Hỏi đáp: Yêu cầu về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án

Yêu cầu về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án

Câu hỏi

Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định những yêu cầu về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án. Tôi không hiểu rõ về vấn đề này mong nhận được hướng dẫn cụ thể thêm?
Phòng Toàn Hữu
Pháp luật

Trả lời

Điều 30. Những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án

1. Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.

2. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

3. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài.

4. Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.

Những yêu cầu về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án, bao gồm:

- Yêu cầu liên quan đến việc trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại. Pháp luật trọng tài thương mại quy định thẩm quyền của trọng tài trong giải quyết các tranh chấp thương mại khi các bên thỏa thuận lựa chọn. Tuy nhiên, để đảm bảo cho hoạt động giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại có hiệu quả, pháp luật tố tụng dân sự quy định các yêu cầu liên quan đến việc trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Ví dụ: Bên nguyên đơn có đơn kiện yêu cầu Hội đồng Trọng tài giải quyết buộc bị đơn phải trả số tiền còn nợ là 300 triệu đồng. Trong quá trình Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp nguyên đơn có đơn yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong toả tài khoản của bị đơn.

Như vậy, yêu cầu của nguyên đơn trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với bị đơn là một yêu cầu liên quan đến việc trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.

- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

Ví dụ: anh A là người Việt Nam định cư tại Thụy Điển, anh đã kết hôn với cô M là công dân Thụy Điển tại cơ quan có thẩm quyền của Thụy Điển. Nay anh A và cô M đã ly hôn tại Thụy Điển và anh A muốn kết hôn với cô E là công dân Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam thì anh A phải làm thủ tục yêu cầu công nhận bản án ly hôn của Tòa án Thụy Điển tại Việt Nam.

- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của trọng tài nước ngoài và các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.

Ví dụ: cuối năm 2006, công ty TNHH thương mại quốc tế Ming Hui cung cấp sản phẩm hóa chất cho công ty TNHH hóa chất Dy Vina và thỏa thuận lựa chọn trọng tài thương mại của Trung Quốc để giải quyết nếu có tranh chấp. Sau đó, công ty Ming Hui cung cấp cho công ty Dy Vina ba lô hàng trị giá hơn 107 ngàn USD nhưng Dy Vina không thanh toán. Vì thế, công ty Ming Hui đã khiếu nại ở trọng tài thương mại Trung Quốc. Tháng 7-2008, Hội đồng trọng tài thương mại ở Trung Quốc đã xử vắng mặt công ty Dy Vina (được triệu tập hợp lệ ba lần nhưng không đến), buộc công ty Dy Vina phải thanh toán tổng cộng khoảng 115 ngàn USD tiền nợ, tiền lãi chậm trả, tiền tổn thất do chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng nhân dân tệ.

Sau đó, công ty Ming Hui nộp đơn đến TAND tỉnh Đồng Nai yêu cầu công nhận quyết định trọng tài và cho thi hành án tại Việt Nam. TAND tỉnh Đồng Nai căn cứ vào pháp luật Việt Nam, Hiệp định tương trợ tư pháp với nước bạn và Công ước New York để công nhận, cho thi hành tại Việt Nam quyết định trọng tài này.

Việc công ty Ming Hui nộp đơn đến TAND tỉnh Đồng Nai yêu cầu công nhân quyết định trọng tài và cho thi hành án tại Việt Nam là một ví dụ cho yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của trọng tài nước ngoài.

Thực tiễn cho thấy, nước ta ngày càng có giao lưu kinh tế mạnh mẽ với các nước trên thế giới. Trong quá trình tham gia hoạt động kinh doanh, thương mại với thế giới, để đảm bảo quyền lợi cho mỗi bên khi ký hợp đồng kinh doanh, thương mại, họ đều thỏa thuận lựa chọn Tòa án hoặc trọng tài quốc gia nào sẽ đứng ra giải quyết các tranh chấp này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định pháp luật cũng như việc giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài ở nước ta còn có hạn chế nên đa phần các hợp đồng kinh doanh, thương mại được các bên thỏa thuận là sẽ do Tòa án nước ngoài giải quyết. Điều đó đặt ra vấn đề cho các Tòa án Việt Nam là phải xem xét và công nhận hoặc không công nhận cho thi hành các quyết định kinh doanh, thương mại của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. 

Thẩm quyền của Tòa án theo cấp xét xử đối với những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thực hiện theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011; thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thực hiện theo Điều 35 của Bộ luật này.

(Theo Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2011)

CTV4
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=14514


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận