Ngày nay, khi mà thiên văn học thế giới đã tiến những bước khổng lồ với những phương tiện tối tân như thiên lý kính vĩ đại ở Palomar (đường kính 5 mét, nặng 15 tấn, ấy là mới kể nguyên có mặt kính bằng thủy tinh!), với những cách chụp hình tân kỳ, những phương pháp xem quang phổ (spectrographie) của các vì sao để xác định những chất liệu có trên tinh tú, với những vệ tinh nhân tạo để thám thính vũ trụ, nhất là thái dương hệ, với những phi thuyền để qua lại liên lạc với nguyệt cầu, mà bàn về thiên văn học cổ Trung Hoa thì e có người cho là lạc hậu. Nghĩ vậy, đôi khi tôi đã muốn buông bút, vì thấy không còn hứng thú gì mà viết về vấn đề này nữa. Nhưng sau cùng tôi đã đổi ý, đơn thương độc mã, đi tìm hiểu đề tài này, khi thấy những đại học giả ở các nước tân tiến hiện nay như Joseph Needham cũng còn dám viết hàng mấy trăm trang về thiên văn học Trung Hoa trong bộ sách vĩ đại của ông xuất bản 1959 nhan đề Science and Civilisation in China (Trung Quốc khoa học kỹ thuật sử), một bộ sách có thể nói là chấn động dư luận hoàn cầu; hay khi thấy rằng ông Henri Michel năm 1955 còn dám diễn thuyết về những phương pháp thiên văn học thời thượng cổ Trung Hoa (Méthodes astronomiques des hautes époques chinoises) ở Palais de la Découverte tại Paris. (…) Viết về thiên văn giữa những tiếng ồn ào của trần thế, trong một thành phố thời chinh chiến, nơi mà con người sống chen chúc, vất vả, đến nỗi không còn có chỗ, không còn có thì giờ để nhìn lên trời mây và tinh tú, nơi mà ánh đèn điện và đèn néon đã làm nhòa mất ánh trăng đêm; viết về thiên văn cổ Trung Hoa mà tài liệu không được dồi dào, tri âm không có lấy một ai, thì dĩ nhiên là không sao tránh khỏi được sự thiếu sót, ước mong quí vị độc giả lượng thứ.
|