Hỏi đáp: Chứng thực hợp đồng cho thuê nhà ở

Chứng thực hợp đồng cho thuê nhà ở

Câu hỏi

Chị A đến UBND xã B để làm thủ tục chứng thực hợp đồng cho thuê nhà nhưng do đất của chị A nằm ở xã C nên cán bộ UBND xã B hướng dẫn chị A về nơi có đất để thực hiện chứng thực hợp đồng cho thuê nhà. Một thời gian sau chị A quay lại UBND xã B để yêu cầu chứng thực chữ ký do chị A đã thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng và không đủ hồ sơ để thực hiện chứng thực hợp đồng thuê nhà. Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 05 năm 2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký chỉ quy định cán bộ xã khi chứng thực chữ ký chỉ chịu trách nhiệm về chữ ký chứ không nói chịu trách nhiệm về nội dung. Như vậy đối với hợp đồng thuê nhà, thuê đất và tài sản gắn liền với đất chị A có thể yêu cầu UBND xã B chứng thực chữ ký thay cho chứng thực hợp đồng được không? Tại sao?
Vo Nguyet Anh
Pháp luật

Trả lời

Theo quy định tại Điều 492 Bộ luật Dân sự năm 2005, “Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 37 Luật Công chứng năm 2007, “Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở”. Do vậy, các hợp đồng, giao dịch về bất động sản hiện nay đều phải được công chứng, có nghĩa là được công chứng viên tại Phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp hoặc tại Văn phòng công chứng chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch đó.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/05/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, “Chứng thực bản sao từ bản chính" là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. "Chứng thực chữ ký" là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực; chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản. Thẩm quyền chứng thực thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, hợp đồng cho thuê nhà từ 06 tháng trở lên phải được công chứng để chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp về nội dung và hình thức của hợp đồng. Thẩm quyền chứng nhận hợp đồng cho thuê nhà thuộc về công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng tại địa bàn nơi có nhà ở cho thuê. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền công chứng đối với loại hợp đồng này.

Vì bạn không cung cấp đầy đủ địa phương B và C có cùng huyện, cùng tỉnh hay ở hai tỉnh khác nhau, nên chúng tôi giả định như sau: nếu trong cùng một huyện, hoặc cùng tỉnh thì bạn có thể công chứng hợp đồng thuê nhà ở tại Phòng công chứng thuộc địa phương B hoặc C, còn nếu B và C là hai tỉnh khác nhau thì chỉ có thể công chứng tại phòng công chứng thuộc địa phương B - nơi có nhà cho thuê. Do vậy, muốn làm thủ tục thuê nhà ở, chị A phải đến Phòng công chứng nơi có nhà ở cho thuê để làm thủ tục công chứng hợp đồng cho thuê nhà ở.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 79/2007/NĐ-CP Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký

Luật 82/2006/QH11 Công chứng

Chuyên viên pháp lý - Vụ Hành chính tư pháp
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=22891


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận