Hỏi đáp: tôi bị trượt L5/S1 cần phải phẫu thuật. Vậy mong bác sĩ tư vấn cho tôi hiểu rõ về căn bệnh này.Phẫu thuât xong, sau này sẽ có ảnh hưởng như thế n&a...
Tình trạng bệnh của bạn là trượt đốt sống vùng thắt lưng..Trượt đốt sống thắt lưng là tình trạng đốt sống trên trượt ra trước hoặc ra sau so với đốt sống dưới, trượt đốt sống xảy ra chủ yếu ở vùng cột sống thắt lưng, cột sống cổ và cột sống ngực ít gặp hơn. Bài viết này tập trung về bệnh lý trượt đốt sống cột sống thắt lưng. trượt đốt sống vùng thắt lưng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên: bẩm sinh, thoái hoá, chấn thương, bệnh lý… trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là trượt đốt sống do hở eo và do thoái hoá.Triệu chứng thường là đau thắt lưng, lúc đầu đau khi đi, đứng lâu, cúi ngửa cột sống. Dần dần sau đó bệnh nhân đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân do thần kinh toạ bị chèn ép, đau tăng lên khi ho, hắc hơi. Đôi khi bệnh nhân cảm giác đau buốt, tê bì xuống chân. Thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng lên rất khó khăn. Có khi bệnh nhân cảm nhận được sự trượt của đốt sống khi cúi, ngửa. Bệnh nhân càng hoạt động nhiều thì càng đau nhiều, nghỉ ngơi thì giảm đau.
Sự thay đổi tư thế và dáng đi của bệnh nhân thường do co cứng cơ ở thắt lưng và sự căng cơ ở mặt trong đùi (cơ chân ngỗng), đi hơi khom lưng về phía trước, có thể kèm theo vẹo cột sống sang bên. Trường hợp nặng, bệnh nhân có dáng đi giống trẻ tập đi và khi xoay lưng thì khung chậu cũng xoay theo, bị teo cơ hai mông do thiếu vận động.
Trượt đốt sống nếu không gây triệu chứng gì hoặc chỉ thỉnh thoảng đau thắt lưng, không lan xuống chân và không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì chỉ cần thay đổi lối sống, tránh tư thế xấu dễ tổn thương cột sống như cúi người khiêng nặng, xoay vặn cột sống quá mức, tránh làm việc nặng nhọc. Tập vận động các động tác làm tăng cường sức mạnh khối cơ thân. Khám định kỳ mỗi 6 tháng bởi bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi diễn tiến bệnh.
Trường hợp trượt đốt sống làm đau thắt lưng và đau thần kinh toạ liên tục cần phải được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát triệu chứng.
Chỉ định mổ giải ép rễ thần kinh, cố định bằng dụng cụ và hàn xương khi điều trị bảo tồn ít nhất 6 tuần trở lên thất bại, đau diễn tiến nặng hơn, biến dạng cột sống, liệt chân, teo cơ, bí tiểu.
Phẫu thuật chỉ cho kết quả tốt, tỉ lệ thành công cao khi làm đúng chỉ định và được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Luôn luôn có một tỉ lệ tai biến, biến chứng nhất định (mặc dù rất thấp, và tùy thuộc trình độ và kinh nghiệm của từng bác sĩ phẫu thuật viên cũng như tính chất phức tạp của cuộc mổ).
Bạn nên đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình để khám và điều trị.