Sách: AI VÀ KY Ở XỨ SỞ NHỮNG CON SỐ TÀNG HÌNH (Tiểu thuyết Toán hiệp)

AI VÀ KY Ở XỨ SỞ NHỮNG CON SỐ TÀNG HÌNH (Tiểu thuyết Toán hiệp)
56.000
1970
53a6e5087f8b9aec248b4594

vi
14.5x20.5 cm

Mô tả

 

Được chính tác giả gọi vui là "Tiểu thuyết toán hiệp", Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình" là cuốn sách đầu tiên pha trộn toán học và hư cấu. Thông qua hành trình phiêu lưu nhiều thú vị của Ai và Ky, sách đưa người đọc từng bước khám phá thế giới toán học từ thuở bình minh cho đến nay với rất nhiều câu chuyện nửa hư nửa thực từ các nhân vật lịch sử, danh nhân toán học và các phát minh vĩ đại mang tính cột mốc trong lịch sử phát kiến, nghiên cứu toán học...

 

 

Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình là tác phẩm mang kỳ vọng tiếp thêm tình yêu, sự say mê cho độc giả trẻ đối với môn toán, dẫn họ bước qua những cột mốc lớn nhất của nền văn minh oán học loài người bằng một hình thức truyện kể văn học sinh động và trí tuệ.

Các tác giả đã tự đặt vui cho cuốn sách một thể tài mới: “tiểu thuyết toán hiệp”. GS. Hà Huy Khoái thì cho rằng tác phẩm là “cuốn sách vỡ lòng về triết học của toán học”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa coi đây là “một cuốn sách giản dị đến mức ai đọc cũng được, kể cả những người không biết gì về toán”.

Trên thế giới, đã có những cuốn best-seller được viết theo cách tương tự, nổi bật nhất là Sophie’s world của Jostein Gaader về lịch sử triết học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình là cuốn sách đầu tiên pha trộn toán học và hư cấu như thế.

Thoạt tiên, cuốn sách khiến người đọc liên tưởng đến hành trình trong tiểu thuyết kinh điển Tây du ký: nhân vật cậu bé Ai xuất hiện đột ngột ngay từ đầu truyện như một Tôn Ngộ Không, trong một “khoảng không rộng lớn, vô cùng tĩnh lặng, giống như một tiểu vũ trụ trong vắt không một hạt bụi”. Nhưng đó chỉ là cảm nhận thoáng qua, bởi ở thế giới kỳ lạ đó, bỡ ngỡ nhưng không cô đơn, Ai đã có Ky, một chàng trai “đeo kính trắng, đầu to, tóc bạc sớm, nụ cười hiền lành” và dế Jim, một chú “dế cụ, đầu gân guốc” có tài búng râu kỳ dị đợi sẵn để cùng cậu lên đường. Chặng đường Ai và Ky dấn bước trong nửa đầu câu chuyện cũng chính là hành trình văn minh nhân loại đã trải qua: từ buổi bình minh của toán học với Euclid vĩ đại và những tiên đề đầu tiên về điểm và đường thẳng, Diogenes đức hạnh luôn giơ cao ngọn đèn tìm người lương thiện, hay Cartesius với hệ tọa độ và phương pháp tư duy trừu tượng… Những nhân vật lịch sử từ nhiều niên đại được các tác giả cho cùng ngồi ăn tối hay đàm đạo dưới một mái nhà. Các bậc danh nhân toán học đó đã giảng giải cho Ai và Ky những kiến thức cột mốc trong lịch sử phát kiến và nghiên cứu toán học, với một nguyên tắc: Những quy luật, những định lý, những vẻ đẹp của Toán chỉ có thể hiện lên một khi các cậu bé thực sự muốn khám phá.

Khác với những cuộc phiêu lưu quen thuộc ngoài đời thực, trong thế giới những con số và phép dựng, của trường và chiều mênh mông, Ai và Ky không cần biết đâu là giới hạn cuộc phiêu lưu của mình. Và mỗi bước tiến lên phía trước, các cậu không chỉ thu thêm một kiến thức, một công cụ mà còn kết thêm được một người bạn mới: nơi này là kẻ lang thang Thales, người đã tặng lại Ky cặp kính hình bình hành nổi tiếng của mình, nơi khác là Aesop với sọt bánh mì nặng trĩu sau lưng, rồi Alice, vận động viên bất-khả-chiến-thắng trong cuộc chạy đua với Cụ Rùa già nua; chàng thanh niên Elaci có mái tóc bù xù, xuất hiện như một nhà thơ nhưng sau này sẽ trở thành một anh hùng; và ấn tượng nhất là nàng Zena xinh đẹp có đôi mắt nâu mở to hút hồn cậu bé Ai ngây thơ và hơi duy lý.

Nửa sau của cuốn sách là những biến cố bất ngờ có phần siêu thực, lôi các nhân vật vào một vòng xoáy hành động sôi nổi. Bắt đầu từ một cuộc thi giữa Alice tràn trề sức sống và Cụ Rùa hom hem, cuộc thi của giáo điều nghịch lý, theo đó Alice luôn phải nhận phần thua, câu chuyện chuyển hướng sang các ngã rẽ bất ngờ: tiếng cười vang của Alice làm đảo lộn kết quả cuộc thi, rồi phiên tòa nửa trang nghiêm nửa hài hước ngay sau đó, Ai và Ky vô tình được ông vua già Ka Cơ trì độn và bất nhất chọn vào bồi thẩm đoàn, Tể tướng Chico vừa là công tố viên vừa là luật sư biện hộ… Vượt lên trên hết là cuộc quyết đấu bi hùng giữa Elaci và rồng Gryphon. Trong cuộc đấu của bạo lực và sức mạnh, chàng trai Elaci đã không thắng nổi con rồng vô tri và vĩnh viễn bị lưu đày đến xứ p-adic xa xôi.

Cuốn sách dừng lại với một cái kết mở ra cho một câu chuyện khác. Mang theo mình chiếc túi da đựng cả hành trang kiến thức có được sau những bước phiêu lưu: cây thước, chiếc compas, cái búa căn và hệ tọa độ cùng trà, đậu, mật ong… như những biểu trưng của cuộc sống, Ai cùng Ky rời lò bánh mỳ của Aesop và tiếp tục đi về phía biển. Ở đây các cậu được thuyền trưởng Steve mời lên chiếc tàu “Phía Trước”, tiếp tục khám phá đại dương tri thức. Hình ảnh dải đất hình chữ S cuối sách như một nhắc nhớ cảm động về cội nguồn mà các tác giả muốn lưu giữ thông qua sách.

Trân trọng giới thiệu!


 

Báo chí giới thiệu:

Theo VnExpress

Sách của Ngô Bảo Châu dụ độc giả đến với toán học(Thứ tư, 08/08/2012 12:51:12 PM)

Tối 2/8, tại Hội trường Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm giới thiệu tác phẩm "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" của tác giả Ngô Bảo Châu và người bạn Nguyễn Phương Văn. Tuy chỉ mới xuất bản được hơn bốn tháng, cuốn sách đã được tái bản tới bốn lần với lượng sách bán ra lên tới hàng chục nghìn bản. Lượng khán giả chật kín Hội trường Trung tâm văn hóa Pháp - từ người lớn tới trẻ em - cũng cho thấy sức hút đặc biệt của Ai và Ky.

"Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" được hai tác giả thống nhất gọi là thể loại "tiểu thuyết toán hiệp". Lựa chọn hình thức cổ tích, cuốn sách là cuộc phiêu lưu của hai nhân vật Ai và Ky trong thế giới những con số và phép dựng, của trường và chiều. Chặng đường Ai và Ky dấn bước trong câu chuyện bắt đầu từ buổi sơ khai của toán học với Euclid và những tiên đề đầu tiên về điểm và đường thẳng, Cartesius với hệ tọa độ và phương pháp tư duy trừu tượng... cho tới cả những lý thuyết toán học hiện đại. Hai nhân vật Ai và Ky gặp gỡ, trò chuyện cùng những danh nhân toán học của nhiều thời đại, được họ giảng giải, từ đó hiểu ra những quy luật, định lý cũng như vẻ đẹp của toán học.

Bốn diễn giả tại tọa đàm. Từ trái sang: Tiến sĩ Hà Huy Khoái, tác giả Nguyễn Phương Văn, tác giả Ngô Bảo Châu, nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ảnh: Nhã Nam.
Theo Tiến sĩ toán học Hà Huy Khoái, cuốn sách, với những cách nhìn thấu đáo và cách diễn giải giản dị, đã mang chân lý đến với người đọc một cách tự nhiên. Theo ông, GS. Ngô Bảo Châu là một người hiểu rõ bản chất toán học nên đã biến những vấn đề hết sức phức tạp trở nên dễ hiểu, đưa con người trở lại sự ngây thơ để nhìn nhận toán học. Trong cuốn sách, ông có thể đọc được cả những vấn đề của toán học, văn học, lịch sử và triết học. Đặc biệt, những triết lý giản dị mà sâu sắc được đan cài trong tác phẩm như "tôi đang nghi ngờ" (bắt nguồn từ quan điểm triết học "tôi tư duy tức là tôi tồn tại"), cho thấy sự sâu sắc như con người Ngô Bảo Châu, bởi khi nghi ngờ cái khác tức là bản thân "tôi" đã tồn tại.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, cuốn sách ai đọc cũng hiểu, nhưng hiểu sâu sắc thì không phải là chuyện đơn giản. Càng từng trải, người đọc sẽ càng hiểu nội dung của nó ở nhiều góc độ, ý nghĩa khác nhau. "Thần đồng thơ" cũng nhận định, cuốn sách viết chung nhưng không có dấu hiệu của những vết ráp nối mà cả hai hòa vào nhau cả về văn phong và nội dung.

GS Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn ký tặng độc giả. Ảnh: Nhã Nam.
GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ, cuốn sách xuất phát từ tình bạn giữa anh và Nguyễn Phương Văn. Kiến thức toán học trong "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" do Ngô Bảo Châu đưa ra, trong khi cả hai bàn bạc về nhân vật, mạch truyện và thống nhất văn phong để triển khai câu chuyện. Trong 8 tháng viết sách, Ngô Bảo Châu ở Mỹ, Nguyễn Phương Văn ở Việt Nam, vì thế phần lớn họ trao đổi qua internet. Có khi, Ngô Bảo Châu nêu ý tưởng, vẽ hình rồi scan gửi về cho Nguyễn Phương Văn. Cuốn sách được viết bằng một văn phong mạch lạc và trong sáng. Nguyễn Phương Văn cho biết, tất cả những gì rườm rà, diễn đạt hoa mỹ, dài dòng đều được Ngô Bảo Châu cắt bỏ bằng tư duy của một nhà toán học.

Sử dụng hình thức tiểu thuyết, nhưng nội dung của "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" hoàn toàn là những kiến thức toán học, khiến không ít độc giả thắc mắc về yếu tố văn chương trong cuốn sách. Theo Ngô Bảo Châu, việc lựa chọn hình thức tiểu thuyết chỉ là lựa chọn một cách hành văn, nhân vật, giới hạn của nhân vật để miêu tả, đồng thời cấp cho tác phẩm một tuyến truyện, với mục đích chuyển tải những nội dung toán học. Cả hai tác giả cho rằng, đây chỉ là một tác phẩm cận văn học, chứ chưa phải là văn học. Tiến sĩ Hà Huy Khoái nhận định, thành công về văn học ở cuốn sách nằm ở cách chọn hình thức truyện cổ tích. Theo ông, chỉ trong cổ tích, những danh nhân toán học cách nhau hàng thế kỷ mới có thể ngồi chung dưới một mái nhà, đàm đạo, tái hiện được cả một chặng đường của toán học từ sơ khởi đến hiện tại.

Cuốn sách thành công ngoài mong đợi về đối tượng độc giả khiến hai tác giả hài lòng. Tuy nhiên, điều nuối tiếc, theo Ngô Bảo Châu, là đã để nhân vật đơn thuần sống với những tri thức khoa học mà thiếu buồn vui về cuộc sống. Nếu được viết lại, nhà toán học cho biết, anh sẽ cấp cho nhân vật có tình cảm, có buồn vui và thiết tha với cuộc sống hơn.

Theo Ngô Bảo Châu, "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" mang đến cho người đọc tình yêu với toán học, để nhìn nhận toán học không phải một công cụ đo đếm hay công cụ cho các ngành khoa học khác mà là thứ cần cho đời sống, như văn thơ, nhạc họa. Không ít các ý kiến cho rằng, cuốn sách có nhiều chỗ khó hiểu, nhưng Ngô Bảo Châu hy vọng, chính điều đó sẽ kích thích trí tò mò của độc giả để hiểu về nó - đó cũng chính là một con đường đến với toán học.

Hà An.

 

 




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận