Vợ chồng tôi li hôn có phân chia tài sản cho 2 con 2 căn nhà, nhưng con tôi chưa đủ 18 tuổi, hiên tại một bé 9 tuổi và một bé 10 tuổi...chúng tôi đã làm thủ tục sang tên cho 2 bé đứng tên chủ quyền 2 căn nhà, chúng tôi chỉ là người giám hộ đảm bảo căn nhà được trao cho 2 bé toàn quyền khi đủ 18 tuổi.nhưng giờ đây 2 con tôi chuẩn bị theo mẹ đi định cư ở Mỹ. Như vậy 10 năm sau khi con tôi đủ 18 tuổi có được về Việt Nam và toàn quyền quyết định trên 2 căn nhà đó không?
Nội dung câu hỏi nêu trên chúng tôi đã có nội dung tư vấn lần trước, tuy nhiên theo yêu cầu của độc giả báo chúng tôi có ý kiến như sau:
Trước tiên xác định hai cháu là công dân Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam. Người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) cũng là người được xác lập quyền sở hữu tài sản được hình thành từ thừa kế tặng cho, chuyển nhượng. Con trai anh chị hiện nay mới được 9 tuổi, độ tuổi được coi là người chưa thành niên nhưng không vì vấn đề độ tuổi mà con trai anh chị bị hạn chế quyền sở hữu tài sản.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau (năng lực pháp luật là khả năng cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự). Như vậy, dù là người đã thành thành niên hay người chưa thành niên đều có năng lực pháp luật như nhau.
Pháp luật hiện hành không có quy định việc công dân Việt Nam khi rời Việt Nam đi định cư ở nước ngoài phải chấm dứt các quyền đối với tài sản đã có trước khi xuất cảnh. Về nguyên tắc, căn nhà của hai cháu đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nay chưa chuyển quyền sở hữu cho người khác, thì vẫn thuộc quyền sở hữu của hai cháu.
Theo khoản 1 Điều 45 Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, cá nhân thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam và có giấy tờ chứng minh về việc tạo lập hợp pháp nhà ở theo quy định thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đó mà không bắt buộc phải có điều kiện về hộ khẩu thường trú, đăng ký kinh doanh tại nơi có nhà ở (trừ trường hợp nhà đã mua là nhà ở xã hội). Tuy nhiên, Điều 1 Luật số 34/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai có quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
- Người có quốc tịch Việt Nam;
- Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc 1 căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Khoản 1 Điều 65 Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định, đối với trường hợp được sở hữu nhà tại Việt Nam thì “Thời hạn sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài là ổn định, lâu dài”.
Như vậy, sau khi đi định cư ở nước ngoài, nếu vận dụng phù hợp các quy định của pháp luật Việt Nam, hai cháu vẫn tiếp tục được quyền sở hữu đối với căn nhà tại Việt Nam đã được bố mẹ tặng cho, tạo lập hợp pháp và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trước khi xuất cảnh. Trong trường hợp này gia đình ta có thể ủy quyền cho người thân trong nước quản lý, trông nom, hoặc thay mặt ông thực hiện quyền của chủ sở hữu trong việc bán, cho tặng nhà ở. Công ty Luật quốc tế Thăng Long Luật sư Vũ Trường Giang Email: giangvt.09@gmai.com ĐT: 0987335309