Hỏi đáp: Hỏi về luật thừa kế bất động sản khi không có di chúc

Hỏi về luật thừa kế bất động sản khi không có di chúc

Câu hỏi

Gia đình tôi có 2 anh em trai, tôi là con thứ 2, năm nay tôi 61 tuổi, ba tôi mất năm 1952 (ba tôi không có anh chị em) và có để lại 1 mảnh vườn 6000m2 trên đó có 1 căn nhà gỗ và cũng là nhà thờ nhưng không có di chúc xuống, từ đó mẹ và 2 anh em tôi ở trên ngôi nhà và mảnh vườn đó. Đến năm 1971 anh tôi lập gia đình và ra ở riêng trên mộtmảnh vườn khác củng do mẹ tôi cho và đến ngày giải phóng thống nhất đất nước tức năm 1975 thì mẹ tôi đả đăng ký quyền sử dụng đất lâu dài do mẹ tôi đứng tên trên mảnh vườn mà ba tôi để lại đồng thời anh tôi củng đả đăng ký quyền sử dụng đất và đứng tên trên mảnh vườn mà mẹ tôi cho hồi trước. Cho đến năm 1980 tôi lập gia đình và ở trên mảnh đất do ba mẹ vợ cho vợ tui và đến năm 1994 thi con trai trưởng của anh tối hay còn gọi là cháu đích tôn về ở trên mảnh vườn của mẹ tôi đến giờ nhưng sổ đỏ thì vẫn là mẹ tôi đứng tên, đến năm 2009 mẹ tôi mất nhưng không để lại di chúc thừa kế. Và năm 2010 tôi có về nói với anh tôi cắt mảnh vườn đó cho tôi thừa kế 1500m2 nhưng anh tôi không đông ý vì anh tôi nói đất nầy là của gia tộc để lại nên tôi không có quyền được thừa kế.

Nay tôi xin nhờ giải đáp giùm anh tôi nói như vậy có đúng không, còn nếu tôi được thừa kế thì tôi được bao nhiêu trên mảnh vườn đó và phải làm sao để được hưởng thừa kế?
đỗ tấn nhượng
Bất động sản

Trả lời

Theo thông tin độc giả cung cấp, hiện tại mảnh vườn 6000m2 đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bác gái. Về nguồn gốc mảnh đất này là tài sản chung của hai bác. Bác trai mất năm 1952 không để lại di chúc. Từ năm 1952 đến 2009 bác gái là người trực tiếp sinh sống, quản lý sử dụng đất và hoàn thành các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, giấy chứng nhận QSDĐ vẫn mang tên bác gái. Năm 2009 Bác gái mất, không để lại di chúc.
Căn cứ theo quy định của pháp luật về thừa kế, khối tài sản là ngôi nhà trên diện tích đất 6000m2 đất xác định là di sản thừa kế do bác gái để lại và chia cho các hàng thừa kế thứ nhất của bác gái theo quy định của pháp luật.
Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Theo quy định trên thì 02 người con của bác gái thuộc hàng thừa kế thứ nhất và hưởng khối di sản là ngang nhau.
Căn cứ theo quy định tại điều 136 Luật đất đai 2003:
Tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:
Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết.
Trong trường hợp hai người con không tự thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được với nhau, thì một trong các bên làm đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản để yêu cầu chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Lưu ý thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế là 10 năm kể từ ngày bác gái mất.

CÔNG TY LUẬT QUỐC TẾ THĂNG LONG
Địa chỉ: 188 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Luật sư Vũ Trường Giang
Điện thoại: 0987 335 309

Vũ Trường Giang
04/12/2012
Cả Nước

Nguồn: batdongsan.com.vn/hd-quyen-so-huu/hoi-ve-luat-thua-ke-bat-dong-san-khi-khong-co-di-chuc-fq20505


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận