Cùng với tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phát triển và củng cố vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp nhiều rào cản phi thuế quan, trong đó có những biện pháp như "chống phá giá ở các nước nhập khẩu". Nếu như ở trước thời điểm Việt Nam làm đơn xin gia nhập tổ chức thương mại thế giới - WTO - 1995, nền xuất khẩu Việt Nam chỉ gặp một vài vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào một vài mặt hàng XK không trọng yếu như: tỏi, căm xe đạp, xe đạp, hộp quẹt ga (bật lửa)…; thì sau năm 2000, một loạt những mặt hàng xuất khẩu chủ lực (hàng dệt may, giày mũ da, tôm Sú, cá Basa…) trên những thị trường trọng yếu như: Hoa Kỳ, EU, Canada… cùng hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp XK của ta bị khởi kiện chống bán phá giá. Cho đến đầu năm 2009, các doanh nghiệp XK của Việt Nam đã đối đầu trên 30 vụ kiện chống bán phá giá.
Để giúp doanh nghiệp XK giảm thiểu bị kiện và chuẩn bị cho các doanh nghiệp đã bị kiện cách thức đối phó giảm bớt thiệt hại, nhóm nghiên cứu của Khoa Thương mại và Du lịch trường Đại học Kinh Tế Tp. HCM quản lý cấp vốn nghiên cứu: “Đề xuất những giải pháp đối phó với rào cản “chống bán phá giá” ở nước nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam - Trường hợp Tp. HCM”. Và từ công trình nghiên cứu khoa học của mình, nhóm đề tài đã viết thành cẩm nang dưới dạng hỏi đáp về những kiến thức cơ bản và thực tế nhất giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu tự trang bị kiến thức đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá trên thị trường thế giới.