Một người làm chủ một doanh nghiệp tư nhân sau một thời gian thì bị mất năng lực hành vi dân sự. Do không có người quản lý nên người nhà muốn bán doanh nghiệp này đi, vậy ai là người có quyền đứng ra bán doanh nghiệp đó? Mong nhận được tư vấn!
Khoản 1 Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác …”. Tuy nhiên trong trường hợp bạn nêu thì chủ doanh nghiệp tư nhân này lại bị mất năng lực hành vi dân sự.
Căn cứ Điều 22 Bộ luật Dân sự 2005 thì mất hành vi dân sự được hiểu là: người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và phải được Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan.
Điều đó dẫn đến mọi giao dịch liên quan đến chủ doanh nghiệp tư nhân này đều phải do người giám hộ thực hiện. Điều 62 và Điều 63 Bộ luật Dân sự quy định cụ thể những người là giám hộ đương nhiên và trường hợp cử người giám hộ khi không có người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự.
Bạn có hỏi là người nhà muốn bán doanh nghiệp này thì ai là người có quyền đứng ra bán?
Theo quy định tại Điều 67 và Điều 69 Bộ luật Dân sự 2005 về nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự, trong đó người giám hộ có nghĩa vụ quản lý tài sản của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ thì phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ trên cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người giám hộ.
→ Người nhà bạn có thể bán doanh nghiệp tư nhân khi thỏa mãn các điều kiện sau:
a) Người đó phải là người giám hộ theo quy định của pháp luật;
b) Việc bán doanh nghiệp phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ
c) Việc thực hiện giao dịch phải nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.