Nhắc đến cái tên Mạc Ngôn, độc giả khắp nơi trên thế giới không thể quên được tác giả của hai cuốn tiểu thuyết đã làm cốt truyện cho bộ phim trứ danh của đạo diễn Trương Nghệ Mưu: Cao lương đỏ. Mạc Ngôn được ca ngợi là Franz Kafka, Joseph Heller của Trung Quốc và cũng giống như nhiều nhà văn hiện đại khác ở đất nước của những chiếc quạt này, ông đã không ngừng tập trung bút lực cho những vấn đề của xã hội. Tư tưởng, quan điểm sáng tác của Mạc Ngôn chịu nhiều ảnh hưởng từ các đại văn hào Lỗ Tấn và Gabriel Garcia Marquez. Hình ảnh và nhân vật trong tác phẩm của ông thường rất phức tạp, nhiều tầng ý nghĩa, Mạc Ngôn thu hút độc giả vào những vũ trụ hỗn loạn song lại vô cùng đẹp đẽ, tựa như được nhìn qua một lăng kính vạn hoa. Ở Mạc Ngôn, người đọc nhìn thấy được dũng khí của một cây viết vừa mãnh liệt vừa tưng tửng, vừa cay đắng vừa hài hước, vừa đả kích vừa xót xa; thấy được những hiện trạng xã hội tan nát, bê bối, bi thảm của thời cuộc, của xã hội Trung Quốc phơi bày trong văn chương của Mạc Ngôn, nhưng đằng sau mỗi con chữ hiện thực tả chân ấy là cả một nỗi xót xa, cay đắng. Qủa là thiếu sót khi nhắc đến Mạc Ngôn mà không đề cập đến Bạch miên hoa - một thiên tình sử đẫm nước mắt, một thiên sử thi về cây bông và những thân phận con người gắn bó với cây bông trên miền quê Cao Mật. Xã hội với những u tối bủa vây đã bóp nghẹt sự sống của con người, đang tước dần và rút mòn những hy vọng, khao khát của con người, thậm chí cả những đam mê yêu đương thuần khiết...
Tóm tắt nội dung Bối cảnh trong Bạch miên hoa vẫn được Mạc Ngôn xây dựng tại quê hương Cao Mật quen thuộc. Song, đó không chỉ là câu chuyện về một vùng quê nghèo khó mà còn là về những người nông dân cần lao đã phải rời xa thôn làng đến xưởng chế biến bông để mưu sinh. Giữa ngút ngàn bông trắng ấy, Phương Bích Ngọc - một cô gái xinh đẹp và mạnh mẽ, nhưng trước đó bị ép hứa hôn với một người mà cô không hề yêu - lại gặp được một Lý Chí Cao sâu sắc, có tài nhưng không gặp thời. Và tình yêu của họ đã bung nở giữa những ngày đông giá lạnh... Thế nhưng, vẫn có những rào cản mà con người ta không dám bước qua, và cuộc sống cũng không tươi sáng như màu trắng của bông... Qua Bạch miên hoa, bức tranh về giai đoạn công nghiệp hóa ở nông thôn Trung Quốc cũng được tái hiện rõ nét với những đặc điểm mang tính biểu tượng và gây được ấn tượng mạnh mẽ cũng như những cảm xúc sâu sắc trong lòng độc giả...
”... Mắt tôi dần dần cũng làm quen với bóng tối. Chung quanh tôi, bông đang phóng ra những chút ánh sáng màu trắng nhờ nhờ, tôi nhận ra gương mặt mơ hồ của Phương Bích Ngọc. Tôi nghe thấy tiếng thở của cô ấy, tôi ngửi thấy một thứ mùi hỗn hợp từ thân thể cô ấy, thứ mùi có một chút chua chua, một chút mặn mặn và một chút thơm tho. Khi bắt đầu hiểu chuyện đời chuyện người, tôi đã mê đắm con người chỉ ngồi cách tôi ba mươi phân kia, chỉ cần vươn tay là có thể ve vuốt được, nhưng tôi không dám đụng vào. Tôi cảm thấy lạnh, răng đánh vào nhau lập cập phát ra thành tiếng nghe rất rõ ràng. Cô ấy không nói gì, cô ấy đang nghĩ gì? Tôi lắp bắp: - Chị... Bích Ngọc... Chị gọi tôi đến đây làm gì... Cô ấy thở dài, giọng rất rõ và trong: - Ngay tại chỗ này, tôi đã làm chuyện ấy với anh ta chín lần! Tiếng nói của cô ấy đụng phải bức tường bông, ngay lập tức bị chúng hấp thu. Trong chín lần hoan lạc của họ, bông đã hấp thu bao nhiêu âm thanh, bao nhiêu mùi vị, bao nhiêu nước mắt? - Tại chỗ này, tôi dùng bông... Rốt cuộc thì tôi đã dùng bông để lau máu... Bông đã tiếp nhận những giọt máu trinh nguyên của cô ấy! Những bí mật của đàn bà bắt đầu hé mở trong tôi. Tôi đã mười tám tuổi!...”
Cũng như nhiều tác phẩm khác của mình, với Bạch miên hoa, một lần nữa độc giả lại thấy thấm thía câu nói của Mạc Ngôn: “Mọi thứ tôi đều moi từ trong cái bao tải rách của vùng Đông Bắc Cao Mật”. Mỗi vấn đề, mỗi con người được ông dựng nên trong Bạch miên hoa ngoài những gì thuộc về riêng tư thì hầu hết chịu tác động chung của thời cuộc. Họ vùng vẫy, đấu tranh, kiên cường và cả hy sinh chỉ vì sự sống. Và sống thì không chỉ là hít thở và cử động. Họ có quyền được yêu, được mưu cầu hạnh phúc, được tồn tại đúng nghĩa... Nhưng mọi thứ dường như cứ trói chặt lấy họ, cả thể xác lẫn tâm hồn... ”Mạc Ngôn vượt ra ngoài những vùng cấm bằng giọng văn “tưng tửng”. Anh ta viết cứ “tưng tửng” mà đọc rất đau, đều là nỗi đau đời cả vì có những chuyện rất giống nước mình. Tôi dịch được văn của anh ta không phải vận dụng cái này hay cái khác để đồng cảm đâu. Lúc nào tôi cũng thấy như chuyện nhà mình vậy” - Dịch giả Trần Đình Hiến đồng cảm chia sẻ.
Thông tin tác giả Mạc Ngôn (có nghĩa là: không nói gì) tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh năm 1955 tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Thời thơ ấu, ông phải bỏ học tiểu học vì cách mạng văn hóa và tham gia lao động nhiều năm ở các vùng nông thôn trong điều kiện sống tồi tệ. Năm 1976, Mạc Ngôn nhập ngũ. Năm 1984, ông trúng tuyển vào khoa văn của Học viện nghệ thuật Quân giải phóng Trung Quốc, bắt đầu con đường văn nghiệp. Ông viết văn chuyên nghiệp từ năm 1987. Từ khi công bố tác phẩm đầu tiên đến nay, Mạc Ngôn đã in tổng cộng trên 200 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, ký, phóng sự, tùy bút… Hiện Mạc Ngôn là sáng tác viên bậc một của Cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được dịch ra nhiều ngôn ngữ, được phát hành ở khắp nơi trên thế giới và có sức ảnh hưởng lớn đối với người đọc. Trong số đó có thể kể đến: Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Tửu quốc, Tứ thập nhất pháo, Thập tam bộ, Sống đọa thác đày, Châu chấu đỏ, Hoan lạc, Người tỉnh nói chuyện mộng du, Con đường nước mắt, Bạch miên hoa, Trâu thiến, Ếch…
Với quá trình hoạt động nghề nghiệp không mệt mỏi, Mạc Ngôn đã giành được vô số giải thưởng uy tín trong và ngoài nước: Giải nhất tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc cho Báu vật của đời (12/1995); Giải Mao Thuẫn cho tiểu thuyết Đàn hương hình; Giải tiểu thuyết toàn quốc lần thứ 4 (1987) cho tiểu thuyết Cao lương đỏ; Giải Văn học nước ngoài Laure Batailin (Pháp); Giải Văn học quốc tế Nonino (Ý); Giải thưởng lớn cho Văn hóa châu Á (Nhật); Giải Hồng lâu mộng cho Tiểu thuyết Hoa ngữ thế giới (Hồng Kông); Huân chương Kỵ sĩ Nghệ thuật văn hóa Pháp (3/2004); Tiến sĩ văn học danh dự do trường Đại học Công Khai Hồng Kông trao tặng (12/2005)… Đặc biệt là Giải Nobel Văn học 2012. Mặc dù các tác phẩm của Mạc Ngôn từng gây cơn sốt ở Việt Nam ngay từ nhiều năm trước thì tên tuổi của ông lại không hề gây được hiệu ứng tương tự ở chính nước mình. Tác phẩm của ông từng bị khá nhiều độc giả, nhà phê bình nước ông đả kích, từng nhận nhiều chỉ trích xã hội trái chiều. Thậm chí trước khi giải Nobel được xướng lên, rất nhiều nhà văn, tờ báo Trung Quốc, trong đó có tờ China Daily còn bày tỏ sự ngờ vực về việc ông sẽ đoạt giải. Với giải thưởng danh giá bậc nhất này, nhà văn Mạc Ngôn đã trở thành người Trung Quốc thứ ba nhận giải Nobel, sau Cao Hành Kiện (Nobel Văn chương 2000) và Lưu Hiểu Ba (Nobel Hòa bình 2010).