Hỏi đáp: Thế chấp tài sản là tài sản riêng của chồng do nhận tặng cho

Thế chấp tài sản là tài sản riêng của chồng do nhận tặng cho

Câu hỏi

Tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do tôi được bố mẹ tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân (trong hợp đồng tặng cho chỉ cho riêng tôi, đăng ký sang tên cũng chỉ có tên tôi). Nay tôi thế chấp tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ của cả 2 vợ chồng tôi tại ngân hàng thì công chứng viên yêu cầu cả vợ tôi cũng ký hợp đồng với tư cách là bên thế chấp. Công chứng viên yêu cầu như vậy là đúng hay sai? Nếu tôi không trả được nợ thì xử lý tài sản như thế nào?
Như Ý
Pháp luật

Trả lời

1. Thế chấp tài sản thuộc sở hữu riêng của bạn

Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

Quyền sử dụng đất là do bạn nhận tặng cho riêng từ bố mẹ bạn nên đó là tài sản riêng của bạn. Và bạn có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể như sau:

- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

- Vợ, chồng tự quản lý tài sản riêng; trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó.

- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

- Tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng.

 - Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả vợ chồng.

Như vậy, nếu quyền sử dụng đất mà bạn nhận tặng cho chưa được nhập vào tài sản chung vợ chồng hoặc không thuộc trường hợp đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình như nêu trên thì bạn có quyền tự định đoạt tài sản riêng của mình mà không cần có sự đồng ý của vợ bạn. Trong hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của bạn tại Ngân hàng thì bên thế chấp chỉ có một mình bạn chứ không thể có cả vợ của bạn như yêu cầu của công chứng viên.

2. Xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp vợ chồng bạn không trả được nợ

Ðiều 355 Bộ luật Dân sự quy định: Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Ðiều 336 và Ðiều 338 của Bộ luật này.

Như vậy, việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện như sau: Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thỏa thuận thì tài sản thế chấp được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản thế chấp.

Bạn có thể xem lại Hợp đồng thế chấp đã ký với ngân hàng để xem giữa hai bên có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản hay không; nếu có thỏa thuận thì khi xử lý tài sản sẽ áp dụng theo phương thức đó (như: Ngân hàng nhận chính tài sản đó, bán trực tiếp cho người thứ ba...); nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

CTV3
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=45876


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận