Quyền nhận thế chấp GCNQSDĐ của cá nhân và mức lãi suất cho vay
Câu hỏi
Cho tôi hỏi cá nhân không có kinh doanh dịch vuh cầm cố - thế chấp, có được quyền nhận thế chấp GCNQSDĐ và nhà của cá nhân khác để cho vay tiền với lãi suất là 3,5%/ tháng hay không? Nếu được thì thủ tục phải làm như thế nào?
Bạn thân mến, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và các quy định có liên quan đến vấn đề cầm cố, thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không có quy định rõ về chủ thể nào được quyền nhận thế chấp, cầm cố. Cụ thể:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, thì thế chấp được hiểu là việc một bên (gọi là bên thế chấp) dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Việc thế chấp phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.
Vì vậy, bạn hoàn toàn có quyền nhận thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù không kinh doanh dịch vụ này.
Còn về vấn đề cho vay tiền với mức lãi suất bao nhiêu thì khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự quy định như sau: Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Như vậy, mức lãi suất bạn cho vay chỉ có thể gấp 1,5 lần mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng vào thời điểm bạn cho vay.
Về thủ tục như thế nào:
Điều 343 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định hình thức thế chấp tài sản
Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.
Vậy, việc nhận thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất của bạn phải được lập thành văn bản, có thể ghi trong hợp đồng chính (hợp đồng vay tài sản) hoặc lập riêng hợp đồng thế chấp.
Hợp đồng thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong các hợp đồng mà pháp luật quy định phải công chứng vì vậy dù ghi nhận chung trong hợp đồng chính hay lập riêng thành hợp đồng khác thì bạn cũng phải công chứng hợp đồng này.