đến nỗi khi làm bữa cơm chia tay nghỉ hưu, thầy Viễn nói thật lòng. Điều làm ông áy náy nhất là sau bao nhiêu năm công
tác đến nay mà vẫn chưa tìm được một người vợ cho
thầy Huỳnh.

Không lẽ vết thương lòng ngày ấy lớn đến thế sao, hai mẹ con Lan nhiều lúc cũng thắc mắc.

Hè vừa qua, Thúy tốt nghiệp ra trường, trước khi nhận công tác, hai mẹ con quyết định về xuôi thăm họ hàng, cũng cả chục năm chưa một lần hai mẹ con về thăm quê. Hôm ấy, đang trò chuyện, hai mẹ con nói đến chuyện của Huỳnh, bất ngờ Thúy nhìn thẳng vào mắt mẹ mình, nói nhỏ: "Mẹ có khác gì chú ấy đâu". Lan ngớ người, "Này nhé", Thúy nói. "Bao nhiêu năm nay mẹ cứ ở vậy nuôi con dù không thiếu gì, người muốn tiến tới mà mẹ cứ từ chối mãi". Bất ngờ Thúy nắm tay mẹ, bóp nhẹ, "Mẹ ạ, hay là mình nói trước đi…" Lan đỏ mặt, mắng con gái, cô chỉ cái được nghĩ bậy bạ. Thúy bật cười khanh khách khi bắt gặp ánh mắt bối rối và gò má ửng hồng bất chợt của mẹ, thấy thương mẹ quá. Dù gì bây giờ Thúy cũng đã lớn rồi, ra trường làm cô giáo và cũng sắp lập gia đình, nên rất hiểu mẹ.

Tính ra thầy Huỳnh có cả chục năm công tác chung với mẹ con Thúy. Có lẽ người gần gũi hai mẹ con bao năm nay chỉ là Huỳnh. Từ miếng ăn, viên thuốc… cho đến khi Thúy lên huyện học cấp 3 thì cũng Huỳnh chăm lo nhiều nhất, chuyện thầy Huỳnh quan tâm đến mẹ con Thúy, thầy cô trong trường, thậm chí trên Phòng giáo dục ai cũng biết và tán thành. Tuy cô Lan lớn hơn thầy Huỳnh mấy tuổi nhưng nhìn còn rất trẻ, đằng nào thầy cũng một đời vợ rồi, nếu hai người lấy nhau thì quá xứng đáng. Thế nhưng chả hiểu sao Huỳnh cứ dửng dưng. Thúy biết mẹ rất mến thầy Huỳnh, chờ đợi một lời ngỏ và vì thế mà đã từ chối biết bao người theo đuổi. Tiếc rằng chờ đợi, cứ chờ đợi mà năm tháng thì qua quá nhanh.

Sau buổi nói chuyện ấy, Thúy bàn với chồng chưa cưới, cả hai quyết định tìm dịp nói thẳng với thầy Huỳnh xem sao. Bao nhiêu năm nay, trong thâm tâm Thúy vẫn coi thầy như cha ruột của mình mà nếu nay thầy lấy mẹ thì đối với cô cuộc đời này thế là trọn vẹn.

- Chú thấy thế nào?

Thúy hỏi một lần nữa và không để ý đến ánh mắt nhìn xa xăm của Huỳnh. Cô hỏi đến lần thứ hai thì Huỳnh giật mình, cười gượng, đẹp lắm. Giọng nói của anh chả hiểu sao cứ xa vời vợi, vì đang hạnh phúc nên Thúy không để ý.

A… con người ta lớn nhanh thật, mới ngày nào Thúy còn là một con bé tóc vàng hoe, khi mẹ đi dạy xa, đêm nằm rúc vào ngực anh tìm hơi ấm, thế mà nay đã sắp lấy chồng đến nơi rồi, Huỳnh bồi hồi, thở nhè nhẹ.

Không ai ngờ chồng của Thúy lại là bộ đội biên phòng, đóng quân tại Lũng Cú gần ngay bên Khe Sâu. Cũng không biết chàng trinh sát biên phòng quen Thúy vào dịp nào, nhưng đến khi Thúy dẫn về ra mắt mẹ và thầy Huỳnh thì cũng là lúc xin cưới. Bên nhà chồng neo người, muốn có con dâu sớm cũng là có cháu bồng. Cô Lan hơi lưỡng lự, Thúy còn trẻ, mới đi dạy, chưa ổn định, chuyện chồng con xem ra sớm, sợ khổ. Hai đứa trẻ nằn nì và vận động thầy Huỳnh nói thêm vào bởi biết mẹ rất nể, nghe thầy.

Đám cưới dự định tổ chức ở hai nơi. Tại quê nhà trai và nhà gái tổ chức nơi trường dạy của cô Lan hiệu phó, cũng là nhà của mẹ con Thúy bao năm nay và cũng thuận tiện cho anh em trong đơn vị của chú rể bởi gần đồn biên phòng.

Nhân dịp này, vợ chồng Thúy xin thầy Huỳnh đứng ra làm chủ hôn và khi giới thiệu nhà gái thì xin thầy là một bên đại diện cha mẹ. Huỳnh giãy nảy, sao kỳ quá, nhìn hai đứa năn nỉ, Huỳnh liêng liếc mắt nhìn Lan mà không thấy mặt cô thoáng đỏ quay lưng lờ đi. Anh miễn cưỡng nhận lời, hai vợ chồng Thúy bấm tay nhau cười rúc rích.

- Thằng Páo về rồi đấy, thầy giáo biết chưa?

Một người dân trong bản nói, Huỳnh giật mình băn khăn không hiểu mấy anh biên phòng có biết không?

Năm ấy, sau khi lấy Mỉ về làm vợ thì Páo bắt đầu sa đà vào chuyện rượu chè. Mọi công việc trong nhà Páo khoán hết cho mẹ và vợ làm, thi thoảng nó mới lên rẫy, còn lại là xuống phố đàn đúm hát hò, chơi bời, còn không thì vác súng vào rừng đi săn… đến độ khi vợ đẻ mà nó cũng không có mặt. Ông nội Páo buồn lắm, thương cho cháu dâu mà chẳng biết nói sao. Sau khi ông mất thì chẳng còn ai nói Páo nghe nữa.

Páo nghỉ học đã lâu, tuy nhiên vẫn giữ tình thầy trò với Huỳnh, lâu lâu anh cũng ghé qua khuyên nhủ, nó ư hử rồi đâu vào đấy. Nghĩ nay Páo đã lớn, có vợ con rồi,
tự khắc nó lo thân nên sau này Huỳnh ít quan tâm đến Páo nữa, huống chi cụm trường gần bản Páo sau này chuyển ra ngoài tránh con suối mùa lũ về học sinh đi
học nguy hiểm, thành thử anh ít có dịp qua bản vào
thăm Páo.

Cách đây hơn một năm, Huỳnh nghe tin Páo theo bọn xấu qua bên kia biên giới trồng cây thuốc phiện, buôn bán gì đó và bị biên phòng bắt. Lên thăm học trò cũ, Huỳnh buồn vô cùng bởi không nhận ra cậu học trò nữa. Râu ria lởm chởm, khuôn mặt gầy tọp vô hồn, nhìn như ông lão trong khi tuổi mới quá đôi mươi. Sau khi tìm hiểu hồ sơ, biết Páo không chủ mưu mà là nghe bọn xấu dụ dỗ, tội nhẹ, Huỳnh đứng ra làm đơn xin bảo lãnh nó về. Anh vẫn nhớ đến lời nhờ cậy của ông nội Páo trước khi nhắm mắt.

Về, Páo tránh mặt anh. Lủi thủi một mình lên rẫy làm, về uống rượu và lăn ra ngủ, ít quan hệ với ai trong bản, sống như cái bóng. Tuy vậy, cái Mỉ, vợ nó mừng lắm và bụng lại lớn ra.

Sinh con được mấy tháng, vợ còn đang nằm bếp, bất ngờ Páo biến mất. Mấy anh biên phòng cho Huỳnh biết, Páo đã trốn qua bên kia biên giới theo kẻ xấu rồi, Huỳnh rất buồn và không thể giúp gì cho Páo được, anh lại sắp được điều về làm trưởng phòng giáo dục của huyện rồi.

Nay nó đột ngột trở về.

 

Sương mù đặc quánh đến nỗi tưởng như đưa tay ra là vơ được vậy. Trời sụp tối rất nhanh. Khu trường nhộn nhịp tiếng cười nói, ánh đèn sáng rực một góc trời, người ra vào tấp nập, tiếng nhạc vang lên rộn ràng. Lâu lắm rồi nơi đây mới có một đám cưới, thông thường xưa nay thầy cô nào lên đây dạy, hoặc là đã có gia đình rồi hoặc lập gia đình thì cũng về dưới xuôi cưới, đây là lần đầu tiên có một đám cưới nên ai cũng vui. Đám cưới của đồng bào dựng vợ gả chồng cho con thì nhiều nhưng tập tục khác.

Hôm nay, nhìn cô Lan phải trẻ ra đến cả chục tuổi, mọi người nói đùa mà thật. Hơn hai mươi năm vò võ một mình nuôi con nên người, nay tuổi đà bốn mươi thì đã lên vai mẹ vợ, trong Lan buồn vui lẫn lộn bởi đứa con gái duy nhất đã lấy chồng và… cô thoáng thở dài, liếc mắt nhìn ra bên ngoài, thầy Huỳnh trong vai trò chủ hôn nhà gái đang chạy lăng xăng chỉ trỏ gì đó.

Khách mời đa phần là các thầy cô dạy trên này, các anh biên phòng tại đồn chú rể và bà con dân tộc đến dự, nhiều người tò mò và ngỡ ngàng bởi đây là lần đầu tiên dự một đám cưới của người Kinh.

Giới thiệu quan khách, tuyên bố lý do, chúc tụng… được tiến hành theo đúng nghi lễ dưới xuôi. Cô dâu trong bộ áo cưới màu trắng thật lộng lẫy, chú rể thì đơn giản bởi bộ âu phục đen.

Chạy tới chạy lui, mệt phờ, lại làm mấy ly rượu, Huỳnh chếnh choáng.

Thốt nhiên có tiếng súng nổ xa xa vọng lại, mọi người nhốn nháo, lo âu.

Chú rể chạy lại chỗ Huỳnh rầm rì nói gì đó, Huỳnh vội leo lên bục nói, biên phòng đang làm việc, mọi người cứ yên tâm, bà con dự lễ vui vẻ. Nói là thế nhưng nhiều người vẫn thấy bồn chồn.

Anh Khắc Tuấn, đồn trưởng đồn biên phòng xuất hiện, lúc nãy trong bộ vét trang trọng đại diện cho đơn vị và nhà trai, thì giờ này đã là bộ quân phục úa.

Nghe anh nói chuyện, Huỳnh thấy choáng.

Bọn buôn thuốc phiện bên kia biên giới biết hôm nay đồn biên phòng tổ chức đám cưới cho người trong đơn vị nên đã lợi dụng đêm tối, sương mù nhiều và sự lơi lỏng của anh em biên phòng đi ăn cưới mà vượt qua Khe Sâu đem một số thuốc phiện vào trong này.

- Páo… - Nghe đến đó Huỳnh thốt lên và anh Khắc Tuấn nghiêm nghị gật đầu. Páo là kẻ dẫn đường, rất may trước đó biên phòng đã biết tin, tương kế tựu kế, vẫn tổ chức đám cưới như bình thường nhưng dàn quân đón bọn chúng. Nhóm buôn thuốc phiện lọt vào ổ phục kích, súng nổ, một số bỏ chạy, trong đó có Páo, trốn lên đỉnh Khe Sâu gần mỏm đá Yên Ngựa và cố thủ trong ấy.

Thầy Huỳnh dò dẫm một mình trên con đường đá tiến về đỉnh Khe Sâu, mỏm đá Yên Ngựa. Không ai đồng ý chuyện anh tự nguyện lên trên này gặp Páo cả, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, anh thuyết phục mọi người rằng, hiện nay chỉ có anh nói Páo may ra còn nghe. Hiện nó như con thú dữ cùng đường sẵn sàng cắn càn, biên phòng cho biết Páo và mấy tên ẩn trong khe núi có vũ khí mạnh, có trái nổ.

- Ai…

- Tôi… - Pằng… tiếng đạn rít qua đầu Huỳnh, chợt nghe tiếng Páo vang lên: "Đừng bắn, thầy giáo của tao".

- Thầy lên đây làm gì? - Páo xuất hiện trườc cửa hang gườm gườm nhìn anh.

Hơi lạnh ẩm ướt lẫn mùi máu tanh từ người nó bốc ra, Huỳnh theo Páo chui vào trong hang. "Khám người nó", có tiếng nói, Páo lắc đầu không đồng ý và bỏ ra phía bên kia hang ngồi.

Huỳnh tranh thủ liếc quanh, hang tối, lờ mờ mấy bóng người, chắc là mấy kẻ buôn thuốc phiện chạy
lên đây.

- Thầy giáo tìm tao làm gì… - Páo nhếch mép - Tính kêu tao hàng biên phòng à?

- Páo… em phải nghĩ đến Mỉ, đến đứa con mới chào đời của em chứ.

Đêm tối không cho Huỳnh biết Páo nghĩ gì, chỉ nghe tiếng nó vang lên uể oải, mọi sự trễ rồi thầy giáo à. Không trễ, Huỳnh nói và nói rất nhiều, thằng Páo gục đầu câm lặng không phản ứng gì.

Một nòng súng lạnh ngắt gí vào mang tai anh, có tiếng cười gằn vang lên.

- Thằng khốn… mày tính kêu thằng Páo phản bội bọn tao, bán đứng bọn tao cho biên phòng à? Để tao tiễn mày về với ông bà.

- Đừng… - c5e Páo hốt hoảng kêu lên.

Tiếng súng nổ, viên đạn sượt qua tai làm đầu óc Huỳnh ù hết cả, tiếp theo tiếng súng nổ nữa, trời tối quá nhưng theo ánh sáng lóe lên thì Huỳnh biết rằng Páo đã bắn kẻ kia, tiếng nổ râm ran, biên phòng ập vào.

Páo vùng chạy, Huỳnh níu tay nó nhưng chỉ kịp thấy bóng nó hút lên đỉnh mỏm Yên Ngựa. Đường lên hẻm núi cực hẹp, một người đi phải lách nghiêng người mới qua nổi, là người ở đây nên Páo biết lối đi này, nó cố thủ trên ấy.

- Đừng … để tôi.

Huỳnh ôm cổ mặc cho máu tươm tươm ra và lách người chui vào con hẻm hẹp. Trước đó, mấy anh biên phòng định vào thì tiếng đạn rít cảnh cáo của Páo làm mọi người dội lui.

Gió u ú thật lạnh, Páo ngồi một mình im lặng trên tảng đá lớn trông cô đơn như một con sói hoang. Lạnh quá, Huỳnh run rẩy bò ra gần Páo, dưới chân anh bao la, đất trời chống chếnh, sẩy chân một cái rơi xuống coi như là xong.

 Thật bất ngờ Páo chỉ tay về phía quầng sáng xa xa, giọng khàn khàn.

- Đám cưới của Thúy đấy phải không?

Ngồi tựa vào sát nó như lấy hơi ấm, Huỳnh thở dài.

- Ừ. Tại sao thương Thúy mà Páo không nói cho Thúy biết?

- Nói gì…- Páo kêu lên - Nói tao là một thằng học hành kém cỏi, là một thằng dốt nát chả biết làm gì ngoài chuyện nương rẫy ư? Thúy như một bông hoa rừng rực rỡ đẹp đến nỗi mỗi khi gần Thúy, tao cảm thấy nghẹt thở bởi ý nghĩ rằng thật tội lỗi nếu được cầm bông hoa ấy. Tao biết rằng Thúy không bao giờ thuộc về tao cả và luôn đau đớn với điều ấy bao nhiêu năm nay, thầy giáo có biết không?

Thật bất ngờ, Huỳnh cười khan. Không lẽ chỉ có mình Páo mới biết điều ấy hay sao? Páo ngẩn người, ánh mắt nó sáng rực như mắt mèo trong đêm, thì thào, không lẽ…

 

Bỗng dưng trong gió vọng lại tiếng hát từ đám cưới.

Vì em đã trót yêu ai nên mãi vô tình không nhận ra, tình anh đã trao em bấy lâu nay. Một trái tim bên lề rất đau, vì biết em chẳng hề biết đâu, tình yêu anh đã cho em rồi.

Cầm lấy cây súng kíp của Páo, Huỳnh đẩy nhẹ vai nó, "Xuống đi em".

Bóng hai người đàn ông lầm lũi đi xuống.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84254


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận