Hỏi đáp: Chính sách cho sinh viên vay vốn và cho bộ đội xuất ngũ vay vốn để giải quyết việc làm có liên quan đến nhau không?

Chính sách cho sinh viên vay vốn và cho bộ đội xuất ngũ vay vốn để giải quyết việc làm có liên quan đến nhau không?

Câu hỏi

Năm nay tôi 21 tuổi sinh năm 1989, năm 1997 anh trai tôi (sinh năm 1979) đi bộ đội và năm 1999 đã xuất ngũ về nhà, năm 2007 tại nơi gia đình sinh sống có chính sách cho bộ đội xuất ngũ vay vốn để giải quyết việc làm, và anh trai tôi được xã hướng dẫn làm thủ tục vay vốn với số tiền 10 triệu đồng cho bộ đội xuất ngũ, khi đó tôi là người ký giấy thừa kế cho anh tôi, hạn trả là 3 năm. Năm 2008 chị gái tôi sinh năm 1988 đỗ Cao đẳng Y tế Bình Dương và được làm thủ tục vay vốn cho học sinh, sinh viên. Anh tôi vay vốn đến nay chưa trả lãi đợt nào, đợt vay vốn sinh viên năm 2009 của chị gái tôi những người trong hội chính sách cho vay vốn nói nếu anh tôi không trả lãi thì sẽ trừ vào tiền vay vốn sinh viên của chị tôi và bắt bố tôi (sinh năm 1948) ký vào sổ là người thừa kế cho anh tôi bố tôi đã ký vì sợ họ trừ tiền vay vốn sinh viên, đến năm nay 2010 thì việc vay vốn của anh tôi đã đến hạn trả nhưng chưa có khả năng trả nợ vì công việc làm ăn khó khăn. Ngày 13/07/2010 bên chính sách vay vốn của xã nơi gia đình sinh sống đến nói cho anh tôi gia hạn thêm 3 tháng nữa và buộc bố tôi phải ký vào biên bản gia hạn và là người thừa kế nhưng bố tôi không ký giấy, vài ngày sau bên chính sách lại đến và nói nếu anh tôi không ký đơn gia hạn thì kỳ cho sinh viên vay vốn đợt tới này sẽ cắt tiền vay vốn sinh viên của chị tôi, hiện nay anh tôi đang đi làm thợ xây dựng, bố tôi thì trên 60 tuổi, còn tôi thì đã học xong trung cấp kế toán đang đi làm và đang làm thủ tục xin liên thông lên đại học, trong trường hợp bên chính sách đưa ra toà án thì toà án sẽ xử lý như thế nào? Trong khi bố tôi đã đến tuổi về hưu không còn khả năng trả nợ, còn tôi thì đang đi học cũng chưa thể có nguồn thu nhập để trả nợ (tôi và bố tôi đều là người ký đơn thừa kế) còn anh tôi thì có khả năng nhưng không trả và anh tôi đã có việc làm ổn định.
Bùi Thị Trang
Pháp luật

Trả lời

Câu hỏi của bạn có 2 vấn đề:

1.    Chính quyền có được lấy khoản vay ưu đãi dành cho sinh viên của chị bạn để đối trừ nghĩa vụ thanh toán khoản nợ ưu đãi đối với quân nhân xuất ngũ của anh bạn hay không?

2. Trách nhiệm của bạn và bố bạn như thế nào khi cả bạn và bố bạn đều ký vào phần người thừa kế của anh bạn trong hợp đồng vay vốn ưu đãi dành cho quân nhân xuất ngũ?

Sau khi nghiên cứu kỹ câu hỏi của bạn và các văn bản pháp luật liên quan, chúng tôi xin trả lời như sau:

1. Về việc Chính quyền có được lấy khoản vay ưu đãi dành cho sinh viên của chị bạn để đối trừ nghĩa vụ thanh toán khoản nợ ưu đãi đối với quân nhân xuất ngũ của anh bạn hay không

Điều 2 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên quy định đối tượng được vay như sau:

“Điều 2. Đối tượng được vay vốn:

Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:

1. Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

2. Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:

- Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

- Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.

3. Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú”.

Như vậy, nếu chị bạn thuộc quy định Điều 2 Quyết định Quyết định 157/2007/QĐ-TTg thì chị bạn sẽ được vay vốn. Điều 2 của Quyết định này không quy định nếu gia đình còn một món nợ gì khác thì chị bạn không được vay vốn ưu đãi đối với học sinh, sinh viên.

Mặt khác, theo Điều 1 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, mục đích cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên như sau:

“Điều 1. Phạm vi áp dụng:

Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên được áp dụng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại”.

Điều 56 Luật Các tổ chức tín dụng quy định người vay vốn phải sử dụng tiền vay đúng mục đích.

Như vậy việc sử dụng tiền vay ưu đãi cho học sinh, sinh viên nhằm thanh toán khoản vay khác là trái quy định của pháp luật.

2. Về trách nhiệm của những người thừa kế trong hợp đồng vay vốn

Điều 636 Bộ luật Dân sự quy định kể từ thời điểm mở thừa kế, người nhận thừa kế mới phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của người để lại thừa kế. Điều 633 Bộ luật Dân sự quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại thừa kế chết hoặc bị tuyên bố là đã chết.

Trong trường hợp của gia đình nhà bạn, anh trai bạn (người để lại thừa kế) chưa chết vì vậy anh trai bạn là người có nghĩa vụ trả nợ chứ không phải bố bạn hoặc là bạn.

 

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04.3747 8888 - Email: info@luatdaiviet.vn

 

Các văn bản liên quan:

Luật 20/2004/QH11 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng

Luật 02/1997/QH10 Các tổ chức tín dụng

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Quyết định 157/2007/QĐ-TTg Về tín dụng đối với học sinh, sinh viên

z
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=6381


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận