Vườn Tình Chương 1


Chương 1
So I turn'd to the Garden of Love That so many sweet flowers bore...

Thế là ta lại quay về Khu vườn Tình yêu

Nơi ngàn hoa đang tỏa hương ngào ngạt...

Bốn người. Khi họ đến phía dưới tòa nhà thì đã quá nửa đêm. Đêm hè. Một cái nóng nặng nề và kết dính. Người trẻ nhất ba mươi sáu tuổi, anh tên là Thierry Carmona nhưng mọi người đều gọi anh là Titi. Anh là người dẫn đường. Anh ngước mắt lên nhìn cánh cửa sổ ở tầng ba và cũng là tầng cao nhất của tòa nhà. Một ánh sáng vàng rực len qua cửa chớp. Anh nhấn nút máy interphone.

Từ phía trên kia chị mở chốt cửa mà không cần hỏi đó là ai. Chị chờ anh. Anh không hẹn giờ. Anh chỉ nói là tối nay anh sẽ ghé qua cùng một vài thằng bạn. Đúng ra là ba. Điều ấy không thay đổi gì nhiều. Không, chị không quen biết gì họ. Không. Họ từ đảo Corse đến, họ đến đây nghỉ vài ngày, anh cho họ ở trong nhà. Bạn bè rất thân với nhau. Không vấn đề gì.

Chị mở toang cửa căn hộ rồi quay lại phía tủ lạnh. Chị cho đá vào một cái bát. Chị nghe tiếng họ đi lên. Tiếng bước chân của họ từ cầu thang, tiếng nói của họ vang vang, dễ nhận ra giọng nói của anh, một giọng nói lúc đầu thì nhỏ nhẹ nhưng sau đó ngân cao. Giọng của Titi là giọng chim hoàng yến. Nhưng người ta nhanh quen với giọng nói đó. Cái gì mà người ta chả quen.

Đó là một trong những tòa nhà cũ kỹ, chật hẹp nằm ở trung tâm thành phố, mới được cải tạo xong. Không có thang máy. Chị không quan tâm hàng xóm có thể nghĩ gì. Chị mở đĩa CD cũ của Shade. Đầu ngón tay chị bị cóng vì mân mê đá lạnh.

Họ dừng bước ở thềm nghỉ. Titi Carmona gõ vào cánh cửa đã mở. "Bọn anh đây", anh nói.

Chị quay lại mỉm cười với anh. "Mời các anh vào.".

Cả bốn người theo nhau ùa vào nhà. Trong tiếng cười của họ chị nhận ra một sự phấn khích và ngượng nghịu nào đó. Rồi sẽ qua thôi. Họ đã uống rồi, tất nhiên là như vậy. Chỉ uống đủ để thêm hứng khởi mà thôi. Chị lấy khăn lau tay rồi tiến tới


tiếp họ.

Titi đặt một tay lên hông chị rồi hôn lên má. Anh ngửi thấy mùi muối biển. Anh giới thiệu. Antoine, Jean-Paul, Dominique. Chỉ là những cái tên không họ. Người nhiều tuổi nhất là bốn mươi tám, tóc màu xám, vóc người bằng chị. Bốn người đều mặc quần soóc lửng và đi dép. Chị cũng chỉ mặc một chiếc váy bằng vải mỏng, dải quai váy mềm mại bám hờ trên vai. Chị sợ nắng nên không phơi nắng bao giờ. Hè cũng như đông, da của chị trông như kem sữa. Đôi bàn chân trần của chị lún sâu trong lớp thảm. Màu sơn móng chân rất hợp với chiếc váy của chị. Chị đóng cửa lại rồi mời họ ngồi xuống.

Căn hộ nhỏ nhắn và êm ái. Sạch sẽ. Mọi thứ đều được đặt đúng chỗ. Có một phòng khách với một góc bếp, một phòng ngủ và một phòng tắm. Một chiếc đèn halogen được đặt ở góc phòng chính, ánh sáng lạnh lùng hướng lên trần nhà, trần nhà phản chiếu lại làm cho nó dịu đi. Đó là nguồn ánh sáng duy nhất. Bốn người đàn ông ngồi quanh một cái bàn thấp, hai người ngồi trên tràng kỷ, còn hai người kia ngồi trên ghế púp. Không gian được lấp đầy bằng sự hiện diện của họ. Chị đứng. Chị chỉ nhìn thoáng qua những gương mặt mới. Còn quá sớm. Chị tiến lại gần chiếc thùng quý, một chiếc rương bằng gỗ được sơn lại màu vàng nghệ. Chị mở nắp thùng ra rồi nói một mạch không thở : "Gin, Get, Whisky, Vodka, Cognac, Armagnac, Rhum, Cointreau, Tequila, Curaỗao, Malibu, Martini, Marie-Brizard, mận hoặc lê."

Chị thích làm thế. Tiếp theo đó là khoảng im lặng ngắn ngủi, ngạc nhiên và rồi mấy gã đàn ông trầm trồ, hớn hở. Người ta vỗ tay tán thưởng chị đến mấy lần. Titi biết mà cứ làm ra vẻ không để ý. Anh nhìn mấy người bạn, nhìn chị và có vẻ khá hãnh diện. Chiếc thùng tua tủa những cái cổ chai rỗng.

"Còn có nước cam nữa, chị nói, cho những ai thích."

Những đồ vặt vãnh kiểu này tạo nên một sự khác biệt rõ ràng.

Cô gái này thực sự quyến rũ. Chị rất xinh. Trông chị tử tế và hay hay. Hoàn toàn khác với một con đĩ tầm thường. Mấy gã đàn ông vui lắm.

Chị dọn đồ uống mời khách. Chị đặt bát đá lạnh lên một cái bàn thấp. Chị lấy ly của mình ở trên bồn rửa bát rồi tự pha một ly rượu gin trợ tim, đó là ly thứ ba trong tối hôm đó. Chị trở lại với họ, quỳ trên tấm thảm, trước cái bàn. Với một phong thái rất đỗi tự nhiên. Y như một con mèo lông vàng vậy.

"Xin mời", Titi Carmona nói.

Họ đồng loạt tu một hơi.

"Thế đảo Corse trông thế nào?" chị đặt ly xuống rồi hỏi.

Họ mất già nửa tiếng đồng hồ và hai vòng uống để giảm nhiệt. Chị đặt câu hỏi rồi nghe họ nói, mắt chị nhìn đăm đắm vào đôi mắt của người đang nói. Chị chăm chú lắng nghe. Chị nhen lửa, lửa bắt đầu bén trong người họ. Lửa cháy bừng, mồ hôi nhỏ giọt dọc thái dương. Họ cảm thấy mỗi lúc mỗi dễ chịu hơn. Họ giạng chân ra. Họ hay cười hơn, cười mỗi lúc mỗi to hơn và chị cười với họ. Thỉnh thoảng Titi Carmona nháy mắt với mấy người bạn ra ý muốn nói: Thế nào, mình có phịa không nào?

Anh là người kiếm ra cô gái này.

Đá đã tan. Chị cầm bát rồi đứng dậy, lấy tay xoa những vết hồng trên đầu gối. Chị ra sau tủ lạnh rồi đổ nước còn thừa vào trong bồn rửa bát. Hai khay đầy đang chờ trong ngăn đá. Vấn đề tổ chức mà. Chị đi lại một lần nữa để đổ tàn thuốc lá nhưng không ngồi nữa. Chị đổi đĩa nhạc và tăng âm lượng cho giàn CD. Nhạc Cuba, kèn đồng và trống, chị bắt đầu uốn mình như một con rắn nhô cao.

"Chúng ta nhảy chứ?". Chị nói.

"Ta nhảy đi", Titi Carmona đáp lại.

Trong nhiều phút, chỉ có hai người họ nhảy, khi thì mặt đối mặt, khi thì anh quay quanh người chị hoặc ôm eo chị từ phía trước rồi từ phía sau, chị cứ để thế, hòa theo động tác, mềm dẻo và luôn duyên dáng. Cơ thể của họ sát sạt với nhau, đôi khi quyện vào nhau, và ngay cả trong những lúc đó, khi anh siết chặt hông chị rồi ép sát người chị vào mình, chị cũng vẫn có cảm giác rất thoải mái và tự do nhảy theo ý mình. Chị là người chủ động khiêu vũ. Không tài nào ép chị được.

Những người khác múa máy tại chỗ. Theo nhịp hoặc không theo nhịp. Bỗng dưng họ trông có vẻ yếu ớt, yếu ớt như những đứa trẻ, cho dù tay họ có to, cổ của họ có yết hầu, chân mọc dày lông. Họ thôi không cười đùa nữa. Họ không nói nữa. Tất cả những gì họ làm là không bỏ qua tí nào cảnh tượng đó. Trên gương mặt họ biểu lộ sự thán phục hoặc thanh thản. Dù thế, chị biết khi cần họ sẽ nhe răng nghiến lợi. Họ sẽ không rủ lòng thương. Ơn trời, chị không chờ những thứ ấy.

Họ tự rót rượu. Họ uống từng ngụm lớn. Ngay giữa vũ điệu salsa, Titi Carmona cởi áo sơmi. Anh mở từng cái cúc, bắt chước một vũ công thoát y hạng xoàng, rồi xoay chiếc áo trên đầu và vứt nó ra xa. Một người bạn bắt lấy cái áo và tiết mục này được vỗ tay tán thưởng theo thông lệ.

Chị cũng thấy nóng. Chị cũng toát mồ hôi và váy của chị dính vào da thịt, nhất là ở vùng thắt lưng, nơi mà đàn ông thích đặt tay hay áp má vào. Chị giữ tư thế. Chị để cho âm nhạc và nhịp điệu, để cho cái nóng và men say câu rút mình nhưng chị hoàn toàn nhận thức được mọi thứ. Rồi Titi Carmona quay sang mấy người bạn của mình. Anh vỗ tay.

"Ồ, các bạn, thế nào? Hết giờ ngủ trưa rồi! Nào! Đứng dậy cả đi!"

Anh năn nỉ. Giọng chim sẻ của anh xuyên qua tiếng nhạc. Họ dốc cạn ly, dụi thuốc lá rồi đứng dậy. Chị thấy họ đi về phía mình, họ xốc người trong bước đầu tiên để lấy lại vẻ phấn khích. Họ không nói gì với chị cả. Theo bản năng họ đứng vây quanh chị, tạo thành một vòng tròn bằng thịt bằng da, rồi họ từ từ đặt dưới chân chị những lễ vật thô nhám, thể hiện sự sùng kính của mình. Mắt chị hé mở, một nụ cười e ấp nở trên môi. Chị cảm thấy dải đeo của váy mình tụt khỏi bờ vai nhưng không vì thế mà kéo lên.

Họ nhảy rất lâu. Vòng vây bắt đầu siết lại. Cánh đàn ông thỉnh thoảng rướn cổ thả ra những tiếng khàn khàn, những ngôn từ, những từ tượng thanh mà chị không cố tìm cách để hiểu nghĩa. Ở họ cái gì cũng trở nên sáng láng, gương mặt và ánh mắt của họ. Chị cố ban phát cho họ một cách công bằng. Những lời hứa, những niềm hy vọng. Chị lẩn đi một lúc để mở lại đĩa nhạc, vẫn đĩa nhạc ấy vì điều đó không còn mấy quan trọng nữa. Họ giữ cho chỗ của chị luôn luôn ấm nóng.

Một lần nữa, Titi Carmona là người mở đường. Đúng lúc cao trào của bản độc tấu congas, chị quay lưng về phía anh, anh bước về phía trước hai bước, tay ôm vai chị và hôn nồng nàn lên bờ gáy trắng ngần của chị. Chị cảm thấy anh sắp cắn vào gáy mình. Một kẻ hút máu. Chị thoáng rùng mình rồi cứ để thế, chị ngửa cổ ra sau, mắt ngước lên trời, chắc để đoán chừng khoảng cách giữa anh và chị. Titi Carmona là một người thấp đậm, nửa thân trên lực lưỡng, và lúc đó ướt như ức của một con hải cẩu đang nhô lên mặt nước. Có mùi gì như mùi iốt. Anh kéo chị xoay người lại đối diện với mình rồi thắm thiết hôn lên môi chị. Khi buông chị ra, anh ra vẻ một chiến binh thắng trận. Những tưởng anh đã giật lưỡi của chị ra rồi ngoạm bằng hai hàm răng như một chiến lợi phẩm. Anh phá lên cười, mấy anh bạn cười theo. Bạn đồng hành của tôi, những người anh em của tôi. La noche es para todos! Đêm là dành cho tất cả mọi người!

Những nụ hôn, những nụ hôn, những cái cắn, những vuốt ve, mơn trớn. Những đôi chân nhớt nhát. Như đoán được trước, cái váy ngắn màu đỏ của chị nhanh chóng phơi ra dưới chân chị. Nổi lên trên làn da sữa của chị chỉ còn màu đỏ của cái quần con bé xíu bằng ren, những vết son đỏ trên môi, trên móng chân và những vết đỏ thâm thâm trên hai quầng vú. Những chi tiết. Chị xoay, xoay người để cho tất cả mọi người cùng thưởng thức.

Titi Carmona đứng giữa vòng cùng chị và chị tiếp tục mớm cho anh từng tí chút. Những người khác thì chưa dám. Họ đã bao giờ tự nhiên được ban phát nhiều như vậy chưa? Họ rụt rè thâm nhập vào vũ đài và những cử chỉ của họ thường ngập ngừng. Chỉ vuốt nhẹ, chỉ đụng tay, cốt để tin vào điều đó, như để xem thử chị có nổ tung trước mặt mình như bong bong xà phòng hay không. Một cách tự véo mình. Mỗi lần như thế, gương mặt họ rạng ngời một nụ cười hồn nhiên. Suy cho cùng, thật dễ để chiếm hữu lấy họ, về thể xác và tâm hồn.

Khi quỳ gối trước mặt Titi Carmona, khi kéo trượt cái khóa kéo của chiếc quần soóc lửng và khi chiếm lấy anh, chị giết họ. Họ không còn là họ nữa. Mệt nhoài. Họ sẽ không thể lại sức. Không bao giờ họ quên, cho dù cuộc đời của họ có dài lâu và sung túc (và cho dù nó có đáng nguyền rủa!). Tất cả những điều đó chị biết chắc như đinh đóng cột trong khi mà chính họ, họ chỉ lờ mờ loáng thoáng cảm nhận bằng trực giác.

Dù sao thì họ vẫn đứng như thế. Bướng bỉnh. Cố bám vào điệu nhảy, nếu có thể gọi như thế là nhảy. Những bước chân của họ quyện vào nhau, đầy ngẫu hứng và hoàn toàn lạc nhịp. Nếu nhạc có đột nhiên tắt ngúm thì họ cũng chẳng hay. Họ không rời mắt khỏi nữ thần đang quỳ gối, trong tim họ có sự giằng co giữa ham muốn và cơn điên, giữa nước mắt và niềm vui. Còn Titi Carmona thì đã khép mi mắt. Cơ thể uốn cong, bịt kín, hai quai hàm co lại, trong khi vẫn nén giữ niềm hân hoan. Rồi anh mở mi mắt ra và có một ánh mắt hoàn toàn khác. Anh vốc đầy tay một vạt tóc thưa đang rũ xuống ngang thắt lưng, nắm lại rồi để nó tuôn chảy giữa những ngón tay của mình. Chị đứng dậy. Ngoan ngoãn. Lại thêm những vết hồng hồng đang tan dần trên hai đầu gối. Không màng mặc quần áo vào, anh nhấc bổng chị lên, ôm chị vào lòng như người ta ôm một cô dâu trẻ đi qua ngưỡng cửa ngôi nhà mới. Anh ngang nhiên quay lại trước mặt mọi người rồi bồng chị vào phòng bên cạnh, để cửa mở toang. Thế đó.

Sau đó, trong căn phòng này, anh chiêm ngưỡng chị từng nét một. Một kiểu ảnh chụp chớp nhoáng. Đó là điều đầu tiên chị nhớ lại mỗi lần chị cần. Tại sao một số hình ảnh lại được lưu giữ và nổi trội đến vậy? Tại sao cứ hình ảnh này chứ không phải hình ảnh kia? Bí ẩn.

     Chuyện đó xảy ra một lúc sau. Quanh chị là ba người. Họ có là mười, trăm, nghìn người cũng vậy thôi, đâu nhằm nhò gì, rốt cuộc họ cũng chỉ là một. Những gương mặt bị xóa nhòa. Những đường nét, màu sắc, vòng viền: mờ, mờ, tất cả đều mờ. Tan biến. Không còn gì nhận ra họ nữa. Tổng thể có một độ nét nhất định nhưng họ chỉ là một thực thể duy nhất, một con người duy nhất được chia nhỏ, trong đó mỗi bộ phận sẽ được chi phối bởi những dòng chảy như nhau, sẽ hướng đến một mục đích duy nhất.

Họ trần truồng như nhộng. Một người nằm dài phía dưới chị, chị cưỡi ngược trên người anh ta. Hai người khác đứng hai bên chị. Hai tay chị nắm lấy hai người trong lòng tay. Sao mà dễ dàng thế. Nếu quan sát kỹ hơn, có thể nói là họ đang mệt. Nếu không là vì nhìn vào thú vui khiến cho họ sợ.

Còn chị, chị vẫn luôn mỉm cười. Các bạn có biết chị đẹp nhường nào trong những khoảnh khắc đó không? Không, các bạn không biết đâu. Chị tuyệt vời. Chị có cảm giác kiến bò ở bụng. Chị tạo ra thanh và nhịp. Vào giờ khắc này chị đang ở đó và chị đang sống.

Hình ảnh mà chị nhớ đến là như vậy đó. Nhưng chuyện đó diễn ra một ít lâu sau, như đã nói.

Ban đầu họ thay nhau ôm lấy chị. Titi Carmona đầu tiên, địa vị nào thì danh dự nấy. Gian phòng chỉ một tấm thảm rộng trải xuống đất, được lót kín bằng những tấm ga màu trắng. Những bức tường và trần nhà cũng trắng tinh dưới ánh sáng sống sượng của một bóng đèn trần mà chị đã bật lên khi đi qua. Chị muốn thế. Muốn nhìn thấy tất cả và không gì là đáng khinh ở đó cả. Không chút bóng mờ trên bích họa. Cái lãng mạn có ra sao thì mặc kệ. Cái lãng mạn nằm gọn trong một cái giỏ bằng liễu nhỏ nhắn và tinh tế, đặt ở trên vải thảm, đầu tấm nệm. Nó đầy những bao cao su, vỏ của chúng óng ánh. Kẹo bánh cũng nhiều như thế. Những cánh hoa cũng nhiều như thế, những cánh hoa như mưa rơi trong đêm tân hôn mỹ mãn. Chị biết sở thích của Titi Carmona và cố gắng làm cho anh hạnh phúc. Ba người khác mon men đến gần cánh cửa đang mở. Giờ thì họ đã đứng trong cạp thảm, trông như những người theo hầu đang ngó trộm ông chủ của mình nô giỡn. Họ cứ cử động như thế để không bối rối nhưng họ có giậm chân tại chỗ, họ có chân đứng chân nhón như vậy thì cũng không nói lên bất cứ điều gì, ngoại trừ sự gấp gáp.

Chị thì chị cứ thong dong.

Biểu diễn. Chị vừa làm dáng vừa liếc mắt nhìn họ. Chị thấy họ đỏ mặt tía tai và tái mặt đi, chị thấy xương hàm của họ nhô lên và trán họ toát mồ hôi. Họ chờ ở cửa, ngoan ngoãn, cháy bỏng. Và lo lắng nữa. Khi sự lo lắng đó gần nổ tung thì chị trấn an họ, bằng một cái nhìn thẳng, ý nói: hãy kiên nhẫn. Ý nói: Các anh sẽ không sợ phải hưởng đồ thừa đâu. Các anh cũng sẽ có phần chất và thời lượng. Ai cũng sẽ có phần như nhau. Hãy kiên nhẫn.

Họ tin chị.

Một lúc sau, người nhiều tuổi nhất trong họ tên là Antoine ngả mình xuống tràng kỷ. Anh sẽ không động đậy gì nữa cho đến giờ phút cuối. Hoặc là vì anh không thể, hoặc là vì anh không muốn. Hình như anh đang chiếm hữu một cô gái cùng tuổi chị trên hòn đảo của riêng mình. Một con bé đáng yêu. Tóc màu nâu nhạt như tóc chị. Da cũng trắng như da của chị.

Những người khác chỉ có vợ danh chính ngôn thuận mà thôi; họ đứng trước cửa, nôn nóng chờ đến lượt mình.

Rồi đến lượt họ. Một, rồi một, rồi thêm một nữa. Họ thay nhau. Họ vào trong phòng, gồng người lên, phập phồng nhựa sống và lòng kiêu hãnh. Họ giật tung quần áo ra. Họ ra vẻ dữ tợn. Họ mím môi để khỏi nhỏ dãi. Những bàn tay to lớn của họ vọc vào cái giỏ bằng liễu mong manh, xé bao bằng hai hàm răng rồi hú họa nhổ mảnh vỏ bao. Em sẽ thấy, hình như họ muốn nói, rồi em sẽ thấy... Họ nhảy xổ vào chị. Những con quỷ con tội nghiệp, biết bao từ ngữ để chỉ địa ngục? Chị nô giỡn với tất cả những sắc thái tinh tế của nụ cười và ánh mắt; và đó như là những vũ khí duy nhất mà chị sở hữu, lúc này chị nằm dài dưới ánh điện sáng trưng, trần truồng và trắng trẻo biết bao trên những tấm ga màu trắng. Sự trong trắng đấy, phải không nào? Sự trong trắng được bộc lộ. Chị thỏa hiệp với tất cả sự tài tình của mình. Chị là con cái bị hút hồn, bị chinh phục, bị thuần hóa, một con cái khêu gợi. Nhưng không quá đâu. Vừa đủ. Chưa khi nào trong cái nhìn trực diện vẻ thách thức của chị hay bất cứ cái gì đã có thể khiến cho họ thất vọng. Thế nên khi nào họ cũng nghĩ là mình còn cơ hội. Chị hơi cường điệu những tiếng ran, tiếng rên của chị. Thỉnh thoảng chị nén lại. Vì những anh chàng này đẩy mạnh quá. Chị có năng khiếu làm cho họ lớn lên. Dù chỉ vì điều đó mà họ không từ bỏ ngay được.

Họ có lợi thế đông người. Họ nhường lượt cho nhau. Họ chờ ở cửa phòng. Người đi vào đã quên hết chút ít những gì đã học. Nên mới có một sự ngây thơ nào đó, một cái gì đó như là sự trắng trong, cái phần thanh cao mà chị thưởng thức bằng cách để cho nó tan ra dưới lưỡi. Người đi ra thì ngược lại, anh ngờ rằng họ không bao giờ đi đến tận cùng. Anh cố dẹp ý nghĩ đó vào chỗ tăm tối nhất trong khối óc của mình. Ít nhất cho đến bến đậu tới. Những gì anh cần, anh nghĩ bụng, đó là vài phút nghỉ ngơi và ít nhiên liệu nạp thêm cho cỗ máy. Rốt cuộc anh cũng tin chắc điều đó. Anh không mặc quần áo vào. Anh giữ nguyên tư thế trên ghế púp hoặc trên tràng kỷ, phần sau cặp giò dính bết vào tấm vải còn cục thịt nhỏ nhắn trơ ra lòng thòng, bóng láng giữa một đám lông rậm rịt, thỉnh thoảng từ đó nhỏ xuống giọt nước mắt cuối cùng, giọt nước mắt bằng một thứ cồn ngọt kỳ diệu. Nhưng biết tin ai đây? Tin vào cái gì đây? Người đàn ông lấy hơi rồi lấy rượu băng bó những vết thương của mình. Cũng ngần ấy độ phục tùng.

Nhạc đã tắt nhưng không ai nghĩ đến việc mở lại. Chỉ còn âm thanh của những cơ thể và những âm thanh khác đệm vào. Vài tiếng ly chạm nhau lách cách. Chẳng mấy lời trao qua đổi lại. Vào một lúc nào đó, Titi Carmona lại gần ông bố đang co ro trên tràng kỷ, anh hất đầu vẻ như dò hỏi. Câu trả lời của người kia vỏn vẹn chỉ là một cử chỉ bằng tay mơ hồ và lỏng lẻo. Titi Carmona lại hất đầu, lần này là cho chính mình. Hai người, rồi ba người cùng nhập cuộc. Họ thèm được đánh bại chị. Họ thèm được đấm mạnh vào người chị, nhưng chị luôn nắm bắt kịp thời ánh mắt đăm đắm của họ và dập tắt nó ngay theo cách của mình. Nghệ thuật đánh đắm chính mình, chạm vào đáy rồi đột ngột ưỡn người ngoi lên. Họ thèm được trốn vào vòng tay của chị mà khóc. Họ không làm gì cả. Phải thú nhận là họ hoàn thành vai trò của mình một cách quả cảm. Chiến đấu đến bình minh và còn hơn thế nữa. Một bữa tiệc thật là xa hoa, một cuộc chiến thật là tuyệt diệu! Bụi bay phấp phới trong ánh vàng đầu tiên rọi nghiêng qua phòng khách, khi đó họ mới nhận ra sự thất bại, sự nhỏ nhoi của chính mình. Khi đó họ mới chấp nhận như thế. Thế là họ lặng lẽ mặc quần áo vào, không vội vàng, hấp tấp, tất cả đều mặc quần áo vào trong một gian phòng trong khi mà chị vẫn nằm dài trên tấm đệm, mi mắt hé mở, hai con ngươi đảo ngược đảo xuôi trong tròng mắt như những trái tim nhỏ xíu của chim non. Chị không muốn bỏ lỡ cảnh giã biệt tí nào. Người đàn ông có tên là Dominique, trán dài, đỉnh đầu hói như tu sĩ, phẩy tay bằng ngón cái và ngón trỏ. Ta có trả tiền không? Câu hỏi ngầm dành cho Titi Carmona. Anh lắc đầu ra hiệu không. Thôi, được rồi, đâu đã vào đấy. Dominique không cố nài thêm nữa.

Họ phải xốc ông Antoine dậy và dìu ông đi với bước đi loạng choạng. Họ ra về không lấy gì làm vinh quang; không quay lại mà chỉ lí nhí một câu chào tạm biệt, lòng biết rõ là sẽ không bao giờ gặp lại chị nữa. Chỉ có Titi Carmona là chịu khó bước lại cửa phòng. Anh dựa người vào khung cửa. Anh liếc mắt nhìn những bao cao su nhăn nheo vương vãi trên sàn nhà. Rồi anh quay lại với mấy ông bạn, nhẹ nhàng khép cửa sau lưng.

Họ đi rồi, chị mở mắt một lúc. Rồi chị cũng nhắm mắt lại.

Anh mà đòi yêu em à, chị nghĩ bụng, anh mà đòi làm cho em thỏa mãn à...

 

Trời cao đem lại sắc màu cho biển rộng. Và cả đáy biển nữa, trong một phạm vi nhỏ hơn. Có những cái ở trên và có những cái ở dưới. Ở giữa biển và trời, không có biển và trời, màu sắc chỉ là một dải trong suốt mênh mông. Vô hình. Nước. Ta nhấn chìm ánh mắt xuống nước, ánh mắt lại nhìn nghiêng. Không gì ngăn giữ nó.

Có thể cũng như thế đối với một số người.

Đúng thế, nhưng mà ai vớt vào lòng mình những kẻ đắm tàu? Ai ngoan cố làm cho hao mòn những hốc đá cứng nhất và những nỗi sầu xưa cũ nhất mà con tim đã đeo mang?

Huyền thoại nào cũng nói ra điều đó.

 

Tôi còn nhớ chính xác ngày mà hắn tái xuất. Đó là ngày 24 tháng Mười hai, hôm trước lễ Giáng sinh. Một ngày dễ nhớ. Lúc đó là mười giờ sáng. Một ngày ảm đạm, mây thấp là chà, chực đổ mưa. Trời đã mưa vào sáng hôm đó và giờ còn có thể mưa nữa. Tôi đã tận dụng thời gian nghỉ ngơi này để đi dạo một vòng hóng gió với bọn trẻ. Chúng đi ủng và
K-way là những bộ quần áo mà chúng thích nhất khi đi chơi. Còn tôi thì quần bò và giày bátkét. Chúng tôi đi đến tận cùng bãi biển. Hoang vu. Bọn trẻ chiếm lấy khu vực này cho riêng mình. Trò chơi chúng khoái nhất là nhảy lên những đống tảo ướt át. Lúc đầu tôi có la lên lấy lệ, sau đó tôi để mặc chúng. Ở tuổi chúng tôi cũng đã từng làm thế.

Tôi luôn yêu bãi biển vào mùa đông.

Trong chốc lát tôi ngắm nhìn đám chim lượn bên bờ biển: mòng biển, cu gáy, bồ câu. Chúng nhởn nhơ, con nào cũng dò tìm những gì mà sóng biển đã xô vào bờ sau cơn bão. Những cái khay vét thức ăn rơi vãi, âu dọn bùn. Trên cát ướt, dấu chân của chúng quyện lẫn vào nhau.

Cũng có vài dấu chân chó.

Sau đó tôi lại ngồi trên một ụ đất. Quay lưng với biển khơi. Mùa này các quán cà phê và các nhà hàng đều đóng cửa. Trừ quán Neptune ra. Đó là quán bar duy nhất trong khu phố mở cửa quanh năm. Tôi thường đến đó. Thềm quán nào cũng vắng bóng người, chỉ còn những mái che bằng kim loại và những vạt phên bị gió lốc quật xuống. Trong mắt một khách lạ, đó có thể là một bức tranh hoang tàn. Còn trong mắt tôi thì không.

Tôi đứng đó chừng mười phút thì gặp hắn. Và nhận ra ngay. Hắn từ một góc quán Neptune đi ra, cách chỗ tôi năm mươi mét. Bóng người cao, đen trong cảnh âm u. Một vẻ lịch thiệp khác thường. Tôi thường nhớ tới hắn như nhớ tới một chàng Don Quichotte thời trẻ. Nếu như đó chỉ là một chàng hiệp sĩ có nhiều khát vọng cao thượng.

Không tia nắng nào đâm thủng tầng mây vào giờ khắc đó. Thời gian không đứng yên một chỗ, bọn trẻ tiếp tục nô đùa trên bãi biển. Nhưng tôi biết có gì đó đã thay đổi. Hắn đã không để ý thấy tôi. Ít nhất là tôi không tin như thế. Hắn đi về phía cửa quán. Ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu tôi, đó là hắn đang tìm tôi. Tôi cao ngạo mà. Lúc hắn bước qua cửa quán vài bước, tôi cầu trời khấn phật để hắn không biết tôi đang ở đó, rồi tôi lại cầu trời khấn phật để hắn nhìn thấy tôi.

Có thể hắn đã bắt gặp bóng tôi trên cửa kính quán bar, hắn đặt tay lên nắm đấm cửa rồi dừng bước, quay lại. Chúng tôi nhìn nhau chăm chăm một lúc như thế, từ xa. Đúng lúc đó, vâng, tim tôi như ngừng đập, trong tai tôi có tiếng ầm ì mà tôi chắc là không phải tiếng sóng vỗ.

Hắn thả nắm đấm cửa rồi đi về phía tôi.

Tôi không đứng dậy. Tôi không động đậy. Tôi để hắn đến.

Hắn đã không biến khỏi đời tôi, mà ngược lại. Sự vắng bóng của hắn chỉ là sự vắng bóng về hình hài, thể chất. Từ chín năm nay hắn đã ra đi, tôi có thể đếm được những ngày mà tôi không nghĩ đến hắn. Và tôi sợ điều này nhất: ngày hắn trở về.

Hắn dừng chân trước mặt tôi và chúng tôi tiếp tục lặng lẽ nhìn nhau chằm chằm. Chúng tôi không thể ôm hôn nhau, cũng không thể bắt tay nhau. Chúng tôi không thế. Không, sau quãng thời gian như thế. Chúng tôi không thể choàng tay ôm chầm lấy nhau và vỗ vỗ vào lưng nhau. Hắn là người mở lời đầu tiên.

- Chào Mathieu, hắn nói.

Hắn cười hiền lành, tôi thấy hắn thật hiền lành, gần như nhún nhường nữa là khác. Không giống hắn của mọi khi. Còn tôi lại thấy hắn không thay đổi. Có chăng thì có lẽ là gương mặt hắn hơi hốc hác hơn, vết sẹo nhỏ dưới lông mày trông có vẻ rõ hơn. Thế thôi. Còn tôi, mấy năm gần đây tôi đã tăng khoảng mười ký và từ vài tháng nay sáu ngày tôi mới cạo râu một lần. Mặc một chiếc quần bò cũ kỹ và đi giày bátkét, tôi biết rõ mình có dáng vẻ như thế nào: trông tôi như một gã đàn ông tầm thường. Thế thôi. Ý thích nếm nỗi đau xưa cũ trỗi dậy trong tôi không cưỡng lại được. Thật xấu hổ cho tôi. Tôi cố giấu tất cả những điều ấy bằng cách bắt chước giọng hắn.

- Chào Ariel, tôi nói.

Hắn ngước mặt nhìn trời.

- Thời tiết như thế này chắc cậu thích lắm phải không?

Tôi gật đầu và cũng mỉm cười, nhưng không được chân thành cho lắm. Lại im lặng. Chỉ có tiếng sóng dồi và tiếng chim mòng biển kêu lên ngượng nghịu. Rồi tôi đặt một câu hỏi mà bất cứ con người tầm thường nào cũng đặt ra trong tình thế đó.

- Thế nào, tôi hỏi, cậu thế nào rồi?

Nghèo nàn. Nghèo nàn về trí tuệ và ngôn từ. Tôi những muốn cắn lưỡi mà chết đi cho rồi. Tôi phải cố gắng lắm mới không cụp mắt xuống. Nếu như hắn cảm thấy thương hại tôi thì hắn đã không biểu lộ điều gì hết. Cảm ơn, người anh em. Hắn khẽ hít hà rồi trả lời câu hỏi của tôi một cách cực kỳ nghiêm trang.

- Tạm ổn, hắn nói. Mình xoay xở được. Mình đi khá nhiều: Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Ý. Từ hai năm nay mình dừng chân ở Tây Ban Nha. Ở Costa Del Sol. Mình đã mở một công ty ở đó. Công ty mình sản xuất linh kiện máy vi tính. Đúng là làm ăn khá ổn. Mình có năm mươi nhân viên. Chính xác là bốn mươi chín. Tây Ban Nha là một đất nước đẹp. Một đất nước đầy hứa hẹn.

Tôi tưởng tượng mình đang lắc đầu nguầy nguậy như một thằng đần trong khi hắn nói. Bị chế ngự. Khi nhận ra hắn đã nói xong, tôi trộm nghĩ: "Hắn đang nói gì vậy?" Tôi chờ đợi bất cứ câu trả lời nào khác chứ không phải câu ấy. Những "linh kiện máy vi tính"... Mẹ kiếp! Có đúng là hắn đó không, Ariel Weiss? Chàng Don Quichotte lao mình vào công nghệ cao! Hay là hắn không đếm xỉa gì đến tôi. Tôi nhìn chăm chăm vào mặt hắn và biết là không thể tin những gì hắn nói. Tất cả những gì tôi nói được, đó là:

- Mình không biết Tây Ban Nha.

Tôi xoa tay phía trên đùi. Hai bàn tay tôi nhớt nhát mồ hôi. Có một câu hỏi thứ hai tầm thường hơn chực thoát ra từ miệng tôi - "Cậu làm gì ở đây?" - Tôi không chắc là mình có thể giữ mồm giữ miệng được, may mà một trong hai đứa con của tôi kêu lên một tiếng khi đang chơi khiến tôi quay lại. Ariel nhìn theo hướng tôi nhìn. Khi tôi quay lại, hắn hỏi tôi:

- Con cậu đấy à?

Tôi gật đầu.

- Con mình và Florence đấy, tôi nói.

Tôi xem phản ứng của hắn ra sao. Hắn chỉ khẽ nhíu mày. Có vẻ như hắn đã biết. Hắn mỉm cười như lúc đầu, rồi nói:

- Tốt...

Hắn không hỏi tuổi chúng, cũng không hỏi tên chúng. Tôi thích thế hơn. Hắn cũng không nhờ tôi chuyển lời chào đến Flo. Tôi những muốn lúc đó mưa rào bất chợt đổ xuống. Tôi những muốn đứng dậy và ra đi, vô tư lự, chào hắn như chào một người quen trong khu phố.

Nhưng chính hắn lại là người giã biệt tôi. Ariel Weiss biết những sở thích và bí mật của mày mà, mày quên rồi sao?

- Mình phải đi đây, hắn nói. Mình có bao nhiêu việc phải làm từ giờ cho đến tối. Mình muộn mất rồi.

- Tất nhiên rồi, tôi nói, tất nhiên rồi.

Một doanh nhân thì có lắm việc phải làm. Không thể khác được. Không cần thêm gì nữa, hình như thế. Không có "Chúc mừng Giáng sinh", không có "hẹn gặp lại". Trước khi đi hắn chỉ có một cử chỉ khốn nạn là đưa tay khẽ ra hiệu chào. Tôi thực sự tin, vào lúc đó, thời gian và khoảng cách đã đào giữa hai chúng tôi một vực thẳm không thể vượt qua. Tôi những tưởng là câu chuyện đã vĩnh viễn chuyển qua trang khác, tôi cứ nghĩ đó là điều tốt nhất có thể
xảy ra.

Thế sao đột nhiên nỗi buồn lại mênh mông khôn tả?

Tôi nhìn hắn xa dần như nhìn một con voi già lặng lẽ ra đi, để chết. Con voi đã từng là loài vật vĩ đại nhất, mạnh mẽ nhất, đã từng một mình tàn phá hết rừng xanh. Đã từng giật những chùm quả ở tít trên cao để nuôi sống tất cả chúng ta.

Ariel.

Hắn vào quán bar và cánh cửa khép lại đằng sau một bóng đen mảnh khảnh.

Ariel Weiss và tất cả những gì tôi đã từng biết về hắn.

Và tất cả những gì hắn còn lại trong tôi. Không có con người này, có lẽ tôi đã không bao giờ gặp em. Thậm chí, tôi đã nghĩ, nhờ hắn mà tôi có những đứa con của mình.

Đúng là vì thế mà tôi đã khóc. Một vết nhơ tội nghiệp. Thật xấu hổ cho tôi một lần nữa. Tôi thở phào một cái.

Trong lòng tôi dằn vặt không yên. Trong đầu mày thế đấy, mày ạ. Trong đầu mày chỉ nghĩ tới điều đó.

Cuộc hội ngộ của chúng tôi chỉ kéo dài non ba phút. Tôi đứng như trời trồng nửa tiếng đồng hồ nữa, tôi đã không để ý thấy hắn ra đi. Rồi sấm sét rền rĩ trên đầu và mưa rào ào ào kéo đến. Tôi kêu bọn trẻ lại rồi chúng tôi đi như chạy trên con đường dọc theo bãi biển. Khi qua quán Neptune, tôi cố không ngoái đầu lại. Tôi nghĩ có thể hắn đang dõi theo tôi, đang nhìn chúng tôi qua cửa kính nhạt nhòa.

Mưa đã đem lại cho tôi điều tốt lành.

 

Chúng tôi về đến nơi thì người ướt như chuột lột. Bốt và quần bọn trẻ còn dính đầy rong nâu như băng dính. Trông vừa thảm hại vừa buồn cười.

- Nhìn mấy bố con kìa... Florence thở dài khi trông thấy chúng tôi.

Nụ cười nở trên môi. Lạy Chúa, em đẹp quá. Chúng tôi cởi quần áo ra và lấy khăn kì cọ cho nhau. Bọn trẻ cười nói râm ran. Tất cả những điều đó nói lên một cảnh sinh hoạt gia đình hoàn hảo. Thậm chí đó là hình ảnh của sự hài hòa và hạnh phúc. Những kẻ yêu nhau. Và mỗi lần như vậy tôi không thể không tin như thế. Thế là tôi tìm mắt Florence và hy vọng tìm thấy trong đó sự đồng cảm. Nếu tôi đã học hỏi được cái gì đó, thì đó là nhận ra những bóng tối bao trùm trong đáy mắt Florence. Đầu tiên, tôi định giữ nguyên chuyện đó cho riêng mình. Tôi tự nhủ nếu Ariel không xuất hiện nữa thì Florence sẽ không bao giờ biết gì về việc chúng tôi gặp nhau. Dối bằng cách giả vờ quên. Tôi sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ gia đình: Florence, tôi và con chúng tôi, để gìn giữ những gì đã phải trả giá rất đắt mới đạt được, những gì mà tôi biết rất mong manh, dễ vỡ. Để làm gì? Tôi tự nhủ. Em biết hay không thì sẽ thay đổi được gì chứ? Thay đổi tất cả, tất nhiên rồi. Điều đó có thể thay đổi tất cả. Nhưng im lặng, nói dối cũng không phải là giải pháp. Như thế nghĩa là lùi bước. Như thế là chấp nhận tôi không đủ sức để đấu tranh. Là tôi không đủ trọng lượng. Cả khối tình của tôi không nặng bằng mây bằng gió. Im lặng, nói dối, đó là vĩnh viễn chấp nhận bóng tối bao trùm.

Người ta bảo là chừng nào chưa tìm ra thi hài của người thân thì chừng ấy chưa tổ chức tang lễ. Hơn cả một bóng ma, đưa về cho em một xác chết đã chết thức sự còn dễ hơn.

Chúc mừng Giáng sinh, em yêu!

Tôi nhâm nhi những lý lẽ này cho đến tối.

Tôi muốn đưa ra quyết định trước ngày hôm sau.

Tôi đã chuẩn bị những gì cần nói, tôi đã cân nhắc từng lời. Những câu nói đó nhiều lần lấp lửng trên môi, chỉ chực thoát ra. Tôi nuốt hết những gì mình định nói khi thấy cái bụng của Florence. Bụng của Florence tròn đầy. Đó cũng là một lý lẽ có trọng lượng trên bàn cân. Florence đang mang thai đứa con thứ ba của chúng tôi. Cái thai bảy tháng. Biến cố nào có thể gây một cú sốc quá nặng cho cái thai của Florence? Trong một khoảnh khắc đầy lo sợ, tôi thấy một em bé chui ra với cái mồm của Ariel Weiss. Mới sinh ra đã phải mang dấu ấn của tai họa. Tầm bậy.

Suốt ngày hôm đó trời đổ mưa từng cơn. Chúng tôi không ra ngoài nữa nhưng bọn trẻ đã chơi ngoan hơn. Cây thông, nhà trẻ. Những khâu chuẩn bị cuối cùng. Vẫn là cảm giác hạnh phúc đơn sơ và thanh thản đó. Một cái gì đó cực kỳ quý báu đối với tôi. Khốn nỗi, những uẩn khúc trong những góc sâu kín nhất của khối óc khiến tôi không thể vô tư hòa mình trọn vẹn trong đó. Tôi nhìn thấy điều đó từ bên ngoài và niềm vui riêng của tôi, lễ hội nhỏ nhưng rất riêng của tôi đang phần nào bị hư hao. Dù chỉ vì điều này mà tôi giận Ariel đã xuất hiện trở lại đúng ngày hôm đó. Tôi khó mà tin vào sự tình cờ.

Cả bốn người cùng xúm lại chuẩn bị cho đêm Giáng sinh. Cây thông nhấp nháy trong một góc phòng. Florence đã thắp nến khắp nhà. Tôi cố xua đi ý nghĩ rằng đó giống như cảnh túc trực bên người chết. Tôi tập trung nhìn vào những gương mặt người thân. Gương mặt của Florence, của Étienne hiền triết, của Mattéo, của Mat-au-Marteau, ông vua việc vặt. Ba kiệt tác của tôi. Ba ngôi sao trên bầu trời đen tối của tôi. Ánh đèn dịu dịu phản chiếu lên làn da của chúng như bảo quản một ngọn lửa, mắt chúng sáng ngời. Tôi mong sao cảnh đó không bao giờ kết thúc.

Nhưng ai mà biết được những lời cầu nguyện của chúng ta thường mất hút về đâu?

Chúng tôi cho bọn trẻ đi ngủ lúc mười một giờ, khi chúng bắt đầu thấm mệt và phấn khích. Trước giờ giao thừa chúng vẫn chưa ngủ. Tôi ép Florence ngồi trên tràng kỷ trong khi tôi dọn dẹp. Dọn dẹp xong, tôi đứng ở cửa bếp nhìn Florence một lúc. Em ngồi thẳng, bất động như một bức tượng. Mắt em chăm chú nhìn về phía cây thông. Em nhìn không chớp mắt. Tôi sợ em lơ đễnh lắm, thỉnh thoảng em vẫn như thế. Tôi những mong được biết lúc ấy em đang nghĩ đến điều gì.

Tôi lại ngồi bên cạnh em.

- Em khỏe chứ? Tôi hỏi.

- Em khỏe.

- Còn nó? Tôi hỏi, tay đặt lên bụng em.

Florence nhìn xuống.

- Nó à, nó xoay ngược đảo xuôi. Nó thúc nó đẩy. Em nghĩ là nó đang tìm cách chui ra.

Chúng tôi đã biết đó sẽ là đứa con trai thứ ba.

Và như thế rất đúng với mong muốn của chúng tôi.

- Cần có không gian mà, - tôi nói. - Bình thường thôi. Hãy kiên nhẫn.

- Kiên nhẫn... Florence thì thầm.

Tôi vuốt ve những sợi tóc vương trên thái dương em. Tôi để ý thấy khu chung cư rất yên tĩnh, cho dù đó là ngày lễ. Một số đêm, từ đây, người ta có thể nghe thấy tiếng sóng biển rầm rì. Tôi muốn nói với em là tôi yêu em nhưng tôi đã không nói. Một lúc sau, tôi đứng dậy, ra vẻ bận tâm rồi nói:

- Anh có cảm giác chúng mình đang thiếu cái
gì đó.

Em ngẩng đầu. Đôi lông mày mỏng manh chau lại và ngay lập tức, trong mắt em lộ ra một sự lo lắng nào đó làm tôi đau lòng. Tôi mỉm cười.

- Một vài món quà chẳng hạn? Tôi nói.

Mathieu láu lỉnh. Tính tình vui vẻ. Một người chồng và người cha lý tưởng. Tôi tặng hoa, tôi tặng cho em hàng trăm, hàng nghìn bó hoa, tôi tự nhủ chí ít em sẽ nhớ mãi mùi hương của chúng.

Mặt em tươi tỉnh hơn. Nụ cười của em vẫn còn hơi uể oải nhưng em chìa tay cho tôi. Tôi cầm lấy tay em. Tôi nhẹ nhàng ôm em vào lòng rồi hôn lên môi em. Rồi tôi nói:

- Anh đi đây.

Tôi vơ chùm chìa khóa ôtô đút vào túi quần trống rỗng rồi đi ra. Những gói quà đó nằm trong nhà kho ở phía dưới tòa nhà. Tôi phải đi lên đi xuống ba lần mới đưa lên hết những thứ đó. Ngoài trời, mưa vẫn rơi lác đác. Trước khi đưa đồ lên lần cuối, tôi đi tới chiếc xe hơi đậu ở bãi xe. Tôi đang mở cửa xe thì nghe tiếng sỏi xào xạo sau lưng. Tôi quay lại. Tôi chẳng thấy gì cả. Đêm tối dày đặc, không trăng. Tôi chờ một lúc nhưng không có gì động đậy cả. Rồi tôi cúi xuống hộp đựng găng tay, tôi lấy một cái hộp, một cái hộp nhỏ xíu rồi đút vào túi quần.

Tôi đóng cửa xe rồi đi về. Lần thứ hai, tôi lại nghe một tiếng động sau lưng. Tiếng chân người bước trên sỏi. Tôi nín thở và nhìn chăm chú hơn vào bóng đêm. Không có gì. Tôi không thể không nghĩ đến hắn. Tôi có sợ đâu, chẳng qua là do cơn giận dữ sưng phồng. Tôi nghiến răng nghiến lợi thách thức với bóng đêm bao quanh một cách mù quáng và câm lặng. Kẻ cắp, bóng ma hay quỷ hiện hình, cho dù bay là ai nữa thì cũng chớ có bén mảng tới nơi này!

Không ai có thể tưởng tượng khả năng của tôi có thể đến đâu.

Tôi leo lên hai tầng, vừa đi lên vừa cố tự khuyên nhủ mình. Cố tự trấn an mình. Tôi gần như đạt được điều đó. Cùng Florence, chúng tôi đã xếp một nhà thờ bằng những món quà dưới chân cây thông. Có quá nhiều quà, như thường lệ. Như thể chúng được dành cho cả một cô nhi viện. Đó là một điều hổ thẹn. Đó là một sở thích. Chúng tôi đứng bên nhau nhìn ngắm tác phẩm của mình, môi nở một nụ cười mông lung.

Tôi nghĩ bố mẹ nào cũng hiểu điều đó. Sau đó chúng tôi đi ngủ. Lúc đó là hai giờ sáng.

Florence nằm nghiêng. Cái bụng nặng nề, hai bầu vú nặng nề. Tôi ôm lấy vợ nhưng không ôm chặt quá. Cốt chỉ để cảm nhận làn da của em. Không có gì mịn màng hơn. Tôi thiếu lòng dũng cảm nên tắt đèn trước khi bắt chuyện. Trong bóng đêm, sau một vài phút gì đó, tôi thì thào:

- Em biết không... Anh đã gặp lại hắn.

Người tôi áp vào người Florence, tay tôi đặt lên hông em, nếu em có rùng mình thì tôi chắc chắn đã cảm thấy điều đó. Em không nói năng gì. Em không hỏi tôi gặp ai. Sau một lúc im lặng, em hỏi:

- Khi nào thế?

Giọng em cũng không có gì khác.

- Sáng nay - tôi nói - Khi đưa bọn trẻ đi chơi.

- Thế à, em nói.

Tôi chờ Florence nói tiếp nhưng em đã không nói gì thêm. Không hỏi gì khác, không bình luận gì khác. Chủ đề có vẻ như đã khép lại. Một lúc sau, em cầm tay tôi và thì thào:

- Anh ngủ đi.

Tuyệt vời quá. Tuyệt vời đến mức lúc đầu tôi không thể tin. Tôi nghĩ: Như vậy là chúng tôi hoàn toàn không phải như trước đây nữa ư? Thời gian và khoảng cách. Để gió xua đi. Để nước cuốn đi. Cuộc đời.

Tôi nghĩ: Ngay cả những cơn ác mộng ghê sợ nhất cũng đã được giải thoát, chúng không còn ám ảnh chúng tôi nữa và đang chết già. "Anh ngủ đi", em đã nói.

Tôi chưa bao giờ mơ đến sự thờ ơ mà em đang thể hiện. Tôi đã để cách xa niềm hy vọng, tôi đã chôn vùi niềm hy vọng đó trong sâu thẳm lòng mình, tôi đã lo dập tắt ngọn lửa hy vọng vì sợ nó bùng lên và đột nhiên đốt cháy tôi, thiêu sống tôi như một cây xanh bị sét đánh.

Nhưng đêm đó, trong sự tĩnh mịch và bóng tối bao trùm, tôi đã yếu đuối buông mình.

 

Hai thằng con trời đánh nhảy xổ lên giường chúng tôi lúc 6 giờ 42 phút sáng. Trong vài giây gì đó, tôi đã nguyền rủa lễ Giáng sinh, nguyền rủa cây thông Noel, nguyền rủa nhà trẻ, nguyền rủa quà cáp. Bọn trẻ đã quay lại phòng khách. Tôi đặt một nụ hôn giữa hai bả vai của Florence. Tôi hít hà mùi hương của em. Tôi thở dài:

- Khi phải đi thì phải đi thôi...

Chúng tôi dậy, điệu bộ uể oải như những cụ già tám mươi kiệt sức. Tôi ngụp đầu vào nước rồi trở lại với cả ba trong hang Ali Baba. Các gói quà đã được mở ra. Giấy gói quà bị xé nát vương vãi khắp nơi. Étienne phụ trách việc chia quà. Nó lấy một gói quà một cách ngẫu nhiên, đọc tên trên nhãn rồi chia quà cho em mình. Cả hai đứa mở hết gói quà này sang gói quà khác. Háu ăn. Phàm uống. Tôi nhìn con chia quà, lòng thấy vui lây khi thấy nét mặt hớn hở của chúng, khi nghe tiếng kêu vui mừng của chúng. Tôi cảm thấy thoải mái.

Tôi ngạc nhiên khi nghe Étienne gọi: "Bố!". Tôi cầm lấy gói quà mà nó đưa cho tôi và kiểm tra cái nhãn. Đúng như thế. Bố. Chữ của Florence. Từ này luôn đem lại cho tôi cảm xúc. Tôi quay lại nhìn vợ: mặt em có vẻ hơi ma mãnh.

Đó là một gói quà khá bẹt, hình chữ nhật. Cỡ khoảng 40 x 60. Tôi nghĩ đến môt cuốn sách nghệ thuật hoặc một khung ảnh, đại loại như thế. Tôi không mở ngay. Niềm vui lan tỏa.

Đống quà vơi dần. Khi không còn gì nữa, tôi kiên nhẫn chờ nửa phút, sau đó đi vòng quanh cây thông rồi cúi xuống.

- Étienne này, - tôi vừa nói vừa đứng dậy, - bố nghĩ là con đã quên một thứ.

Tiết mục của tôi bắt đầu như vậy đó. Tay tôi cầm một gói quà nhỏ đã lấy ra từ hộp đựng găng tay tối qua. Gói quà đó không đề tên. Làm sao biết nó dành cho ai?

Tôi xoay đi trở lại gói quà đó. Tôi lắc lắc bên tai. Tôi đưa lên mũi ngửi.

- Thế nào? Étienne hỏi.

- Mở ra thì biết thôi, Mattéo nói.

- Không được, - tôi kêu lên - Kẻ nào mở một gói quà không phải của mình thì gói quà đó sẽ tan thành mây khói!

Tôi nói với cái giọng bi thảm và độc địa của một lão phù thủy hung ác. Chúng im re. Kinh ngạc.

- Các con biết ta sẽ làm gì không? - Tôi nói tiếp - Chúng ta sẽ cầu khấn Thần linh. Thần Noel. Chỉ có vị thần đó mới giúp chúng ta được.

Cả hai đứa đứng trước mặt tôi, mắt ngước lên, gương mặt tỏ vẻ lo lắng. Lơ lửng trong hơi thở của tôi. Tôi rất ưa bộ mặt của chúng lúc ấy.

Tôi đọc thần chú:

- Thưa Thần Noel, xin Thần hãy chỉ đường đưa lối cho chúng con! Thưa Thần Noel, xin Thần hãy dắt tay con!

Rồi tôi giả vờ như bị hồn ma nhập vào. Tôi run người lên. Tôi bị ám. Tay tôi chìa ra phía trước như cây gậy của lão phù thủy, đầu cây gậy là gói quà trong bàn tay đang mở ra của tôi. Tôi từ từ xoay người. Rồi xoay người lần nữa. Trước khi đứng bất động trước mặt Florence.

- Thần đã chỉ em. Món quà này là dành cho em.

Im lặng lại rơi xuống như mưa cát. Có một khoảnh khắc chết. Rồi Étienne nhún vai và buột miệng:

- Được thôi, đồng ý thôi...

Thằng anh của nó thì nháy mắt một cái rồi cũng đồng ý, xóa sạch những cặn bã cuối cùng của sự cả tin.

- Em chắc chắn mà, - nó nói thêm - lúc nào mà chả thế!

Có vài tiếng càu nhàu, kêu ca, cái trò này thường như thế, rồi cả hai quay lại với những món quà của chúng, không đoái hoài gì nữa đến thần linh, cũng chẳng còn bận tâm đến tôi. Thậm chí không có thời giờ để chào. Thế là quá đủ rồi.

Sự ngây thơ rồi cũng sẽ mất đi, tôi nghĩ bụng. Như tất cả mọi thứ. Nhưng mà suy cho cùng, chúng không hề thất vọng, tôi lại càng không. Tôi đã pha trò cho chúng, tôi đã nhấc chúng khỏi mặt đất trong vài khoảnh khắc và đưa chúng đi theo mình. Tệ nhất là không có gì cho chúng, và tôi không nói đến những gì người ta tìm thấy trong các quán xá.

Tay tôi vẫn chìa ra. Florence nhón lấy gói quà từ lòng bàn tay tôi.

- Cảm ơn anh, em thì thầm.

Florence mở quà mà không phải xé giấy bọc ra. Em nhấc nắp hộp lên. Trong đó có hai giọt nước mắt xanh. Khuyên tai ấy mà. Đó không phải là những trang sức có giá trị như người ta vẫn thường thấy, tôi không có điều kiện để mua những thứ đó, mà tôi cũng không thích. Đó chỉ là đôi khuyên tai bằng thủy tinh thổi. Qua hình dạng, thậm chí qua sự giản dị, chúng gợi cho tôi một cái gì đó thuần khiết. Tôi đã chọn đôi khuyên tai này chủ yếu vì màu sắc của chúng. Đó là một màu lơ sâu thẳm và đặc quánh, rất đặc biệt. Màu lơ mà bầu trời chỉ khoác lên vào thời khắc nào đó của buổi chiều tà, và chỉ trong một vài phút chóng vánh mà thôi. Màu xanh này đúng là màu xanh đôi mắt em.

- Đẹp quá, Florence nói.

Em đưa nắp hộp cho tôi rồi đeo khuyên tai vào. Em khẽ lắc đầu.

- Thế nào?

- Tuyệt, tôi nói.

Em nghiêng người về phía tôi. Em vuốt má tôi.

- Thế còn anh, - em nói - anh không mở quà của mình à?

Gói quà đang nằm trên tràng kỷ. Tôi đọc chữ "Bố" trên nhãn một lần nữa. Rồi tôi mở quà. Đó là một bức tranh. Bức tranh một bé gái đang bước đi trong cảnh tuyết rơi. Một con đường mờ nhạt chốn thôn quê, rải rác có một vài cây trụi lá. Bé gái đang xa dần. Bước chân của nó in dấu trên đường. Em được vẽ ba phần tư lưng, chỉ có cái mặt là quay lại và đôi mắt nhìn thẳng vào người xem. Như thể người nghệ sĩ đã gọi nó rồi phác họa nó trong khoảnh khắc nó ngừng bước. Nếu có gì đó làm cho người xem bối rối ở cái nhìn đầu tiên, thì đó là gương mặt hoàn toàn không biểu cảm. Không ngạc nhiên, không sợ hãi, thậm chí một nụ cười thoảng qua cũng không. Đứa trẻ này hình như không có bất cứ cảm giác nào của những con người bằng xương bằng thịt. Toàn cảnh toát lên một cảm giác u sầu không thể chối cãi. Một cái gì đó rất nhỏ bé nhưng rất thân thiết. Florence quá hiểu tôi. Tôi thích bức tranh đó ngay. Tôi lần tìm chữ ký. Ở góc dưới, tôi đọc được hai chữ viết tắt: E. D.

Tôi tần ngần một lúc, mắt không thể nào rời bức tranh. Từ lúc đó, cho dù người ta có chia lìa tôi với vợ tôi, người ta có làm cho vợ tôi biến mất thì tôi cũng sẽ không bao giờ quên em. Khi cuối cùng tôi cũng quay lại với Florence, tôi không biết nên nói gì. Tôi ôm chặt lấy vợ, vùi mặt vào cổ và vai em. Cuối cùng đến lượt tôi thầm thì.

- Cảm ơn em.

Cảm ơn em vô cùng.

Tận dụng lửa và hơi nóng. Tận dụng than hồng rực cháy trước khi lạnh giá ngập tràn.

Đó là một buổi sáng Noel, tôi có hai đứa con cưng tuyệt vời đang chơi đùa trên sàn nhà lát gạch vuông ở phòng khách, cái gì tôi cũng có, người mẹ của hai đứa con mình, một người phụ nữ đáng yêu biết nhường nào, cái bụng thai to tròn, hai hạt ngọc trên mắt, hai giọt lệ thủy tinh đeo trên tai, cùng màu xanh như nhau. Tôi là một người đàn ông thỏa mãn. Tôi là một người đàn ông được tâng lên tận mây xanh.

Tôi thấy tôi xứng đáng được hưởng điều đó.

Có một điều ám ảnh tôi, đó là điều này: Tôi nên làm gì để cuộc sống đó kéo dài? Việc gì đó, chẳng hạn như dựng tường rào, thành lũy, dựng cả một pháo đài bất khả xâm phạm, một tu viện giam giữ ái tình. Giá như chỉ thế thôi. Nhưng tôi nghĩ nỗi đau đã an vị. Tôi nghĩ, và tôi biết, rằng nó đã ở đó, ở phía trong, nó ở đó đã lâu lắm rồi, và ý đồ khốn khổ của tôi là triệt tiêu nó, những cử chỉ hoa chân múa tay chân thành nhưng vô nghĩa chỉ có tác dụng duy nhất, đó là làm cho nỗi đau đó lắng dịu. Ngủ yên dưới những cánh hoa. Mùi hương tạo cảm giác đê mê. Nhưng nỗi đau nằm đó, đúng như thế. U uẩn. Sống động. Nỗi đau trong lòng. Nỗi đau nằm chờ thời khắc của nó. Nỗi đau đã bị đánh thức.

 

Việc đó xảy ra non nửa tiếng sau.

Florence tắm xong rồi xuống bếp gặp tôi. Ăn sáng. Tôi pha cà phê, dọn bát ra. Bọn trẻ còn chơi trong phòng bên. Âm thanh mà tôi rất chuộng. Chỉ còn hai vợ chồng tôi. Tôi ngồi chống khuỷu tay lên bàn. Florence đứng trước lò nướng bánh mì, quay lưng lại tôi. Tôi nhìn vợ tôi. Tôi nghĩ đến việc vợ tôi không bao giờ có những ham muốn th 1c39 c bách và ngông mà người ta thường gán cho những phụ nữ có thai. Tiếc quá. Hẳn tôi sẽ không phải là không thích thú khi cố thỏa mãn những ham muốn đó của vợ mình. Bánh mì đã nướng xong, tôi nghe máy nướng kêu cạch một tiếng, và ngay sau đó, tôi nghe tiếng vợ tôi hỏi:

- Anh đã nói chuyện với hắn à?

Phải sau một vài giây sau tôi mới hiểu. Tôi bỗng nảy ra ý đó trong đầu. Tôi đang ngụp lặn trong dòng nước hạnh phúc thì bỗng hẫng chân. Bỗng đáy biển hút người tôi xuống. Tôi há hốc mồm, câm lặng.

Em thì vẫn chưa quay lại. Em với tay lấy một cái dĩa trong tủ tường, bỏ bánh mì vào dĩa và nướng thêm hai lát bánh mì nữa. Sau đó em quay lại và lại ngồi đối diện với tôi. Em đặt dĩa bánh giữa bàn, giữa hai chúng tôi. Một cái dĩa màu trắng và hai lát bánh mì nướng vàng. Tôi dõi theo từng cử chỉ của vợ tôi. Giờ đây Florence đang ngồi im và tôi nhận ra em đang nhìn tôi chằm chằm. Em chờ một câu trả lời. Tôi cảm thấy vai tôi còng xuống.

- Có, - tôi nói - Ba phút. Thậm chí không đến.

- Hắn đã nói gì với anh?

- Có gì quan trọng đâu...

- Gì? Florence nài nỉ.

Giọng vợ tôi đanh lại, có cái gì đó toát ra từ ánh mắt. Hẳn đó là những sắc thái tinh tế mà chỉ mỗi mình tôi nhận ra. Không còn nghe tiếng ồn của bọn trẻ nữa, tiếng sóng dồi mỗi lúc mỗi to hơn. Tôi hắng giọng.

- Em quan tâm đến điều đó thật à? Tôi nói.

Em không trả lời. Em vẫn luôn đeo khuyên tai nhưng chúng không còn xanh như đôi mắt em nữa.

- Hắn đã nói với anh là hắn đã đi đây đó khá nhiều. Theo anh hiểu, hắn đã trở thành một chủ doanh nghiệp. Hắn đã thành lập một công ty chuyên sản xuất linh kiện máy tính. Công ty hắn có năm mươi công nhân. Hắn nói Tây Ban Nha là một đất nước đẹp.

Tôi im lặng. Giọng nói của tôi trở nên lạ lẫm với chính tôi.

- Linh kiện máy tính... Florence nhắc lại.

Đó gần như là một lời thì thầm. Tôi thấy những lời nói thành hình trên môi vợ tôi. Tôi ra hiệu đồng ý. Tôi nói:

- Chính xác là bốn mươi chín.

- Cái gì?

- Bốn mươi chín nhân công.

Hai lát bánh mì mới nhảy lưng tưng trong lò nướng nhưng không ai đứng dậy cả.

- Mấy cái trò tầm bậy! Florence sổ toẹt.

- Anh biết.

- Vớ va vớ vẩn.

- Đúng thế.

Em nghiến răng nghiến lợi, hai cánh mũi hóp lại và tím tái.

- Rồi gì nữa? Hắn đã nói gì với anh nữa?

Phải chăng em muốn biết hắn có nói về em không, hắn có hỏi thăm em không?

- Chỉ thế thôi, tôi nói.

Rồi tôi đứng dậy. Tôi đi lấy những lát bánh mì nướng. Chúng nguội mất rồi. Tôi để những lát bánh mì vào dĩa cùng những lát khác. Sau đó, tôi cầm ấm pha cà phê rồi nghiêng người qua vai Florence.

- Cà phê chứ? Tôi hỏi.

Tôi rót cà phê cho em trước khi em trả lời. Tôi rót cà phê vào ly của mình, để ấm pha cà phê vào chỗ cũ rồi ngồi xuống.

- Sao hắn lại quay lại? - Florence hỏi - Tại sao hắn lại có mặt ở đây?

- Anh có biết đâu, - tôi nói. Rồi tôi nói thêm - có thể hắn muốn nghỉ Giáng sinh cùng gia đình cũng nên...

Tôi có tinh quái gì đâu, tôi đang đau khổ thì có. Tôi muốn khóc, muốn đập bàn, muốn đập cho nó tan tành. Tôi còn nói thêm:

- Hắn đã trông thấy bọn trẻ, trên bãi biển. Hắn đã hỏi có phải đó là con anh không. Anh đã trả lời đó cũng là những đứa con của em. Những đứa con của chúng ta.

Florence không nói gì. Tôi có cảm giác ánh mắt của em mất hút qua những biên giới rõ ràng và cụ thể. Thậm chí tôi không còn là vật cản trên hành trình của vợ mình nữa. Tôi lấy một lát bánh mì và bắt đầu phết bơ, phết mứt. Đó là sáng ngày lễ Giáng sinh. Tay tôi run run. Tôi đặt lát bánh mì phết bơ trước mặt em. Em không nhìn thấy. Tôi lấy lát thứ hai và lại tiếp tục. Bỗng em nói:

- Hắn sẽ không dừng lại ở đó đâu. Hắn sẽ lấn tới cho mà xem. Bằng cách này hay cách khác. Không thể để hắn muốn làm gì thì làm. Em không muốn hắn đặt chân vào ngôi nhà này. Không bao giờ. Em cũng không muốn hắn lại gần bọn trẻ. Kể cả gần anh nữa. Không bao giờ, anh nghe không? Không bao giờ!

Lần này, trong giọng nói của em có sự sợ hãi và tức giận. Một cơn hoảng sợ không thể kiềm chế. Hiếm khi em như vậy và điều này lại càng làm cho tôi đau khổ hơn. Bóng tối đã phủ kín đôi mắt vợ tôi. Tôi nghĩ đến một người lính trên mặt trận, trong những chiến hào lầy lội. Cổ họng tôi thắt lại. Thế còn tôi thì sao? Tôi muốn nói với hắn: Tôi đang ở đây... Tôi sợ đó chỉ là những lời nói ra trên sa mạc mênh mông.

Em có lý. Tất nhiên là em có lý. Từ lúc đó tôi đã biết điều đó. Tôi biết chắc là chưa xong đâu, đồng thời tôi biết chuyện ấy sẽ kết thúc như thế nào. Tôi đặt lát bánh mì phết bơ thứ hai bên cạnh bát của em. Tất cả những gì tôi nói được, đó là:

- Ăn đi, em yêu.

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85243


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận