Hỏi đáp: Yêu cầu có chữ ký của bà nội, các anh chị em của bố trong văn bản thừa kế di sản do bố để lại

Yêu cầu có chữ ký của bà nội, các anh chị em của bố trong văn bản thừa kế di sản do bố để lại

Câu hỏi

Nhà tôi có 2 lô đất trên giấy chứng nhận mang tên bố tôi. Bố tôi đã mất vào năm 2005, gia đình muốn làm thừa kế sang tên mẹ tôi nhưng phòng công chứng của huyện tôi yêu cầu phải có bà nội, các em của bố tôi ký vào văn bản thì mới làm được. Vậy tôi muốn hỏi phòng công chứng căn cứ vào quy định pháp luật nào để làm vậy?
Phạm Quang Nhật
Pháp luật

Trả lời

Thừa kế và thủ tục phân chia di sản thừa kế được quy định rất cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2005, Luật Công chứng 2007 và các văn bản hướng dẫn. Khi có yêu cầu công chứng văn bản thừa kế, công chứng viên phải căn cứ vào các quy định pháp luật để xác định di sản, những người thừa kế…, đồng thời hướng dẫn thủ tục, hồ sơ để những người thừa kế chuẩn bị cho việc khai nhận/phân chia di sản.

Người thừa kế được xác định theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc thì di sản được chia cho những người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 676 BLDS:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Từ quy định nêu trên có thể thấy, khi bố bạn mất, di sản do bố bạn để lại được chia cho: ông nội, bà nội, mẹ bạn, các anh chị em nhà bạn (là con của bố bạn) và các đồng thừa kế khác nếu có.

Như vậy, công chứng viên yêu cầu bà bạn (một trong những người thừa kế) ký vào văn bản thừa kế là đúng.

Còn về việc yêu cầu cả các anh chị em của bố bạn ký vào hợp đồng thì cũng có thể có trường hợp này. Đó là trường hợp bố bạn để lại di chúc định đoạt tài sản cho anh chị em của mình. Ngoài ra còn có trường hợp anh chị em của bố bạn được hưởng thừa kế thay cho ông nội bạn. Vì trong câu hỏi bạn không thấy nói về ông nội bạn (cũng là một trong những đồng thừa kế theo pháp luật của bố bạn) nên chúng tôi giả sử trường hợp ông bạn đã mất thì:

- Nếu ông mất trước bố bạn thì ông sẽ không được hưởng di sản do bố bạn để lại. Như vậy sẽ không có việc hưởng thay như trên.

- Nếu ông bạn mất cùng (Điều 641 BLDS) hoặc sau bố bạn thì ông bạn được hưởng di sản do bố bạn để lại. Nếu đến thời điểm này, khi các đồng thừa kế tiến hành khai nhận/phân chia di sản thừa kế của bố bạn mà ông bạn đã mất thì giải quyết như sau: Phần di sản mà ông bạn được hưởng nếu còn sống sẽ được chia cho các đồng thừa kế của ông (theo Điều 676 BLDS), gồm: bà nội, các con của ông (chính là anh chị em của bố bạn), các đồng thừa kế khác nếu có. Như vậy, trong trường hợp này, công chứng viên yêu cầu có chữ ký của anh chị em của bố bạn trong văn bản thừa kế là đúng.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 82/2006/QH11 Công chứng

CTV3
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=18861


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận