Hỏi đáp: Đơn nặc danh tố cáo tham nhũng

Đơn nặc danh tố cáo tham nhũng
Admin Portal
Pháp luật

Trả lời

Về quyền và nghĩa vụ của nhân dân trong tố cáo hành vi tham nhũng

Khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những biện pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh hiệu quả của công tác này. Tuy nhiên, để hạn chế hành vi lợi dụng quyền tố cáo tham nhũng vào mục đích vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây rối trật tự xã hội, Điều 6 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định “Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng”, các tổ chức xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng. Theo tinh thần đó, để thực hiện quyền tố cáo hành vi tham nhũng, khoản 2 Điều 64 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cũng quy định rõ trách nhiệm của người tố cáo tham nhũng như sau: “Người tố cáo phải tố cáo trung thực, nêu rõ họ, tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu mà mình có và hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Người tố cáo mà cố tình tố cáo sai sự thật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ vào các quy định trên có thể thấy, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đề cao trách nhiệm công dân trong việc tố cáo tham nhũng thông qua việc người tố cáo cung cấp danh tính, địa chỉ của bản thân để giúp đỡ cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, hiệu quả hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế là phần lớn người dân sợ bị trả thù, trù dập khi công khai, trực tiếp tố cáo tham nhũng nên để khuyến khích người dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng, Điều 41 Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 120/2006/NĐ-CP) quy định việc công dân tố cáo hành vi tham nhũng có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp như tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo bằng thông điệp dữ liệu qua mạng thông tin điện tử.

Giá trị của đơn thư nặc danh tố cáo hành vi tham nhũng

Do tính chất đặc thù của hoạt động phòng, chống tham nhũng và yêu cầu cao độ về đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay nên khoản 3 Điều 41 Nghị định số 120/2006/NĐ-CP quy định chỉ những trường hợp sau đây thì tố cáo về hành vi tham nhũng mới không được xem xét:

- Những tố cáo mà người tố cáo mạo tên;

- Những tố cáo mà nội dung tố cáo không rõ ràng, thiếu căn cứ;

- Những tố cáo đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.

Như vậy, đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng nặc danh không thuộc một trong các trường hợp nêu trên. Theo quy định tại khoản 4 Điều 42 Nghị định số 120/2006/NĐ-CP thì đối với những tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo (tố cáo nặc danh) nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Như vậy, với quy định này, có thể hiểu những đơn thư tố cáo tham nhũng nặc danh, nhưng có nội dung tố cáo rõ ràng, đối tượng bị tố cáo cụ thể, có cơ sở để xác định hành vi tham nhũng thì có giá trị là tin báo, là thông tin phục vụ cho hoạt động đấu tranh làm rõ hành vi tham nhũng đó.

Do đó, việc ông T, Chủ tịch UBND xã cho rằng cán bộ điều tra không được căn cứ vào các thông tin trong đơn thư tố cáo nặc danh để điều tra vụ việc là không phù hợp với các quy định nói trên.
Trong vụ việc này, ông T - với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan và là người quản lý việc thực hiện công vụ của X - đã từng nghi ngờ về những biểu hiện bất minh trong công việc của đối tượng X, đồng thời cũng đã nhận được những đơn thư tố cáo trực tiếp về hành vi tham nhũng của X. Tuy đây là những đơn thư nặc danh, nhưng có nội dung rõ ràng, cụ thể về hành vi tham nhũng của X. Với cương vị quản lý của mình, ông T có khả năng, điều kiện để xác minh tính xác thực của những nội dung tố cáo. Do đó, việc để xảy ra hành vi tham nhũng phạm tội quả tang của X có trách nhiệm liên đới của ông T.

 

Các văn bản liên quan:

Nghị định 120/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng

Luật 55/2005/QH11 Phòng, chống tham nhũng

Admin Portal
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=494


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận