Nội dung câu hỏi của bạn liên quan đến hai lĩnh vực pháp luật điều chỉnh đó là luật dân sự về vấn đề thừa kế và luật nuôi con nuôi.
Về vấn đề bạn hỏi, con riêng của bạn có được công nhận là con nuôi của vợ sau không?
Pháp luật quy định việc nhận nuôi con nuôi là việc người có đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi nhận một người có đủ điều kiện được nhận làm con nuôi làm con nuôi của mình và việc nhận con nuôi phải được tiến hành theo thủ tục luật định và phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận về việc nhận nuôi con nuôi đó. Pháp luật không tự động công nhận là con nuôi trong trường hợp này. Tôi xin phân tích thêm một số quy định để bạn hiểu.
Thứ nhất, về người có đủ điểu kiện nhận nuôi con nuôi bạn có thể tìm hiểu Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Theo quy định này, nếu người vợ thứ hai của bạn khi còn sống muốn nhận con riêng của bạn làm con nuôi thì phải đáp ứng các yêu cầu trừ yêu cầu hơn con riêng của bạn 20 tuổi và yêu cầu về có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
Thứ hai, về điều kiện của người được nhận làm con nuôi được quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Theo đó, con riêng của bạn chỉ được người vợ thứ hai của bạn nhận làm con nuôi khi ở độ tuổi dưới 18 tuổi.
Về thủ tục tiến hành nhận con nuôi
Trong trường hợp con riêng của bạn và người vợ thứ hai của bạn đủ các điều kiện nêu trên và muốn tiến hành thủ tục nhận nuôi con nuôi thì căn cứ vào khoản 1 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi là các cơ quan sau: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.
Phải nộp hồ sơ, căn cứ theo Điều 17 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, bao gồm:
1. Đơn xin nhận con nuôi;
2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
3. Phiếu lý lịch tư pháp;
4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.
Căn cứ theo Điều 19 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 20 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì việc người vợ thứ hai của bạn nhận con riêng của bạn làm con nuôi phải được sự đồng ý của bạn. Đăng ký việc nuôi con nuôi coi như hoàn tất khi đáp ứng quy định tại Điều 22 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
Như vậy, căn cứ theo những quy định pháp luật nêu trên, con riêng của bạn chỉ được coi là con nuôi của người vợ thứ hai của bạn khi hai người đó đáp ứng đủ điều kiện về người người nhận và người được nhận làm con nuôi và phải tiến hành thủ tục nhận nuôi con nuôi và đã được Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho vợ thứ hai của bạn, con bạn và bạn.
Nếu không đáp ứng đủ các yêu cầu nêu trên thì con riêng của bạn không phải là con nuôi của người vợ thứ hai của bạn.
Về việc con riêng của bạn có quyền thừa kế tài sản của người vợ thứ hai của bạn không?
- Trong trường hợp con riêng của bạn đã được nhận làm con nuôi của người vợ thứ hai của bạn theo những điều kiện và thủ tục nêu trên (tức đã được pháp luật công nhận là con nuôi) thì con bạn được hưởng quyền thừa kế như con đẻ của người vợ thứ hai của bạn, căn cứ Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 về Người thừa kế theo pháp luật.
Như vậy, nếu là con nuôi của vợ thứ hai của bạn, con riêng của bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được chia phần bằng với những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (bao gồm: bạn, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ thứ hai của bạn nếu những người đó còn sống và con bạn nếu là con nuôi).
Cũng căn cứ điều luật trên, có thể thấy, con riêng của bạn nếu không được người vợ thứ hai của bạn nhận làm con nuôi khi còn sống thì không được hưởng quyền thừa kế vì không thuộc diện thừa kế nào theo luật định.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 52/2010/QH12 Nuôi con nuôi