Vườn Tình Chương 2


Chương 2
Nhẽ ra tôi nên nghi ngờ ở điểm là chỉ có một con ma đĩ điếm mới chúc mừng tôi.

Đã từ lâu tôi không còn nhận được thư của ai. Ngay cả vào thời điểm này trong năm. Tôi đã tuyệt giao với người đời, đã cắt hết mọi quan hệ, tôi không nghĩ có ai đó lại chịu khó chèo thuyền để đến với tôi.

Nói thế để nói rằng tôi rất ít khi ngó ngàng đến hộp quà của tôi, chỉ để biết là tôi mắc nợ người này kẻ khác bao nhiêu. Tôi phát hiện ra chiếc hộp gần như tình cờ. Phát hiện này đã có thể xảy ra muộn hơn.

Đó là một bọc giấy bao bì khá dày. Tên và địa chỉ của tôi được đề bằng tay: Ông Alexandre Astrid, 106 đường Carmes...Không có tên người gửi. Theo dấu bưu điện thì nó đã được bỏ vào hộp thư mười ba ngày trước đó, tại bưu điện thành phố Saintes-sur-mer. Tôi cảm thấy như bị điện giật khi đọc địa danh này. Một sự kết nối được hình thành đâu đó trên những hành trình cũ. Đáng ghét. Tôi lấy gói quà về rồi đặt trên bàn ăn.

Tôi lượn lờ một lúc. Giờ sự kết nối đã được thiết lập, nó tiếp tục rung động ở bên trong, ở dưới đáy sâu, kêu ro ro như sóng điện áp thấp. Một cảm giác mà tôi chưa từng có từ khi trời mưa to đến giờ. Tôi nhìn cái phong bì. Tôi đoán già đoán non. Bạn hay thù? Bưu kiện cài bom? Báo động giả? Khó mà tin vào sự nhạy bén của mình. Sự nhạy bén huyền thoại của tôi đã tiêu tan trong sự suy sụp với những gì còn lại.

Cuối cùng tôi cũng đã đi đến quyết định. Tôi lấy một con dao và mạnh tay rạch mở gói quà.

Phong bì đựng một tập giấy in. Giấy in cỡ A4. Được đánh máy, và được đánh số thứ tự, không đóng thành quyển. Tập giấy được trình bày như một tiểu thuyết hoặc một truyện ngắn tựa đề:

So I turn'd to the Garden of Love

That so many sweet flowers bore...

(Thế là ta đã quay về Khu vườn Tình yêu

Nơi ngàn hoa đang tỏa hương ngào ngạt...)

Nếu có thể gọi đó là một tựa đề. Tác giả đã quên ký tên vào tác phẩm của mình.

Tôi nhìn đồng hồ, theo phản xạ. Tôi không còn việc gì cần làm gấp. Tôi ngồi xuống và bắt đầu đọc.

 Một trăm năm mươi ba trang cả thảy. Tôi mất cả một buổi sáng để đọc hết. Thỉnh thoảng tôi có dừng lại để uống cà phê. Khi tôi gần bị nuốt chửng. Một số đoạn đã giày vò tôi. Bằng những cú sát phạt. Chắc chắn là có tác động rồi - đồ chết tiệt - tôi nghiến răng. Tôi dốc hết cà phê. Tôi đọc đến cùng. Đọc trang cuối xong, tôi ngả người vào lưng ghế.

"Đồ chết tiệt!" Tôi sổ toẹt lần thứ mười lăm.

Ý muốn quẳng thứ ấy vào lửa, vào lò sưởi xâm chiếm lấy tôi. Nhưng tôi đã không làm thế. Tôi không có lò sưởi. Có vẻ như sự giận dữ nhiều khi có ích. Tôi ra vườn, cốt để hít thở một ít không khí. Trời đất u ám, không lạnh lắm. Tôi thấy cay mắt. Tôi đã mất thói quen đọc sách vở. Năm phút sau, con mèo của người hàng xóm đến cà mình vào bắp chân tôi. Tôi chưa bao giờ cho nó ăn, chưa bao giờ vuốt ve nó, nhưng nó luôn quấn quýt tôi. Đó hoặc là một biểu hiện tình cảm, theo bản năng và sự thành thật, hoặc đơn giản chỉ là một điều ngớ ngẩn. Tôi chưa quyết định dứt khoát được.

Bây giờ câu hỏi đặt ra là: tôi sẽ làm gì với thông điệp đó? Với lời chứng đó. Sự thú nhận đó. Thậm chí tôi không biết gọi tên nó nữa. Một câu chuyện khiến người ta bị ác mộng khi không biết đầu đuôi thế nào. Thằng đểu này mong gì ở tôi mà lại bắn tên lửa vào người tôi qua bưu điện thế? Muốn tôi đừng có độc đoán quá ư? Thoạt nhìn, có thể chia câu chuyện này thành ba phần: một phần hư cấu, một phần thực tế, một phần mê sảng. Nhưng chắc hắn ta chỉ muốn làm cho tôi đau khổ thôi. Ngoáy ngoáy lưỡi dao. Khêu khêu rác rưởi và từ từ nhấn mặt tôi


vào đó.

Tôi cố hiểu. Tôi cũng đã đánh mất thói quen suy nghĩ.

Tôi lỡ chân giẫm lên chân con mèo làm nó gào lên eo éo rồi chuồn đi. Tôi về nhà. Tôi bật nhẹ đĩa nhạc Haendel rồi nằm soài trên tràng kỷ, hai mắt nhắm nghiền. Tôi thường làm thế khi có ý định trút bỏ tất cả những gì có trong đầu, với hy vọng không còn nghĩ đến bất cứ điều gì nữa. Thỉnh thoảng tôi làm được. Thêm một chút may mắn, tôi còn có thể ngủ thiếp đi và nhờ vậy mà những đêm mất ngủ của tôi phần nào được bù đắp.

Hôm đó thì không. Tôi không có may mắn đó. Nhiều đoạn văn trong câu chuyện đó cứ giăng hàng dưới mi mắt tôi như trên chiếc máy prompter. Từng từ một. In chồng lên đó là những hình ảnh, những hoạt cảnh, những gương mặt. Cũng ngần ấy mẩu chuyện. Cũng ngần ấy hồi tưởng. Những con côn trùng dơ dáy bám đầy đèn xe ôtô, và rốt cuộc chúng đều bị xóa nhòa trên kính chắn gió.

Tôi cầm cự được nửa giờ, rồi đứng lên. Tôi hâm nóng cà phê, cốt để có việc gì đó mà làm. Cuốn sổ tay vẫn luôn ở trên bàn ăn. Nằm chờ ở đó. Đúng là một tập giấy đấy, nhưng trên thực tế là một tấm bia mộ đen trắng. Mộ tôi chỉ thiếu một thứ. Dưới đáy huyệt đạo của mình, tôi còn có thể thấy mây bao phủ trên đầu, cho dù tôi chẳng hề quan tâm; hôm nay cái đồ dòi bọ này chìa cho tôi một cái nắp quan vừa vặn. Tôi tha hồ mà làm ngơ hay lấp đầy lỗ trống, để nằm trong bóng đêm, một lần cho mãi mãi.

Tha hồ ư? ... Bởi vì người ta thực sự có quyền lựa chọn ư?

Mày đã đánh cắp những xác chết của tao, tôi nghĩ bụng. Mày muốn gì cơ chứ? Muốn chia xương ư? Tạ lỗi ư? Xá tội ư?...

Mày cút đi mau!

Tôi có bỏ ba viên đường cũng bằng thừa, cà phê của tôi đắng nghét. Tôi đổ hết vào bồn rửa bát. Đúng lúc ấy, điện mạnh trở lại và tôi bị giật điếng người. Tôi vừa vỡ lẽ điều hắn ta đang mong chờ ở tôi. Tôi đờ người một lúc, rồi buột miệng: "Được. Được rồi... Một lần nữa mày đã thắng. Mày gọi tao thì tao đến. Sứ mạng được chấp thuận!".

Tôi tạm thời gác lại tất cả. Tôi vào phòng, lại cái tủ nhỏ đầu giường, mở ngăn kéo và lấy khẩu Berreta ra. Tôi không được mang vũ khí nữa, nhưng khẩu súng này là tài sản bí mật riêng của tôi. Một tay ma cô người Ý đã biếu không cho tôi khẩu súng đó khi hắn bị tôi tóm cổ. Chính hắn đã cuỗm khẩu súng đó của một anh lính sen đầm trước khi tay này làm mồi cho cá dưới đáy vịnh. Đó là phi vụ lớn đầu tiên của tôi và tôi muốn lưu lại một kỷ niệm. Một chiến lợi phẩm.

Bây giờ, khẩu súng đó đối với tôi như một người yêu trong những đêm không ngủ. Tôi mân mê, tôi siết chặt vào lòng, tôi bú liếm. Súng không có đạn. Quá hèn nên không thể cụ thể hóa niềm tin của mình. Tôi giấu một hộp đạn trong căn phòng chật chội, dưới những tấm cáctông. Tôi chưa bao giờ, dù chỉ một lần, thử vượt qua chút trở ngại đó. Tôi chỉ chơi. Tôi chỉ chơi với khẩu Beretta, lòng tự nhủ: Nếu mình muốn là được.

Đó là một trong những nét tính cách đáng tiếc của tôi. Với rượu tôi cũng đã như vậy. Tôi đã dừng ngay khi ông thầy thuốc cho tôi biết là tôi đã vượt qua giới hạn cuối cùng. Tối đa là sáu tháng: cứ theo cái đà ấy, thì đó là tất cả những gì ông ta cho tôi trước khi tiêu đời nhà ma. Thế đó không đúng là những gì tôi muốn chăng? Mục đích đang tìm kiếm: tiêu đời nhà ma ư?

Mặc dầu vậy, ngay tối hôm đó, tôi đã chôn khẩu phần vodka cuối cùng của mình trong vườn, dưới tám mươi xentimet đất. Một chai đầy. Tôi đã không đánh dấu chỗ chính xác. Cỏ đã mọc lên. Nhưng tôi biết rằng thuốc độc vẫn đang ở đâu đó. Nếu tôi muốn thì tôi có thể. Hèn quá, không thể có lòng tin.

Kết luận của tôi là cái ác rốt cuộc rồi cũng trở thành bản chất thứ yếu. Người ta thiết tha với nó. Người ta đằm mình trong đó. Và tính tự mãn là một trong những dưỡng chất tốt nhất mà tôi biết để nuôi dưỡng cái ác.

Hôm đó, sau khi đọc cuốn sổ tay xong, tôi đi lấy đạn ở trong căn phòng nhỏ. Tôi bỏ đạn và khẩu Berreta trong túi áo bludông. Tôi mặc chiếc áo bludông vào. Rồi tôi ra khỏi nhà, vừa đi ra vừa sổ toẹt một lần nữa: "Đồ chết tiệt!".

Tôi lái xe chầm chậm. Đến giữa quãng đường, ông trời đã bộc lộ sự khinh bỉ đối với tôi bằng một cơn mưa phùn nho nhỏ. Tôi không phản ứng gì. Có lúc tôi nghĩ đến việc báo cho Sở cảnh sát về sự vắng mặt của mình. Phản xạ cổ lỗ sĩ mà, bị gạt ngay tức khắc. Như thế là làm ra vẻ quan trọng quá. Chả có ai mất công đi lục soát trong các tủ tường để xem tôi có ở trong đó không. Theo thông tin chính thức thì tôi vẫn luôn có trong quân số. Tôi vẫn là nhân viên cảnh sát và lĩnh lương theo hình thức tính công. Trên thực tế, tôi là một vết nhơ trong đám cảnh sát quèn. Không sao loại bỏ nó được, nhưng chừng nào người ta ít bắt gặp nó hơn thì chừng ấy người ta thấy khỏe hơn.

Ngay lúc tôi đi - đi lần thứ hai - người ta đã nhắc quân lệnh cho tôi: không ồn ào, không di chuyển, không mùi mẫn. Một người vô hình. Dẫu sao, người ta không còn tin tưởng gì ở tôi và sẽ chẳng sai tôi làm gì hết, tuyệt đối không sai gì, ngay cả việc đi lấy cà phê cũng không nốt. Thế đã rõ ràng chưa?

Thế là rõ ràng rồi. Và tôi cứ thế mà làm.

Dần dà tôi thôi việc đến cho có mặt, ít nhất là cũng không đến thường xuyên nữa. Tôi trốn công sở. Không phải xin lỗi ai cả. Tôi gần như tự do đi đi về về. Một vị thế mà một số đồng nghiệp của tôi coi như một đặc ân. Những kẻ dốt nát này ghen tị với tôi. Nhưng những kẻ đó thường là những kẻ mới đến, họ chưa biết chuyện. Một khi biết chuyện thì họ sẽ câm họng cho mà xem.

Tóm lại, tôi có thể đi về phía số phận của riêng mình một cách vô tội vạ trong những giờ làm việc.

Tôi mất chưa đến một tiếng để đi qua tám mươi cây số đến Saintes. Tôi những mong đường dài tám mươi nghìn cây số. Xe tôi xăng còn thoải mái. Càng đến gần tôi càng giảm tốc độ. Tôi nhận ra mình không hề quên đường. Đường đi được khắc ghi trong trí não của tôi cho dù năm tháng trôi qua; tôi không hề do dự khi đến các ngã tư.

Tôi đậu xe gần biệt thự, dọc bờ tường ngoài. Tôi tắt động cơ và thấy im lặng bao trùm. Bên ngoài trời vẫn mưa lâm thâm... Mưa như nước bọt không kết dính. Xung quanh không có xe nào khác. Có lẽ tôi đã nhầm. Tôi ngồi yên trong xe. Một phút. Hai phút. Rồi tôi giơ tay ra, xòe bàn tay ra xem có run không.

Tay tôi đang run. Không có gì là bất thường cả, tôi tự nhủ. Cà phê. Đã nốc một lít rưỡi. Hít sâu, thở ra từ từ... Bài tập ngắn ngủn. Tôi rút hộp đạn và khẩu súng ra. Tôi nạp đạn vào. Tôi bỏ súng vào túi áo. Tôi ra khỏi xe và đi dọc bờ tường đến tận cánh cổng nhỏ ở bên cạnh. Song sắt tét rỉ. Tôi liếc mắt nhìn ngang.

Theo những gì tôi thấy được, căn nhà này cũng đã trở nên tồi tàn. Nếu trước đây là một căn nhà lộng lẫy thì giờ nó sắp trở thành đổ nát. Bị bỏ hoang từ bảy đời rồi. Chỗ trú cho những kẻ vô gia cư hay những kẻ tác oai tác quái khác. Chúng đều để lại dấu vết. Khu vườn trông giống khu vườn nhà tôi, nhưng lớn hơn gấp mười lần. Một thí dụ hoàn hảo cho sự trở về với thiên nhiên. Cây cối mọc lên bất cứ chỗ nào, bất cứ ra sao và trong phạm vi cực lớn. Tarzan cũng không thể tìm ra những đứa con của mình trong đó.

Cái cổng đẩy một cái là mở ra ngay. Dây xích buộc cổng cuộn tròn dưới đất như một con rắn nước. Cũng tét rỉ. Tôi lần theo một con đường mòn, vừa đi vừa rẽ những cành cây chắn ngang lối đi. Tôi đi đến lối đi giữa. Những gì còn lại ở đó: Đá lát vỡ, cỏ gà nhô lên từ những chỗ bị rạn nứt. Xa hơn một tí là một cây bạch đàn tróc vỏ. Dưới gốc cây là một chiếc thuyền buồm cũ kỹ, một bức tranh bị tróc màu, một chiếc gối dựa rách tươm; mút bị ướt và mốc meo. Tôi bỏ đi chỗ khác.

Ít nhất có cái gì đó vẫn chưa làm mất đi vẻ hào nhoáng của nó. Từ đây nhìn ra ta thấy một cảnh đẹp tuyệt vời. Không còn giới hạn nào khác ngoài giới hạn của đường chân trời. Mặt nước rung rinh màu xám. "Trời cao đem lại sắc màu cho biển rộng..." Dường như người ta đã có thể hài lòng với thiên đường. Ngồi ngắm. Chỉ thế thôi. Một cách bình thản. Cảm thấy thời gian và sắc đẹp trôi đi. Nóng. Những con ác thú no nê nằm phơi nắng.

"Lãng phí chưa kìa", tôi nghĩ bụng.

Khu vườn kết thúc bằng một dốc đứng chừng hai mươi mét. Ở phía dưới là những mỏm đá và nước.

Không có barie bảo vệ nào. Tôi nghĩ không có rào chắn rõ ràng là rất nguy hiểm. Tôi tiến sát bờ, rồi cúi xuống nhìn. Thêm một phản xạ cổ lỗ sĩ nữa, phản xạ có điều kiện. Tôi nhớ lần trước vất vả lắm mới vớt được xác lên.

Tôi không thấy dấu vết gì trên các hốc đá. Tôi quay lại biệt thự một lần nữa. Một khung cảnh lồ lộ trước mắt. Tất cả các cửa sổ đều đóng hết, trừ cửa sổ sát đất ở tầng trệt và cửa sổ con ở trên mái nhà.

Tôi đi lên với cảm giác khó chịu là bị theo dõi. Cảm giác hơi bị kim châm nơi đỉnh đầu. Quần áo tôi bắt đầu ướt, tay tôi lạnh buốt. Phần trên tấm kính cửa sổ sát đất đã bị vỡ. Những mảnh kính vỡ vụn trên mặt đất. Tôi thò tay qua lỗ hổng đó và xoay quả đấm cửa từ bên trong. Cánh cửa mở ra. Tôi đi vào, tránh giẫm lên vụn miểng chai dưới chân giày.

Gian phòng trống rỗng và bẩn thỉu. Có mùi của đá lạnh, của không khí ẩm ướt, mùi hăng hắc bốc lên từ những đống phân người và động vật. Tôi căng tai nghe. Tôi chỉ nghe tiếng mình thở và tiếng con tim mình đập. Tôi đi xuống bếp. Một chiếc ghế đẩu nằm chỏng queo dưới đất. Vách trên bồn rửa bát chỉ được trang trí bằng một câu đề: "Squizz chuột nhắt", viết nguệch ngoạc bằng sơn đen. Tôi trở lại phòng khách. Tôi di chuyển chậm chạp. Mỗi bước chân của tôi âm vang nặng nề. Tôi bước lên cầu thang, bụng tôi bắt đầu co cứng. Nghỉ chân ở tầng hai. Vẫn luôn vểnh tai nghe, cố nuốt cơn giận vào bụng. Tôi nắm lấy khẩu súng trong túi quần; khi siết khẩu súng trong tay, tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi đẩy từng cánh cửa, lục soát từng gian phòng, phòng nào cũng mang lại cho tôi cảm giác hoang tàn. Tôi tiếp tục
đi lên.

Tôi càng đi lên càng thấy ánh sáng mờ hơn. Ở tầng ba, chỉ còn ánh sáng mờ mờ xuyên qua các cửa chớp. Tôi tiếp tục vòng lên, dùng chân đẩy các cửa phòng, tay lăm lăm khẩu Beretta. Kết quả vẫn thế. Không có ai. Khu làng không còn một ai vào giờ đại họa. Bọn cướp đã đến trước tôi, chúng đã cuỗm đi tất cả, kể cả bóng đèn và riđô. Ma quỷ dường như cũng đã tháo chạy. Có thể tôi đã nhầm. Tôi trở lại cầu thang. Tôi ngước mắt lên. Tôi chỉ còn phải kiểm tra thềm nghỉ nữa thôi. Nơi ấy được bố trí kiểu một nửa tầng dưới mái nhà. Tôi biết rằng phòng hắn ở trên đó. Hang ổ của hắn. Tôi biết nhẽ ra mình nên kiểm tra chỗ ấy trước tiên. Cho đến khi đó, tôi chỉ có thể lùi bước mà thôi - nếu muốn thì tôi có thể... Tôi còn để dành khá nhiều cái cớ để quay đi chỗ khác. Bỏ cuộc. Chạy trốn. Mặc lại thật nhanh bộ quần áo âm binh rộng rãi. Để làm gì? Tôi tự nhủ. Trận đánh cuối cùng này sẽ không phải vì danh dự; tôi đã đánh mất danh dự trên đường và tôi cũng cóc cần. Cũng không phải để cho linh hồn mình được giải thoát, vì linh hồn tôi cũng đã rời đi từ tám hoánh rồi. Thế thì vì cái gì?

Có thể đơn giản chỉ để biết xem tôi có nhầm hay không thôi.

Tôi leo lên bậc thang đầu tiên, rồi những bậc thang tiếp theo. Trên kia, hành lang chìm trong tranh tối tranh sáng. Một đường hầm chật hẹp và trần thấp. Chỉ có hai cánh cửa, một cánh bên trái và một cánh bên phải. Cánh cửa thứ nhất đang mở và hướng về phòng tắm. Chậu rửa bị ghét bẩn bám vào một lớp dày trên men sứ, vòi hoa sen bị hỏng, thanh treo riđô bị tháo tung. Không gì khác. Tôi lại để ý cánh cửa cuối cùng. Cánh cửa này đang đóng. Một hình chữ nhật hơi nhợt nhạt trong tranh tối tranh sáng. Tôi tiến lại đó chầm chậm, từng bước một. Lưng tôi ướt đẫm mồ hôi và nước mưa. Đứng trước cánh cửa, tôi nhắm mắt lại và nín thở. Cuối cùng tôi cũng nghe được tiếng động. Một tiếng lách cách đều đặn của kim loại chạm vào nhau. Tất nhiên rồi, tôi nghĩ. Tất nhiên rồi...

Tôi chỉnh khẩu Beretta trong lòng bàn tay, cố xua đi chướng khí tinh thần. Tay kia tôi nhẹ nhàng xoay nắm cửa xuống, rồi tôi đá tung cánh cửa xông vào.

Trong tư thế bắn: chân đứng vững, gối gập lại, tay giơ thẳng, súng chĩa ra. Lệnh đứng lại nghèn nghẹn ngang cổ họng. Thô thiển. Tôi nhìn bao quát cảnh tượng trong chốc lát. Một cảnh tượng đập vào mắt.

Không, tôi không nhầm. Lần này, tên chết tiệt này không làm tôi ngạc nhiên nữa. Hắn sõng soài nằm ngửa dưới đất. Người để trần và lấm chấm những túm tóc - những mớ tóc màu sáng đã bị cắt. Tóc bị cắt phủ lên người hắn. Mặt hắn hơi nghiêng về phía bên trái. Ít nhất là những gì còn lại của khuôn mặt. Phần trên của trán hắn đã bị một viên đạn súng lục giật ra toang hoác. Đạn calip 38 đặc biệt. Những ngón tay phải của hắn còn bấu chặt vào khẩu Ruger cũ kỹ.

Tôi đứng như trời trồng trong chốc lát. Rồi tôi tiến lại gần, súng vẫn nhằm vào thi thể chĩa thẳng. Tôi cúi xuống người hắn. Thằng cha đàng điếm này vẫn đang mở mắt. Khoảng trời vuông từ cửa mái soi rọi vào đôi mắt hắn. Hắn đẹp trai. Cho dù da hắn có nhiều mảng tím tái, cho dù người hắn đầm trong quầng máu, óc và xương của hắn nhão nhoét. Mày nhìn thấy cái gì? Cái gì làm mày vui thích như thế?... Những tưởng như một nụ cười phảng phất trên đôi môi của hắn. Tôi hạ nòng súng xuống mép miệng hắn. Tôi run lên lẩy bẩy. Vì bất lực, vì điên tiết. Thậm chí hắn không cho tôi niềm an ủi nhỏ nhoi là được hoàn thành việc giết người. Tôi cảm thấy ngón tay trỏ co lại trên cò súng, tôi nghiến răng nghiến lợi, cả người tôi nạp đầy đạn, nén lại, dồn hết vào mẩu thịt đang tì lên mẩu kim loại và sẵn sàng nổ tung.

Chỉ có nước mắt là rơm rớm trên mí mắt tôi. Tôi đứng dậy, một tiếng gầm gừ khan khản thoát ra từ lồng ngực tôi. Ba mươi giây sau, tôi khô người đi. Đứng bên chân hắn, tôi nhìn thi thể rồi nhìn hộp gỗ ở bên cạnh. Hộp xì gà. Như vậy là hắn tồn tại thực sự. Hộp đựng của cải, hộp đựng bí mật. Trống rỗng.

Tiếng lách cách vẫn dai dẳng sau lưng tôi, nó đến từ một con lắc, từ những hòn bi kim loại va chạm vào nhau. Một sự chuyển động đều đặn. Tôi biết thứ này. Nó ở trên giá, chỗ bờ tường. Một sự dàn dựng hoàn hảo... Đồ đàng điếm bệnh hoạn! Tôi đột ngột xoay người rồi bắn bâng quơ sáu phát đạn. Tiếng súng nổ kinh hoàng. Những miểng gỗ và thạch cao văng ra. Con lắc vỡ vụn khi trúng phát đạn thứ hai. Thời gian bất động.

Sau đó, chỉ còn bụi bay trong không khí và tiếng rít bên tai tôi. Tôi liếc nhìn xác chết lần cuối. Nó không còn là gì nữa. Tôi đi ra, thậm chí không thèm nhổ lên thi thể đó nữa.

 

"Tôi yêu Jona. Không ai có quyền phản đối. Những kẻ phản đối là những kẻ nói dối và là những kẻ độc ác. Những kẻ đó không nói năng một cách bình thường mà là gièm pha độc mồm độc miệng, là nôn mửa.

Và em cũng thế, em yêu tôi".

Chúng tôi luôn ở bên nhau, không rời nhau nửa bước từ sáng chí tối, thậm chí về đêm, chúng tôi thường băng qua hành lang, em hoặc tôi, chúng tôi đến với nhau, để ngủ với nhau. Một hành lang dài, dài và tối như ở dưới hầm, nhưng hành lang đó vững chắc hơn bản thân chúng tôi. Nếu bạn bẻ gãy cánh một con chim thì nó sẽ rơi xuống, không thể bay được nữa. Cũng như vậy thôi. Hai chúng tôi. Chỉ có hai chúng tôi, khi nào cũng thế. Chúng tôi không ra ngoài. Chúng tôi không chơi với những đứa trẻ khác. Không láng giềng, không bè bạn. Chúng tôi cũng không đi học. Bà Greenhill đến nhà dạy chúng tôi sáng hai giờ, chiều hai giờ. Chúng tôi gọi bà ta là bà Gorila (khỉ dạng người). Dưới cằm bà có một vết lông lá màu hạt dẻ. Chúng tôi hay trêu chọc bà ta. Jona rất giỏi bắt chước bà ta, em khiến tôi cười chết đi được. Thế nên tôi thường bảo là em giống bà ta. Điên thật, tôi thấy thế, thỉnh thoảng trông em giống bà ta thế không biết.

Chuyện xảy ra ở đó, trong ngôi nhà lớn màu trắng, ngôi nhà Thiên nga.

Khoảnh khắc đẹp nhất, đó là sau khi học xong, khi bà Gorila đã về. Cuối cùng chúng tôi cũng được tự do. Chúng tôi chui ra ngoài qua cửa xưởng giặt. Chúng tôi đi nhanh đến cuối công viên, đến chỗ sâu nhất, chỗ mà tôi thấy xa, rất xa, nhưng tôi những muốn chỗ ấy còn xa hơn nữa, chúng tôi nắm tay nhau cùng đi, tay của em nhỏ quá, tí tẹo trong tay tôi, cho dù em chỉ thua tôi một tuổi rưỡi, nhưng bàn tay ấy ấm áp và đầy sức sống, đôi khi tôi không thể cưỡng lại ý muốn nắm tay em thật chặt, siết tay em bằng hết sức bình sinh, Jona của tôi kêu: "Ái!" nhưng đồng thời em mỉm cười, em không hề giận tôi, em hiểu tại sao. Tôi biết lúc ấy em hiểu.

Chúng tôi dừng chân ở bên hồ nước. Mẹ cấm chúng tôi bén mảng đến đó. Mẹ bảo chỗ ấy nguy hiểm. Mẹ bảo chúng tôi có thể bị sẩy chân ngã xuống nước và sau đó thì đã quá muộn. Là hết. Mẹ bảo những chuyện như thế xảy ra hàng ngày. Chúng tôi chưa học bơi, cả Jona và tôi.

Nhưng chúng tôi đến hồ nước không phải để làm mẹ phiền lòng, chúng tôi đến đó vì đó là nhà của chúng tôi. Chúng tôi đi dọc hồ một lúc là đến "nhà". Có hai cây bị ngã quyện thân vào nhau. Tôi không biết đó là những cây gì. Những cái cây khổng lồ. Chúng tôi có thể ngồi ở phía dưới, như ngồi trong một túp lều châu Phi, nắng không rọi xuống được, ở đó cái gì cũng xanh và sẩm tối, da của chúng tôi cũng trở nên xanh xao. Ở phía trên, chúng tôi có thể leo trèo lên các tầng cây. Có nhiều tầng. Khi leo lên tầng cuối cùng ở trên cao, chúng tôi có thể chạm tay vào bầu trời. Chúng tôi thoáng thấy một góc mái nhà trắng, qua những cành cây, trông có vẻ nhỏ bé, như một lâu đài dành cho búp bê, nghìn lần nhỏ hơn ngôi nhà của chúng tôi. Ban đầu, chỗ này bừa bộn tứ tung, nhưng dần dần, Jona và tôi đã sắp xếp lại thực sự ngăn nắp. Ngày nào chúng tôi cũng thay đổi một cái gì đó. Chúng tôi ở đó, hơi khó nhọc nhưng rất bõ công. Chúng tôi đã có thể sống ở đó. Chúng tôi đã có thể không bao giờ quay lại ngôi nhà kia mà ở lại ngôi nhà của hai chúng tôi. Chỉ có hai chúng tôi thôi. Đó là ước nguyện sâu sắc nhất của chúng tôi. Thường khi đêm xuống, tôi nói với Jona: "Em ở lại đây. Ở lại với anh. Chúng mình sẽ ở đây. Chúng mình muốn làm gì tùy ý. Họ sẽ không tìm ra chúng mình đâu." Nhưng em không muốn. Tôi nói với em: "Nếu mẹ không có đó thì em sẽ ở lại chứ? Nếu bố mẹ không có đó, nếu họ chết đi thì em sẽ ở lại đây với anh chứ?".

Tôi chờ mùa xuân cho ngày dài thêm. Chúng tôi chơi những trò trẻ con. Chúng tôi chơi trò đâm mây chọc trời. Chúng tôi chơi trò đi tìm kho báu. Jona đi tìm kho báu cho tôi, còn tôi đi tìm kho báu cho em. Chúng tôi ban tặng kho báu cho nhau. Ở tầng hai có một phòng dành riêng cho trò chơi đó, phòng nghi lễ. Chúng tôi chơi trò lấy đất đá ném những con vịt hay thiên nga khi chúng bơi lại gần bờ. Chúng tôi chơi trò trốn tìm. Khi Jona bị lạc đường và tôi phải tìm lại em thì tôi cảm thấy đau khổ vô cùng. Tôi không thể kêu tên em vì sợ người ta biết chúng tôi đang ở đâu. Tôi thầm gọi tên em, tìm kiếm khắp nơi trong những khóm lá, bụi cây, mặt và tay tôi bị xước, tìm càng lâu tim tôi càng đập thình thịch trong lồng ngực, tôi thấy cay cay ở mắt, tôi nín khóc, tiếp tục gọi tên em, gọi nữa, gọi nữa; tôi van xin em, và khi nào cũng thế, khi tôi chực gào lên thì Jona bỗng nhiên xuất hiện, vừa cười vừa nhảy xổ vào người tôi. Tôi vui khi gặp lại em, vui đến nỗi cũng cười theo. Tôi vừa khóc vừa cười.

Tôi rất ghét trò này nhưng Jona lại rất thích cho nên tôi không thể không ưa. Thế là, khi chơi trò trốn tìm như vậy, lần đầu tiên chúng tôi đã gặp quỷ. Hôm đó, tôi tìm Jona được một lúc rồi. Tôi lục tìm mọi ngõ ngách, nơi em thường trốn, nhưng không thấy. Thế là tôi tiếp tục đi tìm, đi xa, xa hơn nữa. Đế 6728 n khu rừng lớn. Từ ngôi nhà của chúng tôi dưới những cành cây, ở phía tầng trên, chúng tôi thấy khu rừng này, nhưng với chúng tôi nó trông như một xứ sở khác, như một hòn đảo ngoài khơi, ở tận chân trời. Chúng tôi chưa bao giờ bén mảng đến đó. Thậm chí chúng tôi không nghĩ tới. Và lần này, đi mãi, cuối cùng tôi cũng đến được rừng và đi vào đó mà không biết. "Jona, Jona, Jona", tôi kêu tên em và tiếp tục đi. Đường đi khó, mỗi lúc mỗi tối, mỗi rậm rịt, cành và rễ cây như muốn níu chân tôi, nhưng tôi vẫn tiếp tục. Em phải hiểu là anh đã có thể đi đến tận cùng. Nếu phải băng qua mọi khu rừng trên thế giới, nếu phải phá trụi hết, nếu phải nhổ từng cây một để tìm ra Jona thì tôi cũng đã làm. Em phải hiểu điều đó.

Em đã tìm ra tôi. Như thường lệ. Bỗng Jona từ đâu xuất hiện trước mặt tôi nhưng em không phá lên cười. Lần này thì không. Em đưa tay lên miệng và ra hiệu tôi đi theo. Tôi nắm lấy bàn tay em rồi không buông ra nữa. Em đã kéo tôi đến tận ngôi nhà quỷ dữ. Ngay giữa khu vườn.

Đó là một ngôi nhà thật sự. Một túp lều gỗ bé tí tẹo, nhưng có cửa và mái. Phải thính mũi lắm mới xác định được nó. Chúng tôi đi vòng quanh túp lều để càng ít gây tiếng động càng tốt. Đằng sau là một chỗ được phát quang thông thoáng tựa một cái sân nhỏ bé, ở giữa có một bếp lửa đã tắt. Một đám tàn lửa nhỏ bé. Cũng có một sợi dây nhỏ bắt ngang giữa hai thân cây và có những thứ được treo lên sợi giây đó. Thoạt tiên, tôi nghĩ đó là đám dơi nhưng rồi tôi nhận ra đó là những con sóc. Khoảng mười hai con sóc đang treo mình bằng hai chân sau trên dây. Chúng đã bị cắt đuôi. Chúng đã bị lột da. Jona nhăn mặt nhìn tôi. Chúng tôi trốn dưới những tán cây một lúc nữa, rồi Jona cúi xuống nhặt cái gậy. Tôi không kịp ngăn hành động của em. Cái gậy đập vào cái lều, tôi nghe một tiếng động kinh hãi khắp vương quốc đó. Chúng tôi chờ nhưng không có chuyện gì xảy ra. Không ai đi ra cả. Jona nói: "Anh lại đây."

Cánh cửa không khóa. Tôi chỉ cần đẩy nhẹ một cái là nó mở ra. Chúng tôi thò đầu vào trong. Tôi có cảm giác không có ai trong đó. Trong đó tối quá không nhìn thấy gì. Chúng tôi bước thêm một bước, một bước ngắn. Jona dựa hẳn vào người tôi và tôi nghĩ mình cảm nhận được nhịp đập của trái tim em, hoặc nếu không thì đó là trái tim tôi. Rồi mắt chúng tôi quen dần và tôi bắt đầu nhìn thấy. Có một cái gì đó như một chiếc ghế nằm dưới đất, trên đó có chăn và da thú hay gì đó tôi không rõ. Còn có một cái rương gỗ lật ngược và một chiếc đèn cũ kỹ treo trên trần, một chiếc đèn tàu. Đó gần như tất cả những gì mà tôi đã nhìn được. Sau đó Jona kêu lên. Tiếng kêu làm tôi đinh tai nhức óc, đầu tôi quay ngược về phía sau. Tôi cảm thấy Jona níu vào tay tôi. Tôi rùng mình. Tôi quay lại nhìn và thấy đôi mắt đỏ trong bóng đêm. Trong ngõ ngách sâu nhất của túp lều, trong chỗ tối tăm nhất, không có gì khác ngoài đôi mắt đó, những tưởng chúng tự bồng bềnh trong khoảng không. Đôi mắt nhìn chúng tôi chằm chằm. Đúng lúc đó chúng tôi mới biết đó là quỷ. Cả hai chúng tôi kéo nhau ba chân bốn cẳng chạy đi, chạy, chạy bạt mạng. Không biết con quỷ đó có đuổi theo chúng tôi không. Chúng tôi chạy một mạch về nhà... Váy Jona bị rách tả tơi, da của em bị xước nhiều chỗ. Tôi những muốn liếm những vết xước đó để chăm sóc em.

Lần thứ hai chúng tôi nhìn thấy quỷ lại là lần cuối cùng.

Tôi có bịt tai cũng bằng thừa, tôi hãy còn nghe tiếng hét của Jona. Đầu tôi ong ong. Thế còn hơn là sự im lặng. Thế còn hơn là không gì hết. Bạn biết đấy, em vẫn đang ở đó. Em đang ở với tôi. Em đã không rời xa tôi. Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn của em và siết rất mạnh. Tôi đúng là đang nắm tay em. Em có thể đi đâu được chứ? Chúng tôi vẫn ở bên nhau, cả hai chúng tôi. Chúng tôi sẽ mãi ở bên nhau, phải không nào? Những kẻ nào phản đối là những kẻ dối trá. Đừng có nghe họ, Jona của anh ạ. Đừng có tin họ..."

 

Chỉ có mình tôi biết hết mọi chuyện. Những người khác còn có những lỗ hổng cần lấp đầy, và hẳn là họ sẽ không bao giờ có thể lấp đầy. Đúng là như thế. Run rủi thế nào số phận đã đặt trong tay tôi những tài liệu quý giá, những vật chứng chủ đạo trong trò chơi kỳ cục không phải là duy nhất ấy. Chỉ có ở trong tay tôi, tôi nhắc lại.

Ở đây tôi muốn nói đến những cuốn vở màu xanh của Florence; tôi cũng muốn nói đến khoảng mười hai cuốn sổ của Ariel, những cuốn sổ đóng gáy xoắn, cỡ nhỏ, tất cả đều giống nhau, nếu như không phải là nội dung của chúng - trước mắt tôi hãy còn những tờ giấy đầy rẫy những ký hiệu, những dòng chữ bị gạch xóa, bẩn thỉu, những nét bút cẩu thả, thường rất khó đọc. Tất cả, những cuốn vở hay những cuốn sổ, giữa chúng có một mối liên hệ không tên.

Ariel và Florence có chung sở thích viết. Giãi bày tâm hồn, cởi mở tấm lòng của họ trên giấy. Mỗi người theo cách của mình, mỗi người có phong cách riêng, hẳn Florence là người có năng khiếu nhất về lĩnh vực này. Giờ đây tôi đang cố gắng theo kịp
cô ấy.

Tôi cũng cần phải nói rõ là Florence không biết những tập giấy này đang nằm trong tay tôi. Cái này thuộc về những bí mật nhỏ của tôi. Vì thế mà có những sự hiểu nhầm và oán hận. Nhưng tôi nhận thức được rất rõ. Tất cả những lời nói, hành động của tôi chưa bao giờ chỉ có tình yêu đưa đường
chỉ lối.

 

Tôi biết Ariel Weiss ở trường trung học, năm tôi học lớp mười một. Hồi ấy tôi đúng mười sáu tuổi. Hắn không nhập học như tất cả mọi người mà chỉ xuất hiện vào đầu quý hai. Sự xuất hiện rất được chú ý. Hắn đã bận quần áo màu đen từ đầu tới chân, đã đẹp trai phong độ lắm rồi, đã tỏ ra biết đời là gì rồi. Một người hùng đơn độc. Hồi ấy tôi nghĩ những kiểu người như thế chỉ có trong tiểu thuyết.

Đẹp và bí ẩn kết hợp với sự mới lạ: hơn cả những gì cần thiết để làm cho bọn con gái chết mê chết mệt. Giờ Ariel hẳn là đề tài bàn tán của bọn con gái trong khi trong mắt họ, chúng tôi từ chỗ tàng tàng đến chỗ không gì hết. Thậm chí cái tên của hắn cũng đủ làm lu mờ những cái tên của chúng tôi, nào là Patrick và Philippe hay Matthieu, những người trần thế khốn khổ - Ariel không phải là tên của một vị thần linh hay sao?

Đối với mấy thằng nhóc trong lớp, bẽ bàng vì sự cạnh tranh bất ngờ và được xem là không trung thực ấy, đó trước hết là dấu hiệu của sự thất bại. Ngay cuối tuần đầu tiên, trên bảng giáo viên chủ nhiệm, một hàng chữ "Ariel = Ômô" đã được viết bằng phấn hồng như rồng bay phượng múa. Tất nhiên là nặc danh rồi. Người ta hễ tự vệ được là cứ tự vệ.

Hầu hết mấy thằng con trai ban đầu đều có ác cảm với vị khách không mời mà đến đó. Chúng bắt đầu căm thù hắn, với một nỗi căm thù gần như bản năng và cơ hồ dai dẳng. Tôi thuộc những người theo dõi tiếp trước khi đưa ra quyết định dứt khoát.

Nhưng sự thể là tất cả chúng tôi, con gái cũng như con trai, những cô gái si tình hay những chàng trai ghen tuông, tất cả chúng tôi đã bị hắn cuốn hút. Tất cả đều đã bị mê hoặc.

Tôi nghĩ Ariel biết mình có ảnh hưởng như thế nào. Mặc dù vậy, hắn không lạm dụng. Bản chất của hắn là thế và hắn không tìm cách o ép bản chất của mình, kể cả trong nghĩa này hay nghĩa khác. Ít nhất là chưa. Thời điểm đó thì chưa. Chỉ sau này mới có tính toán.

Thế là tôi chờ xem. Không theo phe nào. Không mủi lòng. Tôi bắt đầu quan sát con người có khả năng, chỉ bằng sự hiện diện của mình, làm xáo trộn cuộc sống thường nhật của chúng tôi, làm cho cuộc sống của chúng tôi tan thành mây khói. Lúc đầu là từ xa, rồi càng ngày càng gần hơn theo mức độ bị mê hoặc của mình. Tôi đã rình rập hắn. Tôi đã theo dõi hắn. Tôi đã có thói quen nhớ từng cử chỉ, hành động của hắn. Mỗi lời nói của hắn như hoa thơm cỏ lạ, ngay lập tức được thu nhận và cất giữ trong chiếc bình trí nhớ của tôi. Tôi chờ đến tối để tha hồ uống lấy uống để. Tôi uống đi, uống lại, uống cho cạn kiệt thì thôi. Khi bắt đầu chợp mắt, tôi tập hợp từng khuôn, từng mảnh trên khuôn mặt hắn để tái tạo lại. Đêm, tôi mơ về hắn. Khi hắn không làm cho tôi mất ngủ.

Chỉ trong một thời gian ngắn - chưa đến ba tháng ở trường - tôi đã đến mức như thế này. Gác hết tất cả các hoạt động khác, không còn chơi với một số bạn bè, bỏ bê việc học hành, tôi chỉ còn hứng thú với hắn, quan tâm tới hắn. Ariel đã trở thành niềm đam mê duy nhất của tôi. Ám ảnh của tôi.

Tất nhiên điều này hắn không hề hay biết. Trong thời gian ba tháng đầu này, tôi không nhớ là hắn có ban cho tôi dù chỉ một cái nhìn hay không. Tôi không nhớ là hai chúng tôi đã không trò chuyện với nhau một tí nào dù chỉ là một lần. Cho dù bỗng dưng ngày hôm sau tôi biến mất thì chắc gì hắn đã để ý sự vắng mặt của tôi. Ngay cả vầng dương cũng không nhận ra sự phân li bất ngờ của một trong hằng hà sa số vì tinh tú khốn khổ đang bay quanh vầng hào quang của hắn. Những cảm giác thật lạ. Đúng là thái độ của tôi thật lạ. Tôi có xu hướng phân tích và dò xét: lý do duy nhất mà tôi đưa ra để giải thích cho cơn địa chấn cá nhân này, đó là hình như tôi thiếu cái gì đó, thiếu ai đó, để cho cuộc sống của tôi thực sự có ý nghĩa. Và người đó chính là hắn. Ariel. Mặt trời đen. Với hắn, rốt cuộc tôi đã tìm ra những gì mà tôi không biết.

Một cách giải thích đơn sơ và không mấy thỏa đáng, tôi công nhận như vậy. Nhưng tôi không có cách giải thích nào khác.

Bản thân tôi khi ấy là một chàng trai hơi đơn độc và e dè. Một trai hiền, như người ta nói, không bao giờ biết gây sóng gió là gì. Không mấy khó khăn để tôi mường tượng ra con đường nhẽ ra đã là của riêng tôi: một con đường thẳng, phẳng lì, thông thoáng từ đầu đến cuối. Tôi tin nhiều người có quỹ đạo như vậy, chỉ vì trời trên đầu đất dưới chân đều chưa có ngày mở rộng để cho họ thấy sự mênh mông vô hạn của những thế giới cần khám phá.

Thiên đường cũng như địa ngục không phải là những nơi trừu tượng. Tôi biết điều đó, tôi đã từng đến đó.

Tuy nhiên, thật lạ khi thấy rằng, về cơ bản, tôi vẫn luôn là một chàng trai hiền như trước đây. Và cuộc sống được miêu tả như thế, gần như dưới dạng tiềm ẩn, gần như đó là cuộc sống mà tôi hằng khao khát kể từ khi Ariel rời bỏ nó. Tôi muốn Florence và các con của tôi luôn ở bên tôi. Tôi muốn chúng tôi được sống an bình và thanh thản. Thứ hạnh phúc trong suốt. Không còn di chuyển nữa. Thế thôi.

Phải chăng như thế để nói rằng Ariel đã chỉ là một cái ngoặc đơn, một sự lệch lạc quái dị trong đời tôi, hay, tệ hơn nữa, một lầm lẫn tuổi trẻ?

Tôi những muốn trả lời là đúng như thế.

 

Ariel dường như không bị tác động bởi thái độ của các học sinh khác đối với mình. Hắn vượt qua tất cả những thứ đó. Phải nói rằng những thứ đó không bay cao bay xa là mấy. Những lời mỉa mai cay độc của đám con trai, những chiêu câu khách của bọn con gái. Thường thì người ta hài lòng với việc nói xỏ nói xiên gì đó khi hắn đi qua, hoặc ngược lại là một tiếng cười khùng khục, một tiếng thở dài ồn ào ngây ngất trong chốc lát làm ngắt quãng những điệu nhạc lễ nhẹ nhàng. Người ta lườm hắn bằng những cú lườm chết người hay bạc nhược, nhưng không hề đụng đến hắn ta. Không ai dám thẳng thừng đối đầu với hắn. Trừ một thằng tên là Cartereau, một kẻ tỏ ra thẳng thắn và chính xác hơn trong những đợt tấn công của mình, tất nhiên là với mục đích củng cố vị trí đầu têu trong lớp của nó. Tôi sẽ nói thêm về chuyện này sau.

Về phần tôi, tôi cần nhiều hơn thế. Thời gian quan sát và tôn sùng từ xa đã qua. Tôi cảm thấy nhu cầu tiếp xúc càng ngày càng bức thiết. Chưa bao giờ tôi có cảm giác mạnh như thế.

Cái chiêu gián điệp của tôi không cho tôi biết thêm về Ariel là mấy. Tôi biết hắn ở đâu: Ở trên một vách đá, bên bờ biển, trong một biệt thự xa hoa, hẳn là biệt thự đẹp nhất thành phố, điều này chỉ làm cho hắn có uy hơn. Tôi biết hắn có sở thích là thỉnh thoảng đi đến một cái vũng biệt lập nào đó, nơi không ai trông thấy rồi đứng trên một tảng đá ngắm nhìn gì đó dưới nước hoặc ngoài khơi. Hắn đứng đó vài ba phút. Một thói quen khác của hắn mà tôi đã để ý qua nhiều lần theo dõi, một thói quen thú vị: bên ngoài trường có một băng tội phạm trẻ em, những kẻ khi cần có thể tống tiền hoặc bán thuốc phiện - người ta thường gọi chúng bằng một cái tên chung là "tụi mạt hạng". Bọn này đã bỏ học, chỉ quanh quẩn gần đó vào giờ tan trường để bán hàng. Chúng tôi biết mặt chúng nó, và chúng tôi chú ý tránh bọn chúng càng xa càng tốt.

Nhưng Ariel thì không làm thế. Tôi đã bắt gặp hắn nhiều lần cố tình lân la lại gần những tên vô lại đó và chuyện trò với chúng. Tôi thấy hắn đi cùng chúng đến một quán bar tồi tàn được chúng chọn làm đại bản doanh tại trung tâm thành phố. Tôi thấy chúng trao đổi nhau những thứ gì đó bí mật qua những cái bắt tay giả vờ và mau lẹ. Điều mà không ai tin được, đó là bọn lưu manh này đối xử ngang hàng ngang lứa với hắn. Chúng chào hắn. Chúng tôn trọng hắn.

Điều đó thừa đủ để làm cho tôi càng tò mò hơn, nhưng quá ít để thỏa mãn sự tò mò đó.

Thêm vào đó là kỳ nghỉ Phục sinh đang đến gần và điều này khiến tôi đắm chìm trong lo sợ. Như thế đồng nghĩa với việc mười lăm ngày không gặp hắn, tôi tự hỏi một cách nghiêm túc là mình có cầm cự được không, và cầm cự như thế nào.

Trong hai tuần lễ dài lê thê này, phần lớn thời gian tôi lởn vởn quanh nhà hắn. Tôi cố gắng để không bị để ý, điều này không phải là việc nhỏ trong một khu phố giàu có và ít người lai vãng, nơi mà một người đi bộ thôi cũng có thể bị xem là một kẻ trộm cắp hèn hạ. Nhưng tôi bắt đầu giỏi phát hiện những nơi trú ẩn và có khiếu theo dõi những kẻ đáng nghi.

Khốn nỗi điều đó không giúp ích gì cho tôi. Ariel vẫn luôn vô hình trước mắt tôi. Tôi không thể nhìn thấy dù chỉ là bóng dáng của hắn, dù chỉ một lần duy nhất, không phải vì tôi không dò xét tất cả các cánh cửa sổ của ngôi nhà (lòng chắc mẩm cánh cửa này hay cánh cửa kia là phòng hắn), hay không rình rập giữa những bóng cây um tùm trong khu vườn tuyệt diệu mà những cửa sổ đó hướng ra. Tôi đã dành hàng giờ cho việc ấy. Trên thực tế, thậm chí tôi không biết Ariel có ở đây không nữa. Người duy nhất mà tôi đã thấy ở đó là một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi, người cao, gầy, đầu gần hói hết. Chiều hôm đó, ông ta ra sưởi nắng ngoài thềm. Ông mặc một chiếc áo sơmi trắng và một chiếc quần dài nhưng lại đi chân đất. Ông ngồi trên một chiếc ghế sắt, tay cầm một cái ly rồi uống từng ngụm nhỏ suốt nửa tiếng đồng hồ. Sau đó ông vào nhà. Tôi nghĩ đó là cha của Ariel. Tôi đã đúng. Điều mà tôi không thể ngờ lúc đó, đó là vài năm sau, tôi có dịp được gặp lại người đàn ông này khi ông ta đã chết, xác bị gập lại dưới vách đá, cách chỗ mà lúc bấy giờ tôi nấp khoảng hai mươi mét.

Khi đó tôi đã biết chuyện của họ.

Nhưng hiện tại, việc nhìn thấy người này đối với tôi chỉ là một sự an ủi quá nhỏ nhoi. Từ những chuyến dò la này, tôi trở về tay không mà lại còn bất mãn. Trơ trọi.

Kỳ nghỉ đáng nguyền rủa này chỉ có một mặt tích cực: cuối cùng tôi đã tìm ra cách để tiếp xúc với thần tượng của mình. Không phải là không vò đầu bứt tóc. Hẳn vì quá e dè, tôi tìm cách làm một việc ngoạn mục cho lần đầu tiếp cận này. Một ngón gì đó thật lớn và chắc ăn, vì tôi nghĩ sẽ không có cơ hội thứ hai. Cái gì đó như kiểu: một mất một còn, được làm vua thua làm giặc. Trong vô số những kế hoạch lờ mờ đã thoáng qua đầu, tôi chỉ nêu ở đây kế hoạch được thông qua.

Ở nhà tôi có một thứ vũ khí. Một khẩu súng lục. Tôi không rõ nguồn gốc của nó và vì sao mà nó ở đó. Cha tôi là một người ăn ở hiền lành nên tôi không nghĩ ông đã tìm cách có đồ vật ấy, sử dụng nó lại càng không. Vả lại, khẩu súng này được giấu kín trong một tủ tường, lẫn vào những đồ vật linh tinh. Có thể nó đã bị lãng quên. Hai hay ba năm trước, tôi đã mó được khẩu súng đó khi đang lục lọi gì đó. Cái gói được bọc tấm vải dày bụi bặm có buộc một sợi dây nhỏ đã làm cho tôi phải suy nghĩ. Tôi nhớ khi mở cái bọc đó ra, tôi đã khẽ rùng mình. Đó là một khẩu súng có vẻ ngoài khá ấn tượng và rất giống với những khẩu súng mà các tội phạm hay cảnh sát thường dùng trong phim ảnh. Vài phút sau, khi đã loại bỏ nhiều kẻ vô hình và bất lương đang muốn lấy mạng tôi, tôi cẩn thận bỏ khẩu súng đó vào chỗ của nó và sau đó đến lượt mình cũng quên bẵng đi.

Đến hôm đó.

Tôi thấy ý tưởng của mình thật tuyệt. Một phát hiện. Tôi không lưỡng lự một giây. Lợi dụng lúc cha mẹ vắng nhà, tôi lấy khẩu súng ra, vứt bỏ tấm vải bọc rồi bỏ vào cặp. Tôi lại đi học. Khẩu súng vẫn chưa được rút ra từ cái bao mới của nó; tôi để khẩu súng lẫn trong sách vở và đem theo mình. Thật khoái khi tôi nghĩ đến nó! Rồi, hết ngày thứ năm, cơ hội mà tôi đang rình rập cuối cùng đã lộ ra. Tôi theo dõi Ariel. Tôi bắt quả tang hắn đi gặp bọn thanh niên hư hỏng trong phố một lần nữa. Bọn chúng vào quán bar. Tôi chờ Ariel ra rồi tiếp tục theo dõi hắn. Khi gần đến nhà hắn, tôi chạy hết sức mới đuổi kịp hắn. Tôi thấy chỗ ấy thích hợp vì vắng bóng người. Có lẽ hắn nghe tiếng bước chân của tôi sau lưng nên quay lại trước khi tôi gọi hắn.

- Chào cậu, tôi nói.

Hắn không trả lời. Hắn im lặng nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Cách đó một giờ, trong lớp, tôi còn cách hắn hai hàng ghế, nhưng tôi biết hắn phải mất một ít thời gian để nhận ra tôi. Như một người từ quá khứ hiện về trong mơ hồ. Tôi có chuẩn bị cũng bằng thừa, hắn đã chơi tôi một vố khá đau. Tôi nói luôn:

- Cậu gặp phiền toái gì à?

- Phiền toái ư? Hắn hỏi lại.

- Với những thằng cha đó. Những thằng ở cổng trường đấy. Hình như mình đã thấy cậu đi với chúng nó. Mình thắc mắc không biết cậu có gặp rắc rối gì không...

Sự thể không như tôi mong đợi. Tôi những mong một giọng điệu chắc chắn và cứng rắn hơn. Một giọng điệu hoàn hảo. Giọng của một lãnh chúa thực sự.

- Không, - hắn nói - không có phiền toái gì.

Tôi lắc đầu.

- Nếu cậu cần mình giúp một tay thì đừng ngại nhé. Những gì cần mình có trong này.

Tôi vỗ vỗ cái cặp của mình. Tôi chờ một câu hỏi nhưng hắn không e hè.

- Cậu muốn xem không? Tôi nài nỉ.

Hắn tiếp tục nhìn tôi chằm chằm mà không nói gì. Tôi cho đó là một sự tán đồng. Tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi mở cặp ra và thò tay vào; tôi
liếc ngược liếc xuôi, rồi trong khi mà trong đầu
lùng bùng tiếng trống, tôi từ từ, rất từ từ lôi khẩu súng ra.

Không hài lòng với chính mình. Thanh kim loại diệu kỳ trong lòng bàn tay. Nếu xoay được khẩu súng trên đầu ngón tay trỏ như những tay cao bồi miền Tây thì tôi đã làm rồi.

Tôi đã nói là tôi mới mười sáu tuổi mà. Và tôi bị đam mê làm cho mù quáng. Làm sao tôi có thể nhận ra sự buồn cười và tình cảnh thê thảm lúc đó?

Một nụ cười phác họa trên bờ môi hắn. Cả nỗi niềm trắc ẩn của hắn. Đó là phản ứng rõ ràng duy nhất của hắn.

- Đồng ý, - hắn nói - mình sẽ để ý.

Rồi hắn quay lưng đi, bỏ mặc tôi một mình trên vỉa hè với khẩu súng nặng một ký trên tay và ý muốn nhảy xuống sông mà chết quách cho rồi...

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85245


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận